Những Vị Sư Nha Tuyên Úy

22/11/20194:38 CH(Xem: 9100)
Những Vị Sư Nha Tuyên Úy

 

 Lời Ban Biên Tập: Nhân sắp đến ngày giỗ cố Hòa Thượng Thích Thanh Long - một cựu Tù Nhân Chính Trị, nguyên là Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo QLVNCH bị cầm tù cải tạo tại Trại giam Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh từ ngày 13 tháng 6 năm 1975 đến ngày 12 tháng 9 năm 1987 thầy được thả về Chùa Giác Ngạn ở Sài Gòn và viên tịch tại đây ngày 29 tháng 11 năm 1991. Dưới đây là một trong loạt bài nói về thầy như để tưởng niệm đến thầy.



Lời Tác Giả: "Những Vị Sư Nha Tuyên Úy" là Phần V của thiên hồi ký "Những Người Tù Cuối Cùng" mà tác giả cố gắng ghi lại những lời giáo huấn của hai vị sư chân tu trên bước đường lưu đầy. Những lời giáo huấn quí giá đã giúp cho nhiều anh em tù nhân vượt qua được những chặng đường gian khổ và những thử thách lớn lao nhất trong cuộc đời của họ. Hồi ký này cũng là lời tri ân dâng lên cố Hoà Thượng Thích Thiện Chánh và cố Thượng Tọa Thích Thanh Long.) 

 

NHỮNG VỊ SƯ NHA TUYÊN ÚY
(Hồi Ký: Phạm Gia Đại)

 

hoa sen trangNhìn lại giòng lịch sử của dân tộc Việt Nam, đất nước chúng ta như đắm chìm trong chiến tranh tàn khốc, Hòa Bình chẳng khác gì những mảnh áo còn lành lặn trên một chiến bào tả tơi vì thương tích.

Ngày mà Sàigòn sụp đổ mới như hôm nào mà đã 35 năm qua rồi với bao đau thương tang tóc trên quê hương miền Nam dưới chế độ cai trị hà khắc của Cộng Sản (CS).

Nếu chúng ta không viết lại những chiến tích oai hùng của QLVNCH, những công lao to lớn của hàng triệu người đã đứng dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ để chiến đấu bảo vệ những giá trị quí báu như Dân Chủ, Tự Do cho ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng tại miền Nam suốt hai mươi năm 1954-1975, thì những gía trị ấy sẽ dần dần bị rơi vào quên lãng và con cháu chúng ta sau này cũng thiếu tài liệu trung thực để tham khảo về quãng thời gian hai mươi năm ấy.

Khi miền Nam mất vào tay CS, hàng triệu người quân dân cán chính của chế độ cũ đã lần lượt vào tù, và như nhận xét của đài VOA lúc đó thì hầu như những thành phần ưu tú nhất của chế độ VNCH đang nằm trong lao tù CS từ Nam chí Bắc.

Trong số hàng triệu tù nhân kể trên, đặc biệt còn bao gồm cả các nhà sư, các vị linh mục, và mục sư trong các Nha Tuyên úy Phật Giáo, Thiên Chúa GiáoTin Lành vì các vị này đã được gắn lon sĩ quan giả định để ủy lạo, nâng đỡ tinh thần và làm những nghi thức tôn giáo trong những đơn vị quân đội.

Vì vậy các vị này cũng bị tập trung "cải tạo" và cưỡng bách lao động trong trại giam y như những sĩ quan khác của QLVNCH.

Đứng đầu Nha Tuyên Úy Phật GiáoThượng Tọa Thích Thanh Long, quyền Giám Đốc, thứ hai là Thầy Minh Tâm hay Hòa Thượng Thích Thiện Chánh, Chánh Sở Phật Giáo Đô Thành.

Kỳ trước, tác giả có đề cập đến những huyền thoại về thầy Thích Thanh Long. Kỳ này đề cập đến thầy Minh Tâm với những lời di huấn của thầy đã khai sáng lại niềm tin vào tôn giáo trong những năm tháng lưu đầy khi mà những người tù không còn một nơi nào để bám víu vào mà tồn tại.

Khi mà đồng minh Hoa Kỳ đã bỏ rơi để họ sa vào tay kẻ thù, khi mà gia đình thì quá xa vời và cũng đang khốn khổ bên ngoài vì gọng kìm siết chặt của kẻ thắng trận, khi mà chung quanh họ chẳng còn ai khác ngoài các chiến hữu cũ, bốn bức tường và những cai tù cay nghiệt đang đọa đầy thân xác họ.

Khi đó chợt xuất hiện những vị lãnh đạo tinh thần trong Nha Tuyên Úy trong trại mà tôi đang bị giam giữ, không biết đó là điều ngẫu nhiên hay định mệnh đã an bài để cứu vớt những người tù?

Nhìn bề ngoài, Thầy Thanh Long giống như một ông già nhà quê Bắc Kỳ bình dị và chất phác trong bộ áo nâu sòng, nhưng ở con người thầy như thoát ra một dòng điện nhu hòa đem lại yên bình cho những người chung quanh của một nhà sư mà Tâm đã định, Trí đã ngộ và Huệ đã như bông sen nở ra để cứu độ chúng sanh.

Thầy Minh Tâm thì đúng là chân chất thật thà như người dân miền Nam Bộ. lúc nào cũng cười hiền hậu và sẵn sàng giúp đỡ các anh em đau ốm như cạo gió hay lể nếu bệnh nặng, hay nói chuyện đời chuyện đạo để an ủi họ.

Hình như Ơn Trên đã xui khiến cho nên hai thầy đều đã từ chối sự giúp đỡ của các tòa đại sứ bạn không di tản, để vào tù cùng với các vị linh mụcmục sưcứu độ các người tù trong cõi hỏa ngục trần gian.

Bởi tôn giáo trong suốt thời gian đó chính là niềm hy vọng cuối cùng cứu rỗi cho họ, những con người bị bỏ rơi trong tuyệt vọng. Bởi lúc đó, con người sống trong nhục nhằn, đau khổđói khát đến tận cùng và hầu hết đã mất niềm tin vào tôn giáo; cho nên những trại giam nơi có bước chân của quí thầy đi qua đã củng cố lại niềm tin ấy và còn giúp cho đạo Phật được hoằng dương ngay tại những nơi hoang vu thâm sơn cùng cốc và nghèo nàn nhất.

Thế rồi như một phép lạ, Lễ Phật Đản đầu tiên khoảng năm 1984 đã rơi vào ngày Chủ Nhật và được tổ chức qui mô nhất trong không khí trang nghiêm, trật tự và được Thầy Thích Thanh Long chủ trì.

Một căn buống giam đã được chọn, quét dọn gọn gàng sạch sẽ và hai tầng trên có một bàn thờ Phật, một bình bông và nhang đèn đầy đủ với hàng trăm tù nhân Phật tử tham dự ngồi đầy hai tầng trên và cả hai tầng dưới.

Một hình ảnh thật lạ lùng không ngờ và huyền diệu chưa từng có trong lịch sử trại giam tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thầy Khuê, Đệ Tam Đẳng Huyền Đai của võ đường Nhu Đạo Quang Trung khi xưa được cử ra canh giữ ngoài cổng cùng với hai thầy đại đức khác để đề phòng đám cán bộ trại có thể bất ngờ vào trại xin trà cà phê thuốc lá.

Nhưng đúng như Thầy Long nói vì mình thờ Phật và kính Tam Bảo nên mình được chư vị Sơn Thần Thổ Địa che chở, và như Thầy Tâm thì trại gần chùa Hương Tích nơi thờ PhậtQuán Thế Âm nên được hưởng những an lành, cho nên hôm đó bên ngoài trại hầu như trống vắng vì họ kéo rốc hết ra thị xã để xem một trận đá banh nên buổi lễ mừng Phật Đản năm đó đã diễn ra hết sức viên mãn.

Thầy Thanh Long chí tâm đảnh lễ chư Phật xong thì trì niệm chú Đại Bi, bài Thập Chú, Sám Pháp, Thập Nhị Nguyện Quán Thế Âm, v.v.

Các Phật tử trì niệm theo, những lời kinh trầm trầm êm êm, nhẹ nhàng và thanh thoát bay lên không trung và mọi người như cảm thấy tuy thân trong tù nhưng tâm hồn như đã thoát vút lên cao và những lời kinh cầu đó như xoa dịu đi những nỗi đau của kiếp biệt xứ lưu đầy.

Buổi sáng hôm đó tôi lại học thêm một bài học nữa khi chạy qua khu nhà Văn Hóa vì bên đó nhờ bàn tay các anh em nghệ nhân mà có một vườn hoa rất đẹp vừa hoa hồng, vạn thọ, hướng dương đủ cả, để xin bó hoa cắm bình bông cho buổi lễ. Khi về Thầy Long thấy và bảo tôi rằng chỉ nên lấy vừa đủ bông hoa thôi, không cần nhiều thế, còn để cho Trời Đất cùng hưởng hương thơm của cây cảnh.

Từ đó, tôi ngộ được rằng con người ta không phải sống lẻ loi mà cùng với Trời Đất tồn tại. Trời Đất cũng biết thưởng thức hoa cảnh và thiên nhiên như con người và cùng chịu đựng cả những sự tàn phá thiên nhiên mà con người gây ra nữa.

Không những năm ấy là năm duy nhấtchúng tôi đã tổ chức được một đại lễ Phật Đản trong tù mà vào dịp cuối năm các anh em, do quí vị linh mụcmục sư hướng dẫn cũng đã tổ chức được một lễ Giáng Sinh thật là huy hoàng chưa bao giờ có.

Hàng đoàn người đã mang theo tượng Đức Mẹ và Chúa Giê Su đi rước lễ từ buồng này qua buồng kia và hát những bài thánh ca thật là thanh thoát. Buổi lễ mừng Chúa Giáng Sinh cũng thành công rực rỡ ngoài dự định vì không kể các con chiên còn có nhiều Phật tử trong đó có tôi cũng xin tham dự.

Tôi còn may mắn trong thời gian ở chung buồng với quí thầy thì một hôm Thầy Tâm gọi tôi xuống ngồi cạnh bên chiếc võng thầy đang nằm và bắt đầu nói chuyện với tôi về đời và đạo.

Tôi cũng không ngờ rằng chính Thầy đang trang bị cho tôi một kiến thức về đạo Phật để giúp cho tôi sau này đủ nghị lực để chống chỏi với những thử thách lớn lao hầu như khó vượt qua nổi của những năm tháng sau cùng còn trong tù khi mà các bạn tù của mình lần lượt ra về, và khi mà chiếc phao cuối cùng là người vợ thì không còn đến thăm tôi trong trại giam nữa.

Tôi dần dần làm quen với những sự trống vắng đó vì biết rằng nếu không quen dần đi thì nó sẽ giết mình dần theo thời gian và sưc khoẻ sẽ suy kiệt.

Có thể Thầy đã tham thiền nhập địnhthông hiểu các chuyện quá khứ vị lai nên thầy luôn khuyên tôi phải luôn giữ chánh tâm mà niệm Phật "Lục Tự Di Đà" để giải trừ bớt nghiệp chướng.

Thầy ví trại giam như cái tấm lưới của cái võng mà thầy đang nằm, nếu ta chấp nhận nghiệp thì nó sẽ như cái võng nhưng nếu ta chống lại nó tức là nghịch lại với nghiệp chướng thì nó sẽ là những sợi dây thừng siết cổ mình lại.

Thầy bảo rằng mỗi chúng sanh đều có nghiệp riêng và quốc gia cũng có lúc hưng thịnh hay suy vong. Mất nước thì con dân đều phải gánh chịu một phần, kiên tâm chịu đựng thì tương lai sẽ còn. Cái gì đã An Bài thì chúng ta không thể đi ngược lại được Số Mệnh mà phải xuôi theo giòng để xem tương lai sẽ về đâu.

Thầy kể cho tôi nghe về Sư Ông là người thầy của thầy, tu tại chùa Châu Viên tại vùng Thất Sơn, Châu Đốc, là một vị chân tu mà Việt Minh cũng sát hại Sư Ông một cách dã man bằng cách trói tay bằng dây kẽm gai và chặt đầu bằng mã tấu như thời Trung Cổ vậy.

Lúc ấy, Thầy Tâm mới mười mấy tuổi nhưng cảnh tượng hãi hùng đó cả đời thầy không bao giờ quên được; và Thầy dặn tôi rằng không bao giờ chúng ta có thể sống chung với họ được. Họ đây chính là Việt Minh mà sau này đã lộ bộ mặt thật ra là Cộng Sản, tay chân của Nga Sô và Trung Cộng.

Qua những lần thăm nuôi có một vị Tuyên Úy đã bí mật đem vào trại cuốn "Đức Phật và Phật Pháp" và cho tôi mượn. Tôi có lẽ có duyên với đạo Phật hay sao nên tất cả quí thầy nhỏ lớn đều yêu mến tôi nên thường hay gập tôi trò truyện những cái hay cái dở của các thầy, nhờ đó tôi lại hiểu thêm nhiều về cả đạo lẫn đời, về căn tu, về Duyên, Nghiệp và Quả Báo.

Trong trại giam họ đặt ra nội qui nghiêm  cấm tất cả sách báo từ ngoài vào cho nên có được một cuốn sách Phật trong tay là điều kỳ diệu.

Tôi đã đọc một mạch từ đầu đến cuối cuốn sách và những dòng chữ ấy như từ từ thấm vào trong người và đem lại cho tôi một bản lãnh mà trước đó mình chưa hề có.

Trước kia, tôi thường hay thắc mắc không biết hỏi ai vì sao hai anh em tôi cùng một mẹ cha, cùng cắp sách học chung trường, cùng lớn lên dưới một mái nhà mà anh tôi, Thiếu Tá Hải Quân lại đoàn tụ được với vợ con hạnh phúc bên Mỹ - Thiên Đàng của Hạ Giới - trước khi Sàigòn sụp đổ, trong khi đó thì tôi sa vào chốn địa ngục này không biết ngày nào ra, và gia đình thì chia ly rồi tan vỡ?

Tại sao đêm ngày 29 tháng Tư ấy tại cổng sau của tòa đại sứ Hoa Kỳ, tôi không can đảm ra đi một mình như Mẹ tôi đã căn dặn là Mẹ sẽ ở lại và lo cho vợ con tôi để tôi yên tâm ra đi vì an nguy của bản thân mình, mà lại vì vợ con ở lại để sống trong kiếp lưu đầy và cuối cùng thì gia đình cũng chẳng còn gì?

Tôi muốn hỏi "tại sao" hàng trăm lần nhưng bây giờ sau khi đọc xong cuốn sách Phật, được nghe những lời giảng huấn của quí thầy, nhất là Thầy Minh Tâm và Thầy Thanh Long thì tôi đã hiểu và sẽ cam tâm chịu đựng cái số kiếp của mình và cái số mệnh đã an bài.

Những buổi tối sau một ngày lao động mệt mỏi thì những lúc ngồi cạnh Thầy Tâm nghe thầy nói chuyện là những lúc an ủi nhất cho tôi.

Thầy bảo với tôi rằng Ơn Trên đã xui khiến cho thầy về trại này để độ trì cho tôi vì tôi là một trong bốn đệ tử của thầy. Tôi vừa bàng hoàng vừa vui mừng tiếp nhận ân sủng đó, nhất là khi thầy nhận tôi làm dưỡng tử.

Cũng nhờ Thầy Minh Tâm luôn khuyến khích bên cạnh mà tôi đã làm được một công đức mà thầy gọi là vô lượng là sau mấy tháng ròng rã đã trì trí mà chép xong được hai bộ kinh rất quí giá là Pháp HoaĐịa Tạng.

Thầy Tâm đã cung kính thắp một nén nhang dâng cuốn tôi sao chép lại kinh Pháp Hoa lên chư Phật và cuốn Địa Tạng thì hồi hướng công đức cho Ba tôi đã mất.

Thầy luôn nhắc nhở cho tôi nhớ là chúng ta đang sống trong thời Mạt Pháp, lành ít dữ nhiều, là thời của Qủy Đỏ đang tung hoành nên phải chuyên tâm niệm Phật, bố thí và làm Phước.

Sau hơn mười hai năm tù giam thì tất cả các vị Tuyên Úy đều được thả ra khỏi trại và theo xe lửa về Nam, như đem theo cả một phần sinh khí của trại cùng xuôi về phương Nam với các vị ấy.

Tôi còn ở lại trong sự trống vắng mênh mông của những buồng giam và sự trống rỗng ngay cả trong tâm hồn mình.

Nhớ đến các lời thầy đã dặn dò và chỉ dậy như vẫn còn văng vẳng đâu đây, tôi đứng dậy ra sân trại, nhìn về phía những rặng núi xanh xanh xa mờ chập chùng mây trắng bao phủ chung quanh và tự nhủ lòng rằng sẽ phải hết sức sống còn để ra khỏi cõi U Minh này.

Viết xong rạng sáng ngày Rằm Tháng Tư năm Canh Dần tại California

Phạm Gia Đại

MỤC LỤC

Nhà Sư Của Tôi (Hoàng Ngọc Liên)
Nhân Năm Rồng Kể Thêm Về Cố Thượng Tọa Thanh Lon- Hoàng Ngọc Liên
Hình Ảnh Một Vị Sư Già Thượng Tọa Thích Quảng Long (Vũ Ánh)
Một Đóa Sen: Thượng Tọa Thích Thanh Long (Phạm Gia Đại)
Ông sư Nhà Quê - Bài Ca Kinh Hòa Bình (Vũ Văn Quý)
Những Vị Sư Nha Tuyên Úy (Phạm Gia Đại)
Ngày Giỗ (Phan Lạc Phúc)
Một đoá sen hồng (Nguyễn Văn Chương)

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.