Vai Trò Của Trường Phái Sarvastivada Ở Afghanistan Nguyên Tác: C. S. Upasak Thích Giác Hoàng Dịch

29/05/201012:00 SA(Xem: 16172)
Vai Trò Của Trường Phái Sarvastivada Ở Afghanistan Nguyên Tác: C. S. Upasak Thích Giác Hoàng Dịch

VAI TRÒ CỦA TRƯỜNG PHÁI SARVASTIVADA
Ở AFGHANISTAN
Nguyên tác: C. S. Upasak
Thích Giác Hoàng dịch

Phật giáo du nhập đến Afghanistan rất sớm, sớm hơn những nước hiện nay Phật giáo đang thịnh và được nói là đã tiếp nhận Phật giáo sớm nhất. Thông điệp của Đức Phật đã được mang đến Afghanistan ngay từ thời Phật còn tại thế thông qua Tapasu và Bhallika, hai vị Đại đệ tử cư sĩ đầu tiên, có quê hương ở tại Balhìka (nay là Balkh). Sự kiện này đã được xác thực nhờ sử ký của Ngài Huyền Trang. Chính Ngài Huyền Trang đã chứng kiến hai ngôi Tháp cho rằng là đã được 2 vị này xây để tôn thờ tóc và móng của Đức Phật gần thị trấn này. Ngài Huyền Trang đã đảnh lễ hai ngôi Tháp đó khi du hành qua Ấn Độ.

Sau khi gia nhập Tăng đoàntrở thành vị Tỳ-kheo do chính Đức Phật chứng minh khi Bhallika viếng thăm Vương Xá (Ràjagarha) lần thứ hai, Tôn giả đã trở về quê hương và xây dựng ngôi Tinh xá tại Balhk (hay còn gọi là Bhallika) này. Bhallika đã chứng quả A-la-hán, và một số bài kệ (gàthà) trong Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragàthà) được nói là do Tôn giả trước tác. Balk hay là Ballika là trung tâm trọng yếu của Phật giáo vào lúc đó. Thời gian trôi qua, khi Ngài Huyền Trang viếng thăm nơi này vào thế kỷ thứ VÌ TL thì trung tâm trọng yếu của Phật giáo này đã phát triển lớn mạnh đến nỗi được mọi người gọi là "Tiểu Vương Xá" (Little Ràjagarha). Ngài Huyền Trang có đề cập đến tên của Tinh xá này là "Nava-Vihàra", nằm ở ngoại ô thị trấn Bhallika. Ngay tên gọi "Nava-Vihàra" đã gợi cho ta một ngôi Tinh xá đã hiện hữu lâu đời ở Ballika [Nava có nghĩa là mới, tân], không có cái nào khác hơn khi Ngài Huyền Trang đến đó. Chúng ta có thể đoán rằng, Tinh xá cũ chính là Tinh xá Bhallika (Bhallika-vihàra) đã đổ nát theo thời gian vì lúc bấy giờ các vật liệu xây dựng không được tốt và sau đó một Tinh xá mới được xây dựng phía ngoài thị trấn và được gọi "Nava-Vihàra".

Trong thực tế, Phật giáo như một tôn giáo được truyền đến Afghanistan chỉ sau kỳ kiết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức tại Vesalì, một thế kỷ sau khi đức Phật nhập vô dư niết-bàn, thông qua các vị Tăng thuộc Đại Chúng Bộ (Mahàsanghika) - các vị tách khỏi Phật giáo Nguyên Thuỷ Thượng Toạ Bộ (Early Theravàda) hay còn gọi là "Phật giáo Thượng Toạ Bộ Pàli" (Pàli Theravàda) đã đến Udyàna (hay còn gọi là Uddiyàna) [phiên âm Hán Việt: Vu Điền], thuộc phần cực Đông của đất nước này. Họ đã đến đây thành lập cơ sở chính yếu cho trường phái của họ. Người ta nói rằng, một nhóm khác của trường phái này ở lại Ấn Độ và cư trú tại Mathurà. Nhưng các cuộc giao lưu thường xuyên vẫn duy trì liên tục giữa hai nhóm này qua nhiều thế kỷ. Bằng chứng rõ ràng là các chữ điêu khắc trên đá tại Mathurà được phát hiện vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước TL. Udyàna hay Uddiyàna vẫn được duy trì như một trung tâm lớn của Hậu Kỳ Thượng Toạ Bộ (Later Theravàda) hay các trường phái Thượng Toạ Bộ Sanskrit (Sanskrit Theravàda) hầu như xuyên suốt toàn bộ lịch sử Phật giáo ở Afghanistan cho đến khi chúng mất tích khoảng thế kỷ thứ X TL. Không còn nghi ngờ gì nữa, Udyàna là trung tâm đầu tiên của trường phái Đại Chúng Bộ, sau này nó phát triển thành trung tâm chính thức của trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ ngay từ thời kỳ đầu.

Nước Udyàna (hay Uddiyàna) có hai phần. Phần phía Tây được biết như xứ Nagara hay Nagarahàra (nay là Nagaravihàra), trong khi đó phía Đông vẫn giữ tên cũ là Udyàna. Sự kiện này được ghi rất rõ trong sử ký của Ngài Pháp Hiển và Ngài Huyền Trang, và các sử ký của người Tây Tạng. Phía Đông của nước này trải dài cho tới bờ sông phía Tây của dòng Ấn Hà (Indus), vượt khỏi biên giới của đất nước Gandhàra. Trường phái Đại Chúng Bộ (Mahàsamghika) và trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvàstivàda) đã thành lập các trung tâm song song với nhau trong các vùng của đất nước này ở Nagarahàra hay trong thung lũng Wat. Thủ phủ của đất này có cùng tên là Nagara (hay còn gọi là Nagaravihàra) hay Udyànapur. Naga hay Nagarahàra là một từ xuất phát từ thuật ngữ Nagaravihàra mà tôi đã bàn thảo trong một bài khác. Nhưng chắc chắn rằng Nagarahàra là một trong những trung tâm nổi tiếng nhất ở Afghanistan từ buổi đầu. Điều quan tâm lưu ý rằng cho tới ngày nay một tỉnh của đất nước này cũng được gọi là Ningarahàra, dựa theo tên cổ mặc dù thủ đô hiện nay của khu vực này là được gọi là Jalalabad, vì nó bị Jaluddin Akbar, một vị vua Mông Cổ của Ấn Độ đã đổi tên xứ sở này theo tên của ông. Nếu ai viếng thăm Allalabad, vô số di tích của Phật giáo dưới các hình thức khác nhau như chùa Tháp, hang động, tu viện đổ nát, các thánh tượng, v.v… rải rác khắp thị trấn này. Có một địa điểm gọi là Hadda, cách 7 km phía Nam của Jalalabab có rất nhiều chùa chiền tự viện bằng đá và gạch. Những nhà khảo cổ học người Pháp đã đếm được khoảng 40 ngôi Tháp lớn toạ lạc cách địa điểm trên khoảng một dặm rưỡi. Địa điểm này hầu như được các nhà hành hương viếng thăm vì nơi đây cũng là nơi tôn trí Xá Lợi xương sọ của Đức Phật . Cả Ngài Pháp HiểnHuyền Trang đều viếng thăm nơi này để đảnh lễ Xá Lợi của Đức Phật. Một hộp đựng Xá Lợi của Đức Phật với một câu ghi chú đã được phát hiện ở địa điểm này[1].

Nagarahàra được duy trì như một trung tâm của Nhất Thiết Hữu Bộ và của Đại Chúng Bộ. Suốt thời gian của Đại Đế Ca-nị-sắc-ca (Kani.ska) thuộc triều đại Kusana thuộc thế kỷ thứ nhất TL, Nagarahàra phát triển rất mạnh về văn hoá và tôn giáo, vì nhiều Xá Lợi đã được tôn trí trong các Tháp và các tự viện. Tại Bimrana, cách Jalalabad không xa, một hộp đựng Xá Lợi của Đức Phật có khắc chữ trên đó đã được tìm thấy. Hộp đựng này đề cập đến tên của Đại Đế Ca-nị-sắc-ca (Kani.ska), như là "vua công đức" của Phật giáo. Một sự kiện nổi bật, đó là, vua Kaniska là vị vua ủng hộ nhiệt tình Phật giáo[2], đặc biệt ủng hộ cho trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ. Có lẽ suốt thời gian cai trị của ông, Nagarahàra và Hadda và các nơi khác xung quanh thị trấn Jalalabad được phát triển như là các trung tâm của trường phái này.

Trong ngữ cảnh này, chúng ta có thể đề cập đến thủ đô Sư Tử (Lion) nổi tiếng hệ thống chữ viết Kharosthì và ngôn ngữ Prakrit. Bản văn này không đề cập đến năm tháng nào, nhưng các học giả đã cho là khoảng năm 10 - 25 TL [3]. Văn bản này đề cập đến một vị Tỳ-kheo tên là Bhuddhila, người được nói là có nguồn gốc ở Nagara. Buddhila được ghi nhận là người theo trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ. Cũng ngay trong bản văn này, tên của nước Sakastan (nghĩa là: Seistan) cũng được đề cập và tặng phẩm Xá Lợi của Đức Phật được nói là đã ban cho toàn quốc Sakastan để tỏ lòng tôn trọng. Đất nước Sakastan không có nước nào khác hơn là Seistan hiện nay, một phần của nước này nay trực thuộc lãnh thổ của Afghanistan và của Iran, mặc dù lúc đầu nó là vùng Baluchistan độc lập. Ở đây cũng rất hấp dẫn khi đề cập đến các bia ký đuợc Ông Aurel Stein phát hiện trong một ngôi làng gọi là Tor Dherai ở Baluchistan, cực Đông của tỉnh Kandharkhi. Trên các bia ký này, khi tất cả các mảnh được sắp xếp lại với nhau nó có thể được xem như kỷ vật tượng trưng trong Tinh xá Yola- Mìla-Sthàhì-Vihàra cho tứ phuơng Tăng để cung đón các bậc Thầy của Nhất Thiết Hữu Bộ [4]. Trong vùng này giữa Jalalabad ở phía Đông và Seistan hoặc Sakastan ở Tây Nam, trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ có nhiều trung tâm phát triển rực rỡ vào đầu thế kỷ thứ nhất TL.

Có lẽ không đúng chỗ khi đề cập ở đây đến một số văn bản thuộc giai đoạn này được tìm thấy trong vùng Gandhàra, hiện nay là Peshawar và các huyện lân cận ở Pakistan. Các bản văn này được tìm thấy ở vùng Zeda[5], Kurram[6] và Kaman[7]. Chúng ta biết rằng Gandhàra là nước láng giềng ở phía Đông của nước Udyàna xưa cắt ngang bởi dòng Ấn Hà (Indus). Dường như toàn bộ phía Bắc của tiểu lục địa Ấn là cứ điểm của chư Tăng thuộc trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ. Tuy nhiên, các vị này thành lập các trung tâm chẳng bao lâu sau trường phái Đại Chúng Bộ. N. Dutt cho rằng "suốt triều đại A’soka, người ta không tìm thấy dấu vết trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ ở Pàtaliputra, thuộc Maghada mà nó lại được di chuyển lên phía Bắc. Họ thành lập hai trung tâm, một là ở Kasmira dưới sự lãnh đạo của Tôn giả Madhyàntika (Mạc Điền Địa) và một trung tâm khác tại Mathurà dưới sự lãnh đạo của Tôn giả Upagupta (Ưu-ba-cúc-đa). Tôn giả Madhyàntika là đệ tử của Tôn giả Ànanda, trong khi đó Upagupta là đệ tử của Tôn giả 'Sànavàsa (Thương-na-hoà-tu), mà 'Sànavàsa cũng là đệ tử của Tôn giả Ànanda. Do đó, các vị theo Nhất Thiết Hữu Bộ có thể tôn thờ Ngài Ànanda như là vị Tổ sư [8]. Từ các cứ điểm này, họ truyền đến các vùng phía Bắc của Gandhàra, Afghanistan và Baluchistan.

Khi Ngài Huyền Trang viếng thăm Afghanistan, Ngài chú ý đến nhiều trung tâm của trường phái này như Balkh, gần Bamiyan, Kapisa, Gaz và Udyàna. Ngài đề cập rằng cách Bamiyan khoảng mười hoặc mười hai dặm, có một tu viện an trí thượng y (Sa"nghàtì) cửu điều của đệ tam tổ 'Sànakavàsa (Thương-na-hoà-tu) màu đỏ sậm được làm bằng tơ lụa dệt từ loại cây Sànaka [9]. Tổ 'Sa.nakavàsa được đề cập trong các văn bản Pàli như là Tôn giả Sambhuuta Sà"navàsì, người đóng vị trí vô cùng quan trọng trong kỳ kiết tập Kinh điển lần hai [10]. Tôn giả được nói là đã đi tới Kipin, một nơi được đồng hoá với Kapisa, hiện nay Begram gần Charikar ở Afghanistan. Tại nơi này có rất nhiều di chỉ do các nhà khảo cổ học người Pháp khai quật ở các vùng và các Tinh xáTôn giả Sa.navàsì ở một thời gian, nhưng sau này Ngài trở về Mathurà, và thị tịch tại nơi này [11].

Ngài Huyền Trang trước khi đến Balkh đã viếng thăm Kuci ở Trung Á, tại nơi này có khoảng 10 Tinh xá và trên 1000 vị Tăng và tín đồ của trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ.[12] Khi Ngài đến Balkh, ở đó khoảng 100 Tinh xá và hơn 8000 vị Tăng thuộc "Tiểu Thừa". Tuy nhiên, Ngài không đề cập chính xác đến tên của các trường phái Tiểu Thừa cư trú tại đây; nhưng rất có thể một số Tinh xá có lẽ thuộc chư Tăng thuộc Nhất Thiết Hữu Bộ. Từ Balkh Ngài đi đến nơi gọi là Kie (Ka) chih (hiện nay là Gaz hoặc là Darah) khoảng 100 dặm về phía Nam của Balkh, tại nơi này có khoảng 10 Tinh xá với 800 chư Tăng đều thuộc trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ. [13] Balk hay Balhìka xưa kia dường như là trung tâm của các trường phái Hậu Kỳ Thượng Toạ Bộ (Later Theravàda) của Phật giáo kể cả Sarvàstivàda.

Khi Ngài Huyền Trang đến Kapisa, Ngài ở lại trong một Tinh xá do triều đại nhà Hán Trung Hoa xây dựng. Ngài trải qua kỳ an cư kiết hạ (vassàvasa) tại đó. Ngài đề cập đến tên của một số vị Tăng trí thức quan trọng mà Ngài đã cùng với các vị ấy bàn luận về triết họcgiáo lý. Ngài nói rằng, trong ngôi chùa Shotorak có một vị quán thông Tam Tạng tên là Manojnaghosa và một vị Tăng tên là Àryava"msa của trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ và cũng có một vị Tăng thuộc trường phái Hoá Địa Bộ (Mahì’sàsaka) tên là Gunabhadra (Cầu-na-bạt-đà-la). Các vị Tăng này được nổi tiếng như là các thượng thủ của tu viện.[14] Tất cả chúng ta biết rằng Kapisa là thủ đô phía Tây của Kani.sna và tu viện Shotorak nơi Ngài Huyền Trang ở lại do vua Kani.ska xây dựng cho con tin Thái tử của Trung Hoa thuộc triều đại nhà Hán. Trên thực tế, nhờ sự ủng hộ của vua Kaniska cho trường phái Nhất Thiết Hữu Bộtu viện Shotorak đã thịnh đạt thành một trung tâm của trường phái này trong nhiều thế kỷ sau và nó được dành cho chư tăng lỗi lạc thường trú ngụ.

Ngài Pháp Hiển không viếng thăm nhiều nơi ở Afghanistan, Ngài chỉ đến Hadda và Nagarahàra để đảnh lễ Thánh tích ở đó. Tại Hadda, có khoảng 500 vị Tăng trú ngụ trong các tu viện này và tất cả họ thuộc Tiểu Thừa (Hinayàna) [15]. Ngài cũng có đề cập đến một tu viện ở thung lũng Swat thuộc Udyàna, nơi cư trú của chư Tăng tuy thuộc trường phái Đại Thừa (Mahàyàna) nhưng lại tuân thủ các giới luật theo truyền thống của Tiểu Thừa (Hìnayàna) kể cả luật của Nhất Thiết Hữu Bộ. Sử ký của Ngài Pháp Hiển đề cập đến chư Tăng thuộc các chi nhánh của cả Đại ThừaTiểu Thừa cư ngụ trong các tu viện khác nhau ở Udyàna, bao gồm cả Nhất Thiết Hữu Bộ vào thế kỷ thứ V TL. Nhưng có lẽ ở Nagarahàra, Hadda và một số nơi khác trong vùng, nhiều tu viện thuộc Nhất Thiết Hữu Bộ cũng đã hưng thịnh suốt thời kỳ này.

Khi chúng ta khảo sát Phật giáo ở Afghanistan, điều gây ấn tượng nhất đối với chúng ta là phần lớn các trường phái thuộc Hậu Kỳ Thượng Toạ Bộ cực thịnh qua nhiều thời đại. Phật giáo Đại Thừa (Mahàyàna Buddhism) có lẽ không hưng thịnh lắm, và Phật giáo Tiền Đại Thừa (Early Mahàyanà Buddhism) không thể cắm rễ trên mảnh đất này dù rằng phái đoàn truyền giáo đặc biệt do Ngài Mahàrakkhita được phái đến nước này sau Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ ba được tổ chức vào thời Đại Đế A’soka. Trong số các trường phái thuộc Hậu Kỳ Thượng Toạ Bộ, thì Đại Chúng BộNhất Thiết Hữu Bộ đi hàng đầu ở nước này. Lịch sử Phật giáo ở Afghanistan vẫn còn chưa sáng tỏ; nhưng sự phong phú về các thánh tích Phật giáo rải rác ở khắp lãnh thổ Afghanistan vẫn nói lên sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với đất nước này, một trong các nơi có tầm quan trọng bậc nhất như các pho tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan và các thánh tượng tuyệt hảo được phối hợp của hai nền nghệ thuật Hy Lạp - Ấn Độ tại Hadda. Các pho tượng này vẫn còn nói lên câu chuyện huy hoàng ban sơ của mảnh đất Phật giáo vĩ đại này.[16]

[Nguyên tác bằng tiếng Anh "Role of Sarvàstivàda in Afghanistan" của C. S. Upasak được đăng trong Tạp Chí Buddhist Studies, tập XV thuộc Phân Khoa Phật Học tại Delhi, tháng Ba, 1991.]

Chú thích:

[1] Konow, Stein, C. 1.1., Vol. Ì, p. 157-158.

[2] Ibid, p. 50 ff.

[3] Sirca, D. C., Select Inscriptions, p. 112; Konow, Stein, C.I.I., Vol.11, p.48.

[4] C.I.I, Vol. Ì, p.176.

[5] Ibid, p. 145.

[6] Ibid, p. 155.

[7] Luder's list, No. 918-919.

[8] Dutt, N., Buddhist Sects in India

[9] watters, T., On the Travel of Yuan chwang, p. 120.

[10] Cf. Malalasekera, G. P., Dictionary of Pali Proper Names, Vol. 11, p. 1063

[11] Cf, Watter T., op.cit. p.121

[12] Ibid, p. 108.

[13] Waters, T., On the Travels of Yuan Chuang, p. 114. ; Beal, S, Records of Buddhist Kingdoms, p. 49; Beal, S, Life of Hiuen-tsang, p. 54.

[14] Beal, S., Life of Hiuen-tsang, p.56.

[15] Legge, J., Travels of Fa-hien, pp. 28 -29.

[16] Tác giả viết bài này khi chính quyền Taliban chưa có những quyết định phá hoại văn hoá vào đầu tháng 3 năm 2001. Nghĩa là chưa đưa ra sắc lệnh huỷ hai pho tượng khổng lồ tại trung phần Bamiyan và tất cả các Thánh tượng của chư vị Bồ-tát, Thánh tăng và mọi di tích lịch sử còn sót lại trên mảnh đất Afghanistan này (ghi chú của người dịch).

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.