Thân Cận Với Tánh Không

04/08/201410:29 SA(Xem: 7519)
Thân Cận Với Tánh Không

Thân Cận Với Tánh Không

Nguyên Giác

Tôi có nhiều kỷ niệm với Tánh Không. Hiểu ở nghĩa nào cũng đúng.

blankTrước tiên là với bài Bát Nhã Tâm Kinh, với những âm vang có nhiều sức mạnh từ những ngày thơ ấu đã theo đuổi mình rất nhiều năm, của những câu như "Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị..."

Sắc làm sao mà Không được? Tôi đã hình dung đó là một bài toán bậc đạị học với các biến số là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức... nhưng mình vẫn không dám gọi đó là hàm số, vì vẫn thấy rằng Không tất phải bất biến. Vậy còn các thông số ở đâu, và cộng trừ nhân chia ra sao để các pháp là Không? Dĩ nhiên, tôi biết, Không đây không có nghĩa là không gì hết.

Đạo Phật quả nhiên là bí hiểm hơn các bài toán của Einstein...

*

Và rồi giáo lý tam pháp ấn, rằng các pháp vốn Khổ, Vô Thường, Vô Ngã... Đây có phải là Không? Tất nhiên, phải là Không.

Bởi vì, qua Bát Chánh Đạo, phải thấy, trong tất cả các pháp, không có cái gì gọi là "tôi" và "của tôi." Nghĩa là, vô ngã.

Thế rồi, trong Kinh Kim Cang, tôi đọc được câu: ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Không trụ tâm vào đâu hết, mới là diệu tâm. Dĩ nhiên, nếu trụ tâm vào Không hay Có, đều sẽ là hỏng. Y hệt như tường đồng vách sắt, không có chỗ bấu víu.

*

Nhiều thập niên, sau, khi ra hải ngoại, tương đối tiếng Anh đầy đủ, tôi đi tìm bản Anh ngữ trong Pali Canon. Dĩ nhiên, không thấy kinh Kim Cang vì kinh này là của Bắc Tông.

Rồi khi gặp kinh Majjhima Nikàya "The Shorter Discourse On the Destruction of Craving" (MN-37), tôi vui sướng vô cùng vì gặp lại âm vang của Kinh Kim Cang, khi vị Trời Sakka hỏi rằng có pháp nào ngắn gọn để giải thoát, Đức Phật trả lời:

"...that nothing is worth adhering to" (không một pháp nào đáng để tham luyến) -- bản dịch của Bhikkhu Bodhi -- link: http://www.dhammatalks.net/Books9/Bhikkhu_Bodhi_Culatanhasankhaya_Sutta.htm hay dịch là:

"...that anything is not suitable to settle in" (không một pháp nào nên trụ tâm vào) -- bản dịch của Sister Upalavanna -- link: http://www.metta.lk/tipitaka/2Sutta-Pitaka/2Majjhima-Nikaya/Majjhima1/037-culatanhasankhaya-sutta-e1.html .

Như thế, không trụ tâm vào đâu hết, kể cả Tánh Không của tâm. Đó là Kinh Kim Cang vậy. Tôi dần dà thấy mình thân cận, gần gũi với Tánh Không như từ rất nhiều kiếp rồì.

*

blankVà rồi, tôi đọc sách của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, với những lý luận rất dài dòng và kiên nhẫn, trên rất nhiều trang sách rằng tận cùng pháp của Đức Phật là nói về Tánh Không. Dĩ nhiên, Ngài Đạt Lai Lạt Ma giảỉ thích theo tuyền thống Hoàng Mạo Phái (Gelugpa) của Phật Giáo Tây Tạng, truyền thống mà Sư Ông của tôi -- cố Hòa Thượng Nhẫn Tế -- đã từ Bình Dương sang Lhasa tu học trong thời 1930s.

Cố HT Nhẫn Tế (có pháp danh Tây Tạng là Thubten Osall Lama) đã dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, trong đó, nơi Quyển VII, có ghi câu nói của Thiền Sư Trường Sa, trích:

"Tổ Sa nói : “Lìa Sắc cầu thấy, chẳng phải Chánh Kiến. Lìa Thanh cầu nghe, đó là nghe tà”..."(sách đã dẫn, bản giấy ở trang 974; bản điện tử ở: http://thuvienhoasen.org/p17a1228/quyen-vii)

Nghĩa là, ngoài cái được thấy, chớ có tìm cái thấy; ngoài cái được nghe, chớ có tìm cái nghe.

*

Tôi nghĩ, hóa ra, tự tánh của tâm vốn là Tánh Không, theo luật duyên khởi mà các pháp hiện ra, theo vật mới hiện ra cái thấy, theo cảnh mới hiện ra cái nghe. Tìm cái Thấy, cái Nghe sẽ là bất khả, vì sẽ theo pháp duyên khởi mới thành tựu. Thế nên, gọi tự tâm, hay tự tánh, thực là Tánh Không. Dĩ nhiên, không phải là Không của chủ nghĩa hư vô luận.

Tôi nhớ lại buổi đầu gặp Hòa Thượng Tịch Chiếu, hỏi Thầy rằng con nên tập Thiền thế nào, Thầy nói rằng, “Phải Thấy Tánh đã.” Lúc đó, Thầy quay sang đứa em gái của tôi, bảo nhỏ em tôi là con hãy về đọc bài Bát Nhã Tâm Kinh tối ngày sáng đêm. Tôi hỏi, rồi con cần đọc hay không, Thầy đáp, con không có một pháp nào hết. Nhưng về nhà, tôi vẫn tập thiền theo một bản dịch về Thiền Chỉ Quán, không nhớ chính xác nhan đề sách và người dịch. Một thời thơ ấu thơ mộng nhưng đầy nghi vấn trong tâm.

*

blankThế rồi, khi gặp lại bài Kinh Bahiya, tôi vui mừng xiết là bao. Vì lời của Thiền Sư Trường Sa chỉ là lặp lại bài kinh này.

Kinh Bahiya viết: “Trong cái được thấy, sẽ chỉ là cái được thấy…”

Ba cách dịch ra Anh văn của 3 dịch giả là:

“In the seen will be merely what is seen…”

hay là cách dịch khác,

“In reference to the seen, there will be only the seen…”

hay là cách dịch khác nữa,

“when you see an object, be conscious of just the visible object…” (xem: Thiền Tập - chương Bài pháp khẩn cấp Bahiya Sutta - http://thuvienhoasen.org/p32a14268/2/thien-tap#detail)

*

Như thế, tự tánh của Tâm tất là Tánh Không, phảỉ là Emptiness, cũng như gương sáng chiếu vật, hễ không duyên theo vật thì không một pháp hiện ra.

Nghĩa là, thí dụ, khi chúng ta nghe tiếng gà gáy, ngay tiếng gà đó là cái được nghe, cũng là hiện tướng của cái nghe. Đó luật duyên khởi là, Tâm và Cảnh như là một, vì khi gà gáy, là tâm hiện ra, khi gà ngưng gáy, tâm có vẻ như biến mất, nhưng không có nghĩa là có hay không có tâm.

Và khi ngồi nghe dàn đaị hòa tấu, tiếng nhạc từ đủ thứ trống, đàn khởi lên, mới biết tâm mình là không, nên mới có chỗ chứa vô lượng và mới biến hiện vô lường như thế.

Đó là: sắc tức thị không, không tức thị sắc... Như mắt nhìn thấy màu xanh, màu vàng... tâm biến hiện ra màu xanh, màu vàng... Nhưng kẻ bệnh loạn sắc chỉ thấy màu xám.

Hay như mắt thấy hình vuông, hình tròn... tâm biến hiện ra tâm hình vuông, tâm hình tròn... nhưng kẻ bệnh mắt lại nhìn ra hình thang, hình bầu dục -- và đó là luật duyên khởi, nên các pháp bất định.

Hay như, khi mắt nhìn mũi kim, tâm hiện ra nhỏ như mũi kim; mắt nhìn ra bầu trời, tâm bao la như bầu trời.

Thực sự, tôi biết những chữ như Uần, Xứ, Giới và vân vân, nhưng khi tôi tập thiền, tôi quên hết tất cả các chữ này, và nói dĩ nhiên không theo sách vở, mà chỉ nói theo cảm nghiệm của mình. Nói cho cùng, tôi là người dốt chữ. Chớ không dám nói là đã quên hết để chỉ còn một chữ Như, kiểu như người xưa đã nói.

*

Vậy rồi, làm sao vào Tánh Không?

trước tiên, là tu Giới, Định, Huệ... Khi tập định, sẽ cần tới tầm (hướng tâm tới, application of thought) và tứ (giữ tâm quán sát, không chệch hướng; Học trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma là ngài Alexander Berzin giải thích: finely to discern the specific details... tinh tế nhận ra các chi tiết cụ thể).

Rồi sẽ xả bỏ tầm, bỏ tứ để vào Nhị Thiền.

Câu hỏi vẫn là: làm sao vào được Tánh Không? Và tầm và tứ ra sao với Tánh Không? Bởi vì, Tánh Không sẽ không có chỗ nào bấu víu.

*

Tôi có vị sư thúc là cố Hòa Thượng Thường Chiếu, đã viên tịch, ngôi chùa ở Đồng Ông Cộ, Gia Định, nơi tôi nhiều thập niên trước thường đi xe đạp tới thăm.

Ngài thường nói: Phải tới đầu sào trăm trượng, rồi bước thêm một bước nữa.

Tôi không biết Thầy Thường Chiếu đã dạy các bạn đaọ của tôi thế nào, nhưng Thầy không dạy tôi ngồi, không dạy tôi hít thở.

Thầy thường đón tôi giữa đống gạch vụn đổ nát được sắp ngay ngắn ở căn bếp chùa, vì cả ngôi chùa đã bị bom đạn làm sập từ năm 1968 và thầy không cho xây lại, và chỉ nói với tôi về pháp an tâm.

Tâm an trụ làm sao? Dĩ nhiên, tôi chỉ nghe thôi, không trả lời gì được.

Nhưng nên hiểu rằng, phải rèn luyện ghê gớm, mới lên tới đầu sào trăm trượng. Vì người thường, ai mà giới định huệ tới đỉnh cao trăm trượng như thế. Nhưng bước thêm tới một bước, nghĩa là bước vào Tánh Không của tâm mình.

*

Vì Tâm bản tánh là Emptiness, nên Lục Tổ nói:

Bồ đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai?

Bồ đề vốn không cây, Gương sáng cũng chẳng đài, Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi trần?

Đó là lý do chư Tổ nói: Tức Tâm Tức Phật (Tâm mình là Phật... vì Tâm mình sẵn tánh chiếu sáng và không hề dính bụi).

Đó là lý do, chư Tổ cũng nói: Không phải Tâm, Không phải Phật, không phải Vật (vì phải theo luật duyên khởi).

Đó là lý do, chử Tổ nói: Tâm bình thường là Đạo... là chỉ Tâm tự nhiên vốn trong sáng...

Đó là lý do, Lục Tổ nói, Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đó là lúc để nhìn xem mặt mũi xưa nay...

Và vì là Tánh Không, nên pháp môn Thiền Tông không có cửa vào.

Đó là lý do, kẻ nói phướn động, kẻ nói gió động, nhưng Lục Tổ nói do tâm quý vị động.

Cho nên mới nói, khi tất cả các pháp hiện lên, dù là vui buồn giận ghét, hay tham sân si... chỉ cần thấy đó là tâm mình hiện ra và thấy ngay Tánh của Tâm là Emptiness, là Tánh Không, là các pháp kia trở về gương sáng của Tánh Không. Do vậy, đó là phải thấy Tánh Không của Tâm.

*

blankĐại sư Thái Lan Buddhadasa Bhikkhu trong tác phẩm "Heartwood of the Bodhi Tree: The Buddha's Teachings on Voidness" (Cốt Lõi Của Cội Bồ Đề: Phật Pháp Về Tánh Không). Hiện đã có bản Việt dịch tuyệt vời của Cư sĩ Hoang Phong ở đây: http://thuvienhoasen.org/p21a16101/cot-loi-cua-coi-bo-de .

Bản tiếng Anh có Lời Giới Thiệu của Jack Kornfield, trong đó có những dòng như sau:

"In this remarkable book, Ajahn Buddhadasa teaches us beautifully, profoundly, and simply the meaning of sunnata, or voidness, which is a thread that links every great school of Buddhism... He speaks of how the Dhamma of voidness is beyond all good and bad, gain and loss, not to be cultivated or grasped..." (Nơi đây xin dịch: Trong cuốn sách xuất sắc này, Sư Buddhadasa dạy chúng ta một cách tuyệt vời, một cách thâm sâu, và một cách đơn giản ý nghĩa của sunnata, hay lá tánh không, vốn là sợi chỉ nối tất cả các tông phái lớn Phật giáo... Sư nói về cách mà Pháp của Tánh Không vượt qua mọi thiện ác, vượt qua mọi được và mất, không để được vun trồng hay để nắm bắt..." (Bản Anh ngữ Lời Giới Thiệu: http://www.wisdompubs.org/book/heartwood-bodhi-tree/foreword)

Nghe như âm vang của Lục Tổ Huệ Năng. Vượt qua thiện ác, vượt qua được mất, vì xưa nay không một vật thì chỗ nào để dính bụi trần và chỗ nào để nắm bắt.

Nhưng Tánh Không, thực ra tôi có xa bao giờ đâu mà nói là thân cận...

GHI CHÚ: Bài này viết cũng để tặng quý cư sĩAnh Tuấn và anh Kiên Sunny Auto Repair đang giúp Đạo Tràng Tánh Không Nam California chuẩn bị cho buổi Giới thiệu 2 tác phẩm do Hòa Thượng Thích Thông Triệt biên soạn:

1- Luận Giảng Vấn Đáp Về Tiến Trình Tu ChứngThành Đạo Của Đức Phật

2- Luận Giảng Vấn Đáp Thiền và Kiến Thức Thời Đại.

Sẽ bắt đầu từ 3:00PM Chủ Nhật 10-8-2014 tại Hội Trường VNCR, 14861 Moran St., Westminster, CA 92683. Chi tiết xin liên lạc: Tuệ Huy 949-232-7089; Huệ Hải 714-848-8336. Xin chúc lành.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/06/2014(Xem: 9613)
12/03/2018(Xem: 14630)
17/04/2018(Xem: 8965)
03/06/2018(Xem: 7591)
23/11/2022(Xem: 54396)
04/02/2016(Xem: 9832)
28/02/2015(Xem: 6187)
27/11/2019(Xem: 9239)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.