Phần Bốn: Mấy Lời Mở Đầu Trang Kết Luận

21/11/20193:39 CH(Xem: 1956)
Phần Bốn: Mấy Lời Mở Đầu Trang Kết Luận

PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN TRUNG – HUẾ
TỪ CHẤN HƯNG ĐẾN DẤN THÂN
Chu Sơn


PHẦN BỐN
MẤY LỜI MỞ ĐẦU TRANG KẾT LUẬN


Đánh dẹp xong phong trào Phật giáo, Mỹ, Phi, Hàn, Úc…tiếp tục đỗ thêm quân: 300.000, 400.000, 500.000, rồi 600.000. Các cuộc đánh bom rải thảm trên miền Bắc và đường mòn Hồ Chí Minh khủng khiếp hơn. Các cuộc hành quân lùng diệt và đếm xác ở miền Nam không phân biệt ai là Việt cộng, ai là dân thường ngày càng gia tăng. Vụ tàn sát ở Mỹ Lai gây nhức nhối và xấu hổ cho nhân dân Hoa Kỳ và phẫn nộ trước dư luân thế giới. Hai tướng Thiệu, Kỳ sử dụng các đại tá, trung tá, thiếu tá làm tỉnh trưởng, quận trưởng trực tiếp điều khiển các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống. Không cần gian lận trong việc bỏ phiếu và kiểm phiếu, chế độ độc tài quân phiệt đã hình thành. Phật giáo bị đanh bại rồi, Mỹ và Thiệu Kỳ một mình một chợ. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa lui về tuyến sau làm nhiệm vụ bình định và quản lý dân chúng, điều hành các trại tị nạn –  nơi tập trung dân chúng chạy trốn từ các vùng oanh kích tự do của không quân Mỹ – Việt. Nhưng rồi cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy Tết Mậu Thân của Cộng quân đã bất thình lình nổ ra gây choáng váng cho “Mỹ  – Ngụy” ở miền Nam, khiến nhân dân Mỹ bàng hoàng sửng sốt, khiến  tổng thống Johnson phải quyết định không tái tranh cử vào Nhà trắng, và Đại tướng Wesmoreland bị cách chức phải rời chiến trường. Phong trào phản chiến phát triển rầm rộ tại Mỹ và nhiều thủ đô trên thế giới. Nixon vào Nhà Trắng, cùng Kissinger điều khiển nước Mỹ với chương trình, kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris thỏa mãn gần hết các điều kiện của Cộng Sản miền Bắc. Nhà sư Thích Trí Quang và phe Phật giáo đấu tranh đã tiên báo kết cục này từ 1964: “Mỹ sẽ thua nếu không từ bỏ cuộc chiến tranh của mình và chế độ độc tài quân phiệt tại miền Nam”.

Giả định rằng không có chuyện Mỹ hóa chiến tranh, tất nhiên sẽ không có chuyện Việt Nam hóa chiến tranh, mà chỉ có con đường duy nhất là “Việt Nam Hóa Hòa Bình” như lời đề nghị, kêu gọi khẩn thiết và liên tục của Phật giáo Miền Trung qua các nhà sư Thích Trí Quang, Thích Nhất Hạnh thì tất nhiên đất nước và nhân dân Việt Nam không phải nhận chịu sự tàn phá giết chóc của hàng chục triệu tấn bom đạn từ hai phía. Riêng từ phía Mỹ, 7,6 triệu tấn bom đạn (Đại cương lịch sử Việt Nam – Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn nxb Giáo Dục),  76,9 triệu lít chất độc hóa học có dioxin ( Nguyễn Văn Tuấn – Cuộc chiến hóa học phi pháp lớn nhất trong lịch sử chiến tranh – Ykhoa.net), 330.000 tấn bom cháy – bom na-pan (VTCNEW – những vũ khí tối tân người Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam) đã đỗ xuống trên hai miền đất nước. Người dân đã phải chịu đựng như thế nào dưới những trận mưa bom rải thảm, những cơn sấm rền từ máy bay B52, những cuộc hành quân lùng diệt, đếm xác và đốt sạch giết sạch? Quân Mỹ đã không phân biệt ai là Việt Cộng, ai là dân thường trước mũi súng của chúng. Trong hàng ngàn cuộc hành quân lùng diệt và đếm xác của quân đội Mỹ thì tất cả đều là Việt Cộng. Việt Cộng ở miền Bắc,Việt Cộng ở miền Nam, Việt Cộng trên rừng núi, Việt Cộng trong xóm làng và trên đồng ruộng. Còn có Việt Cộng ở trong các thành phố, thị xã. Chín mươi phần trăm nhân dân cả hai miền Nam Bắc đều là Việt Cộng trước bạo lực của hung thần chiến tranh Hoa Kỳ. Những phố thị tan hoang, những làng mạc bị đốt cháy, nhưng hậu quả của chiến tranh không chỉ là hàng triệu xác người tung tóe máu thịt. Hậu quả của chiến tranh còn để lại những dấu vết nơi hàng triệu người còn sống, hàng triệu gia đình tan nát chia lìa, hàng triệu người thương tật do bị bom đạn, hàng triệu người là nạn nhân chất độc màu da cam, hàng triệu người méo mó, lệch lạc, rối loạn tâm thần, hàng chục triệu thanh thiếu niên nhi đồng không được nuôi dạy đầy đủ trong mái ấm gia đình, trong trường học bình thường với những cô thầy giáo chính danh; nhưng lại được un đúc dư thừa lòng thù hận, những khát khao không chính đáng và cả những thèm muốn bất chính thầm lén vô độ. Một số trong những thanh thiếu niên đó đã bị méo mó lệch lạc tinh thần như thế là con em những nhà lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo kháng chiến được lựa chọn đưa qua Trung Quốc, Liên Xô nhờ giáo dục và huấn luyện để rồi trở thành những nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa.  “Những đấng bậc” mà tâm hồn được cóp nhặt bởi một phần Tàu, một phần Nga, một phần là tàn dư  những tập quán hủ lậu của xã hội nông nghiệp lạc hậu, lỗi thời tái phát triển trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc. “Những đấng bậc” mà “tiếng đầu lòng con gọi Staline”. “Những đấng bậc” mà mỗi sáng “thấy mặt trời lên nhớ bác Mao” ( thơ Tố Hữu). “Những đấng bậc” ấy tâm hồn trống trơn ý thức, tự hào dân tộc và tình thương con người; lại thiếu kiến thức, khả năng văn hóa và chuyên môn hiện đại, mà lại dư thừa những mặc cảm nợ nần Tàu – Nga và mặc cảm tự cao tự đại con ông cháu cha cùng những ham muốn cá nhân bất chính vô độ.

Đánh thắng xâm lược Mỹ, thống nhất được Tổ quốc là sự nghiêp to lớn và sư hy sinh vô bờ bến của nhân dân, công đầu thuộc về đảng Công Sản. Nhưng cái công ấy so với cái tội  nô lệ hóa cả dân tộc, cướp bóc hết tài sản của nhân dân (qua các cuộc cải tạo đẫm máu, tham nhũng tràn lan và nạn dịch cửa quyền đảng trị cha truyền con nối),  đưa đất nước vào tình trạng lệ thuộc đế quốc mới và tư bản nước ngoài thì “công” lần hồi bị teo nhỏ lại và tội thì lớn lên không ngừng trên bàn cân lương tri của dân tộc và nhân loại.
Không đến mức như Mỹ: xem 90% nhân dân Việt Nam là Cộng Sản, là thân Cộng hay Trung lập. Đảng Cộng Sản từ sau “chiến thắng 1975” đã xem 70 – 80% nhân dân cả hai miền Nam Bắc là tàn dư của Mỹ Ngụy, của chế độ tư sản đàn ápbóc lột (tại miền Nam), là công cụ (tại miền Bắc) để thực hiện mưu đồ, lợi ích cá nhân và phe nhóm dưới chiêu bài Tổ quốc, Nhân dân, Chủ nghĩa Xã hội và cả  thân danh của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuôc chiến tranh Mỹ – Việt với kết quả là một đất nước như thế thì công cuộc vận động Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc và Nhân loại  bằng con đường Thứ Ba của Phật giáo miền Trung trong suốt hơn ba năm ( từ tháng 5.1963 đến tháng 7.1966) cần được nhìn nhận lại sâu hơn và bình tĩnh hơn. Chửi bới, nguyền rủa không căn cớ, tìm hiểu qua loa và cả thái độ “xếp lại quên đi” cũng là tàn dư, là hậu quả cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ và sách lược bạo tàn, đê tiện, ăn cháo đá bát của đảng Cộng Sản.

Phụ trang
Lửa Từ Bi
Lửa lửa cháy ngất tòa sen
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện
Thành thơ, quỳ cả xuống
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một mặt trời mới mọc
Ánh đạo vàng phơi phới đang bừng lên
dâng lên
Ôi đích thực hôm nay trời có mặt
Giờ là giờ hoàng đạo nguy nga
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
nhìn nhau tình huynh đệ bao la
Nam mô Đức Phật Di Đà
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay.
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người rẽ phăng đêm tối đất dày
bước ra ngồi nhập định hướng về Tây
gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
Phật pháp chẳng rời tay
Sáu ngả luân hồi đâu đó
mang mang cùng nín thở
tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay
Không khí vặn mình theo,khóc òa lên nổi gió
Người siêu thăng…giông bão lắng từ đây
bóng người vượt chín tầng mây
nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Đề
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
chỗ người ngồi:một thiên thu tuyệt tác
trong vô hình sáng chói nét từ bi.
Rồi đây… rồi mai sau…còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
vi thời gian, lê vết máu qua đi
–  Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát
dọi hào quang xuống tận chốn A tì
Ôi ngọn lửa huyền vi…
Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác
Từ cõi vô minh
Hướng về cực lạc
Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác
và cũng chỉ nguyện được là rơm rác
thơ cháy lên theo với lời kinh
Tụng cho nhân loại hòa bình
Trước sau bền vững tình huynh đệ này
Thổn thức nghe lòng trái đất
Mong thành quả phúc về Cây
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt
Tình thương hiện tháp chín tầng xây.
                                             Vũ Hoàng Chương
Tình Sông Nghĩa Biển
Việt Nam và Phật Giáo
Phật Giáo và Việt Nam
Ngàn năm xương thịt kết liền
Tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng
Cây đa bến cũ
Hình bóng con đò
Thiết tha còn nhớ câu hò
Cây đa bến cũ con đò năm xưa
Trang sử Việt Nam yêu dấu
Thơm ướp hương trầm
Nghe trong tim Lý Lê Trần
Có năm cánh đạo nở bừng nguy nga
Suối xanh ra biển
Ngát ngát hoa vàng
Suối thơm lòng đất Việt Nam
Chim xanh nhả ngọc, lúa vàng trĩu bông
Nắng reo trên lúa
Gió bay trên cờ
Lũy tre vững hiện mái chùa
Ấm tay đại thụ mát bờ quê hương
Tóc cài hoa bưởi trắng
Hồn ướp nhị sen vàng
Đời đời cô gái Việt Nam
Trăng lên ngôi vị nữ hoàng tình yêu
Phượng hoàng châu Á
Bay vượt nghìn trùng
Thái Sơn, Hy Mã hào hùng
Kết tinh châu ngọc trong lòng Trường sơn
Mẹ ơi nhớ nước nhớ nguồn
Thương quê thương đạo con còn làm thơ.
                                                   Trụ Vũ
Từ Đàm Quê Hương Tôi
Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao nhiêu dông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn
Quê hương tôi là đây
Sớm hôm hương trầm nhẹ bay
Vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy
Ôi thân yêu bóng chùa Từ Đàm
Nơi Bắc Nam nối liền một nhà
Tay trong tay quyết vì loài người, đời lầm than
Bóng ai từng đêm, đêm về
Còn nhớ thuở nào đây
Câu thề cùng ước nguyện cứu đời
Tiếng ai chiều nay u hoài
Trầm lắng vọng về theo
Câu thề nguyện hiến mình cho đời
Ai đi qua miền Trung
Khoan khoan ơi người dừng chân
Lắng nghe về đây hồn ai u hoài
Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm
Ôi nơi đây nắng chiều dịu dàng
Ai hy sinh cứu đời phũ phàng Từ Đàm ơi.
                                          Nguyên Thông
Tài liệu tham khảo
1/ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I II III – Nguyễn Lang – nxb Văn Học Hà Nội 2000.
2/ Việt Nam Phật Giáo Sử Lược – Mật Thể  – nxb Tân Việt  Hà Nội –1943
3/ Lịch sử Phật Giáo xứ Huế  – Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm nxb tp Hồ Chí Minh – 2001
4/ Tiểu truyện tự ghi – Thích Trí Quang – Buddhismtoday.com
5/ Thập Giá và lưỡi gươm – Linh mục Trần Tam Tỉnh – nxb Trẻ tp Hồ Chí Minh
6/ Hồi ký Bác sĩ Erich Wulff – Việt dịch Minh Nguyện – thuvienhoasen.org.
7/ Việt Nam máu lửa quê hương tôi – Hoàng Tùng Linh Đỗ Mậu –  nxb CAND 1988.
8/ Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng – Nguyễn Trần Thiết – nxb Văn hóa – Thông tin  2011
9/ Báo Lập Trường các số: 9, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 22, 23, 24, 25, 26, 28, 30
 10/ Hồi ký Lạc Đường  – Đào Hiếu – daohieuvn.wordpress.com.
11/ Hồi ký Năm Tháng Dâng Người – Lê Công Cơ – nxb Phụ Nữ Hà Nội – 2006 .
12/ Lịch sử Phong Trào Đô Thị Huế (1954 – 1975)  – nhiều tác giả  – nxb Trẻ tp Hồ Chí Minh – 2015.
13/ Việt Nam 1945 – 1995 – Lê Xuân Khoa – nxb Tiên Rồng –  2004.
14/ Từ Phú Xuân đến Huế –  Nguyễn Đắc Xuân – nxb Trẻ – 2012
15/ Phỏng Vấn Hoàng Nguyên Nhuận của Quán Như giaodiemonline.com/2013/6.
16/ Giọt nước trong biển cả – Hồi ký Hoàng Văn Hoan – vietnamvanhien.net
17/ Điệp viên hoàn hảo – Larry Berman – Việt dịch: Nguyễn Đại Phượng nxb Thông tấn Hà Nội – 2007
18/ Đoàn Thêm –  1966 Việc từng ngày – Tủ sách Tiến Bộ – Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khải Sài Gòn – 1968
19/ Nhìn lại Sử Việt  I II III  – Lê Mạnh Hùng – Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ 2011
20/ Lịch sử Việt Nam – Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX – Lê Thành Khôi – Việt dịch Nguyễn Nghị –  nxb Thế Giới – 2014.
21/ Huế – Xuân 68 –  Nhiều tác giả  –  Thành Ủy Huế xuất bản – 1988.
22/ Đại Cương Lịch Sử Việt Nam – Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn – nxb Giáo Dục Việt Nam – 2009.
23/ Cuộc chiến hóa học phi pháp lớn nhất trong lịch sử chiến tranh – Nguyễn Văn Tuấn – Ykhoa.net
24/ Những vũ khí tối tân người Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam – VTCNEW.
25/Hải Triều Âm số 1, 2, 3, 21.
26/ Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam – Quốc Tuệ – Sài Gòn – 1964.
27/ Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử  – Tuệ Giác – Sài Gòn – 1964.
28/ Nghĩ về con đường Phật Giáo và những ngộ nhận chính trị của nó – Tiểu luận của Nguyên Thái – Phòng Thông tin Phật Giáo Quốc Tế –  ttpgqt.org.
29/ Hồ Sơ Mật viết ngày 20 tháng 4 năm 1966 – pgvn.vn
30/ Đức Phật Lịch Sử –  H.W. SCHUMANN – Việt dịch Trần Phương Lan – nxb TP HCM – 2000.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/07/2021(Xem: 3450)
09/04/2020(Xem: 5071)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.