MỘT TRĂM LẺ MỘT CÂU
CHUYỆN THIỀN
Trần Trúc Lâm dịch
81. Hãy Ngủ Đi!
Gasan đang ngồi cạnh giường của Tekisui, ba ngày trước khi thầy mình viên tịch. Tekisui
đã chọn ngài là vị kế thừa.
Ngôi chùa vừa bị cháy và Gasan bận lo tu sửa. Tekisui hỏi: "Con sẽ làm gì sau khi ngôi
chùa được cất lại?"
"Khi sư phụ lành bệnh, chúng con muốn sư phụ thuyết giảng ở đó," Gasan trả lời.
"Giả sử ta không sống được đến ngày đó thì sao?"
"Thì chúng con sẽ tìm người khác vậy," Gasan đáp.
"Giả sử con không thể tìm được người khác?" Tekisui tiếp.
Gasan lớn tiếng trả lời: "Đừng hỏi những câu vớ vẫn nữa. Hãy ngủ đi."
82. Không Có Gì Hiện Hữu
Yamaoka Tesshu, khi còn là một thiền sinh trẻ, đi viếng hết thiền sư này đến thiền sư nọ.
Ngài đến thăm Dokuon của chùa Shokoku.
Muốn vội tõ sự chứng ngộ của mình, ngài nói: "Rốt ráo thì, Tâm, Phật, và chúng sinh
chẳng hề hiện hữu. Thật tướng của mọi pháp là Không. Không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Không có gì để cho và không có gì để nhận."
Dokuon ngồi hút thuốc yên lặng, chẳng nói gì. Bỗng nhiên ngài dùng ống điếu bằng trúc
đập Yamaoka một cái làm cho chàng thanh niên nỗi giận.
"Nếu chẳng có gì hiện hữu," Dokuon hỏi, "vậy thì cơn giận từ đâu đến?"
83. Không Làm Không Ăn
Hyakujo, Thiền sư Trung Hoa, thường hay lao động cùng với các đệ tử, ngay cả đến tám
mươi tuổi, dọn dẹp vườn tược, cắt cỏ, tỉa cây.
Hàng đệ tử không đành lòng thấy sư phụ tuổi đã cao mà làm lụng vất vả quá, nên mới
đem dấu dụng cụ làm vườn đi, bởi vì họ biết thầy vẫn không nghe lời họ khuyên mà nghỉ ngơi.
Ngày hôm ấy Thiền sư không ăn. Ngày hôm sau cũng thế, và ngày kế tiếp cũng vậy. "Hay là sư phụ giận vì chúng mình dấu dụng cụ của ngài chăng," bọn đệ tử đoán chừng. "Chúng ta nên để chúng lại chỗ cũ."
Hôm họ trả lại dụng cụ, thiền sư làm việc trở lại và ăn như cũ. Vào buổi tối, ngài dạy
chúng: "Không làm, không ăn."
84. Bạn Thật Sự (Hay Bá Nha Tử Kỳ - LND.)
Thuở xưa ở Trung Hoa có hai người bạn, một người đàn rất tuyệt và một người nghe rất
tinh.
Khi người đàn về cao sơn thì người nghe bảo: "Tôi có thể nhìn thấy núi thẳm ở trước
mặt."
Khi người đàn về lưu thủy, người nghe reo: "Đây là giòng nước chảy!"
Nhưng rồi người nghe mắc bệnh lìa trần. Người bạn kia cắt đứt dây đàn và không bao giờ
đàn nữa. Từ bấy giờ, việc cắt đứt dây đàn ý tõ tình bạn thắm thiết.
85. Đến Lúc Phải Chết
Thiền sư Ikkyu, ngay lúc còn bé đã rất thông minh. Thầy của cậu có một chén uống trà
rất quý, một đồ cổ hiếm hoi. Ikkyu lỡ tay đánh vỡ chén và vô cùng bối rối. Nghe bước chân thầy đến, Ikkyu vội dấu chén vỡ sau lưng. Thầy xuất hiện, Ikkyu hỏi: "Tại sao con người phải chết?"
"Thật là tự nhiên," vị thầy già trả lời. "Mọi vật đã sống lâu tất phải chết."
Ikkyu, liền giơ cái chén vỡ ra nói: "Đã đến lúc cái chén của thầy cũng phải chết."
86. Phật Sống Và Thợ Làm Bồn Tắm
Các Thiền sư thường chỉ dạy cho đệ tử trong biệt thất. Không ai được bén mãng đến.
Thiền sư Mokurai ở chùa Kennin tại Kyoto, vẫn thích trò chuyện với các thương gia, nhà
báo cũng như với các đệ tử của ngài. Có một người thợ làm bồn tắm ít học, hay đến hỏi những câu vớ vẫn, uống một cốc trà rồi bỏ đi.
Một ngày nọ có mặt người thợ trong khi Mokurai muốn chỉ dạy cho một đệ tư,ũ nên ngài
yêu cầu người thợ đợi ở phòng bên cạnh.
"Tôi biết ngài là một vị Phật sống," người thợ phản đối. "Ngay cả các tượng Phật đá còn
chẳng hề từ chối mọi người đến l bái. Thế tại sao tôi lại bị mời ra?"
Mokurai đành phải bước ra bên ngoài để tiếp đệ tử.
87. Ba Hạng Đệ Tử
Thiền sư Gettan, sống vào cuối triều đại Tokugawa. Ngài thường bảo: "Có ba hạng đệ tử :
một hạng hoằng hóa giáo lý, một hạng tu tập � chùa, và một hạng giá áo túi cơm.
Gasan cũng nói như thế. Khi ngài còn tu học với vị thầy rất khắc khe là Tekisui; đôi khi
còn bị thầy nện cho mấy gậy. Nhiều thiền sinh khác không chịu nỗi đã phải bỏ đi. Gasan ở lại, nói: "Một đệ tử xoàng thì dựa oai thầy. Một đệ tử khá thì ngưỡng mộ từ tâm của thầy. Môt đệ tử giỏi thì trở nên vững chải hơn dưới kỷ luật của thầy."
88. Làm Sao Làm Một Bài Thơ Chữ Hán
Một thi sĩ nỗi danh người Nhật được hỏi làm thế nào để kết cấu một bài thơ chữ Hán
(Tuyệt Cú - LND.).
"Thông thường một bài tuyệt cú chỉ có bốn câu," ông ta giải thích. "Câu đầu là khởi; câu
hai là thừa, câu ba là chuyển và câu bốn là hợp. Một bài ca quen thuộc của Nhật đã vẽ rõ như thế này:
Hai cô con gái của người bán lụa ở Kyoto
Cô chị hai mươi tuổi, Cô em, mười tám.
Một chiến sĩ có thểgiết người bằng lưởi kiếm,
Nhưng các cô gái này giết đàn ông bằng đôi mắt."
89. Đối Thoại Thiền
Các thiền sư hay huấn luyện cho đệ tử tự biểu lộ. Hai Thiền viện có hai cậu bé thiền sinh
được gởi gắm. Một cậu thường đi mua rau mỗi sáng, gặp cậu kia trên đường.
"Anh đi đâu đấy?" một cậu hỏi.
"Tôi đi đến bất cứ nơi nào bàn chân dẫn dắt," cậu kia trả lời.
Câu trả lời như thế làm cậu kia bối rối, bèn đến nhờ thầy mình giúp. "Sáng mai," sư phụ
bảo, "khi con gặp tên nhải ấy, hỏi lại câu ấy. Nó sẽ trả lời y như cũ, thì hỏi nó: ‘Giả sữ anh không có chân, vậy anh đi đâu đấy?’ Như thế sẽ sửa lưng được nó."Hai đứa bé gặp lại nhau sáng hôm sau.
"Anh đi đâu đấy?" cậu trước hỏi.
"Tôi đi đến bất cứ nơi nào gió đưa," cậu kia trả lời.
Thế là cậu bé trước ngẫn ngơ, thiu não về tìm gặp thầy.
"Hỏi nó đi đâu nếu không có gió," sư phụ mách.
Lũ trẻ lại gặp nhau hôm sau, lần thứ ba.
"Anh đi đâu đấy?" cậu trước hỏi.
"Tôi ra chợ mua rau," cậu kia trả lời.
90. Cú Đập Chót
Tangen theo học với Sengai từ khi còn bé. Khi được hai mươi tuổi, ngài muốn từ giả sư
phụ để tìm học thêm ở các thiền sư khác mà đối chiếu, nhưng Sengai không cho phép. Cứ mỗi lần Tangen gợi ý liền bị Tangen đập cho một gậy lên đầu.
Sau rốt Tangen nhờ một sư huynh xin thầy hộ. Vị sư huynh liền
giúp và cho Tangen biết: "Xong rồi. Huynh đã sắp xếp để đệ có thể đi tầm đạo ngay."
Tangen đến gặp Sengai để cảm tạ. Thiền sư trả lời bằng cách đập cho đệ tử một gậy khác.
Khi Tangen kể lại chuyện ấy, vị sư huynh nói: "Làm sao thế được? Không lẽ thầy đã cho phép rồi lại đổi ý. Huynh sẽ hỏi thầy." Và ông ta đi gặp sư phụ.
"Ta không hề hủy phép," Sengai bảo. "Ta chỉ muốn cho hắn một cú đập chót lên đầu, để
khi trở về hắn sẽ giác ngộ và ta không còn dịp để quở trách hắn nữa."