Đỗ Hoa
Thơ: Hoang Phong
Diễn ngâm: Hồng vân
Ta về hỏi gió trên ngàn,
Hỏi mưa dưới phố, hỏi giàn đỗ hoa.
Vườn em hoa lý hoa cà,
Năm nay giàn đỗ ra hoa có nhiều?
Phù vân đỏ ráng mây chiều,
Ta về hỏi gió bao nhiêu tuổi đời,
Mấy lần em ngắm hoa rơi?
Mấy lần trẩy đỗ mà phơi nắng hồng?
Ta về đi giữa hư không,
Hỏi xanh năm cũ, hỏi vàng nương khoai.
Bến xưa bờ nước sông dài,
Hỏi con đò muộn chiều nay có người?
Chờ ai con nước đã vơi,
Kíp đưa ta đến tìm người thôn xa!
Ta về từ nẽo phồn hoa,
Hỏi rằng giàn đỗ ra hoa đúng mùa?
Rằng xưa ta đến thăm nhà,
Gặp em giúp mẹ vườn cà nương khoai.
Sân em thơm nức hoa nhài,
Trên giàn đỗ ván hiên ngoài nở hoa.
Rằng nay ta ghé ngang nhà,
Hỏi ai lối cũ đường xưa có nhầm?
Hoang sơ rối cỏ bước chân,
Hỏi em, em đã theo chồng phương xa,
Mẹ em, nấm đất sau nhà
Biết ai để hỏi phải mùa đỗ hoa?
Ninh Bình, 19.03.02
Có những người trở về quê hương để tìm các món ăn và các thứ phục phụ quen thuộc, riêng ta:
Ta về hỏi gió trên ngàn,
Hỏi mưa dưới phố hỏi giàn đỗ hoa.
Những kẻ tha phương, dù sinh sống ở phương trời nào, dường như đôi khi cũng cảm thấy một chút mất mát nào đó. Những mất mát nho nhỏ đó có thể là một gương mặt, một tà áo, một nụ cười, một khu phố, một mái chùa, hoặc cũng có thể chỉ là một cơn mưa chiều lúc tan trường. Thế nhưng đôi khi sự mất mát nho nhỏ đó cũng có thể sâu xa hơn, chẳng hạn như những kỷ niệm của một thời quá khứ, chân dung của tổ tiên trên bàn thờ ngày Tết, những nấm mồ trong nghĩa trang, hoặc biết đâu cũng có thể là cả quê hương, ít nhất cũng là quê hương của một thời tuổi trẻ.
Nguyễn Bính (1918-1966) là một thi sĩ có biệt tài gợi lên với thật nhiều xúc cảm và thi vị một chút mất mát nho nhỏ đó của quá khứ, một chút linh hồn của dân tộc:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh.
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
(Chân quê, Nguyễn Bính, 1936)
Nguyễn bính sống vắt ngang hai giai đoạn lịch sử, tiền chiến và binh đao. Các trước tác của ông cũng phản ảnh khá rõ nét hai giai đoạn lịch sử đó trên quê hương. Trong thời bình tức là thời tiền chiến, dù là dưới chế đô thực dân, thế nhưng các trước tác của ông mang nhiều rung cảm thật tươi mát. Bước vào thời kỳ chiến tranh, Nguyễn Bính vẫn tiếp tục viết lách, thế nhưng dường như ông đã đánh mất các rung cảm của một thời thanh bình và tuổi trẻ.
Sau ba mươi năm chiến tranh và sau đó là gần nữa thế kỷ hòa bình, thế nhưng dường như nền hòa bình đó chỉ là gượng ép, mường tượng như một sự giả dối. Trong bầu không khí tạm gọi là thanh bình đó, tiếc thay không thấy có một phong trào thi ca, văn học hay nghệ thuật nào tương dương với thời kỳ tiền chiến cả, nếu không thì cũng chỉ là một nền tư tưởng nghèo nán, che đậy bởi các khẩu hiệu rỗng tuếch.
Bài thơ Đỗ hoa trên đây được viết theo "hơi thơ" của Nguyễn Bính bằng cách mượn một vài hình ảnh nơi thôn dã để nói lên một chút mất mát trên quê hương. Người mẹ là quá khứ, là tình thương, là bao dung và độ lượng, nay đã nằm xuống trong yên lặng. Người em gái "chân quê" vì hoàn cảnh đã phải khăn gói theo chồng tại một đế quốc xa lạ hay một quốc gia giàu có. Trong một xã hội nào phải chỉ có một nàng kiều?
Nhằm tránh bớt các bài "lý thuyết", sau bài thơ này sẽ xin mạn phép gửi đến bạn đọc xa gần thêm hai bài thơ khác, cùng viết theo "hơi thơ" của Nguyễn Bính. Một vài vần thơ biết đâu đôi khi cũng có thể mang lại một chút xúc cảm gần gũi hơn với chúng ta chăng?
Bures-Sur-Yvette, 25.04.21
Hoang Phong