VU LAN
Đức Quang
Là ngày tri ân, tưởng niệm, nghĩ về, truyền thông và nối kết giữa con cái và cha mẹ.
Ngày Vu Lan của phương Đông tương đương với 'ngày của Cha và ngày của Mẹ' theo truyền thống phương Tây. Dù đông hay tây, tình cha nghĩa mẹ luôn được trân trọng và cao quý. Nhưng có điều đặc biệt hơn, ngày Vu Lan không chỉ tri ân và nối kết với đấng sinh thành hiện còn tại thế mà còn báo hiếu kỳ siêu tưởng niệm những vị đã không còn hiện hữu.
Công cha nghĩa mẹ cao như trời biển, phận làm con cần ghi lòng tạc dạ. Đức Phật dạy những công ơn của đấng sinh thành: "Cha mẹ đã làm nhiều cho con cái. Cha mẹ nuôi nấng, nuôi dưỡng con khôn lớn, giới thiệu con vào cuộc đời này." (1) Nhớ để, một luôn kính trọng; hai không ngỗ nghịch; ba biết lắng nghe; bốn để báo ân báo hiếu; năm giữ vững những nề nếp gia phong; sáu biết tự lập; bảy sống tử tế đúng nghĩa 'người'; tám nỗ lực không ngừng học tập; chín hướng đến chân thiện mỹ; cuối cùng biết yêu đất nước. Vậy nên, người con hiếu đạo phải là người biết tri ân, tưởng niệm, nghĩ về công cha nghĩa mẹ.
Hơn nữa, người con trưởng thành phải có trách nhiệm truyền thông và nối kết để hướng đạo cho cha mẹ, nếu cha mẹ chưa tìm thấy nẻo đạo giải thoát. Phật dạy: "Nhưng người nào mà cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích hướng dẫn và tạo dựng niềm tin nơi cha mẹ; đối với mẹ cha không giới hạnh, hướng dẫn và đưa cha mẹ vào nếp sống giới hạnh; đối với mẹ cha keo kiệt bủn xỉn, hướng dẫn và đưa cha mẹ đến chỗ biết bố thí; đối với mẹ cha thiếu trí tuệ, hướng dẫn và đưa cha mẹ vào trí tuệ. Làm được như vậy, một người mới có thể báo đáp được ơn của cha mẹ." (2) Đây là lời khai thị mở ra một nghĩa vụ mà một người con đúng nghĩa phải thực hiện, không dừng lại ở không ngỗ nghịch mà phải nỗ lực học đạo để khi trưởng thành có tuệ giác làm người hỗ trợ cho cha mẹ tu đạo.
Qua đó, Vu Lan không dừng ở cầu nguyện mà còn khơi dậy ý thức hành động. Cầu nguyện là tự hứa với chính mình trước sự chứng giám của tổ tiên, là xác định một lẽ sống hiền thiện, hướng về ánh sáng tốt lành để sống đời hướng thượng. Ý thức trách nhiệm của bản thân với chính mình, ý thức hành động dựa trên lý trí của mình. Tất cả để sống đúng nghĩa một con người, con người nhớ ân, tri ân và báo ân. Vậy nên, Vu Lan là lễ hội của ba hành động: một là giáo dục tính người, tình thương và tri ân báo ân; hai là tăng cường truyền thông gia đình và kết nối sợ dây truyền thống văn hóa có đạo nghĩa; ba là tạo cơ hội để một người con thực hiện nghĩa vụ cao cả của mình với cha mẹ. Chính vì lẽ đó, đừng biến Vu Lan thành ngày lễ thuần túy cầu xin sơ cứng đầy mê tín, hãy để Vu Lan sống như ý nghĩa hành động đầy nhân văn.
Tóm lại, Vu Lan là ngày vun bồi tâm hiếu hạnh hiếu. Chân báo ân báo hiếu là hoàn thiện nhân cách bản thân, sống một đời hạnh phúc và sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ cả vật chất lẫn tinh thần trong khả năng. Tất cả bắt đầu với việc con cái biết tri ân, tưởng niệm, nghĩ về, truyền thông và nối kết với cha mẹ trong ngày Vu Lan và giữ mãi tinh thần hiếu đạo trong tâm suốt một cuộc đời, tiếp tục truyền trao cho thế hệ mai sau.
Vu Lan, 2.9.2017.
Đức Quang
(1) Tăng Chi I, 147.
(2) Tăng chi bộ kinh 2.32.
- Từ khóa :
- Vu Lan