MÁU AI CŨNG ĐỎ,
NƯỚC MẮT AI CŨNG MẶN !
Huệ Trân
Khi bom rơi, đạn nổ ập xuống nơi đâu thì sinh mệnh nơi đó đều chịu chung thảm trạng máu đổ, thân phơi, tan xương, nát thịt …! Nạn nhân có thể không đồng loại, nhưng máu đổ ra thì cùng mầu đỏ, nước mắt trào, cùng vị mặn như nhau !
Nước rơi từ mắt, là nước mắt
Đau đến từ thương, là đau thương
Chất bao nhiêu mới gọi là chất ngất?
Đoạn bao nhiêu mới gọi là đoạn trường?
Muôn loài đều muốn được bình an, đều muốn có hạnh phúc nhưng cũng chính muôn loài tạo thống khổ cho nhau. Vì đâu?
Ôi, đời này qua đời khác, kiếp này qua kiếp khác – đặc biệt là con người – với trí tuệ có thể vượt trội hơn nhiều loài khác nhưng khi dùng trí tuệ đó để nhân danh cho những ý thức hệ chủ quan, những tham vọng cay đắng nguỵ tạo vỏ bọc đường, thì hậu quả trầm thống điêu linh không sao kể xiết, không phải chỉ ở thời điểm xảy ra mà máu và nước mắt còn đầm đìa tới đời sau, đời sau nữa …!
Chỉ tạm nhìn lại những con số vô hồn ở thời điểm đệ nhị thế chiến mà nhiều người thời nay còn có thể nhớ. Đó là cuộc chiến tranh đẫm máu trong lịch sử nhân loại với sự tham chiến của hơn 30 quốc gia, khởi sự khi Đức quốc phát động cuộc xăm lăng Ba Lan ngày 1 tháng 9 năm 1939. Lập tức, thế giới chia thành hai phe thuận và nghịch để từ đó cuộc chiến không chỉ còn giữa hai nước Đức và Ba Lan, mà nhanh chóng trở thành thế chiến.
Những con số tử vong về cả hai mặt quân sự và dân sự được ghi lại là hàng nhiều nhiều triệu nhân mạng!
Dù thuận hay nghịch, những phe tham chiến đều đặt ra những mục tiêu có thể mang danh và lợi tới cho họ. Tất nhiên xứ nào cũng tự cho những mục tiêu họ đặt ra là chính đáng, là công bằng nhưng thực tế không ngoài tham vọng muốn thống trị kẻ khác!
Chỉ 2 ngày, sau khi Đức tấn công Ba Lan thì Anh và Pháp đồng lòng tuyên chiến với Đức. Mỗi biến chuyển trên mỗi địa bàn đều trả giá bằng biết bao sinh mạng quân và dân ! Đó là giá phải trả cho mỗi cuộc chiến, mà đại hoạ là thế chiến!
Trên bàn cờ phức tạp này, nhiều kẻ dự chơi đã không trở tay kịp vì những nước cờ bí hiểm khiến nay là bạn, mai đã là thù!
Hiệp ước Molotov – Ribbentrop được ký kết năm 1939 giữa Đức và Liên Xô để hai cường quốc này phân chia và sát nhập các nước láng giềng Châu Âu như Ba Lan, Phần Lan, Romania … nhưng chưa đầy 2 năm sau, Đức đã bất ngờ tấn công Liên Xô, mở ra mặt trận phía đông, là chiến trường trên bộ, lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới!
Châu Âu đã vậy, Châu Á nào yên!
Với tham vọng thống trị Châu Á và Thái Bình Dương, Nhật Bản đã công khai gây chiến với Trung Hoa và còn tự tin, tiến xa hơn là bất ngờ dùng phi đoàn tối tân nhất của mình để tấn công hạm đội Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng! Đó là trận chiến dẫn tới thảm hoạ kinh hoàng cho xứ Phù Tang!
Con cọp bị đánh thức, nên tháng 8 năm 1945 Nhật Bản đã được nhận lại hai quả bom nguyên tử trút xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki ! Tan nát ! Kiệt quệ ! Không thể làm gì hơn là phải tuyên bố đầu hàng !
Chỉ đôi nét hồi tưởng lại suốt 6 năm thế chiến, từ 1939 tới 1945, nhân loại trên khắp hành tinh này thường xuyên sống và chết trong kinh hoàng ác mộng!
Nhân danh kẻ thắng, người thua, có ai được gì không, hay chỉ là tham vọng dẫn đến oán cừu chồng chất, vay trả lẫn nhau !
Những trang sử còn đó. Mọi sự kiện tự hiển bày chân thực. Chỉ cảm quan lòng người tự sơn phết trắng hay đen mà thôi.
Vậy mà lạ thay, dường như hố lầy người đi trước, vẫn tiếp nhận bước chân người đi sau, để vẫn huỷ diệt nhau và cùng nhận lại máu và nước mắt !
Thời Phật tại thế, một lần quốc vương xứ Câu-Tát-La là vua Pasenadi đã tìm đến Đức Phật để xin Ngài chỉ dạy làm thế nào để xây dựng hạnh phúc cho dân chúng và tạo nền hoà bình với các xứ lân bang.
Đây là những điều tưởng như đơn giản vì thường xuyên được nhân gian đề cập tới nhưng trên thực tế thì chẳng mấy ai thực sự quan tâm. Từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, đa phần nhân loại phải sống trong đau khổ vì nội tình thì phân chia giai cấp , các xứ láng giềng thì luôn có mối nghi ngờ, hiềm khích, chỉ chờ cơ hội chiếm đoạt nhau, như hoả diệm sơn âm ỉ, bùng nổ bất cứ lúc nào!
Buổi viếng thăm lần đó, vua Pasenadi được Đức Phật tiếp trên một chiếc chõng tre, trước tịnh thất. Người im lặng nghe nhà vua than thở, kể lể những ưu tư khắc khoải. Và khi Đức Phật lên tiếng thì vua Pasenadi sửng sốt, bàng hoàng.
- Đại vương có thương yêu dân chúng của mình không?
- Thưa Đức Thế Tôn, trẫm thương yêu dân chúng của mình như các hoàng tử, công chúa vậy.
- Khi gửi các người trai trẻ ra trận mạc, đại vương có lo lắng cho tính mạng của họ không?
- Thưa Đức Thế Tôn, khi gửi những người trai trẻ ra trận mạc, trẫm đau khổ, lo lắng như gửi các hoàng tử đi xa vậy.
- Khi chiến tranh giữa hai nước xảy ra, ngoài sự lo lắng cho những người trai trẻ của bổn quốc, quốc vương có thương xót và lo lắng cho những người trai trẻ của nước đối nghịch hay không?
- Thưa Đức Thế Tôn, khi chiến tranh xảy ra, trẫm thực tình thương xót và lo lắng cho tất cả những người trai trẻ đang lâm trận vì họ đều phải trực diện sự hiểm nguy, sự đau đớn.
- Đúng thế. Tôi tin rằng các quốc vương xứ khác cũng cùng tâm trạng như đại vương. Không ai muốn đẩy con cái của mình vào chốn hiểm nguy nhưng chiến tranh luôn xảy ra là bởi sự khác biệt về ý thức hệ mà do bản ngã tự tôn, đã không chấp nhận nhau; do lòng tham, xứ nọ muốn thôn tính xứ kia để giầu mạnh, rộng lớn hơn; Rồi cũng bởi sự nghi kỵ về những âm mưu thôn tính đó nên lại nhân danh sự tự vệ mà ra tay trước …v…v…
Khi suy nghĩ và hành động như thế thì lòng thương yêu dân chúng của quý vị nằm ở đâu? Lòng thương yêu đó đã bị che lấp mất rồi! Nếu những nhà lãnh đạo đều yêu thương dân chúng xứ khác như dân chúng của mình thì chiến tranh đã không có mặt . Đồng thời, bao nhiêu tài nguyên, kinh phí, sinh mạng, thay vì đổ vào chiến tranh sẽ được dùng để vun bồi , phát triển sự lớn mạnh về cả vật chất lẫn tinh thần cho đất nước mình.
Đây không phải là điều quá lý tưởng. Đây là điều có thể thực hiện được, nhưng nó không xảy ra chỉ vì những người nắm vận mệnh quốc gia đã không đồng thời cùng suy nghĩ và tin tưởng như thế.
Lịch sử nhân loại chứng minh một sự thật mà người đời vẫn cố không tin. Đó là, sự giầu có và an lạc của quốc gia này không bao giờ bền vững do được tạo nên bởi sự nghèo khó và chết chóc của quốc gia khác! Nếu mọi vị lãnh đạo đồng dẹp được tham sân và nghi kỵ thì mỗi quốc gia vẫn tự phát triển trong hạnh phúc mà không cần tới bạo động.
Thầy Thích Nhất Hạnh – vị Thiền sư của bao môn sinh khắp thế giới - đã từng ân cần chia sẻ rằng “Liều thuốc cho bạo động và thù hận chính là lòng từ bi. Không có phương thuốc nào khác. Nhưng thật không may, lòng từ bi đã không có bán trong các nhà thuốc. Bạn phải tạo ra mật ngọt của lòng từ bi trong trái tim bạn. Giáo lý của Đức Phật đã tuỳ căn cơ chúng sanh mà chỉ dẫn nhiều phương thức để tạo ra năng lượng từ bi …”
Những ai thực sự quan tâm tới thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc, xin cùng cất bước trên đường “tạo ra mật ngọt của lòng từ bi” để hiến dâng hạnh phúc cho mình và cho người.
Ngọn gió xuân về muộn, có đồng cảm lời Phật chăng mà như vừa chợt thoảng dư âm lời nói của Tổng Thống Abraham Lincoln, vị Tổng Thống thứ 16 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, người đã đem lòng từ bi chấm dứt chế độ nô lệ và lãnh đạo thành công đưa đất nước vượt qua cuộc nội chiến cam go:
“ Khi viên đạn xuyên vào một người lính - dù thuộc bên nào, sắc tộc nào đi nữa – thì thực ra nó đã đồng thời xuyên vào trái tim của một người mẹ”.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát
Huệ Trân
(Tào-Khê tịnh thất – những ngày tịnh tu)