NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA ĐẠO PHẬT
CHO DÂN TỘC, DƯỚI TRIỀU LÝ (1010 - 1225)
Hòa Thượng. Thích Đức Nhuận
Về Kinh Tế và An Sinh Xã Hội
NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA ĐẠO PHẬT
CHO DÂN TỘC, DƯỚI TRIỀU LÝ (1010 - 1225)
Hòa Thượng. Thích Đức Nhuận
1. Nông Nghiệp - Chính sách ruộng đất dưới thời nhà Lý chia làm 3 loại: ruộng công (hay công điền), ruộng phong cấp, ruộng quốc khố. Nhưng, trên mặt pháp lý, tất cả ruộng đất đều thuộc quyền của nhà vua quản trị. Tục ngữ có câu: Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt" đó là sự phản ảnh hiện có trong ký ức người dân: ruộng đất là thuộc quyền của nhà vua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những từ hữu ruộng đất cũng đã phát triển: ruộng đất của hương (làng), giáp nào vẫn do hương, giáp đó quản lý và phân phối cho người dân cày cấy.1
"Tất cả ruộng đất công phải đặt dưới quyền sở hữu tối cao của nhà vua nên nông dân cày ruộng đất công phải nộp tô thuế, lao dịch và đi lính. Mức tô thuế qui định là 100 thăng3 thóc mỗi mẫu (LSVN, I).
"Nhà nước qui định trích ra một số hộ nông dân hoặc ruộng của công phong cấp cho các quan đại thần có nhiều công lớn. Nguyên tắc: Phong cấp tính theo số hộ khẩu thực phong và thực ấp. Những hộ thực phong và thực ấp phải nộp tô thuế và có khi phải lao dịch đi lính cho người được phong"(LSVN, t1).
- "Lý Thường Kiệt, vị lão tướng có công lớn với nước được phong tước Việt quốc công, được cấp 4.000 hộ thực phong và 10.000 thực ấp".
- "Lý Bất Nhiễm, châu mục châu Nghệ An có công đánh lui quân Chiêm Thành và Chân Lạp, được thăng tước hầu, và được cấp 1.500 hộ thực phong và 7.500 thực ấp".
- "Lưu Khánh Đàm, giữ chức thái úy thời Lý Nhân Tông, tước khai quốc công, được cấp 3.000 hộ thực phong và 6.700 thực ấp".
Tục truyền rằng: "Lê Phụng Hiểu có nhiều công trong việc dẹp loạn 3 vương và đánh Chiêm Thành, lý Thánh Tông muốn thưởng tước cho, nhưng Phụng Hiểu không nhận, chỉ xin đứng trên núi Băng Sơn (Thanh Hóa) ném con dao lớn ra xa hơn 10 dặm, rơi xuống nơi nào thì khoanh vùng nơi đó lại để lập nghiệp. Vua bằng lòng. Phụng Hiểu ném con dao ra xa hơn mười dặm, rơi xuống làng Sa Mi, vua lất vùng đó ban cho ông. Từ đó có tên ruộng thác đao (chém dao), một cái tên gọi các ruộng phong cấp cho công thần". (LSVN, thế kỷ X - 1427, q1 t2).
Nông nghiệp là nguồn tài nguyên chính yếu của nhà nước. Ngay khi mới lên ngôi, lý Thái Tổ đã xuống lệnh cho những người phiêu tán về quê quán làm ăn. Nhà nước cũng nghĩ đến việc làm giảm sức lao tác của nông gia nữa. năm 1042, lý Thái Tông hạ lệnh cấm giết trâu bò vì: trâu bò không chỉ là vật quan trọng cho việc cày cấy (mà) còn làm tăng ích thóc lúa rất nhiều - việc này đã nói ở Mục Luật Pháp - Mặt khác, để tránh sự ngập lụt hay xảy ra vào những mùa mưa dầm, nhà nước trung ương còn chỉ thị cho toàn dân trong và ngoài kinh thành phải đắp đê ngăn nước lụt. Năm 1168, nhà Lý cho đắp đê Cơ Xá (đê sông Hồng ở vùng Thăng Long). Các địa phương gần sông đều có lệ phòng lụt ngập. Nền nông nghiệp nước ta chủ yếu là nghề trồng lúa. Vậy, việc đắp đê là có công hiệu vừa ngăn nước lũ từ nguồn đổ về hay từ biển tràn vào, vừa giữ nước để tránh nạn hạn hán; hòng ngăn chặn những tổn thất về mùa màng của giới nông gia, đồng thời giữ cho đất ruộng được màu mở, lúa được xanh tốt, sự thu hoạch sẽ gia tăng, do đó đảm bảo được mức sinh hoạt phồn thịnh của toàn dân.
Các vua triều Lý rất chú trọng đến việc sản xuất nông nghiệp và khuyến khích bằng hành động cụ thể: hằng năm vua thường ra ruộng làm lễ : "tịch điền" hạ cày.
"Mùa Xuân năm 1038, lý Thái Tông đã ngự giá ra Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền. Sau khi làm lễ Thần Nông, vua ra ruộng cày. Bấy giờ, các quan ngăn lại: "Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua đáp: "Trẫm không tự cày thì lấy gì để xướngxuất thiên hạ?" Nói rồi đẩy cày ba lần và thôi".
vua cũng thường đi xem cày hay xem gặt hái ở hành cung. Những việc làm trên tuy có tính cách nghi lễ tượng trưng nhưng (nó) có một tác dụng tâm lý khuyến khích cần thiết cho sự phát triển nền kinh tế thịnh vượng của quốc gia không ít1.
2. Thủ Công Nghiệp, dưới thời Nhà Lý, công nghiệp đã phát triển tốt đẹp. Nhà nước có công xưởng gọi là "Cục bách tác", chuyên chế tạo binh khí, đồ trang sức, đóng thuyền, đúc tiền, đúc chuông, xây dựng cầu cống, cung điện chùa đền v.v... Thợ làm trong các xưởng này đều tuyển lựa những tay thợ giỏi trong dân gian. họ làm việc lâu năm, có kinh nghiệm, do đó trình độ kỹ thuật khá cao. Họ đã đúc những chuông lớn ở các chùa, điện của nhà vua. Năm 1010, Lý Thái Tổ phát 1.680 lạng bạc để đúc chuông lớn ở chùa Đại Giác. Năm 1014, vua lại phát 310 lạng vàng để đúc chuông chùa Hưng Thiên, và 800 lạng bạc để đúc chuông chùa Thắng Nghiêm và lầu Ngũ Phượng. Năm 1035 , Lý Thái Tông phát 6000 cân đồng để đúc chuông chùa Trùng Quang. Năm 1041, vua cấp 7560 cân đồng cho việc đúc tượng Di Lặc và chuông đặt tại viện Thiên Phúc ở núi Tiên Du. Nam 1056, Lý Thánh Tông phát 12.000 cân đồng để đúc chuông lớn đặt ở chùa Sùng Khánh Báo Thiên. Vua tự làm bài minh khắc vào chuông. Năm 1080, Lý Nhân Tông cho đúc chuông chùa Diên Hựu (Sử không ghi rõ số đồng dùng cho việc đúc chuông), chuông đúc không kêu, bèn vứt xuống ruộng Qui Điền, cạnh chùa. Đời sau tướng Minh là Vương Thông bị Lê Lợi vây ở Thăng Long, bèn phá chuông để đúc súng (LTK).
Các thợ chế tạo vũ khí cũng rất tài năng, đã chế tạo nhiều loại súng lớn nhỏ v.v... Nghề dệt lụa, nuôi tằm, ươm tơ vốn là nghề cổ truyền của dân tộc ta. Những thợ dệt giỏi, ngoài việc dệt lụa thường để cung cấp cho người dân dùng,1 đã dệt gấm vóc, thảm gấm. Nghề làm đồ gốm cũng rất tinh xảo, triều đình ra lệnh cho người dân làm ngói để lợp nhà. Gạch lớn, có trang trí hình tháp, hoa, rồng. "Chén, bát, cốc, dĩa đều tráng men đẹp, nhiều hình loại khác nhau. Tượng bằng đất nung nhiều và đều tráng men". Nghề làm đồ trang sức bằng vàng, bạc, thêu đan, đúc đồng, rèn sắt, nhuộm vải, làm giấy, khắc bản in gỗ v.v..
Riêng nghề in sách ở nước ta phải chờ đến cuối thế kỷ XI do thiền sư Tín Học sáng thiết và thực thiện. Lúc đầu, thiền sư chỉ mới thử nghiệm khắc và in bằng mộc bản các kinh sách Phật Học; sau thấy sự tiện lợi, nhà nước cũng đã áp dụng để in những văn bản như sắc, dụ, sớ, điệp v.v... Nghề khai mỏ cũng được phát triển. Được biết: Châu Quảng Nguyên (thuộc địa phận Cao Bằng) là nơi ruộng ít, rừng núi trùng điệp, có nhiều vàng bạc. Vùng Ngân Sơn (nghĩa là núi bạc), Nguyên Bình, Thạch An (Đại Nam Nhất Thống Chí) xưa có lò vàng bạc, phía tây, thông với vùng Tuyên Quang, Hà Giang ngày nay; ở đó có nhiều mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ đồng, mỏ chì và thiếc1. Năm 1039, Đặng Vũ Kiến thuộc châu Quảng Nguyên dâng nhà nước một khối vàng sống nặng 112 lạng. Huyện Liên, châu Lộng Thạch, châu Định Biên (thuộc Cao Bằng) tâu rằng ở bản xứ có mỏ bạc. Năm 1062, nhà Lý bắt đầu khai thác các mỏ đã được báo. năm 1198, nhân dân châu Lạng sản xuất thiếc trắng, đồng. Số lượng đồng lớn trong kho nhà nước dùng đúc chuông, tượng, tiền v.v.. phát xuất ra từ các mỏ. Cách khai mỏ còn thủ công và mang tính chất thô sơ(LSVN, tk X - 1427, Q1 t2).
3. Thương Nghiệp nước ta buổi ấy cũng rất phát đạt. Sự giao lưu giữa các miền trong nước và các lân bang vẫn có từ trước. Các vua nhà Lý cho đúc tiền để tiện việc trao đổi. Hiện nay khảo cổ học tìm thấy đủ các loại tiền từ Thuận Thiên Thông Bảo của Lý Thái Tổ cho đến các tiền thời Trần và tiền đồng Trung quốc (thời Đường, Tống).
Để tạo cho việc thuyền bè đi lại trong nước được tiện lợi, nhà Lý cho đào vét các sông ngòi, đắp đường, làm cầu. Năm 1051, đào kênh Lãm (thuộc Bắc Thái). Năm 1192, khơi sâu sông Tô Lịch. Các đường giao thông vận tải thuỷ bộ và hệ thống trạm dịch được mở mang, phía bắc lên đến biên giới Trung Hoa, phía nam vào tận Chiêm Thành. "Việc lưu thông hàng hóa và trao đổi sản phẩm nhờ đó được mở rộng". Thăng Long, ngay từ khi Lý Thái Tổ mới dời đô về đây, nó không những chỉ là trung tâm của chính trị và văn hóa của cả nước, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế quan trọng, nơi cửa ngõ thu hút người ở khắp bốn phương lũ lượt kéo về tụ họp buôn bán tấp nập ở chợ cửa Đông. Nhà cửa dựng lên san sát qua từng dãy phố dài2.
Năm 1035, nhà nước cho mở chợ cửa Tây. Sau đó lại cho lập thêm chợ cửa Nam. sự quan hệ buôn bán giữa nước ta và các nước láng giềng, theo Lịch Sử Việt Nam, tập 1 ghi: "Quan hệ buôn bán với nước ngoài có chung biên giới như Trung Quố, Champa, việc buôn bán chủ yếu thực hiện qua vùng biên giới. Riêng ở vùng biên giới Việt - Trung, đời Lý đã xuất hiện những trung tâm buôn bán lớn như Vĩnh Bình, Hoành Sơn, Khâm Châu. Đó là những chợ khá tấp nập ở vùng biên giới. Nhân dân và lái buôn hai nước thường đem hàng hóa đến đó trao đổi. Chính quyền hai nước cũng có khi phái sứ đến mua những thứ hàng cần thiết.
Nhân dân và lái buôn nước ta thường bán các thứ làm thổ sản như hương liệu, sừng tê, ngà voi. các hải sản như cá, muối. và mua về chủ yếu là gấm vóc, giấy bút.
"Việc buôn bán với các nước khác ở vùng Đông Nam Á như Xiêm La, các nước vùng đảo In-đô-nê-xi-a (như Qua-Ca tức Gia Va, Tam-Phật-Đề tức Pa-Le-bang ở tây Gia va và đông Mã-Lai). thực hiện bằng đường biển. Thuyền buôn các nước này được đến buôn bán ở Vân Đồn (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Đó là một thương cảng quan trọng đời Lý nằm trong vịnh Bái Tử Long nổi tiếng của đất nước. Nhà Lý kiểm soát chặt cẽ ngoại thương để đề phòng âm mưu do thám của nước ngoài, nhưng không hạn chế quan hệ thông thương đó" (Sđd trang 158).
Những thành quả về kinh tế trên đây thật cần thiết, vì nó đã giúp cho đời sống của con người được sung túc; nền văn hóa dân tộc được xây dựng và phát triển một cách tốt đẹp. Con người tạo ra của cải. Cũng chính tư tưởng con người đã biết sử dụng của cải do mình làm ra để tạo nên nếp sống văn minh. Các ngành văn học, mỹ thuật, kiến trúc từ đó được nảy chồi, nở hoa, kết trái sum suê.
Xã hội Việt Nam, dưới thời đại nhà Lý, về cuộc sống vật chất, có thể nói, tương đối được ổn định. đôi khi có xảy ra những vụ thiên tai, mất mùa, đói kém ở một vài địa phương thì vẫn được nhà nước ưu ái xuất công khố, phát lương thực tiền của để trợ cấp cho nhân dân nơi đó có phương tiện làm lại cuộc sống. Con người, dù gặp cảnh ngộ cùng quẫn túng thiếu, vẫn không bị xã hội bỏ quên. Về phương diện sinh hoạt tâm linh, mỗi hương, giáp đều có dựng chùa, đình, văn chỉ (chùa để thờ Phật; đền là nơi thờ Thành Hoàng, những vị Anh Hùng dân tộc; văn chỉ để thờ đức Khổng Tử và các vị tiên nho). Mỗi hương, giáp còn mở chợ để buôn bán, trao đổi hàng hóa với nhau, tạo nên một nếp sống xã hội người đầy tình nghĩa thương yêu đầm ấm.
Mỗi năm, toàn dân Việt đều có tổ chức ăn mừng tết năm mới để đón xuân. Vì mùa xuân là mùa của đất trời, cây cỏ, chim muông, của con người và vạn vật đều đổi mới: nhờ có tiết trời trong lành, mát mẻ, muôn hoa đua nở, chim chóc cũng hoan ca để đón mừng một mùa xuân mới.
Nước ta vốn là nước nông nghiệp, con người quanh năm bận rộn làm ăn vất vả, mệt nhọc, nên vào những tháng rảnh rỗi như tháng 2, 3, tháng 7, 8 đều có mở hội hè đình đám, tha hồ múa hát, vui chơi lành mạnh, như bơi thuyền, đánh đu, đấu võ v.v.. (đều có mục đích rõ rệt): vừa để di dưỡng tinh thần yêu đời vừa vận động cho thân thể được tráng kiện để rồi sau đó mỗi người lại saün sàng tiếp tục đi vào công việc làm ăn chuyên nghiệp của mình: người làm ruộng, trồng dâu thì chăm lo việc đồng áng cày cấy., người làm thợ mộc, thợ chạm, thợ xây, thợ dệt vải. (chắc hẳn) mỗi năm sẽ có thêm kinh nghiệm tay nghề, tạo ra những vật dụng, hàng hóa được tinh xảo hơn.
Mọi người, mỗi người đều được tự do phát triển tài năng của mình, làm ra của cải dư thừa, hầu xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho chính bản thân, cho gia đình và cho đất nước mỗi ngày thêm giàu mạnh.
- Một cuộc sống văn minh, đượm tình người thương yêu đùm bọc, dưới thời đại nhà Lý ở Việt Nam, thế kỷ XI - XIV.