Nhận xét về giả thuyết trong bài tường trình Biến động miền Trung" của ông Liên Thành, cho rằng: "nhà sư Trí Quang là Cộng Sản"

18/01/20203:55 CH(Xem: 6845)
Nhận xét về giả thuyết trong bài tường trình Biến động miền Trung" của ông Liên Thành, cho rằng: "nhà sư Trí Quang là Cộng Sản"

 

 

NHẬN XÉT VỀ GIẢ THUYẾT TRONG BÀI TƯỜNG TRÌNH  
"BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG" (gồm 11 phần, luân lưu qua internet)
của ÔNG LIÊN THÀNH, 
 
CHO RẰNG: "NHÀ SƯ TRÍ QUANG LÀ CỘNG SẢN"

 

TẠ VĂN TÀI

 

Ông Thành nói: TQ (Hòa Thượng Trí Quang) đi tu, từ năm 14 tuổi, ở Chùa Từ Đàm, và viện dẫn lời nói năm 2000 tại Hà Nội của Tố Hữu là: năm 1949, Tố Hữu đã làm lễ kết nạp TQ vào Đảng CS tại mật khu cách Huế chừng 30 cây số. Nhưng lời Tố Hữu có thể chỉ là lời nói "vơ vào" để làm mất uy tín của TQ, vì trong quá trình thống nhất Phật giáo toàn quốc năm 1981 TQ đã có sự dè dặt, vì đang mặc cả vài điều, trong việc thống nhất Phật giáo, đã không đi máy bay ra Hà Nội do một công an mua vé giùm (có ngại nguy hiểm gì không?), và có thể Tố Hữu nói vậy để đẩy mạnh các tu sĩ Phật giáo khác theo chủ trương chấp nhận sự kiểm soát của Đảng. Vả lại có thực Tố Hữu nói như vậy tại Hà Nội năm 2000 không? Ông Liên Thành có bằng chứng viết về việc này không? Nếu có, thì thiết tưởng ông Liên Thành không nên tin vào lời của Tố Hữu, cái con người phản bội—ngay trong liên hệ cha mẹ, vợ chồng, con cái—vì đã yêu cầu người Việt Nam bỏ hết đạo đức, sự hiếu thảo cổ truyền của người Việt mà theo khẩu hiệu "Thương cha, thương mẹ, thương chồng, Thương con thương một, thương ông (Stalin) thương mười".

Còn cái lời khai của cán bộ cộng sản Hoàng K. Loan bị ông Liên Thành bắt giam trước 1975, hồi ông Liên Thành còn làm Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên, mà khai với Liên Thành về các thầy Phật giáo, thì có thể là ông Loan khai bừa, khai láo để đánh lạc hướng sự tra hỏi của Liên Thành khi Loan là tù nhân bị khống chế như "cá nằm trên thớt". Chưa bao giờ ông Liên Thành nói chuyện giáp mặt với Thượng tọa Trí Quang, và có lẽ cả với các cao tăng khác, và với tư cách Trưởng ty Cảnh sát Thừa Thiên, Huế, thì chỉ điều tra những biến cố ở hạ tầng cơ sở ở Huế, giáp mặt với những người đang như "cá nằm trên thớt", thì cùng lắm chỉ biết được các sự xâm nhập của cán bộ cộng sản vào Phật giáo ở cấp địa phương tại Huế (điều này là thẩm quyền, nhưng trong phạm vi giới hạn, của ông Liên Thành, mà người viết này tôn trọng), nhưng những lời khai ông Liên Thành thu được cũng rất đáng ngờ, vì có thể là khai sai lạc để đánh lạc hướng ông Liên Thành. Còn sự thực là ông Liên Thành KHÔNG phải là nhà tình báo chiến lược để biết các sự kiện có thật về các tu sĩ ở hàng giáo phẩm cao cấp ở trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thuộc Miền Nam Việt Nam trước 1975.

[Mở dấu ngoặc, nói ra ngoài đề tài "TQ có là cộng sản hay không?" một chút, để xin phép đặt câu hỏi và phê bình một chút về các nguồn tài liệuphương pháp dẫn chứng cho các giả thuyết của ông Liên Thành, khi viết bài tường trình dài về "Biến Động Miền Trung"(a) ông di tản ra khỏi nước Việt Nam, thì công an ở các cửa khẩu cho ông mang tài liệu đi hay sao? hoặc là nếu đi vượt biên, thì làm sao ông thu thập được và mang được các tài liệu của những năm ông làm việc ở Ty Cảnh Sát Thừa Thiên Huế, đã trên dưới 40 năm trời rồi, để mà dựa vào đó mà viết về từng chi tiết các lời khai của các người ông thẩm vấn ông đã làm, từng lời khai của các người ông bắt giữ? (b) nếu ông nói là dựa vào trí nhớ, thì trừ khi trí nhớ của ông thuộc loại thiên tài, ông có chắc chắn là nhớ đúng từng chi tiết các lời khai của các người ông thẩm vấn, chi tiết các sự kiện như các đoàn biểu tình đi từ nhiều ngả tiến về Huế, đoàn này 500 người, đoàn kia 700 người, hay không? Và các con số mấy trăm người biểu tình đó, có ai đứng ngoài đường mà đếm cho chính xác và trình cho ông hay không? (Ngay cả số lượng dân chúng các cuộc biểu tình, mít-tinh tại Mỹ trước Lincoln Memorial tại Hoa Thịnh Đốn, họ đứng tại chỗ, cảnh sát tha hồ chậm rãi đếm số người, mà sự ước tính của cảnh sát và của các nhà báo và truyền hình tại Mỹ cũng còn sai lạc, khác hẳn nhau); (c) dựa vào trí nhớ, thì bao nhiêu phần trăm (%) là chắc chắn đúng các sự kiện, bao nhiêu phần trăm còn lại là không chắc chắn vì hoặc ông nhớ sai, hoặc ông viết thêm, y như tất cả các thiên hồi ký trên thế giới này? Sau khi đặt câu hỏi và phê bình về mức khả tín của các điều trong toàn thể bài của ông Liên Thành viết, bây giờ tôi đóng dấu ngoặc, xin trở về đề tài "TQ có là cộng sản hay không"?]

Việc thống nhất Phật giáo gặp nhiều sự mặc cả gay go, và sự đòi hỏi tự trị tôn giáo của các thầy Trí Thủ và ngay cả Trí Quang. Sự chống đỡ cho con thuyền Phật giáo Việt Nam được độc lập khỏi sự khống chế của Đảng Cộng Sản đã được nói rõ trong các lời mà Thầy Tuệ Sỹ kể lại với tăng sinh Thừa Thiên Huế năm 2002: "Trong Dự thảo Hiến Chương có một điều khoản thế này: GHPGVN là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc. Cả tôi với Ôn [Trí Thủ] và thầy Thát thấy không thể chấp nhận được. Họ thuyết phục rất nhiều. Sau họ sai bà Ngô Bá Thành nói lý với Hòa Thượng. Sau Ôn kể lại với tôi… Ôn nói như vầy 'Mặt Trận có Hội Liên Hiệp Phụ Nữ… Giáo Hội tui toàn là cao tăng, đại đức mà biểu chúng tôi ngồi chung với mấy bà thì làm sao chúng tôi ngồi?' Bà Ngô Bá Thành không trả lời được. Ôn đơn giản lý luận chừng đó thôi… Sau ra Hà Nội họp, họ vẫn đề nghị lại, nhưng Ôn chống tới cùng; và nói nếu không được thì Ôn từ chức… Cuối cùng, họ sợ Ôn từ chức, họ chấp nhận thế này: để là 'có thành viên trong MTTQ', ai muốn vô thì vô [nghĩa là ai trong Phật giáo muốn vô MTTQ là chuyện cá nhân].. Vậy nên Ôn chấp nhận."

Nhưng ở đây, tôi xin viện dẫn các sự trình bày, ngay trong một bài tường thuật "Thống Nhất Phật Giáo" của Đỗ Trung Hiếu, cán bộ của Ban Tôn Giáo Nhà Nước đóng vai chủ chốt trong việc thống nhất. Ông Hiếu viết bài này trước khi mất đi, y như để lại một di chúc tinh thần, vì người mẹ của ông là đệ tử của "Ôn Già Lam" Trí Thủ, và theo luật về dẫn chứng trong các tòa án ở các nước văn minh, tòa án phải tin vào lời người trước khi qua đời "trối trăn" nói về những việc trong đời người ấy, thì tôi nghĩ độc giả có thể TIN vào những lời ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho biết Đảng Cộng Sản Việt Nam rất kính nể các hàng giáo phẩm cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) của Miền Nam, trong diễn trình thống nhất Phật Giáo toàn quốc.

Ngay ông Xuân Thủy cũng nói muốn ông Hiếu 'bố trí cho gặp' TQ với tư cách Bí thư Trung Ương Đảng để nghe ý kiến của "Thượng Tọa Trí Quang"; ông nói "Tôi sẽ tiếp Thượng Tọa trang trọng." Vậy, Xuân Thủy muốn gặp TQ với tư cách nhà sư sáng giá của Miền Nam, không phải là đảng viên Đảng Cộng Sản.

Ông Trần Bạch Đằng cũng nói với ông Đỗ Trung Hiếu: "Năm 1964, nhân trận lụt lớn ở miền Trung, quân Giải Phóng chuẩn bị nhổ các đồn bót ngụy, thượng tọa Trí Quang nêu khẩu hiệu 'GHPGVNTN cứu lụt'. Cờ năm mầu dựng trên các ca-nô, tàu, máy bay trực thăng cứu sạch bọn ngụy quân. Cũng năm 1964, nhân dân phẫn nộ trước chính quyền quân phiệt ngụy, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nêu khẩu hiệu chống quân phiệt để đẩy mạnh phong trào đô thị, thượng tọa Trí Quang lập Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc miền Trung đòi hỏi chính phủ dân sự, gom hết quần chúng về phía mình và đạp xẹp khẩu hiệu của ta. Năm 1965, Mỹ đổ quân trắng trợn xâm lược miền Nam Việt Nam, MTGPMN đẩy mạnh phong trào chiến tranh cách mạng chống Mỹ xâm lược, thượng tọa Trí Quang nêu khẩu hiệu 'cầu nguyện hòa bình' làm hạn chế cuộc đấu tranh chống Mỹ của ta… Anh Út [Nguyễn Văn Linh] giận Trí Quang lắm, và MTGPMN chưa hề thua ai, thế mà bị Trí Quang cho đo ván ba lần. Ba lần đó, Thích Trí Quang đã cứu Mỹ ngụy một cách nhẹ nhàng."

Ngay cả Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công An hơn 30 năm, lúc đó nắm chức Trưởng ban Dân Vận Trung Ương và là thủ trưởng của ông Đỗ Trung Hiếu, cũng nghe tờ trình của ông Hiếu như sau:

"Đảng chủ trương thống nhất Phật Giáo Việt Nam, tức là đoàn kết tất cả các tổ chức Phật Giáo Việt Nam, trong đó GHPGVNTN là một tổ chức lớn nhất, có qui củ về tổ chức, nhiều tăng ni uyên thâm Phật học, có trình độ văn hóa, có khả năng và kinh nghiệm hoạt động cả trong đạo và đời. GHPGVNTN đã từng có uy tín quốc tế, nhất là sau cuộc đấu tranh năm 1963. Các tổ chức Phật giáo khác, hoặc là của ta, hoặc là dễ thuyết phục. Đối với GHPGVNTN không đơn giản chút nào. Muốn đoàn kết thì phải đề ra chính sách thế nào cho người ta chấp nhận được. Huống chi tôi biết các tổ chức Phật Giáo khác, kể cả Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam ở miền Bắc, bên ngoài tỏ ra tuân thủ theo ý kiến lãnh đạo của Đảng, nhưng trong lòng nào có thích thú gì, bên ngoài tỏ ra bài bác GHPGVNTN cho vừa lòng Đảng. [Nhưng] ngay tại chùa Quán Sứ, các nhà sư rầp rập nghe và làm theo Ban Tôn Giáo Chính Phủ chỉ đạo. Nhưng khi họ đóng cửa lại, họ đọc sách gì? [Họ đọc] Lục Tổ Huệ Năng và bộ Tâm Ảnh Lục của thượng tọa Trí Quang, Phật Giáo Hiện Đại Hóa và Phật Giáo Ngày Nay của thượng tọa Nhất Hạnh… Họ đọc với tất cả sự say sưa, với tất cả tấm lòng, vì bao nhiêu năm họ bị bưng bít không có sách gì để đọc… Đảng lãnh đạo sao cho có sự thống nhất này là sự nghiệp của chính họ, là sản phẩm của chính họ, chứ không phải là của Đảng áp đặt. Đảng lãnh đạo là vạch đường và tạo điều kiện cho họ làm. Đảng sẽ ở trong lòng họ, nếu Đảng giúp họ thực hiện được nguyện vọng chính đáng của họ. Ngược lại, sự tác hại chính trị không lường."

Ông Trần Quốc Hoàn đáp lại lời trình của ông Đỗ Trung Hiếu: "Tôi đồng ý quan điểm anh trình bày." Ông Hiếu nói rằng ông Trần Quốc Hoàn nét mặt hớn hở, ông Hiếu trình bày đến đâu đều thấy ông Trần Quốc Hoàn gật đầu vui vẻ.

Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo, do Hòa Thượng Trí Thủ làm Trưởng ban, Hòa Thượng Đức Nhuận và Đôn Hậu là cố vấn, bao gồm bảy, tám hệ phái Phật Giáo Việt Nam (trong Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, chỉ có Thượng tọa Huyền Quang và Quảng Độ chống đối, bị quản thúc ở Quảng Ngãi và Thái Bình). Trong một buổi họp đầu tiên để tiến tới Ban Vận Động, ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Chính Trị Bộ / Trưởng ban Dân Vận Trung Ương trước khi ông Trần Quốc Hoàn nhận chức này, đã nói với các tu sĩ: "Nếu quí hòa thượng cho phép, tôi xin được gọi là đạo Phật của chúng ta và nếu quý hòa thượng không ngần ngại cũng có thể gọi là Đảng của chúng ta." [Ông Linh muốn dùng lời nói thân tình, để lấy lòng các cao tăng, ám chỉ sẽ tôn trọng Đạo Phật như của chung của mọi người, chứ không phải ông nói các hòa thượng được vào "Đảng của chúng ta" hết ráo]

Ông Đỗ Trung Hiếu nói thêm trong tờ trình của ông là Hòa thượng Minh Nguyệt (Ban Liên lạc Phật Giáo Yêu Nước) "không vui, không thích chút nào", vì phải "làm phó cho Hòa thượng Trí Thủ, nhưng phải chấp hành ý kiến của Đảng". Hòa thượng Phạm Thế Long (Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất--Miền Bắc) cũng không hài lòng. Nhưng "không dám cãi lại ý của Đảng". Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy cũng vậy.

Những ngày dẫn đến Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo ngày 04 tháng 11, 1981, có mấy điểm đáng chú ý sau đây về liên hệ tốt đẹp giữa Trí ThủTrí Quang:

Ngày 26 tháng 10, 1981, ông Đỗ Trung Hiếu đến Chùa Già lam gặp Thượng Tọa Trí Quang thì cùng một lúc thấy hai vị, Trí QuangTrí Thủ, ở đó. Thượng tọa Trí Quang quay sang "Ôn Già Lam" (cách ông Hiếu gọi Thầy Trí Thủ) và nói: "Ôn cùng đàm đạo với chúng tôi cho vui. Việc chung mà". Trí Thủ trả lời: "Hai người cứ nói chuyện. Tôi không nhất thiết phải có mặt. Tôi còn phải sửa soạn lễ Phật". Ông Hiếu mô tả tiếp: "Ôn ung dung đi lên chánh điện. Thượng tọa [Trí Quang] nhìn theo. Nụ cười cả miệng và mặt, duyên dáng và nhiều cảm tình". Sau đó TT Trí Quang nói với ông Hiếu: "Tôi muốn qua anh, ý kiến của tôi được đến người cao nhất trong Đảng phụ trách việc thống nhất Phật Giáo Việt Nam."

Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo mở hàng loạt các cuộc thăm viếngtham khảo ý kiến các giáo hội, như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hội Phật Học Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam, Ni Giới Khất Sĩ Việt Nam, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam… "Ôn Già Lam" bàn bạc với Thượng tọa Trí Tịnh (cùng là trong GHPGVNTN) về việc soạn thảo Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Chùa Vạn Đức (ở Thủ Đức). Ông Hiếu mô tả tiếp việc soạn thảo Hiến Chương: "Buổi khai bút trang nghiêm tại thiền viện lầu 3.. Hòa thượng Trí Tịnh, Mật Hiển, thượng tọa Minh Châu, Từ Hạnh tắm gội tinh khiết. Toàn thiền viện xông mùi trầm thơm nức, ngập phòng trầm hương nghi ngút, bay quyện linh thiêng. Tất cả quì trước Đức Phật nguyện cầu và khai bút. Hòa Thượng Trí Tịnh trịnh trọng viết dàn bài chi tiết bản Hiến ChươngLời Nói Đầu…"

Nói thêm về Thượng Tọa (nay là Hòa thượng?) Trí Quang. Ông có nói tâm sự với người thân, gần gũi (kể cả người mới du học ở Mỹ về và có người giới thiệu gặp ông vào năm 1970, nghĩa là người mà nếu ông là Cộng Sản, ông không thể tâm sự được, vì người du học ở Mỹ về đó, tất nhiên bị suy đoán là thân Mỹ) là: "Lúc nào cũng có thể có cán bộ cộng sản lấy tư cáchPhật Tử đi vô Chùa Ấn Quang", và vì vậy ông phải cẩn thận không để cho họ giả vờ gây ra "tên bay đạn lạc" như trong biến cố Mậu Thân chẳng hạn, để sát hại ông. Ngay bây giờ, ở chùa Già Lam, cũng có cán bộ túc trực ở gần căn buồng ông ở để coi chừng ông xem có liên lạc với ai đáng ngờ không (tôi có hình người bà con về thăm ông tại chùa Già Lam năm 2005, chụp ông và chụp cái cảnh công an ngồi canh chừng ở quanh quẩn gần phòng ốc của ông). Nếu ông là Đảng viên Cộng Sản, tức là giả thử ta tin theo lời ông Liên Thành căn cứ vào lời nói láo của Tố Hữu (mà chắc lời Tố Hữu có không?), thì tại sao Thầy Trí Quang phải có những sự cẩn thận như đã nói về thời gian 1968-70, những hiện tượng canh chừng của công an hiện nay, khi ông phải đứng trước những người Cộng Sản?

Xin nêu một điểm nữa về Thầy Trí QuangGiáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước 1975, mà những người trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam vẫn gọi là "Phật Giáo Ấn Quang", để phân biệt với Giáo Hội Việt Nam "Quốc Tự" (do Thượng Tọa Tâm Châu lãnh đạo), và về việc một số người vu cáo lập trường hòa bình của Giáo Hội "Ấn Quang" này là "thân cộng". Đó là nỗi niềm tâm sự mô tả sau đây của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một đại lãnh tụ chống cộng của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (cùng với Giáo sư Nguyễn Văn Bông—ông Bông bị đặc công cộng sản sát hại ngay sau khi có tin là ông Nguyễn VănThiệu đề cử ông làm Thủ Tướng) nói với tôi, sau nhiều năm Giáo sư Huy cùng làm việc trong cùng một văn phòng với tôi tại Đại học Luật Harvard, nói trong những ngày tháng mà Giáo sư Huy đang đấu tranh với bệnh ung thư ngặt nghèo trong miệng lưỡi và biết rằng mình sẽ ra đi vào cõi vĩnh hằng. Giáo sư Huy nói rằng trong cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện năm 1970, liên danh "Bồ Câu Nông Dân" của Cấp Tiến đã đạt được sự thỏa thuận—qua sự giới thiệu của Thượng tọa Trí Quang (tuy lúc đó "không làm chính trị" công khai nữa, nhưng còn ảnh hưởng rất mạnh)—thỏa thuận với Liên danh "Hoa Sen" (thụ ủy là Giáo sư Vũ Văn Mẫu), được Giáo Hội "Ấn Quang" ủng hộ, là hai liên danh sẽ vận động các lực lượng quần chúng của hai liên danh bầu cho nhau để để cùng thắng dễ dàng các liên danh thân chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, vì cuộc bầu cử sẽ chỉ chọn 3 liên danh nhiều phiếu nhất vào bán phần Thượng Viện mà thôi, còn lại 13 liên danh kia sẽ thất cử. Nhưng rồi liên danh Hoa Sen e ngại rằng "chúng tôi khuyến cáo đồng bào ủng hộ chúng tôi bầu cho các anh, nhưng giả thử các anh ngấm ngầm không tôn trọng thỏa thuận và không khuyến cáo đồng bào ủng hộ các anh bầu cho chúng tôi, trong khi chúng tôi giữ chữ tín mà bầu cho các anh, rút cục chúng tôi bị rớt xuống hàng thứ 4—và thất cử thì sao?", cho nên liên danh Hoa Sen đã quyết định "việc ai người ấy lo", cứ để cho sức mạnh quần chúng của ai có thì người ấy hưởng, theo "ý dân là ý trời". Rút cục, liên danh Hoa Sen về nhất, với 1,149,597 phiếu, liên danh Cấp Tiến về hàng thứ 5, với 654,833 phiếu (tài liệu trong thư viện ở Harvard Yenching Library). Giáo sư Huy tâm sự với tôi, nói rằng ông "rất giận" về sự thất hứa của Thượng Tọa Trí Quang. Tôi có nói với Giáo sư Huy: "Thầy Trí Quang thất hứa, hay là chính các người trong Liên danh Hoa Sen tự quyết định không tranh cử theo lối liên minh nữa, mà theo lối 'việc ai người ấy lo'?" Rõ ràng là Thầy Trí Quang đã đồng ý cho liên danh có Phật Giáo "Ấn Quang" ủng hộ liên lạc với một lực lượng chống cộng là Cấp Tiến, khi Cấp Tiến tìm thế liên minh để có nhiều quần chúng hơn ủng hộ mình, và rõ ràng là Giáo sư Huy, đại lãnh tụ chống cộng, TIN TƯỞNG rằng Phật Giáo "Ấn Quang" là một lực lượng quốc gia, nên tìm thế liên minh với lực lượng ấy, để cứu vãn Miền Nam Việt Nam khỏi vào tay Cộng Sản với một chế độ dân chủ thực sự, có quần chúng ủng hộ. Khi Phật Giáo "Ấn Quang"—sau một thời gian ngắn đứng ngoài sinh hoạt chính trị Miền Nam Việt Nam từ 1967 đến 1970—bằng lòng nhập cuộc chính trị trong cuộc bầu cử 1970 để củng cố nền dân chủ ở Miền Nam như vậy, thì tức là Phật Giáo Ấn Quang đã tin vào khả năng phát triển một chế độ dân chủ ở Miền Nam, không cộng sản (chính ông Liên Thành cũng viết là các tướng lãnh e sợ Thượng tọa Trí Quang "là một trở ngại" khi mà, vào những năm 1964-66, Thượng tọa đòi hỏi phải bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để dân sự hóa chế độ). Nền dân chủ Miền Nam Việt Nam chỉ bị chết yểu khi, trong cuộc bầu cử Tổng Thống 1971, ông Thiệu đã dùng thủ đoạn để gạt ông Kỳ ra khỏi cuộc tranh cử, sợ ông Kỳ chia phiếu khi ông Thiệu phải trực diện với ông Dương Văn Minh, cho nên sau đó ông Minh cũng chán nản mà thôi không ra tranh cử tổng thống nữa, và rút cục ông Thiệu ra tranh cử một mình, trong một cuộc bầu cử rất là vô duyên, không còn có tính cách dân chủ nữa.

Ông Liên Thành viết rằng "Liên danh Nguyễn Văn Thiệu-Trần Văn Hương thắng phiếu trong cuộc bầu cử". Xin hỏi: Ông Thiệu thắng ai? Có ai đối lập với ông Thiệu đâu mà ông Liên Thành nói ông ấy "thắng"? Tôi không muốn tranh luận dài dòng làm gì về các cuộc bầu cử hồi đó (tôi có bài viết ở nơi khác), chỉ xin trở lại đề tài và nêu câu chuyện của Giáo sư Huy để chứng tỏ các cao tăng của Phật giáo "Ấn Quang" không phải là cộng sản, ngay trong cái nhìn của nhà đại lãnh tụ chống cộng Nguyễn Ngọc Huy. (Tôi vẫn KHÔNG nói là ở hạ tầng cơ sở tại Huế của Giáo Hội Ấn Quang hồi đó, đã không có những người cộng sản xâm nhập).

KẾT LUẬNRÕ RÀNG LÀ CÁC TĂNG SĨ CAO CẤP CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT TẠI MIỀN NAM KHÔNG PHẢI LÀ ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN, MÀ LẠI CÒN ĐƯỢC SỰ NỂ NANG, chứ không phải tuân theo lệnh, CỦA CÁC ĐẢNG VIÊN CAO CẤP NHẤT CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN.

Ngày 19, tháng 2, 2008 

Tạ Văn Tài

Luật sư tại Mỹ (và nguyên luật sưViệt Nam), nguyên Giáo sư các đại học Việt Nam, kể cả Vạn Hạnh, và nguyên giảng sư Harvard Law School (xin ghi quá trình nghề nghiệp như vậy là chỉ có mục đích duy nhất là để độc giả biết là người viết, vì theo tôn chỉ các nghề nghiệp của mình, luôn luôn tôn trọng các tiêu chuẩn khách quan, khoa học trong việc viết về các biến cố lịch sử, và rất trân trọng bảo vệ sự thật và sự khả tín của những điều mình viết ra)  

02-24-2008 11:23:14 

(HT Thích Trí Quang, xin viết tắt là TQ trong bài để giảm số chữ viết, không có ý thất lễ với Hòa Thượng)

 

__________________________________________________________________

Thư Viện Hoa Sen chuyển qua định dạng PDF
để giữ nguyên nét chữ in đậm, in nghiêng và tô mầu của tác giả.


Bản PDF để in:
pdf_download_2
NHẬN XÉT VỀ GIẢ THUYẾT TRONG BÀI TƯỜNG TRÌNH - TẠ VĂN TÀI



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/02/2020(Xem: 4729)
02/11/2019(Xem: 4828)
15/07/2021(Xem: 3562)
09/04/2020(Xem: 5177)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.