CHUYỆN THAY TÊN LÝ THÚ CỦA
2 NGÔI CHÙA Ở NHA TRANG
Dựa theo những Hán tự khắc trên quả Đại Hồng Chung nay còn lưu giữ tại Linh Phong Cổ Tự trên một chiếc giá bằng gỗ kiên cố và được chạm khắc trang trí hoa văn rất công phu, hậu thế mới biết được rằng chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê. Trên chuông còn rõ đó ngày đúc chuông với dòng chữ “Tuế thứ Quý Dậu niên tứ nguyệt Cát nhật”, tính ra là năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753), nên có thể đoán được chùa được cất cùng lúc, hoặc trước lúc đúc chuông vài năm. Nhưng trên chuông còn khắc ba chữ “Bửu Phong Tự”, làm cho rất nhiều người thắc mắc, không biết đâu là tên thật của ngôi cổ tự này.
Theo lời giải thích của sư trụ trì, và tham khảo thêm cuốn “Xứ Trầm Hương” của cố thi sĩ Quách Tấn, mới hay:
Bửu Phong Tự mới là tên đích thực của Linh Phong Cổ Tự. Vốn là trước đó tấm biển tên “Bửu Phong Tự” bị hư hỏng, sư sãi chưa có dịp làm lại biển mới khác, rồi đất nước loạn lạc chia ly, Phật giáo gặp pháp nạn, chùa trở nên hoang phế, nên không ai nhắc đến tên Bửu Phong Tự nữa, mà chỉ quen miệng gọi là chùa Quan Thánh…
Trong thời gian đó, tấm biển “Linh Phong Cổ Tự” là của một ngôi chùa khác ở dưới đồng bằng, địa phận làng Xuân Phong gần đó, đã bị cháy rụi, sau phải dời đi qua làng Xuân Lạc rồi trở thành một ngôi già lam mang tên mới Liên Hoa.
LIÊN xuất tam hoàn XUÂN thiên tuế
HOA sinh ngũ sắc LẠC vạn biên
(Sen nở ba vòng Xuân mãi mãi
Hoa sinh năm sắc Lạc không cùng)
Vào năm 1927, Hòa thượng Thích Nhơn Thứ, đang là trụ trì chùa Linh Quang ở Diên Điền-Diên Khánh được dân làng cung thỉnh về kiêm trụ trì chùa Liên Hoa để chùa không còn phải lâm vào cảnh hoang lạnh. Đến năm Bảo Đại thứ 15 (1940) chùa đã được triều đình nhà Nguyễn ban biển ngạch Sắc tứ. “.
Quay trở lại thời gian trước, khi ngôi chùa cổ bị hỏa hoạn thiêu rụi, dân làng đã mang tấm biển “Linh Phong Cổ Tự” cất giữ, sau lại đem lên đặt trong khuôn viên chùa Bửu Phong trên đồi Trại Thủy đang không ai trông coi hương khói. Rồi bằng đi một thời gian dài sau, một vị sư ở Huế vào tiếp nhận chùa để an trú hành đạo, thấy chùa chưa có biển tên, lại thấy tấm biển “Linh Phong Cổ Tự” nằm trong sân chùa dưới bao lớp bụi trần và rong rêu, tưởng rằng đó chính là tấm biển tên chùa bèn cho tân trang lại và dựng lên. Vậy là chùa Bửu Phong xưa kia được mang tên mới “Linh Phong Cổ Tự” cho đến tận hôm nay.
Chùa Sắc Tứ Liên Hoa ở Xuân Lạc, Vĩnh Ngọc mà tôi mới thuận duyên vào bái Phật lễ Tăng mới đây, chính là ngôi chùa ngày xưa bị hỏa hoạn, đã từng được Hộ Vân thiền sư trùng tu, cho khắc tấm biển gỗ sơn son thếp vàng đề “Linh Phong Cổ Tự” vào năm 1852.
Chùa Bửu Phong trên đồi Trại Thủy đã "hữu duyên và vô tình" mượn luôn danh tự đến... vô thời hạn.
Vậy là cả hai ngôi chùa đều "thay tên đổi họ", gẫm thấy cái duyên cũng thật là hi hữu, lý thú!
- Từ khóa :
- Chùa Sắc Tứ Liên Hoa