NHÀ SƯ CỦA TÔI
Hoàng Ngọc Liên
Tưởng niệm Thượng Tọa Thích Thanh Long
Hoàng Ngọc Liên
Tưởng niệm Thượng Tọa Thích Thanh Long
Nhớ nhau, xin nhớ tình dân tộc,
Lẳng lặng mà xem đá nở hoa.
Thượng Tọa Thích Thanh Long
Lần chót tôi đến chùa Giác Ngạn là vào một buổi sáng Chúa Nhựt, sau khi dự thánh lễ tại nhà thờ Ba Chuông. Cũng nằm bên phải trên đường Trương Minh Giảng về hướng Lăng Cha Cả, chùa Giác Ngạn, nơi Thượng Tọa Thích Thanh Long trụ trì, ở sâu trong một con đường nhỏ chừng một trăm mét.
Tôi là một trong những người “mê tín” cụ Thanh Long, nhất là trong thời gian ở trại “cải tạo"Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào những năm đầu của thập niên 80. Vì là người đồng hương Ninh Bình, nên ngay sau khi cụ Thanh Long đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo QLVNCH thay thế Thượng Tọa Thích Tâm Giác, tôi đã tới chúc mừng cụ. Lần nào đến Nha TUPG, tôi cũng được cụ cho uống trà và kể lại những kỷ niệm tại quê cũ. Nhưng phải đợi đến khi gặp lại cụ ở trại “cải tạo” Yên Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, rồi sau này trại Thanh Phong, tôi mới có dịp sống chung với cụ và hiểu hơn về con người của cụ.
Đó làmột ông già “nhà quê” bình dị, một “đại sư” - như anh Đoàn Bội Trân và tôi thường nói về cụ - đã khiến một người theo Thiên Chúa Giáo như tôi “mê tín”.
Trongmột bài báo dành riêng để tưởng niệm cụ trong ngày giỗ cụ đầu năm 1994 , anh bạn tôi, Ký Giả Lô Răng đã xúc động ghi lại nhiều kỷ niệm về cụ, ở đây tôi chỉ xin nhắc những “diễn biến hòa bình” mà cụ và tôi thường tâm đắc. Bao giờ cụ cũng có những "mắm muối” pha thêm vào câu chuyện cho đậm đà, vui vẻ và thoải mải.
Cụ kêu tôi bằng ông và hỏi tôi:
- Ông biết tại sao tôi kêu ông là Ông mà ông Hùng lớn tuổi hơn ông, tôi lại kêu bằng... anh không ?
Thấy tôi chưa “nắm” được vấn đề, cụ giải thích ngay:
- Đó là gọi theo tên hoặc theo họ, người mình cũng đôi khi gọi theo họ, như người Trung Hoa và tùy theo để xưng hô là Cụ, là Bác, là Ông, là Anh.
Ví dụ ông họ Hoàng thì tôi kêu bằng Ông Hoàng. Ông Nguyễn Huy Hùng thì tôi kêu bằng tên, là Anh Hùng.
Cũng như vậy, ông Tống Tấn Sỹ thì tôi kêu bằng tên, là Bác Sỹ...
Rồi cụ cười:
- Cho vui vậy mà!
Tôi cười theo:
- Hèn chi anh Tú chưa đến sáu mươi mà đã được Đại Sư kêu là Cụ Tú, còn anh Thông là Thầy Thông !
Bây giờ noi theo Đại Sư, ai cũng gọi anh Thông là Thầy Thông, mặc dù ảnh đâu phải là... Đại Đức!
Trong số những bồ ruột của cụ ở trại Thanh Phong, còn có ông cha Nghiêu, cựu Tuyên Úy Công Giáo.
Nhìn hai người ngồi chồm hổm ngoài sân nấu nước pha trà, ông cha Trâm - Tuyên Úy BĐQ - bảo tôi:
- Ông coi, thật là một bức tranh hòa đồng tôn giáo tuyệt vời. Tiếc rằng không có máy ảnh...
Sau này, lúc linh mục Nghiêu yên nghỉ trên đồi cây Thanh Phong, cụ Thanh Long ngậm ngùi nói:
- Thế là “Đức Vua băng” rồi! Ông Hoàng phải đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Ngài.
Còn tôi thì làm công quả hồi hướng cho Ngài. Ngài “về” với Chúa như vậy cũng đỡ nhức đầu!
Cụ vui vẻ khi gọi ông Cha Nghiêu, cũng như Linh Mục Đinh Cao Thuấn, cựu Giám Đốc Nha Tuyên Úy Công Giáo là “Đức Vua”!
Cụ hay nói: “Cho vui vậy mà!”
Trong lúc mọi “trại viên” - danh xưng bịp của Công An coi tù đặt cho chúng tôi - “thương” cụ Thanh Long như vậy, thì bọn “chèo” lại không ưa cụ.
Chúng luôn tìm cách “hành” cụ, hoặc bắt cụ... cuốc thêm, phạt cụ ăn 12 kg, dọa sẽ cắt thăm nuôi...
Cụ Thanh Long thường bảo chúng tôi cái gì cũng... từ từ, mình còn tù trường kỳ, đâu có gì gấp. Ngờ đâu chủ trương “từ từ” của cụ rồi cũng đến tai... chèo!
Tên cán bộ trực trại hỏi cụ:
- Tại sao trong lúc phải tranh thủ đi nhanh ra hiện trường để thi đua làm sắn, anh cứ rề rề lùi lại phía sau. Có trại viên đứng lại chờ anh, anh lại nói: “Cứ từ từ”! Anh chống đối lao động hả?
Cụ cười:
- Nào tôi có chống đối bao giờ đâu. Cái chân tôi bị thấp khớp đi nhanh không được.
- Nhưng anh lại xui người khác từ từ...?
- Từ từ là tôi từ từ thôi...
- Anh về làm kiểm điểm cho tôi. Bắt đầu từ ngày mai, anh ăn mười hai kí!
Chiếc bánh bột mì luộc bằng lòng bàn tay là tiêu chuẩn thường lệ của mỗi người, hôm sau lúc phát cho cụ đã bị cắt một miếng. Miếng bánh được cát ra đó đem đặt vào tiêu chuẩn của anh Đinh Công Chất vì Chất “làm cho quên đời” được ăn mười tám kg. Tên “chèo” thưởng cho một người ăn thêm, nhưng trại không mất thêm chút nào. Nó cắt xén một người đang từ tiêu chuẩn 15kg xuống 12kg, để thưởng cho một người từ 15 kg lên 18 kg !
Do vậy, mà khi hiểu âm mưu “chèo”, anh Chất đã cầm mẩu bánh đem trả vào chiếc bánh mới bị cắt ra của cụ Thanh Long, rồi anh lấy chiếc bánh đó ăn và để chiếc bánh còn nguyên vẹn của mình cho cụ. Dĩ nhiên việc này không cho "chèo" biết và càng không để cụ hay được.
Vì cụ chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện ăn uống, nên việc "chèo" có hạ tiêu chuẩn ăn hay không, cụ cũng không để ý nữa.
Trở lại câu chuyện đồng hương, bữa chúng tôi chuyển trại vào Thanh, lúc chiếc xe Ba Đình chở tù đi qua Thị Xã Ninh Bình, cụ chỉ tay vào bảng chỉ đường bảo tôi:
- Từ đây về phủ Kim Sơn chỉ còn hai mươi ba cây số, Phát Diệm hai mươi bảy cây. Ngày xưa có một dạo tôi ở chùa Đồng Đắc, cũng gần làng ông.
- Thưa Cụ, những năm cuối thập niên 30, ông già tôi thường xuống chùa Đồng Đắc lễ Phật.
Cụ Thanh Long ngạc nhiên:
- Nghe nói ông cụ có người anh ruột làm linh mục bên địa phận Bùi Chu?
- Dạ đúng, nhưng ông già tôi lại hay xướng họa thơ chữ Hán với quý vị lãnh đạo tinh thần bên Phật Giáo.
Cụ Thanh Long cười:
- Thảo nào ông thân với mấy ông sư. Thầy Thích Minh Thuần, Tuyên Uý Phật Giáo Sư Đoàn Dù, hồi sinh tiền vẫn nói với tôi là ông thường vô vãng cảnh chùa Hưng Pháp.
Xe đi qua cầu Hàm Rồng thì một hòn đá từ đâu liệng trúng vào tấm kiếng sát chỗ cụ ngồi.
Cụ hỏi tôi:
- Ông có biết tại sao họ ném đá vào xe mình không?
Tôi đoán chừng:
- Tôi chắc là đồng bào được nghe cán bộ tuyên truyền là sĩ quan “ngụy” ăn thịt người, nên xui họ tỏ thái độ...
Cụ Thanh Long vẫn cười, nhưng đầu cụ lắc lắc:
- Lần này ông... sai rồi! Đó là những năm trước khi chúng mình mới ra Bắc. Bây giờ thì đồng bào hiểu rồi.
- Vậy lần này...
Cụ chậm rãi:
- Lần này đồng bào bị lừa!
Tôi trố mắt:
- Đại sư nói đồng bào bị lừa?
Cụ gật gù:
- Lúc xe dừng lại bên này cầu Long Biên. Tôi được một anh tài xế xe Ba Đình cho hay trước, là anh ta nghe “chèo” nói với nhau lần này rỉ tai đồng bào dàn chào xe chở bọn tù binh “bành trướng Trung Quốc” mà “ta” bắt được trong trận chiến trên sáu tỉnh biên giới phía Bắc vừa qua. Tuyên truyền như vậy mới khích động căm thù trong dân chúng, vì Thanh Hóa cũng như các tỉnh, đều có bộ đội, dân công hy sinh trong những ngày Tầu “vượt biên”... xâm lược !
Tôi nói thêm:
- Và cũng để chúng ta hiểu lầm đồng bào còn căm thù mình... Tin tức nóng hổi như vậy mà Đại Sư cũng có sớm. Cụ thiệt thần thông quảng đại !
Cụ lại cười:
- Thần thông gì đâu? Có duyên may nên được biết, nên cũng... thông cảm với đồng bào.
Lúc đến Trại Thanh Phong, tôi may mắn ở cùng đội với cụ Thanh Long. Đội trưởng là anh Võ Văn Hổ. Chúng tôi gọi anh là... Cọp cho gọn. Cọp rất khéo léo, vừa không để “chèo” bắt bí, vừa không để anh em phải làm những việc mà tự bọn “chèo” nghĩ ra bắt tù phải làm, như một đội khác. Đối với cụ, Cọp một niềm trọng kính. Việc gì coi bộ quá nặng so với thể lực của mấy ông già, nhất là khi trong số những người phải làm lại có cụ Thanh Long, Cọp thường tiếp tay làm cho mau xong.
Cụ thường khen:
- Cọp khỏe và dễ thương lắm, lại hay giúp mấy ông già. Nếu “tự quản” nào cũng như Cọp thì anh em tù cũng đỡ khổ.
Chẳng những anh em quốc gia bị tù đỡ khổ mà cả mấy đứa con nít bên tù hình sự cũng đỡ đói.
Câu chuyện này về sau kể lại cho nhà thơ Thái Duy Đức nghe, thi sĩ rất tán thưởng:
- Thế là hơn mười năm trước, các anh em tù chính trị đã làm “diễn biến hòa bình” rồi !
Câu chuyện thật giản dị, chúng tôi làm vì tình người, không cần biết bọn trẻ đang bị cầm tù mất dạy như thế nào. Chỉ thấy chúng đang đói, đang lạnh. Chúng tôi cũng đói, cũng lạnh, nhưng so với tù hình sự, chúng tôi hạnh phúc hơn nhiều. Từ 1979, tù chính trị đã được thăm nuôi, hoặc được phép nhận quà ba kg, về Thanh Phong gói quà gia đình đã lên năm kg, cho nên mỗi khi có “thăm nuôi”, chúng tôi lại chuyển phần bo bo qua cho mấy đứa trẻ bên tù hình sự. Nói chuyển qua thì dễ, nhưng chuyển qua trót lọt, tránh được bao nhiêu con mắt cú vọ của đám “chèo”, của “ăng ten”... thì cũng phải tốn công phu. Thường thường một vài anh em trẻ, có sức liệng xa khiến chiếc túi ni lông có mấy “tiêu chuẩn” bo bo rơi đúng... vị trí. Còn cụ Thanh Long và tôi đứng hai đầu nhà canh chừng để nếu thấy đúng thời cơ, mới ra hiệu cho anh em liệng bịch ni lông bo bo qua bên kia hàng rào giây kẽm gai cho mấy đửa nhỏ đang chờ sẵn.
Được các bác, các chú miền Nam chi viện, bọn trẻ rất cảm động. Có đứa đã khóc. Ngoài rẫy làm mùa, chúng tôi được bọn trẻ biết ơn, kiếm giùm cho bó củi, bó rau. Dĩ nhiên chúng cũng mong được cho đồ ăn, cho quần áo, nhưng điều làm cụ Thanh Long và chúng tôi được an ủi là bọn trẻ mất dạy đã có lễ phép, biết nói cám ơn và nhất là chúng thấy rõ những điều được “giáo dục” căm thù quân “ngụy” của Công An coi tù là láo khoét.
Đó cũng là phần thưởng tinh thần cho chúng tôi và là những kỷ niệm khó quên trong thời gian chung sống với cụ Thanh Long.
Tiếc rằng cụ viên tịch trước khi tôi chuyển lời thăm của Cọp đến cụ. Vì cái lần chót mà tôi đến chùa Giác Ngạn - như trên đã viết - là để tiễn cụ về nơi yên nghỉ.
Tôi thắp hương lạy trước quan tài, như một Phật tử ngoan đạo và nói với cụ:
- Tôi thật có lỗi vì cả tháng nay lu bu ba cái giấy tờ chưa đến thăm Đại Sư được, bữa nay đến thì chỉ còn đưa tiễn Đại Sư.
Thứ năm vừa qua, Cọp đi Mỹ. Tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất với Cọp. Cọp nói: “Ông già có đến chùa Giác Ngạn cho tôi gửi lời thăm Thầy Thanh Long.”
Mong Đại Sư sớm về cõi Đức Phật A Di Đà!
Lạy Đại Sư.
Cả rừng người đổ xô về chùa Giác Ngạn, trong đó dĩ nhiên có vợ chồng người Công Giáo từng đi thăm nuôi cụ, để vĩnh biệt “Nhà Sư của tôi.”
Để Tưởng niệm “Nhà Sư Của Tôi”
Cầu chúc Ngài sớm siêu thăng Lạc Quốc.
Hoàng Ngọc Liên
(http://hoangngoclien1.tripod.com/)
MỤC LỤC
Nhà Sư Của Tôi (Hoàng Ngọc Liên)
Nhân Năm Rồng Kể Thêm Về Cố Thượng Tọa Thanh Long - Hoàng Ngọc Liên
Hình Ảnh Một Vị Sư Già Thượng Tọa Thích Quảng Long (Vũ Ánh)
Một Đóa Sen: hượng Tọa Thích Thanh Long (Phạm Gia Đại)
Ông sư Nhà Quê - Bài Ca Kinh Hòa Bình (Vũ Văn Quý)
Những Vị Sư Nha Tuyên Úy (Phạm Gia Đại)
Ngày Giỗ (Phan Lạc Phúc)