CAO TĂNG DỊ TRUYỆN
(Truyện Kể Các Vị Cao Tăng Trung Quốc)
Hạnh Huệ biên soạn - Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 2001
77. ƯU BA CÚC ĐA
Duyên khởi Vua A Dục tạo tháp
Quốc vương Tần Đầu Bà La, vua nước Ba Liên Phất Ấp, sanh người con tên A Dục (Vô Ưu), thân hình thô xấu, khó coi. Khi vua láng giềng là Hằng Hưu Thi La làm phản, trong các người con, vua chỉ chọn A Dục đi chinh phạt nhưng cấp binh giáp hư nát và vài chục quân. Tùy tùng lo lắng thì A Dục cười nói:- Nếu ta có mạng làm vua thì tự nhiên sẽ có người đến giúp.
Vừa nói xong, binh giáp dưới đất bỗng vọt lên. A Dục liền đem quân đi đánh giặc. Dân chúng nước kia nghe trên không trung có tiếng truyền:
- Vương từ A Dục sẽ làm vua cõi này, các ngươi chớ dấy nghịch.
Do đó, các nước đều được bình định đến sát bờ biển. Lúc ấy, vua cha ngọa bệnh, quần thần bèn phò A Dục đến, muốn lập làm vua. Vua Tần Đầu Bà La nghe được chẳng vui liền băng hà. A Dục nghĩ thầm:
- Ta xứng đáng làm vua thì chư Thiên tự nhiên sẽ làm lễ quán đảnh cho ta, lấy lụa trắng quấn đầu.
Nghĩ xong có thiết luân bay đến, A Dục làm vua Diêm Phù Đề thống lãnh một thiên hạ. Vua theo phép tắc chôn cha rồi tức vị, A Dật Lâu Đà làm đại thần. Khi ấy quần thần tự đem thẻ đến lập công, sanh tâm cao ngạo. Vua biết ý liền ra lệnh chặt những cây có hoa quả và trồng gai góc. Ra lệnh ba lần mà quần thần không theo, vua liền cầm gươm giết hết. A Dật Lâu Đà khuyên vua: Nên lập người đao phủ. Khi đó có một người hung ác tên Lê Tử, tự khoe khả năng. Vua bèn lập một căn nhà chỉ mở một cửa, trong bày cách thức trị tội giống như địa ngục. Đao phủ tâu vua:
- Nếu ai bước chân vào đây thì không cho ra.
Vua bằng lòng.
Một hôm có con một thương gia, chán khổ thế gian, xuất gia học đạo, rồi đi du hành qua các nước, lần lượt khất thực và bước lầm vào căn nhà ấy. Vị sa môn trông thấy trong nhà có xe lửa, lò than ... sợ hãi, dựng tóc gáy vội vàng quay ra, nhưng bị đao phủ chận lại và đón bắt. Vị Tỳ kheo trong lòng thương tiếc hối hận, mắt đẫm lệ van nài được gia hạn sống thêm một tháng để tu nhưng đao phủ không cho. Nằn nì cho đến còn bảy ngày thì ông ta bằng lòng. Tỳ kheo bèn nổ lực tinh tấn, tọa thiền, ngưng tâm. Đến ngày thứ bảy, thì gặp lúc vua đem cung nữ tống vào giao cho đao phủ. Đao phủ bèn cô ta bỏ vào cối, lấy chày giã, phút chốc thịt nát xương tan. Tỳ kheo trông thấy chán ghét cùng cực biết rằng thân mình chẳng còn bao lâu cũng sẽ như thế; ông dứt hết mọi kiết sử thành bậc A La Hán. Khi ấy, đao phủ bào ngài rằng:
- Kỳ hạn đã hết.
Tỳ kheo đáp:
- Tâm tôi được giải thoát, đã đoạn trừ hết các hữu. Nay thân hình này chẳng còn tiếc nuối.
Đao phủ liền nắm Tỳ kheo quăng vào chảo dầu sắt, sai người đốt lửa. Lửa chẳng nóng. Ông ta liền tự tay đốt lửa phừng phừng lên. Rồi mở nắp chảo, thấy vị Tỳ kheo kia đang ngồi trên hoa sen. Ông ta thấy việc lạ liền báo nhà vua. Vua liền dẫn mọi người đến xem. Tỳ kheo bay lên không trung như cánh nhạn chúa rồi làm đủ phép biến hóa, hướng về nhà vua nói kệ:
Tôi là đệ tử Phật
Được các lậu đã dứt
Sanh tử khủng bố lớn
Nay tôi đã thoát được.
Vua A Dục nghe xong, sanh lòng kính tín đối với Phật, bạch Tỳ kheo rằng:
- Lúc Phật chưa diệt độ, có thọ ký điều gì chăng?
Tỳ kheo đáp:
- Phật thọ ký: "Sau khi ta diệt độ hơn một trăm năm, ở nước Ba Liên Phất Ấp có ba ức nhà. Vua nước ấy tên A Dục, sẽ làm Chuyển Luân Vương cõi Diêm Phù, dùng chánh pháp cai tri, sau lại phân chia xá lợi của ta, lập 84,000 tháp khắp cõi Diêm Phù Đề". Nay vua tạo địa ngục này, giết hại vô lượng. Nên vâng theo lời Phật thọ ký, y pháp tu hành.
Vua A Dục chắp tay làm lễ:
- Tôi mắc tội lớn, cúi mong Phật tử cho tôi sám hối, chớ trách móc sự ngu si của tôi.
Tỳ kheo độ vua A Dục xong theo hư không mà đi. Khi ấy, vua muốn bước ra khỏi căn nhà, đao phủ chặn lại. Vua nói:
- Ngươi muốn giết ta chăng?
- Đúng thế.
Vua bảo:
- Ai vào đây trước?
- Tôi.
Vua nói:
- Nếu vậy, người phải chết trước. Rồi sai tả hữu bắt đao phủ bỏ trong bồn keo, lấy lửa đốt và sai phá địa ngục này, khiến mọi người nhẹ nhõm. Vua đến thành Vương Xá đem xá lợi trong tháp Phật làm 84,000 hòm vàng, bạc, lưu ly, pha lê, lại làm bình báu, sai các quỷ thần tạo 84,000 tháp. Tôn giả Da Xá duỗi tay phóng 84,000 tia sáng, sai quỷ "mau lẹ" đặt khắp thôn xóm, thành ấp ở Diêm Phù Đề cứ mỗi ức nhà đặt một tháp. Ở nước Chấn Đán (Trung Hoa) có 19 tháp.
Xưa, Thế Tôn cùng các tỳ kheo đi theo thôn xóm khất thực, giữa đường gặp hai đứa bé, một tên Xà Da, một tên Tỳ Xà Da đang nghịch cát chơi. Từ xa trông thấy Thế Tôn, đầy đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm. Xà Da nghĩ thầm:
- Ta nên đem bột miến cúng Phật.
Rồi bền lấy tay vốc cát bỏ vào bình bát của Thế Tôn. Tỳ Xà Da cũng chắp tay tùy hỷ. Chú bé phát nguyện:
- Do công đức căn lành bố thí này xin được làm vua một thiên hạ, và ngay đời này được cúng dường chư Phật.
Thế Tôn mỉm cười bảo A Nan:
- Sau khi ta diệt độ một trăm năm. Đứa bé này ở nước Ba Liên Phất Ấp làm Chuyển Luân Vương thống lãnh một thiên hạ, họ Khổng Tước, tên A Dục, dùng chánh pháp trị dân. Rồi lại phân phát xá lợi của ta, tạo 84,000 tháp. A Nan, ông đem cát trong bát này rải chỗ kinh hành của Như Lai. A Nan vâng theo lời Phật dạy.
Vua A DỤC tham lễ ƯU BA CÚC ĐA
Nước Ba Liên Phất Ấp có Thượng tọa tên Da Xá, vua A Dục rất kính lễ, lập tịnh xá Kê Tước, thỉnh Da Xá trụ trì. Đến khi ấy, lại đến Kê Tước bạch Da Xá rằng:
- Có Tỳ kheo nào được Phật thọ ký để làm Phật sự không? Tôi sẽ đến đấy cúng dường, cung kính.
Da Xá đáp:
- Lúc Phật Bát Niết Bàn, du hành đến nước Ma Thâu La, bải ngài A Nan: "Sau khi ta Bát Niết Bàn một trăm năm, sẽ có con trưởng giả tên Ưu Ba Cúc Đa xuất gia học đạo, hiệu là Vô Tướng Phật.
Vua hỏi:
- Vậy đã xuất thế chưa?
Đáp:
- Đã xuất thế rồi, đang ở trong núi Ưu Bàn Trà.
Vua nghe xong liền muốn đến đó mới sai sứ giả báo trước. Ngài Ưu Ba Cúc Đa nghĩ, nếu vua đến thì thị tùng đi theo sẽ sát hại vô số côn trùng. Nên đáp sứ giả:
- Tôi sẽ tự đến chỗ vua.
Ưu Ba Cúc Đa đi đến vương cung, vua rất vui mừng đến trước Tôn giả cúi lạy, quì gối, chắp tay thưa:
- Nay con thống lãnh cõi Diêm Phù Đề, làm Chuyển Luân Vương cũng chẳng vui bằng gặp Tôn giả, như được gặp Phật, sung sướng vô cùng. Đệ tử Như Lai có khả năng như thế.
Vua lại hỏi:
- Tôn giả nhan mạo đoan chánh còn tôi hình dung thô xấu. Vì sao vậy?
Ngài Ưu Ba Cúc Đa nói kệ:
Lúc tôi hành bố thí
Tâm sạch, tài vật tốt
Chẳng như vua bố thí
Đem cát cúng cho Phật.
Vua lại bạch:
- Xin Tôn giả chỉ cho chỗ Phật thuyết pháp, du hành và Phật thọ ký chỗ tháp các đại đệ tử nên lễ bái cúng dường.
Ưu Ba Cúc Đa đáp:
- Lành thay, lành thay!
Và dẫn vua đến các nơi ấy, chỉ từng chỗ một. Vua cúng dường xong, đến tháp A Nan, Tôn giả nói:
- Vị này là thị giả Phật, đa văn bậc nhất, tuyển tập kinh Phật.
Vua bèn truyền đem trăm ức trân bảo cúng dường tháp này và bảo quần thần rằng:
- Thân thể của Như Lai, tánh pháp thanh tịnh, Ngài đều có thể phụng trì, nên cúng dường nhiều hơn. Ngọn đèn chánh pháp thường còn ở đời, tiêu diệt sự ngu si tăm tối này, đều do từ Ngài mà ra, nên ta cúng dường nhiều hơn.
Vua lại đến dưới cây Bồ đề, tay bưng lò hương, hướng bốn phương làm lễ mong các bậc đệ tử hiền thánh của Như Lai ở các phương đều đến tụ hội. Khi ấy có ba vạn A La Hán tề tựu. Vua thấy tại tòa thứ nhất không có người, bèn hỏi lý do. Tôn giả Hải Ý nói:
- Đây là chỗ dành cho ngài Tân Đầu Lô. Vị này đã đích thân gặp Phật. Vua hỏi:
- Nay ở đâu?
Hải Ý nói:
- Hãy đợi chốc lát.
Nói xong ngài Tân Đầu Lô từ hư không hạ xuống. Vua mời đến tòa ngồi và đảnh lễ. Ngài chẳng thèm nhìn. Vua bèn hỏi:
- Con nghe nói Tôn giả thân thấy Phật đến phải chăng?
Ngài Tân Đầu Lô lấy tay vén lông mi lên hỏi:
- Hội chăng?
Vua đáp:
- Chẳng hội.
- Long vương ao A Nậu Đạt từng thỉnh Phật thọ trai, lúc ấy tôi cũng dự trong số đó.
Ưu Ba Cúc Đa nhân một hôm đến nhà một lão Tỳ kheo ni vừa vào cửa liền đụng bể bát. Tỳ kheo ni nói:
- Lục quần Tỳ kheo hạnh rất thô, mấy lần đến nhà tôi, cũng chưa hề như vậy. Tôn giả nối vị Tổ sao hạnh thô thế!
Cúc Đa bèn thối đi.
Có người chấp thân kiến, cầu ngài Ưu Ba Cúc Đa độ cho. Ngài bảo:
- Pháp cầu độ cần phải tin lời ta, không được trái lời ta dạy.
Người ấy đáp:
- Đã đến với Thầy, cố nhiên phải vâng lời.
Ngài bèn hóa ra một cây cao vút bên triền núi hiểm trở, bảo người ấy leo lên cây. Rồi dưới gốc cây, hóa ra một hầm lớn, sâu rộng ngàn khuỷu. Ngài bảo ông ta buông chân, ông ta vâng lời buông hai chân. Ngài khiến buông một tay. Ông ta đáp:
- Nếu buông tay nữa, rớt xuống hầm chết.
Ngài nói:
- Trước đã giao ước thọ giáo, sao lại trái ý ta?
Khi ấy người kia sự yêu mến thân liền tiêu diệt, ông ta buông tay rơi xuống. Chẳng còn thấy cây, thấy hầm, bèn chứng đạo quả.
78. PHỤC ĐÀ NAN ĐỀ
Gặp Nan Sanh (Hiếp Tôn giả). Ngày xuất gia, ánh sáng lành chiếu chỗ ngồi có hai mươi mốt viên xá lợi hiện lên.
79. HIẾP TÔN GIẢ
Phía Bắc Thiên Trúc có Vô Trước xiển dương tông giáo, em là Thiên Thân. Ban đầu người em theo Tiểu thừa, làm luận năm trăm bộ. Vô Trước thấy em căn duyên sắp thuần thục, bèn giả bệnh kêu đến. Khi gần tới, Ngài sai một đệ tử đi rước. Đêm cùng ngủ trong quán trọ, đệ tử tụng kệ:
Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thế Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo.
Thiên Thân nghe, hoát nhiên khai ngộ, hối hận tội đã bài xích Đại thừa khi xưa đều do lưỡi tạo. Liền ngồi dậy lấy dao bén định cắt lưỡi.
Ngài Vô Trước biết được, duỗi cánh tay, nắm lại dỗ ràng:
- Em vì ngộ Đại thừa vì thời tiết đến, xưa dùng lưỡi hủy báng, nay nên dùng lưỡi tán thán. Nếu cắt lưỡi đi, thì còn lợi gì?
Thiên Thân bèn thôi, đội sao mà đi. Đến chỗ ngài Vô Trước, lắng nghe từ chỉ rồi tạo luận Đại thừa năm trăm bộ. Người đời gọi là Luận Sư Ngàn Bộ.
Một hôm Vô Trước nhập Pháp Quang định, ban đêm lên cung trời Đâu Suất thỉnh vấn Bồ tát Di Lặc về nghĩa kinh Kim Cang. Ngài Di Lặc bèn thuyết tám mươi bài tụng, ngài Vô Trước phân mười tám trụ xứ, tạo luận hai quyển. Thiên Thân ước đoán hai mươi bảy nghi, tạo ba quyển luận. Thiên Thân lại giảng Bà Sa Luận cho chúng, đem bài giảng mỗi ngày làm một bài tụng nhiếp hết nghĩa. Lại đi khắp các nước, các luận sư các nơi không thể hiểu nổi. Do đó Ngài lại tự tạo trường hàng để giải thích bài tụng tức Câu Xá Luận.
Một hôm Thiên Thân từ nội cung của đức Di Lặc xuống. Vô Trước hỏi rằng:
- Nhân gian bốn trăm năm, trời kia chỉ có một ngày đêm. Đức Di Lặc ở trong một thời (giờ) thành tựu cho năm trăm ức Thiên tử chứng Vô sanh pháp nhẫn, chưa rõ thuyết pháp gì?
Thiên Thân nói:
- Cũng chỉ thuyết pháp này. Chỉ là Phạm âm thanh nhã khiến người ưa nghe.
80. PHÚ NA DẠ XA
Tông Cảnh Lục nói: "Tây Thiên trong núi Vân Đà Sơn có một La Hán tên Phú Lâu Na, Mã Minh đến gặp thấy ngồi yên trong rừng, chí khí cao vời không sanh lường được, Mã Minh bảo:
- Sa Môn thuyết pháp. Tôi có chỗ sáng tỏ muốn khuất phục ông. Tôi nếu không hơn sẽ chặt đầu tạ lễ.
La Hán làm thinh, mặt không lộ vẻ thua hay thắng; Mã Minh đến gõ mấy cái cũng không trả lời. Mã Minh bèn lùi suy nghĩ:
- Ta thua rồi! Ông ta đã thắng ta. Ông ta lặng thinh không nói, ta không thể khuất phục được. Ta dùng lời nói, tuy như lời có thể khuất phục mà tự ta chưa thể thoát khỏi lời. Thật đáng xấu hổ.
Ngài bèn xin xuất gia.
Thuyết này cùng Truyền Đăng không đồng.
81. MÃ MINH
Dạ Xa bảo chúng: "Đại sĩ này xưa là vua nước Tỳ Xá Lợi, vì nước ấy có một loại người khỏa thân, như ngựa lộ hình. Vua vận thần thông, phân thân làm tằm, những người ấy được áo mặc. Sau Ngài sanh vào Ấn Độ, Mã nhân cảm luyến kêu thương, nên gọi là Mã Minh, sau thuyết pháp dẹp các dị luận".
Có một ngoại đạo đến đòi luận nghĩa, nhóm các quốc vương, đại thần và bốn chúng tụ họp tại luận trường.
Mã Minh nói:
- Nghĩa của ông lấy gì làm tông?
Ngoại đạo đáp:
- Hễ có ngôn thuyết, tôi đều có thể phá.
Mã Minh bèn chỉ quốc vương nói:
- Hiện nay đất nước khang ninh, quốc vương trường thọ. Mời ông phá đi!
Ngoại đạo khuất phục.
82. LONG THỌ
Ngài được phó tháp, trong 90 ngày tụng thông kinh sách ở Diêm Phù Đề, lại nghĩ:
- Kinh Phật cõi đời tuy diệu mà cú nghĩa chưa hết, ta nên phu diễn thêm để khai ngộ người sau.
Ngài liền dùng thần lực đến Long cung mở rương bảy báu lấy kinh điển Phương Đẳng trong 90 ngày thông hiểu rất nhiều. Long Vương nói:
- Ngài xem kinh hết chưa?
Ngài đáp:
- Kinh của ông vô lượng chẳng coi hết được. Chỗ tôi đạt đủ gấp 10 lần ở Diêm Phù.
Long Vương nói:
- Các kinh trên trời Đao Lợi hơn đây gấp trăm ngàn ức lần.
Ngài ở Long Cung tu hành, thâm nhập vô sanh. Rồng đưa Ngài ra khỏi cung, từ đây về sau Ngài hoằng dương Phật pháp rộng lớn, tạo các luận Đại vô úy ... mấy mươi vạn kệ (Trung Quán Luận là một phẩm, Đại Trí Độ Luận).
Kinh nói:
Sau khi Phật Niết Bàn,
Đời vị lai sẽ có
Tỳ kheo Nam Thiên Trúc
Có hiệu là Long Thọ
Hay phá tông Hữu – Vô
Hiển pháp Đại thừa ta
Đắc sơ hoan hỷ địa
Vãng sanh An Dưỡng Quốc.
Ngài vào Long cung xem tạng kinh, thấy kinh Hoa Nghiêm có 3 bản.
Bản thượng có 13 thế giới vi trần số kệ, 1 tứ thiên hạ vi trần số phẩm.
Bản trung có 498,800 bài kệ, 1,200 phẩm.
Bản hạ có 100,000 bài kệ, 48 phẩm.
Bản thượng chỉ có Phật mới biết được.
Bản trung chỉ có Bồ tát trụ địa mới biết được. Ngài bèn ghi chép bản hạ, trở về Ấn Độ. Ấn Độ truyền đến Trung Hoa 80 quyển kinh, 39 phẩm. Phẩm chia ra làm bảy chỗ, chín hội.
Hội 1: Ở Bồ Đề đạo tràng thuyết 6 phẩm, 11 quyển, ngài Phổ Hiền làm hội chủ.
Hội 2: Ở điện phổ Quang Minh thuyết 6 phẩm, 4 quyển, ngài Văn Thù làm hội chủ.
Hội 3: Ở trời Đao Lợi, thuyết 6 phẩm, 3 quyển, Pháp Huệ làm hội chủ.
Hội 4: Ở trời Dạ Ma, thuyết 4 phẩm, 3 quyển, Công Đức làm hội chủ.
Hội 5. Ở trời Đâu Suất, thuyết 3 phẩm, 12 quyển, Kim Cang Tràng làm hội chủ.
Hội 6: Ở trời Tha Hóa, thuyết 1 phẩm, Kim Cang Tạng làm hội chủ.
Hội 7: Lại ở điện Phổ Quang Minh, thuyết 11 phẩm, 13 quyển. Phổ Hiền và Như Lai. Phẩm Phổ Hiền nói về nhân bình đẳng, phẩm Như Lai Xuất Hiện nói về quả bình đẳng.
Hội 8: Ba lần ở Phổ Quang Minh Điện, thuyết 1 phẩm, 7 quyển. Cũng ngài Phổ Hiền làm hội chủ.
Hội 9: Trong rừng Thệ Đa thuyết 1 phẩm, 21 quyển, thì Như Lai cùng Thiện hữu.
Đây là bản hạ, phần trước 3 vạn 6 ngàn kệ. Còn 6 vạn 4 ngàn kệ, 9 phẩm ở Ấn Độ.
83. CA NA ĐỀ BÀ
Đề Bà đắc pháp rồi, danh vang khắp nơi. Nhưng vẫn lo người không tin lời mình. Khi ấy ở Thiên Trúc có thờ tượng Trời Đại Tự Tại, ai cầu gì được nấy.
Đề Bà đến miếu xem, vạn chúng đi theo vào. Quả nhiên tượng trợn mắt như nổi giận. Đề Bà nói:
- Thần thì phải xứng là thần, sao lại nhỏ nhen thế! Chính đáng là phải dùng oai linh để cảm hóa người, dùng trí đức để dạy dỗ vật, chứ sao lại mượn vàng làm thân, pha lê làm mắt để mê hoặc đời. Đó chẳng phải chỗ người trông mong.
Rồi bắc thang vào vai tượng, leo lên đục con ngươi của tượng ra. Người xem sanh nghi nói:
- Trời Đại Tự Tại lại bị một chú Bà Là Môn nhỏ bắt nạt sao?
Đề Bà nói:
- Thần minh cao xa nên lấy việc gần để thử tôi. Tôi được tâm của Ngài nên mới dám làm thế.
Nói xong, bày các thứ cúng dường. Đêm ấy trời Đại Tự tại giáng xuống thọ nhận đồ cúng và nói:
- Ông được tâm tôi, người được hình tôi. Ông đem tâm cúng, người đem vật chất dâng. Người biết mà kính ta là ông. Người sợ mà vu oan ta là mọi người. Nhưng ông tuy cúng rất tốt đẹp, nhưng thiếu cái tôi cần.
Đề Bà nói:
- Thần cần vật gì?
Trời Đại Tự Tại nói:
- Tôi thiếu con mắt trái, cho ta được chăng?
Đề Bà cười, móc mắt mình đưa ra. Càng móc càng sanh hoài không hết. Từ sáng đến chiều, mắt móc mấy vạn. Thần khen:
- Lành thay, Ma nạp! Thật là bố thí cao thượng nhất. Ông muốn cầu gì?
Đề Bà nói:
- Tôi đã sáng tâm, không cần nhờ ở ngoài.
Sau Đề Bà đến thành Ba Liên Phất, nghe các ngoại đạo muốn ngăn chướng Phật pháp, tính kế đã lâu. Đề Bà bèn cầm tràng phan vào trong chúng kia, họ bèn hỏi:
- Sao ông không đi trước?
Đề Bà nói:
- Sao ông không đi sau?
- Ông hình như người bần tiện?
- Ông giống người cao quý.
- Ông hiểu pháp gì?
- Ông trăm thứ chẳng hiểu.
- Tôi muốn được Phật.
- Tôi rõ ràng được Phật.
- Ông đâu đáng được.
- Tôi vốn đã được đạo, còn ông thực chẳng được.
- Ông đã chẳng được, tại sao nói được?
Đề Bà nói:
- Ông có ngã do đó chẳng được. Còn ta không ngã nên ta đáng được.
Họ bèn chịu thua, hỏi Đề Bà:
- Ông tên gì?
- Tôi tên Ca Na Đề Bà.
Người kia trước đã nghe tên Đề Bà, bèn hối lỗi đến tạ tội. Trong chúng còn thay nhau vấn nạn, Đề Bà dùng biện tài vô ngại chiết phục hết.
* Bên Trung Hoa thời này nhằm đời Hán Cao Đế năm Canh Thìn.
Hán Vũ Đế, niên hiệu Nguyên Thú năm thứ hai (121 trước Công Nguyên). Tướng quân Phiêu Kỵ về phương Nam để dẹp Hung Nô, khi qua Cư Duyên bắt vua Hưu Đồ, được một người vàng cao hơn một trượng. Vua cho là đại thần đặt ở cung Cam Tuyền, không tế tự, chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Ở đây đạo Phật lưu thông chậm.
84. LA HẦU LA ĐA
La Đa lấy tay phải nâng bát vàng lên đến Phạm cung lấy cơm thơm về thiết trai đại chúng. Đại chúng chợt đem tâm chán ghét. La Đa nói:
- Chẳng phải lỗi của ta, mà do nghiệp của các ông.
Rồi bảo Nan Đề cùng ăn, chúng lấy làm lạ, La Đa nói:
- Ông chẳng ăn được đều do đây vậy. Nên biết người chia tòa với ta tức là Phật thời quá khứ Ba La Thọ Vương, xót thương loài người mà thị hiện. Bọn ông cũng ở trong kiếp Trang nghiêm, đã chứng Tam quả mà chưa chứng vô lậu.
Chúng nói:
- Thần lực của thầy ta, điều này đáng tin. Còn nói ông ta là Phật quá khứ thì chúng con trộm ngờ.
Nan Đề biết chúng sanh ngã mạn bèn nói:
- Thế Tôn lúc tại thế, thế giới bằng phẳng, chẳng có gò nỗng, sông suối, ngòi lạch, nước rất ngon ngọt, cây cối tươi tốt, đất nước hưng thịnh. Không có tám khổ, hành mười thiện. Từ khi ngài nhập diệt ở song thọ hơn 800 năm, thế giới gò trống, cây cối khô héo. Người không có lòng tin, chánh niệm nhỏ ít, chẳng tin chân như, chỉ thích thần lực.
Nói xong lấy tay phải ấn xuống đất cho đến mé Kim Cương luân, lấy nước cam lồ đựng vào bình lưu ly, đem vào hội. Đại chúng vừa thấy, tức thời khâm mộ, hối lỗi làm lễ.
85. TĂNG GIÀ NAN ĐỀ
Ngài khi phó chúc xong, tay phải vịn cây mà tịch. Đại chúng bàn luận:
- Quần chúng quy tịch dưới gốc cây là điềm che mát cho người sau.
Họ định đem toàn thân lên đất cao, dựng tháp. Nhưng chúng dùng toàn lực cũng không nâng lên được, bèn đem mấy voi tới kéo cũng không động. Bèn thiêu thân ngay tại gốc cây, cay càng thêm tươi tốt.
*
Niên hiệu Hồng Gia năm thứ hai. Quang Lộc đại phu là Lưu Hướng, tuyển truyện thần tiên, nói:
- Từ Hoàng đế trở xuống đến nay. Người đắc tiên đạo được 149 người mà 74 người đã thấy kinh Phật.
Lại nói:
- Xem khắp sách vở, thường thường thấy có kinh Phật.
Niên hiệu, Nguyên Thọ nguyên niên năm Kỷ Mùi (2 trước Công nguyên), Cảnh Hiến đi sứ nước Đại Thị Nguyệt trở về được kinh Phù Đồ, người đời ấy không ai biết.
86. CƯU MA ĐA LA
Cưu Ma Đa La là con Bà La Môn nước Đại Nguyệt Thị, xưa là trời Tự Tại Thiên Dục giới lục thiên, thấy Bồ tát Anh Lạc, chợt khởi lòng tham ái, bị đọa xuống trời Đao Lợi, nghe Kiều Thi Ca thuyết Bát nhã Ba la mật, do được pháp thù thắng nên lại sanh lên Phạm Thiên. Vì căn tánh lanh lợi, khéo thuyết pháp yếu, chư thiên tôn làm Đạo sư. Thời tiết kế tục Tổ vị đến, Ngài giáng sanh nước Nguyệt Thị.
87. BÀ TU BÀN ĐẦU
Xưa Như Lai tu ở Tuyết Sơn có ổ Dã Thước ở trên đảnh. Phật thành đạo rồi, Dã Thước thọ báo làm vua nước Na Đề. Phật thọ ký rằng:
- Ông đến 1,000 năm sau sanh trong nhà Tỳ Xá Khư ở thành La Duyệt, cùng một bào thai với Thánh.
Nay quả không sai.
Sau độ Ma Noa La con thứ hai vua nước Na Đề. Trước, nước Na Đề có voi dữ làm hại, Noa La sanh thì voi ngừng, ba mươi năm không ai biết lý do. Khi Tổ Bàn Đầu thuật lại vua nghe thì có sứ giả đến báo có 10,000 voi lớn đang phá thành, vua lo lắng. Tổ nói đưa Ma Noa La ra thì yên. Vua thử sai Ma Noa La ra. Ma Noa La ra đến cửa thành phía Nam, vỗ bụng hét lớn, thành bị chấn động, bầy voi điên đảo, chạy tán loạn. Lúc ấy dân chúng mới biết nước được an nổn là nhờ Ma Noa La.
88. MA NOA LA 1
Khi được truyền kệ, bầy hạc bay lên vừa kêu vừa đi.
Ma Noa vọt lên hư không làm 18 phép thần biến trở về tòa chỉ xuống đất, phát ra một dòng suối thần. Ngài lại nói kệ:
Tâm địa thanh tịnh tuyền
Năng nhuận ư nhất thiết
Tùng địa ư dõng xuất
Biến mãn thập phương tế.
Hặc Lặc Na vui vẻ kính vâng phụng hành.
Ngài truyền pháp xong, ngay chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch. Chúng hỏa táng và lượm xá lợi xây tháp thờ.
Tháp xá lợi có bốn mặt:
Trước: Vua Thi Tỳ cắt đùi tặng ó để cứu bồ câu.
Sau: Vua Từ Lực chích thân đốt đèn.
Trái: Thái tử Tát Đỏa nhào xuống bờ vực để hổ ăn thịt.
Phải: Vua Nguyệt Quang thí bỏ đầu báu, đều là tiền thân của Phật.
1 Xin xem Tiểu sử Ngài trong cuốn "33 vị Tổ Thiền Tông" của Hòa thượng Thích Thanh Từ, trang 122.
89. BỒ ĐỀ ĐẠT MA
Thuyết pháp Nam Ấn Độ:
Bát Nhã Đa La thị tịch, Bồ Đề Đạt Ma giáo hóa ở bổn quốc. Có hai sư là Phật Đại Tiên và Phật Đại Thắng Đa, vốn cùng Đạt Ma đồng học Thiền quán Tiểu thừa. Sau Phật Đại Tiên cùng Đạt Ma gặp Bát Nhã Đa La, tu theo chánh pháp. Còn Phật Đại Thắng Đa chia đồ chúng làm 6 tông:
1- Hữu tướng tông. 2- Vô tướng tông.
3- Định huệ tông.4- Giới hạnh tông.
5- Vô đắc tông . 6- Tịch tĩnh công.
Rồi triển hóa riêng.
Đạt Ma than:
- Họ có một thầy đã là lọt vào vết chân trâu, huống là phân làm sáu tông. Ta nếu chẳng trừ, họ sẽ bị cột mãi trong tà kiến.
Nói xong, hiện chút thần lực, đến chỗ tông Hữu tướng hỏi:
- Tất cả các pháp, cái nào là thực tướng?
Trong chúng có một tôn trưởng là Tát Bà La đáp:
- Ở trong các tướng, không lẫn các tướng đó gọi là thực tướng.
- Ở trong các tướng mà không lẫn thì làm sao định được?
- Ở trong các tướng thật không có định; nếu nhất định các tướng sao gọi là thực?
- Các tướng chẳng định gọi là thực tướng, nay ngươi chẳng định, sẽ được thực tướng chăng?
- Tôi nói chẳng định chẳng phải nói các tướng. Nên nói các tướng, nghĩa của nó cũng thế.
- Ngươi nói bất định là thực tướng, thì định mà bất định vậy là chẳng phải thực tướng.
- Định đã bất định thì không phải thực tướng, nhưng cái biết tôi chẳng phải, cái đó bất định bất biến.
- Nay ông bất biến, thì cái gì là thực tướng? Đã biến thì qua rồi, nghĩa này cũng vậy.
- Bất biến sẽ còn, còn mà không chỗ nơi nên biến là thực tướng để định cái nghĩa này.
- Thực tướng bất biến, biến thì chẳng phải thực. Ở trong có, không, sao gọi là thực tướng?
Tát Bà La thầm biết thánh sư huyền giải, thầm đạt ý chỉ. Bèn lấy tay chỉ hư không nói:
- Đây là hữu tướng của thế gian, cũng có thể thành không. Nên thân này của con, có được như thế không?
- Nếu hiểu thực tướng, tức thấy không phải tướng. Nếu rõ không phải tướng thì sắc này cũng vậy. Nên ở trong sắc mà không mất sắc thể. Ở trong phi tướng mà chẳng ngại có. Nếu hiểu như thế, thì đây gọi là thực tướng.
Chúng kia nghe xong, tâm ý rỗng rang, đảnh lễ tín phục.
*
Bồ Đề Đạt Ma lại đến tông Vô tướng hỏi:
- Ngươi nói vô tướng, làm sao chứng được?
Trong chúng có Ba La Đề đáp:
- Tôi gọi vô tướng là tâm không hiện.
- Tâm ngươi không hiện, làm sao rõ được?
- Tôi rõ vô tướng, tâm không thủ xả. Ngay lúc rõ cũng không có người đang (rõ).
- Ở các tâm có không, không có thủ xả, lại không có người đang (rõ). Thì các sự rõ biết là không.
- Nhập Phật tam muội còn không sở đắc, huống là vô tướng mà muốn biết nó.
- Tướng đã chẳng biết thì ai nói có không? Còn không sở đắc, sao gọi là tam muội?
- Tôi nói không tướng là chứng mà không chỗ chứng, chẳng phải tam muội nên tôi nói tam muội.
- Chẳng phải tam muội, làm sao có tên gọi? Ông đã chẳng chứng; không phải chứng thì chứng cái gì?
Ba La Đề nghe xong, ngộ được bổn tâm, lễ tạ và sám hối những sai lầm cũ.
Đạt Ma thọ ký:
- Ông sẽ đắc quả, không bao lâu sẽ tự chứng. Nước này có ma, chẳng bao lâu ông sẽ hàng phục chúng. Nói xong Ngài biến mất.
Đến tông Định huệ hỏi:
- Ông học định huệ, là một hay hai?
Trong chúng có Bà Lan Đà đáp:
- Định huệ của tôi, không một không hai?
- Đã không một, hai sao lại gọi là định huệ?
- Tại định mà không phải định. Ở huệ mà không phải huệ, một mà không một, hai cũng chẳng hai.
- Đáng một mà chẳng một, đáng hai mà chẳng phải hai, đã chẳng phải định huệ, thì theo định huệ nào?
- Chẳng một, chẳng hai, mà định huệ hay biết; chẳng phải định, chẳng phải huệ cũng lại như thế.
- Huệ chẳng phải định thì làm sao biết? Chẳng một, chẳng hai thì ai định, ai huệ?
Ba Lan Đà nghe rồi, tâm nghi tan biến.
*
Ngài đến tông Giới hạnh hỏi:
- Cái gì gọi là giới? Thế nào gọi là hạnh? Giới hạnh này là một hay là hai?
Trong chúng có một hiền giả thưa:
- Mộ, hai hay hai, một đều do kia sanh. Y theo giáo không nhiễm. Đậy gọi là giới hạnh.
- Ông nói y giáo tức có nhiễm, một hay hai đều phá, sao nói y giáo? Hai cái này trái ngược. Hành chẳng đến được, trong ngoài chẳng rõ, sao gọi là giới?
- Ta có trong ngoài, điều đó đã biết rõ, đã được thông đạt, thì đó là giới hạnh. Nếu nói trái ngược; đều phải hoặc đều trái. Còn nói đến thanh tịnh thì tức là giới, tức là hạnh.
- Đều phải, đều trái sao nói là thanh tịnh?
Đã được thông thì sao lại nói trong ngoài?
Hiền giả nghe xong, hổ thẹn chịu phục.
*
Ngài đến tông Vô đắc hỏi:
- Ông nói vô đắc là không đắc cái đắc nào?
Đã không chỗ đắc thì cũng là đắc cái vô đắc.
Trong chúng có Bảo Tĩnh đáp:
- Tôi nói vô đắc, chẳng phải đắc cái vô đắc. Nên nói đắc đắc, vô đắc tức là đắc.
- Đắc đã không đắc, đắc cũng chẳng phải đắc. Đã nói đắc đắc, thì đắc đắc cái nào?
- Thấy đắc chẳng phải đắc, chẳng phải đắc là đắc. Nếu thấy không có đắc gọi là đắc đắc.
- Đắc đã chẳng phải đắc, thì đắc đắc chẳng có đắc. Đã không có chỗ đắc, thì lấy cái đắc nào để đắc?
Bảo Tĩnh nghe rồi, chóng trừ lưới nghi.
*
Ngài đến tông Tịch Tĩnh hỏi:
- Sao gọi là tịnh tĩnh? Ở trong pháp này?
Cái gì tịch? Cái gì tĩnh?
Có một tôn giả đáp:
- Tâm này bất động gọi đó là tịch, ở pháp không nhiễm gọi là tĩnh.
- Bổn tâm nếu không tịch, cần mượn tịch tĩnh; xưa nay đã tịch đâu cần tịch tĩnh?
- Các pháp vốn không, vì không nên không, ở cái không kia không nên gọi là tịch tĩnh.
- Không không đã không, các pháp cũng vậy. Tịch tĩnh không tướng, cái gì tĩnh? Cái gì tịch?
Người ấy nghe chỉ dạy, hoát nhiên khai ngộ. Rồi từ đó năm chúng đều quy y Ngài.
33 Bài tán Hình Tượng TỔ SƯ của ngài HÁM SƠN
Tổ thứ 1
TÔN GIẢ MA HA CA DIẾP
(Maha-Kasypa)
Thân hình sắc vàng
Kim chi sắc hình
Kim cang là tâm
Kim cang vị tâm
Vâng gìn huệ mạng
Phụng trì tuệ mạng
Thường chuyển pháp luân
Thường chuyển pháp luân
Thế Tôn nâng hoa
Thế Tôn niêm hoa
Khẽ mỉm miệng cười
Phá nhan nhất tiếu
Đến nay khiến ngưòi
Chí kim linh nhân
Nghĩ suy chẳng đến.
Tư nghì bất đáo.
Tổ thứ 2
TÔN GIẢ A NAN
(Ananda)
Nghe nhiều như biển
Đa văn như hải
Uống dòng rượu pháp
Ẩm súc pháp lưu
Chư Phật còn mất
Chư Phật xuất một
Chẳng rời đầu lưỡi
Bất ly thiệt đầu
Pháp êm dịu hóa
Cổ hoàng pháp hóa
Tiết phách thành lệnh
Tiết phách thành lệnh
Thế nên thầy ta
Thị cố ngã sư
Là chánh trong thiên
Vi thiên trung chính.
Tổ thứ 3
TÔN GIẢ THƯƠNG NA HÒA TU
(Sanakavasa)
Căn linh Bát Nhã
Bát Nhã linh căn
Kiếp trước đã chứng
Túc sanh dĩ chứng
Nên Sư sắp sanh
Cố sư tương xuất
Cỏ lành ứng trước
Thụy thảo tiên ứng
Dùng tâm ấn tâm
Dĩ tâm ấn tâm
Như lửa vào lửa
Như hỏa đầu hỏa
Đường hẹp gặp nhau
Hiệp lộ tương phùng
Không có chỗ trốn
Định một xứ đóa.
Tổ thứ 4
TÔN GIẢ ƯU BA CÚC ĐA
(Upagupta)
Một người tâm không
Nhất nhân tâm không
Cung ma chấn động
Ma cung chấn động
Cầm mũi kim cương
Ác kim cương phong
Ai dám đùa giỡn
Thùy cảm khinh lộng
Nếu chịu quay đầu
Nhược khẳng hồi quang
Tâm cuồng chóng hết
Cuồng tâm đốn hiết
Lễ bái quy y
Lễ bái quy y
Các tội tiêu diệt
Chư tội tiêu diệt.
Tổ thứ 5
TÔN GIẢ ĐỀ ĐA CA
(Dhrtaka)
Đã ngộ bổn tâm
Dĩ ngộ bổn tâm
Như trời soi đêm
Như nhật chiếu dạ
Mộng sanh tử này
Thị sanh tử mộng
Ánh sáng siêu việt
Quang minh siêu việ
Pháp thầy vốn không
Sư pháp bổn vô
Tâm con chẳng có
Ngã tâm bất hữu
Như không hợp không
Như không hợp không
Lưỡi không ra miệng
Thiệt bất xuất khẩu.
Tổ thứ 6
TÔN GIẢ DI GIÁ CA
(Miccaka)
Đều do đây đến
Đô nhân thử lai
Chẳng vì việc khác
Bất vi biệt sự
Gặp nhau giữa chợ
Náo thị tương phùng
Tự bày pháp khí
Tự thị kỳ khí
Huyền kiến chưa đến
Huyền kiến vị nhiên
Sớm biết hôm nay
Tảo tri kim nhật
Cứ lo buôn bán
Đương hành mãi mại
Chẳng kế giá cả
Bất luận giá trị.
Tổ thứ 7
TÔN GIẢ BÀ TU MẬT
(Vasumitra)
Từ đường nóng đến
Tùng nhiệt lộ lai
Chợt gặp bạn thân
Hốt phùng thân hữu
Một lời luận nghĩa
Nhất ngôn luận nghĩa
Chóng biết chưa có
Đốn tri vị hữu
Xin vị cam lồ
Khất cam lồ vị
Chỉ pháp hư không
Thị hư không pháp
Nếu nói có được
Nhược vị hữu đắc
Rơi bảy rụng tám
Lạc thất lạc bát.
Tổ thứ 8
TÔN GIẢ PHẬT ĐÀ NAN ĐỀ
(Buddhanandi)
Chẳng phải không nói
Bất thị bất ngôn
Nói không đến được
Ngôn chi bất cập
Chẳng phải không đi
Bất thị bất hành
Vốn không tung tích
Bổn vô tung tích
Nay gặp người này
Kim ngộ kỳ nhân
Mới mở miệng được
Nãi khả khai khẩu
Từ đây liền đi
Tùng thử tiện hành
Chẳng rơi hang ổ
Bất đọa khòa cửu.
Tổ thứ 9
TÔN GIẢ PHỤC ĐÀ MẬT ĐA
(Buddhamitra)
Ở trong thai mẹ
Trụ mẫu thai trung
Qua sáu mươi năm
Kinh lục thập niên
Chỉ đợi thầy đến
Chỉ đãi sư lai
Mới thỏa duyên trước
Phương toại tiền duyên
Trên đảnh quang minh
Đảnh thượng quang minh
Nguyên là sẵn có
Nguyên thị bổn hữu
Vừa vót liền thấu
Nhất quát tiện thấu
Như sư tử rống.
Như sư tử hống.
Tổ thứ 10
HIẾP TÔN GIẢ
(Parsva)
Chỉ đất thành vàng
Chỉ địa biến kim
Theo tay mà hiện
Tùy thủ nhi hiện
Thánh nhân liền đến
Thánh nhân tức chí
Còn gì mau hơn?
Hà đẳng khoái tiện
Tợ như hang trống
Tợ hồ không cốc
Ứng tiếng đáp vang
Ứng thanh đáp hưởng
Thì biết tâm ta
Thị tri ngã tâm
Vốn không qua lại.
Bổn vô lai vãng.
Tổ thứ 11
TÔN GIẢ PHÚ NA DẠ XA
(Punyaysas)
Phật chẳng biết Phật
Phật bất thức Phật
Mắt chẳng thấy sắc
Nhãn bất kiến nhãn
Lại kiếm nơi khác
Cánh hướng tha mích
Nên bị kiểm điểm
Cố tao kiểm điểm
Toan nói vẹn toàn
Tương vi hồn toàn
Sớm bị phá vỡ
Tảo bị giải phá
Mãnh tỉnh đưa ra
Mảnh tỉnh tương lai
Mới biết lời rụng.
Phương tri thoại đọa.
Tổ thứ 12
TÔN GIẢ MÃ MINH
(Asvaghosha)
Ngựa kêu bình thương
Mã chi bi minh
Sẵn tự có nhãn
Cố tự hữu nhân
Đất vọt cô gái
Địa dũng nữ tử
Nguyên chẳng phải người
Nguyên phi kỳ nhân
Ma vốn không ma
Ma phi bổn ma
Phật cũng chẳng Phật
Phật diệc phi Phật
Mắt chánh xem lại
Chánh nhãn khán lai
Rốt là vật gì?
Cánh thị hà vật.
Tổ thứ 13
TÔN GIẢ CA TỲ MA LA
(Kapimala)
Từ dị học đến
Tùng dị trung lai
Được tri kiến chánh
Đắc chánh tri kiến
Đường gặp rắn độc
Lộ phùng độc xà
Tâm từ bi hiện
Từ bi tâm hiện
Lại hỏi rồng độc
Cánh vấn độc long
Đều muốn điều phục
Đô yếu điều phục
Mắt thấy tâm hay
Nhãn kiến tâm tri
Như vang lìa hang
Như hưởng xuất cốc.
Tổ thứ 14
TÔN GIẢ LONG THỌ
(Nagarjuna)
Trong rồng dạy rồng
Long trung hóa long
Lấy độc chống độc
Dĩ độc công độc
Tôn giả tay khéo
Tôn giả diệu thủ
Một lời điều phục
Nhất ngôn điều phục
Phật tánh tam muội.
Phật tánh tam muội
Thể như hư không
Thể ngược hư không
Trăm ngàn pháp môn
Bách thiên pháp môn
Đều vào đây hết.
Tận nhập kỳ trung.
Tổ thứ 15
TÔN GIẢ CA NA ĐỀ BÀ
(Kanadeva)
Bỏ kim vào bát
Dĩ châm đầu bát
Diệu khế mất lời
Diệu kế vong ngôn
Dạy nghĩa Phật tánh
Thị Phật tánh nghĩa
Trăng tròn hiện tiền
Mãn nguyệt hiện tiền
Đến nhà trưởng giả
Chí trưởng giả gia
Đem kim kéo chỉ
Tương châm dẫn tuyến
Mượn nhân duyên người
Giả tha nhân duyên
Làm phương tiện mình.
Vi kỷ phương tiện.
Tổ thứ 16
TÔN GIẢ LA HẦU LA ĐA
(Rahulata)
Theo dòng được nguồn
Tầm lưu đắc nguyên
Suối cùng non tận
Thủy cùng sơn tận
Chợt gặp người này
Hốt kiến kỳ nhân
Biết ngay là Thánh
Tri kỳ vi thánh
Bưng cơm thơm đến
Hương phạn kình lai
Chia tòa dâng ăn
Phân tòa cung thực
Đại chúng cùng uống
Đại chúng đồng ẩm
Cam lồ như mật
Cam lồ như mật.
Tổ thứ 17
TÔN GIA TĂNG GIÀ NAN ĐỂ
(Saghanandi)
Chẳng thích cung vua
Bất lạc vương vung
Trời mở một đường
Thiên khai nhất lộ
Chạm thẳng cuối nguồn
Trực để cùng nguyên
Chẳng biết lý do
Bất tri kỳ cố
Dưới đám mây tía
Tử vân chi hạ
Chỗ nương của Thánh
Thánh giả sở y
Quả được đồng tử
Quả đắc đồng tử
Hội cơ chư Phật.
Hội chư Phật cơ.
Tổ thứ 18
TÔN GIẢ GIÀ DA XÁ ĐA
(Gayasata)
Bảy ngày chẳng sanh
Thất nhật bất sanh
Chẳng rơi các ấm
Bất đạo chư ấm
Thân thể thơm sạch
Kỳ thể hương khiết
Xưa nay thanh tịnh
Bổn lai thanh tịnh
Gõ cửa một lời
Khẩu môn nhất ngữ
Đáp không là ai?
Đáp vô giả thùy
Mạnh mẽ gọi tỉnh
Mãnh nhiên hóan tỉnh
Ngay đó biết về
Đương hạ tri quy.
Tổ thứ 19
TÔN GIẢ CƯU MA LA ĐA
(Kumarata)
Đã sanh thiên đường
Ký sanh thiên thượng
Chẳng nên dục ái
Bất ưng khởi ái
Một niệm chưa quên
Nhất niệm vị vong
Liền chẳng tự tại
Tiện bất tự tại
Do sức Bát Nhã
Dĩ Bát Nhã lực
Lại thăng cõi Phạm
Phục thăng Phạm thế
Nên đến truyền đăng
Cố lai truyền đăng
Là việc nhà mình.
Thị kỳ gia sự.
Tổ thứ 20
TÔN GIẢ XÀ DẠ ĐA
(Jayata)
Vô sanh vốn đủ
Vô sanh bổn cụ
Chẳng cần cầu chân
Bất dụng cầu chân
Gặp duyên thì phát
Ngộ duyên nhi phát
Như hoa gặp xuân
Như hoa phùng xuân
Cầu thì vội quá
Cầu chi thái cấp
Cách đạo càng xa
Khứ đạo chuyển viễn
Ngay đó biết về
Đương hạ tri quy
Đến đường quay lại.
Tựu lộ nhi phả.
Tổ thứ 21
TÔN GIẢ BÀ TU BÀN ĐẦU
(Vasubandhu)
Sáng tối đồng thể
Minh ám đồng thể
Thánh phàm một đường
Thánh phàm nhất lộ
Chỗ đến sâu xa
Lai xứ u vi
Chẳng biết thế nào?
Mạc trì kỳ cố
Người chỗ khó quên
Thục xứ nam vong
Lại cầu bạn lữ
Cánh cầu bạn lữ
Chợt lại gặp nhau
Hốt nhĩ tương phùng
Chấp nhận tâm mình.
Khẳng tâm tự hứa.
Tổ thứ 22
TÔN GIẢ MA NOA LA
(Manorhita)
Được thọ ký rồi
Tùng thọ ký lai
Chẳng làm việc khác
Bất vi biệt sự
Đồng loại theo nhau
Đồng loại tương tùng
Duyên gặp liền ngộ
Duyên hội tất ngộ
Ôi bầy hạc kia
Ta bỉ hạc chúng
Bay kêu đã lâu
Phi minh ký cửu
Chỉ ở một lời
Nhất ngôn chi ngôn
Chóng biết sẵn có.
Đốn tri bổn hữu.
Tổ thứ 23
TÔN GIẢ HẶC LẶC NA
(Haklena)
Từ đảnh Tu Di
Tùng Tu Di đảnh
Cầm vòng vàng lai
Trì kim hoàn lai
Ôi! Chúng hạc kia
Ta bỉ hạc chúng
Tình cảnh đáng thương
Kỳ tình khả ái
Gặp được sư tử
Đắc sư tử nhi
Rống tiếng rống lớn
Tác đại hô hống
Có khí xuyên trời
Hữu khí quán thiên
Thí nghiệm việc sau.
Thí nghiệm kỳ hậu.
Tổ thứ 24
TÔN GIẢ SƯ TỬ
(Aryasimha)
Gặp nhau đòi châu
Tưong kiến sách châu
Mở tay liền có
Khai phủ tiện hữu
Vì trước đã giao
Dĩ tiên sở phó
Từ biệt không lâu
Biệt lai bất cửu
Biết thiếu nợ trước
Tri hữu túc khiếm
Riêng đến đáp đền
Đặc lai phụng thù
Đầu kề gươm nhận
Tương đầu lâm nhận
Sữa trắng tuôn trào
Bạch nhũ hoành lưu.
Tổ thứ 25
TÔN GIẢ BÀ XÁ TƯ ĐA
(Basiasita)
Cầm kiếm Bát Nhã
Bỉnh Bát Nhã kiếm
Năm châu như ý
Ác như ý châu
Tuy nói tạm đến
Tuy vân tạm đáo
Hạnh này chẳng hư
Thử hạnh bất hư
Bỗng gặp người ác
Ngẫu ngộ ác nhân
Khéo được bạn tốt
Kháp đắc hảo bạn
Nhân tà đánh chánh
Nhân tà đả chánh
Tiện lợi cả hai.
Lưỡng đắc kỳ tiện.
Tổ thứ 26
TÔN GIẢ BẤT NHƯ MẬT ĐA
(Punyamitra)
Từ dòng Sát lợi
Tùng sát lợi chủng
Tiếp ngọn truyền đăng
Tục truyền đăng diệm
Nối pháp chẳng rõ
Chân tự bất minh
Cơ hồ mất hẳn
Cơ hồ thất hãm
Vào trong phố chợ
Tùng náo thị trung
Chợt gặp cố nhân
Hốt phùng cố nhân
Nắp hộp vừa vặn
Hàm cái tương hợp
Bèn được rõ chân.
Nãi đắc kỳ chân.
Tổ thứ 27
TÔN GIẢ BÁT NHA ĐA LA
(Prajnatara)
Chớ bảo không nhân
Mạc vị vô nhân
Gặp nhau liền thấy
Tương phùng tiện kiến
Chỗ đến tự nhiên
Lai xứ tự nhiên
Không nhờ phương tiện
Bất giả phương tiện
Nay nhân châu này
Kim nhân kỳ châu
Bèn được người ấy
Nãi đắc kỳ nhân
Đào ao được trăng
Khai trì đắc nguyệt
Mua đá được (thêm) mây.
Mãi thạch nhiêu vân.
Tổ thứ 28
TÔN GIẢ BỒ ĐỀ ĐẠT MA
(Bodhidharma)
Tâm sư thật gấp
Sư tâm thậm cấp
Đến đây quá sớm
Kỳ lai thái tảo
Một lời chẳng hợp
Nhất ngữ bất đầu
Tâm này chẳng xong (rõ)
Thử tâm bất liễu
Ngồi lạnh Thiếu Lâm
Lãnh tọa Thiếu Lâm
May được Thần Quang
Hạnh đắc Thần Quang
Một tay rơi rụng
Nhất tí đọa lạc
Đạo này thịnh hưng.
Kỳ đạo đại xương.
Tổ thứ 29
ĐẠI SƯ HUỆ KHẢ
Vượt thuyền riêng đến
Hàng hải đặc lai
Biết bao khổ tâm
Đa thiểu khổ tâm
Trong nước Trung Hoa
Chấn Đán quốc lý
Chỉ được một người
Kỳ đắc nhất nhân
Tìm không thể được
Mích bất khả đắc
Như nước tùy bình
Như thủy nhậm khí
Lấy đây trao truyền
Dĩ thử truyền gia
Đấy là đệ nhị.
Thị vi đệ nhị.
Tổ thứ 30
ĐẠI SƯ TĂNG XÁN
Suốt thân là bệnh
Thông thân thị bịnh
Chẳng biết từ đâu
Bất tri lai xứ
Chợt gặp y vương
Hốt phùng y vương
Tỉnh hẳn duyên cớ
Mãnh tỉnh kỳ cố
Tâm rỗng xương cứng
Tâm không cốt cương
Lại đi hành cước
Thả tiện hành cước
Gặp người có sức
Ngộ hữu lực giả
Một gánh giao cho.
Nhất đảm phó thác.
Tổ thứ 31
ĐẠI SƯ ĐẠO TÍN
Tuổi trẻ xuất gia
Thiếu niên xuất gia
Lợi căn nhậm lẹ
Lợi căn tiệp tật
Hơn sáu mươi năm
Lục thập dư niên
Hông không dính chiếu
Hiếp bất chí tịch
Người học tụ tập
Học lữ vân trăn
Đâu tiếp trẻ con
Hà đãi tiểu nhi
Vì có hẹn xưa
Dĩ hữu túc ước
Người xem chẳng biết.
Quán giả bất tri.
Tổ thứ 32
ĐẠI SƯ HOẰNG NHẪN
Lai lịch chẳng tỏ
Lai lịch bất minh
Xuất thân đúng lúc
Xuất thân kháp hảo
Một việc chưa xong
Nhất kiện vị hoàn
Hai nhà đều rõ
Lưỡng gia đô liễu
Trong núi Phá Đầu
Phá đầu sơn trung
Trên đường Hoàng Mai
Hoàng Mai lộ thượng
Qua lại tự do
Vãng lai tự do
Đủ tướng đại nhân.
Cụ đại nhân tướng.
Tổ thứ 33
ĐẠI SƯ HUỆ NĂNG
Búa tiều vừa ném
Tiều phủ tài phao
Lấy đá cột eo
Dĩ thạch trụy yêu
Linh căn trồng lâu
Linh căn cửu thực
Từ đây nảy nhánh
Tùng thử trừu điều
Nguồn từ Tào Khê
Nguyên xuất Tào Khê
Trôi khắp đại địa
Hoành lưu đại địa
Thẳng đến bây giờ
Trực chí vu kim
Không đâu chẳng phải.
Vô xứ bất thị.