TRÊN LƯNG MẸ HIỀN…
Sinh viên nguyễn Chung Tú
LTS: Phật tử Thị Giới - Trần Đức Phi Bằng là một cộng tác viên thân thuộc của Nguyệt san Giác Ngộ. Nhân mùa Vu lan Báo hiếu, nhận được thư mời cộng tác của bộ phận biên tập, không như thường lệ, anh đã gửi đến tòa soạn một lá thư, với lời nhắn: “Lần này, như quý thầy biết, vì lu bu quá, con không viết được bài nào. Tuy nhiên, con có một lá thư của một em sinh viên tật nguyền viết về mẹ, một lá thư thật 100%. Gia đình cũng như bản thân em rất khó khăn, nhưng với tình thương mẹ và ý chí, em đã và đang là một học sinh giỏi của trường. Con gởi lá thư của em để quý thầy xem qua. Nếu có thể đăng thì cho con biết để hỏi ý kiến của em…”.
Xúc động và cảm thấu được tình cảm của một sinh viên “khiếm khuyết về thân thể nhưng lành lặn về tâm hồn”, chúng tôi xin giới thiệu lá thư - những dòng tâm tình mộc mạc này đến với quý độc giả, rất mong nhận được nhiều sự sẻ chia…
NSGN
“Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”.
(Thơ Trần Quốc Minh)
Mẹ!
Chỉ một tiếng thôi, rất đơn sơ và giản dị nhưng đã để lại trong con đầy dư cảm. Từ nhỏ, con đâu biết ý nghĩa của từ mẹ, chỉ u ơ mà gọi “Mẹ ơi!”, chỉ biết khóc lóc, nhõng nhẽo mà đòi mẹ - tiếng gọi vô tri của một đứa con trẻ.
Năm tháng cứ thế trôi qua, con dần lớn lên và... nỗi đau của mẹ lại càng nhiều hơn. Con biết con không bình thường như bao bạn khác, con có đôi chân nhưng nó lại không nghe lời con. Với tất cả những người mẹ, thì khoảnh khắc đẹp nhất là khi con mình bước bước đi đầu tiên, chập chững từng bước, còn con thì... thì lại là những bước đi… không giống ai. Mẹ đã phải đau khổ biết dường nào khi nhận ra điều đó, lo sợ cho con. Lúc đó, mẹ đã phải khóc vì con.
Nhưng rồi, cái gì tới cũng đã tới! Thời gian trôi mà chẳng để lại thứ gì, chỉ cho mẹ một sự thật vô tình và nghiệt ngã. Con vào lớp 1, chân con bắt đầu yếu hơn. Mẹ lại tối tăm mặt mày, vất vả sớm hôm, chạy đôn chạy đáo để tìm phương thuốc cứu chữa cho con, mặc căn bệnh nhức đầu của mẹ khi trái gió trở trời. Sáng con uống thuốc Bắc, chiều uống thuốc Nam. Cứ thế quanh năm, nhà mình phơi đầy những thuốc là thuốc.
Hai năm trôi qua, bệnh con vẫn vậy, không tiến triển mấy, nhưng mẹ không nản lòng. Và rất may cho con, khi con học lớp 3, có một đoàn từ thiện từ nước ngoài vào chữa bệnh. Thế là mẹ con ta liền đi ngay! Khi đó, con thấy mẹ cười, nụ cười mẹ rất đẹp, một nụ cười đầy hy vọng. Nhưng nụ cười hé nở chẳng được bao lâu thì bác sĩ Pháp cho biết: “Cuộc đời sau này của em sẽ ngồi xe lăn”. Phải chăng, đó là lời tiên đoán trước cho số phận của con?
Quả thật như vậy! Khi lên 10 thì đôi chân ấy đã không nghe theo lời con nữa. Bây giờ với con, chuyện thả diều vào những chiều hè đã là quá khứ. Con rất buồn, muốn tìm một nơi nào đó thật kín để khóc thật to. Con đau khổ, nhưng mẹ còn đau hơn con gấp trăm ngàn lần. Đối với bao người mẹ khác, việc nuôi một đứa con là rất khó, nay với mẹ thì lại là một việc khó hơn.
Người đời có câu ca: “… Khó đi mẹ dắt con đi / Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Nhưng với mẹ thì phải hát rằng: ... "Khó đi, mẹ cõng con đi. Con đi trường học, mẹ…".
Hàng ngày, con đến trường trên lưng mẹ. Có đứa bạn thấy vậy còn nói: “Được mẹ cõng sướng quá ta!”. Nhưng chẳng sướng chút nào khi mẹ con mình có lần suýt ngã gục trước bậc thang lên lầu. Có lần, con đã hỏi mẹ: “Sao mẹ không bỏ con đi?” thì chỉ nhận lại được một câu: “Vì con là con của mẹ”.
Năm con lên lớp 6, mẹ cọc cạch đạp xe chở con tới trường, rồi cõng con vào lớp. Và cứ thế, mặc nắng mặc mưa, bước chân thận trọng của mẹ mòn dấu sân trường. Con lớn lên một chút, lưng mẹ oằn thêm một chút. Con lên cấp III, mẹ càng cực khổ, bởi con nặng hơn và mẹ phải cõng con lên lầu I, nếu thi cử thì lên tận lầu II. Ngày hai buổi sáng chiều, con nghe rõ hơi thở dồn dập của mẹ khi cõng con lên xuống cầu thang.
Biết được gánh nặng của mẹ, con ra sức cố gắng học hành. Và rồi tin trúng tuyển đại học đã gửi về gia đình mình. Mẹ vui lắm, nhưng sao nước mắt mẹ lại tuôn? Vui và tự hào, nhưng mẹ vô cùng lo lắng vì phải tìm nhà trọ gần trường và phải theo con, còn bé Thảo ai sẽ chăm lo? Ba phải trực tiệm hớt tóc, nếu không sẽ mất khách (tiệm thuê) và liệu với nghề hớt tóc, ba có nuôi nổi cả nhà hay không?
Những dấu hỏi cứ chồng chéo lên nhau. Mừng con đậu ĐH, vui nhưng nước mắt mẹ đong đầy. Có phải lúc đó mẹ đã muốn buông tay? Nhưng nhìn con lặng lẽ ôm chồng sách thì mẹ lại không cầm lòng được. Thế là mẹ liều đưa con lên làm thủ tục nhập học, cũng chưa biết tiếp theo sẽ như thế nào. Thủ tục làm xong rồi, mẹ theo các sinh viên khác cõng con đến ký túc xá ĐHQG. Một gáo nước lạnh tạt vào hai mẹ con mình khi Ban Quản lý ký túc xá nhất định từ chối không cho vì chỉ có một suất cho con mà không có một suất cho mẹ. Trào nước mắt, mẹ cõng con về thẳng Tiền Giang với quyết tâm... cho con nghỉ học.
Ở nhà hai ngày, suy nghĩ hai ngày, rồi mẹ lại cõng con quay lên, lần này thì lỉnh kỉnh cả giường, chiếu, nồi cơm, rổ rá, quần áo. Mẹ đã quyết định ở lại để làm đôi chân đưa con đến giảng đường bốn năm nữa. Một căn phòng lợp lá giữa cánh đồng trống ở phường Long Thạnh Mỹ, Q.9 do một vị bác sĩ tốt bụng cho ở nhờ, ngày ngày mẹ chở con qua 12km đường đến trường, nhẫn nại cõng con lên phòng học. Và con bắt đầu đời sinh viên trên lưng của mẹ.
Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi con trả công. Mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đi suốt đời này có ai bằng mẹ đâu. Có ai sẵn sàng che chở cho con bất cứ lúc nào. Ôi, mẹ yêu của con! Giá như con đủ can đảm để nói lên ba tiếng: “Con yêu mẹ!” thôi cũng được. Nhưng con đâu dũng cảm. Con mãi yêu mẹ, vui khi có mẹ, buồn khi mẹ gặp điều không may. Mẹ là cả cuộc đời của con nên con chỉ mong mẹ mãi mãi sống để yêu con, chăm sóc con, an ủi con, bảo ban con và để con được quan tâm đến mẹ, yêu thương mẹ trọn đời. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này. Tình cảm ấy đã nuôi dưỡng bao con người trưởng thành, dạy dỗ bao con người khôn lớn. Chính mẹ là người đã mang đến cho con thứ tình cảm ấy. Vì vậy, con luôn yêu thương mẹ, mong được lớn nhanh để phụng dưỡng mẹ. Và con muốn nói với mẹ rằng:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ.
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”.
(Sinh viên ngành Công nghệ Thông tin - Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM)
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS