Phần Ii – Bài Viết Về Tuệ Ca

08/01/201212:00 SA(Xem: 3691)
Phần Ii – Bài Viết Về Tuệ Ca


TỰ THỊ CHÂN KINH
Diệu Trân
Gió Đông xuất bản tháng 4-2005


Phần II – Bài Viết Về Tuệ Ca

TIẾNG SƯ TỬ HỐNG

Giữa rừng già vô minh

Những giòng chữ này, từ xúc cảm vô bờ khi được nghe giòng nhạc Trần Quan Long viết từ thơ thiền-sư Thích Tuệ Sỹ. Nhạc sỹ TQL đã từng phổ nhiều thơ đạo, thơ thiền của nhiều vị cao tăng, cư sỹ, thi sỹ và tôi đã từng được nghe, nhưng với thơ của Thiền-sư Thích Tuệ Sỹ thì đây là lần đầu. Và cũng là lần đầu tôi đang làm cái công việc mà từ hơn hai mươi năm nay, đối với tôi là tối kỵ. Đó là việc nói về bạn mình! Tối kỵ, vì tự thể việc nói về bạn bằng sự hài lòng thôi, cũng đã thường bị kết tội ngay là “áo thụng vái nhau” trước khi được xét việc khen chê này đúng hay sai. Tối kỵ, vì theo tinh thần Vô Ngã của nhà Phật, cái Ta phải bỏ mới mong thấy được Người; thấy được người rồi phải bỏ luôn mới đạt cái Không. Đã biết thế, sao tôi lại đang làm cái việc chẳng nên làm này???

Tôi hiểu rằng ngôn ngữ vốn vong thân nhưng cũng không thể phủ nhận đó là một, trong những phương tiện để chúng ta tìm nhau, thấy nhau. Thấy được nhau rồi thì ngôn ngữ sẽ thành vô ngôn, như đã qua sông phải bỏ bè. Thông thường, muốn chứng tỏ công tâm khi trình bày điều gì, chúng ta thường mở đầu rằng “Khách quan mà nói ….” Nhưng ngay trong nhóm khách quan đó đã có mình, tức là đã có chủ quan rồi! Thế nên, có lẽ đúng nhất, với những giòng này, chỉ là tôi ngỏ lời, xin được chia xẻ xúc cảm của mình từ thơ Thiền sư Thích Tuệ Sỹ đã chắp cánh cùng nhạc Trần Quan Long bay vào cõi bao la, không phải chỉ ở cõi Đạo, cõi Thiền mà còn ngay nơi cõi Ta Bà khổ nhục này nữa. Nguồn xúc cảm đang cuồn cuộn trong tôi không ở sự khen, chê, hay, dở mà là nguồn kỳ diệu hình như từ triền non cao, từ thác lũ, từ giòng suối êm hay từ vực sâu thăm thẳm, tôi không biết nữa! Xin hãy cho tôi chia xẻ như đã từng chia xẻ những bước chập chững trên hành trình tìm về Trung Đạo.

Thi phẩm “Giấc Mơ Trường Sơn” của Thiền-sư Thích Tuệ Sỹ là hình ảnhâm thanh Tiếng Sư Tử Hống giữa rừng già vô minh. Bẩy bài thơ chọn lọc từ thi phẩm này vừa chắp cánh. Vâng, thơ đã cùng với nhạc mà chắp cánh. Giòng thơ nhạc này không chỉ cùng tôi ở góc bếp, ngoài vườn, trong thành phố, trên xa lộ …v….v…. mà còn ở lúc tụng kinh, khi ngồi thiền, lúc mặt trời lên, khi trăng sáng, lúc chiều xuống, khi đêm thanh, lúc tỉnh, khi mộng, lúc vui, khi buồn …… Giòng thơ nhạc này tôi không chỉ “nghe” qua âm thanh mà tôi “nghe” thấy ngay trong tĩnh lặng. Tôi đã tự kiểm chứng nhiều lần, trong đêm im vắng, cùng với trăng khuya, giòng symphony 4/4 ở cung La Thứ bất chợt chuyển qua 3/4 ở cung La Trưởng đã quằn quại cùng những câu thơ:

 “Ngày mai sư xuống núi 

Áo mỏng sờn đôi vai 

Chuỗi hạt mòn năm tháng 

Hương trầm lỡ cuộc say …..” 

Tôi không biết đâu là thơ, đâu là nhạc nữa khi ngay nơi bóng trăng xuyên qua khung cửa cũng như nghe được mênh mang tiếng vĩ cầm vút cao chở lời thơ uất nghẹn “…Cho hết đêm hè trông bóng ma

Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà

Trời không ngưng gió chờ sương đọng

Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa …” 

Hay tiếng dương cầm thánh thót quyện vào âm thanh hồ cầm trầm thống khi cùng với thơ:

 “…Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại, bốn vách tường ủ rũ

Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn ..”

Và hầu như lần nào tôi cũng cảm nhận lòng mình đang âm thầm lệ chảy khi tiếng mõ nhẫn nhục hòa trong giòng vĩ cầm mà tụng những câu:

 “… Quân hành đạp nát tà dương

Khúc ca du tử bẽ bàng trên môi

Tình chung không trả thù người

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu …” 

Giòng nhạc, vẫn như lời kinh, ngay cả khi chuyên chở những câu:

 “… Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược 

Thái Bình Dương

Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương…”

Cũng như thế, tiếng vĩ cầm quấn quýt âm thanh vi vút của sáo, dồn dập nhịp 4/4 ở cung La Trưởng như tải trên vai hết những đau thương của thơ rồi bất ngờ tiếng Oboe thổi trầm buồn ở những nốt nhạc thấp mang tinh thần tâm từ bi độ lượng:

 “…Ngõ vào qua khóm trúc

Cửa khép vượt đường mây

Tá túc trăng hờn nhện

Nghiêng nghiêng áo lụa dài

Trúc già ngọn phơi phới

Trời hận tuôn mưa rào

Nặng trĩu tình tơ nước

Trúc già lặng cúi đầu” 

Nhịp luân vũ 3/4 thường được người viết nhạc xử dụng để diễn tả sự mênh mang, diễm lệ nhưng ở đây, bản nhạc cuối trong CD Tuệ Ca viết từ bài thơ mang tựa đề “Bài Ca Cuối Cùng” lại dùng nhịp chẻ, cung Mi Thứ là cung bực nức nở, nghẹn ngào, tiếng đàn Harp rơi hững hờ giữa giòng vĩ cầm xoáy buốt như không gì ngăn nổi cuồng lưu từ những lời thơ máu lệ:

 “Chim trời xếp cánh

Hát vu vơ mấy tiếng trong lồng

Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm

Ủ tâm tư cho hạt thóc cay nồng

Rát bỏng với nỗi hờn khổ nhục

Nó nhịn ăn

Rồi chết gục …” 

Tôi không biết nhạc! Có lẽ vì thế mà tôi biết nghe (theo luật bù trừ cổ nhân thường nói). Tôi trân trọng cảm tạ người thơ, Thi-sỹ Thiền-sư Thích Tuệ Sỹ và người nhạc, nhạc sỹ Trần Quan Long, trong cơ duyên nhiệm mầu nào đã cho đời một tặng phẩm. Người đầu tiên được hưởng là tôi (cũng do cơ duyên kỳ diệu), tôi cảm thấy rất rõ là mình sẽ có tội khi giữ tặng phẩm này cho riêng mình. Vì thế, qua không gian bao la, tôi hướng về trời Nam đảnh lễ Thượng Tọa Thiền sư Thích Tuệ Sỹ, và nơi đây, dưới khung trời Tự Do, với nhạc sỹ Trần Quan Long, tôi xin phép hai vị cho tôi được thực hiện tặng phẩm này dưới dạng thức CD mang một danh xưng đúng nghĩa nhất: TUỆ CA.

Với chúng tôi, đây là một tặng phẩm. Vâng, TUỆ CA sẽ là một tặng phẩm nên chư liệt vị nào muốn nhận, xin chỉ gửi cước phí về chúng tôi qua: 

Gió Đông

13602 Brazo Rd, 

La Mirada, Ca 90638, USA

tặng phẩm sẽ đến tay quý vị.

Cuối cùng, trên tất cả nghĩa và vô nghĩa của nhân gian chỉ còn một điều vô hình, vô tướng, vô thanh, mà là tất cả. 

Đó là Trí Tuệ Bát Nhã.

Vô vàn trang kính

Diệu Trân

Tháng tư 2005
 


HƯƠNG TRẦM LỠ CUỘC SAY

Tiếng động lạ trong đêm khiến tôi thức giấc. Thật ra, tôi chưa hẳn ngủ. Sau giờ thiền đêm, tôi nằm xuống, gối đầu trên tọa cụ, mơ màng về một cảnh trí nào không rõ rệt. Và chợt nghe tiếng động ngoài vườn, nơi từ phòng ngủ, tôi có thể mở cửa bước ra. Cả hai việc liên đới với nhau: tiếng động và giấc ngủ, tôi đều không thể xác quyết là thực hay mộng. Nhưng đã thức và đã nghe, tôi khoác thêm áo, bước ra vườn sau.

Trăng khuya nõn nà như giải lụa mỏng phủ hờ trên vạn hữu. Trăng vừa đủ để tôi thấy mờ ảo những đóa quỳnh hương trắng muốt, ngào ngạt trong đêm, bụi tre Mạnh Tông xanh mướt, đứng lặng thinh, vững chãi cuối vườn bên hồ sen im lắng với những bông đầu mùa đã vươn lên từ mấy ngày nay, đang chờ tia nắng ấm để hiến tặng hương sắc cho đời. Tôi ngước nhìn bầu trời đầy sao và chợt mường tượng được âm thanh của tiếng động vừa rồi là tiếng vỗ của cánh chim đơn độc. Không phải tiếng vỗ cánh bình thường mà là tiếng vỗ bi thương của tai nạn, của đau đớn, của uất hờn, của những gì ngoài chờ mong, bất toại ý. Tôi đã từng được nghe âm thanh này một lần, ở ngôi nhà cũ, trong khi đang làm vườn.

Sau tiếng kêu bi thương, cánh chim lao xuống góc vườn. Tôi chạy đến. Nó nằm bất động, nhưng còn mở mắt nhìn tôi. Tôi bước rất chậm đến gần nó, muốn ôm nó lên, muốn truyền tới nó chút ân cần, yêu thương cuối cùng nhưng nó lại dùng tàn lực cho cử chỉ muốn thoát chạy. Tôi đành ngồi xuống, và rất thận trọng, lùi nhẹ, khuất sau bụi hồng. Tôi nghĩ, ít nhất, không làm gì được cho nó thì cũng đừng để nó phải sợ hãi. Nhưng ngồi sau bụi hồng, tôi ngạc nhiên thấy nước mắt mình lã chã tuôn rơi. Một con di điểu sắp được hóa kiếp mà cũng khiến tôi mềm lòng đến thế này thì tôi lấy sức đâu mà chống chỏi với muôn vàn hệ lụy trần gian! Điều đó ám ảnh tôi rất lâu, rồi tôi mới hiểu ra rằng không phải tôi chỉ bi lụy vì phải chứng kiến con chim hóa kiếp, mà tự thẳm sâu đáy lòng, chính là tôi phẫn nộ với mình trong ý nghĩ, nhìn thấy những đau thương mà bất lực, mà bó tay, mà thụ động, nhu nhược chờ sự tàn hại tất đến trong hiện hữu vô dụng.

Tôi nhận ra điều này do tình cờ liên tưởng đến bài pháp khi xưa Đức Phật đã thuyết cho nhà vua Pasenadi nghe về bốn ngọn núi bao quanh. Đức Phật hỏi vua “nếu trong cùng một lúc, quân lính ở bốn cửa thành đông, tây, nam, bắc cùng chạy về cấp báo rằng có bốn ngọn núi vĩ đại từ bốn phía đang lừng lững tiến về kinh đô và càn quét mọi thứ khi núi đi qua. Nghe tin dữ đó thì Bệ Hạ sẽ làm gì?” Sau một thoáng ngỡ ngàng, nhà vua thành thật thưa rằng “Con sẽ sống thật xứng đáng những thời gian cuối ngắn ngủi đó.” Nghe thế, Đức Phật mới mỉm cười từ ái mà bảo rằng “Bốn ngọn núi đó chính là sinh, lão, bệnh, tử đấy. Tuy mọi người đều biết không ai qua khỏi cái chết nhưng vẫn không ngừng tranh giành, thù hận, dẫm đạp lên nhau mà phải đợi khi cái chết đến kề mới tỉnh ngộ lẽ vô thường.”

Chính bài pháp ngắn này đã là tha lực từng giúp tôi thêm ý chí để hòa đồng, chia xẻ với tha nhân trong đời sống vốn quá nhiều phức tạp này. CHO đã khó, NHẬN còn khó hơn nếu ta không hiểu được giá trị của cho và nhận trong Lục Độ Ba La Mật thì chúng ta sẽ chẳng thể hiện được từ ái với nhau trong quãng đời vô thường ngắn ngủi.

Bên hồ sen, đêm thơm ngát trăng khuya, tĩnh lặng và hiền hòa, không có dấu hiệu gì của bất trắc, khiến tôi nghi ngờ tiếng động lạ tôi tưởng vừa nghe thấy là không thật. Tiếng vỗ của cánh chim kêu thương cũng không thật. Đó chỉ là những âm thanh ẩn dấu trong lòng, phút nào nhìn suốt lòng mình nhất thì sẽ nghe thấy. Có lẽ ai cũng có cho mình một thế giới vô hình riêng tư đó. Chỉ nhận ra hay không mà thôi.

Tôi đưa tay, khuấy nhẹ mặt nước hồ. Nước sóng sánh lung linh và bóng trăng vỡ vụn. Tôi đã ngu si, tiếc nuối bóng trăng tan mà quên rằng vành trăng trên cao kia mới thực là trăng, và trăng ấy còn nguyên vẹn. Ý tưởng này như lằn chớp, không hề báo hiệu, mà đưa tôi về giữa khung trời thơ diễm tuyệt, hùng tráng, nơi không gian mênh mông bất tận ẩn dụ qua hình hài khắc khổ của vị cao tăng đang được bao tấm lòng Phật tử muôn phương hướng về. Toàn bài thơ “Hạ Sơn” của Thượng tọa Tuệ Sỹ mà tôi vừa đọc trước khi tọa thiền, chợt hiện lên rõ rệt từng giòng, vằng vặc như trăng:

Ngày mai sư xuống núi

Áo mỏng sờn đôi vai

Chuỗi hạt mòn năm tháng

Hương trầm lỡ cuộc say

Bình minh sư xuống núi

Tóc trắng hờn sinh nhai

Phương đông mặt trời đỏ

Mùa hạ không mây bay

Ngày mai sư xuống núi

Phố thị bước đường cùng

Sư ho trong bóng tối

Điện Phật trầm mông lung

Bình minh sư xuống núi

Khóe mắt còn rưng rưng

Vì sư yêu bóng tối

Ác mộng giữa đường rừng

Khi đọc bài này, tôi đã không hiểu, vì khựng lại ở câu “Hương trầm lỡ cuộc say”. Hương trầm, có thể tượng trưng Đạo Phật, cửa Phật, đời tu sỹ, ý nguyện xuất trần ..v…v… tùy theo ý tưởngtác giả muốn chuyên chở. Nhưng “Lỡ cuộc say” thì tôi không rõ lắm. Tại sao lại “lỡ”? Tại sao lại “cuộc say”? Ngài muốn gửi gấm gì qua câu thơ này?

Trên một nghĩa nào đó, thơ có phải là thiền không? 

Cõi thiền vốn im tiếng.

Cõi thơ vốn ẩn lời. 

Nếu nâng thơ lên để chỉ cảm nhận cái đẹp mênh mang của suối nguồn; Nếu ngồi xuống để chỉ an nhiên đi vào tịnh mặc của Chân Như thì thiền sẽ mở cửa, thơ sẽ bước vào. Hồ Điệp hay Trang Tử? Thi sĩ hay Thiền Sư? Khởi niệm như thế đã mặc nhiên hiện ra ngã rẽ của dị biệt và đồng nhất mất rồi! Thi sĩ sống với thơ đã là chọn sự ngăn cách với phiền não hẹp hòi của thường tình thế gian; Thi-Sĩ-Thiền-Sư còn phải dũng mãnh hơn nữa khi quyết tâm ly gia, khoác áo nâu sồng xuất thế gian mà không rời thế gian pháp, mang đại nguyện, trên phụng sự đạo pháp, dưới cứu khổ ta-bà. 

Tận dụng được lòng hiến dâng giữa đạo và đời là sự diệu kỳ cao cả, thế nhân chỉ có thể nhìn ra nét mầu nhiệm viên dung đó khi tâm thoát khỏi vòng biệt phân hý luận. Cám ơn đêm và trăng. Đêm thơm và trăng lạnh đang giúp tôi nhẹ nhàng mở từng cánh cửa vô hình, cho tôi nghe được tiếng vỗ bi thương của cánh chim đơn độc đêm nay là những lời thơ này đây, thông điệp của Thi-Sĩ-Thiền-Sư Tuệ Sỹ gửi cho chúng ta về pháp nạn quê nhà. Ngài có muốn hạ sơn đâu nhưng vì “Hương trầm lỡ cuộc say” mà phải xuống núi cứu đời. Ôi, chữ “lỡ” của Thiền Sư đã nói lên trọn vẹn Tâm Bồ Đề từ bi vô lượng. Thế nhân dùng chữ “lỡ” thường để tỏ lòng hối hận về điều lẽ ra không nên làm; nhưng Thiền Sư “lỡ” phát đại nguyện lại dấn thân vào cõi ác ngũ trược, quyết tự độ rồi độ tha thì dù khổ lụy thế nào cũng không thối chuyển. Và ở phút diệu kỳ khi Thiền Sư “gặp” Thi Sĩ mới thi vị hóa đến mức tuyệt hảo giữa “lỡ cuộc say” miệt mài của thế nhân với đại nguyện tải đạo cứu đời của người con Phật. Có lẽ xưa, Trang Tử hóa bướm cũng ở phút giây này mà thôi.

Cánh cửa mở tới đây tôi mới thấy được bước đi thong dongdũng mãnh của ngài. Với thanh Gươm Bát Nhã, Thiền Sư gửi cho chúng ta một thông điệp Vô Úy giữa tang thương cùng cực, qua những giòng thơ tiếp: 

 “Bình minh sư xuống núi

Tóc trắng hờn sinh nhai

Phương đông mặt trời đỏ

Mùa hạ không mây bay

Ngày mai sư xuống núi

Phố thị bước đường cùng

Sư ho trong bóng tối

Điện Phật trầm mông lung”

Ngài dùng hình ảnh nhà sư trong lao tù để đưa ra toàn bộ thảm trạng của Quê Hương Dân Tộc và Đạo Pháp đang bị giới lãnh đạo thô bạo, vô minh nhận chìm xuống vực sâu khổ nhục, đói nghèo, tù đầy, tăm tối. Trong vũng lầy oan nghiệt đó, những trưởng tử Như-Lai đã nhỏ lệ vì yêu thương chúng sinh mà không tìm sự giải thoát riêng mình. Các ngài đã xuống núi, thể hiện tinh thần Bi Trí Dũng giữa rừng già đầy thú dữ hiểm độc hung tàn, nên trăng khuya cũng nhạt nhòa với đoạn thơ cuối:

Bình minh sư xuống núi

Khóe mắt còn rưng rưng

Vì sư yêu bóng tối

Ác mộng giữa đường rừng.

Trên lối trúc về phòng, tôi nghe được trong thầm lặng câu chú Bát Nhã “ Gate. Gate. Paragate. Parasamgate. Bodhi. Svaha.”

Tháng Tư 2005
 


TÓC TRẮNG NHỆN TƠ LÒA

 Đây là câu thơ cuối đoạn hai, trong năm đoạn, bài “Trúc và Nhện” của Thiền- sư Tuệ Sỹ. Tựa bài thơ cho tôi ấn tượng của sự tương phản. Trúc, tượng trưng người quân tử, lòng cương trực, chí bất khuất (vô trúc sử nhân đọa tục); nhện là loài nhỏ bé, tầm thường, xuất hiện nơi đâu là tạo rác rưởi bụi bặm nơi ấy. Thế mà bài thơ năm chữ của vị Thiền-sư khả kính lại để nhện giăng tơ bên người quân tử, hẳn là ngài phải ẩn dụ nỗi niềm gì.

Bạn muốn tôi đọc cho bạn nghe ư? Chiều nay gió mát quá, chúng ta hãy ra vườn uống trà rồi tôi sẽ đọc nhé!

Đây, bài “Trúc và Nhện”, Thiền-sư Tuệ Sỹ viết thế này:

Nắng sớm in tường bạc

Trúc gầy ngả bóng xanh

Tâm tư lắng tĩnh mặc

Tơ nhện buông xuôi cành
 
 

Trúc biếc che ngày nắng

Hương chiều đuổi mộng xa

Phương trời nhuộm ráng đỏ

Tóc trắng nhện tơ lòa
 
 

Gió khẽ lay cành trúc

Hương vàng ánh nhện tơ

Buông rời giấc tịnh tọa

Nghe động phương trời xa
 
 

Ngõ vào qua khóm trúc

Cửa khép vượt đường mây

Tá túc trăng hờn nhện

Nghiêng nghiêng áo lụa dài
 
 

Trúc già ngọn phơi phới

Trời hận tuôn mưa rào

Nặng trĩu tình tơ nước

Trúc già lặng cúi đầu.

Đặt tách trà xuống, bạn nói một câu không ăn nhập gì với bài thơ bạn vừa yêu cầu tôi đọc cho nghe:

- Kìa, con hoàng-anh đậu bên bờ giậu có một mình thôi ư?

May là chúng ta đã hiểu nhau đủ, để tôi có thể biết chắc rằng câu nói vô thưởng vô phạt của bạn là cốt che giấu xúc động trong lòng, chứ không phải tôi đọc thơ mà bạn hờ hững chẳng buồn nghe. Đúng như tôi nghĩ, bạn lại đang tự nói:

- Nó không một mình đâu vì nó biết các bạn nó đang vỗ cánh trên khắp vùng trời bao la kia.

Bạn nhìn tôi đăm đăm khi nói như thế. Bạn pha trà đậm quá, nhấp hớp đầu, tôi phải nhăn mặt, vậy mà hậu vị lại ngọt lịm như những bài học, mới nghe qua, chúng ta thấy khó chấp nhận, nhưng hiểu ra rồi mới thấm thía đạo vị. Như tuần trước chúng ta học về sự khổ đau. Thầy nói “có hai loại khổ đau là khổ đau vô ích và khổ đau hữu ích” chúng ta đã nhìn nhau, cùng khởi niệm nghi ngờ. Khổ đau là khổ đau, sao còn có khổ đau vô ích hay hữu ích nữa! Cùng lắm thì chỉ chấp nhận được loại đầu vì khi đã bị khổ đau là vô ích rồi; nhưng khổ đau mà còn hữu ích là thế nào?

 Không ngờ bài học đó lại đang cho chúng ta thấy được phần nào niềm bi phẫn của vị sứ giả Như Lai, người mang đại nguyện vào đời, dàn trải nỗi thống hận của Quê Hương Dân Tộc qua thi ca thẳm sâu trí tuệ. Nào đâu là trúc? Nào đâu là nhện? Trúc dẫu gầy vẫn ngả bóng xanh, vẫn che ngày nắng, vẫn cảm thương gió lay ánh nhện, mưa trĩu tơ vương. “Tóc trắng nhện tơ lòa” có phải là tơ nhện trắng hay chính là hình ảnh vị sư già mỏi mòn trong ngục tối nên thế nhân mới thấy được tóc trắng sương mai? “Ngõ vào qua khóm trúc” có phải là tinh thần lối trúc Kỳ Viên Tự nơi Thái Tử Kỳ-Đà và Trưởng gỉa Cấp Cô Độc đã xây dựng để cúng dường Đức PhậtTăng đoàn khi xưa? Khu vườn đó có-cửa-mà-không-cửa. Đó là Vô-Môn-Quan. “Cửa khép vượt đường mây”. Tội nghiệp thay cho những chúng sanh vô minh đã đem khóa trần tục mà khóa cửa thần tiên, đem sức mạnh, dọa nạt, tra tấn, tù đầy mà mong bức tử những điều bất tử.

Bạn hỏi tôi có ôn bài vừa học để hiểu được đoạn thơ cuối không? Bạn ơi, chúng ta hãy hướng về trời Nam, đảnh lễ vị Thiền-sư đang thể hiện trọn vẹn Bồ-Tát-Hạnh, dùng tấm thân vô thường làm thuyền Bát Nhã, tự hiến mình thành nỗi khổ đau cho muôn người. Đây là nỗi khổ đau được nuôi dưỡng bằng lòng từ bi để phát triển Tâm Bồ Đề cứu độ chúng sanh. Theo bài chúng ta vừa học thì đây chính là nỗi khổ đau hữu ích, ngược lại với sự khổ đau vô ích do luyến ái vị kỷ gây ra, chỉ khiến tâm hồn ta tàn hoại. 

Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ không phải chỉ là một vị Thiền sư trí tuệ, khả kính. Ngài còn là một thi sỹ nên trên phương diện nghệ thuật, nếu chúng ta nhìn ngài qua phong thái một Thi- Sỹ-Thiền-Sư thì ta có thể tin rằng ngài dễ dàng đạt tới tuyệt đỉnh nghệ thuật vì thông thường “người nghệ sỹ chưa thể đạt tới tuyệt đỉnh nghệ thuật nếu chưa đạt tới tuyệt đỉnh tâm linh” phải thế không bạn? Bạn thử đọc lại bốn câu kết, bạn sẽ đồng ý với tôi ngay:

Trúc già ngọn phơi phới

Trời hận tuôn mưa rào

Nặng trĩu tình tơ nước

Trúc già lặng cúi đầu.

Bạn có thấy đâu là nghệ thuật, đâu là tâm linh không? Hay cả hai đã quyện chặt vào nhau thành niềm thống hận mà ngài phát nguyện tải nặng trên vai? Ngọn trúc già vẫn bi tráng phơi phới với không gian, thời gian dù trời hận có tuôn mưa rào. Nhưng ngọn trúc đó sẽ quằn quại, sẽ đớn đau vì “tình tơ nước”. 

Trong buổi chiều nhiều gió đó, bạn và tôi đã ngồi im lặng bên nhau rất lâu, tận dụng mọi hiểu biết cạn cợt mới thấp thoáng thấy sự có mặt tưởng là vô tình của con nhện, mà đó có thể chính là tuyệt đỉnh nghệ thuật qua ẩn dụ “tơ nhện mong manh” để nói đến “tơ lòng trĩu nặng” tình non nước. Và chỉ có lòng xót thương trĩu nặng đó mới khiến trúc già lặng cúi đầu!

Biết được sự hiến dâng bi tráng như thế, trong chúng ta có ai đã nghe gió nhắn, lời trầm thống này chưa:

“Ơi người cắt cỏ ở bên sông

Nước cuộn ngoài khơi có bận lòng

Phấn liễu một thời run khóe mọng

Hương rừng mờ nhạt rải tầng không.”

Tháng tư 2005 


KHUẤT THÂN CHO TRỌN MỘT ĐỜI LUÂN LƯU

Tôi đang đọc một bài thơ thì có tiếng gõ cửa. Người bạn đạo đến thăm như đã hẹn. Chắp tay xá nhau xong, tôi sẵn trớn, đọc tiếp luôn cho hết hai câu cuối:

Tình chung không trả thù người

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu.

Bạn có vẻ muốn đổi đề tài. Tôi hiểu rằng bất cứ ai, nếu bất chợt nghe những câu thơ như thế này thì đều có ngay cảm nghĩ rằng thơ ủy mỵ quá, buồn quá, mang tinh thần nhẫn nhục quá. Có lẽ bạn muốn chúng ta nói chuyện gì vui hơn, thực tế hơn hoặc là ta trải tọa cụ cùng ngồi thiền cũng được. Tôi chiều bạn, đề nghị tọa thiền ngoài vườn bưởi.

Chiều xuống rất mau, nắng đã tắt và bầy chim xôn xao rủ nhau về tổ. Vườn im lắng thoảng hương bông bưởi ngọt ngào quyện hương ngâu ngan ngát. Cùng ngồi trong thế kiết già, bạn nhìn tôi, mỉm cười:

- Cảnh nên thơ quá, làm sao để “tâm không xúc cảnh” được đây.

Tôi cố tình làm nghiêm, khi nhắc:

- “Ngoài dứt muôn duyên, trong bặt nghĩ tưởng, tâm như vách tường, mới là vào đạo”

Tuy nói vui với nhau như thế, nhưng chúng tôi cũng đã truyền được năng lượng cho nhau để thời thiền đó lắng sâu trong chánh niệm và ngồi lâu hơn chúng tôi tưởng. Khi xả thiền thì trăng non đã trải quanh vườn những giải lụa ngà mềm mại. Bạn đưa cả hai tay lên không như muốn vuốt ve ánh trăng bạc huyền ảo này. Tôi không cầm lòng được, đã trở lại chuyện cũ và đọc hai câu đầu của bài thơ:

Nằm ôm một bóng trăng gầy

Vai nghiêng tủi nhục hờn lay mộng tàn

Bây giờ thì bạn có vẻ không từ chối nói chuyện thơ với tôi. Không biết bạn đổi ý vì thiền hay vì trăng? Nhưng tôi ngạc nhiên khi bạn xác định:

- Không, vì thơ đấy. Thơ đang tự nói rồi, có phải bài lục bát “Một Bóng Trăng Gầy” của Thiền sư Tuệ Sỹ không?

Để trả lời bạn, tôi đọc tiếp:

Rừng sâu mấy nhịp Trường Sơn

Biển đông mấy độ triều dâng ráng hồng

Bạn ngắt một bông hoa ngâu, bối rối mân mê trong tay và nói, như tự trách mình:

- Đọc thơ của Thầy Tuệ Sỹ mà hững hờ như tạt qua quán nước đầu làng, ta sẽ tưởng rằng thơ của Thầy bi lụy quá; nhưng đọc bằng tâm ân cần mới thấy ẩn dụ sau những giòng lệ từ bi đó là sự “im lặng sấm sét” của dũng khí Như Lai. Thơ của Thầy đúng là những tiếng khóc. Nhưng Thầy khóc cho ai??? Khi xưa, Thái Tử Tất Đạt Đa đi thăm ngoài bốn cửa thành, chứng kiến bốn cảnh khổ não của chúng sinh là sinh, lão, bệnh, tử, ngài đã rơi lệ trên đường về hoàng cung. Chính những giọt lệ từ lòng xót thương đó đã thúc đẩy Thái Tử quyết cắt ái ly gia tìm con đường giải thoát.

Bạn đã khai quặng, thấy được hạt ngọc rồi! Thơ đã theo bạn vào thiền. Bạn đã quán chiếu, đã nhìn thấy Bồ Tát. Một vị chân tu từng mang bản án tử hình vì không thể nói sai, nói khác về đạo lý, về tư cách, về giá trị tâm linh, phải là người đã liễu ngộ hạnh vô úy. Vị ấy không thể khóc vì buồn rầu sợ hãi cho mình. Vị ấy đang khóc cho toàn thể chúng sinh. Nước mắt của vị ấy là nước mắt Quán Thế Âm khi nghe tiếng kêu thương:

Khóc tràn cuộc lữ long đong

Người đi còn một tấm lòng đơn sơ?

Máu người pha đỏ sắc cờ

Phương trời xé nửa giấc mơ dị thường

Quân hành đạp nát tà dương

Khúc ca du tử bẽ bàng trên môi

Bạn thấy gì ở đây? Bi đátcay đắng nhường bao! Quê hương và Dân tộc ta đó! Như đàn chim vỡ tổ, chúng ta lìa nhau, kinh ngạc trước sự tàn khốc vô lường đổ ập xuống. Xương máu bao sinh linh đã pha đỏ sắc cờ ma vương đó, máu từ KẺ Ở rừng sâu tù ngục, máu từ NGƯỜI ĐI biển đông hãi hùng, máu từ lòng mẹ, thân cha, máu nhuộm sơn hà, máu loang hồn đất ….. Vậy mà, vị sứ giả Như Lai vẫn thể hiện Tứ Vô Lượng Tâm và hạnh thứ ba trong Lục Độ Ba La Mật để nói rằng:

Tình chung không trả thù người

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu.

Câu kết của bài lục bát đẹp như nét thảo trên bức tranh lụa Sơn Lâm. Núi rừng hùng vĩ nhưng sương mây thì nhẹ nhàng mờ ảo. Người ngắm tranh sẽ thấy núi chưa cao, rừng chưa rậm nếu sương không rủ và mây không bay! Trong tương phản luôn ẩn dụ những hài hòa cần thiết, giữa tàn phá luôn có vun bồi, giữa ác độc luôn có từ bi, giữa vô minh luôn có trí tuệ. Sự hài hòa thể hiện tùy theo hạnh nguyện mỗi đối tượng. Người con Phật tất đi theo đường Phật dạy, dùng TRÍ tuệ nhìn ra sự sai trái, DŨNG cảm nói lên điều sai trái và đem lòng từ BI chuyển hóa ác nghiệp

Khi xưa, Đức Phật đã bao lần bị người em họ là Devadatte mưu hại mà ngài không hề thù hận, ngay cả lần Devadatte quyết hạ độc thủ bằng cách đón đường Đức Phật nơi ven núi để từ trên cao lăn đá xuống! Tiếng động kinh hoàng khi tảng đá lớn băng băng lăn xuống khiến tăng đoàn hốt hoảng. Đại Đức Anan không còn kịp suy nghĩ, chỉ thét lên rồi nhào tới, mong dùng thân mình che chở Đức Phật. Nhưng trước khi tới đích, tảng đá đó đã va vào một tảng khác, tạo thành sức mạnh làm cả hai vỡ tung ra. Chỉ những mảnh vụn thôi, mà khi văng xuống trúng chân trái Đức Phật cũng đủ làm máu tuôn thấm ướt chéo áo ca-sa.

Đức Phậttăng đoàn cùng nhìn lên thì chỉ còn thấy bóng một người đang thoát chạy. Ai cũng biết đó là Đại Đức Devadatte! Vậy mà Đức Phật đã ngăn đệ tử thân tínĐại Đức Moggallana khi Đại Đức định chạy lên núi bắt Devadatte để trị tội. Đó có phải là “Tình chung không trả thù người”, nhưng “khuất thân” kham nhẫn chẳng phải để ẩn tránh mà là đem trọn cuộc đời đã phát nguyện này, cùng luân lưu chìm nổi với chúng sinh mới tạo cơ duyên hóa độ.

Rót tách nước trong, đặt trên ban thờ Phật, bạn chắp tay, cúi đầu. Nhìn sự im lặng thành khẩn, tôi biết chắc lòng bạn đang nức nở với câu “Khuất thân cho trọn một đời luân lưu”. 

Có bài pháp nào sống động hơn cho Phật tử ngày nay khi chúng ta còn được nhìn thấy hình ảnh những Trưởng Tử Như Lai như thế? 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tháng tư 2005


CHIM TRỜI XẾP CÁNH

Đạo hữu thân mến,

Lâu lắm, tôi không dùng bút để viết gì ngoài việc ký tên trả hóa đơn hàng tháng. Ở thế kỷ này, chỉ ngồi vào bàn máy, gõ, rồi nhấn nút là trao đổi thông tin khắp nơi. Vậy mà hôm nay tôi muốn cầm bút để viết thư cho bạn. Hãy khoan hỏi tại sao vì chính tôi cũng đang tự hỏi mình câu ấy. Chúng ta cùng nhau theo thầy học đạo một thời gian, từng có những lúc bị la rầy vì những câu hỏi lôi thôiđáng lẽ ta đã phải biết rằng, ở chiều sâu tâm linh, có những điều chỉ cảm nhận được hay không, nếu càng cố tìm, nó càng rời xa. Bạn gọi đó là những lúc “ngôn ngữ vong thân”. Tôi đang ở phút đó.

Viết được vài giòng, ngắm nghía thấy chữ xấu quá, tôi vo viên, ném vào sọt rác; xong, lấy tờ giấy trắng tinh khác, ngồi lại ngay ngắn, xoay xoay cái bút Bic cho vừa tầm và viết lại; nhưng tay vẫn run, chữ vẫn xấu, nét nguyệt ngoạc lên xuống vô trật tự! Tôi lại định vo viên ném đi dù biết là khó mà viết đẹp hơn được. Nhưng cái ý định phải viết tay lá thư này cho bạn khiến tôi chấp nhận. Thôi thì, bạn vì tôi mà ráng đọc nhé!

Thư này sẽ không dài đâu. Tôi chỉ muốn nói đến hai chữ “TỰ DO”. Hai chữ này quý lắm nên ai cũng viết hoa. Bạn thấy đó, tôi cố gắng nắn nót nên riêng hai chữ Tự Do không đến nỗi tệ giữa những nét ngoằn ngoèo khác. Ở trên đời có rất nhiều thứ mà người này thích, người kia không; và ngược lại. Duy có sự TỰ DO thì tôi tin rằng không ai là không thích, không mong, không muốn. Có điều, tuy ai cũng biết vậy mà không thời nào không có những kẻ hoặc dùng mưu lược, hoặc dùng sức mạnh để tước đoạt Tự Do của người khác. Mất tiền của, mất danh vọng, mất tình thương còn có thể tìm cái khác bù lấp nhưng mất Tự Do là mất hết. Thế nên, tước đoạt Tự Dotội ác lớn nhất và những người mất Tự Do là những người đau khổ nhất. Nhưng bạn biết không, chính vì mất Tự Do là mất hết nên người bị mất điều thiêng liêng này sẽ không còn gì để sợ; và vì không còn gì để sợ nên họ sẽ có sức bật mãnh liệt của đòn bẩy.

Chắc bạn sắp thở dài, không biết tôi còn lan man những gì nữa. Không đâu, tôi sẽ không viết gì nhiều nữa mà chỉ chép tặng bạn một bài thơ. À, tới đây thì tôi đã thấy câu trả lời cho mình và có thể cho bạn, là tại sao tôi muốn viết tay, lá thư này, dù chữ tôi rất xấu. Bạn ơi, vì tôi muốn khi đọc bạn cảm nhận được sự chia xẻ, sự rung động từ tôi, qua nét chữ. Lá thư trình bày bằng máy điện toán, tuy đẹp đẽ nhưng nó sẽ vô hồn! Ấy, hai chúng ta thường lẩm cẩm như thế đấy.

Bài thơ tôi sắp chép tặng bạn đây, đối với tôi, không phải chỉ là một bài thơ. Đây là bài cáo trạng vạch trần tội ác của con người, bài hịch kêu gọi lương tâm nhân loại, bài kinh chiêu mộ những oan hồn vất vưởng ngay cả KHI CHƯA CHẾT, vì sống mà không có Tự Do còn tệ hơn sự chết!!!! Bài thơ này, mới đọc qua tưởng như chỉ là lời tự thuật của một ông thầy tu bị bứng khỏi am thất, bị buộc cởi áo ca-sa, bị đẩy vào chân tường khổ nhục, bị tước đoạt điều đầu tiên và cuối cùngmọi người, mọi loài đều cần có. Đó là TỰ DO. Nhưng nếu bạn đọc lại lần thứ hai, hoặc đọc một lần mà đọc chậm, từng lời thơ sẽ chảy vào cơ thể bạn như liều thuốc độc đang bơm vào gân máu hay như bình nước biển đang truyền sức hồi sinh. Thuốc độc hay nước biển, tùy mỗi người cảm nhận. Ranh giới giữa sự sống và cõi chết mong manh lắm, chỉ là một hơi thở nhẹ mà thôi! Ông thầy tu này đã từng đứng trên bờ Sinh Tử, đã từng bị sự ác độc vô minh nhận chìm tận đáy vực sâu địa ngục, ở đó, con người chỉ còn hai lối thoát: TỬ hoặc BẤT TỬ.

Và ông thầy tu đã Bất Tử vì ông đã dạy những kẻ vô minh bài học của Tổ Sư Tử thời xưa khi vua nước Kế Tân nghe lời xàm tấu, sách gươm đến hỏi Tổ “Ngài giảng pháp, nói ngũ uẩn đều huyễn, vậy cho ta cái đầu được không?”. Tổ điềm nhiên trả lời “Năm uẩn còn không, huống chi cái đầu”. Nói rồi Tổ kê đầu dưới gươm bén cho vua chặt.

Ông thầy tu, tác giả bài thơ tôi sắp chép cho bạn cũng từng mang án tử hình. Sau hơn mười lăm năm, với sự tranh đấu quyết liệt của các cơ quan nhân quyền khắp thế giới, những kẻ tước đoạt nhân phẩm của ông đã phải nhượng bộ, nhưng chúng còn vớt vát, bắt ông ký vào giấy xin khoan hồng rồi mới thả. 

Êm ả như trăng thu nhưng cũng rực lửa như mặt trời, ông thầy tu khắc khổ, ốm yếu đã lạnh lùng, nhỏ nhẹ, xua bàn tay gầy mà tạo nên sức mạnh của cuồng phong sấm sét bằng câu: “Không ai có quyền xét xử tôi; cũng không ai có quyền ân xá tôi”.

Câu nói đó, hình ảnh đó đã đi vào lịch sử Việt Nam, nói chung; và lịch sử Phật Giáo Việt Nam, nói riêng.

Đến đây thì bạn đã đoán được tác giả bài thơ tôi sắp chép tặng bạn là ai. Vâng, bạn đã đoán đúng. Đó là Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, người đang vì trùng trùng đau hận của chúng sanh mà nhỏ Lệ-Quán-Âm. Bạn đừng vội khóc, hãy bình tĩnh đọc đi. Những nét chữ xấu xí nguyệch ngoặc này là tâm tôi đang ở bên bạn đó. Bài thơ trầm thống viết dưới tựa đề:

BÀI CA CUỐI CÙNG

Chim trời xếp cánh

Hát vu vơ mấy tiếng trong lồng

Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm

Ủ tâm tư cho hạt thóc cay nồng

Rát bỏng với nỗi hờn khổ nhục

Nó nhịn ăn,

Rồi chết gục.

Ta đã hát những bài ca phố chợ:

Người ăn mày kêu lịch sử đi lui;

Chàng tuổi trẻ cụt chân từ chiến địa

Vỗ lề đường đoán mộng tương lai

Lộng lẫy chiếc lồng son

Hạt thóc căng nỗi hờn

Giữa tường cao bóng mát

Âm u lời ca khổ nhục

Nó nhịn ăn,

Và chết.

Ta đã hát bài ca của suối:

anh hùng bẻ vụn mặt trời

Gọi quỷ sứ từ âm ty kéo dậy

Ngập rừng xanh lấp lánh ma trơi.

Đêm qua chiêm bao ta thấy máu

Từ sông Ngân đổ xuống cõi người

Bà mẹ xoi tim con thành lỗ

Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời.

Lồng son hạt cơm trắng

Cánh nhỏ run uất hận

Tiếng hát lịm dần,

Nó đi về vô tận

Tôi dừng bút ở đây. Tôi cần quá, một ly nước lạnh, vì chợt khởi niệm phạm giới khi nghĩ đến hớp rượu mạnh cay nồng, may ra mới bật tràn được những giòng lệ uất hờn từ lâu tiềm ẩn

Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.

 Tháng Tư 2005 


NÚI RỪNG HỢP TẤU 

“Anh cúi xuống, nghe núi rừng hợp tấu

Bản tình ca vô tận của Đông Phương.

Chưa cần biết tác giả là ai, nếu chỉ tình cờ nghe hai câu thơ này, bạn cảm thấy gì? Có đang xúc động như tôi không?”

Điện thư gửi cho bạn chỉ có thế, tôi tưởng đã là ngắn. Năm phút sau, bạn gửi lại, còn ngắn hơn “Tuyệt vời! Hùng tráng!”

Nhận hồi âm ngắn ngủi này tôi đã buột miệng thốt lên “Ôi hạnh phúc!” vì tôi biết tâm hồn chúng ta đang cùng phím tơ rung. Như con ong say mật, tôi chẳng thể không gọi bạn để chúng ta cùng lắng nghe nhau. Mà chúng ta đã nghe gì? Bạn điều chỉnh tôi chính xác lắm! Chúng ta đâu có nghe nhau nói, chúng ta đang cùng nghe núi rừng hợp tấu bản tình ca vô tận của Đông Phương.

Khi xưa, trong tăng đoàn của Phật có Đại Đức Baddhiya từng là quan tổng trấn quyền uy tột bực nhưng đã rũ bỏ hết giầu sang danh vọng để theo Phật tu học. Tại rừng Trúc Lâm, Đại Đức Baddhiya cùng Đại Đức Kassapa phát nguyện chỉ thiền quán và ngủ ngoài rừng cây chứ không dựng am thất. Một đêm, sau giờ thiền tập, Đại Đức Kassapa nghe bạn mình thốt lên: “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc!” Một vị sa môn đạo hạnh thường lặng lẽ chuyên cần thiền định mà thốt lên lời bộc phát niềm hân hoan là điều khá bất thường. Hạnh phúc nào mà lớn lao đến thế? Hạnh phúc đó chính là phút nhận chân được sự tự do, tự tại, thanh thản mênh mang tuyệt đối.

Đại Đức đã nhận ra khi còn là quan Tổng trấn quyền uy nhưng lúc nào cũng mơ hồ thấy sự hiểm nguy, sợ hãi vây quanh. Bây giờ, ngủ giữa rừng cây, bao quanh là núi, trên trời là sao, tâm chánh định an nhiên nên chẳng có gì để sợ, bạc tiền danh vọng không buộc ràng nên chẳng có gì để mất. Vững chãi như núi rừng, vằng vặc như trăng sao, mênh mông như vạn hữu, tất cả, tuy thầm lặng mà quyện vào nhau, hùng tráng vô song, làm sao mà núi rừng ấy, trăng sao kia chẳng hợp tấu thành bản tình ca vô tận?

Không biết khi xưa, Đại Đức Baddhiya thốt lên “Ôi hạnh phúc!” ngài có hạnh phúc như chúng ta không? Bạn phát biểu rằng tác giả hai câu thơ này phải là người chứa trong lồng ngực trái tim lớn mầu hồng. Tôi giả ngây thơ mà hỏi “Sao thế?” Bạn vội vã nói ngay “Núi vẫn đó, rừng vẫn đây tự ngàn năm hùng vĩ nhưng có phải ai cũng nghe thấy núi rừng hợp tấu đâu! Người nghe được bản trường ca vô tận của Đông Phương là người còn phải thấy, núi không chỉ là núi, rừng không chỉ là rừng mà rừng núi đó chính là quê hương, là dân tộc, là tình người, là những gì thiêng liêng bất diệt như muôn sông ra biển, như sóng vỗ bờ lại trở ngược đại dương”

Bạn yêu cầu tôi đọc nguyên bài thơ và khoan nói tác giả là ai. Bạn không dặn tôi cũng không vội nói vì biết tên tác giả có thể vô tình tạo ra phần nào định kiến trước khi đọc tác phẩm. Tôi chậm rãi nhấp một ngụm trà. Đầu giây bên kia bạn kiên nhẫn đợi. Vị trà sen rất thanh khiến tôi tự tin là giọng mình sẽ không đến nỗi tệ khi diễn tả. Và tôi đọc bài thơ “Những năm anh đi” với xúc động tràn đầy như lần đầu đã đọc:

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng

Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn

Triều đông hải vẫn thì thầm cát trắng

Chuyện tình người và nhịp thở của 

Trường Sơn

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị

Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng

Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ

Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối

Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang

Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi

Từng con sông, từng huyết lệ lan tràn

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu

Đôi vai gầy từ thủa dựng quê hương

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu

Bản tình ca vô tận của Đông Phương

Rồi ngày ấy anh trở về phố cũ

Giữa con đường còn ngợp khói tang thương

Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ

Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương

Tôi đã đọc hết bài thơ, chờ 5 giây không nghe bạn nói gì. Tôn trọng niềm xúc động của bạn, tôi cũng lặng thinh. Chúng ta không cần nói gì nữa vì nghe nhịp thở của nhau cũng như đang nghe nhịp thở của Trường Sơn. Ôi, Trường Sơn từng oằn mình gánh chịu bao mưa gió phũ phàng của đất trời, bao oan khiên vùi dập của lòng người vô minh, nhưng Trường Sơn vẫn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Chúng ta có thể thấy ngay tại sao tác giả bài thơ lấy hình ảnh Trường Sơn làm bối cảnh. Trường Sơn là “xương sống” của giải đất hình chư S mà tiền nhân chúng ta đã đổ bao xương máu dựng nên và gìn giữ.

Trường Sơn như người cha dũng cảm, như người mẹ nhu hòa luôn có đó, vì con và cho con. Nhưng người con là ai? đi đâu mà đi miệt mài thế? Chúng ta đã cùng lúc nhận ra người đó chính là chúng ta, là muôn triệu người Việt Nam đang quẩn quanh, thống khổ ngay trong lòng đất mẹ! Cùng với muôn triệu bóng đen âm thầm, lầm lũi đi giữa lòng quê cha đất mẹ mà sao như đi giữa âm ty? Sao phố thị ngột ngạt? Sao rừng sâu cạm bẫy? Sao suối cạn? Sao máu lệ tuôn tràn tức tưởi những con sông? Chỉ bởi một kẻ thù duy nhất. Kẻ đó tên là Vô Minh. Vì ngu si, vì tăm tối, kẻ mang tên Vô Minh đã chưa từng thấy được trời xanh, mây trắng, chưa từng nghe được gió chiều hát khúc thương yêu, chưa từng biết tận hưởng quà tặng tuyệt vời mà bông hoa ven đường đang trân trọng hiến dâng …… Thế nên, những kẻ vô minh đó đã ngỡ cái vô thường là thường, vô ngã là ngã, khổ là lạc, không là tịnh.

Chính vì bị tam thược ràng buộc nên kẻ vô minh đã sợ hãi, đã cuồng loạn vơ vét ảo vọng, vùi dập, tàn phá những gì trên đường chúng đi. Chúng đã biến quê cha đất mẹ thành nhà tù vĩ đại, biến đồng bào ruột thịt thành những tù nhân không bản án, biến đồng xanh thành cỏ dại, biến cánh bướm mùa hè thành sâu mọt mùa đông. Chúng không ngại mà hiện nguyên hình Vô Minh vì đang có quyền sinh sát trong tay. Nhưng thương thay, quyền sinh sát đó là gì? Chúng thường nhìn chặng cuối của đời sống là sự chết mà không biết rằng CHẾT XỨNG ĐÁNG LÀ SỰ SỐNG BẤT DIỆT

Tác giả bài thơ “Những năm anh đi” là nhân chứng suốt thời vô minh tàn độc đó. Đi giữa máu lệ oan khiên, người ấy thanh thảndũng mãnh, thầm lặng mà pháp loa vang dội, áo mỏng chân trần mà làm run rẩy binh đao vì người ấy đang mang hình ảnh thiền sư “thõng tay vào chợ” để cứu độ chúng sinh. Chính hình ảnh bình tâm thanh thản giữa chốn xôn xao đã giúp chúng sinh đang quằn quại thống khổ đạt được hạnh vô úy.

Khi không còn gì để sợ hãi thì dù nơi địa ngục ta vẫn nghe vang dội âm thanh núi rừng hợp tấu bản tình ca vô tận

Bản tình ca này chưa từng rời nhịp bước đoàn lữ hành tự đốt đuốc trên đường tìm về Trung Đạo.

Tác giả bài thơ này chưa từng rời thế-gian-pháp.

Tự nguyện tải đạo cứu đời, ngài đã bước vào nhà Như Lai từ tuổi ấu thơ. Ngài là Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, là vị Thiền-sư đang thõng tay vào chợ. Qua chính bản thân mình, Ngài đã và đang gửi một thông điệp đơn giản: “Không sức mạnh nào ngăn nổi âm thanh mênh mông vô tận trên không gian bát ngát. Đó là âm thanh của núi rừng hợp tấu.” 

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

 Tháng 5, 2005

Mùa Phật Đản lần thứ 2629
 


LUỐNG CẢI CHÂN ĐỒI

Thời Phật còn tại thế, trong một mùa an cư, Đức Phậttăng đoàn có mặt tại thị trấn Vejanra khi nơi này đang bị mất mùa và dân chúng khắp vùng lâm nạn đói trầm trọng. Kho lúa dự trữ của thị trấn cũng được lệnh mở ra phân phát nhưng như gió lùa vách trống, muối bỏ đại dương, đâu đâu cũng thấy những bóng người dật dờ vì đói. Chính dân chúng cũng không có thực phẩm thì lấy gì cúng dường người tu hành. Thế nên, nhiều vị sa môn từng ôm bát về không sau giờ khất thực. Ngay Đức Phật cũng nhiều lần về lại khu rừng trú ngụ mà không có một hạt cơm trong bát!. Nhưng Đức Phật vẫn an nhiên thiền định và sau khi xả thiền, vẫn nói pháp. Cái đói là một thực thể nhưng cái thực thể đó như không làm vẩn đục sự nhiệm mầu.

Tất nhiên, tình trạng này không thể kéo dài. Đại Đức Moggallana đã trình Đức Phật, xin Người cùng tăng đoàn hãy di chuyển về miền Nam, nơi không gặp nạn đói. Đức Phật đã ôn tồn bảo Đại Đức Moggallana rằng: “Không được đâu, chúng ta đã đến đây khi dân chúng gặp đói khổ, chúng ta phải ở lại để chia xẻ, để an ủi và để hướng dẫn tâm linh họ trước ách nạn này. Trách nhiệm chúng ta phải lớn hơn ở những nơi cùng khổ” Đại Đức đã quỳ xuống sám hối trước lời từ bi của Đức Phật nhưng lòng rất khổ đau khi thấy Thế Tôn ngày một tiều tụy nên một lần lại thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn, con thấy trong rừng có một khỏang đất cây cỏ mọc rất xanh tươi, như vậy, đất dưới đó phải có chất dinh dưỡng tốt. Xin Thế Tôn cho phép con đào lên, lấy phần đất mềm ở dưới, hòa tan vào nước cũng có chút bổ dưỡng cho cơ thể”. Đức Phật lại nhu hòa mà nói rằng: “Không đâu, nếu cây cỏ nơi đó xanh tươi là nhờ đất tốt, ta đào lên, cây sẽ chết, đó là chưa kể còn biết bao côn trùng đang ẩn thân dưới phần đất mềm đó. Đại Đức an tâm, dân chúng đói, chúng ta cùng đói; dân chúng còn đó, chúng ta sẽ còn đây”.

Sự thanh thản an nhiên của Đức Phậtsức mạnh vô song giúp tăng đoàn giữ chánh niệm. Và sự nhiệm mầu đã xảy ra khi mọi người thấy Đại Đức Ananda, sau khi khất thực về đã lui cui nhặt củi khô nhóm lửa, đặt một đĩa sắt nhỏ lên và lấy trong túi ra gói giấy đựng dúm bột mầu vàng. Đại Đức nói với huynh đệ đang chăm chú vây quanh rằng: “đây là cám, cám nuôi ngựa, chúng ta rang cho thơm rồi dâng lên Thế Tôn dùng đỡ lòng. Hôm nay, khi khất thực, tôi gặp người lái buôn ngựa vừa di chuyển qua đây. Ông ta từng được nghe Thế Tôn thuyết pháp nên phát tâm cúng dường, nói với tôi rằng, khi sa môn nào không xin được thực phẩm thì ghé qua trại ngựa, nhận một phần cám; và chỉ khi nào không xin được gì hãy ghé nhận cám vì cám này cũng là xẻ bớt từ phần ăn của 500 con ngựa. Với khả năng hạn hẹp, ông ta chỉ có thể cúng dường như thế mà thôi. Ông ta vốc cho tôi một nắm, tôi xin một phần nữa để dâng Thế Tôn và đang rang đây”.

Cám nuôi ngựa của người lái buôn đã đến kịp thời trước khi những cơn mưa kỳ diệu đổ xuống hồi sinh sự sống của cây trái, mùa màng ….. 

Sự nghèo đói nơi nào cũng có, thiên tai lúc nào cũng bất ngờ xảy ra nhưng ở mỗi nơi và lòng mỗi người, thái độ chấp nhận nghèo đóithiên tai khác nhau. Cùng trong ngục tối, chịu chung sự hà khắc giam cầm, vậy mà, người thì bình thản, kẻ lại loạn cuồng. Sự khác nhau do từ nội lực, từ trí tuệ quán chiều lẽ vô thường. Đối với bậc tu hành chân chính các ngài dễ dàng khắc phục khó khăn vì khi đối cảnh chẳng sanh tâm thì tâm sẽ lặng. Ấy thế mà giữa thời vô minh cai trị, chúng ta thấy thấp thoáng những lời thơ thống hận, những giòng lệ khôn ngăn từ bậc cao tăng. Gặp những chia xẻ này, người Phật tử chớ hấp tấp nhận định, vì Bát Nhã phải được đón nhận bằng trí tuệ mới liễu ngộ được uyên nguyên. Chữ nghĩa chỉ là phương tiện từ chương mà thôi. Bằng phương tiện đó, các ngài đã dũng cảm nói thay cho những người không còn được nói, khóc thay cho những người không còn được khóc, nên lời ta thán đó chính là lời từ bi an ủi, nước mắt đó chính là cam lộ Quán Âm

Vác cuốc xuống chân đồi

Nắng mai hồng đôi môi

Nghiêng vai hờn tuổi trẻ

Máu đỏ rợn bên trời

Sức yếu, lòng đất cứng

Sinh nhai tủi nhục nhiều

Thân gầy, tay cuốc nặng

Mắt lệ nóng tình yêu.

Không người Việt Nam nào đọc mấy câu thơ này mà không thấy ngay hình ảnh những vùng được kẻ vô minh gọi là “kinh tế mới”. Sự mỉa mai đáng thương hại ở ngay nơi tên gọi “huy hoàng” đó vì bất cứ ai bị cưỡng bức tới những “thiên đường” này đều không tìm thấy, nhìn thấy cái gì là “kinh tế” cả! Khi Vạn Lý Trường Thành được xây xong, mấy ai không biết rằng bức tường xuyên mây vượt núi hoàn thành không chỉ bằng gạch đá mà còn bằng vô số mạng người! Nhưng mạng người trong tay bạo chúa có hơn gì ruồi kiến! Bức tường còn đến ngày nay, được coi là kỳ quan thế giới, người đến thăm có rợn bước chân đi? có nghe bao oan hồn thoảng trong gió núi? Có cảm được gạch đá rưng rưng hờn uất khôn tan?

Cũng những nơi gọi là vùng kinh tế mới này, kẻ nắm quyền lùa dân vô tội, phán lời rằng “sỏi đá phải thành cơm!”

Thầy tóc trắng bơ vơ

Con mắt xanh đợi chờ

Đèn khuya cùng lẻ bóng

Khúc ruột rối đường tơ

Tuổi Thầy trông cánh hạc

Cánh hạc vẫn chốc mồng

Mắt con mờ ráng đỏ

Ráng đỏ lệ lưng tròng 

Hỡi những ai tranh đấu cho Tự Do, Nhân Quyền,

Hỡi những nhà thống kê đại tài trên thế giới,

Có vị nào đếm nổi số oan hồn đã thành sỏi đá trên những vùng “sỏi đá phải thành cơm” không?

Lành thay, sứ giả Như Lai đã chưa từng vắng mặt với điêu linh, nên bằng pháp âm vi diệu mà:

Chân đồi xanh luống cải

Đời ta xanh viễn phương

Sống, chết, một câu hỏi

Sinh nhai lỡ độ đường.

Mưa pháp đã rạt rào trên oan khổ để chúng sinh trở về chánh niệm, biết được chỉ là “lỡ độ đường” thôi, là thoáng chốc, là một sát na thôi, làm sao hoen ố được mầu xanh viễn phương của chân như bản thể?

Nếu biết tác giả bài thơ này là ai, chắc quý Phật tử muôn phương sẽ thành tâm hướng về trời Nam mà đảnh lễ. Vâng, người đang nói lời thống hận thay cho hơn 80 triệu đồng bào là Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, vị sứ giả Như Lai đang theo bước chân Phật khi xưa là ở lại với nơi cùng khổ để “chúng sanh đói, ta cùng đói; chúng sanh còn, ta sẽ còn”.

 Tháng 5, 2005

 Mùa Phật Đản lần thứ 2629
 


LÁ XA MÙA

Hình ảnh một thiền sư chậm rãi thiền hành trong nắng mai hay an nhiên lặng lẽ tĩnh tọa giữa rừng chiều là tặng phẩm tuyệt đẹp cho những ai có tâm hồn nhạy cảm, chợt tình cờ nhìn thấy.

hình ảnh đó là tuyệt tác phẩm nghệ thuật.

hình ảnh đó long lanh sâu thẳm tâm linh.

hình ảnh đó là hài hòa tuyệt đối giữa mộng và thực, giữa đạo và đời, giữa mong manh và hùng tráng.

Tự thân đã diễm lệ như thế nên không mấy thiền sư, từ nhà Như Lai bước vào đời hoằng pháp mà không ghé qua cánh cửa thơ mộng của thi ca. Ở đó, hạc trắng vỗ cánh bay lên từng không, rơi rụng đôi vọng âm của làn sáo gió, thánh thót của hạt mưa bay, rạt rào của lớp sóng xô bờ. Ở đó, thiền sư quán công án giữa mênh mang trầm bổng thi ca, một lời thốt lên như hoa nở, tiếng mõ nhịp xuống như sương rơi, giòng chuông ngân dài như hồ biếc. Khi nào thiền là thơ? Khi nào thơ là thiền? Những câu như vầy, từ thi sỹ hay thiền sư:

Một con én, một đoạn đường lây lất

Một đêm dài nghe thác đổ trên cao

Ta bước vội qua dòng sông biền biệt

Đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao …

Làm sao để tâm thế gian hạn hẹp phân luận được, khi thi sỹ đã đạt tới tuyệt đỉnh của thơ và thiền giả đã đạt tới không tịch của đạo?

Hãy thử một đêm dài nghe thác đổ trên cao, tìm hào khí ngất trời của người xuống núi với thanh gươm Bát Nhã.

Rồi đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao, thắp lên tình tự cực kỳ thơ mộng của thi nhân.

May ra chúng ta mới biết cám ơn hoa trái nhiệm mầu.

Đã nếm hương đạo vị diệu kỳ, ta sẽ an nhiên, dù đi giữa vô minh. Này nghe:

Bóng ma gọi tên người mỗi sáng

Từng ngày qua, từng tiếng vu vơ

Mưa xanh lên tóc huyền sương nặng

Trong giấc mơ lá dạt xa bờ …

Đó, nhẹ tênh! Tiếng ma gọi hay tiếng cai ngục điểm danh chẳng hơn gì tiếng vu vơ trời đất vì trong mỗi chúng ta đã có sẵn một ngôi nhà Phật tráng lệ, vững vàng. Thế nên, thiền sư tĩnh tọa rồi, lại mơ màng thi sỹ:

Người đứng mãi giữa lòng sông 

nhuộm nắng

Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa

Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng

Nhưng về đâu, một chiếc lá xa mùa!

Trời hỡi! Âm thanhhình ảnh của “Lá xa mùa” tuyệt diệu quá! Lá xa mùa là lá đâm chồi quá sớm hay úa tàn quá trễ? Quá sớm cũng đã thấy đọt xanh; quá trễ cũng đã thấy nhuốm vàng, nhưng nhìn kỹ đi, chẳng phải lá ấy mùa xuân mới xanh, mùa thu mới vàng mà ngay khi lá nhuốm vàng đã đang dành lại nhựa sống cho mầm xanh; và lá xanh vươn lên, đem hoa trái cho đời rồi lại cùng với đất, vun bón cây cao. Có chiếc lá nào xa mùa đâu! Xanh hay vàng, lá vẫn ở cùng mùa đấy chứ vì TRONG SINH DIỆT VỐN SẴN MẦM BẤT DIỆT. Ấy vậy mà thi sỹ mơ màng đùa cợt để thiền sư thoáng mỉm nụ cười. Có phải nơi giòng thơ này, chúng ta đã thấy thiền sư và thi sỹ là một, nên ngôn ngữ thi ca và nguồn thiền mới hài hòa tuyệt kỷ đến thế!

Người yêu thơ chưa vơi rung cảm, người tọa thiền chưa xả phút tịnh-như, mà gió thơm đã bát ngát không gian, phả xuống tận đáy lòng giòng tự tại Bát Nhã:

Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng

Người mãi đi như nước chảy xa nguồn

Bến bờ lạ, chút tự tình với bóng

Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm. 

Thời Phật còn tại thế, một lần, đang tĩnh tọa trong rừng lau, Ngài bỗng nghe những tiếng chân chạy rầm rập rồi, năm, bảy thanh niên xuất hiện. Người đi đầu hỏi Phật:

- Thưa sa môn, ngài ngồi đây lâu chưa? Có thấy một cô gái chạy qua đây không?

Phật hỏi:

- Chuyện gì thế?

Đám thanh niện tranh nhau nói về buổi du ngoạn mà họ tổ chức, có đem theo một vũ nữ để ca múa giúp vui, nhưng khi tiệc tan, thừa lúc họ mệt mỏi nằm nghỉ dưới gốc cây thì người vũ nữ kia đã lén lấy hết tiền bạc và bỏ trốn.

Nghe câu chuyện, Phật ôn tồn bảo:

- Thật sự lúc này các em cần tìm người vũ nữ hay cần tìm chính mình?

 Đối với đám thanh niên con nhà giầu ấy, có lẽ chưa từng nghe ai hỏi câu hỏi lạ lùng vậy. Nhưng tự thể câu hỏi đầy trí tuệ đã thu hút họ ngồi xuống quanh Phật để rồi được nghe ngài nói về giá trị của phút giây hiện tại. Sau đó, một thanh niên đã rút ống sáo mang theo, thổi một bản nhạc để cám ơn bài pháp bất ngờ. Dứt tiếng, người thanh niên ấy nâng sáo lên, thưa Phật:

- Sa môn lắng nghe chăm chú lắm, sa môn có từng thổi sáo không?

Phật im lặng mỉm cười, nhận ống sáo. Ngước nhìn vạt nắng lung linh qua khe lá, ngài thong thả đưa sáo lên môi và bắt đầu thổi. Thoạt đầu chỉ là tiếng gió thoảng, rồi thông reo, rồi suối róc rách, rồi âm thanh rời rừng cây, vi vút trên đỉnh non, mênh mang qua đại dương, thong thả vuốt ve vườn thượng uyển thành Kapilavatthu năm nào, nơi công nương Yasodhara sai thị nữ đốt một đỉnh trầm hương thơm ngát và mời Thái Tử Siddhatta ngồi bên nàng, thổi sáo. Hương trầm ngát như thế, kỳ hoa dị thảo rực rỡ như thế, nhưng tiếng sáo vẫn nhẹ nhàng bay đi, bay cao, bay xa với tiếng gọi cực kỳ mầu nhiệm của tâm linh …. 

Đám thanh niên rúng động khi Đức Phật buông ống sáo xuống. Họ kinh ngạc nghe Đức Phật nói rằng khi còn là Thái Tử Siddhatta, ngài đã từng thổi sáo nhưng hơn bẩy năm khoác áo sa môn, ống sáo đã là vật quá khứ! Họ không thể tin rằng bẩy năm không tập dợt mà tiếng sáo còn tuyệt vời đến thế; nhưng sau khi xin thọ giới theo tăng đoàn tu học một thời gian, họ mới hiểu rằng, ta chỉ đạt tới tuyệt đỉnh nghệ thuật khi tìm thấy chính mình. 

Không còn gì hoài nghi để không tin rằng tác giả bài thơ “Mưa cao nguyên” đã tìm thấy chính mình. Cũng không phải chỉ mới bây giờ, mà như ông đã tìm thấy chính mình tự tiền thân, nên nhân gian đã có Thi sỹ Tuệ Sỹ; và chúng sanhThiền sư Thích Tuệ Sỹ. 

Lành thay! 

Tháng 5, 2005

Mùa Phật Đản lần thứ 2629 


CHIÊM BAO HẠC TRẮNG

Trong kiếp phù sinh, biết bao người đốt đuốc tìm tri kỷ mà lúc nhắm mắt xuôi tay cũng vẫn ngậm ngùi ôm mối cô đơn. Tri kỷ là thế nào mà hiếm hoi như vậy? Bá Nha một đời nhịp phách mà vắng Tử Kỳ cũng phách rã nhịp lơi! Phạm Thái lên yên, vó ngựa mãi dặm trường cát bụi thì Trương Quỳnh Như thà ngọc nát vàng phai! 

Thế mà, một kẻ ngây ngô giữa chốn ta-bà như tôi lại có tri kỷ ngay từ lúc mở mắt chào đời. Đó là cha tôi, người thường ôm tôi trên cánh tay nôi hồng, ru tôi bằng những câu hát: “Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê. Dưới sông, nhiều bến ai về có thấy đồng mía nương chè, với những tình thắm trên làng quê? Hồng Hà chơi vơi, giòng nước trên nguồn về khơi. Sông Thao, ngoài bến Việt Trì, có những chàng áo nâu về. Say mê giòng nước vui tràn trề ….” (1)

Tôi nghe kể lại rằng, mẹ tôi buồn cười lắm khi nghe cha hát ru tôi như thế vì đối với mẹ, đó không phải là những câu ru con ngủ. Ru con phải: “ À … ơi ….Đồng Đăng có phồ Kỳ Lừa. Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh ….” Hay: “Con cò con vạc con nông. Sao mày dẫm lúa đồng ông hỡi cò? …” Mẹ tôi chất phác như thế nên càng chế nhạo khi cha ru tôi bằng những câu hát rực lửa đấu tranh hơn: “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u. Thu ru, bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một mầu khói thu. Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang. Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn mầu nước sông Lô xưa …” (2)

Tình tự dân tộc và tình yêu quê hương đó đã đưa tôi vào những giấc mộng êm ái đầu đời chứ không phải “Con cò, con vạc, con nông …” Tôi nói rằng tôi may mắntri kỷ ngay từ khi mở mắt chào đời là như thế. Cha không phải chỉ cho tôi máu thịt xác thân mà trong sự nhiệm mầu không thể giải thích, cha còn khai sinh cho tôi một đời sống tâm linh phong phú. Là con gái mà tôi tâm sự với cha những chuyện đáng lẽ chỉ nói với mẹ. Tôi hoàn toàn an tâm khi cha biết tôi đang nghĩ gì và làm gì. Cha luôn là người đầu tiên đọc những bài thơ non nớt mà tôi cặm cụi “sáng tác”. Chẳng phải cha chỉ đọc thôi mà còn lấy những câu đắc ý, để dưới mặt kính trên bàn làm việc. Cha vào tiệm vải mua lụa trắng cho tôi may áo khi thấy áo tôi bị vấy mực, tế nhị và kín đáo kẹp vào tập sách những tờ giấy bạc mới để tôi chi tiêu, khẽ khàng trách mẹ tôi khi tôi bị la rầy vì đôi điều lặt vặt trong bếp núc ….. Lúc nào cha cũng ở đó, bên tôi, và trong tâm hồn tôi như bóng với hình. 

Vậy mà!!!!!! ……

Cơn hồng thủy tháng tư 75 đã bứt tôi ra khỏi núm ruột!

Tôi nổi trôi bến bờ xa lạ.

Cha vào tù trả nợ nước non.

Bá Nha đập đàn khi Tử Kỳ ngã gục.

Phạm Thái si cuồng vì oan khuất Quỳnh Như.

Thư nhà gửi sang, kèm mảnh giấy nguyệch ngoạc cha viết khi đi nhận gói quà đầu tiên của con gái “Trời mưa, gió giật, cầu khỉ trơn nhơ mỡ, giầy dép là đất sình lại càng trơn, sợi giây kẽm để vịn tay đu đưa liên hồi, kẻ bật ra xa, người co lại gần, mất thăng bằng tạo ra mất thăng bằng liên tục. Mới nhích được một phần tư cầu, cha nhìn xuống con suối, nước chảy xiết dưới chân mà hoa cả mắt. Rồi cũng phải nhìn lên, trấn tĩnh lại, cố nhích dần cho người khác lết tới. Sợi giây kẽm quái ác hết lôi cha ra, lại đẩy cha vào. Gió giật liên hồi, đôi giầy toàn đất bùn trên thân cây gỗ chỉ còn là sình trộn nước mưa, như không có cái gì khả dĩ giúp cha đi tiếp được nữa.

Cha đành đứng yên tại chỗ, nhìn ra mới được nửa con suối, liếc sang bên bạn đồng tù, mặt ai cũng trắng bệch thì biết chắc mình cũng tái mét. Thật là nghìn cân treo sợi tóc, lui chẳng được, tiến cũng chẳng xong … Nhưng nghĩ đến mẹ, đến các con, cha nhất định không để giòng suối cướp mất gói quà, nên dưới mưa ấy, gió ấy, cha xoay ngang chân mà nhích đi, thẳng nhìn lên, không màng đến giòng suối cuồn cuộn dưới chân. Cha thầm khấn Trời Phật, còn để có hôm nay, không lẽ lại cướp đi tình thương của một người tưởng chừng tuyệt vọng! ….”

Mảnh giấy đó, với thời gian, càng cũ nát nét chữ như lại càng hiển hiện. Khi cha về với Phật thì từng hàng chữ trở thành từng nét khắc chạm trong đáy hồn tôi. Với những nét khắc chạm đó, tôi lao vào giòng sông lịch sử, tìm cha như đi tìm chính mình. Và nơi giòng sông đó, một chiều mưa bay, tôi run rẩy cảm nhận những vết khắc trong hồn mình mờ ảo, lung linh, giòng sông lênh láng trên cõi lòng người con vọng về cha. Đó là khi tình cờ đọc một bài thơ. Không phải, không đơn giản thế! Đó không chỉ là bài thơ. Với tôi, bài thơ này là một trang kinh:

“Mười lăm năm, một bước đường

Đau lòng lữ thứ đoạn trường Cha ơi!

Đêm dài tưởng tượng Cha ngồi

Gối cao tóc trắng rã rời thân con

Phù sinh một kiếp chưa tròn

Chiêm bao hạc trắng hãi hùng thiên cơ

Tuần trăng cữ nước tình cờ

Lạc loài du tử mắt mờ viễn phương

Tàn canh mộng đổ vô thường

Bơ vơ quán trọ khói sương đọa đầy.” 

Hơn mười năm tụng kinh cho cha, đến trang kinh này tôi mới khóc được. Khối uẩn tình òa vỡ như mặt trời chiếu rọi đỉnh băng sơn. Nước mắt chảy trên những vết khắc mười năm, nhòa dần oan khuất để cha nhẹ nhàng hạc trắng vỗ cánh thênh thang. Vâng, tôi thấy được cha rồi. Đó là hình bóng Cha Lạc Long Quân chưa từng bao giờ rời xa con trẻ, dù trong hạnh phúc hay nơi khổ đau, dù trên thiên đàng hay dưới địa ngụcrốt ráo, đàn con trăm trứng chỉ có một cội nguồn. Kẻ nào phủ nhận, lội ngược giòng dân tộc sẽ tự hủy diệt. 

Trang kính tạ ơn Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, tác giả bài thơ “Thương nhớ” tôi đã được đọc trong một chiều mưa bay … 

Tháng 5, 2005

Mùa Phật Đản lần thứ 2629

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/07/2015(Xem: 12702)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.