KHÔNG PHÙ HỢP VỚI VĂN HÓA TỪ BI CỦA ĐẠO PHẬT
Việt Văn
* Nhiều người dân đi chùa vẫn hay cầu tài lộc, dù Đức Phật đã xa lánh con đường danh lợi để trở thành bậc thầy tâm linh. Số đông thì cầu sức khỏe, nhưng Đức Phật cũng phải nhập niết bàn. Vậy thưa Thượng tọa, đi chùa chỉ nên cầu an?
- Theo tinh thần Phật giáo, người mới bắt đầu tu học mới cầu nguyện. Còn người đã tu học chuyên sâu thì phát nguyện, chứ không cầu riêng cho bản thân và gia đình. Phát nguyện là mở tâm ra hướng về tha nhân, mà rộng hơn nữa là hướng về tất cả chúng sinh, tất cả muôn loài. Nội hàm của nó là cầu nguyện hòa bình, thịnh vượng, phát triển cho tất cả... Phật tử vô chùa để tham gia các khóa tu, khóa kinh, nghe bài thuyết giảng để tâm bình an, áp dụng những hiểu biết vào cuộc sống, chứ không đặt nặng vấn đề cầu nguyện.
* Đầu xuân, người dân nô nức đi chùa để xin lộc. Trước đây, lộc chùa chỉ là nắm xôi, phẩm oản... giản dị đơn sơ, nhưng ngày nay xin lộc chùa không dừng lại ở đó. Thậm chí không ít người dân còn tranh cướp lộc, lấy lộc vài lần, cho rằng như thế mới may mắn. Phải chăng khái niệm xin lộc đã bị hiểu sai, biến tướng?
- Phật giáo nhiều khi nương theo tập tục dân gian, khi dự chùa người dân muốn mang lộc về, và đúng ra chỉ là trái cây, tấm bánh, không quá quan trọng, nhưng nhiều khi lại rất cần thiết, để cảm thấy bình an, như một sự hỗ trợ về mặt tinh thần.
Việc tranh cướp lộc là hành vi không phù hợp với văn hóa từ bi của đạo Phật. Nhưng nó chỉ thường diễn ra trong các lễ hội không được tổ chức bài bản, bị biến tướng, làm mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Còn hằng năm, ở các chùa vào các ngày lễ tết, lễ văn hóa, việc phát lộc diễn ra rất đơn giản, bài bản, trật tự và trang nghiêm, quần chúng xếp hàng trật tự chờ đợi lấy lộc, không có cảnh tranh giành, cướp đoạt.
* Trong Phật giáo có khái niệm xin lộc, phát lộc không, thưa thầy? Và làm sao để việc phát lộc được văn hóa, văn minh?
- Trong đạo Phật không có khái niệm xin lộc, phát lộc, mà cái này là văn hóa dân gian có nguồn gốc phát xuất từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến Phật giáo qua tiếp biến văn hóa. Để phát lộc cho văn minh, hiện đại, phải tổ chức phát lộc, gắn với văn hóa xếp hàng. Chùa nào phát lộc phải có thông báo hướng dẫn, giờ giấc cố định và phải xếp hàng, sẽ khiến mọi việc thuận tiện, đỡ mất thời gian của mọi người, phát quà được ổn định. Chùa nhỏ phải làm, chùa lớn càng phải làm.
* Việc đốt vàng mã không bắt nguồn từ Phật giáo mà từ tín ngưỡng bản địa ở ta, nhưng nhiều chùa vẫn dung dưỡng, và tự do cho người dân tiến hành. Theo thầy, nên hạn chế hay ngăn cấm tập tục này?
- Theo văn hóa Phật giáo thì đốt vàng mã thuộc về mê tín, xuất phát từ nhận thức dân gian có nguồn gốc từ Trung Quốc là âm sao dương vậy. Người còn sống cho rằng người thân của họ qua đời, trở thành hư linh hay ma quái tồn tại dưới lòng đất, tức là âm phủ. Vì thế phải đốt vàng mã cho người đó tiêu xài.
Theo triết học Phật giáo, sau khi chết, người ta tái sinh ngay lập tức và 10 ngày sau có khi đã tái sinh thành cậu bé, cô bé mới, thì sao còn hưởng thụ tiền vàng mã... Và dù là hàng mã hay hình nộm thì đó là sự lãng phí tiền, phá hoại của cải vô ích, lại gây ô nhiễm môi trường mà người chết không sử dụng được. Theo Phật giáo, tập tục này cần được chấm dứt, không khích lệ dưới bất cứ hình thức nào.
Chính phủ đã cấm đốt vàng mã nơi công cộng. Tôi muốn mở rộng chuyện cấm đốt vàng mã ở mọi nơi, ngay cả ở tư gia, và phải có chế tài xử phạt người vi phạm. Số tiền mua vàng mã nên làm từ thiện, để giúp đời cứu người, giảm bớt nỗi khổ niềm đau cho tha nhân.
* Việc bỏ tiền công đức cũng là một vấn nạn khi nhiều người dân “vô tư” bỏ tiền lên bàn thờ, thả tiền dưới chân tượng, thậm chí nhét tiền vào tay tượng, mồm tượng. Việc làm đó diễn ra ở nhiều chùa, lễ hội mà không thấy nhà chùa và ban quản lý lễ hội có ý kiến gì? Theo thầy, có nên làm biển nhắc nhở người dân để tiền công đức đúng nơi quy định không?
- Tôi nghĩ thói quen nhét tiền vào dưới đế tượng Phật, miệng tượng Phật, bỏ vào chuông, để lên bàn thờ ở các chùa miền Bắc và Bắc Trung Bộ là thói quen rất tiêu cực, cần phải được cải thiện. Hiện tượng đó không xảy ra ở các chùa phía Nam, người dân luôn bỏ tiền vào hòm “Phước sương”.
Để giải quyết tình trạng để tiền công đức bừa bãi, các chùa phải có người đứng ra tổ chức, hướng dẫn, nhắc nhở quần chúng. Nếu được nhắc nhở, tôi tin chỉ sau một mùa tết là đâu vào đó. Còn nếu các chùa quá dễ dãi, để ai thích gì bỏ chỗ nấy thì từ thói quen không tốt dẫn đến thành tập tục mê tín - phản cảm văn hóa, gây ảnh hưởng đến sự tôn kính, thờ phượng theo tinh thần Phật dạy.
* Thầy có lời khuyên gì để đầu xuân, người dân đến chùa thực sự là một tập tục văn hóa và văn minh?
- Mục tiêu cao quý nhất của quần chúng khi đến chùa là để học hỏi tính cao quý của Phật Bồ tát và thực hành ngay trong cuộc sống. Đừng tốn tiền đốt nhang, vàng mã gây ô nhiễm môi trường, làm dơ các tượng Phật. Đổi tập tục đốt nhang, vàng mã thành bỏ tiền vào làm công đức, làm Phật sự và các hoạt động từ thiện.
Quần chúng đến chùa còn để tìm sự bình an, nên hãy dành thời gian trải nghiệm, tĩnh tâm, tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật chứ không chỉ đến cầu nguyện, van xin rồi đi về. Bình an trong tâm là cả một quá trình làm chủ cảm xúc, làm chủ thái độ tâm tư, lối sống, làm chủ thói quen, thì ước muốn mới thành hiện thực. Nếu không ước muốn đơn thuần chỉ là ước muốn, còn khoảng cách rất xa với thực tế.
Quần chúng cái gì không biết thì nên hỏi tăng ni và Phật tử, chứ không nên tự làm không đúng cách. Có một câu hỏi đặt ra là tại sao chuyện này hay chuyện khác không xảy ra ở các tôn giáo khác mà chỉ xảy ra ở các ngôi chùa. Bởi vì, các tôn giáo khác có tổ chức rất bài bản từ T.Ư đến địa phương. Trong khi các chùa còn để tự ý thức, tự giác và nếu hiểu không đúng dễ đi đến lệch đường.
Tóm lại, khi đến chùa, mọi người đừng đặt nặng vấn đề cầu nguyện, van xin, đốt nhang, vàng mã... Đến chùa để dành thời gian thực tập tu tập, để tâm bình an, được sống hạnh phúc, để mọi sự diễn ra theo ý muốn trên nền luật nhân quả.
- Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa.
(Báo Lao Động)
- Từ khóa :
- Tranh cướp lộc