10. Ký

05/02/20172:25 CH(Xem: 4231)
10. Ký
TUYỂN TẬP 1 & 2
của cư sĩ Hạnh Cơ
Tác giả đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo
Hoàng Hậu Thái Châu (Calgary)
xuất bản năm 2014

7. KÝ

HÀNH TRÌNH BIỂN NAM

 

Galang, ngày 27 tháng 5 năm 1980

 

Em và các con  yêu thương,

Bố con anh đã đến được đảo Galang hồi 12 giờ trưa ngày 25.5.1980. Hơn mười ngày lênh đênh trên sóng nước đã làm cho anh đến bây giờ vẫn còn thấy như đang vẫn bềnh bồng. Hai đêm rồi nằm trên sàn gỗ mà vẫn cứ có cảm giác như đang nằm trên chiếc thuyền nhỏ bé ấy, đang lướt trên sóng biển trùng trùng. Bố con anh đã trải qua một cuộc hành trình, tuy rằng so với nhiều cuộc hành trình khác thì không lấy gì làm gian nan nguy hiểm lắm, nhưng cũng có thể coi là khá nguy hiểm. Anh kể lại cuộc hành trình ấy cho em và các con nghe nhé!

 

*

Trời Sài-gòn tháng 5 nóng như thiêu đốt. Hai bố con với hai cái túi xách nhỏ, từ giã căn nhà thân yêu của chúng mình giữa lúc mặt trời đứng bóng, đi lửng thửng ra đường như mọi khi vẫn đi làm rẫy ở Trảng-bom. Khi đã ngồi yên trên chiếc xích-lô, lòng mới cảm thấy bồn chồn, hồi hộp. Xuống xích-lô ở cách xa xa chợ Xóm-củi, anh dẫn con đi bộ vào cái quán nước ngay ở ngã tư chợ. Lòng cứ rộn ràng, nhưng vẫn cố trấn tĩnh. Tuy cố trấn tĩnh mà mắt vẫn lén ngó láo liên để xem chừng có bị theo dõi không. Nắng gắt quá. Không có một tí gió nào. Ngoài đường đã nóng mà trong quán cũng không mát mẻ gì hơn. Khát cháy cả cổ. Hai bố con cứ hết cà-phê đá tới chanh đá; chanh đá vừa cạn thì lại tiếp đến trà đá... Nóng đến nỗi mà vừa gắn điếu sa-mit lên môi đã nghe mùi khét lẹt.

Ngồi trong quán, anh thấy cháu nó đạp xe chạy ngang qua, rồi em cũng đạp xe chạy ngang qua. Anh vẫn tỉnh bơ, con cũng ngồi im không chỉ chỏ. Anh trông thấy tay chân em run run, lọng cọng, mặt mày hơi biến sắc. Thế rồi cháu biến mất! Em biến mất! Và đó là phút đưa tiễn nhau của chúng mình.

 

*

Có dấu hiệu –người áo đen xuất hiện. Bố con anh rời quán, theo lưng người áo đen ở đàng trước. Qua hết con đường ngắn ven chợ, rồi tiến qua bên kia đầu cầu; cây cầu gỗ nhỏ xíu –rộng hơn 2m, dài khoảng 20m– mà anh đã coi nó có giá trị như cây cầu bắc qua “suối vàng” để đưa hồn người rời khỏi “âm phủ” trở về dương thế! Anh biết là em và cháu nó đang ẩn mình ở một góc nào đó trong chợ để dõi theo bố con anh đang từng bước xa rời quê hương địa ngục, mà ngày gặp lại nhau thì không biết đến bao giờ!...

Mọi việc đều diễn tiến đều đặn, nhịp nhàng, mau lẹ. Tới đầu cầu bên kia, bố con anh cũng bắt chước những người trước, bước lên một chiếc ghe chèo – mỗi chiếc 3 “du khách”. Người trạo phu đẩy chiếc ghe ra khỏi bờ, chèo đi. Đây chỉ là một con lạch nhỏ, rất nhỏ, ở sau chợ Xóm-củi. Con lạch nhỏ mà mang một sứ mạng thật to lớn: đưa cả một đoàn gần 50 người vượt thoát địa ngục dương gian! –Đó là chưa kể những đoàn người đã ra đi trước đây, rồi còn sau này nữa.

Hướng tiến đã được định sẵn, mạnh chiếc nào chiếc đó chèo đi. Hết lạch rồi vào kinh, hết kinh thì vào sông. Có lúc thì tản mác, có lúc thì nhập lại thành đoàn. Vậy là nhóm anh có cả thảy 8, 9 chiếc ghe gì đó, anh không đếm kĩ. Khởi hành lúc thủy triều đang lên, nên tay chèo có vẻ mệt nhọc, nhưng đến khi triều xuống thì ghe chạy phăng phăng, mái chèo buông lơi.

Anh khởi hành lúc ấy là 1g30 trưa ngày 13.5.80, tức ngày 29 tháng 3 (thiếu) năm Canh-Thân. Nếu có óc mê tín dị đoan, thì ngày đó, cả ngày tây lẫn ngày ta đều là ngày xấu: Ngày tây là ngày 13! Ngày ta là ngày “nguyệt tận”! –Người ta nói thế. Nhưng đối với người tin Phật thì chỉ biết có cái ác là xấu, còn những con số ấy có mang ý nghĩa tốt xấu gì đâu!

Khi ghe đã xa hẳn vùng thị tứ, con kinh đã tới khúc rộng, không khí đã trở nên trong lành, gió mát trên sông đã làm dịu đi cơn nóng trong người, thần trí nhẹ nhàng, tỉnh táo, anh bắt đầu niệm Phật. Phút niệm Phật thật là thần diệu. Bao nhiêu nỗi lo âu, hồi hộp, rờn rợn gì gì... đều lắng xuống hết. Tâm hồn an tĩnh lạ thường, và anh đã sống trọn vẹn trong cái cảm giác của một kẻ nhàn du thưởng ngoạn thiên nhiên, chứ không còn cái cảm giác bồn chồn bất an của một người trốn chạy.

Có lúc ghe giấu mình chui vào lau lách, lằm lũi cô đơn qua khoảng vắng; có lúc thì nghêng ngang giữa dòng kinh rộng, chen chúc với đám ghe thuyền tấp nập của khách thương hồ, có cả tàu đò quốc doanh của người cộng sản. Anh không rành thủy lộ của vùng này, nhưng cũng chẳng muốn hỏi thăm người chèo ghe. Một lúc nào và ở đâu đó, anh được biết loáng thoáng rằng, ghe sẽ xuôi về Cần-giuộc, rồi theo kinh Đôi mà vào “sông lớn” tại một địa điểm gần Phú-xuân (Nhà-bè). Tất cả sẽ lên “tàu lớn” tại đó. Anh yên chí như vậy. Trong suốt thời gian từ trưa đến giờ, con mình vẫn cứ tỉnh queo, không tỏ chút lo âu sợ sệt gì cả!

Lúc ghe tới điểm hẹn thì trời đã tối đen. Tất cả ghe đều neo lại một chỗ, đợi chờ. Trong ánh sáng lờ mờ của sao trời, anh thấy khúc sông chỗ này rộng mênh mông. Sóng vỗ bì bõm vào mạn ghe, chênh vênh, tròng trành. Mới có thế mà mọi người đã có vẻ mền mệt. Người ta chỉ về đám ánh sáng ở bên tay trái và bảo đó là Phú-xuân. Anh cũng ậm ừ: Ờ, Phú-xuân.

Thế rồi có ánh đèn pha ở xa xa, tiếp theo là tiếng nổ lạch bạch của máy tàu. Một chiếc ghe được phái đi liên lạc. Chiếc ghe trở về, ra lệnh: “Chèo tới hướng có ánh đèn!” Cả đám ào đi, chiếc ghe của anh lẹt đẹt sau cùng. Nhờ ánh sáng mặt nước, anh thấy được một khối đen lù lù, các ghe lần lượt cặp vào, xong chiếc này tới chiếc khác, hết người nọ tới người kia, lên tàu mau lẹ. Anh đỡ Linh Thoại lên rồi, và anh là người cuối cùng của nhóm ấy leo được lên tàu. Trong đêm tối, ánh đèn bấm yếu ớt quét qua quét lại trong hầm tàu, anh nghe người ta nạt nộ: “Ông kia ngồi chỗ này! – Bà kia ngồi đây! – Thằng bé kia chui xuống chỗ đó! – v.v...” Trời tối, nào biết vị trí ra sao, anh và con ngồi tạm ở một góc hầm tàu với mọi người.

Tàu di chuyển, nhưng chỉ đi một tí thì lại đứng im. À, thì ra có một nhóm khác nữa lên tàu. “Thế này thì ngồi đứng vào đâu? Chắc đây chỉ là chiếc tàu chở tạm, rồi ra khơi sẽ lên tàu lớn hơn.” Anh thầm nghĩ như vậy, vì lúc ấy, qua ánh đèn bấm của thủy thủ đoàn, anh đã thấy được khá rõ về kích thước chiếc tàu. Gọi là “tàu” vì nó có máy nổ, thực ra chỉ nên gọi là “thuyền”, thuyền máy (lớn hơn chiếc ghe máy) thì đúng hơn.

Người đã đông nghẹt. Bỗng anh nghe có tiếng máy nổ từ xa, một chiếc ghe máy nào đó đang tiến tời “tàu”. Có ánh đèn bấm từ ghe kia quét qua. Có tiếng hỏi: “Ghe nào đó?” Có tiếng quát từ thủy thủ đoàn: “Ngồi sụp xuống hết đi!” Anh tự hỏi : “Công an sao?”, và cảm thấy bối rối. Có bóng người từ ghe kia leo qua. Có tiếng nói với nhau xầm xì. Rồi có tiếng máy nổ ở ghe kia. Và tiếng nổ xa dần, xa dần... Hết lo rồi, nhẹ nhõm làm sao! Mà cái gì vừa rồi vậy? Công an sao? Thôi không cần thắc mắc làm gì nữa, yên ổn là tốt rồi!

 

*

“Tàu” chạy rồi đó. Thế là cuộc phiêu lưu mạo hiểm đích thực bắt đầu. Chẳng có đồng hồ nên anh chẳng biết lúc ấy là mấy giờ. Nhưng cũng chẳng cần phải biết giờ giấc làm gì. Có phải tới trường hay vô sở đâu mà cần biết giờ giấc! Đi trong đêm tối đen, cái tối của đêm nguyệt tận. Biết thế là đủ rồi.

Anh thật là kì cục em ạ, không thể nào chịu được khi ngồi dưới hầm tàu. Ngồi trên boong, dù sóng to gió lớn thế nào cũng vẫn khỏe ru; mà hễ xuống hầm, dù sóng êm gió lặng đến đâu, chỉ độ mười phút là chóng mặt rồi. Ngày xưa đi tàu Hải-quân cũng vậy. Hạm trưởng dành cho anh một chỗ nằm đàng hoàng, có quạt máy chạy 24/24, thế mà anh vẫn không nằm dưới ấy được, dù tàu đang chạy trên sông Cửu-long. Nhưng ngồi trên boong, dù tàu có chạy qua vùng biển giữa Bình-tuy - Vũng-tàu, gặp lúc sóng to gió lớn làm tàu nghiêng 45 độ đi nữa, anh vẫn tỉnh khô. Bây giờ cũng vậy, tàu chạy vừa được một lúc lâu là anh mò lên boong ngồi hóng gió, nhìn sao. Rồi anh nằm dài trên boong, cố giỗ giấc ngủ để giữ sức khỏe, nhưng chỉ được chập chờn trong tiếng máy tàu, giữa trời gió lộng...

Lúc ấy đã quá khuya rồi, có lẽ là trước sau 3, 4 giờ sáng gì đó, tàu bắt đầu tiến ra cửa biển. Mấy người lái tàu bảo nhau: “Bắt đầu tới cửa rồi đó.” Anh chẳng biết đây là cửa nào: Cần-giờ hay Vàm-láng? –Chắc là Cần-giờ. Anh thấy có ánh đèn pha quét từng vòng từ trên đỉnh núi cao Vũng-tàu. Đèn trong tàu tắt hết, tối um. Cửa sông rộng quá em ạ, anh không thể nào nhìn thấy bờ nước. Sóng có vẻ mạnh, làm cho tàu cứ chòng chành. Anh cảm thấy như tàu đang phải cỡi sóng mà đi. Rồi cũng phải một thời gian thật lâu nữa, anh nghe họ nói với nhau: “Ra khỏi cửa rồi.” Và có tiếng người bảo: “Anh X. đâu? Ra chấm “point” để nhắm hướng đi! Nó hẹn gặp mình ngoài đó.” Cho đến phút này anh vẫn đinh ninh đây chỉ là chiếc thuyền máy đưa số người này ra khơi, rồi lên một chiếc tàu lớn khác để thực hiện chuyến mạo hiểm thực sự vượt đại dương. Ra đến biển thì bớt sóng, mặt nước có vẻ bình an hơn khi ở trong cửa. Anh thấy người lái tàu như có vẻ cố gắng lái cho chiếc tàu khéo léo len lỏi qua các hàng “lưới đăng” trùng điệp. Họ chỉ làm việc bằng đèn bấm. Lưới đăng đã từng là một chướng ngại lớn cho những tài công vượt biển không nhà nghề. Nếu đụng phải, lưới quấn vào chân vịt thì coi như là tám, chín phần mười nộp mạng cho công an. Cho nên, khi đã qua khỏi vùng lưới đăng, anh lại thở phào nhẹ nhõm em ạ!

Rồi bình minh ló dạng. Trời sáng dần, sáng dần. Đến khi mặt trời đỏ ối, to như cái nia, từ từ trồi lên khỏi mặt biển thì mọi vật sáng rõ. Anh nhìn lại thì chẳng thấy bờ bến gì nữa; có chăng thì chỉ là một đường xanh thẫm lờ mờ xa tít thật xa...

Sóng lặng gió yên, bình minh trên biển đẹp tuyệt vời! Từ nhỏ anh đã mê mặt trời vào buổi bình minh và lúc hoàng hôn, bất cứ lúc nào, hễ có dịp là ngắm nhìn say đắm. Anh chú mục vào nó từ khi mới có những tia sáng đỏ đầu tiên phóng lên khỏi mặt nước ở phía chân trời, cho đến khi một chấm đỏ ló lên mặt nước, rồi một miếng đỏ vành nia, rồi một nửa cái nia, và cuối cùng là cả một cái nia nguyên vẹn, đỏ lòm nổi lên khỏi mặt nước. Anh quan sátcảm thấy một cái gì thật vĩ đại trong từng sát na của thời khắc mặt trời mọc ấy. Ai đẩy nó lên? Ai kéo nó lên? Tự nó lên? Anh liên tưởng đến cái giây phút “bừng giác ngộ” của đức Thế Tôn ở cội bồ đề mấy ngàn năm trước...

Ngày theo quí thầy đi “làm xâu” cho nhà nước cộng sản ở Củ-chi –được gọi là “công trường đắp ụ đặt tên lửa chống máy bay bọn phản động quốc tế Trung-quốc”,– từ 5 giờ sáng anh đã ra khu công trường, leo lên cái “ụ” cao hơn 10 thước, cũng để chờ ngắm mặt trời mọc như vậy. Và có những buổi chiều anh đã tắm ở một con kinh để ngắm mặt trời lặn. Bên kia bờ kinh là đồng ruộng chạy xa tắp đến tận chân trời. Mặt trời sẽ lặn ở đó. Anh đã ngâm mình dưới nước để cho tầm mắt được trải ra ngay trên đọt mạ. Tầm mắt anh cứ lướt trên đọt mạ này đến đọt mạ khác, từ gần đến xa, cho đến khi đụng mặt trời ở đường chân trời. Mặt trời khi lặn cũng đỏ như lúc mới mọc, nhưng có vẻ nhỏ hơn một tí. Anh cũng chú mục vào nó khi nó bắt đầu gối lên đường chân trời, rồi cứ trụt xuống dần, bị cắt xén dần, cho đến khi chỉ còn vài tia sáng đỏ yếu ớt sót lại ở đầu đọt mạ. Và liền sau đó là cảm giác lạnh!

Tàu vẫn tiếp tục chạy đều, và chẳng thấy thay đổi gì cả. “Chạy luôn bằng chiếc tàu này?” Anh tự hỏi thế, và rồi cũng tự trả lời: “Chắc là vậy rồi.” Bấy giờ anh mới để ý đến chiếc “tàu” em ạ. Đó là một chiếc tàu gỗ, dài khoảng 12 thước, khoảng giữa trên boong rộng khoảng 2 thước rưỡi. Nó chỉ lớn bằng chiếc ghe máy đánh cá của mình mua chung với bác Bảy, bác Tám ở Vạn-giã, nhưng có vẻ chắc chắn hơn. “Thôi, dù gì thì gì, nó đã có khả năng đưa mình vượt đại dương thì cứ gọi là tàu cho đáng công của nó.” Anh thật lẩm cẩm em nhỉ? Cứ thắc mắc ghe với tàu làm gì, quên chuyện đó đi.

Bấy giờ là khoảng 7 giờ sáng. Mặt trời đã chiếu ánh sáng vàng rực rỡ trên mặt biển mênh mông. Có những chiếc tàu đánh cá, anh đoán thế, ở cách thật xa. Mọi người mừng vui, chui cả lên boong để tận hưởng cái không khí trong lành buổi sáng. Con mình cũng đã thức dậy và lên ngồi với anh trên boong từ lâu. Bỗng dưng, tàu khựng lại, và tắt máy! Tàu gì kì cục vậy, mới chạy chưa đầy 12 tiếng đồng hồ mà đã hỏng máy! Thợ máy chui xuống hầm máy tức thì. Chiếc tàu có treo lá cờ đỏ sao vàng như bất cứ ghe tàu nào di chuyển trên thủy lộ Việt-nam. Trong khi thợ máy sửa máy dưới hầm thì trên này người ta giật lá cờ ấy xuống, xé vụn, và vất xuống biển, vừa như để chối bỏ một chế độ bất nhân, vừa như để tỏ quyết tâm chỉ có một con đường tiến tới, là bến bờ tự do.

Gần một tiếng đồng hồ trôi qua, mọi người bắt đầu sốt ruột. Rồi người ta lại nhìn thấy có hai chiếc tàu nào đó từ hướng bờ tiến ra. Ban đầu còn thấy nhỏ như hai con ruồi, rồi lớn dần bằng hai cái chén, rồi hai cái rổ... Người ta đã thấy lo ngại: “Sửa máy gì mà lâu vậy?”, “Tụi nó tới gần rồi đó!” Và khi hai chiếc tàu kia tiến tới gần hơn, trông đã bằng hai cái thúng chai, thì dưới hầm... máy nổ! “Rồi, dọt lẹ!” Họ tống hết ga, tháo chạy. Hai chiếc tàu kia có vẻ như đang cố gắng đuổi theo. Người ta nghe mơ hồ như có tiếng súng nổ ở hai chiếc tàu ấy. –Cũng có thể là tiếng súng trong óc tưởng tượng. Chừng nửa tiếng đồng hồ chạy bán mạng như thế thì cả hai chiếc tàu kia đã bị thu nhỏ dần, cho đến khi cả một điểm nhỏ như con ruồi cũng chẳng còn trông thấy nữa. Hú hồn! Hồi hộp, lo âu lại lắng xuống, người ta lại bắt đầu “bâng quơ”...

Khoảng chín rưỡi, mười giờ gì đó, tàu lại... tắt máy! –Lần thứ hai chỉ trong một buổi sáng thôi đấy nhé! Đường còn dài mà tàu bè như thế này thì làm sao? Nhưng lần này thì máy được sửa nhanh hơn, độ nửa tiếng đồng hồ thì tàu chạy lại được. Người ta lại trông thấy ở xa xa cái gì trông giống như chiếc máy bay trên mặt nước. “Thủy phi cơ chắc?”, “Ồ, nó chạy nhanh quá!”, “Mà sao nó cũng tiến về phía tàu mình?”, “Chạy mau cho khỏi tầm nhìn của nó đi!” Tàu lại tăng tốc độ. “Rồi! Mình đã ra khỏi con đường của nó rồi!” Chiếc tàu lớn quá. Theo người biết chuyện thì đó là chiếc tàu đánh tôm của bà Nhu hồi xưa. Sau khi bà Nhu chạy ra khỏi nước sống lưu vong thì nó lọt vào tay bà Thiệu. Và bây giờ thì chắc là nó lại thuộc quyền bà vợ ba của Lê Duẩn (?).

Trời hôm nay có vẻ dễ chịu, nắng không gắt lắm như trưa hôm qua, –hay là tại đang ở trên mặt biển thì như thế, cũng không biết. Tàu cứ nhắm hải phận mà ra. Tới xế chiều thì sau lưng đã hoàn toàn trống vắng, không còn bất cứ một bóng dáng đe dọa nào của loài người ở phía bờ biển Việt-nam. Mối lo bây giờ chỉ là tàu và biển cả. Nhưng tàu bây giờ thì đang chạy “ngon lành”, còn biển cả thì đang yên lặng, phẳng lì gần như mặt hồ Xuân-hương. Anh lấy trong túi ra cuốn kinh Phổ Môn nhỏ xíu, để trong lòng bàn tay, và đọc lầm thầm trong miệng. Con vẫn ngồi bên cạnh anh, cũng lâm râm niệm Phật. Chiều yên tĩnh.

Ngày 14 qua rồi, 15 kế tiếp. Biển vẫn lặng, gió vẫn êm, tàu vẫn chạy đều. Thủy thủ đoàn bảo rằng, chạy ròng rã ba ngày, cùng lắm là năm ngày thì tới Tân-gia-ba. –Tàu mình đang nhắm Tân-gia-ba thẳng tiến (?).

Cho tới tối thì trông thấy xa tít ở trước mặt có một đám ánh sáng. Ai cũng mừng rỡ. “Sao mà đi lẹ quá vậy?”, “Té ra đi cũng dễ dàng quá nhỉ?”, “Tài công hay thật!” Người ta xầm xì như thế. Khoảng 11 giờ đêm thì tàu tới gần vùng ánh sáng ấy, nhưng đâu phải là phố xá gì, mà đó là một giàn khoan dầu. Nơi đó có một chiếc tàu rất lớn, từ xa bọn anh đã trông thấy nó. Nhưng khi nó đoán được ý định của tàu anh sẽ tiến về phía nó, thì nó tránh đi nơi khác. Khi tàu anh tới sát giàn khoan thì chiếc tàu lớn ấy đã đậu tại một địa điểm cách xa giàn khoan khoảng 5 hải lí. Bọn anh kêu cứu thì số người ngoại quốc đứng tít trên cao của giàn khoan cứ lắc đầu, tỏ vẻ không biết gì hết, và cứ chỉ chỏ về phía chiếc tàu lớn ở đàng xa kia. Tàu bọn anh lại quay mũi trở ra, định tiến đến chiếc tàu lớn kia, thì vừa chết máy. Mọi người la hoảng, có vẻ mất bình tĩnh rồi. Bọn anh liền đốt lửa làm hiệu để cầu cứu với chiếc tàu kia. Mỗi người góp vào đống lửa ấy một cái áo, anh cũng vậy. Điều này, lần đầu tiên chứng tỏ là chủ tàu đã thiếu chuẩn bị.

Phải hai tiếng đồng hồ sau, chiếc tàu ấy mới từ từ tiến đến. Bọn anh yêu cầu họ vớt thì họ từ chối. Bọn anh cử người đại diện sang cố gắng thương lượng với họ, nài nỉ họ, nhưng họ vẫn không chịu vớt bọn anh lên tàu họ. Họ bảo rằng, đây vẫn còn là địa phận Vũng-tàu. Giàn khoan này là của Liên-xô, còn họ là người Tây-ban-nha, đang làm việc cho giàn khoan. Tàu họ đang trên đường tới Sài-gòn, cho nên họ không thể vớt được. Nếu có thể ở yên tại đó chờ họ, thì 4 ngày sau họ sẽ trở lại để vớt. Nhưng họ khuyên nên rời chỗ này càng sớm càng tốt, để khỏi bị công an biên phòng Việt-cộng bắt.

Nhưng tàu anh lúc đó không thể nào chạy được nữa, vì bình điện đã hư rồi; mà bình phụ cũng không có. Thấy vậy, họ cho tàu bọn anh hai cái bình điện mới, mấy thùng dầu, và nước ngọt. Điều này, lần thứ nhì chứng tỏ chủ tàu và tài công thật cẩu thả, thiếu đề phòng.

Em biết không? Lúc ấy tàu bọn anh được cột vào chiếc tàu sắt to lớn vĩ đại kia, để khỏi bị trôi. Tàu họ thì cao tuốt trên cao, tàu mình thì thấp tận dưới thấp. Sóng lúc ấy khá lớn. Mỗi lần một ngọn sóng bò tới, nó đưa chiếc tàu gỗ của mình lên cao ngang tầm với chiếc tàu sắt kia, cỡ bảy, tám thước chứ ít đâu; khi nó đã đi qua rồi thì chiếc tàu gỗ của mình lại trụt xuống thật sâu, phải ngửa cổ nhìn “trật ót” mới thấy người đứng trên tàu sắt ấy. Và trong cơn trồi lên trụt xuống ấy, cái mũi gỗ của chiếc tàu mình đã đụng mấy cái nên thân vào chiếc tàu sắt kia. Gỗ làm sao chịu nổi với sắt, nên đã phần nào bị sứt mẻ, sự nguy hiểm có thể bắt đầu từ đó em ạ. Trong tình thế ấy mà người của tàu mình đã cố gắng chuyền hai cái bình điện từ tàu kia sang tàu mình. Em tưởng dễ dàng lắm sao? Hai cái bình rất nặng, chuyền qua bằng dây thừng. Không khéo thì bình rớt xuống biển và sẽ lôi bao nhiêu người rớt theo. Không nhìn thấy tận mắt thì em không thể nào hình dung được cái cảnh tượng nguy hiểm lúc ấy. Nhưng rồi, với sức cố gắng của mọi người, cuối cùng hai cái bình điện cũng đã chuyển sang được. Nhờ hai cái bình điện ấy mà tàu lại tiếp tục cuộc hành trình. Họ cho một ít thức ăn và chỉ hướng cho tàu anh đi về hải phận Nam-dương. Lúc chiếc tàu sắt từ giã bọn anh thì một chuyện nguy hiểm khác lại xảy ra. Nguyên là có một ông nọ (vốn là nhân viên sở Mĩ ngày trước) được tàu anh cử làm đại diện để dẫn một số người sang thương lượng với thuyền trưởng tàu Tây-ban-nha kia, ông ấy bơi giỏi lắm. Sau khi xong mọi chuyện, số người ấy trở về tàu mình bằng thang dây; riêng ông ấy lại không đi bằng thang dây, mà lại nhảy xuống nước bơi về! Chiếc tàu lớn rẽ nước rất mạnh, làm trôi cả tàu mình. Ông ấy với chưa tới thì tàu mình đã bị trôi xa rồi. Lúc ánh đèn của chiếc tàu sắt còn rọi ngay tàu mình thì còn trông thấy ông ấy; đến khi tàu kia đổi hướng, thì chỗ tàu mình chỉ là một vùng tối đen, và thế là mất dấu ông ấy! Bấy giờ cũng khoảng bốn giờ khuya, trời tối đen như mực. Bà con la lối om sòm, hốt hoảng, đèn bấm rọi lung tung mà chẳng ai thấy được gì. Chắc là chiếc tàu sắt kia đoán biết đằng này có gì không ổn, bèn quay trở lại. Sau khi nói cho họ biết sự việc, họ hứa sẽ tìm giùm ông ấy cho mình. Bình điện mới đã được gắn xong, nhưng tàu anh vẫn chưa nổ náy, cứ mặc cho nổi trôi, để chờ đợi. Chiếc tàu kia cứ đảo hết vòng nọ đến vòng kia, đèn pha quét sáng rực trên mặt biển. Xa rồi gần, gần rồi xa. Sau cùng, nó đậu yên một chỗ, cách tàu mình khoảng 3 hải lí. Tại sao vậy? Đến khi trời đã sáng tỏ, chiếc tàu sắt tiến lại gần sát tàu của bọn anh, và từ xa xa, bọn anh đã nhìn thấy ông ấy đứng trên boong tàu với bộ quần áo mới. Thấy bọn anh, ông ta mỉm cười, và họ đã giúp đưa ông ấy về lại tàu mình. Vợ con ông ấy khóc tấm tức trong mấy tiếng đồng hồ qua, bây giờ mừng rú! Mà chẳng riêng gì vợ con ông ấy, mọi người trên tàu đều mừng rỡ. Trước đó, chính anh đã đọc kinh cầu nguyện cho ông, và một vài người khác cũng lâm râm cầu nguyện như vậy.

Thế là chuyện nguy hiểm đã qua, mọi người mừng vui, tàu nổ máy và bắt đầu di động. Tất cả mọi người cùng vẫy tay cám ơn và chào từ giã tàu Tây-ban-nha. Đó là ngày 16.5, và là ngày thứ tư của cuộc hành trình; một ngày trên sông và 3 ngày trên biển. Đã 3 ngày trên biển mà vẫn còn lẩn quẩn trong tầm tay của công an biên phòng, làm sao 5 ngày có thể đến được Tân-gia-ba? Nhưng khi tàu chạy đã êm rồi thì mấy người lái tàu lại trấn an: “Cuối ngày thứ năm là mình tới thôi, chắc chắn mà!”...

 

*

Anh đang chập chờn thì nghe có tiếng người bảo lớn: “Tắt hết đèn đi!” Anh mở mắt ra thì thấy trời tối om, đoán chừng lúc ấy khoảng một, hai giờ khuya. Tàu đang chạy hết tốc lực để trốn một cuộc săn đuổi của tàu VC (hay tàu hải tặc?) Nghe ngóng tình hình thì tàu đang đi ngang một vùng hải đảo, và đang bị hai chiếc tàu VC rượt đuổi. Hình như có cả tiếng súng từ xa xa. Trời đang tối đen, đèn đuốc lại tắt hết, thì tàu VC làm sao thấy được gì mà đuổi bắt? Cho nên hơn tiếng đồng hồ sau thì lại hoàn toàn yên lặng ở phía sau lưng, thở phào nhẹ nhõm...

Chạy đúng một ngày đêm thì tàu lại... chết máy! Lúc ấy khoảng 7 giờ sáng ngày 17.5. Tài công lại “bỏ neo” như thói quen thường lệ. Nhưng anh biết rằng, với độ sâu của biển ở đây thì dây neo nào của chiếc tàu gỗ này có thể móc tới đáy biển! Cái mỏ neo chỉ nặng độ hơn mươi kí thì làm sao giữ nổi chiếc tàu này đứng yên một chỗ, khi sóng gió cứ đẩy xô, cộng thêm luồng nước ngầm cứ cõng con tàu trôi đi? Trời càng trưa càng nóng, mà tàu không chạy cho nên lại càng nóng. Nóng rát cả mặt. Đã có mấy người nhảy đại xuống biển tắm. “Thợ máy” cứ hì hục sửa máy. Tiếng họ gọi nhau, bảo nhau, chỉ cho nhau, rất là ồn ào; và lúc nào nghe cũng có vẻ như là máy sắp nổ đến nơi rồi. Thế này thì không thể đổ thừa tại bình điện nữa, mà nguyên do chỉ là “máy dỏm” và “người dỏm” mà thôi. Nhưng rồi, đến khoảng 3 giờ chiều, tàu cũng chạy lại được. Trong thời gian chín tiếng đồng hồ ấy, tàu đã trôi bao xa em nhỉ?

Tàu chạy, mát mẻ, dễ chịu hơn. Khoảng 5 giờ chiều thì gặp tàu biển. Từ hôm qua bọn anh đã thấy được một vài chiếc tàu lớn đi lại trên biển, nhưng xa lắm. Mỗi lần gặp tàu như vậy, bọn anh đều ra hiệu cầu cứu, mà chẳng có chiếc nào ghé lại hỏi thăm. Nhưng chiều nay thì chiếc tàu này đã đến. Nó không tới sát tàu anh, mà chỉ lượn vòng chung quanh cách mình khoảng vài trăm thước. Chắc là họ đang quan sát mình. Tàu anh muốn tắt máy để chứng tỏ là tàu hư, nhưng lại không dám; vì nhỡ ra họ không cứu mà máy tàu mình lại tịt luôn thì sao! Có lẽ nó thấy tàu mình vẫn nổ máy thì cho là không có gì nguy hiển, nên cuối cùng, sau khi đã lượn quanh mấy vòng, nó bèn “nhả” xuống biển một bè gỗ, trên đó có buộc một cái thùng gỗ khá to, rồi quày mũi đi thẳng một hơi. Tàu anh tiến tới chiếc thùng gỗ ấy, mấy người lái tàu vớt lên đem cất. Chẳng một người khách nào biết được trong thùng gỗ ấy có thứ gì. Một lúc lâu sau đó, mỗi hành khách lớn nhỏ trên tàu, được “nhóm chủ tàu” phát cho một phần tư trái táo xanh! Em biết sao không? Anh cắn một miếng táo mà thấy tỉnh cả người! Nó dòn! Nó thơm! Nó ngọt! Nó dịu! Suốt “5 năm qua đời ta có đảng”, nhưng mình chưa từng có được một miếng táo! Mãi đến hôm nay, giữa lúc đang đói khát trên mặt đại dương, mình bỗng dưng có được một miếng táo, trọn vẹn, toàn quyền hưởng thụ, không bị ai giành giật, dòm ngó, hay đấu tố gì cả! Cám ơn Tình Người. Anh đã tội nghiệp cho anh, mà nhìn con ăn miếng táo, anh lại càng xót xa cho con hơn nữa. Vậy là, miếng táo của anh, anh chỉ ăn nửa miếng, và cho con ăn thêm nửa miếng còn lại. Nhìn con ăn miếng táo lúc ấy mà muốn đứt ruột ra. Một chốc thì họ lại phát cho hai bố con anh một li nước cô-ca, cái li giấy nho nhỏ, xinh xắn, đựng chừng 50 phân khối nước.

 

*

Đêm nay trời nổi giông, gió thổi mạnh, mây đen vần vũ đầy trời. Sóng to từng đợt đập vào hông tàu, đùa nước lên cả boong tàu. Hầm tàu đã có đồ che sơ sài. Anh khoác lên cho con chiếc áo mưa, để ngồi dưới ấy. Anh thì đội tấm bông-xô ngồi trên boong. Rồi cơn mưa đổ ập xuống. Mưa dữ dội. Mưa cuồng nộ. Rầm rầm, mù mịt. Mưa trút nước xuống như đá lăn từ đỉnh núi, đe dọa nhận chìm tàu bất cứ lúc nào. Chưa bao giờ anh bị kinh hoàng vì một cơn mưa em ạ, nhưng lúc ấy anh đã thực sự kinh hoàng. Mà ai cũng kinh hoàng. Vậy mà thật lạ lùng, kinh hoàng thì có kinh hoàng, nhưng mọi người cũng vô cùng mừng rỡ! Khát nước mấy hôm nay rồi, bây giờ có mưa thì còn nói gì nữa! Cái oái oăm của cuộc đời là thế. Anh hứng nước mưa từ cái bông-xô vào cái lon ghi-gô, đưa cho con uống, hứng một lon khác để dành; rồi còn phần anh, anh cứ để một góc bông-xô vào miệng, cứ thế, để cho nước mưa chảy vào miệng, trôi qua cổ, rót vào bụng. Nước chảy tới đâu nghe mát rượi tới đó. Và trong cái cảm giác thú vị, say sưa đó, anh để cho nước cứ dâng cao dần lên từ đáy bao tử, cho đến khi đầy tới cổ mới chịu bỏ cái góc bông-xô ra khỏi miệng. Hú hồn, chút xíu nữa là bị chết ngộp… vì uống nước!

Rồi mưa cũng tạnh, gió cũng yên, mây cũng tan, sao trời lại xuất hiện. Người ướt lớp nhớp, nhưng để vậy lát cũng khô. Sóng vẫn vỗ mạnh vào hông tàu, vẫn tóe nước lên boong, nhưng đâu có ngán, cứ đừng có bão là yên chí rồi. Tàu ướt lẹp nhẹp, vậy mà cũng ngủ được. Tàu tròng trành hụp lặn thế đó mà vẫn ngủ được.

Sáng ra thì sóng đã yếu bớt đi. Nắng lên đem lại ấm áp cho mọi người sau một đêm mưa lạnh. Tàu biển chạy như mắc cưởi trên biển cả. “Đây có lẽ là hải lộ nối liền Tân-gia-ba với Hương-cảng, cho nên tàu qua lại nhiều quá.” –Người ta tán gẩu với nhau như thế. Mà toàn là tàu buôn và tàu dầu, chẳng thấy tàu quân sự. “Sao không thấy một chiếc tàu Mĩ nào nhỉ?” Người ta hỏi nhau, vì đa số ai cũng hi vọng gặp được tàu Mĩ, vừa được vớt dễ dàng, lại vừa được đi Mĩ cũng dễ dàng. Tàu thì nhiều vậy mà chẳng chiếc nào chịu đến vớt mình. Nhưng rồi cũng có một chiếc tàu đã đến với tàu bọn anh, em ạ. Chiếc tàu này, từ xa trông thấy dấu hiệu cầu cứu của bọn anh thì hướng mũi tới liền. Mọi người cùng cố nhìn xem lá cờ nước nào vẽ trên ống khói tàu, nhưng chỉ thấy có một nửa lá cờ, không đoán được. Chiếc tàu này còn to hơn chiếc tàu gặp chiều hôm qua. Đến khi hai bên chỉ còn cách nhau khoảng 30 thước, thì lá cờ hiện ra rõ ràng, trọn vẹn. Em biết cờ nước nào không? Cờ Liên-xô em ạ! Và em biết sao không? Khi biết đó là tàu Liên-xô thi ai nấy đều sợ hãi, quên mất là mình đang ở trong tình trạng nguy hiểm, khốn khó, cần được cứu cấp; vì vậycảnh tượng éo le lúc ấy đã xảy ra: Bọn anh lúc đó đã mệt mỏi quá rồi, thấy chiếc tàu ấy đến thì mừng rỡ vô cùng, ai cũng rú lên, nỗi mệt nhọc tiêu tan mất hết. Ai cũng hi vọng được họ vớt lên tàu, hay ít ra thì cũng tiếp tế cho xăng dầu, nước uống, thức ăn. Nhưng khi vừa trông thấy rõ ràng lá cờ Liên-xô thật lớn trên ống khói tàu, thì tàu anh bỏ chạy liền, và mọi người đều khoát tay tỏ vẻ từ chối giúp đỡ! Trong lúc đó thì chiếc tàu Liên-xô đã đậu hẳn lại rồi. Thủy thủ đoàn của họ cũng đã bắt đầu những động tác chuẩn bị cho việc giúp đỡ. Vậy mà tàu anh đã một mực bỏ chạy! Họ vẫy tay gọi lại, nhưng tàu anh cứ chạy thẳng. Và họ cứ đứng im, ngẩn ngơ nhìn theo bọn anh. Có lẽ họ đang suy nghĩ để tìm hiểu tâm trạng, cái thái độ lạ lùng của bọn anh. Khi tàu anh chạy đã khá xa, chiếc tàu kia cũng bắt đầu di động. Lúc ấy trời đã về chiều, buổi chiều ngày 18.5.

Nắng chỉ có một lúc vào buổi sáng rồi thôi. Sau đó trời cứ âm ui. Dù không có mưa giông, không có gió lớn, nhưng vẫn có sóng lớn. Sóng liên tục làm ướt boong tàu. Cả ngày anh cứ bị ướt nhẹp. Tàu đã cưỡi trên những con sóng cao 5 thước mà đi. Trước mặt anh lúc nào cũng trông thấy sóng cuồn cuộn ập tới. Mỗi lần một con sóng ào tới, nó đội chiếc tàu lên thật cao trên đỉnh đầu nó, rồi nó đẩy chiếc tàu cho tuột xuống lưng nó, xuống tận cái đuôi của nó ở dưới hố sâu. Và cứ thế, chiếc tàu cứ cưỡi qua hết con sóng này đến con sóng khác. Ai ngồi đâu cũng phải bám thật chặt vào cái gì bên cạnh, không thì có thể văng xuống biển. Nhóm người lái tàu thì cứ đuổi “bọn khách” xuống hết dưới hầm tàu. Nhưng họ chỉ đuổi những người “mặt lạ” thôi; còn thân nhân, bồ bịch, bạn bè của họ thì được tự do, muốn nằm, ngồi đâu tùy ý. Bố con anh thì dĩ nhiên là bị đuổi xuống hầm, vì thuộc loại “mặt lạ”, nhưng anh vẫn tỉnh bơ. Khi họ đuổi lắm, anh bảo con tạm xuống dưới, nhưng anh thì không thể nào xuống được. Anh xuống dưới ấy thì chỉ có nước ngất xỉu mà thôi, nên cứ ngồi lì. Họ nạt nộ, chửi khéo, anh cũng làm thinh ngồi yên một chỗ trên boong. Khi họ đến xô đẩy dữ quá thì anh xuống đứng tạm dưới hầm, nhưng đứng chỗ nào cho đầu thòi lên khỏi miệng hầm mới chịu được. Trừ khi bị mẹ mắng chửi từ hồi còn bé tí, chưa bao giờ anh bị ai mắng chửi như lần này. Nhưng anh vẫn nhịn nhục. Cuộc vượt biển gian nan, hiểm nghèo như vậy mà mình còn can đảm vượt qua, thì sá gì những lời nhục mạ ấy, phải không em?

Tình hình thời tiết ấy, tuy có lúc cũng bị gián đoạn, như hồi chiều lúc gặp chiếc tàu Liên-xô, rồi sau đó vào lúc giữa đêm, nhưng rồi tiếp tục kéo dài cho tới ngày hôm sau, ngày 19.5.

Ôi, 19 tháng 5! Ngày sinh nhật (giả) của “bác hồ vĩ đại”! Anh tưởng tượng em và các con ở nhà phải đi “mít tinh mừng kỉ niệm”. Phương Thoại, Quốc Thoại và Bảo Thoại thì đi họp “đội thiếu nhi, đội cháu ngoan bác hồ”; còn em thì đi họp “hội phụ nữ”. Trong khi đó thì anh đang kỉ niệm “ngày sinh nhật bác” bằng hành động vượt biển, bằng thái độ chối bỏ “bác”, bằng cái nhìn vào giông tố hãi hùng, vào sóng cuộn trùng trùng, và bằng lòng chấp nhận cái hoàn cảnh nguy hiểm này; vì so ra nó vẫn không nguy hiểm hãi hùng bằng cái gông mà “bác” cùng cái đảng quái ác của “bác” đang cùm đầu đồng bào mình...

Thôi, hãy dẹp hết nghĩ ngợi, hãy bỏ hết lo âu. Danh hiệuhình ảnh đức Bồ Tát Quán Thế Âm đã giúp anh có lại sự an định trong tâm hồn.

Trời đã ngả về chiều, mây đang tan dần, bầu trời sáng sủa trở lại. Thế rồi bọn anh nhìn thấy trên mặt biển xa tít về hướng tây, một chiếc tàu màu xám đậm. Lúc đầu thì đoán là tàu hải quân Mĩ. Đến khi chiếc tàu ấy đến gần hơn, nhìn thấy nó rõ hơn, thì nó không có vẻ gì là một chiếc tàu lương thiện, mà trông nó ghê ghê, đáng sợ làm sao ấy. Nó lại nhắm hướng mình lướt tới. Tự nhiên ai cũng thấy sợ, chứ không mừng rỡ như những lần gặp tàu biển mấy hôm trước. Rồi ai cũng la lên: “Tàu cướp Thái-lan!” Thế là tàu lại xả hết tốc lực chạy thục mạng một phen nữa, cho tới khi không thấy nó, mới yên tâm.

Mặt trời lại sắp lặn rồi, sóng dữ cũng bớt rồi. Tàu đỡ tròng trành rồi. Mặt biển mỗi lúc mỗi trở nên phẳng lặng hơn, làm cho con tàu lướt đi cũng nhẹ nhàng, êm ái hơn.

Tàu đã chạy thật sâu vào đêm tối, cho tới khoảng 11 giờ thì lại ... chết máy, lần chết máy thứ ba trong cuộc hành trình; chết máy trong đêm tăm tối, giữa vùng trời biển bao la, trên đầu không có trăng, trên mặt đại dương thì ngoài chiếc tàu này ra, không có một dấu hiệu nào khác chứng tỏ có sự có mặt của loài người. Bốn phương đen ngòm. Chắc chắn là tàu lại bị trôi đi, nhưng trôi tới đâu?

Thợ sửa máy lâu rồi cũng thấm mệt. “Thôi bỏ mẹ nó đi, ngủ chút xíu đã, sáng sửa tiếp.” Nghe họ bảo nhau thế, và rồi có lẽ là họ ngủ thật; tuy nhiên, vẫn cắt phiên thức canh tàu. Anh nằm ngửa trên boong nhìn sao trời lấp lánh. Con đang ngủ ngon bên cạnh anh, ngủ ngon lành trong cơn trôi nổi của con tàu. Từ hôm họ mắng chửi anh thậm tệ mà anh vẫn nhịn nhục, không phản ứng, chắc họ cũng nghĩ lại mà “thương tình”, không còn đuổi bố con anh xuống hầm tàu nữa.

Rồi đêm cũng đi qua, sáng ra vẫn thấy mình bồng bềnh trên sóng nước. Từ mấy ngày qua, cho đến sáng nay cũng vậy, chung quanh anh chỉ là một vòng tròn vĩ đại của chân trời. Trong vòng tròn ấy chỉ có nước, không có đến một hòn đảo chứ đừng nói là có bóng cây, bóng người. Trên đầu chỉ có bầu trời, chung quanh là chân trời và nước, dưới chân cũng là nước; và chiếc tàu của bọn anh nổi trôi trên mặt nước như một hạt bụi nổi giữa hồ Xuân-hương.

Buổi sáng hoàn toàn yên tĩnh. Mặt biển lúc đó cũng yên tĩnh hoàn toàn. Thợ máy lại tiếp tục sửa máy. Từng giờ trôi qua. Mặt trời càng lúc càng lên cao, ánh nắng càng lúc càng gắt. Nước uống đã cạn lắm rồi. Mấy hôm nay mỗi người mỗi ngày chỉ có được 3 ngụm nước: Sáng một ngụm, trưa một ngụm, chiều một ngụm, mỗi ngụm được khoảng hai muỗng canh. Ăn thì cũng chẳng có gì. Họ lấy nước biển đổ vào gạo, nấu thành một thứ cơm chẳng ra cơm, cháo chẳng phải cháo. Bố con anh được chung mỗi lần một chén, mỗi ngày hai lần. Trong khi đó thì nhóm người lái tàu và bồ bịch, bạn bè của họ vẫn thừa nước uống, có cả cà-phê, sữa nóng, và các thứ do tàu biển tiếp tế mấy bữa trước. Thậm chí cô bồ của ông “đại diện chủ tàu” còn có nước ngọt để đánh răng rửa mặt ngày hai lần; thỉnh thoảng lại dùng nước ngọt thấm ướt cái khăn lông để lau người!

Trưa hôm ấy anh mệt lả, nằm xụi lơ trên boong tàu. Con vẫn còn tỉnh ngồi bên cạnh, tuy vậy cũng đã hốc hác rồi. Anh cố nài xin được chút nước nào ở đâu đó, thì cho con uống. Hai hộp sữa bò mang theo, gửi cho đám lái tàu mang xuống tàu vào ngày đầu khởi hành, mấy hôm trước hỏi lại thì họ bảo “mất rồi!” Bà Ba thấy anh nằm xụi lơ, liền đổ cho anh hai muỗng cà-phê nước chanh đường. Chỉ có vậy mà anh cảm thấy tỉnh lại, khỏe hơn. Xin ghi ơn bà Ba vô cùng. Mặt trời đứng bóng thì tàu chạy trở lại. Nhờ thế mà có gió. Gió mát làm cho anh càng tỉnh táo hơn...

 

*

Đột nhiên trời lại kéo mây. Mây đen vần vũ. Lại thêm gió nổi trận lôi đình. Chỉ phút chốc thì cơn giông lại đổ ập xuống. Sợ thì cũng sợ, nhưng hãy mừng trước cái đã. Cơn mưa đã cứu tỉnh mọi người. Mặc cho sóng vừa xô đẩy tàu, vừa đổ ụp từng cơn lên tàu, người ta chỉ lo thi nhau hứng lấy nước mưa chứa đầy chai, bình, lon, hũ. Cơn giông chỉ kéo dài chừng một tiếng đồng hồ, rồi dứt bặt. Trời trở lại mát mẻ. Thế rồi...

một con chim biển bay ngang qua trên đầu! Mọi người đều la ó mừng rỡ, vì biết rằng, có chim tức là sắp có đất đâu đây. Một chập sau thì trông thấy có dấu hiệu của ngư dân trên biển, như: những chiếc phao có cắm lá dừa, nối nhau thành hàng nổi trên mặt nước, rồi có lưới đánh cá nữa. “Vậy là sắp tới đất liền rồi.” Ai cũng nói vậy. Cho tới khi mặt trời lặn thì có vòm ánh sáng xuất hiện ở xa tít trước mặt. Mọi người càng reo vui mừng rỡ. Tàu cứ nhắm vùng ánh sáng ấy thẳng tiến. Tối đến trời lại thổi gió, đổ mưa. Người ta lại đuổi xô bố con anh xuống hầm tàu. Nhưng anh cứ nhất định ngồi lì trên boong, để cố nhìn trong đêm tối từng con sóng mà chiếc tàu cưỡi qua, để dõi theo từng khoảng thời gian con tàu lướt tới, để giữ chặt cảm giác mình đang xích lại gần vòm ánh sáng đàng kia... Rồi anh nhìn thấy một ngọn đuốc khổng lồ giữa khoảng trời nước tối đen; chính ngọn đuốc này đã tỏa ra làm thành vòm ánh sáng ấy. “Cái gì vậy?” Anh tự hỏi. Anh nhớ lại, hồi xưa đài truyền hình Sài-gòn có chiếu một đoạn phim giới thiệu về giếng dầu hỏa “Hoa hồng số 9” ở ngoài khơi biển Vũng-tàu mà người ta vừa khám phá ra được. Ở khu vực giàn khoan dầu ấy cũng có một “ngọn đuốc” vĩ đại giống như “ngọn đuốc” này. “Chắc nơi đó là một giàn khoan dầu.” Anh nghĩ thế và nói ý nghĩ này cho những người khác nghe; họ cũng đồng ý như vậy.

Cơn mưa nhẹ hạt dần rồi tạnh hẳn từ lúc nào anh cũng không để ý em ạ. Có lẽ anh vừa chợp mắt được một tí cho nên thấy khỏe khoắn hơn.

“Ngọn đuốc” càng lúc càng hiện ra rõ ràng hơn, to lớn hơn, cao hơn. Và rồi tàu anh đã đến được gần nó; quả vậy, nơi đây là một giàn khoan dầu. Tàu tiến sát vào nơi chân giàn khoan. Giàn khoan cao quá, lớn quá, đèn điện sáng trưng như cả một góc phố. Người qua lại, xuống lên đông nghịt. Bọn anh ra hiệu cầu cứu thì những người trên đó lắc đầu, tỏ ra không có thẩm quyền. Họ chỉ về mấy chiếc tàu đang đậu cách xa đó vài trăm thước, và bảo bọn anh đến đó nói chuyện. Tàu anh lượn một vòng qua phía bên kia giàn khoan thì thấy có ba chiếc tàu đang thả neo ở đó. Bọn anh đến chiếc tàu gần nhất thì những người trên tàu này khoát tay từ chối, chỉ sang chiếc tàu bên cạnh, cách đó khoảng trăm thước. Khi tàu anh cố gắng cặp vào chiếc tàu vừa rồi thì đã bị chạm mạnh, làm cho mũi tàu bể ra. Rồi khi vừa tách ra để đến chiếc tàu thứ hai thì lại... chết máy! Chiếc tàu kia đã rọi đèn pha xuống tàu anh, vừa để tỏ ý chấp thuận tiếp, vừa để dẫn đường cho tàu anh tiến tới; nhưng máy chết rồi, làm sao mà chạy tới! Em biết sao không? Nguy hiểm vô cùng. Tàu lúc ấy không còn một giọt dầu, nhớt cũng đã cạn queo; nếu không tới được giàn khoan này thì đành phải chịu sa vào tình cảnh nổi trôi lênh đênh vô hạn định trên mặt biển!

Cứ loay hoay hoài mà không biết làm sao, bọn anh bèn ra dấu cho họ biết là tàu hư, không thể chạy được nữa. Họ bèn cho nhích tàu họ tới gần, rồi họ ném dây thừng sang tàu anh. Bọn anh cố kéo sợi dây ấy cho tàu mình tiến sát và cặp vào tàu họ. Khi tàu anh đã cặp được rồi, họ ra dấu cho bọn anh lên tàu họ. Chao ôi! Còn nỗi mừng vui nào lớn hơn nữa không em? Anh đã lặng người đi hết một phút đồng hồ...

Họ bỏ thòng xuống theo hông tàu một cái thang dây giống như cái lưới. Trẻ con cho leo lên trước, rồi tới đàn bà, sau cùng là đàn ông. Đủ hết rồi. Ai cũng hốc hác. Con cũng hốc hác. Anh thì cảm thấy hơi bị chóng mặt. Nhưng tất cả đều hả hê, sung sướng trong cảm giác được an toàn –hoàn toàn an toàn; hết rồi những mối đe dọa của đại dương, giông gió, hết rồi những nỗi phập phồng, lo sợ... Lúc ấy là 11 giờ đêm ngày 20.5.1980.

Sau đó anh được biết rằng, đây là một chiếc tàu Panama, thuyền trưởng là người Tây-Đức, với thủy thủ đoàn gồm rất nhiều quốc tịch khác nhau, đang làm việc cho giàn khoan này thuộc hải phận Nam-dương. Họ bảo rằng, trưa mai họ sẽ đưa bọn anh tới trại tị nạn Nam-dương.

Sau khi kiểm điểm nhân số, anh mới biết, tàu anh có lớn nhỏ tất cả là 76 người. Lúc đầu ban tổ chức đã cam đoan với mình là tàu chỉ chở “tối đa” là 45 người thôi em nhỉ? Vậy mà bây giờ con số thực sự là 76! Vậy con số 31 người thặng dư kia do đâu mà có? Người biết chuyện bảo rằng, đó là “số người riêng” của ông “đại diện chủ tàu” mà chủ tàu cũng như ban tổ chức không hề biết. – Vì chủ tàu và cả ban tổ chức đều không ai đi theo tàu kì này. Hèn gì mà ông đại diện chủ tàu cứ phải xách lè kè bên mình cái va li vàng nặng trịch, để cho ông ta và cô bồ của ông được sống với cái phong độ “ông bà hoàng” ngay từ ngày đầu tiên bước chân lên khỏi chiếc tàu chết máy. Hèn gì mà thực phẩm với nước uống đã cạn quá sớm vì phải sử dụng ngoài dự liệu. Hèn gì tàu bị hư hoài vì phải chở một trọng lượng gấp bội so với dự tính. Hèn gì “bọn khách” mới bị nhục mạ thê thảm và bị xua đuổi xuống hầm tàu, xuống phòng máy, để cho số 31 “khách quí” kia được hưởng tiện nghi thoải mái trên tàu... Đã vậy, nhóm người lái tàu còn để dành thực phẩm và nước ngọt cho họ xài riêng với nhau; và đó cũng là một nguyên nhân làm cho “đám khách” sớm bị đói khát trong mấy ngày qua. Hèn gì mà khi vừa bước chân lên một hòn đảo, trong lúc “đám khách” còn đang chờ được Cao-ủy Tị-nạn cấp phát lương thực, thì họ đã ung dung ăn cơm nóng với thịt cá thơm tho... Ôi! Trong một cuộc cùng nhau chạy trốn cs, cùng nhau đánh vật với tử thần để tìm cái sống tự do như vậy, mà người ta vẫn phe đảng, vẫn ích kỉ, vẫn tham nhũng, vẫn ăn cắp, vẫn bóc lột, vẫn chèn ép, vẫn... không có chút xíu tình người với nhau, thì còn nói gì đến chuyện quốc gia, dân tộc! Thật là chua xót phải không em?

 

*

Một giấc ngủ qua đêm thật thoải mái trên tàu Panama. Sáng dậy anh lại có dư thì giờ để ngắm mặt trời mọc. Bố con anh tìm một góc riêng ở boong tàu để tha hồ ngắm đàn cá đủ màu, bơi lội tung tăng dưới làn nước trong xanh. Đêm hôm qua, trong lúc mọi người đang ngủ ngon giấc thì chiếc tàu âm thầm di chuyển đến một địa điểm cách giàn khoan thật xa. Bây giờ, chung quanh bốn bề vẫn là một bể nước mênh mông, không thấy có dấu hiệu của bến bờ. Ngồi trong “cảnh yên bình”, anh lại hướng tâm hồn về nơi chốn cũ, nơi đó có căn nhà nhỏ, có em, có Phương Thoại, Quốc Thoại và Bảo Thoại. Bố con anh ôn lại một vài kỉ niệm ở nơi ấy. Rồi anh cũng thấy mơ hồ như mình đang đứng trên các hải vận hạm 400, 402, 403, 405 và dương vận hạm 501 của Hải-quân VNCH, trong những lần công tác ra Trung, về Miền Tây, rồi lên tận Nam-vang, Xiêm-rệp, vào những năm 68, 69, 70.

Biết là mình đang ở trong hải phận Nam-dương, và thế nào cũng được tới trại tị nạn Nam-dương, sau khi ăn sáng xong, anh đi tìm và được tiếp xúc với viên phó thuyền trưởng của tàu Panama. Anh nói là bố con anh cần tiền để chuẩn bị cho những ngày sắp tới ở trại tị nạn. Anh tháo chiếc nhẫn đeo nơi ngón tay mà em đã đưa cho hôm khởi hành, đưa cho ông ấy để xin đổi lấy tiền Nam-dương. Đó là một người chân thật, tử tế. Ông ấy cầm chiếc nhẫn xem qua, biết ngay là “vàng 24”. Ông liền vào phòng riêng, gọi máy nói (chắc là để hỏi giá cả ở cơ quan nào đó), rồi kêu anh vào, đưa tiền Nam-dương cho anh, với nụ cười phúc hậu. Ông ấy còn tặng cho anh một gói thuốc lá và hộp diêm quẹt nữa. Anh cám ơn rối rít, rồi chào ông ta, đi ra ngoài. Anh hút ngay một điếu thuốc, thật là tuyệt vời, chẳng kém gì miếng táo mấy ngày trước đó.

Rồi anh đi tìm một số bạn đồng hành, kể lại việc đổi tiền, và họ cũng làm như vậy.

 

*

11 giờ trưa rồi. Ai cũng trông cho tàu chạy để được sớm tới đất liền.

Có vẻ như tàu sắp khởi hành. Nhưng không, kìa, một chiếc tàu nhỏ đang tiến tới. Nó cặp vào hông tàu này. Và bọn anh được cho biết là có sự thay đổi vào giờ chót. Thay vì chiếc tàu này đưa mọi người về trại tị nạn thì chiếc tàu nhỏ kia sẽ làm việc đó. Thế là bọn anh lại phải chuyển tàu. Đó là loại tàu liên lạc của công ti khoan dầu Nam-dương, chỉ lớn hơn chiếc phà Thủ-thiêm chút xíu, nhưng tiện nghi tối tân như một chiếc tàu biển. Chiếc tàu gỗ của bọn anh cũng được nó cột chặt để kéo theo. Tàu rời “bến”. Mọi người đều vẫy tay cám ơn và chào từ giã vị thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn của tàu Panama.

Tàu chạy nhanh lắm. Khi đã cách xa đám tàu Panama và vùng giàn khoan thì sợi dây kéo chiếc tàu gỗ bị đứt. Chiếc tàu gỗ bị bỏ lại đàng sau, bị quay mấy vòng mà không bị lật. Anh tưởng nó bỏ luôn, ngờ đâu nó quay lại, và ông thuyền trưởng bảo bọn anh phải tìm cách cột lại chiếc tàu gỗ. Thuyền trưởng là người Nam-dương, trông mặt có vẻ dữ dằn, lạnh lùng, làm bọn anh lại cảm thấy lo ngại. Sau khi chiếc tàu gỗ đã buộc lại được, ông thuyền trưởng lại ra lệnh cho tài công và đám người lái tàu gỗ phải xuống lại chiếc tàu gỗ để lái theo nó; rồi tàu lại chạy tiếp tục.

Tàu chạy đã xa, thật xa, xa không còn trông thấy “ngọn đuốc” của giàn khoan nữa, mà trước mặt vẫn tăm tăm mù mù, vẫn mênh mông trời nước. Cho đến khi ánh nắng bắt đầu dịu bớt, thì dấu hiệu của một hòn đảo đầu tiên mới ló dạng ở mãi đằng xa kia. Đó mới chỉ là hình dáng của một cái thúng xám đen mờ nhạt nổi trên mặt nước, thế mà mọi người đã hò reo inh ỏi. Đó là ngày 21.5, ngày thứ 9 của cuộc hải trình nhiều thử thách.

Hòn đảo hiện ra mỗi lúc mỗi lớn dần, rõ dần; rồi tàu chạy ngang qua nó, mọi người được trông thấy rõ ràng từng tảng đá to, từng lùm cây rậm, từng gốc cây cao, và nhất là bãi cát trắng phau, hấp dẫn ở chân đảo. Rồi qua hết đảo này đến đảo khác, đảo lớn, đảo nhỏ, nhiều vô kể. Khi trời về chiều, họ đưa bọn anh đến một hòn đảo có tên là Matak. Tàu cặp bờ, nhưng họ không cho bọn anh lên bờ. Viên thuyền trưởng lên bờ nói chuyện gì với mấy người trên ấy. Một chiếc trực thăng bay đến rồi lại bay đi. Độ nửa giờ sau thì tàu lại rời bến; lại lướt qua vài mươi hòn đảo, đến xâm xẩm tối thì tàu tiến vào một hòn đảo trông có vẻ thị tứ. Từ xa bọn anh đã trông thấy người trên đảo đứng chật cả cầu tàu, hình như là để đón bọn anh (?) Bọn anh còn tưởng rằng đây là trại tị nạn, và họ là dân tị nạn ra đón bọn tị nạn mình; vì trông họ lam lũ quá em ạ. Khi tàu vào bến thì đám người này bị đuổi vào xóm hết. Tàu cặp xong thì trời tối hẳn. Đèn điện trên đảo đã bật sáng từng khu.

Chính quyền địa phương ra đón đám người tị nạn các anh lên bờ. Cảnh sát lập danh sách. Mọi người phải khai sơ qua về lí lịch. Đồ đạc bị khám xét. Một em bé bị ngất xỉu từ lúc ghé Matak, đến đây được đưa lên nhà thương cấp cứu, và em đã chết trong nhà thương ngay đêm đó. Sáng hôm sau nhà thương cấp cho một chiếc hòm nhỏ và nhang đèn để liệm em. Em được chôn trong một nghĩa địa trên đảo ngay sáng hôm đó. Theo thân nhân em cho biết, em đã bị bệnh suyễn từ lâu, ở nhà chữa không khỏi. Nhân dì em vượt biên, cha mẹ cho em theo để ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng chưa kịp tới đâu, hôm nay em đã chết giữa đường. Một số anh em thanh niên đã giúp thân nhân đưa linh cữu em lên nghĩa địa trên đỉnh núi. Theo người địa phương cho biết, đây là đảo Tampa, một hòn đảo khá lớn trong vùng. Trước kia nơi này cũng có một trại tị nạn, chứa khoảng vài ngàn người Việt, nay đã bị hủy bỏ. Số người lên nghĩa địa sáng hôm ấy về nói lại, thì trên ấy đã có vài nấm mồ ghi tên người Việt.

Trở lại chuyện tối hôm qua, sau khi làm xong một số thủ tục cần thiết, chiếc tàu Nam-dương (đã chở bọn anh đến đây) lại ra đi. Chính quyền địa phương ra lệnh cho bọn anh chia nhau xuống hết ba chiếc ghe của họ. Rồi ba chiếc ghe được chèo đi, mà chẳng biết là đi đâu. Chừng 5 phút sau thì cả ba chiếc ghe đều dừng lại ở một nơi cách xa cầu tàu, xa bờ gần trăm thước. Họ neo ghe và cột chặt vào những cây cọc có sẵn. Rồi chẳng nói năng gì, những người chèo ghe lẳng lặng xuống một chiếc ghe khác, chèo đi vào bờ. Ai cũng tự đoán được rằng, đêm nay mình lại phải ngủ trên chiếc ghe này. Thôi thì lo tìm một nơi để ngả lưng. Chưa biết ngày mai sẽ ra sao...

Không gian đã trở nên yên tĩnh. Thỉnh thoảng mới nghe được tiếng máy tàu, chắc là của các ngư phủ đang vào bờ. Qua ánh đèn điện nơi khu thị tứ trên đảo, người ta thấy vài người cảnh sát Nam-dương đang đứng canh gác ở một vài nơi. Đêm nay có trăng. Mảnh trăng thượng-huyền tuy không sáng lắm, nhưng cũng đủ cho mọi người nhìn thấy cảnh vật lờ mờ ở chung quanh. Những gợn sóng nhấp nhô phản chiếu ánh sáng trăng làm thành từng làn sóng bạc chạy tung tăng trên mặt biển. Nền trời trong vắt. Sao trời chi chít, nhiều đến nỗi anh có cảm tưởng như bao nhiêu sao đều hội tụ cả vào nơi này của dòng sông Ngân. Phải rồi em ạ, anh nhớ ra rồi, Mồng Tám Tháng Tư, ngày đầu Mùa Phật Đản, mùa kỉ niệm ngày đức Thế Tôn giáng trần. Trước 1975, những đêm như đêm nay, chúng mình hoàn toàn bận rộn, lòng thì nô nức, tràn ngập niềm vui. Từ 75 trở đi thì cái không khí ấy đã không còn nữa, mà chỉ toàn là thấp thỏm, nơm nớp lo âu; và hôm nay thì anh đang nằm tại một nơi góc biển chân trời, hoàn toàn không có một dấu gì của loài người đang chuẩn bị đón mừng ngày Phật Đản Sinh. Rồi anh đã thiếp dần trong tưởng niệm giữa vòm trăng sao đó...

 

*

Anh thức dậy trong bình minh mát rượi. Nắng sớm đã bắt đầu trải rộng trên vùng biển trước mặt, nhưng nơi chiếc ghe bố con anh đang nằm vẫn chưa có tia nắng nào lóe đến, vì nơi đây bị án ngữ bởi một đỉnh núi phía Đông. Quang cảnh nơi này bây giờ mới hiện rõ trước mắt anh. Đây đúng là một cái đầm, núi bao bọc ba phía thành hình móng ngựa, khác với đầm Sinh-trung ở Nha-trang (được bao bọc bằng một giải đất chỉ cao hơn mặt nước biển chừng vài ba thước). Từ ghe anh nhìn vào sườn núi cũng không xa mấy. Cây xanh rừng rậm, vượn khỉ leo trèo, chạy nhảy ra cả những tảng đá to nơi bờ biển mà vui đùa.

Nắng lên cao. Có lệnh của chính quyền địa phương, mọi người phải ở yên trên ghe, không được lên bờ. Những ai cần khám bệnh, xin thuốc, những ai có phận sự đi lấy nước uống, hoặc nấu cơm, thì được phép lên bờ, nhưng không được đi sâu vào xóm chợ và khu dân cư. Vậy là ai cũng có “lí do chính đáng” để xin lên bờ; nếu không có phận sự gì thì cũng đi khám bệnh, xin thuốc. Bệnh thì dễ quá mà. Bao nhiêu ngày lênh đênh trên biển cả, dãi nắng dầm mưa, muối biển bám đầy người, nếu không ghẻ chóc thì cũng hâm da, ngứa ngáy; rồi còn nhức đầu, nghẹt mũi, chóng mặt... Cho nên rốt cuộc thì ai cũng được lên bờ. Nhưng lên bờ bằng cách nào đây? Họ bèn cho một chiếc ghe trống, hai đầu đều cột dây. Dây đầu này thì cột vào cái cọc chỗ ghe bọn anh ở ngoài đầm; dây đầu kia thì cột vào cái cọc khác ở trong bờ. Nó trở thành một chiếc “phà kéo”, như chiếc phà kéo ở sông Chợ-gạo trên đường liên tỉnh Mỹ-tho - Gò-công. Một số người đã có sẵn tiền Nam-dương từ hôm ở trên tàu Panama, bây giờ cũng tìm cách len lỏi vào chợ để mua sắm thứ này vật nọ.

Anh cũng dẫn con vào nhà thương để xin thuốc ngứa, chữa chứng hâm da; rồi cũng kiếm chuyện này nọ để được đi quanh đi quất, ngắm nọ ngắm kia, cốt sao cho bớt được cái khoảng thời gian phải gò chân bó cẳng trên ghe. Chắc ăn nhất là cứ bắt chuyện đại với mấy người lính Nam-dương, vì khi tiếp xúc với đám thường dân, mình còn bị mấy người lính này nạt nộ xô đuổi, chứ cứ nói chuyện ngay với họ thì khỏi sợ bị ai đuổi đi đâu hết.

Khoảng hơn 9 giờ là trời đã nắng to lắm rồi. Mấy hôm nay Linh Thoại thèm tắm biển lắm. Những lúc ghe chết máy nằm giữa đại dương, trời nóng như thiêu đốt, người ta nhảy xuống biển tắm ào ào, con cũng háo hức xin tắm, nhưng anh đã nhất định không cho. Bây giờ thì anh cho con tắm thả cửa. Nó mừng lắm, nhảy xuống biển bơi lia bơi lịa. Mặc dù đây là một cái đầm, nhưng nước sâu và trong vắt. Ngay chỗ chiếc ghe bố con anh đang ngồi, cách bờ nơi gần nhất khoảng 30 mét thôi, mà mực nước sâu cũng khoảng 5 mét, tắm thật hả hê. Anh cũng nhảy xuống tắm với con, bơi theo con để phòng hờ con có bị đuối sức. Hồi nhỏ tới giờ con chỉ toàn bơi ở hồ bơi, có bao giờ bơi ở biển đâu. Đây là lần đầu tiên con bơi biển đấy. Bơi chán rồi thì vào bãi cát nằm phơi nắng. Phơi nắng chán thì đi bách bộ trên bãi cát, vào các hốc đá tìm vỏ sò vỏ ốc; cả một trời tuổi trẻ của anh lúc ở Nha-trang, hiện ra rõ ràng trong tâm trí anh. Thời gian đó anh cũng chỉ bằng hay lớn hơn tuổi con bây giờ chút xíu. Nào đâu là các bãi biển Nha-trang, Vạn-giã, Đại-lãnh; nào đâu là các hốc đá Hòn-chồng, Đồng-đế, Cam-ranh; nào đâu là những con đường đất và rừng cây Suối-tiên, Ba-hồ...

Buổi trưa có một người Nam-dương, nhân viên Cao-ủy Tị-nan Liên-hiệp-quốc, lên ghe thăm bọn anh, hỏi han sức khỏe, nói qua loa vài câu chuyện. Ông ta tính tình dễ chịu, vui vẻ, trông thấy là có cảm tình. Ông ta hỏi anh có cần ông ta giúp chuyện gì không; thì như cá được nước, anh mừng quá, liền nhờ ông giúp đánh điện tín về cho em. Ông ta nhận lời ngay, bảo anh thảo nội dung bức điện tín bằng tiếng Pháp. Anh viết gọn vài câu, với tên em và địa chỉ nhà mình, đưa cho ông ta, kèm theo là tờ giấy bạc 100 đồng tiền Nam-dương. Ông ta vào bờ, độ nửa giờ sau trở lại, bảo cho anh biết là ông ta đã chuyển bức điện tín của anh sang Pháp, từ đó họ sẽ gửi về Sài-gòn cho em. Ông ta cũng cho biết số tiền phí tổn đánh điện tín, đưa cho anh tờ hóa đơn và tiền thối lại; rồi chúc bố con anh mọi sự yên lành. Anh biết ơn ông ta, lòng biết ơn không làm sao tả được! Lạy đức Bồ Tát độ trì!...

Lại một ngày nữa sắp trôi qua cho đoạn đời lênh đênh trên sóng nước. Hôm nay (22.5) đã là ngày thứ 10 của đoạn đời đó em ạ! Trăng đêm nay sáng hơn và sống lâu hơn trăng đêm qua. Chiếc ghe này có dựng một cái mui cao khoảng một thước rưỡi, mặt bằng như cái sân thượng, bố con anh leo nằm trên đó, dù ghe tròng trành nghiêng ngả, nhưng giấc ngủ vẫn tới nhanh và thật êm trong nụ cười trăng sao...

 

*

Một đêm nữa qua đi, một ngày mới lại bắt đầu. Ngày mới nhưng có cái gì mới hơn ngày hôm qua chăng! Hay vẫn vậy?

Khoảng 8 giờ sáng thì chiếc tàu Nam-dương hôm trước trở lại, có kéo theo một ghe tị nạn khác với khoảng vài chục người. Chẳng cần biết ai với ai,, thấy nhau là vẫy tay reo hò liền. Đúng là những kẻ sống sót lại được gặp nhau! Từ xa xa, bọn anh thấy ông thuyền trưởng nói chuyện gì với chính quyền địa phương nơi cầu tàu. Độ nửa giờ sau, mọi người được lệnh quảy gói lên lại chiếc tàu đó để đi. Hôm qua, trong dịp tiếp xúc với mấy người lính Nam-dương, anh được họ cho biết là bọn anh sẽ được đưa đến trại tị nạn Galang; ngày đi thì chưa biết được. Có lẽ bây giờ khởi hành đi Galang chăng? Cũng chẳng ai biết gì hơn; chỉ có một việc là họ bảo làm sao thì nghe theo làm vậy. Tất cả mọi người lại quảy gói lên tàu. Họ không quên buộc hai chiếc ghe tị nạn (một cũ một mới) để kéo theo. Rồi tàu chạy. Họ bảo rằng, phải chạy 6 tiếng đồng hồ mới tới! Nhưng cũng như hôm nọ, tàu chạy khỏi đảo một quãng xa thì dừng lại. Họ ra lệnh cho tất cả đàn ông phải xuống hết hai chiếc ghe tị nạn; đàn bà và trẻ con được ở lại trên tàu. Họ hăm dọa, nếu ai không xuống họ sẽ xô xuống biển.. Thôi thì hãy xuống hết đi, cho yên chuyện. Ráng chịu một tí nữa đi. Anh đành để con lại trên tàu, và trèo xuống lại chiếc ghe bể mũi của mình. Chiếc ghe bây giờ đã bị dập bể nhiều nơi. Máy thì đã bị họ lấy mất từ lâu rồi. Chiếc ghe mới tới còn lành lặn hơn, tốt hơn, nhưng không lẽ bỏ ghe mình mà trèo qua ghe người ta, nghe phụ bạc thế nào ấy –mặc dù đã có một số người làm vậy. Khi bọn đàn ông đã xuống hết hai chiếc ghe rồi, tàu lại tiếp tục chạy. Kiểm soát lại thì thấy thiếu mất ông “đại diện chủ tàu” –mà cũng là tài công– của mình! Té ra ông “tài công” đã trốn lại trên tàu với cô bồ. Bây giờ đám thủy thủ với số người “chầu rìa” nịnh hót ông tài công từ lâu nay, mới bắt đầu nói xấu, chửi bới, “lột mặt nạ”... “thằng chả”. Nào là “tài công dỏm, ngu bỏ mẹ, có biết chó gì đâu mà xưng tài công...”; nào là “Đồ đểu, gặp lúc khó khăn thì bỏ anh em...”; nào là “Thằng đó bỏ vợ con ở nhà để dắt con bồ đi theo. Nó sợ nó chết bỏ con bồ không ai nuôi nên trốn anh em ở lại trên đó với con nhỏ cho an toàn...” v.v... Ông này vài câu; ông khác vài câu. Có người còn giận dữ hơn, đòi lên tới đảo sẽ “đâm thằng chả cho biết tay”. Thật chán quá phải không em? Chỉ có một dúm người, lại cùng ở trong hoàn cảnh đau khổ, nguy hiểm với nhau, mà còn đối xử với nhau như vậy, huống nữa là trong một xã hội đông đúc với nhiều giới người cách biệt em nhỉ! Tại sao con người chẳng bao giờ biết thương yêu nhau, cộng sự và giúp đỡ nhau? Vì vậycon người không bao giờ được sống trong hòa bình, an vui, hạnh phúc. Phải chi mọi người đều chân thật làm theo lời Phật dạy! Hèn gì mà Nguyễn Công Trứ đã phải thốt lên:

 

“Ngồi buồn mà trách Ông Xanh

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

 

Chạy được hơn tiếng đồng hồ thì phát giác ra là ghe bị vô nước rất nhiều. Nếu không làm kịp thời thì ghe có cơ bị chìm bất cứ lúc nào. Ngồi ở ghe nhỏ bấy giờ mới thấy chiếc tàu kia chạy nhanh dữ dội. Anh cứ có cảm tưởng như mình đang chơi trò trượt nước trên sông Sài-gòn hay ở biển Nha-trang.

Cái xứ Nam-dương này sao mà nhiều đảo thế! Anh quên mất, chẳng nhớ là giữa Phi-luật-tân và Nam-dương thì nước nào nhiều đảo hơn. Trên hải trình này, tàu đã chạy qua hơn trăm hòn đảo. Đảo nào cũng rừng cây xanh mướt, bãi cát trắng phau. Hôm nay trời thật tốt, không gió không mưa, biển êm chưa từng thấy trong suốt cuộc hải hành vừa qua.

Khi trời đã ngả về chiều thì tàu tiến đến một đảo nào đó, đậu lại ở ngoài xa chứ không vào bờ. Họ lại ra lệnh cho tất cả mọi người đàn ông leo lại lên tàu. Đúng là tàu đã chạy được 6 tiếng đồng hồ. Lúc đó vào khoảng 3 giờ chiều. Chẳng biết sao mà chiếc tàu cứ đậu ở đó hoài, chẳng thấy có hiệu lệnh gì cả. Chừng nửa giờ sau thì có hai chiếc ghe máy khá lớn từ trong bờ chạy ra, liên lạc với tàu. Họ nói chuyện với nhau một hồi lâu, rồi có lệnh cho tất cả đám người tị nạn của ghe bọn anh chia nhau xuống hai chiếc ghe máy đó; còn đám người của chiếc ghe kia thì xuống lại ghe của họ, vì chiếc ghe này vẫn còn tốt, máy móc vẫn còn y nguyên. Một trong hai chiếc ghe máy của Nam-dương lại cột chiếc ghe hư của bọn anh để kéo theo. Rồi cả 3 chiếc ghe đều chạy vào đảo. Đường vào đảo cũng là vào bốn cái đầm lớn như cái đầm ở đảo Tampa. Chiếc ghe của nhóm người tị nạn kia, bây giờ cũng do tài công Nam-dương lái, chứ họ không cho người tị nạn lái nữa. Họ bảo rằng, từ giờ phút này, tất cả ghe thuyền đã thuộc về họ rồi. Khi chạy được nửa đường vào đảo, họ dừng lại, đem chiếc ghe hư của bọn anh cột vào một cây cọc có sẵn ở chỗ ấy; xong rồi, cả 3 chiếc ghe máy đảo một vòng tròn quanh cái đầm ấy, và quày mũi chạy trở ra khơi. Sao kì cục vậy? Chạy trở lại ra tàu sao? Chiếc tàu Nam-dương vẫn còn đậu chỗ cũ. Ba chiếc ghe chạy ngang qua, rồi nhắm khơi chạy thẳng luôn. Bọn anh chỉ biết chào từ giã chiếc tàu Nam-dương, còn thì chẳng biết mô-tê gì cả!...

Nắng bấy giờ đã dịu, mặt biển vẫn êm, gió hiu hiu mát rượi. Ghe chạy giữa những hòn đảo xanh, quang cảnh đẹp tuyệt vời. Có lúc mê vào cảnh đẹp mà quên mất mình đang đi tị nạn. Đến khoảng 5 giờ chiều thì ba chiếc ghe tiến vào một hòn đảo có hình cánh cung. Từ ngoài xa anh đã trông thấy trong bờ mái lá san sát, chứng tỏ đó là một thôn làng dân cư đông đúc. (Khoảng nửa giờ trước đây, bọn anh cũng đã đi qua một khu như vậy ở một hòn đảo khác, nhưng ghe không ghé vào.) Càng tiến sâu vào gần đảo thì nhà cửa càng hiện ra rõ dần. Có cầu tàu, có nhà thủy tạ. Mái nhà kề nhau thành dãy dài chạy dọc theo bờ. Nhưng sao không thấy có bóng người? Kia rồi! Có lác đác vài người đang đứng trong bờ nhìn ra, quần đùi áo lá. Có phải là trại tị nạn đây không? Ghe vào cách cầu tàu khoảng trăm thước thì dừng lại, chờ đợi. Rồi có ghe máy từ trong bờ chạy ra. Người trong bờ, sau khi quan sát và nói chuyện với những tài công, đã cho lệnh các ghe tiến vào cầu tàu. Ghe cặp vào cầu tàu yên ổn. Họ cho lệnh lên bờ. Mọi người lên bờ một cách trật tự, theo hàng một, hết ghe này đến ghe khác; có viên chức chính quyền đứng ngay đầu cầu tàu để đếm nhân số. Viên thiếu-tá Nam-dương, chỉ huy trưởng của đảo, cho biết rằng, đây là đảo Kuku. Ông đã nhân danh chính phủ Nam-dương, chấp nhận bọn các anh là người tị nạn Việt-nam, được tạm cư trên đất Nam-dương trước khi được định cư ở một nước thứ ba khác. Ông chúc mừng bọn anh đã thành công trong việc đào thoát khỏi một nước cộng sản, và đến được bến bờ tự do. Ông ta nói rằng, Nam-dương chính là ngưỡng cửa của tự do và tình người. Sau cùng, ông ta cũng không quên nêu ra một số luật lệ cần thiết mà bọn anh phải tuân hành trong thời gian tạm trú tại đây. Đám người tị nạn cũng cử đại diện nói lên nỗi niềm sung sướng của mọi người đã bình yên đến được bến bờ tự do, và cám ơn chính phủ Nam-dương đã tiếp đón dân tị nạn trong tình người. Rồi mọi người “tan hàng” trong niềm vui vẻ, thoải mái.

Ở đây chỉ thấy toàn lính Nam-dương, không có người nào là thường dân. Họ chỉ cho bọn anh khu nhà ở. Mỗi gia đình ở một căn, tùy ý lựa chọn. Gia đình ít người thì chọn căn nhà nhỏ, đông người thì chọn căn rộng hơn. Đó là việc đầu tiên. Bố con anh chọn một căn nhà nhỏ ngay mặt tiền sát bờ biển. Chọn nhà xong, để con lo dọn dẹp, anh cùng với mọi người lớn đi lãnh lương thực, mùng mền, dầu đèn.

Ở đây quá nhiều muỗi, và muỗi lớn như muỗi rừng U-minh. Nhưng nhờ có gió biển thổi dạt chúng đi, nên cũng đỡ bớt phần nào. Trời đã tối lắm rồi. Bấy giờ anh mới thấy thấm mệt. Ăn xong bữa cơm tối, nghỉ ngơi một tí, rồi lo đi tắm giặt. Mọi việc xong xuôi, bố con lăn đùng ra ngủ liền một giấc, quên hết sự đời...

 

*

 Sáng thức dậy khi mặt trời đã lên cao. Vừa ăn xong bữa điểm tâm thì có lệnh làm vệ sinh khu nhà ở. Bây giờ ban ngày ban mặt mới thấy rõ sự dơ dáy của khu này. Theo viên thiếu-tá nói chiều hôm qua, thì trước kia nơi đây đã từng là một trại tị nạn to lớn, có lúc đã chứa đến 40.000 ngàn người! Bên cạnh trại này là trại Arya, cũng vậy. Từ đầu năm 1980 thì dần dần người tị nạn được đi định cư, số còn lại được chuyển sang trại Galang. Bọn anh chỉ ở tạm nơi đây, rồi cũng sẽ được chuyển sang Galang. Hèn gì mà nhà ở cứ san sát nhau, hết dãy này đến dãy nọ. Nhưng hiện bây giờ thì có vẻ tiêu điều, hoang phế, dơ dáy kinh khủng. Chỉ có dọn dẹp cái căn nhà nhỏ của mình đang ở mà cũng đã mệt đứt hơi rồi. Chiều hôm qua, khi bọn anh đến, thì ở đây đã có sẵn 40 người. Họ mới đến cách đây 2 tuần. Họ cho biết, nơi đây cũng có một ngôi chùa nhỏ do dân tị nạn dựng lập từ vài năm trước, khi đảo này còn đông đảo. Bí đao, bí rợ, rau muống, cà chua, ớt, v.v... do người trước trồng, bây giờ vẫn tiếp tục mọc hoang ở sườn núi, chân đồi. Anh định xế chiều rảnh rỗi sẽ lên núi viếng chùa, lạy tạ ơn Phật, và tụng kinh siêu độ cho các vong linh quá vãng; sau đó sẽ đi kiếm ít rau quả tươi về để bồi bổ bù lại cho những ngày cơ cực vừa qua.

Lúc đang làm vệ sinh “doanh trại” thì anh chợt thấy một chiếc tàu to lớn – lớn hơn cả chiếc tàu Panama bữa trước nữa– từ ngoài khơi tiến vào đảo, neo cách bờ khoảng 3 cây số. Tàu gì vậy? Ai mà biết!

Buổi trưa tròn bóng, vừa ăn cơm trưa xong thì có lệnh chuẩn bị để 3 giờ chiều rời đảo đi Galang! Mặc dù đang mệt ứ hơi, chưa lấy lại sức, mà ai cũng mừng quýnh. Đồ đạc mới bày biện ra tối hôm qua, bây giờ phải thu dọn lại vội vàng. Thế là chẳng kịp đi viếng chùa, chỉ thầm cảm tạ ơn Phật trong tâm niệm.

Hành lí của hai bố con anh lúc này đã có vẻ hơi bộn bề, vì ngoài quần áo có sẵn, bây giờ còn có thêm chăn mền, gạo muối, sữa đường, đồ hộp (vừa mới được cấp phát tối hôm qua). Thu vén vừa xong thì lại có hai chiếc ghe khác chở dân tị nạn mới đến. Họ có khoảng năm sáu chục người, chẳng kịp “nhập trại”, tập trung lại đi luôn. Mới 2 giờ họ đã cho lệnh xuống ghe để ra tàu. Chiếc tàu cao quá. Boong tàu cách mặt nước cũng khoảng trên chục thước! Lên tàu bằng thang dây, khá nguy hiểm cho những người không quen leo thang dây. Còn con nít nữa! Sao họ chuẩn bị kém thế nhỉ? Người ta phải làm thành một “dây người” để chuyền con nít và hành lí. Cuối cùng rồi cuộc “leo tàu” cũng kết thúc trong bình an, tốt đẹp. Vậy là bố con anh ở đảo Kuku không đầy 24 tiếng đồng hồ. Tất cả người mới người cũ đều từ giã đảo Kuku. Đảo trở lại hoang vắng, chỉ còn số lính bản xứ ở lại trông đảo mà thôi.

Đây là chiếc tàu Na-uy. Họ được kí hợp đồng để qua lại trên vùng biển này chuyên chở người tị nạn. Hình như chuyến đi này là chuyến chót của hợp đồng, rồi tàu sẽ trở về Na-uy. Trên tàu có một bác sĩ người Việt-nam làm việc. Công việc của ông ta là khám bệnh, cho thuốc, thông dịch; làm việc theo hợp đồng. Anh chẳng hỏi ông ta hiện định cư  ở nước nào.

5 giờ chiều tàu nhổ neo lên đường. Từ lúc lên tàu, anh thấy con mệt nhiều. Sờ người con thấy nóng hâm hấp. Anh cho con uống thuốc với sữa, và đắp chăn nằm yên. Anh cũng thấy người khó chịu, hơi bị chóng mặt. Khi con đã ngủ, anh lên boong cho dễ chịu hơn. Mà thật vậy, lên boong tàu là thấy sảng khoái liền. Mặc dù thần trí chưa tỉnh táo hoàn toàn, anh vẫn thưởng thức được cảnh đẹp trời chiều. Hoàng hôn trên biển cũng đẹp không kém gì lúc bình minh.

Mặt trời đã lặn. Anh xuống thăm chừng con. Nó đã mát trở lại, và mở mắt mỉm cười, vẻ mặt tươi tỉnh. Nó đòi theo anh lên boong tàu hóng gió, chứ ở dưới này khó chịu lắm. Hai bố con lại lên boong. Đêm 11 ta, trăng sao vẫn đẹp lộng lẫy, trời trong vắt không gợn tí mây. Hai bố con tìm một góc kín gió, nằm dài thoải mái, và ngủ thiếp đi vào lúc nửa đêm...

Tàu vẫn chạy đều đặn như vậy, cho đến khoảng 8 giờ sáng thì đến đảo Pinang. Nói là tới đảo, nhưng thực sự thì tàu đậu ở tít ngoài xa, nhìn vào chỉ thấy lờ mờ khu thị tứ của đảo. Nơi đây có vài chiến hạm Mĩ đậu lẫn lộn với chiến hạm Nam-dương. Điều đó chứng tỏ đảo này là một thủ phủ lớn vào cỡ cấp tỉnh của nước Nam-dương. Một lát sau thì có 3 chiếc tàu đò (gọi là ferry boat) từ trong đảo chạy ra cặp vào hai bên hông của chiếc tàu này. Tất cả mọi người lại được lệnh xuống hết 3 chiếc tàu đò ấy. Và đám người tị nạn lại từ giã chiếc tàu Na-uy để tiếp tục cuộc hành trình đi về đảo Galang.

Trời hôm nay không trong sáng như mấy ngày trước. Mây đen che phủ làm giảm bớt sức nóng của mặt trời xích đạo. Thỉnh thoảng lại có mưa lất phất, đủ làm mát người. Và cuối cùng, bọn người tị nạn các anh đã đến đảo Galang lúc 12 giờ trưa. Đó là ngày 25.5.1980; nhằm ngày Mười-Hai tháng Tư năm Canh-Thân.

 

*

Em yêu thương,

Bố con anh lên đảo sau một cơn mưa ngắn, nhẹ; tuy vậy cũng đủ làm cho trơn trợt cầu tàu và ướt đẫm mặt đất. Nhưng trời thật mát. Cảnh sát Nam-dương ở đây mặc toàn đồ trận, phong cách, nét mặt đều lộ vẻ dữ dằn. Sau thủ tục “nhận người” tại cầu tàu, tất cả đám người tị nạn được chở bằng xe nhà binh đưa vào trại. Đường vào trại ngoằn ngoèo, lượn khúc theo các chân đồi. Từng dãy “barrack” mái tôn vách ván cất san sát nhau suốt hai bên đường. Đồng bào ta đứng từng đám đông ở dọc đường, vừa vẫy tay chào đón, vừa cố nhìn xem có ai là người quen đứng trên xe. Bố con anh được chở vào sâu trong cùng trại, Khu II. Họ đưa bố con anh vào một “barrack”, giao cho “barrack trưởng”, rồi bỏ đi. Sau 13 ngày “chạy”, hôm nay bố con anh chính thức trở thành kẻ vong quốc, tị nạn chính trị, bắt đầu cuộc sống mới ở trại tị nạn của một quốc gia tự do dân chủ, để chờ đợi sự tiếp tục xô đẩy của con sóng đời, sẽ đến định cư ở một quốc gia khác nữa...

Bố con anh đã được ông “barrack trưởng” chỉ định cho một “khu vực cư trú”, đó là một khoảng diện tích độ 6 mét vuông trên một dãy sàn lót ván dài khoảng 20 mét. Rồi anh đi lãnh đồ cấp phát gồm mùng, mền, gạo, đồ hộp, dầu ăn, dầu hôi, v.v... Anh đã ngủ được ba đêm ở trại này. Trong hai đêm đầu, hễ cứ nằm xuống là thấy thân mình chơi vơi như đang nằm trên chiếc ghe gỗ, trôi nổi lênh đênh trên sóng nước đại dương; cũng bồng bềnh, cũng lắc lư, cũng ngật ngừ...

Giờ thì rảnh rang rồi, “ổn định” rồi, anh viết bức thư đầu tiên này cho em và các con, trong cuộc đời tị nạn của anh. Bức thư này anh viết từ hôm kia, nhưng chưa xong, hôm qua, ngày Rằm tháng Tư âm lịch, bố con anh vừa lên chùa dự lễ Phật Đản, về viết tiếp, cũng chưa xong; hôm nay mới xong. Rồi anh sẽ còn viết tiếp nữa về những chuyện của cuộc đời tị nạn ở bên này.

Lạy Phật độ cho em và các con ở bên đó, bố con anh ở bên này, mọi sự đều bình an. Sau khi đã được đi định cư đâu vào đấy rồi, bấy giờ anh mới lo đến chuyện đoàn tụ gia đình được.

 

Trại tị nạn Galang, ngày 29.5.1980
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/04/2013(Xem: 19106)
11/06/2014(Xem: 9725)
12/03/2018(Xem: 14773)
17/04/2018(Xem: 9073)
03/06/2018(Xem: 7719)
23/11/2022(Xem: 54555)
04/02/2016(Xem: 10013)
28/02/2015(Xem: 6328)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.