MÓN QUÀ CỦA LÒNG BIẾT ƠN
Ajahn Sumedho - Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Thiền sư Ajahn Sumedo là trụ trì của Trung Tâm Phật giáo Amaravati ở Anh quốc và là vị đệ tử Tây phương kỳ cựu nhất của đại thiền sư quá cố Ajahn Chah người Thái Lan.
Ở
đây thiền sư Ajahn Sumedho ghi lại niềm hoan hỷ của ông khi
cảm nhận được công ơn của cha mẹ và thầy tổ.
Nếu
một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng
cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; . . . Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc
độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy
báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay
trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo,
cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, họ nuôi dưỡng chúng, cho
chúng cơm áo, sinh chúng ra đời.
Nhưng
này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến
khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với
mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các
vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến
khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với
mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú
các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo,
là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.
(Tăng
Chi Bộ Kinh, HT Thích Minh Châu, Chương 2, Phẩm Tâm Thăng Bằng)
Cha
tôi mất sáu năm trước đây. Lúc đó ông đã chín
mươi tuổi. Ông chưa hế bày tỏ tình thương hay tình
cảm tử tế nào đối với tôi. Vì thế từ thời thơ
ấu tôi đã có cảm giác rằng ông không hề thương tôi. Tôi mang cảm giác này đi gần suốt cuộc đời mình. Tôi cũng chưa bao giờ có tình cảm yêu thương, hay bất cứ
liên hệ thân thiết nào với cha tôi. Lúc nào ông cũng
máy móc, “Chào con, rất vui được gặp con”. Hình như
ông cảm thấy thỏa mái với sự có mặt của tôi. Tôi
nhớ, mỗi khi tôi trở về nhà với tư cách là người tu sĩ
Phật giáo, ông thường nói, “Hãy nhớ, đây là nhà của
cha, con phải làm theo ý cha”. Đó là câu chào của ông
–khi tôi đã gấn năm mươi tuổi đầu! Tôi không biết
ông nghĩ là tôi sẽ làm gì.
Trước
thời kinh tế khủng hoảng, cha tôi là một nghệ sĩ có nhiều
triển vọng. Cuộc khủng hoảng đã tước đi tất cả
mọi thứ mà cha mẹ tôi đã có, vì thế cha tôi phải đi bán
giày để lo cho chúng tôi. Rồi chiến tranh thế giới
thứ hai bùng nổ, cha tôi đã quá tuổi gia nhập quân đội. Nhưng ông rất muốn ủng hộ cuộc chiến đó bằng cách này
hay cách khác, nên ông trở thành một công nhân đóng tàu ở
Seattle. Ông không thích công việc đó, nhưng đó là cách
tốt nhất mà ông có thể làm để ủng hộ cuộc chiến tranh
đó. Sau thế chiến, ông trở về với công việc bán
giày và trở thành quản lý của một cửa hàng bán sĩ các
loại giày. Ông cũng không thật sự yêu thích công việc
đó, nhưng ông cảm thấy mình không còn trẻ để có thể
tìm được một công việc làm nào khác. Ông đã không
màng đến các sở thích của mình để lo cho sự sống của
mẹ, chị tôi và tôi.
Khi
tôi lên đại học, vào những năm 1950, môn học thời thượng
lúc bấy giờ là triết học. Lúc đó những người trẻ
tuổi đều có xu hướng đổ lỗi cho người mẹ về tất
cả những thất bại, bất như ý trong cuộc đời của họ. Người mẹ là đối tượng bị nhắm vào, bị gán là nguyên
nhân của mọi khổ đau của con cái họ. Lúc đó tôi
chưa thể nhận thức được rằng khổ đó là điều không
thể tránh trong cuộc sống. Dĩ nhiên mẹ tôi cũng không
phải là người hoàn toàn, nên hiển nhiên là có nhiều điều
bà đã làm không thật tốt. Nhưng nói chung, sự hy sinh,
tận tụy, hết lòng thương yêu, lo lắng –không có gì thiếu
sót- của mẹ tôi, tất cả đều là nhằm để làm cho cuộc
sống của cha tôi, chị tôi và tôi được nhiều hạnh phúc
trong khả năng mà bà có thể mang đến. Mẹ tôi không
đòi hỏi gì riêng cho bản thân, và những khi tôi hồi tưởng
lại những điều này, thì katannu (Pali), để chỉ cho lòng
hàm ân đối với cha mẹ, lại phát khởi trong tâm tôi.
Đức
Phật khuyên chúng ta nên nhớ nghĩ đến những điều tốt
đẹp mà cha mẹ, các vị thầy, thân hữu, hay bất cứ ai,
đã làm cho ta; và phải chú tâm làm điều này, vun trồng nó,
thay vì chỉ để nó xảy đến một cách tình cờ, ngẫu nhiên.
Nhiều
đệ tử của tôi, những người đầy lòng oán hận đối
với cha mẹ họ, đã hỏi tôi họ phải làm thế nào để
phát triển lòng biết ơn đối với cha mẹ. Dạy về
lòng từ bi, hay metta, một cách quá cực đoan có thể phản
tác dụng, khiến họ thêm sân hận. Tôi nhớ có một
phụ nữ, dự một trong các khóa tu của tôi, mỗi lần nói
đến việc phải rải tâm từ đến cho cha mẹ thì bà lại
nổi giận. Sau đó bà lại cảm thấy rất ân hận. Mỗi lần nghĩ về mẹ mình là bà chỉ cảm thấy oán hận. Đó là vì bà chỉ sử dụng lý trí của mình; bà muốn thực
hành từ bi, nhưng trong lòng không có chút tình cảm từ bi
nào.
Điều
quan trọng là ta nhận ra được sự xung đột giữa tình cảm
và lý tri. Lý trí bảo rằng chúng ta cần tha thứ cho
kẻ thù, hay thương yêu cha mẹ mình, nhưng trong lòng chúng
ta lại nghĩ: “Tôi không thể tha thứ cho họ vì những gì
họ đã gây ra cho tôi”. Vì thế, chúng ta chỉ cảm thấy
oán giận, hờn trách, hoặc chúng ta lại tự trách: “Tôi
thiệt là người tồi tệ vì tôi không thể tha thứ cho người. Chắc có gì đó không ổn đối với tôi”. Khi điều
đó xảy ra, tôi thấy việc sử dụng thiền tâm từ đối
với chính các cảm xúc của mình, rất hữu ích. Nếu trong lòng chúng ta nghĩ rằng cha mẹ đã không thương
yêu, tử tế với mình, thì ta nên có tâm từ đối với tình
cảm đó; ta có thể nhìn, với tâm không phán đoán, rằng
đó thực sự là những tình cảm đang xảy ra trong lòng, để
chấp nhận tình cảm đó với lòng kiên nhẫn.
Một
khi tôi đã bắt đầu chấp nhận sự đối kháng của tôi
đối với cha, hơn là đè nén nó, tôi đã có thể dần dần
giải tỏa điều đó. Khi chúng ta giải quyết vấn đề
gì đó với tâm chánh niệm, chúng ta có thể buông xả, và
giải thoát bản thân ra khỏi sự trói buộc của nó. Việc giải tỏa những xung đột như thế khiến ta càng có
nhiều suy gẫm thêm về cuộc đời.
Sống
mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu cuộc đời chỉ là một chuỗi của những lời oán than
về sự bất công, về những thua thiệt mà ta đã gặp phải,
nhưng lại không nhớ đến những may mắn đã từng đến với
chúng ta, thì chúng ta chắc chắn sẽ bị trầm cảm -một
căn bệnh thường gặp trong xã hội ngày nay. Chúng ta sẽ khó
tìm được hạnh phúc trong cuộc sống: chúng ta sẽ nghĩ rằng
cái khổ của mình là vĩnh hằng.
Khi
trở thành một tu sĩ Phật giáo ở Thái Lan, tôi may mắn
được gặp vị thầy, Luang Por Chah, mà nhiều người biết
đến với tên, Thiền sư Ajahn Chah, người đã là nguyên nhân
để tôi đầy lòng hàm ân với cuộc đời. Lúc đó tôi
khoảng ba mươi ba hay ba mươi bốn tuổi, và tôi phải thú
nhận rằng tôi chưa hề có lòng hàm ân trong cuộc đời. Tôi vẫn còn chấp ngã nặng nề, lúc nào cũng là tôi muốn
gì, tôi nghĩ gì. Tuy nhiên, sau một thời gian tu tập,
khoảng năm thứ sáu trong cuộc đời tu của mình, tôi đã
có được một trải nghiệm sâu sắc, một trải nghiệm được
coi như là katannu katavedia, hay lòng biết ơn đối với cha mẹ
mình.
Tôi
đã xuất gia nhiều năm trước khi được gặp ngài Ajahn Chah. Tôi rất ngưỡng mộ và tin tưởng vào Phật giáo, cũng như
rất sốt sắng để học và thực hành Phật pháp. Nhưng
tận sâu thẳm vẫn là cái cảm giác của ngã chấp, của tôi
tu học, tôi thực hành. Khi xuất gia, tôi vẫn còn cầu
mong: “Tôi muốn được giải thoát. Tôi muốn được
giác ngộ”. Tôi không quan tâm đến người khác, đến
cha mẹ, hay ngay cả đến thiền sư Ajahn Chah, là người đang
giúp tôi tu học. Tôi cũng nghĩ là ngài rất tốt vì đã
giúp đở tôi, nhưng trong lòng tôi không có cảm giác hàm ân.
Tôi
nghĩ rằng đó là chuyện tự nhiên, rằng cuộc đời phải
mang đến cho tôi những thứ đó -một thứ ngã mạn khó chấp
nhận. Khi chúng tôi lớn lên trong sự đầy đủ của
một gia đình thuộc giai cấp trung lưu, chúng tôi đã coi mọi
thứ là chuyện đương nhiên. Cha mẹ tôi đã làm việc
cực khổ để chúng tôi được sống thoải mái, nhưng tôi
luôn nghĩ là họ chưa làm đủ bổn phận, và rằng đáng lý
ra tôi phải được đầy đủ hơn nữa. Dầu đó không
phải là những điều tôi nói ra, nhưng thái độ tôi tỏ rõ
điều đó, rằng tôi xứng đáng được có tất cả mọi thứ:
người khác phải chu cấp cho tôi tất cả; cha mẹ tôi phải
mang đến cho tôi một cuộc sống tốt nhất, vì tôi muốn
được như thế. Do đó, tôi nghĩ bổn phận của thiền
sư Ajahn Chah là phải dạy dỗ, dìu dắt tôi!
Ở Thái Lan, tôi đã siêng năng tu tập và quyết chí theo đuổi cuộc sống xuất gia của mình. Sau khi đã tham dự năm mùa an cư (vassas), người tu sĩ trẻ không còn là sa di nữa, mà được tự do rời khỏi tu viện. Tôi cảm thấy được ở bên thầy cũng tốt, nhưng tôi cũng muốn tự đi con đường riêng của mình. Từ miền đông bắc tôi đi đến trung tâm Thái Lan. Sau mùa an cư, tôi hành hương đến Ấn Độ. Đó là vào khoảng 1974, và tôi quyết định đi như một tudong –một khất sĩ lang thang từ chỗ này đến chỗ kia, như một hình thức tu khổ hạnh trong Phật giáo. Có người giúp tôi tấm vé để đi từ Bangkok đến Calcutta, để rồi khi đến Calcutta, tôi chỉ có bình bát, y áo, và không tiền, đúng theo điều luật của người tu. Ở Thái Lan thì dễ rồi, nhưng buổi ban đầu ở Ấn Độ, với viễn ảnh lang thang đây đó mà không có gì, ngoài bình bát trong tay, là điều khá đáng sợ. Năm tháng ở Ấn Độ đúng là một cuộc phiêu lưu đối với tôi, khiến tôi có nhiều kỷ niệm rất thú vị về nơi chốn ấy. Với cuộc sống làm người khất sĩ, tôi không gặp vấn đề gì ở Ấn Độ. Trong tất cả các quốc gia, dĩ nhiên là nó phải ổn ở đây, vì đó là nơi Đức Phật đã sống và đã hoằng pháp.
Nhưng tôi bắt đầu nghĩ đến thiền sư Ajahn Chah và nhận ra lòng tử tế mà ngài đã dành cho tôi. Ngài đã chấp nhận cho tôi làm đệ tử, chăm lo, truyền dạy Phật pháp, và giúp đở tôi bẳng nhiều cách. Ngài còn là tấm gương để tôi soi vào. Một vị tỳ kheo xứng đáng phải giống như ngài Ajahn Chah. Một người toàn vẹn, người đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng, người mà tôi rất muốn noi theo –và tôi phải thú nhận rằng tôi không có cảm giác đó đối với nhiều người khác. Tôi không hề ấn tượng với những mẫu người được tôn vinh ở Mỹ như John Wayne, tổng thống Eisenhower hay Richard Nixon. Các ngôi sao điện ảnh hay thể thao cũng được coi trọng, nhưng không có ai khiến tôi phải cảm phục.
Nhưng tôi đã tìm được người ấy ở Thái Lan. Ngài là người rất nhỏ thó; tôi đứng cao vượt hẳn ngài. Điều khiến tôi ngạc nhiên là khi chúng tôi ở bên nhau, sự có hiện diện của ngài như bao trùm chúng tôi. Có điều gì đó ở ngài khiến người ta muốn được gần gủi. Vì thế mỗi buổi chiều, hay bất cứ khi nào có thể, tôi lại tự đi tìm đến thất của ngài; tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội nào để được gần gủi bên ngài. Có lần tôi hỏi ngài có gì để lôi cuốn người ta đến vậy. Ngài đã trả lời, “Ta có đá nam châm”. Ngài đã dùng sức hút đó để lôi cuốn người ta đến để ngài có thể dạy cho họ Phật pháp. Đó là cách ngài sử dụng đặc tính đó của mình: không phải để thõa mản tự ngã, mà là để giúp đở người khác.
Đức Phật, sau khi đạt được giác ngộ, lúc đầu đã nghĩ rằng Phật pháp quá cao siêu để chúng sanh có thể thấu đạt, nên không thể truyền dạy cho họ. Sau đó, theo truyền thuyết, một trong các vị trời đã đến và thưa, “Bạch Thế Tôn, xin hãy vì những chúng sanh có ít bụi trong mắt, mà giảng Pháp”. Lúc đó Đức Phật với tâm siêu việt của mình, quán sát xem ai là những người có thể hiểu được Pháp. Đức Phật đã nghĩ đến các vị thầy cũ của mình, nhưng Đức Phật biết rằng cả hai đã qua đời. Sau đó Đức Phật nghĩ đến năm người bạn đồng tu với Ngài thuở trước, những người đã xa lánh ngài. Với lòng từ bi, Đức Phật lên đường đi tìm năm người bạn đó, và đã giảng cho họ nghe về thuyết Tứ Diệu Đế. Điều này khiến tôi cảm thấy katannu katavedita đối với Đức Thế Tôn. Thật là diệu kỳ: như tôi đây, một kẻ sống ở thế kỷ này –lại có duyên lành được lắng nghe Phật pháp, và Phật pháp tinh nguyên vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Việc được có một vị thấy đang tại thế (ND: ngài Ajahn Chah đã mất năm 1992) như thiền sư Ajahn Chah không giống như việc bạn tôn thờ một vị tiên tri đã sống cách đây hai ngàn năm trăm năm, mà thực sự là tôi được thừa hưởng sự truyền thừa từ chính Đức Thế Tôn. Có lẽ do được đến viếng những thánh tích Phật giáo, mà lòng hàm ân của tôi bắt đầu trở nên rất mãnh liệt. Lúc đó, khi nghĩ đến thiền sư Ajahn Chah ở Thái Lan, tôi nhớ rằng tôi đã nghĩ: “Ta đã ở đủ năm năm rồi, giờ ta phải ra đi. Ta sẽ chu du đây đó, thám hiểm vài nơi, làm những gì ta muốn, thoát khỏi sự quan sát của ông thầy già”. Tôi nhận ra đúng là tôi đã bỏ chạy khỏi nơi ấy.
Khi cảm giác hàm ân này trào dâng trong lòng, tôi chỉ muốn chạy về Thái Lan và phủ phục dưới chân thiền sư Ajahn Chah. Làm sao bạn có thể đền đáp ơn của một vị thầy như thế? Tôi không có tiến bạc gì, mà đó cũng không phải là thứ Thầy tôi cần. Sau đó tôi nghĩ rằng cách tốt nhất tôi có thể làm để thầy tôi vui là trở thành một tỳ kheo chân chính, và trở về đó để giúp đỡ thầy. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì thầy tôi muốn. Với ý nghĩ đó, tôi đã trở về Thái Lan, sau năm tháng ở Ấn Độ, và đến đảnh lễ thầy. Đó là một sự cúng dường đầy hoan hỷ, không phải là điều bó buộc, vì nó đã xuất phát từ lòng hàm ân (katannu), lòng biết ơn đối với những duyên lành tôi đã được tiếp nhận.
Từ đó, tôi nhận thấy rằng việc hành thiền của tôi bắt đầu có tiến bộ. Lòng ích kỷ hẹp hòi đã biến mất trong tôi: việc tôi cố gắng mong cầu, ước muốn được hòa hợp, được tu tập, được có một cuộc sống yên lành, giải thoát khỏi mọi bổn phận. Khi tôi buông bỏ tất cả những ham muốn này, thì mọi thứ dường như lại ổn thõa. Những gì trước đây khó khăn đối với tôi, như là việc định tâm, đã trở nên dễ dàng hơn, và tôi cảm thấy cuộc sống trở nên an lạc hơn đối với tôi.
Lần cuối cùng khi đến thăm cha tôi, tôi đã quyết định sẽ tạo ra một không khí ấm cúng giữa hai chúng tôi trước khi người ra đi. Trong thập niên cuối đời của cha tôi, ông rất đau khổ vì bệnh tật. Ông bị thấp khớp nặng, nên luôn đau đớn, cộng thêm chứng bệnh Parkinson. Dần dần, chúng tôi phải đem ông vào viện dưỡng lão. Ông không còn có thể cử động được. Ông còn có thể trò chuyện và chuyển động mắt, nhưng các phần khác của cơ thể đều bất động. Ông rất đau khổ vì những gì đã xảy ra cho ông, vì trước đó ông là một người khỏe mạnh, không cần nhờ vã đến ai.
Khi gặp lại ông, thấy cơ thể ông cần được xoa bóp, nên tôi nói, “Để con xoa bóp chân ba”. “Không, con không cần phải làm thể”. “Ba cần phải được xoa bóp, nếu không nằm một chỗ sẽ bị hâm da. Con thực sự muốn làm thế mà”. Cha tôi vẫn cố từ chối, nhưng tôi thấy ông có vẻ không còn quyết liệt nữa. “Cần phải làm thế ba à”, tôi nói. “Con thực sự muốn làm thế à?” ông hỏi tôi. “Dạ phải”.
Tôi bắt đầu xoa bóp chân, đùi, cổ, vai, tay và mặt ông; ông thật sự thích thú sự gần gủi này. Đó là lần đầu tiên ông được chăm sóc như thế. Sự xúc chạm này đầy ý nghĩa, đó cũng là một cách biểu hiện tình cảm. Và tôi bắt đầu nhận ra rằng cha tôi thực sự rất thương yêu tôi, nhưng ông đã không biết làm sao diễn tả điều đó. Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm và tràn đầy lòng biết ơn.
LỜI
DẠY CỦA THIỀN SƯ AJAHN CHAH VỀ CHA MẸ:
Đôi
khi những lời dạy về sinh, lão, bịnh, tử, không được
người ta sẳn sàng tiếp nhận. Nhất là ở phương Tây,
khi bạn bắt đầu nói về những điều này, thì người ta
sẽ đứng lên, bỏ đi. Họ không muốn già. Nên
những người già thường bị bỏ rơi.
Ở
các nước phương Tây, hình như tập tục của họ là, dẹp
bỏ người già qua một bên để người trẻ có thể lo cho
cuộc sống của riêng họ. Dĩ nhiên là những người
trẻ này, rồi cũng già thôi, rồi cũng đến phiên họ bị
bỏ rơi. Khi còn trẻ, chúng ta cần quán sát và suy gẫm
về người già. Đó là nghiệp, có phải không? Tôi
đã cố gắng giải thích điều này với những người Tây
phương, rằng nếu họ bỏ rơi người khác, sau này họ cũng
sẽ bị bỏ rơi. Khi già, chúng ta nên nghĩ đến người
trẻ. Và người trẻ nên nghĩ đến người già. Tất cả đều tương quan nhau, giống như những mắt xích trong
một sợi dây xích.
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ sang tiếng Việt. (A Gift of Gratitude, Tricycle Review, Winter 2006)