Ngược dòng lịch sử cách đây khoảng 2600 năm, có một khu vườn hoa xinh đẹp (Vườn Lâm Tỳ Ni) và đầy màu xanh nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Có vị Hoàng Hậu Ma Da, vợ của vua Tịnh Phạn, người trị vì vương quốc nhỏ của dòng tộc Thích Ca, phía bắc Ấn Độ, đã hạ sinh ra Thái tử (đức Phật) tại đây. Khi đang trên đường trở về quê ngoại để sinh nở, theo tục lệ truyền thống của Ấn Độ lúc bấy giờ. Trên đường đi đã đến vườn Ngự uyển Lâm Tỳ Ni của vua Thiện Giác xứ Ấn Độ, Hoàng Hậu xuống xe dạo chơi trong khu vườn xinh đẹp, thấy cành hoa Vô Ưu màu trắng tuyệt đẹp nở trên thân cây cổ thụ gần đó, Hoàng Hậu vịn tay níu lấy cành hoa, thì liền ngay lúc đó đất trời chuyển động. Từ trên không trung có muôn ngàn ánh sáng rực rỡ, tiếng nhạc trời vang vọng khắp nơi, những đoá hoa trời rải xuống. Hoàng Hậu như chìm sâu trong tĩnh lặng, cũng là lúc (đức Phật) Thái Tử Tất Đạt Đa ra đời.
Trong bộ kinh Trường A Hàm quyển một, (phẩm Sơ Đại Bản Duyên) và kinh Đại Bản (thuộc Trường Bộ) đều ghi lại rằng, trong ngày Đản sinh của đức Phật: “Khi vừa mới hạ sinh, Ngài bước đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở ra một đóa hoa sen, đến bước thứ bảy thì dừng lại”, Ngài nhìn khắp cả bốn phương, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và dõng dạc tuyên bố rằng:
“Thiên thượng thiên hạ – Duy ngã độc tôn
Nhất thiết chúng sinh – Giai hữu Phật tính”.
Đây là câu nói đầu tiên của Ngài khi chào đời, câu nói trên đã cho chúng ta hiểu rằng: “Trên trời dưới trời này, đời sống của con người là có giá trị tự mình định đoạt”! vậy chúng ta hãy tìm hiểu giá trị của chính mình chứ đừng tìm hiểu giá trị nào nằm ngoài con người của chính mình. Khi đã tìm thấy giá trị, trí huệ nơi chính mình rồi thì hãy đem giá trị ấy để ứng dụng vào cuộc sống hiện hữu.
Mặt khác, chúng ta có thể hiểu câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” ở một ý nghĩa khác, mang lại lợi ích cho người nghe, cho người thức tỉnh tự giác tự ngộ về giá trị làm người. Hiểu được câu nói trên, thì chúng ta không còn tự hạ thấp giá trị của chính mình trong cuộc sống, cuộc sống đó do chính chúng ta định đoạt, chớ không do thần linh hay Phạm Thiên có thể định đoạt và áp đặt cho con người được. Đây cũng chính là sự suy tư trước khi đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề.
Đức Phật là một chúng sinh đã giác ngộ, chứng nhập chân lý, thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ đề mà chưa một ai trước đó chứng ngộ được điều đó. Như vậy, Phật chính là bậc thầy, có trí tuệ và đức hạnh, bậc tôn kính nhất thế gian, cũng là bậc tự do tự tại.
Trong ba cõi chỉ có Ngài mới đạt được cảnh giới đó, vậy thì Ngài ở vị trí độc tôn cũng không có gì là lạ. Ngài không còn sự phiền não lậu hoặc, vì vậy nói đức Phật “duy ngã độc tôn”. Do đó, “duy ngã độc tôn” còn có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa khác.
1- Duy ngã là có sự giác ngộ hoàn toàn do chính mình biết cách buông xả, bởi giác ngộ là thành Phật. Đó là sự tối thắng ở đời do sự kiên trì bền bỉ trong tu tập.
2- Duy ngã là chỉ có chân ngã, tức là Thường-lạc-ngã- tịnh chân không mà diệu hữu, vì vẫn thường biết rõ ràng.
3- Duy ngã là chỉ có Phật tính trong mỗi con người ‘là tôn quý nhất’, Ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành, vì mỗi chúng sinh đều có Phật tính sáng suốt.
4- Duy ngã là pháp thân thường trụ không biến đổi chỉ vì bất giác chạy theo vọng niệm mà trầm luân trong sinh tử.
Bởi vì từ cổ đến nay nhiều người không hiểu rõ chữ “Ngã” trong câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có nghĩa là Như Lai, là Phật; Chứ không phải “Ngã” là chỉ nhục thân của Thái Tử Tất Đạt Đa. Cho nên trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Như Lai Tính, đức Phật dạy: “Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sinh đều có Phật Tính tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sinh chẳng nhận thấy được”. Cũng trong kinh này – phẩm Tứ Tướng thứ bảy Ngài cũng nói rõ rằng: “Ngã đây chính là Như Lai, là Chân Tâm, Phật Tính, là thân Kim Cang bất hoại, chứ không phải là Ngã của Thái Tử Tất Đạt Đa”. Vì vậy, chúng ta phải hiểu Phật nói rõ “thân của Như Lai tức là Pháp Thân, chẳng phải thân thịt máu mạch gân xương tủy hợp thành. Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện vào thai mẹ, vì tùy thuận cách sinh của chúng sinh mà thị hiện làm đứa trẻ…”. Đức Phật, chỉ muốn nói đến chân ngã, tức là cái ngã bất sinh, bất diệt, cái ngã tự chủ, tự giác tự ngộ, không còn có sự kềm kẹp của thần linh, Phạm thiên; chính ta định đoạt cho đời sống chúng ta, không ai có thể cho chúng ta giàu hay nghèo được mà chỉ có chúng ta mới định đoạt cho đời sống chúng ta mà thôi. Trong nhà Phật việc tu hành đắc đạo, ngự phục tham sân si, tiến đến niết bàn, nếu không tu mà sa đọa vào địa ngục cũng do chúng ta, chứ không phải đức Phật định đoạt cho chúng ta, đó là tính chất đặc biệt của giáo lý đạo Phật từ suốt mấy ngàn năm qua đến nay và vẫn còn phù hợp với loài người đến mãi mãi không cùng.
Như vậy, chúng ta đã rõ chữ Ta ở đây không mang ý nghĩa triết học Đại ngã hay Tiểu ngã vốn là của Ấn Độ giáo. Theo đó, Đại ngã là cái ngã bất biến, thường hằng, tuyệt đối, vô cùng lớn lao, bao hàm cả vũ trụ. Tiểu ngã là cái ngã của từng cá nhân có tính chất của Đại ngã, và nếu sự tu tập thì sẽ có lúc hoà nhập vào Đại ngã, đạt hạnh phúc tuyệt đối. Theo Phật giáo thì Ngã chỉ là một khái niệm giả tạo, hư huyễn, vô thường, khổ đau; con người thực sự hạnh phúc khi phá bỏ được cái ngã của mình bằng cách thực hiện vô ngã, tiến đến giải thoát tối hậu, Niết bàn.
Trong kinh dạy rằng sự Đản sinh của đức Phật là một đại sự nhân duyên báo trước sự xuất hiện của một bậc Đại giải thoát, toàn trí, toàn năng. Ngài là Phật, Phật là bậc đáng tôn quý nhất trên đời thì lời tuyên bố “Duy ngã độc tôn” của ngài là một lời chân thật. Qua đó, chúng ta cũng thấy Danh xưng Như Lai cũng như Phật, là hai từ nói về tình trạng giải thoát sinh tử luân hồi, mà những người tu hành chân chính mới đạt được. Như Lai được giải thích trong Kinh là “Đến, Đi không động”. “Không động” là vì Chư Phật có Tứ Vô Lượng Tâm, tức là Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả, cho nên có nghĩa là không khởi Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Tham, Sân, Si, Thương, Ghét… khi đối pháp, bởi đó là những cái Tâm Phàm, khởi lên do vướng mắc với các pháp.
Ngược lại người phàm phu cho rằng ngã là chúa tể của cái thân, nó là thường trụ, trường tồn, cho nên sinh ra mê chấp, yêu mến thân mình và cái gì thuộc về mình, bênh vực cho ý tưởng của mình. Đó là ngã chấp. Thật ra đó là bản ngã hay vọng ngã, thân này chỉ là giả hợp. Có duyên thì tụ, hết duyên thì tan, ở phía sau năm uẩn không tìm thấy có một thực thể nào gọi là ta, cái của ta trường tồn bất biến. Bởi vì chúng sinh đắm chìm trong vũng lầy của vô minh tăm tối, ai nấy suốt đời chỉ khư khư chấp ngã, toan tính, lo lắng cho cái tôi mà chưa từng để ý xem “tôi” thật là ai, “tôi” ở đâu, ngu si mê muội nhận vọng làm chân, nhận lầm chút đất nước gió lửa hư vọng làm thân ta, chấp bóng ảnh sáu trần triền miên sinh diệt là tâm ta, quên hẳn chân tính độc nhất tôn quý của chính mình. Khi nói về Chân Tâm Phật Tính, đức Phật kể trong Kinh Đại Bát Niết Bàn “Có một cô gái nghèo, trong nhà có kho vàng ròng mà không biết, đến khi có người khách khéo biết phương tiện chỉ cho chỗ cất giữ kho báu, cô trở nên giầu có. Người khách khéo biết phương tiện dụ cho Phật, cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng sinh hiện bị các phiền não che đậy và kho vàng ròng chỉ cho Phật Tính Chân Tâm”. Vậy chữ Ta ở đây chính là Phật tính, là Chân Tâm, chẳng hề sinh, chẳng hề diệt, hoàn toàn thanh tịnh, là cái xa lìa tất cả những cái gì gọi là đối đãi. Cái Ta đó hay cái Ngã đó chính là Chân Ngã, chính là Pháp Thân thường trụ, không bao giờ hoại, bao trùm khắp không gian và thời gian.
Phật dạy: “Như Lai có pháp Đại Đà La Ni tên là Viên Giác. Từ tính Viên Giác này mà sinh ra các pháp thanh tịnh: Chân Như, Bồ Đề, Niết Bàn và Ba La Mật. Nhân địa tu hành của các đức Phật đều y Viên Giác mà vĩnh viễn đoạn trừ Vô Minh, được sáng suốt thanh tịnh, viên mãn nên được Thành Phật”. “Nhân địa tu hành của Như Lai là tu theo Viên Giác: Nghĩa là Biết các pháp đều hư huyễn, như hoa đốm giữa hư không thì không còn Sinh tử Luân Hồi và cũng không có người chịu Sinh tử Luân Hồi”. Và trong kinh Pháp Hoa cũng nói rằng: “Thực ra đức Phật đã thành chính giác từ vô lượng kiếp về trước. Ngài thị hiện thành Phật ở cõi Ta Bà này là “muốn khiến cho chúng sinh ngộ tri kiến của Phật”. Tức là chứng quả, chứng được cảnh giới của Phật. Do đó đại sự nhân duyên của Phật, tức là muốn khiến cho chúng sinh: khai, thị, ngộ, nhập, tri kiến của Phật; liễu sinh thoát tử, một khi liễu sinh tử, thì đại sự sẽ hoàn tất. Đại sự hoàn tất, thì chẳng còn việc làm. Cho nên mười phương chư Phật, Phật Phật đồng nhau, một luật bình đẳng; chẳng phải nói ta là độc nhất vô nhị, cũng chẳng chuyên chế độc đoán. Hiện tại chẳng phải chỉ có Phật mới có tri kiến của Phật, mà tất cả chúng sinh đều có tri kiến của Phật. Chỉ vì chúng sinh chẳng minh bạch đạo lý này, chẳng đắc được sức lực này. Cho nên Phật vì tất cả chúng sinh mà xuất hiện ra thế giới Ta Bà này.
Trước khi đức Phật ra đời, hầu như tất cả tôn giáo thời bấy giờ đều có lý tưởng sở đắc ở bên ngoài mà Thiền tông gọi là “hướng ngoại cầu huyền” nên tuyên ngôn đầu tiên của đức Phật là hãy trở về chính mình, vì tất cả chân lý đều có mặt ở đó.
Sau khi đắc chính quả, một lần nữa trong kinh Pháp Cú, bài kệ 160, đức Phật nói:
“Tự mình nương tựa mình,
Nào có nương tựa khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
Được nương tựa khó được.”
Tạm dịch:
Ta là nơi nương nhờ của Ta, không ai khác là nơi nương nhờ được, trở về với cái Ta thuần tịnh, chính là nơi nương nhờ hy hữu.
Vậy “Tự mình” hay “Ta” ở đây không có ý nghĩa là Bản ngã, mà là Bản Tâm Thanh Tịnh được đức Phật mô tả Trong Kinh Tăng Chi: “Tâm này, này các Tỳ kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy”. “Tâm này, này các Tỳ kheo, là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào. Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy”. Tự mình hay “Ta” ở đây không có ý nghĩa là bản ngã, mà theo Tiểu Bộ kinh, là Tính Biết Trong Sáng “không sinh, không hữu, không tác, không thành”. Bản ngã luôn có tham vọng nỗ lực tạo tác để trở thành một con người lý tưởng hay một bậc Thánh nào đó.
Nơi đạo Phật, phương pháp để dễ dàng giác ngộ là “Tự mình là hòn đảo của chính mình” giữa bể khổ trầm luân, hay “Tự mình thắp đuốc lên mà đi” giữa nẻo vô minh tăm tối. Vì vậy, bổn phận của người tu chính là chấm dứt sự tìm kiếm bên ngoài, mà là thấy rõ được “Bản Tâm Thanh Tịnh” hay “Tính Biết Trong Sáng” từ chân lý Duyên khởi mà nên. Đức Phật dạy các hành giả nên trở về quán sát Duyên khởi tính nơi Thân, Thọ, Tâm, Pháp của chính mình trong thực hành thiền Tuệ. Đó chính là tuệ tri.
Người giác ngộ chính là người thấy ra bản chất đích thực của đời sống, không nên có thái độ nhị nguyên chấp thủ, cũng không quá hướng ngoại kiếm tìm ảo ảnh cho bản ngã hay tư tưởng vọng cầu. Cho nên trong kinh Pháp Cú (câu 154) đức Phật dạy rằng: “Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè… của ngươi đã bị mục rã cả rồi…” Kẻ làm nhà đây chính là tham lam ái dục, độc đầu tiên trong ba độc. Nhà là chiếc thân do ngũ uẩn chung hợp. Cột kèo… là những phiền não nhiễm ô. Mục rã rồi tức đức Phật đã chinh phục, đã vượt lên trên, đã đứng ngoài sự chi phối của chúng. Nói rõ hơn là đã thành tựu tuệ giác siêu việt. Không còn bị nghiệp lực đẩy đưa, mà chỉ còn có nguyện lực độ sinh. Cho nên đức Phật tuyên bố: “Vô lượng sinh tử, ư kim tận hỷ”: Vì chưa tìm ra nguyên nhân, nên trải qua vô số kiếp ta phải chịu sinh tử luân hồi. Nay đã thấy rõ nguyên nhân và nhất là đã có phương pháp diệt trừ, thì sinh tử luân hồi không còn chi phối ta được nữa. Như vậy vào thời điểm ấy chỉ mới duy nhất có mình Ngài thấy rõ nguyên nhân Sinh-Lão- Bệnh-Diệt, cũng là lẽ đương nhiên.
Như chúng ta đã biết, ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này là vô thường sinh diệt, không có nghĩa lý gì, cho nên giáo lý nói là vô ngã. Vô ngã chính là vô cái ngã tứ đại ngũ uẩn, nhưng Pháp thân là thể bất sinh bất diệt, nó trên hết. Vì vậy Phật nói “Duy ngã độc tôn”. Trong kinh Kim Cang có bài kệ “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, tức là nếu dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.
Ngã này chỉ cho ngã gì? Chính là “Ngã” của Pháp thân nên không thể dùng sắc tướng, âm thanh mà cầu. Nếu ai dùng sắc tướng âm thanh mà cầu Pháp thân, đó là tà.
Cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bản trường ca bất tận về Bi tâm độ sinh của Tam Thế Chư Phật! Từ bậc Nhất Sinh Bổ Xứ Bồ Tát, Ngài rời Nội Viện Cung Trời Đâu Suất giáng sinh nơi cõi Ta Bà đầy uế trược này. Ngài cũng chịu bao nỗi đau khổ, gian lao trong kiếp sống như mỗi người. Ngài vì hết thảy chúng ta mà tìm đường Giác Ngộ, giúp chúng ta hội nhập tri kiến Phật, vĩnh viễn thoát khỏi sinh tử luân hồi. Trái lại, khi một người phàm ra đời thì gọi là “đầu thai”. Đầu thai có nghĩa là bị nghiệp báo hoặc thiện hay ác bắt buộc phải luân hồi để chịu quả báo lành hay dữ. Còn giáng sinh hay thị hiện thì không hàm cái nghĩa bị nghiệp nhân câu thúc; Mà do nơi lòng từ bi, muốn lợi ích cho chúng sinh, nên tự nguyện ứng thân xuất hiện ra đời trong một thời gian để cứu độ chúng sinh; Xong rồi thì thâu thần tịch diệt, tự tại vô ngại ra ngoài sống chết.
Cho nên đức Phật đã thắng cả ngoại cảnh lẫn nội tâm, đã thắng được cả giặc Ma Vương lẫn giặc Dục Vọng. Đức Phật thật xứng đáng với danh hiệu Đại Hùng, Đại Lực. Ngài không phải vì quyền lợi riêng mình mà chiến đấu. Ngài chiến đấu vì tình thương, tình thương ở đây cũng không phải chỉ nằm trong phạm vi hẹp hòi của gia đình: Thương cha mẹ, vợ con, bạn bè. Mà Tình thương ở đây chính là tình thương tất cả chúng sinh. Tình thương ấy nó rộng sâu như trời bể, thiết tha như tình mẹ thương con. Đức Phật thật xứng đáng với danh hiệu Đại Từ, Đại Bi. Chính tình thương ấy, mà Ngài đã hoan hỷ lìa bỏ ngôi báu cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, đàn hay múa đẹp, lìa mùi ngon, vị lạ để sống một cuộc đời kham khổ, đạm bạc, thiếu thốn, giữa rừng thiêng nước độc. Ngài đã rời bỏ những thứ mà người đời cho là quý báu nói trên, Ngài không một phút giây nào hối tiếc, để quay về hưởng thụ lại. Bằng cớ là Ma Vương đã sai con gái mình giả làm nàng Da Du đến kêu gọi van xin Ngài trở về cung, nhưng Ngài không có một chút động tâm, thối chuyển nào. Ngài xứng đáng với danh hiệu là Đại Hỷ, Đại Xả. Cho nên ngày nay, mỗi khi xưng tán danh hiệu đức Phật, chúng ta không thể không suy ngẫm đến ý nghĩa sâu sắc mà người đời từ xưa đến nay đã tôn xưng Ngài là: “Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả.” Sau khi giác ngộ, Ngài không vội vào Niết bàn, mà nghĩ ngay đến sứ mạng của Ngài là: “Thay thế chư Phật đời trước, tiếp tục chuyển mê khai ngộ cho tất cả mọi người”. Sứ mạng ấy, Ngài biết trước thật không dễ dàng. Nhưng vì Đạo của Ngài quá cao thâm huyền diệu, còn chúng sinh thì căn cơ không đều, muôn kiếp đã lặn hụp trong si mê lầm lạc, khó có thể nhận hiểu được giáo lý ý nghĩa cao thâm của Ngài.
Vì vậy khi chúng ta học hỏi đời Ngài, không nên có quan niệm học cho biết để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Mà chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa thâm thúy đời sống của đức Phật qua mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi im lặng của Ngài đều là những bài học quý báu ấy, để đem áp dụng cho đời, để thụ hưởng những lợi lạc. Làm được như thế mới khỏi phụ ý nguyện lớn lao của đức Phật khi giáng sinh xuống cõi Ta bà, đúng với câu: “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tính”. Trong giờ phút thiêng liêng của ngày Phật đản, chúng ta là những người con Phật, cần hiểu đúng ý nghĩa của lời pháp ngữ này, và đón nhận lấy gia tài quý giá mà đấng cha lành đã gửi trao, để không phụ thâm tình chỉ mê khai ngộ của đức Như Lai!
Sự kiện đức Phật Đản sinh là để xóa tan cái tối tăm của vô minh, hướng con người thoát khỏi khổ đau. Con người muốn được hòa bình, hạnh phúc, an lạc thì trước hết phải học những cách thức dẫn đến dập tắt sân hận, tham lam và si mê. Giáo lý của đức Phật giúp cho xã hội có thể tiến bộ về văn hóa, văn minh, cho con người sống trong hòa bình và hòa hợp, soi sáng cho nhân loại vượt qua một thế giới tối tăm, hận thù và đau khổ, tiến tới một thế giới ánh sáng, tràn đầy tình yêu thương và hạnh phúc.
Thượng toạ Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội