Khép lại những con đường

26/03/20205:16 SA(Xem: 9589)
Khép lại những con đường

KHÉP LẠI NHỮNG CON ĐƯỜNG

Vĩnh Hảo

 

con-duongNgười ta nói, đại dịch đã đến rồi. Các công sở sẽ đóng cửa. Các con đường sẽ đóng bớt lại. Nhà hàng, rạp hát, những nơi vui chơi giải trí... tất cả đều phải đóng. Mỗi người hãy tự cách ly, đừng lang thang bên ngoài nữa. Một sẽ hại tất cả, và tất cả chung quanh cũng sẽ hại cho một. Mỗi cá nhân đều có liên hệ hỗ tương với gia đìnhxã hội; tuy ly cách nhưng thực ra không ai tách rời khỏi thế giới. Mỗi người hãy tự ý thức vai tròtrách nhiệm của mình trong cuộc đời. Đừng ích kỷ, tham lam, chỉ biết có mình và người thân của mình. Tánh xấu của cá nhân luôn ảnh hưởng đến người khác, vật khác; trong trường hợp của đại dịch là vô tình/gián tiếp giết hại đồng loại, phá hoại môi trường. Hãy ngừng lại cái tâm bé xíu nhỏ mọn; và hãy mở lòng ra, biết yêu thương mình, yêu thương người, yêu thương vật. Tự phòng vệ cũng chính là bảo vệ cho người khác. Ý tưởng này hẳn đã nghe quen trong Phật giáo: một là tất cả, tất cả là một (1). Vậy thì, hãy dừng lại, dừng lại. Trở về với gia đình, trở về với tự thân. Đóng lại các căn trần. Khép lại những con đường...

 

Con đường đi quanh, hoa cỏ hồn nhiên mọc tràn lưng núi. Bướm cải du xuân vàng rợp đồng xanh. Chim trắng như bông, chao lượn góc trời. Dáng sắc lung linh trong nắng xế. Muôn màu vẽ nhòa trên tóc xưa. Dấu chân ai còn in lối về. Chiều tàn lưu luyến buổi bình minh. Buồn vui khép lại trong đôi mắt sâu. Ngày như đêm không còn thấy gì.

Con đường băng ngang bờ bãi quạnh. Nghe gió chuyển rung những tán lá. Sóng nước vỗ nhịp cho bản trường ca không biết bắt đầu tự khi nào. Tiếng ca cất lên nơi hoang dã, vượt khỏi những cung bậc, chạm đến tầng mây cho mưa rơi xuống. Tiếng mưa rào rào lúc ban đầu, rồi chầm chậm, tí tách... rồi lặng im. Cơn suy-thịnh buông theo lời ca, tiếng nói. Giọng ai bật cười lúc sáng tinh mơ. Từ nay khép lại đôi tai này. Không còn những thanh, âm. Không còn tiếng vô thanh.

Con đường phố thị ngào ngạt những hương thơm. Mùi thức ăn đánh thức cơn đói giữa chiều. Mùi xăng từ khói xe gợi nhớ những chuyến đi xa. Mùi vải mới gợi nhớ ngày xưa thơ ấu trong áo quần ngày đầu xuân. Mùi muôn hoa kết tụ trong tinh dầu, phảng phất trên những làn da. Mùi da thơm gợi nhớ những cuộc tình. Những cuộc tình đời này hay nhiều đời trước, vẫn còn vương hương. Ngồi lặng im, khép lại cánh mũi này, cho lắng hết dư hương. Dư hương lắng hết rồi mà bỗng liên tưởng một mùi hương chưa từng ngửi qua: hương thơm từ cõi Chúng Hương của Phật Hương Tích (2).

Hương thơm cõi Chúng Hương thì không thể mường tượng ra nổi, nhưng từ bát cơm thơm mà vị “hóa bồ-tát” (3) đem về từ tay Phật Hương Tích, gợi lại một bát cơm trắng dẻo, thơm tho của cõi trần. Lưỡi này đã kinh qua bao vị mặn, ngọt, cay, chua, đắng, chát, mềm, giòn, khô, ướt... của hàng trăm món ăn phương đông, phương tây. Đạm bạc đơn giản cũng có, sơn hào hải vị cũng có. Ăn vì đói hay ăn cho ngon cũng đều đã nếm qua. Nhưng giá trị của mỹ vị thường khi chỉ được nhận chân với bụng rỗng. Miếng cơm trong tù. Miếng ăn của người đói. Nhu cầu lấp vào bao tử trống tạo nên ảo giác ngon cho vị giác. Vậy rồi, cũng chính từ nhu cầu và ảo giác ấy, người ta đã sáng tạo ra bao món ăn cầu kỳ, tỉ mỉ, tinh tế, tuyệt hảo. Giờ này ngồi lại giữa phòng không, không nói không ăn, miệng hàm hoa, nhẹ thơm cam-lồ vị.

Thân đã rong chơi muôn dặm ngoài. Nóng, lạnh chiêu cảm hết những mùa qua. Ngõ hẹp gặp nhau ắt phải vầy oan trái. Từ thuở tóc xanh đã miên man dõi theo những bóng sắc. Ôm nhau cho trọn duyên tình gieo từ bao kiếp xa xôi không thể nhớ. Để rồi, giữa trời đất mênh mông, bỗng chốc muôn trùng xa hút bóng cố nhân. Tóc râm. Chùn gối. Thân hạc đứng lại bên sông xưa, ngắm tà huy rơi trên núi non điệp trùng.

Những con đường khép lại, nhưng tâm thức lại mở ra muôn hướng, với những chiều sâu thăm thẳm. Một đường mở ra muôn đường. Mỗi đường lại mở ra vô tận con đường... Hình sắc, âm thanh, hương vị và cảm giác xúc chạm trộn lẫn vào nhau, nhào nặn ra những ảnh tượng hữu lý và phi lý. Ngựa bay trên không. Chim bơi dưới nước. Không gì thật, mà cũng không gì không thật...

Ngồi im mà nhận ra ý thức đang chuyển động theo Tâm Kinh: không màu sắc, không âm thanh, không hương, không vị, không xúc... Không thấy cả người quan sát. Không nghe cả sự thinh lặng. Không ngửi cả cái không mùi. Không nếm cả cái không vị. Không xúc chạm cả cái không xúc chạm. Không khởi ý, cũng không khởi cái ý chấm dứt ý tưởng. Không gì ngăn ngại, không gì hãi sợ. Đoạn dứt các vọng duyên. Đoạn dứt người đoạn dứt. Tự tại vô ngại, đi đứng nằm ngồi mà bất động như như. Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

 

California, ngày 24 tháng 3 năm 2020

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

 

_________________

 

(1) “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”: tư tưởng cốt lõi của Kinh Hoa Nghiêm. Câu này cũng được nói lại trong Tín Tâm Minh (câu 70) của Thiền sư Tăng Xán (?-606), Tổ thứ ba của Thiền tông Trung Hoa, nối pháp Nhị tổ Huệ Khả.

(2) “Duy Ma Cật Sở Thuyết,” bản dịch và chú giải của Tuệ Sỹ. Dịch phẩm này dựa trên bản Hán của Cưu Ma La Thập, đối chiếu bản Phạn và Tạng ngữ; cẩn thận đối chiếu luôn cả 2 bản Hán dịch khác của Chi Khiêm (Phật Thuyết Duy Ma Cật Kinh), và Huyền Trang (Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh). Bản của Cưu Ma La Thập dịch là “cõi Chúng Hương,” Huyền Trang dịch là “Phật-độ Nhất Thiết Diệu Hương;” Đức Phật Hương Tích thì Huyền Trang dịch là Đức Phật “Nhất Thiết Hương Đài.” Theo kinh văn, cách thế giới này vượt qua bốn mươi hai Hằng hà sa số cõi Phật, có một nước tên là Chúng hương, có Phật hiệu Hương Tích nay đang tại thế. Hương thơm của quốc độ này át hẳn mọi hương thơm của chư thiên trong các quốc độ khắp mười phương... Ở đó hương thơm tạo ra mọi thứ như lầu các, đất đai, vườn tược và hoa viên khiến chúng tỏa mùi thơm ngát. Còn thực phẩm thì có mùi thơm lan tỏa đến vô lượng thế giới khắp mười phương.”

(3) “Duy Ma Cật Sở Thuyết,” Phẩm 10, Phật Hương Tích, bản dịch của Tuệ Sỹ, nhà xuất bản Phương Đông 2008.

Tạo bài viết
26/01/2020(Xem: 12054)
30/09/2012(Xem: 10157)
30/08/2014(Xem: 6509)
06/06/2019(Xem: 15313)
01/10/2013(Xem: 7414)
01/10/2013(Xem: 5638)
02/11/2023(Xem: 2355)
02/04/2024(Xem: 1068)
26/10/2021(Xem: 4776)
02/07/2024(Xem: 1401)
27/09/2015(Xem: 4943)
03/10/2022(Xem: 3528)
23/09/2018(Xem: 9734)
01/06/2023(Xem: 3337)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…