- 01. Hãy Thiền Như Một Kẻ Khờ
- 02. Năm Rồng Kể Chuyện Rồng
- 03. Từ Lý Luận Tới Giải Thoát
- 04. Món Quà Ngài Để Lại: Di Sản Giáo Pháp Của Ajaan Dune Atulo
- 05. Hãy Tu Như Đang Xem Ảo Thuật
- 06. Con Đường Giải Thoát: Trong Một Hay Vài Câu
- 07. Xin Nói Rằng Không Biết
- 08. Lắng Nghe Những Dòng Chữ
- 09. Giữ Giới Cẩn Trọng Sẽ Giải Thoát
- 10. Khi Thấy Tâm Bình Đẳng
- 11. Mừng Phật Đản, Nghĩ Về Thiền Tông
- 12. Tại Sao Đức Phật Không Dùng Chữ Để Viết Kinh?
- 13. Đức Phật Dạy Pháp Môn Bất Nhị
- 14. Đọc Kinh Luận, Cần Đối Chiếu
- 15. Chuyện Cô Mèo Lên Cõi Trời
- 16. Thầy Kusho Và Học Trình Phật Giáo Tây Tạng
- 17. Thầy Tuệ Sỹ: Như Voi Giữa Trận Tiền
- 18. Một mai tôi ngưng dòng chữ (thơ)
- 19. Mẹ Dạy Con Ngồi Như Núi (thơ)
- Tiểu sử tác giả
THIỀN TÔNG
CỬA KHÔNG
NGUYÊN GIÁC
NXB ANANDA VIET FOUNDATION 2024
ISBN: 979-8-8692-3095-9
3
TỪ LÝ LUẬN TỚI GIẢI THOÁT
Chúng ta thường nghe dặn dò rằng, hãy tu đi, đừng nói nhiều, đừng lý luận nhiều, đừng dựa vào chữ nghĩa biện biệt sẽ dễ loạn tâm, hãy ngồi xuống hít thở, hãy ngồi xuống quán sát tâm mình, hãy ngồi thiền, hãy đi bộ thiền, và vân vân. Những lời dặn dò đó không sai. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, trong kinh ghi rằng, lý luận biện biệt về Chánh pháp sẽ có thể dẫn tới giải thoát, có thể dẫn tới có thể tới thánh quả Bất Lai (A na hàm), chỉ nhờ thuần nghe lý luận và để tâm mình tập theo lý luận đó. Kinh ghi rằng ngay cả khi nằm giường bệnh, đau đớn toàn thân trong giờ cận tử, không thể tập gì được hết, nhưng khi được nghe lý luận biện biệt về Chánh pháp sẽ sinh về cõi trời Đâu suất thiên để học đạo tiếp.
Bài viết này sẽ khảo sát Kinh MN 140 và Kinh MN 143, để thấy cách nương theo lý luận biện biệt để thấy Chánh pháp, và rồi xa lìa tham sân si. Chỉ bằng lý luận biện biệt thôi, có lẽ, trong giả định là đã có phần nào Giới hay Định. Trong khi pháp truyền thống là từ Giới sẽ tới Định, và từ Định vào Tuệ, nhưng hai Kinh này chủ yếu là dựa vào lý luận biện biệt. Các phân tích của tác giả trong bài này chỉ có tính tham khảo, vì các sai sót tất nhiên sẽ có do hiểu biết bất toàn của người viết.
Kinh MN 140 nằm trong Trung Bộ Kinh, còn tên là Kinh Giới Phân Biệt. Tương đương bên Tạng A Hàm là Kinh MA 162. Mở đầu Kinh, Đức Phật đi du hành một mình. Đây là điều hiếm hoi, nhưng là một chỉ dấu cho thấy, đây là thời kỳ ban đầu hoằng pháp, có lúc đi du hành đơn độc, bất kể là Đức Phật đã nổi tiếng.
Kinh MN 140 ghi rằng lúc đó, Thế Tôn du hành ở xứ Magadha, đi đến Vương xá, đến nhà thợ gốm Bhaggava; sau khi đến nói với thợ gốm Bhaggava, rằng Đức Phật muốn ở tại chỗ này một đêm.
Thợ gốm đáp rằng, "Bạch Thế Tôn không có gì phiền phức cho con. Ở đây đã có một vị xuất gia đến ở từ trước rồi. Nếu vị ấy thỏa thuận, bạch Thế Tôn, hãy ở lại tùy theo sở thích." Có nghĩa là, thợ gốm nhận ra rằng đây là Thế Tôn, không phải một vị sư vô danh. Nhưng thợ gốm muốn hỏi ý vị sư nào đó đã vào trước, có nghĩa là, anh thợ gốm biết rằng tâm của Đức Phật không chấp nhất nếu Đức Phật bị từ chối trú ngụ đêm. Hãy hình dung ra chuyện thế kỷ 21, khi vị Pháp Chủ của Phật Giáo Việt Nam hay Thái Lan đi bộ đơn độc tới nhà một anh thợ gốm, xin ngủ qua đêm, và anh thợ gốm nhận ra đúng là Pháp Chủ tới nhà, nhưng anh thợ gốm trả lời rằng hết chỗ rồi, phải xin phép một vị tới trước.
Người được gọi là xuất gia kia, theo kinh ghi lại là Thiện gia nam tử Pukkusati, "do lòng tin, y cứ Thế Tôn đã xuất gia,” từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy đã đến ở trước tại trú xứ của thợ gốm. Rồi Thế Tôn đi đến Tôn giả Pukkusati; sau khi đến nói với Pukkusati, "Này Tỷ-kheo, nếu không gì phiền phức cho Ông, Ta muốn ở lại trú xứ này một đêm."
Vị tới trước trả lời Thế Tôn: "Rộng rãi, thưa Hiền giả, là trú xứ của thợ gốm. Tôn giả có thể ở, tùy theo sở thích."
Kinh MN 140 ghi rằng: "Rồi Thế Tôn sau khi bước vào trú xứ của thợ gốm, trải thảm cỏ vào một bên, ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú niệm trước mặt. Và Thế Tôn trải qua phần lớn đêm ấy, ngồi như vậy. Tôn giả Pukkusati trải qua phần lớn đêm ấy cũng ngồi như vậy."
Thế rồi Đức Phật mới hỏi Pukkusati về chuyện xuất gia, thì ngài Pukkusati nói rằng vị này chưa từng gặp Đức Phật, nhưng tự ý xuất gia vì nghe Đức Phật Thích Ca "là bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác..." và sẽ y theo pháp của Đức Phật.
Chỗ này làm chúng ta suy nghĩ. Nói theo thời nay, vị Pukkusati này chưa gọi được là Tỳ kheo, cũng chưa gọi được là sa-di, cũng chưa gọi được là cư sĩ. Nhưng vì nghe danh Đức Phật, nên khởi tâm say mê tu theo Đức Phật và đã tự cạo đầu, tự gọi là xuất gia, còn mọi chuyện khác thì tính sau.
Một điểm để suy nghĩ nữa, theo một vài Kinh thì Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Đức Phật và ngài Pukkusati ngồi chung phòng cả đêm, nói chuyện... vậy mà vị này qua hình tướng đối diện đã không nhận ra Đức Phật. Nghĩa là, có thể (chúng ta chỉ suy đoán, có thể là sai) rằng các kinh nói rằng Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp chỉ là do đời sau lấy một khái niệm xưa cổ của dân tộc Ấn Độ để nói rằng Đức Phật có vẻ đẹp như truyền thuyết xứ này (người viết thành tâm sám hối khi nêu nghi vấn này, và cũng không muốn tự mình khảo cứu chuyện hình tướng).
Kinh ghi rằng, rồi Thế Tôn suy nghĩ: “Thiện gia nam tử này xuất gia y cứ nơi Ta. Vậy Ta hãy thuyết pháp cho Thiện gia nam tử ấy.”
Và từ đó, hình thành một bài pháp tuyệt vời. Xin chú ý rằng, ngay trong 2 hay 3 dòng đầu tiên (tùy bản Anh dịch), và bản dịch của Thầy Minh Châu, nói lên giáo lý vô niệm của Thiền Tông, rằng ai sống với vô niệm thì được gọi là “ẩn sĩ tịch tịnh.”
Bản Việt dịch của Thầy Minh Châu viết trong Kinh MN 140: “Này Tỷ-kheo, người này có sáu giới, sáu xúc xứ, mười tám ý hành, bốn thắng xứ, khi được an trú, vọng tưởng không có chuyển động. Khi vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh."
Thử đối chiếu 4 bản Anh dịch về lời dạy này của Đức Phật. Suddhāso Bhikkhu dịch là: "Standing where one is not flooded by the flow of notions, one is called a ‘peaceful sage.’"
Bhikkhu Sujato dịch là: "And when the streams of conceiving do not flow, they are called a sage at peace."
Bhikkhu Bodhi dịch là: "… and when the tides of conceiving no longer sweep over him he is called a sage at peace."
Thanissaro Bhikkhu dịch là: "And when the currents of construing do not flow, he is said to be a sage at peace."
Nghĩa là, qua 4 cách dịch khác nhau, nêu ra cùng một nghĩa của vô niệm, tức là, khi dòng niệm không trôi chảy nữa, vị đó gọi là người bình an, một nghĩa khác của chữ giải thoát. Vô niệm, nơi đây không có nghĩa là “không suy nghĩ” mà chỉ có nghĩa là “không có dòng niệm trôi chảy” nữa. Vậy thì, làm sao vô niệm?
Kinh MN 140 còn có tên là Kinh Giới Phân Biệt, do Đức Phật giải thích những gì là sáu giới, sáu xúc xứ, mười tám ý hành, bốn thắng xứ rồi dùng lý luận biện biệt, tất cả cùng một công thức để dẫn tới nhận biết pháp ấn vô ngã.
Kinh MN 140 viết, qua lời dịch của Thầy Minh Châu: “Thế nào là không buông lung trí tuệ? Có sáu giới này: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Này Tỷ-kheo, thế nào là địa giới? Có nội địa giới và có ngoại địa giới. Và này Tỷ-kheo, thế nào là nội địa giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ. Như vậy, này Tỷ-kheo, được gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Địa giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Sau khi như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới.” (ngưng trích)
Đức Phật biết rằng ngài Pukkusati là “Tỳ kheo tự phong,” chưa thọ giới Tỳ kheo (cũng có thể, lúc này là sơ kỳ, chưa có giới Tỳ kheo), nhưng Đức Phật không bàn về giới luật với vị này, cũng không bàn về tu định, dù là sơ thiền hay các bậc định khác, mà nói thẳng về pháp quán địa giới trong và ngoài (và tuần tự với thủy giới, vân vân), rằng không hề có cái gì gọi là “tôi, của tôi”….
Điểm cũng nên chú ý: Đa số trường hợp khác, Đức Phật dạy nhận ra vô thường trước khi nói về vô ngã. Câu đầu tiên Đức Phật thường đưa ra ngay đầu cuộc nói chuyện là câu hỏi: “Mắt có vô thường không, và vân vân.” Nhưng ở Kinh MN 140, Đức Phật nói ngay về vô ngã. Đặc tính của vô ngã là trừu tượng, khó nhận biết. Trong khi vô thường dễ nhận biết hơn, vì vô thường là cụ thể, nhận biết ngay được ở thân và tâm của hành giả.
Trong khi đó, lời dạy vô ngã “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi” là cốt tủy của Kinh SN 12.70, còn gọi là Kinh Susima Sutta, trong đó 60 vị sư đắc quả A la hán chỉ bằng quán sát thường trực câu nói đó. Nhóm 60 vị này được Đức Phật gọi là “tuệ giải thoát,” vì chưa đắc định, chưa đắc thần thông, nhưng đã đoạn tận lậu hoặc, đã giải thoát.
Trở lại, Kinh MN 140 viết rằng, chỉ nhờ quán như thế, sau khi như thật quán sát các giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với các giới, tâm từ bỏ các giới. Và "Sau khi như thật quán sát hư không giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yếm ly đối với hư không giới, tâm từ bỏ hư không giới. Lại nữa, khi thức còn lại được trong sạch, trong trắng, vị ấy biết được một số sự việc nhờ thức ấy. Vị ấy thức tri được lạc, thức tri được khổ, thức tri được bất khổ bất lạc."
Lúc đó, Kinh MN 140 viết tiếp, khi thọ lạc, hay thọ khổ, hay thọ bất lạc bất khổ khởi lên, hay diệt đi, vị ấy tuệ tri rằng các thọ đó khởi lên, và diệt đi. Tức là, từ vô ngã, nhận ra vô thường. Vì nhận ra vô thường, nên không chấp thủ.
Kinh MN 140 viết: "Ví như, này Tỷ-kheo, như ngọn đèn dầu được cháy đỏ nhờ dầu và tim. Khi dầu và tim diệt tận, và không có vật liệu khác được đem đến, ngọn đèn dầu ấy bị diệt tắt … Cũng vậy, này Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm thọ lấy thân làm tối hậu, vị ấy tuệ tri: “Tôi cảm giác một cảm thọ lấy thân làm tối hậu”. Khi cảm giác một cảm thọ lấy sinh mạng làm tối hậu, vị ấy tuệ tri: “Tôi cảm giác một cảm thọ lấy sinh mạng làm tối hậu”; vị ấy tuệ tri: “Sau khi thân hoại mạng chung, mọi cảm thọ hoan hỷ ở nơi đây trở thành thanh lương”. Do vậy, Tỷ-kheo thành tựu như vậy là thành tựu với tối thắng tuệ thắng xứ này. Vì rằng, này Tỷ-kheo, như vậy là tối thắng Thánh tuệ, nghĩa là trí, biết sự đoạn tận mọi đau khổ."
Tức là giải thoát. Và cái thấy của giải thoát này là, ý nghĩa chân thực của vô niệm là, theo Kinh MN 140:
"Khi được nói đến: “Khi được an trú, vọng tưởng không có chuyển động. Khi vọng tưởng không chuyển động, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh”, do duyên gì được nói đến như vậy?
Này Tỷ-kheo, “Tôi là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi là cái này”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ có sắc”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có sắc”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có tưởng, không không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. Vọng tưởng, này Tỷ-kheo, là bệnh, vọng tưởng là cục bướu, vọng tưởng là mũi tên. Này Tỷ-kheo, khi vượt khỏi mọi vọng tưởng, vị ẩn sĩ được gọi là tịch tịnh. Nhưng này Tỷ-kheo, vị ẩn sĩ tịch tịnh không sanh, không già, không có dao động, không có hy cầu. Vì không có cái gì do đó có thể sanh, này Tỷ-kheo, không sanh làm sao già được? Không già, làm sao chết được? Không chết làm sao dao động được? Không dao động, làm sao hy cầu?"
Nghĩa là, vị đó nhìn thấy vượt qua tất cả các khẳng định, hoàn toàn không phải là các nghĩa: Tôi là, Tôi là cái này, Tôi sẽ là, Tôi sẽ không là, Tôi sẽ có sắc, Tôi sẽ không có sắc, Tôi sẽ có tưởng, Tôi sẽ không có tưởng, “Tôi sẽ không có tưởng, và không không có tưởng” (nghĩa là, Kinh Lăng Già gọi là "ly tứ cú, tuyệt bách phi" - lìa 4 câu, dứt bặt 100 thứ sai lầm).
Điều nên chú ý rằng lý luận này không phải thuần túy trừu tượng, mà là để an tâm, để giải thoát. Vì không phải Đức Phật thì không có tri kiến này. Lúc đó, ngài Pukkusati mới nhận thấy trước mặt ngài là Đức Phật (kinh này không nói chuyện có hay không có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp), mới xin sám hối, và xin “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cho con được thọ cụ túc giới trước mặt Thế Tôn.”
Và theo lời Đức Phật dạy hãy tìm y bát để làm nghi thức xuất gia, Kinh MN 140 ghi lại: "Trong khi Tôn giả Pukkusati đi tìm y bát, một con bò cuồng chạy, đoạt mất mạng sống của Tôn giả."
Bấy giờ một số đông Tỷ-kheo đi đến với Thế Tôn, và hỏi về Pukkusati thì Đức Phật nói, "Này các Tỷ-kheo, Thiện gia nam tử Pukkusati, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh và từ chỗ ấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui đời ấy nữa." Có nghĩa là, hóa sanh là đã đắc quả A na hàm, còn gọi là quả Bất Lai, hay Bất Hoàn. Nghĩa là, tuy chưa là cư sĩ, chưa là sa-di, chưa là Tỳ kheo, nhưng ngài Pukkusati chứng quả Bất Lai ngay sau khi nghe bài pháp. Và khi nghe lý luận biện biệt, chỉ có lý luận biện biệt thôi (chưa thực tập) là đủ để giải thoát.
Chúng ta có thể tin rằng, Đức Phật tiên đoán rằng thọ mệnh của Pukkusati sắp ra đi, nên mới thuyết bài pháp có sức mạnh tận cùng: chỉ dùng lý luận để Pukkusati chứng ngộ vô ngã, rồi chứng ngộ vô thường, rồi vào chỗ dứt bặt tất cả các suy nghĩ tư lường về có với không, về không có với không không, và về vân vân.
Một Kinh cũng có sức mạnh tột cùng tương tự là Kinh MN 143, còn gọi là "Kinh Giáo giới Cấp Cô Độc" -- khi Cư sĩ Cấp Cô Độc trên giường bệnh, nằm hấp hối. Nghĩa là, giây phút này là khẩn cấp, không có chuyện tu hành chậm trễ gì nữa. Kinh kể rằng, ngài Cấp Cô Độc mới nhờ một người tới “cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn” – sau nghi thức này, vị đó mới thỉnh Tôn giả Sāriputta (Xá Lợi Phất) tới nhà ngài Cấp Cô Độc. Ngài Sāriputta mới chọn Tôn giả Ānanda đi theo.
Kinh MN 143 ghi rằng:
“Tôn giả Sāriputta nói với cư sĩ Cấp Cô Độc: —Này Cư sĩ, ta mong rằng Ông có thể kham nhẫn; Ta mong rằng Ông có thể chịu đựng. Ta mong rằng khổ thọ được giảm thiểu, không gia tăng, sự giảm thiểu được rõ rệt, không có gia tăng.
—Thưa Tôn giả Sāriputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Sự khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sāriputta, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sāriputta, những ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu con. Thưa Tôn giả Sāriputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sāriputta, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết chặt; cũng vậy, thưa Tôn giả Sāriputta, con cảm thấy bị đau đầu một cách kinh khủng. Thưa Tôn giả Sāriputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng…” (ngưng trích)
Ngài Cấp Cô Độc đau kinh khủng lắm. Đau toàn thân, không chỉ nơi đầu, theo lời ngài kể nhiều hơn trích đoạn trên. Nếu mà thời nay, khi gặp bệnh nhân đau như thế, các bác sĩ sẽ chích thuốc giảm đau, hay là thuốc ngủ. Tuy nhiên, ngài Xá Lợi Phất nói ngay, chỉ bằng lý luận biện biệt để nhận ra thực tướng, trích:
“—Do vậy, này Cư sĩ hãy học tập như sau: ”Tôi sẽ không chấp thủ con mắt, và tôi sẽ không có thức y cứ vào con mắt”. Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: “Tôi sẽ không chấp thủ tai, và tôi sẽ không có thức y cứ vào tai”. Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy … không chấp thủ mũi … y cứ vào mũi … hãy học tập như vậy. Do vậy … không chấp thủ lưỡi … y cứ vào lưỡi … hãy học tập như vậy. Do vậy … không chấp thủ thân … y cứ vào thân … hãy học tập như vậy. Do vậy … không chấp thủ ý … y cứ vào ý … hãy học tập như vậy.
Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: “Tôi sẽ không chấp thủ hình dạng, và tôi sẽ không có thức y cứ vào hình dạng”. Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy … không chấp thủ tiếng … y cứ vào tiếng … hãy học tập như vậy. Do vậy … không chấp thủ hương … y cứ vào hương … hãy học tập như vậy. Do vậy … không chấp thủ vị … y cứ vào vị … hãy học tập như vậy. Do vậy … không chấp thủ xúc … y cứ vào xúc … hãy học tập như vậy. Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: “Tôi sẽ không chấp thủ pháp, và tôi sẽ không có thức y cứ vào pháp”. Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy." (ngưng trích)
Tương tự, ngài Xá Lợi Phất nói y hệt như vậy cho trọn thân và tâm, trong và ngoài:
“…không chấp thủ vào mắt (tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và không có thức y cứ vào mắt (tai, mũi, lưỡi, thân, ý)…”
“…không chấp thủ vào hình dạng (âm thanh, mùi vị, vị nếm, cảm giác, suy nghĩ tư lường) và không có thức y cứ vào hình dạng (âm thanh, mùi vị, vị nếm, cảm giác, suy nghĩ tư lường) …”
“…không chấp thủ vào nhãn thức (nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, xúc thức, ý thức) và không có thức y cứ vào nhãn thức (nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, xúc thức, ý thức)…”
Tương tự với sắc, thọ, tưởng, hành, thức… với địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới... Nghĩa là, với tất cả những gì trong và ngoài của thân tâm. Nơi đây, ngài Xá Lợi Phất phân tích chi tiết, không để sót, nhưng có một Kinh trong đó Đức Phật nói ngắn gọn hơn, đó là Kinh SN 35.23 (Sabba Sutta) gọi là “Tất cả” – bản tiếng Anh là “The All.”
Trong tiếng Việt dịch là “chấp thủ,” trong bản tiếng Anh của ngài Sujato dịch là “grasp” (nắm giữ), nhiều vị khác dịch là “cling to” (dính mắc vào). Để đối chiếu cách dịch như sau:
-- "... Cư sĩ hãy học tập như sau: ” Tôi sẽ không chấp thủ con mắt, và tôi sẽ không có thức y cứ vào con mắt”..." (bản dịch ngài của Minh Châu)
-- "...you should train like this: ‘I shall not grasp the eye, and there shall be no consciousness of mine dependent on the eye.’..." (Bản dịch của ngài Sujato)
-- "...householder, this is how you are to train: ‘I will not cling to the eye, and my consciousness will not be dependent on the eye.’..." (bản dịch của ngài Suddhāso Bhikkhu)
-- "....householder, you should train yourself in this way: 'I won't cling to the eye; my consciousness will not be dependent on the eye.'.." (bản dịch của ngài Thanissaro)
-- "... householder, [said Sariputta,] you should train thus: I will not cling to the eye; the ear; the nose; the tongue; the body; the mind and my consciousness will not be dependent on the eye; the ear; the nose; the tongue; the body; the mind..." (bản dịch của ngài Andrew Olendzki)
Chỗ này có thể liên hệ tới Kinh Kim Cang, và đặc biệt là câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Không trụ tâm vào bất kỳ nơi nào, tâm Niết bàn sẽ hiển lộ) mà ngài Huệ Năng đã nương vào để giải thoát, và rồi câu này trở thành chìa khóa cốt tủy cho Thiền Tông.
Kinh MN 143 ghi rằng khi nghe thuyết pháp như vậy, cư sĩ Cấp Cô Độc khóc và chảy nước mắt... vì chưa từng được nghe bài pháp như thế. Kinh viết rằng, trích: "Rồi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Ānanda sau khi giảng dạy cho cư sĩ Cấp Cô Độc với bài thuyết giảng, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Rồi cư sĩ Cấp Cô Độc, sau khi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Ānanda ra đi không bao lâu, thân hoại mạng chung, và sau khi thân hoại mạng chung liền sanh lên cõi Tusita (Đâu-suất thiên)."(ngưng trích)
Nghĩa là, giây phút cận tử, nằm giường bệnh với đau đớn toàn thân, chỉ nghe thuyết pháp bằng lý luận biện biệt và nương theo lý luận đó để nhận ra Chánh pháp, ngài Cấp Cô Độc sanh vào cõi trời Đâu suất thiên, nơi Bồ tát Di Lặc đang thuyết pháp.
Như thế, chúng ta thấy Kinh MN 140 và Kinh MN 143 đều dùng lý luận biện biệt để chỉ ra Chánh pháp. Trường hợp cả hai Kinh, thời thuyết pháp có lẽ chỉ dài một hay hai giờ đồng hồ. Trong Kinh MN 140, sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, vị đương cơ đắc quả A na ham, khi bước ra đường đã gặp nạn, chết liền, và hóa sinh vào Niết bàn. Trong Kinh MN 143, vị đương cơ đau đớn, nằm giường bệnh, nghe ngài Xá Lợi Phất lý luận biện biệt Chánh pháp xong, liền sinh vào cõi trời Đâu suất thiên, nơi có cơ duyên học đạo liên tục.
Như thế, lý luận biện biệt cũng là một chìa khóa để giải thoát, theo mô hình hai Kinh này.