Hồi ký khóa thiền Vipassana 10 ngày tại Sóc Sơn, Hà Nội

17/12/20142:00 CH(Xem: 40509)
Hồi ký khóa thiền Vipassana 10 ngày tại Sóc Sơn, Hà Nội
HỒI KÝ KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY
TẠI SÓC SƠN HÀ NỘI

Chân Hương

blankHành trang tôi mang đi là gì nhỉ? Một cái tâm đầy rẫy những phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, oán ghét, chối bỏ... Và cũng một mảnh tâm đó, tôi tràn ngập can đảm, quyết tâm và đương đầu. Trước lúc đi tôi có nói với một người bạn không hề biết mặt: "Tôi phải đi. Trường đại học không dạy tôi, ba mẹ không dạy tôi, bạn bè không dạy tôi, thành công hay thất bại không dạy tôi, người đời không dạy tôi, những cuốn sách của những người giàu cóthành công nhất thế giới mà tôi đọc cũng chẳng hề giúp tôi...". Tôi là một kẻ không hề sợ chết, tôi chỉ sợ sống một cuộc đời vô giá trị và hoàn toàn phi nghĩa.

Tôi lên xe, không hề quen biết một ai, cũng chẳng biết người ta sẽ đưa tôi đi đâu, ở chỗ nào, ăn cái gì, ngủ thế nào, sống ra sao. Tôi rất gầy và cảm thấy mình gần như không đủ sức khỏe. Tôi biết 1 ngày mình chỉ được ăn 1 bữa chính, là cơm chay, buổi chiều chỉ ăn hoa quả, sáng chỉ ăn nhẹ. Một ngày của tôi bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc lúc 22h, trong đó có 12h phải giữ cho tinh thần tỉnh thức và làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, cần mẫn. Đó là một lịch sinh hoạt chưa bao giờ xảy ra trong cuộc đời tôi. Và một điều tôi chưa từng làm bao giờ: Giữ im lặng. Ai đó từng nói: "Chúng ta chỉ mất một vài năm để học nói thôi, nhưng mất cả một cuộc đời để học cách im lặng". Thật là thấm thía ! Tôi học cách ý thức rằng mình tu tập trong sự cô độc, không có bất kì một sự liên hệ nào với bất kỳ ai và cả thế giới bên ngoài. Không sách báo, không viết lách, không điện thoại, không TV, không internet, không làm đẹp, không áo quần cầu kỳ, không có người khác phái... Thật là tuyệt, tôi háo hức vô cùng. Bởi vốn dĩ, tôi cũng chẳng có bất kỳ ham muốn nào với tất cả những thứ phù phiếm đó. Chỉ có một đôi lần phảng phất trong tâm trí tôi hình ảnh của Ông nội đang chống chọi với cơn đau triền miên và bệnh tật...nhưng nỗi đau ấy càng thúc giục tôi nhất định phải lên đường. Sự day dứt và loanh quanh của tôi suốt bao năm qua đã là quá đủ.

Chúng tôi rời Hà Nội khi trời tầm tã mưa, xe chật người và tôi thiếp đi trong mộng mị. Chợt nhớ ra đêm qua mình đã thức trắng và một nửa ngày tiếp theo với biết bao mệt mỏi, cho đến tận lúc lên xe vẫn tiếp tục phải gọi những cuộc điện thoại dài không hồi chuông với một cái đầu đau nhức. Tôi đã sống mà không đếm được bao nhiêu ngày như thế. Và cái suy nghĩ đó khiến tôi bất giác đăng 1 cái status lên facebook. Tắt máy. Một cảm giác bình yên lan tỏa, dẫu là trốn chạy khỏi những bộn bề. Nhưng làm sao tôi có thể cứ sống một cuộc đời trốn chạy như thế? Cần phải tạm thời vứt bỏ tất cả ở lại. Nhắm mắt...

Mở mắt ra, tôi thấy trước mặt như một khu rừng. Xòe ô và bước chân xuống đất, không khí ở nơi đây đã khác quá những ngày tôi đã sống. Tôi đặt bút viết những dòng cam kết giữ 5 giới và giữ im lặng suôt khóa thiền. Có một sự háo hức vô biên về những ngày sắp tới, tôi kéo chiếc vali lầm lũi đi tìm số thứ tự của mình sau khi gửi lại điện thoại, ví và mọi thứ có thể mua được bằng tiền. Một cảm giác tự do, bạn có thể hiểu được cảm giác đó không? Đó mới chỉ là buông bỏ tiền bạc và vật chất, mà ta đã thấy ta tự do biết nhường nào! Tôi ngã xuống giường với một cơn ngủ thật êm.

Đang miên man và mỏi nhừ, tiếng chuông ăn chiều vang lên làm tất cả chúng tôi tỉnh giấc, mọi người nối đuôi nhau xòe ô đi xuống nhà ăn, đi trong cơn mưa, im lặng, im lặng. Đấy là lần đầu tiên tôi ăn chung bàn với rất nhiều người mà mình không hề quen biết, nhìn thấy rất nhiều người nhưng chỉ biết là thế, không hề nhìn vào mắt nhau, tránh tất cả các loại tiếp xúc và giao tiếp. Thật kỳ lạ, tôi đã ăn những thìa cháo đầu tiên rất ngon lành. Có cần gì phải nói với nhau đâu nhỉ, bữa chiều vẫn rất ngon, thật hạnh phúcbình an. Những lời nói... đôi khi làm bữa ăn của chúng ta trở nên mệt mỏi, và sẽ có những người rời khỏi bàn trước khi bữa ăn kết thúc, người ở lại cũng chẳng còn thấy ngon...Giá như trong đời sống chúng ta biết im lặng nhiều hơn, trân quý mỗi khoảnh khắc ở bên nhau hơn, bởi những lời nói sớm muộn gì cũng mang đến tổn thương...Ăn xong mỗi người tự mang bát của mình đi rửa, lại theo thứ tự, nối nhau, không ai nói với ai...

Chúng tôi bắt đầu bước chân lên thiền đường và giờ pháp thoại đầu tiên của buổi tối đầy bỡ ngỡ, những lời nói ấm áp của thầy dội vào những cái đầu non nớt một làn sóng ấm lan tỏa, nó thật an bình, an tâm và tĩnh mịch. Chúng tôi bắt đầu được dạy về việc quan sát hơi thở. Thật khác với những gì tôi tưởng tượng. Nó đơn giản hơn tôi nghĩ rất nhiều, không cần chú trọng xem mình ngồi theo tư thế gì, bất cứ cách ngồi nào mình thấy thật thoải mái và có thể ngồi lâu, cốt yếu là giữ tinh thần tỉnh thức... Chúng tôi bắt đầu như thế, cứ để mọi thứ tự nhiên như nó vốn là, đơn giản vô cùng, và cũng khó khăn vô cùng. Và giấc ngủ đầu tiên cũng an bình như thế, vào lúc 21h30, điều mà trước đó tôi khó mà nghĩ mình có thể làm được.

1. Ngày thứ nhất !

Choàng tỉnh dậy bằng ba hồi chuông, ánh đèn phòng, tiếng mọi người rục rịch, sột soạt, và tiếng mưa. Giờ chỉ có tiếng mưa này làm bạn, chỉ có mưa mà thôi. Tôi mặc cho mình bộ lễ đi chùa vừa vặn, xòe ô và lặng lẽ đi trong bóng tối. Trên đầu đèn vàng đã kịp rọi, nhưng nếu không để ý từng bước đi thì sẽ ngã rất dễ dàng. Tôi bắt đầu bằng những bước chân ý thức như thế, ý thức là mình đang đi, ý thức để mình không làm ngã chính mình.

Tôi lặng lẽ ngồi xuống chiếc tọa cụ, choàng khăn lên cho ấm. Không gian yên ắng, tĩnh mịch và trang nghiêm vô cùng. Tôi nhớ đến tựa đề một đoạn văn nào đó" Bước vào sự thinh lặng...". Ở đây chúng tôi gọi đó là "Sự im lặng thánh thiện". Sự im lặng quả thật rất thánh thiện. Tôi đã không thể nào hình dung và cảm nhận được sự thánh thiện đó nếu không phải chính tôi đang có mặt ở nơi đây. Tôi nhắm mắt và bắt đầu làm công việc của mình. Hàng trăm ý nghĩ bắt đầu len lỏi, chúng tìm đủ mọi cách nhen lên trong tâm trí tôi, những thứ làm tôi khóc, những điều làm trái tim tôi buốt nghẹn...tất cả ùa về. Tôi tự thấy hai hàng nước mắt chảy dài xuống má. Tôi khóc sao? Không được rồi. Tôi đang thiền cơ mà... Tôi gạt nước mắt làm lại, làm lại, và hàng chục lần như thế xảy ra trong giờ thiền đầu tiên...Chân tôi tê nhức và toàn thân mỏi dã dời...

Thiền sư bước vào thiền đường chừng lúc 5h30. Nhìn thấy ngài, tôi thấy an tâm hơn như được che chở, tôi tiếp tục vật lộn với cái tâm biếng nhácyếu đuối của mình. Và mỗi một lần phát hiện ra tâm tôi đã đi lang thang, tôi lại trở về, bắt đầu lại, bắt đầu lại...Rồi một âm thanh lạ lẫm vang lên giữa bầu không khí tĩnh mịch làm tôi choàng mở mắt, nhận ra ánh sáng của ngày mới đã lên qua những ô vuông. Cho mãi đến sau này, tôi mới biết nó là những câu được viết thế này :

"...Sabbe sañkhãrã aniccãti, yadã paññãya passati,
Atha nibbindati dukkhe, esa maggo visuddhiyã..."

Phải nói thật là tôi chưa bao giờ biết tụng kinh, dù đã lên kế hoạch cho việc này hàng năm về trước. Tôi cũng chưa biết một mẩu chữ tiếng Pali nào, ngay cả khi nghe thấy các thiền sinh cũ nói Sa-đu, tôi mới biết đó chính là phát âm của từ Sādhu mà hàng ngày tôi vẫn nhìn thấy vô số trên facebook. Cảm giác lần đầu tiên nghe những lời tụng đó, trong một thiền đường trang nghiêm và thinh lặng vô cùng mới thật là thiêng liêng làm sao. Tôi hẳn đã không thể nào kiên nhẫn nghe những lời tụng này nếu tôi đang ở trong phòng riêng của mình. Tôi hẳn đã không thể nào ngồi liền 2h đồng hồ trong bóng tối mà chỉ ngồi yên, không làm gì hết, vào cái giờ mà hàng ngày tôi đang chìm sâu vào giấc ngủ, dù cho tôi vốn là người có quyết tâmnghị lực nhiều thế nào đi nữa... Trong một giây phút rất ngắn, tôi tự thấy mình may mắn vì đang có mặt ở đây, điều mà tất cả những con người bận rộn và ngụy biện ngoài kia sẽ không bao giờ làm được, họ luôn có một ngàn lẻ lý do để thoái thác và từ chối, và rồi cứ điên đảo ngập tràn trong một cuộc sống không làm chủ được bình anhạnh phúc của chính mình...

Thiền sư rời thiền đường. Tôi gấp tấm khăn để ngay ngắn trên bồ đoàn, lững thững bước ra cửa. Trời vẫn mưa và lạnh, tôi bước những bước đầu tiên đầy hạnh phúc. Bạn có thể hiểu được cảm giác hạnh phúc của một người ngồi liền 2h đồng hồ trong phòng tối đến mức thân đau ê ẩm khi bước ra ánh sáng với một bầu trời mát trong không? Bạn phải ngồi như thế thì mới có thể thấu hiểu sự hạnh phúc. Và thật kỳ diệu, tôi bắt đầu nhìn thấy một bông hoa xấu hổ, màu tím nhạt, lá xanh rì, còn ướt đẫm sương đêm. Đột nhiên trong ký ức tôi dội về một câu chuyện trong cuốn "Trái tim thiền tập".  Có một vị sư nói ông thực tập thiền chỉ để cảm nhận được vẻ đẹp của một bông hoa lẻ loi bên đường mà không ai chú ý... Tôi đúng là đang sống trong hạnh phúc của vị thiền sư đó, thứ hạnh phúc mà trước đây, dù đọc bao nhiêu sách về thiền quán, tôi vẫn không thể hiểu tại sao nó lại là hạnh phúc. Tôi chỉ biết những người ngồi thiền có những câu văn rất hay, có một tâm hồn vô cùng nhạy cảm, sáng tạo, tinh tế và sâu sắc. Ngay cả Steve Jobs cũng vậy, nhưng tôi không thể hiểu thiền là cái gì, tại sao nó lại có công năng lớn đến như vậy...

Tôi bước đi rất chậm, âm ỉ cảm nhận sự sung sướnghạnh phúc của một kẻ mới được tự do. Mưa vẫn ở đó làm bạn nhưng tôi chẳng hề sợ ướt, cũng chẳng hề ghét bỏ. Tôi vốn chỉ thích mùa hè và nắng, trước đây tôi rất ghét mưa, tôi cũng chẳng bao giờ biết dùng ô nữa. Vậy mà sớm nay, tôi bình yên với chiếc ô của mình, màu hồng rất đẹp, bước những bước nhỏ và chậm rãi, vừa đi vừa hít hà hương buổi sớm, hương tinh khôi và cảm nhận đôi chân của mình rảo bước trên con đường nhỏ nhỏ, những cánh hoa bỏng nhỏ li ti hai bên ven đường... Tôi hẳn đã không bao giờ để ý đến chúng nếu tôi đang ở ngoài cuộc sống hối hả kia...

Bữa sáng đầu tiên là xôi lạc, sữa đậu nành, trà nóng, ngũ cốc, rất nhiều G7 và Nescafe... Thật là thích, còn gì bằng một sáng yên bình với một tách cafe/ trà nóng và nhâm nhi bữa sáng chẳng hề lo toan, chẳng phiền muộn, cũng chẳng hề vội vã. Chung quanh đều là những người giống tôi. Không gian vẫn im lặng như thế, chỉ có tiếng mưa rả rích như một bản nhạc không lời, trong suốtthánh thiện. Một sự im lặng nhiệm màu, tôi thấy thật bình yên... Tan giờ ăn tôi lại đi những bước đi thật chậm dưới cái ô của mình trở về phòng nghỉ. Trên hàng cây ven đường tôi bắt đầu nhìn thấy thật nhiều những chú ốc sên nằm lim dim trên lá bỏng, ngủ ngoan lành. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều ốc sên nhỏ như vậy, chúng chỉ bằng đầu ngón tay hoặc nhỏ hơn, ngủ rất hiền ngoan...

Giấc ngủ ngắn ập đến sau khi về phòng và bị đánh thức bởi tiếng chuông của giờ thiền chính khóa. Một ngày thiền thực sự bắt đầu. Cuộc chiến tranh trong tâm tôi lại tiếp tục bùng nổ, đôi khi tôi thấy rất rõ mặt mình nóng ran lên, tim đập nhanh và hỗn loạn... Hẳn là lúc đó tôi đang rất tức giận, rồi lại quay về với hơi thở của mình, quay về, quay về... Lời của thầy vẫn đầm ấm trên cao: "Hãy làm việc chăm chỉ, cần mẫn, nghiêm túc, bạn chắc chắn sẽ thành công, chắc chắn sẽ thành công..."

Lời nhắc ấy theo chúng tôi suốt khóa học và ở bên cạnh chúng tôi mỗi lúc chỉ trực đổ gục xuống và toàn thân tê nhức...

2. Ngày thứ 2

Tôi bắt đầu ngày mới vào lúc 4h15, sau 1 ngày đánh vật với cái tâm bất trị, tâm tôi trở nên vô cùng bén nhạy với nỗi đau. Tôi ngồi xuống bồ đoàn và nhắm mắt. Trong một bầu không khí tĩnh mịch, chỉ có một mình ta với ta, thế giới trong tôi hiện lên rõ rệt như dòng suối đổ ào về thực tại mà mình phải đối mặt, không còn cách nào khác. Tất cả những tổn thương tôi từng trải qua, tất cả những thất bại tôi từng nếm vị, tất cả những lời mắng nhiếc tôi phải nhận về, và những cảm giác uất ức không thể nào thốt lên thành tiếng... Chúng xoay vần và làm thân tôi nóng ran và tâm tôi như điên loạn. Nhưng rồi tôi lại nhớ lời thầy: Đó là điều tất nhiên. Vết thương đã bị bong ra, bị khơi ra làm cho chảy máu và mưng mủ, cuộc giải phẫu thực sự đã bắt đầu... Phải, đau là tất nhiên thôi! Tôi chỉ đơn giản nghĩ đó là việc phải xảy ra, vậy ta đối mặt với nó, can đảmvui vẻ đối mặt với nó, ta quan sát tâm mình xem nó đang làm gì và thân ta cảm thấy thế nào... Lúc này tôi mới thật sự thấy cần phải hết sức can đảm mới có thể dám nhìn thẳng vào tâm của mình, quan sát nỗi đau của chính mình, mà không phản ứng gì hết. Chỉ quan sát, chỉ quan sát... Thật may, tôi vốn là một kẻ không hèn nhát. Chỉ có điều, chỉ như thế thôi là không đủ.

Trước giờ tôi chưa từng thấy mình ở trạng thái thiền thực sự, cũng chưa bao giờ học thiền nghiêm túc với sự quyết tâm cao như thế.  Vậy mà tôi thậm chí không ngồi được trọn vẹn một bài kinh buổi sáng. Đôi lúc tôi rất lấy làm đau khổ về sự yếu kém của mình, nhưng rồi những lời từ bi của thầy làm tôi tan biến cảm giác thất vọng về bản thân rất nhanh. Ta không ghét bỏ bó, không chán nản nó, mỗi khi nhận ra tâm ta đã đi lang thang, chỉ cần mỉm cười và bắt đầu lại, bắt đầu lại ...

Start... again... !!!
Cứ thế, tâm của tôi cũng dần thay đổi những lối mòn...

3. Chiếc ô CỦA TÔI đâu ?

Giờ pháp thoại tối hôm trước bắt đầu với cái Tôi và Của Tôi, ngọn nguồn của mọi đau khổ. Chúng tôi được dạy về việc vứt bỏ cái bản ngã của mình để tránh những điều ngộ nhận, tránh một cái thấy sai lầm về Tôi, Của Tôi. Tôi vẫn nhớ như in, từng câu chữ của thầy như cắt gọt vào tận tâm can nỗi đau khổ sâu thăm thẳm trong tôi. Hẳn là tôi sẽ không đau khổ nếu tôi chỉ là một con bé ngu ngốc, xấu xí, thất bại, thất học, nghèo nàn, hèn nhát và thiếu hiểu biết...Tôi đau khổ vì tôi nghĩ mình không phải kẻ đó, nên bất hạnh sao có thể xảy ra với mình. Và nữa, những thứ "của mình"... Miên man trong dòng suy nghĩ về bài pháp thoại, tôi bắt đầu ngồi vào bàn ăn nhìn láo liêng. Và lạ chưa, tôi không nhìn thấy chiếc ô của mình đâu nữa. Có chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Ô của tôi đâu? Ai đó đã cầm nhầm ? Tại sao ở đây mà vẫn có kẻ làm việc đó nhỉ? Tôi phải sống thế nào suốt khóa học nếu không có chiếc ô đó? Chắc hẳn thời tiết sẽ còn mưa hàng tuần trời... Tôi vừa ăn vừa nghĩ cách tìm lại nó. Mình sẽ làm thế nào nhỉ, nói với ban quản lý, hay về phòng rồi...phá giới im lặng... Rồi tôi hoàn tất bữa ăn, thất vọng đi ra rửa bát rồi úp lên kệ. Lạ chưa, chiếc ô của tôi đã được gấp ngay ngắn đựng trong chiếc giỏ cho gọn ở ngay cửa ra vào. Tôi trố mắt nhìn và tự phì cười chính mình. Giờ pháp thoại hôm qua thầy cũng kể về một người y như thế, vậy mà ngay lúc này, chính tôi đã trải nghiệm cái "Của Tôi" phi lý ấy. Mặc dù đã nghe rất nhiều kinh nghiệm nhưng khi chính mình trải nghiệm mới thấy mình thật khờ khạo và điên rồ. Vì mải miết chiếc ô, tôi đã chẳng nhớ ăn cái gì bữa sáng đó. Bữa ăn đó đã trôi đi và không cách nào quay lại, còn tôi lo lắng phỏng có ích gì đâu ?

Nếu có thuốc thì nghĩ làm gì
Còn không có thuốc lo nghĩ phỏng ích gì ?

4. Vipassana - Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến !

Sau 3 ngày học Anapana, chúng tôi thực sự được tiếp cận Vipassana. Tôi nhớ một giai thoại trong một bộ phim về võ thuật, cả 1 tuần đầu sư phụ chỉ bảo cậu đệ tử học 1 điều duy nhất: vứt chiếc áo xuống và nhặt chiếc áo lên, vứt xuống nhặt lên... cứ làm như thế ngày này qua ngày khác.  Cậu học trò đến một lúc không thể chịu đựng được công việc nhàm chán đó suýt nữa đã bỏ về, nhưng mãi về sau cậu mới biết đó chính là những thế võ đầu tiên. Chúng tôi cũng vậy, suốt 3 ngày chỉ học việc quan sát hơi thở ra vào, tôi đã làm nó thành thục đến nỗi nhận biết được cả hơi thở ra vào bên trái hay bên phải, chạm ở đâu trong mũi của mình, và những rung chuyển vi tế nhất dưới mũi... Ta phải làm những việc đầu tiên vô cùng thành thụckiên nhẫn thì mới có thể bước chân đến những bước tiếp theo.

Bỗng nhiên tôi càng thấm thía hơn chân lý của sự kiên nhẫn trong cuộc sống này, có lẽ kẻ nào mới bắt đầu đi những bước đi đầu tiên đã muốn bỏ cuộc và thoái lui vì vô vàn những lý do của bản thân, kẻ đó suốt đời chỉ sống trong nuối tiếc và hối hận, chẳng bao giờ có thể biết được hạnh phúc lớn lao khi đi đến tận cùng một con đường.

Tôi được dạy rằng, với tất cả những cảm giác mình gặp phải, dù dễ chịu hay khó chịu đến đâu, ta cũng chỉ quan sát nó, chỉ quan sát mà không phản ứng gì hết. Bởi ngay khi ta phản ứng lại với các cảm giác này, ta lập tức tạo ra sankhara (nghiệp) và bị bị dính mắc vào nó, phiền nãoham muốn cũng từ đó sinh ra và làm ta đau khổ. Tôi cũng được dạy rằng, ta sẽ không bị trừng phạt nếu ta chỉ dừng lại ở suy nghĩ, dù là một ý nghĩ không tốt đẹp nhưng nếu ta không biến nó thành hành động thì ta cũng không phải chịu trách nhiệm với hành vi đó. Và các cảm giác này, theo bản tính tự nhiênquy luật, khi ta không chiến đấu, không trả đũa, không phẫn nộ, không uất hận, không si mê... nghĩa là chúng sinh ra mà không được nuôi lớn, chúng sẽ thất bại, tan rã và bị trừ tuyệt hoàn toàn. Hiểu được Vô thường, ta giữ tâm quân bình với mọi cảm giác, dù là dễ chịu hay khó chịu, dù là hạnh phúc hay khổ đau... Ta ý thức được tất cả mọi cảm giác, nhưng không phản ứng, không thắt những nút rối bằng ham muốn hoặc ghét bỏ, không tạo ra đau khổ cho chính mình. Thôi không tham ái, thôi không sân hận, phiền não trong quá khứ mất đi, từ giờ trở đi ta thực tập cách không phản ứng, nghĩa là không tạo nghiệp, vậy chỉ còn tâm ta bình an. Đó chính là quá trình thanh lọc tâm mà từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ hiểu làm sao tâm có thể thanh lọc...

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, chính là đây !

Vipassana đã dạy chúng tôi nghệ thuật chết bằng cách học nghệ thuật sống. Chúng ta sống như thế nào thì sẽ chết như vậy mà thôi... Chúng ta bắt đầu xây nền móng từ việc giữ Giới luật (Sīla), rồi học thiền Anapana/ Vipassana để thực hành Định (Samādhi) và từ đó Tuệ giác (Paññā) phát triển, đó là những bước đầu tiên của một người giác ngộ.

Một người mang món quà đến tặng, nếu ta không nhận thì món quà sẽ quay trở về với người ấy, vậy hạnh phúc hay khổ đau có phải do người khác mang đến cho ta chăng? Chúng ta quen với việc nhận quà, nếu món quà là những điều ta ưa thích, ta liền cho đó là hạnh phúc, còn những gì ta không thích, ta cảm thấy khổ đau. Thực ra chúng ta đã luôn nhận món quà từ người khác mà không biết rằng chính sự nhận về của mình mới là nguyên nhân gây ra tất cả mọi cảm giác. Cũng vậy, mọi hành vi trong cuộc sống của ta đều do chính ta quyết định, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì vô minh, ta luôn than trách số phận và người khác, trong khi chẳng bao giờ nghĩ chính mình mới là người quyết định sẽ nhận lấy hay buông bỏ. Tôi bắt đầu hiểu chân thật và sâu sắc cái câu nói mà hàng ngày mình vẫn nghe nhưng chỉ nghĩ đó là lý thuyết, rằng sướng khổ tại tâm. Tôi tự cho mình là kẻ có học nên không có đức tin mù quáng mà chỉ có sự chứng nghiệm của bản thân, và tôi đã nghĩ hạnh phúc làm sao có thể tại tâm, có đôi chút gì đó phụ thuộc vào may mắn và người khác chứ? Nhưng cho đến giờ, tôi mới nhận ra, chúng tanguyên nhân gây ra hạnh phúc và khổ đau cho chính chúng ta, 100% chứ không phải là 80% như lúc đầu tôi nghĩ.

5. Để làm gì, em biết không?

Từng sự thật cứ thế được phơi bày và sáng tỏ khi tôi ngồi thiền. Rất đáng nhớ là tôi cảm nhận được sự đau nhức từ con tim. Tôi vốn không hề có tiền sử bệnh tim hay bất kỳ một loại bệnh tật gì, thậm chí chưa từng trải qua nỗi đau thân xác nào hết, vậy mà khi ngồi thiền, toàn thân tôi đau buốt. Tôi cảm nhận rõ bên trong cơ thể mình có những điều bất ổn. Có lẽ nếu cứ tiếp tục sống như tôi từng sống, tôi sẽ sớm bị bệnh mà thôi. Bệnh tật có lẽ được sinh ra một phần từ phiền não. Có những lúc tim tôi đập thật mạnh rồi loạn nhịp, đầu tôi chỉ muốn nổ tung. Có những lúc tôi đã không thể giữ được bình tâm, thất bại để mặc tâm quay về một ngõ ngách phiền muộn nào đó, nhìn thật sâu vào đó, quan sát xem mình đang cảm thấy gì, cảm giác đó sinh khởi thế nào, diễn biến ra sao rồi kết thúc. Nhưng luôn ý thức rằng mình chỉ quan sát...Trong một suy tưởng rất sâu, tôi bỗng nhiên nhớ đến một câu hát của Trịnh Công Sơn...

Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình... Chỉ lặng nhìn, không nói năng...

Để buốt trái tim...

Có phải nhạc sĩ cũng đã ngồi thiền như tôi, chỉ lặng nhìn và quan sát, để thấu hiểu, để nhói buốt... mà không làm gì cả. Không làm gì cả. Rồi thế, tất cả sẽ qua đi.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không? 
Để gió cuốn đi..  

Ra vậy đấy, để gió cuốn đi, chỉ để gió cuốn đi mà thôi !

Tôi quả thật chưa bao giờ hiểu sâu sắc từng lời bài hát ấy như vậy. Tôi cứ nghĩ ta sống ngay thẳng, thật thà, cố gắng cho đi mọi điều tốt nhất bằng cả tấm lòng của mình, vậy mà thứ ta nhận về chỉ có thất vọng và buồn đau, có bất công quá không? Nhưng giờ, tôi nhận ra mình không cần đền đáp lại bất cứ một điều gì, dù cho đó có là thứ tôi lầm lẫnhạnh phúc trước đây. Trong tôi không hề có một niềm mong cầu nào hết. Tất cả những gì tôi làm lúc này, là nuôi dưỡng một bình yên... Tôi tập trung vào chính tâm của mình để tìm thấy chỗ nương tựa, tìm thấy an lạc, tìm thấy hạnh phúc, mà không mong đợi phải đến lúc nào, phải làm được điều gì hay phải gặp được ai... Cảm giác này thật sự rất an lạchạnh phúc, và có vậy tôi mới có thể đem sự thanh thảnhạnh phúc ban rải sang người khác. Đó chẳng phải là điều tôi luôn muốn mang đến cho sự sống này sao? Tôi hiểu hơn câu nói "Người ta không thể nào đem cho người khác thứ mà họ không hề có"Thật kì diệu, Vậy ra mọi thứ tôi cảm nhận được trong suốt quãng đời đã sống chỉ toàn là lý thuyết mà thôi !

Để gió cuốn đi! Đó thật sự là một cảm nghiệm và thấu hiểu sâu sắc nhất về cuộc đời mà tôi cuối cùng đã hiểu.

6. Thiền Adhitthāna - Đóa hoa vô thường!

Một ngày chúng tôi có 3 giờ thiền với tư thế này, đó là 3 giờ thiền với lòng cương quyết, quyết tâm không thay đổi thế ngồi, quyết tâm không mở mắt, quyết tâm không để tâm lang thang, chỉ quan sát, chỉ quan sát... với sự thấu hiểu về Vô thường và giữ tâm quân bình, bình thản... Đó thật sự là một thử thách với tôi, vì dù rất cố gắng, tôi chỉ ngồi được 30 phút là chân tê nhức không thể giữ yên, và tâm bắt đầu phóng đi khỏi việc quán niệm hơi thở... Ngày thứ 5 và ngày thứ 6 đều vậy, tôi vẫn phải đổi chân đến 3, 4 lần trong mỗi giờ thiền...

Ngày thứ 7,

Tôi lên thiền đường lúc 4h30 sáng, chăm chú, cần mẫn và yên lặng... nhưng 30 phút trôi qua, đầu tôi bắt đầu nổ tung và chân tôi đau nhức, chẳng còn cảm thấy gì nữa. Tay tôi tê như kim châm và người chỉ muốn đổ gục xuống. Dù cố gắng thay đổi thế ngồi nhiều lần, thậm chí dựng đôi mắt lên và làm một vài động tác thể dục, cuối cùng, tôi đầu hàngbước ra khỏi thiền đường trong sự bất lực và thân tâm nặng trĩu...

Tôi rời khỏi nhà ăn, đi từng bước nhỏ rất chậm. Hẳn là tôi đã sai ở đâu đó nên không làm được... Những suy nghĩ đó làm đầu tôi bắt đầu căng thẳng... Tôi chẳng buồn đi ngủ mà lững đững dạo quanh các con đường. Bước chân ra hồ súng nhỏ, tôi ngồi thừ ở đó và tận hưởng không khí trong lành buổi sáng mùa thu sau cơn mưa...

Tôi ngồi ra cái cột gạch giữa hồ như thể người ta thường thấy các thiền sư công phu giữa thiên nhiên, vô cùng an nhiêntự tại. Bất chợt, tôi nhìn thấy rất nhiều nụ súng bé nhỏ nằm sâu dưới nước, thậm chí dưới vũng bùn, chúng đã không thể nở thành hoa... Một sự đau xót lóe lên trong tôi. Những nụ hoa súng đó không may sinh ra và gặp mưa bão, chưa kịp nở thành hoa đã vội chết vùi. Mẹ nó (thân cây) hay anh chị em, bạn bè, hàng xóm (quần thể hoa súng đó) có buồn không nhỉ? Đời sống quả thật vô thường, nếu là con người hẳn người ta sẽ đau lòng lắm khi chứng kiến cảnh một đứa trẻ không may lìa đời sớm... Tôi đột nhiên thấy thật ra có khác gì nhau đâu, chỉ là cây không biết nói mà thôi. Tôi lại nhìn khắp hồ súng và thấy có 3 bông hoa màu hồng tím nở xòe thật rực rỡ, ba bông hoa làm bừng sáng cả một hồ súng sau cơn mưa... Tôi chưa bao giờ thấy hoa súng đẹp như vậy, trong vắttinh khiết, dù mọc lên từ những lớp rác bùn. Một đời hoa súng kéo dài bao lâu, hôm nay là hoa, vài ngày sau đã thành rác, có những nụ hoa chưa kịp nở đã chết vùi, có những đời hoa sống trọn hết một đời khoe sắc. Những bông hoa sinh ra chỉ để nở đẹp mà thôi, và với tất cả sức sống mãnh liệt, chúng vươn lên và nở hoa rực rỡ... Giây phút ấy in thật sâu trong tâm trí tôi. Sức sống mãnh liệt của ba bông hoa súng giữa những ngày mưa bão thật sự đã khiến tôi quay về nhìn lại chính mình: phải chăng ta chẳng bằng một bông súng bé nhỏ? Tôi tự nhiên nhớ ra tiêu đề một cuốn sách thiền rất hay của thiền sư Ajahn Chah " Chỉ là một cội cây". Thì ra là vậy, vậy mà ta vẫn tự cho mình là hiểu biết ư, nghị lực ư, mạnh mẽ ư, quyết tâm ư? Ta đã làm chi đời ta vậy?

Bất kể ta đã sai lầm như thế nào, ngay khi hiểu ra, ta hãy mỉm cười và bắt đầu lại.
Ta bắt đầu lại... với tất cả lòng quyết tâm.

Thật kỳ lạ, giờ thiền ngay sau đó tôi thấy mình quan sát khắp thân được 3 vòng thì chân tôi bắt đầu tê nhức. Theo thói quen tôi sẽ chịu đựng khoảng 5-10 phút nữa và đổi thế ngồi. Nhưng lần này tôi nghĩ, ta cứ quan sátxem sao, đau thì đã sao, ta cứ bình tâm quan sát toàn cơ thể, không chú ý riêng đến cái chân đau đó nữa. Và tôi mặc kệ cái chân đau, cứ làm công việc của mình, thêm 3 vòng nữa thì tiếng tụng kinh quen thuộc của thầy vang lên, tôi cũng không để tâm đến việc bao giờ kết thúc giờ thiền mà tiếp tục hành thiền cho đến khi tiếng chuông xả thiền vang lên, các bạn thiền sinh cũ đồng thanh "Sādhu".  Tôi cúi gập người rồi khẽ mở mắtđứng dậy. Đó là lần đầu tiên tôi hoàn thành giờ thiền Adhiṭṭhāna, với sự trợ giúp từ ba bông súng bé nhỏ - những đóa hoa vô thường !

Vô thường ! Ở một góc nào đó chính nhờ nó mà chúng ta thực sự biết quyết tâm...Và thiên nhiên vẫn luôn có mặt ở đó để thay đổi ta, chỉ cần ta biết dừng lại để thấu hiểu thông điệp đó mà thôi.

7. Năm phút nhiệm màu !

Giữa những giờ thiền chúng tôi chỉ được nghỉ 5 phút, thật kỳ lạ, tôi có thể đi bộ từ thiền đường về phòng nghỉ, làm các việc vệ sinh, uống nước, ngả lưng trong vài phút, đi dạo quanh khu vực thiền sinh nữ, đôi khi là ra giữa hồ súng ngắm những bông hoa đẹp đẽ. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó có thể làm lành hết những nhức mỏi trong thân để lấy về một sức thiền mới mẻ. Thế mà trước đây tôi luôn nghĩ 5 phút chẳng thể làm nên điều gì... Đôi khi ngại đợi 2 phút đèn đỏ mà tôi quành xe sang hướng khác. Thật là xấu hổ ! Khi ta biết trân quý từng khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống này mới thấy được mỗi giây phút qua đi đều quý giá biết bao nhiêu. Hồ súng của 3 ngày cuối cùng nở bung một màu hồng tím ngắt, đó là 3 ngày chúng tôi không cần dùng đến ô.  Ánh nắng vàng hắt xuyên qua ngọn thông, nhuộm lên màu lá xanh một nét vàng ấm áp. Tôi từng rất nuối tiếc vì mình đã không kịp tham gia khóa thiền từ hồi tháng Tư, nhưng giờ lại thấy, được học thiền giữa những ngày tháng 9 mùa thu cũng là một may mắnhạnh phúc vô bờ. Bất cứ cái gì đi qua và xảy đến có lẽ đều có cơ duyên của nó. Cũng giống như cơ duyên tôi đến với khóa thiền này, trong một dịp vào email cũ để xóa vĩnh viễn cái email đó, thì thấy thư chấp thuận từ ban tổ chức mới được gửi cách đó vài giây, trước đó nhiều ngày tôi đã nhận được phản hồi chờ cho khoá tiếp theo. Bỗng dưng tôi nhớ lại lời nguyện cầu tha thiết của mình khi đi chùa Hương hồi đầu năm "Xin chỉ cho con một con đường...". Lúc đó tôi chẳng biết phải tiếp tục cuộc sống này ra sao, tất cả mù mờ và bất an, sợ sệt khắp mọi ngõ ngách của suy nghĩ... Vậy đấy, chỉ một con đường mà thôi, phải chăng Phật đã nghe thấy lời tôi ?

8. Ăn cơm chánh niệm

Tôi vốn ăn không nhiều và rất mau chán. Ở nhà tôi khá cầu kỳ trong việc ăn uống, đi ra ngoài thì chẳng mấy khi ăn được quá lưng bát cơm, một nửa tô mỳ gói... Cũng có thể vì thế mà tôi rất gầy, nhưng bù lại tôi luôn ý thức được rằng phải ăn để sống. Ý thức được sức khoẻ, mỗi giờ ăn tôi đều đến sớm, gắp một khay thức ăn đầy và chăm chú ăn nhanh để còn về phòng nghỉ. Tôi luôn cố gắng đến sớm và ăn nhanh, mặc kệ các bạn đồng tu đến muộn và khay của các bạn chỉ bằng 1/2, 1/3 của tôi. Tôi nghĩ bụng, có thể họ hấp thụ tốt, đó là việc của họ, tôi chẳng mấy khi quan tâm đến đám đông, chỉ luôn tập trung vào chính mình và những việc mình đang làm.... Nhưng mọi việc bắt đầu thay đổi vào ngày thứ 6.

Đó là ngày tôi bắt đầu suy nghĩ về việc không ngồi được thế Adhiṭṭhāna, tâm tôi không tập trung và thường xuyên bị phóng đi theo những cảm giác khó chịu từ thân và cứ thế cái thói quen xưa cũ của tâm lại đưa tôi về những khoảnh khắc đau khổ. Tôi bắt đầu suy nghĩ... Bữa trưa của ngày thứ 6, tôi đến muộn, đứng gần cuối hàng, và đến lượt tôi thì khay thức ăn không còn phong phú như những bữa trước tôi thường thấy. "Ồ những người đến sau thiệt thòi vậy sao". Mặc dầu vậy tôi vẫn lấy đầy một khay và bắt đầu ngồi ăn chậm rãi. Cũng có thể là vào ngày thứ 6, việc ăn nhanh với nhiều món ăn mình chưa quen là hoàn toàn không dễ, nhưng ý thức về việc phải ăn để sống luôn thường trực trong tâm tôi. Đi học thiền mà bị tụt huyết áp thì còn gì tệ hơn nữa, hãy xem lại xem ta có công đức gì mà được nhận thức ăn này, đó là lòng tốt của những người đang chăm sóc và hết lòng cho ta bớt khổ, họ đã rời bỏ cả gia đình và công việc để đến đây phục vụ mà không nhận lại bất cứ thứ gì, đó là một sự hy sinh vô vị lợi...

Ý thức vào việc mình đang ăn giúp tôi ăn từng thìa cơm rất chậm và nuốt, thìa nào cũng vậy, và thật kỳ lạ, những loại rau củ xưa nay tôi chẳng hề thích chút nào thì bỗng dưng trở nên ngon hơn nhờ vào việc ăn cơm với chánh niệm. Tôi vốn dĩ không ưa đồ ngọt, chẳng bao giờ ăn sắn, và bình thường nếu ai đưa cho tôi cái gì như vậy tôi sẽ từ chối ngay, nhưng ở đây thì khác... Tôi đã ăn từng thìa chè ngọt rất chậm, cảm nhận rõ rệt vị ngọt thơm tan trong miệng và ngon lành làm sao... Tôi uống trà và kết thúc bữa ăn như thế. Dọc đường về tôi nghĩ, ta vào đây là để tu tập chứ đâu phải tranh đấu hơn thua, đâu cần phải luôn đứng top đầu trong mỗi giờ ăn để các khay thức ăn luôn đầy, đâu cần phải là người đầu tiên rời bàn ăn để về phòng ngủ, ta cũng muốn lùi lại cuối hàng để các bạn khác yếu đuối hơn sẽ được ăn nhiều hơn... Ta làm mọi việc với chánh niệm, chậm rãi thì đã sao, ta chẳng tranh đấu với ai hết... Và từ ngày đó, tôi chẳng còn ăn nhanh, cũng chẳng còn về nhanh. Làm mọi việc một cách từ tốn và chậm rãi, đôi khi khiến cho ta không cần phải nghỉ ngơi nữa, vì tất cả những việc ta làm, đó chính là nghỉ ngơi, đó chính là rong chơi. Tôi ít về phòng nằm hơn trong những giờ nghỉ mà hay tha thẩn quanh hồ súng...

Thiên nhiên tự nó biết dạy ta rất nhiều điều, trong đó có những giây phút bình yên ngắm hoa bên hồ, chẳng cần bận lòng chi hết ngoài kia. Cuộc sống vẫn luôn là cuộc sống thì cần chi hối hả để quay về hay ra đi. Tôi nhận ra hạnh phúc chính ở nơi mình đang ngồi như thế. Và từ năm nay trở đi, có những ngày được trở về ngồi với hoa và nước, như Sư ông trở về ngồi với mây và núi, độc cư và tĩnh lặng, tôi thấy lòng bình thản biết bao nhiêu. Trước giờ tôi nghe nói trí tuệ trưởng thành trong tĩnh lặng, mà đến giờ tôi mới thực sự hiểu... Nếu tôi cứ bon chen và lo âu ở ngoài kia mà không dám bước chậm lại, hoặc không chịu ngồi yên, làm sao tôi có thể trở về để thấy, một cái thấy thật bao la...

9. Không thể nào cô đơn

Tôi vốn xuất thân từ một gia đình không hề có truyền thống tôn giáo.  Tuổi thơ và những ngày tháng tuổi trẻ của tôi cũng như bao người, tôi cũng lớn lên cùng hoài bão, ý chí, tham vọngtranh đấu. Cách đây 2 năm tôi vẫn luôn cho rằng chỉ có người già mới có thời gian đi chùađọc kinh, và việc hành thiền là việc của các thiền sư... Bây giờ, tôi cũng mới chỉ dám dừng lại một chút thôi, để trở về nương tựa chính mình. Tôi từng đi rất nhiều, thành công và thất bại cũng không ít, tiền bạc có rồi ra đi, bạn bè đến và đi hết lượt, tôi cũng là một con mọt sách có tiếng...Nhưng tận trong sâu thẳm tôi sâu sắc nhận ra mình thật sự rất cô đơn. Tôi luôn dao động, không làm chủ được tâm tính của mình, thiếu kiên nhẫn, lười biếng... Những thói quen xấu này khiến tôi phải hối hận về vô số điều đã xảy ra trong cuộc sống, tôi không thể nào nương tựa vào bất kỳ ai hay cái gì được....Và thế, tôi tự thấy mình là 1 kẻ đầy rẫy đau khổ, dù người đời không hề nhìn thấy, chỉ có tôi quá hiểu chính mình...

Tôi mong tìm lại chân lý cuộc đời, tìm lại tình thương với cuộc sống, tìm lại những ngày tháng bình yên và thanh thản như thời còn ấu thơ, những ngày hạnh phúc nhất... Tôi đã bắt đầu bằng một mong ước giản dị như thế. Và hôm nay, tôi có mặt trong đoàn người im lặng này, mỗi người cầm trên tay một chiếc ô, cần mẫn đi những bước đi nhỏ, nối đuôi nhau trong cơn mưa thu rả rích se lạnh. Mỗi người đều chăm chú với bước đi của mình, dù họ là một cô gái trẻ hay một bác trung niên, dù họ có ngoại hình hiền lành hay ngổ ngáo, dù họ chỉ có những công việc và chức vụ nhỏ bé hay đã có những thành đạt lớn lao trong xã hội... Tất cả đều có mặt ở đây... Tôi chợt hiểu ra một điều bình thườngđau khổphiền muộn... đâu là của riêng ai. Và tôi cũng chỉ là một con người bé nhỏ đi trong hàng người yên lặng đó. Trong tôi bắt đầu nhen lên tình thương với tất cả mọi người, dù là ai đi chăng nữa, dù cá tính nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng chỉ là một thân phận mỏng manh trong cõi ta bà này. Tôi bất giác nhớ lại câu chuyện của thầy Thường Minh khi kể về lý do trở thành một tu sĩ, nó bắt đầu chính là từ hình ảnh mà tôi đang góp nhặt ..."Hình ảnh đoàn người với áo nâu đi như một dòng sông đã đánh thẳng vào tim tôi như tia sét, khơi dậy ngọn lửa “tánh Bụt” trong tôi mà tôi không ngờ là mình có được và có công năng phá tan ngọn núi ăn chơi dục lạc, mở một đường khác cho tôi đi..."

Tôi cũng nhớ lại cuốn sách tình cờ mua được ở một thiền viện, dù bản thân học được rất ít từ nơi ấy nhưng nó lại chính là một hạt mầm đưa tôi đến ngày hôm nay. Cuốn sách "Một hạnh phúc không đổi thay" của thầy Nguyễn Duy Nhiên...Tôi gọi là thầy vì chính những cuốn sách của thầy đã gợi trong tôi mong ước về hạnh phúc của một người với manh chiếu thiền mỗi tối. Thầy viết "Hạnh phúc sao khi cõi ta bà này đột nhiên biến thành tịnh độ! Đi với một tăng thân nhiều chánh niệm, con đường tôi đã bước qua biết bao nhiêu lần giờ phút này chợt nhiên bừng sáng dậy. Những chiếc lá như xanh hơn, nắng ấm hơn, trời cao hơn, mây trắng hơn, hạnh phúc chừng như gần gũi hơn, và cát bụi nơi này cũng trở nên thanh tịnh hơn..."

Nhiều người hỏi tôi, làm sao sống mà chẳng cần đi ra đường bạn bè trò chuyện mỗi tối, chẳng bạn khác phái, chẳng xem phim, chẳng tiểu thuyết, chẳng đọc tin tức, sống vậy chẳng cô đơn sao, vì sao vậy? Vì tôi đã đi loanh quanh quá nhiều, chẳng ích gì cả. Cô đơn thì đã sao? Giờ tôi thấy thấm thía thời gian, thấm thía sức khỏe, thấm thía vô thường... Nếu nói và làm mà không ích lợi gì thì thà im lặng và không làm gì hết. Ai chẳng có thể đi ra đường, ai chẳng có thể nói những điều họ muốn nói mà không cần phải uốn lưỡi, còn tôi học cách dừng lại và im lặng. Ở cuốn sách này tôi bắt gặp câu trả lời cho chính mình...

"Cô đơn cũng chỉ là một ý niệm mà thôi. Tôi thấy, chúng ta tuy sống giữa phố thị ồn ào và náo nhiệt, tuy ta không bao giờ một mình (alone), nhưng chúng ta có thể rất cảm thấy cô đơn (lonely). Chúng ta cô đơn trong những muộn phiền và khó khăn riêng tư của chính mình. Có ai là biết và có ai là thật sự hiểu ta! Và nếu ta không có khả năng cởi mở được với những gì đang có mặt chung quanh mình, thì ở đâu cũng vậy thôi, ta sẽ cảm thấy cô đơn lắm. Nơi tôi về thật may mắn, tôi có một thiên nhiên tươi mát và có một tăng thân, tôi không thể nào cô đơn...."

10. Thiền tâm từ (mettā) - Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...

Ngày thứ 10,

Tôi thấy mình khác với mọi người chung quanh, tôi bình thản lúc đến và sắp kết thúc vẫn thản nhiên như thế. Tôi không chờ đợi, không mong cầu ngày về. Tôi vẫn bước đi những bước thật chậm bởi biết rằng sự sống này chỉ có mặt khi chúng ta dám bước chậm lại. Ta cảm nhận rõ từng bước đi, từng món ăn, từng chiếc lá rụng, từng bông hoa nở, từng giờ phút bình yên ở nơi ta ngồi. Ngoài kia với những hấp tấp và lo âu, người ta suốt một đời chỉ mong cầu quá đi thôi và chẳng bao giờ nhận ra mình đã luôn có quá đủ để hạnh phúc...Vào lúc mà tôi thấy thương tất cả mọi người, cũng là lúc chúng tôi được dạy về thiền tâm từ (mettā). Ở trên cao, tôi nghe rành rọt từng chữ của thầy...

"Trong quá khứ, vì vô tình hay cố ý, nếu như tôi có lỡ gây khổ đau cho ai, tôi xin người ấy tha lỗi cho tôi.
Trong quá khứ nếu như, vì vô tình hay cố ý, có ai lỡ gây khổ đau cho tôi, tôi xin được tha thứ cho người ấy."

"...May all be happy, may all be happy, may all be happy
May you be happy, may you be happy, may you be happy
Whether visible or invisible may all beings be happy
Of earth, of water, or of sky, may all beings be happy..."

Sādhu! Sādhu! Sādhu!...

Mắt nhắm nghiền nhưng tôi cảm nhận tim mình khẽ đập nhanh, hai giọt nước mắt rơi xuống má, tan vào khoé môi mím chặt những cảm xúc vỡ oà. Tôi đã tìm thấy con đường của mình dù trước đó chưa bao giờ nghĩ tới. Đó là con đường của chân lýtrí tuệ, của đạo đứctình thương, của an nhiênhạnh phúc...mà cuối cùng tôi cũng gom đủ can đảm đặt những bước đầu tiên. Từ ngày này, ngày sau, năm này, năm sau, kiếp này, kiếp sau và nhiều kiếp sau nữa, tôi nguyện sẽ luôn là người ngồi quay lưng với bộn về cuộc sống để nhìn thật sâu vào tâm của chính mình...

Đi, đi mãi...Dầu có ngã trên đường...Cánh đồng hoa thu! 
(Basho)

Không biết tự bao giờ tôi đã yêu lời tụng trước mỗi giờ thiền kết thúc. Lời tụng đó cách đây 10 ngày còn vô cùng xa lạ, vậy mà giờ đây trong tôi luôn thấy nhiều an nhiên, nhiều bình tâm và thật nhiều hạnh phúc khi là kẻ ngồi bên dưới, cúi rạp người tiễn thầy... Tôi nghe thấy bài kinh thầy tụng, tiếng xa dần, nhỏ dần và rời khỏi thiền đường, và cả tiếng các sư cô rất thánh thiện. Âm thanh ấy, lời tụng ấy luôn làm tôi chảy nước mắt khi cúi rạp... Đó là niềm hạnh phúc khôn tả của kẻ được sinh ra lần thứ hai...

Giây phút kết thúc giờ thiền cuối cùng của ngày thứ 11, tôi nhận ra mình là một kẻ may mắn. Người ta nói cảnh khổ chính là nấc thang cho bậc anh tài, nên tôi hẳn là đã may mắn khi có nhiều khổ đau! Nhưng ngay một bông hoa cũng biết vươn mình trỗi dậy trước bão tố để nở đẹp trọn một đời, thì tôi cớ gì không học cách sống như một cội cây... Giờ phút sắp rời khỏi rừng cây nơi này, tôi ghé hồ súng ngồi lại một lần cuối, những câu thơ thiền trong từng trang sách cũ lóe lên trong tâm, vô cùng bình an và tĩnh tại

!...Người về qua cửa phù vân
Nghiêng vai trút gánh phong trần đổ đi...
..Người ngồi hong nắng lặng thinh
Hong kinh vô tự hong tình vô ngôn...

Tôi sẽ mang những bước chân an lạc này trở về với đời sống hàng ngày, trở về với con đường dài trước mặt, ghi sâu trong đầu lời thầy Goenka "Giải thoát chỉ có thể đạt được bằng sự tu tập, chứ không phải việc bàn luận suông".

Hồi kí 10 ngày khóa thiền Vipassana (thầy Goenka) tại Sóc Sơn, Hà Nội (4/9-15-9/2013)
blank
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/07/2016(Xem: 5290)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.