Bồ-đề Đạo Tràng

06/01/201112:00 SA(Xem: 19831)
Bồ-đề Đạo Tràng
phatthanhdao-01
BỒ-ĐỀ ĐẠO TRÀNG
Thích Nữ Giới Hương


Bồ-đề Đạo Tràng, nơi đức Phật giác ngộ, trở thành một nơi thiêng liêng nhất của Phật giáo, là trung tâm hành hương, và là nơi thu hút các nhà khảo cổ, nhà lịch sử, khách du lịch, giới báo chí … tại Ấn Độ và cũng như trên khắp thế giới.

Bồ-đề Đạo TràngẤn Độ được biết là nơi thiêng liêng nhất của giới Phật giáo. Từ một ngôi làng nhỏ Uruvela (Uruvella), nơi này trở thành một địa danh nổi tiếng cho sự thanh bình, trở về nội tâmthức tỉnh. Thái tử Sĩ-đạt-ta, Sa-môn Cù-đàm đã đạt được giác ngộ tại đây cách nay 25 thế kỷ.

Bồ-đề Đạo Tràng là Buddha Gaya hoặc hiện nay thường được gọi là Bodh Gaya nằm ở phía tây của bờ sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana) của thị trấn Gaya, thuộc tiểu bang Bihar. Đây là nơi có cây bồ-đề thiêng, gắn liền với sự thành đạo của đức Phật lịch sử. Vì lí do đó mà ông B.M. Barua42 đã ghi nhận rằng: "nếu hiểu theo nghĩa rộng Bodh Gaya là một ngôi làng cổ và theo nghĩa hẹp là nơi của cây bồ-đề thiêng liêng và những vùng lân cận đó."

Bồ-đề Đạo Tràng vốn không phải là nơi hiu quạnh trước khi Đức Phật giáng sanh. Việc khai quật mới đây nhất tại làng Taradih, phía nam của đại tháp đã cho thấy rằng trước thời Đức Phật, nơi đây có rất nhiều cư dân sinh sống. Cuộc đào xới năm 1981 đến 1985 của các nhà khảo cổ học, chính quyền Bihar đã cho thấy rằng cư dân sống tại đây hơn 4500 năm tức 2000 trước khi Đức Phật đạt giác ngộ ở Bồ-đề Đạo Tràng.

Việc đào xới đã chia thành 7 giai đọan bắt đầu từ thế kỷ XXV trước tây lịch đến thế kỷ XII trước tây lịch. Suốt 4500 năm, người dân cư ngụ ở đây đã dùng sắt và đồng trong sinh hoạt hằng ngày của họ cho nên gọi là thời kỳ đồ đá. Đồ cổ được tìm thấy trong cuộc khảo cổ này là đầu người bằng đất sét nung, bằng xương thú hoặc các đồng tiền bằng kim loại.

Trong thời kỳ đầu từ thế kỷ XXV-XVII trước tây lịch, mọi người đã sống bằng nhà lợp bằng lá nan và bùn trộn rơm. Những bếp lò to lớn được tìm thấy nơi đây đã cho biết rằng người ta đã dùng nhà bếp chung và hình như họ sống với nhau thành từng đàn.

Trong thời kỳ thứ hai từ thế kỷ XVII-XI trước tây lịch, nền kinh tế nông thôn đã bắt đầu phát triển, mặc dù vẫn còn dùng sắt nhưng không thịnh hành cho lắm. Một số vật thể làm bằng xương và đồng đã được các nhà khảo cổ học xác định.

Trong thời kỳ thứ ba từ thế kỷ thứ X - VII trước tây lịch người dân đã sử dụng sắt hằng ngày. Trong thời kỳ thứ tư, từ thế kỷ thứ VI- I trước tây lịch, người ta đã biết chế tạo hàng hóa và đồng kim loại. Thời kỳ thứ năm từ thế kỷ I-III là những hoạt động của bộ tộc Kusanas. Thời kỳ thứ sáu từ thế kỷ IV-VIII là thời đại trị vì của dòng họ Guptas. Thời kỳ thứ bảy là từ thế kỷ thứ VIII-XII là thời đại trị vì của dòng họ Palas.43

Lịch sử con người ở Bồ-đề Đạo Tràng đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc nghiên cứu những thời đại con người ở đây. Gaya cách phía bắc của Bồ-đề Đạo Tràng 15 cây số cũng được biết đến như là nơi quan trọng của Ấn Độ giáo. Gaya và Ma-kiệt-đà là trung tâm của các hoạt động tôn giáo. Những câu chuyện thần thoại nói về Lord Rama viếng thăm Gaya để cúng dường bánh đến cha mình là Dasaratha. Sự kề cận của vùng đất Gaya với Bodh Gaya cũng đã có ảnh hưởng với nhau rất nhiều.

Đại tháp Bồ-đề hiện nay ở Bồ-đề Đạo Tràng được xây cách đây hơn 1300 năm. Có người cho là ngôi tháp nhỏ do vua A Dục xây khoảng thế kỷ thứ III trước tây lịch, để kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo. Nhưng thật ra ngôi tháp hiện nay là được xây khoảng thế kỷ thứ V-VI.

Khoảng năm 399, nhà chiêm bái Trung Hoa là Đại sư Pháp Hiển đã viếng thăm Bồ-đề Đạo Tràng, nhưng ngài không có đề cập đến ngôi tháp này. Các nhà lịch sử và khảo cổ cho rằng ngôi tháp chưa được xây suốt thời gian mà ngài Pháp Hiển chiêm bái thánh địa này. Hoặc là ngôi tháp không có gì đặc biệt để thu hút những người hành hương. Nhưng dù với hình thức tồn tại nào, đáng để đề cập thì ngài Pháp Hiển nên đề cập trong nhật ký hành hương của mình chứ.

Tuy nhiên, một nhà chiêm bái Trung Quốc khác là ngài Huyền Tráng đã viếng thăm Bồ-đề Đạo Tràng năm 637 và đã mô tả ngôi đại tháp giống như ngôi đại tháp hiện nay. Trong thời gian ngài chiêm bái bức tường rào xung quanh được trang hoàng với những nghệ thuật điêu khắc và những đường dây hoa tuyệt đẹp làm bằng ngọc và đồ quý. Những kiến trúc hình khuôn, những trụ đá, cánh cửa và cửa sổ được trang hoàng bằng vàng bạc, ngọc và đá quý. Việc nghiên cứu này đã cho thấy sự giàu có của người dân ở đây, cũng như đó là biểu lộ lòng tín kính của họ đối với đức Thế Tôn. Những người xây đại tháp này là những người yêu nghệ thuật và điêu khắc nên đã trang hoàng thật tuyệt mỹ cho ngôi đại tháp này.

Cũng có thể đoán là ngôi đại tháp đã có thể được xây khoảng thời gian giữa hai nhà chiêm bái Trung Quốc, tức khoảng giữa năm 400-636, nghĩa là vào khoảng thời gian ngài Pháp Hiển đã đi và trước khi ngài Huyền Tráng đến.

Theo ngài Huyền Tráng nói thì ngôi đại tháp rất khang trang và đẹp. Rõ ràng, phải mất nhiều năm mới xây được ngôi tăng-già-lam này, có thể công tác xây dựng bắt đầu ngay sau khi Pháp Hiển rời Ấn Độ trở về Trung Hoa vào năm 414.

Từ thế kỷ XIII-XVIII, ngôi đại tháp cùng chung với số phận của lịch sử Phật giáo bị thăng trầm lên xuống nhiều lần. Công việc khởi xướng trùng tu lại được bắt đầu khoảng thế kỷ XI-XIV do những nhà lãnh đạo Miến Điện thực hiện để duy trì di sản Phật giáo vô giá này cho nhân loại. Với sự cộng tác của các nhà chuyên môn người Anh vào thế kỷ XIX, sự đóng góp nhân lựctài lực của vua chúa, quan quyền, Phật tử người Tích Lan, Miến Điện… cộng với đất nước Tây Tạng bao gồm Đức Dalai Lama cùng những người dân Phật tử đến tị nạn ở Ấn Độ năm 1959 đã góp tay xây dựng khiến cho ngôi đại tháp và Bồ-đề Đạo Tràng được phục hồi và phát triển.

Ngôi đại tháp là một di sản tinh thần cho những nhà tư tưởng suy nghĩ về Phật giáo. Hàng trăm ngàn Phật tử cả tăng lẫn tục, những du khách từ các nơi trên thế giới đã đến Bồ-đề Đạo Tràng để cầu nguyệntu tập. Các vị sư Tây Tạng mỗi buổi sáng, buổi tối đến đốt nến, đèn để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Những nét đẹp khảo cổ, nghệ thuật của đại tháp từ từ đã được giữ gìn một cách khoa học hơn do bộ phận quản lý của Phật giáo Ấn Độ phụ trách.

Đại tháp Bồ-đề (the Maha Bodhi Temple) là nơi gắn liền với những dữ kiện giác ngộ của Đức Phật. Nói một cách cụ thể có ba vật liên kết chặc chẻ với sự chứng ngộ của Ngài là ngôi đại tháp (Maha Bodhi), cây bồ-đề thiêng liêng (Bodhi tree) và tòa Kim cang (Vajrasana).

NGÔI ĐẠI THÁP BỒ-ĐỀ

Là ngôi tháp chính vuông vức mỗi bề 15 mét và nhọn dần lên đỉnh theo hình kim tự tháp, cao khoảng 52 mét. Bốn cạnh tháp có 4 tháp nhỏ. Bên trong thờ tượng Phật Thích-ca-mâu-ni ngồi thiền dưới cội bồ-đề hướng mặt về phía đông giống y tư thế Đức Thế Tôn đã ngồi khi thành đạo.

CÂY BỒ-ĐỀ

Cây tọa lạc phía sau đại tháp rất to lớn, tàng lá sum suê bao phủ đầy lá tươi xanh tốt. Đã hơn 25 thế kỷ qua cây bồ-đề cũng đã biết bao lần sanh và diệt rồi lại sanh. Theo ông Alexander Cunningham, thì cây bồ-đề này là cháu chít khoảng đời thứ 20 của cây bồ-đề mẹ và cây này mới hơn 100 tuổi. Cây bồ-đề rất được tôn trọng kính thờ vì đó là biểu tượng cuộc đời và sự giác ngộ của Đức Phật.

TÒA KIM CANG (VAJRASANA)

Tòa bằng đồng mạ vàng dài 2,28 mét, rộng 1,5 mét và cao 0,9 mét; trên mặt và xung quanh tòa có khắc rất nhiều hoa văn rất mỹ thuật. Tòa nằm bên dưới giữa cội bồ-đề và ngôi đại tháp. Tòa Kim cang là vật thiêng liêng nhất ở Bồ-đề Đạo Tràng vì đây là trung tâm của vũ trụ phát sáng năng lực thức tỉnh từ Đức Phật. Chính tại nơi tòa ngồi này, Đức Phật đã giác ngộ. Vì vậy, tòa này là điểm không thể so sánh được, là điểm tối thượng và chỉ có nơi này Đức Phật mới có thể giác ngộ. Với lòng tin và sự tín thành này sẽ khiến phát sinh sự thanh tịnh trong nội tâm của chúng ta. Đệ tử Phật tin rằng có những năng lực siêu thoát vô hình đang bao phủ khắp không gian ở Bồ-đề Đạo Tràng và sẽ làm tăng thêm sức mạnh tâm linh của chúng ta trên con đường hoàn thiện trở về tánh giác.

Ngoài ba điểm trên, còn có những vật thiêng liêng khác như là nơi Đức Phật đã trải qua bảy tuần sau khi giác ngộ hoặc có những vật thiêng liêng liên quan đến cuộc đời của Ngài tại Bồ-đề Đạo Tràng như :

1. Tháp Animeslochana: Nơi Đức Phật đã trải qua 1 tuần vào tuần thứ hai sau khi giác ngộ để ngồi nhìn chăm chú vào cội bồ-đề với ánh mắt biết ơn cây đã che chở cho Ngài suốt thời gian qua.

2. Trụ Chankramenar: Chạy dọc theo hành lang phía bắc của đại tháp sẽ có một khối xi-măng dài 18,2 mét và cao 0,9 mét; có 18 hình hoa sen khắc nổi lên trên nền để đánh dấu vào tuần lễ thứ ba Đức Phật đã đi kinh hành tới lui thì có 18 đóa hoa kỳ diệu đã hiện lên để đỡ gót chân ngài.

3. Đền Ratnagraha: là một ngôi đền nhỏ không mái, đánh dấu nơi Ngài ngồi thiền trong tuần thứ tư. Khi Ngài ngồi nơi đây thì thân Ngài tỏa ra những luồng hào quang màu xanh, vàng, đỏ, trắng và cam.

4. Cây Nigrodha (Ni câu đà) : Trong tuần thứ năm Đức Phật đã ngồi thiền dưới cây này và một người Bà-la-môn đã đến vấn nạn Thế tôn thế nào là ý nghĩa của Bà-la-môn. Đức Phật đáp rằng một người không phải khi sanh ra là Bà-la-môn mà chính là khi chết đi việc ấy mới quyết định tùy theo nghiệp anh ta đã làm trong đời này. Bà-la-môn có nghĩa là Phạm chí và chỉ những người nào tạo nghiệp lành mới có thể sanh thiên thì mới được gọi như thế.

5. Hồ Rồng Muchalinda: Nơi vua rồng Muchalinda đã hiện lên lấy thân quấn mình Đức Phật và đầu làm tràng cái để che chở cho Ngài khỏi bị mưa gió làm ướt, khi Đức Phật đang ngồi thiền vào tuần lễ thứ sáu.

6. Cây Ravyatna: Trong tuần lễ thứ bảy sau khi thành đạo, Đức Phật đã ngồi dưới cây này để thiền định và nhận đồ cúng dường từ những vị thương gia cũng như của bốn vua trời.

7. Trụ đá vua A Dục: Có ba trụ nhỏ do vua A Dục dựng ngay cổng ra vào của đại tháp và một trụ lớn ở trước hồ rồng Muchalinda.

8. Những kiến trúc quanh tháp: Có vô số những kiến trúc tháp nhỏ, bé, vừa, trung ở chung quanh tháp làm nổi bậtuy nghi của đại tháp. Đặc biệt những tháp này do những vị vua chúa, quan thần đã xây dựng để nhớ ơn Đức Phật hoặc sau khi họ thành công được một việc gì thì xây tháp để tạ ơn.

9. Sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana): Cách đại tháp 180 mét, sông này ngày nay được gọi là sông Lilajan. Bề rộng của sông gần 1 km. Đây là nơi Đức Phật đã tắm trước khi Ngài lên tọa thiềnthành đạo.

10. Sujata-Kuti : là nơi nàng Sujata dâng sữa. Vượt sông Ni-liên-thuyền đi về hướng nam 2 km có một miếu nhỏ có hình Đức Phật ngồi thiền và cô gái chăn cừu Sujata dâng sữa, để đánh dấu chính nơi đây Sa-môn Cồ-đàm đã nhận bát cháo sữa từ nàng Sujata cúng dường.

11. Khổ hạnh lâm: Vượt khỏi sông Ni-liên-thuyền đi xe khoảng 30 phút về hướng Gaya, rồi đi bộ khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa sẽ đến một cái núi có hang đá tối. Tương truyền nơi đây Đức Phật đã lưu bóng sau khi chư thiên cho biết nơi đây không phải là nơi thích đáng để Ngài chứng quả.

Bên cạnh những điểm trên là những di tích lịch sử quá khứ, khách hành hương chiêm bái còn có thể viếng thăm những thánh tích hiện nay như bảo tàng viện nằm ở phía tây đại tháp khoảng hơn 1 cây số. Nơi này trưng bày những tượng Phật, những pháp khí, những món đồ cổ … do các nhà khảo cổ học khai quật và tìm thấy tại khu vực Bồ-đề Đạo Tràng này.

Ngoài bảo tàng viện ra, còn có vô số những chùa chiền, đặc biệt những chùa thuộc vùng Đông Nam Á như: Nhật Bản, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào, Taiwan, Trung Hoa, Việt Nam, Nepal, Tây Tạng, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Sikim … Mỗi chùa với những nét nghệ thuật của nước mình đã tạo nên một sự tổng hợp hài hòa sinh động của ngành mỹ thuật Phật giáo hiện đại tại Bồ-đề Đạo Tràng trong kỷ nguyên mới này.

Địa bàn Bồ-đề Đạo Tràng hiện nay nằm khoảng 24 đến 25.9 vĩ độ bắc và khoảng 84 đến 86 kinh độ đông. Nơi này cao hơn mặt biển 112 mét. Nhiệt độ ở đây giữa mùa đông và mùa hè không cách biệt nhau mấy. Khoảng từ 24 đến 46 độ C trong mùa hè và khoảng từ 24 đến 5 độ C trong mùa đông. Trong mùa mưa thì khoảng 118 cm3.

Bồ-đề Đạo Tràng hiện nay có một mạng thông tin tiến bộ hơn trước dù không nhiều nhưng hệ thống internet, điện thoại, fax đã có để liên lạc khắp nơi trên thế giới. Tại Bồ-đề Đạo Tràng có nhiều đường giao thông để đi Delhi, Varanasi, Dhanbad, Calcutta, Sanchi. Tại Gaya có một ga xe lửa lớn ở phía đông nối liền với Delhi, Mumbai, Nagpur, Calcutta, Puri, Varanasi, Allahabad, và Jaipur. Ngoài ra tại Varanasi và Patna (Thủ phủ của tiểu bang Bihar) cũng có một sân bay nội địa có tuyến bay mỗi ngày đến các thành phố lớn của Ấn Độ.

Bồ-đề Đạo Tràng ngày nay phát triển thành một thị trấn nhỏ đẹp với đầy đủ tiện nghi như : bưu điện, nhà băng, điện thoại, thư viện, khách sạn, phòng trọ, bệnh xá, chợ búa, dịch vụ thông tin, trạm xe buýt, trạm cảnh sát, trạm cung cấp điện nước, văn phòng quản lý đại tháp, dịch vụ du lịch của chính phủ và tư nhân phục vụ cho nhu cầu chiêm bái, du lịch các nơi như: đồi Barabar, núi Linh thứu, trường Đại học Nalanda, Parvapuri, thác Kakolat, thị trấn Gaya …

Tóm lại, Bồ-đề Đạo Tràng là một ngôi thị trấn nhỏ nổi tiếng về Phật giáo, về sự thanh bình, trở về nội tâmthức tỉnh mà Sa-môn Cù Đàm đã giác ngộ tại đây. Bồ-đề Đạo Tràng trong nhiều thế kỷ qua đã là điểm trung tâm cho tất cả tăng lẫn tục tu họcthực hiện lời dạy của Đức Phật. Bồ-đề Đạo Tràng trở thành một nơi thiêng liêng nhất của Phật giáo thế giớitrở thành một trung tâm hành hương Phật giáo lớn nhất vì có liên quan đến cuộc đời và sự giác ngộ của Đức Thế Tôn cũng như là một nơi thu hút các nhà khảo cổ, nhà lịch sử, khách du lịch, giới báo chí … tại Ấn Độ và từ hải ngoại tìm đến.

SÁCH THAM KHẢO

Buddha Gaya Temple: its History, Dipak K. Barua, Buddha Gaya, 1981.

Buddha Vandana, Buddha Gaya Temple Managerment Committee, Buddha Gaya, 1998.

Xứ Phật Tình Quê, Thích Hạnh NguyệnVô Thức, tập I, Đại Thừa, 1996.

Chú thích:

42. Malalasekera G.P. ed. Extended Mahavamsa, 1937, p. 14; Buddha Gaya Temple its History, Buddha Gaya Temple Managerment Committee, Buddha Gaya, 1981, p.1.

43. Prof. Naresh Banerjee, Bodh Gaya: The Place of enlightenment, Buddha Vandana, Buddha Gaya Temple Managerment Committee, 1998, p. 3.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/12/2022(Xem: 4503)
29/12/2016(Xem: 8389)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.