Cali đang mưa

15/01/20194:03 SA(Xem: 6802)
Cali đang mưa

CALI ĐANG MƯA … 
Huệ Trân

 

(LTG: Tình cờ bắt gặp bài viết cũ khi tin khí tượng loan báo sẽ mưa gió khắp nơi, suốt tuần lễ này. Xin chia sẻ, cùng đọc cho thêm phần …ướt át!)

 

mua cali
Một người đang đi trong mưa tại Los Angeles vào sáng thứ Ba. Có ít nhất tám người bị nước lũ cuốn trôi và được cứu tại sông San Gabriel River trong vùng Los Angeles. Ở Quận Cam, ba người từng gặp nguy hiểm trong một kênh nước ở Huntington Beach gần đường Brookhurst. Hàng ngàn ngôi nhà đã bị cúp điện, và hàng chục tai nạn đã xảy ra trên hệ thống xa lộ chung quanh Los Angeles và Quận Cam. (ảnh: Frederic J. Brown/Getty Images)

          Cali đang mưa …

          Từ lâu, Cali không mưa. Nhưng mấy ngày nay Cali đang mưa.

          Riêng hôm nay, không chỉ mưa mà còn gió. Gió lớn. Và rất lạnh. Tuy mưa gió và lạnh lẽo, tôi vẫn không đóng chặt khung kính ở cái cửa sổ duy nhất trong Độc-Cư-Am, mà vẫn hé ranh giới cho gió lùa vào.

          Không biết tại sao tôi làm thế! Để lấy cớ trùm lên người chiếc áo len mà tôi rất hiếm khi sờ tới? Hay để đãi mình một bình trà nóng, điều mà lâu nay tôi không đủ hứng thú để làm?

          Cuối cùng thì cả hai sự việc đó đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong ngày Cali đang mưa này. Nghĩa là, khoác chiếc áo len xù vào người xong, tôi ra bếp đặt ấm nước.

          Sau đó, như một người vô công rồi nghề, nhàn du nhất thế giới, tôi mang bộ ấm trà bằng đất nung ra, chậm rãi mở vòi nước nóng, xúc, rửa, lau khô, đặt lại vào khay. Bộ ấm trà này tôi vẫn để dành đãi những vị khách mà tâm thường an tịnh rỗng rang:

          “Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày

          Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế

Cùng tựa lan can ngắm núi mây” (*)

Những vị khách đến thăm không mang theo ồn ào thị phi nhân thế,  mới thực sự thưởng thức hương trà.

Tất nhiên, chỉ chủ am biết điều này mà thôi.

Cũng may!

Nhón một nhúm trà ngon, bỏ vào bình, chờ nước sôi, rót vào. Khay trà được tôi trịnh trọng đặt trên bàn viết, ngay trước cửa sổ. Xong, tôi khoanh tròn chân, ngồi trên ghế.

Nhíu mày, ngắm nghía trước sau, tôi bỗng bật cười. Sửa soạn thì như sắp dự thiền trà mà thế ngồi thì như đang … chạy lụt, chẳng phù hợp tí nào! Nhưng không sao, tôi muốn vừa uống trà vừa nhìn trời mưa nên tự cho phép mình ngồi thoải mái như thế.

Rót trà ra cái chung nhỏ xíu, nâng lên bằng cả hai tay, hít thở một hơi dài, lim dim đôi mắt, rồi chậm rãi, rất chậm rãi nhấp một ngụm nhỏ, tận hưởng vị ngọt ngào của hương thơm và hơi ấm.    

Ôi, hạnh phúc ngay trong tầm tay!

Nhưng tôi phải mở choàng mắt vì chợt nghe tiếng chim kêu chíp chíp trên bờ tường, trước khung cửa sổ. Dưới màn mưa đã nhẹ hạt, đôi chim sẻ đang nhẩy tới nhẩy lui, có lẽ cố tìm những hạt cơm còn sót hôm qua.    

Từ khi dọn về đây, tôi đã kết bạn với chim trời bằng cách mỗi sáng rải trên bờ tường một vốc cơm nguội.

Mấy ngày đầu, chim bay ngang, dừng lại, nhưng hình như không con nào nếm thử. Có lẽ quà tặng bất ngờ và mới mẻ quá, khó tin được chăng?

Nhưng tôi kiên nhẫn, cơm hôm trước khô cứng, tôi gạt xuống, hôm sau lại rải cơm mềm dẻo lên. Rồi cũng tới ngày chúng không phụ lòng tôi, đã rủ nhau về ăn ríu rít! Hôm đó, tôi mừng đến lặng người vì tôi biết chắc từ nay tôi đã có bạn.

Nhưng hôm nay trời mưa và lạnh, tôi tưởng chúng phải tìm chỗ núp nên không rải cơm. Tội nghiệp quá!

Tôi bèn buông chung trà, chụp mũ len lên đầu, tới tủ lạnh lấy miếng bánh mì xé nhỏ rồi mở cửa ra ngoài hiên.

Thấy tôi, đôi chim cất cánh bay nhưng tôi vẫn rải bánh mì vụn lên bờ tường vì tôi biết chúng bay chỉ là phản ứng tự nhiên. Thế nào chúng cũng trở lại khi đã biết đến đây tìm thức ăn.

Quả đúng thế. Khi tôi vào phòng, ngồi lại chỗ cũ thì thấy đôi chim cũng đang cắm cúi mổ bánh mì.

Chung trà đầu tiên đã nguội, nhưng uống vào, tôi vẫn thấy ấm vô cùng vì tôi biết ngoài kia, trời tuy lạnh nhưng có đôi chim sẻ đang sung sướng với những vụn bánh mì.

Chỉ ở một không gian nhỏ hẹp, riêng tư, tôi đã tình cờ cho mình niềm hạnh phúc tràn đầy mà thật đơn sơ với bình trà nóng.

Rồi cũng ngay không gian đó, thời gian đó, cơ duyên giúp tôi chứng nghiệm, là chỉ cần một chút quan tâm, thương mọi loài như thương ta là chúng ta có thể dễ dàng ban vui cho nhau. Một chút quan tâm thôi là tình thương sẽ tới, là niềm vui sẽ theo.

Ấy thế mà nhân gian dường như quá keo kiệt tình thương, trong khi lại vô cùng hào sảng những đố kỵ, gian tham, mới đưa đến hận thù, hiềm khích, khiến con người được mô tả là những sinh vật cô đơn nhất trên thế gian này.    

Cũng vì con ngườitrí tuệ hơn nhiều loài mà trí tuệ này đã chiêm nghiệm rõ hơn về sự cô đơn rất vi tế thẳm sâu trong tàng thức. Ngay cả khi con người đang sống giữa gia đình, thân thuộc, mà nếu tâm thức chẳng đồng, thì tri thức sẵn tiềm ẩn cũng khiến ta nhận ra rằng, ta đang là kẻ độc hành trong cõi mênh mông trời đất! Cảm nhận sự cô đơn này càng sâu sắc bao nhiêu thì nỗi ê chề của kẻ nhận ra, càng bi thương bấy nhiêu!          

Con người đến với đời một mình, lìa đời cũng một mình.    

Giữa chặng đến và đi đó chúng ta đã vụng về để vuột khỏi tầm tay biết bao cơ duyên Cho và Nhận, để được có nhau, để dẫu ngày mai, thân đi một mình nhưng tâm không đơn lẻ.

Giữa chặng đến và đi đó chúng ta đã không đủ bao dung để tha thứ lỗi lầm, chuyển cay đắng thành ngọt ngào, trả oán hờn bằng ân nghĩa.

Giữa chặng đến và đi đó, chúng ta đã không đủ bình tâm pha một ấm trà mời nhau khi giông-bão-ta-bà tới, nên sân si mới đủ sức tàn phá tâm linh, hủy diệt bao ân tình tưởng không gì phôi phai nổi!

Cõi nhân gian như thế, nên sau bao cuộc nghiên cứu tỷ mỷ, ngành tâm lý học cận đại vừa đưa ra nhận xét rằng, thiên đường của con ngườibào thai mẹ!

Thật không còn nhận xét nào thảm thương hơn về kiếp nhân sinh!

Nhưng kiếp người có đến nỗi không gì đáng cho ta chui ra khỏi bào thai mẹ hay không?

Nếu cho con chim đói lạnh vài hạt cơm, cũng mang đến người cho bao nhiêu ấm áp, thì người biết cho người tình thương, thiên đường phải  mênh mông lắm, chứ sao lại co cụm trong bào thai mẹ? Các nhà tâm lý học cận đạibi quan quá không?

Cali đang mưa.

Vâng, Cali đang mưa.

Nhưng trong am thất nhỏ bé, tôi vừa pha thêm bình trà nóng.

Mời bạn ghé qua nhé!

Mưa sẽ tạnh thôi.

Nhưng hương trà còn mãi, vì tôi đang mời bạn bằng tất cả tấm lòng.

 Huệ Trân

(Độc-Cư-Am, ngày mưa, tháng cuối năm)

(*) Sư tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà

      

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/03/2015(Xem: 12639)
12/08/2023(Xem: 1352)
12/12/2011(Xem: 32924)
09/10/2020(Xem: 8020)
14/09/2015(Xem: 6073)
31/12/2016(Xem: 9155)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.