THẬT NGHĨA CHỮ "VI" TRONG VÔ VI
Nguyên Toàn
Nguyên Toàn

Sau thực phẩm, ngôn ngữ là nguồn nước của dòng chảy văn hóa trong đó văn là vẻ đẹp (văn vẻ), hóa là sự thay đổi. Văn hóa là nước xuôi chảy trong dòng sông văn hiến để cả hai, văn hiến và văn hóa, hình thành nên nền văn minh. Sự thật về phương diện ngôn ngữ, người Hoa dùng chữ hữu vi và vô vi để phiên tả ý nghĩa của chữ Phạn tương hợp là tuyệt vời vì không có cách nào dịch hay hơn và đúng hơn là dùng hai chữ vô vi và hữu vi đó cho ý niệm biểu đạt pháp vô vi và pháp hữu vi. Nếu người ta dùng ánh sáng để định nghĩa bóng tối thì người viết xin dùng pháp hữu vi để định nghĩa pháp vô vi vì tách riêng, vô vi rất khó biểu tả bằng ngôn ngữ chế định của chúng ta.
Hữu Vi (有為) có gốc Pali là Sankhata, là tất cả các hiện tượng phát sinh và chấm dứt do nguyên nhân và điều kiện, tức là vô thường và chịu đau khổ.
Vô Vi (無為) được dịch từ Pali là Asankhata, nghĩa là vô điều kiện hoặc vượt ra ngoài hình tướng mà Asankhata được dịch ra Anh văn là vô điều kiện, không hành động, hành động không cần nỗ lực, tự phát tự nhiên (unconditioned, non-action, effortless action, natural spontaneity).
Pháp hữu vi (conditioned dharmas) là pháp được thành lập bởi nhân duyên (hay điều kiện). Pháp hữu vi có ba thuộc tính:
1. Sanh, trụ, dị, diệt;
2. Hình tướng;
3. Hữu tác (tạo tác).
Các pháp trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta là pháp hữu vi. Pháp hữu vi được phân làm ba loại là sắc pháp, tâm pháp, và phi sắc phi tâm pháp. Tuy nhiên, cũng có thể phân làm bốn loại là sắc pháp, tâm pháp, tâm sở pháp, và tâm bất tương ưng hành pháp. Pháp hữu vi có ba đặc tính là chư hành vô thường, chư hành vô ngã, và chư hành khổ.
Pháp vô vi (unconditioned dharmas) là pháp vốn tự nhiên như thế, không do nhân duyên sinh ra. Phật giáo Theravada cho rằng chỉ có niết bàn là Pháp vô vi còn các trường phái khác thì cho rằng Pháp vô vi là pháp không tạo ra nhân duyên, không còn nhân, không còn quả. Nói chung thì mọi trường phái đều cho rằng trạng thái vô vi chỉ được thể hiện bằng kinh nghiệm tu tập qua định chứ không thể bằng lý luận.
Trước khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa thì tại Trung Hoa đã có Lão giáo mà trọng tâm của Đạo là khái niệm Vô Vi trong đó chữ Vi có nghĩa là làm, là tạo tác (doing something, making up something). Làm thì phải làm ra cái gì, việc gì, sự việc gì; là làm thành cái này từ cái kia, cái kìa, cái kỉa; tức là có duyên khởi, có nhân và có duyên. Vô Vi là không tác ý — cho dầu như lý tác ý đi nữa — không can thiệp, cứ để mọi sự việc vận hành an nhiên tự tại, không nhúng tay vào.
Một chữ mà chúng ta thường gặp là Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn trong đó sau khi Đức Phật chứng đắc giác ngộ, chánh đẳng giác, Đức Phật đã ở trong tình trạng niết bàn tại thế, tức là tình trạng tâm hoàn toàn tịch tĩnh (nirvana, buddhahood) nhưng thân vẫn còn cảm thọ (dễ chịu hay đau đớn chứ không đau khổ): Đức Phật nhập Hữu dư Niết bàn (nirvana with remainder). Khi Đức Phật xả bỏ kim thân dưới gốc cây Sala Song Thọ thì Đức Phật mới nhập Vô dư Niết bàn (nirvana without remainder); do vậy Vô dư Niết bàn là một pháp vô vi.
Tóm lại, chữ Vi trong Vô Vi của Phật giáo là chữ Vi trong Vô Vi của Lão giáo, tức là chữ Vi có nghĩa là làm, tạo ra, tạo nên. Hể làm thì phải có điều kiện, tức chỉ có cái này từ những cái khác (nhân) và tùy thuộc nhiều duyên, rồi cái này lại là nhân kết hợp với nhiều duyên để cái khác nữa được hình thành; diễn trình luân hồi cứ tiếp nối miên viễn như thế.
- Từ khóa :
- Thật Nghĩa
- ,
- vô vi
- ,
- Vi