Giữ Vẹn Lời Thề - Cuộc Tình Năm Trăm Kiếp

30/05/20214:09 SA(Xem: 4281)
Giữ Vẹn Lời Thề - Cuộc Tình Năm Trăm Kiếp

blankGIỮ VẸN LỜI THỀ

- Cuộc tình năm trăm kiếp –
(Hoa Lan - Thiện Giới)

  

giu ven loi theThuở ấy nơi thành Ca Tỳ La Vệ của xứ Ấn Độ nhiều tín ngưỡng, nhiều giai cấp và nhiều bất công, đấy là nơi lý tưởng cho họ sinh ra và gặp nhau để nối mối lương duyên kết thành vợ chồng trong kiếp cuối cùng.

 Chàng là Thái tử phước báu đầy người với 32 tướng tốt, sức khỏe phi thường. Nàng là công chúa nước nhỏ láng giềng, dung mạo đoan trang và diễm kiều, lúc nào cũng là đối tượng thu hút cho các vương tôn công tử con nhà quyền quý đến tuổi kén vợ. Nhưng duyên trời đã định sẵn cho họ thành vợ chồng, nên cho dù anh chàng Đề Bà Đạt Đa có ba đầu sáu tay đến đâu, có mưu mô giành giật tới đâu cũng không chiếm được trái tim nàng công chúa khả ái này. 

Tuy nhiên để cho công bằng và theo đúng luật lệ của hoàng gia, các chàng phải thi đấu trong tất cả các bộ môn từ cung cho tới kiếm, ai chiến thắng sẽ được làm phò mã.

Nàng công chúa lá ngọc cành vàng không cần phải hồi hộp đến suýt chết ngất. Hoàng tử của lòng nàng nhất định sẽ chiến thắng tất cả các bộ môn thi đấu một cách vẻ vang và nhận vòng hoa chiến thắng từ tay nàng choàng lên cổ. Cuộc tình đã bắt đầu bay vào quỹ đạo!

Sau tiệc cưới linh đình họ sống những chuỗi ngày thật hạnh phúc trong "Cung Vui", chỉ lấy đàn hát tiệc tùng làm thú vui tiêu khiển, đúng như lời cố vấn của các quan đại thần trong triều:

-  Tâu Bệ Hạ! Chỉ có lưới tình là vây được Thái tử

"Ngàn vạn sợi giây đồng không buộc nổi những ý tưởng phiêu lưu mà một sợi tóc của mỹ nhân cũng đủ giữ lại như bỡn", đúng như lời văn của tác giả Võ Đình Cường trong Ánh đạo vàng.

Nhưng vua cha đã lầm, cả quần thần cũng lầm theo. Làm sao có thể cản được ý chí của một người đã từng a tăng kỳ kiếp quyết tâm đi tìm đạo giải thoát để cứu vớt chúng sinh ra khỏi kiếp trầm luân, xa rời biển khổ. Bây giờ lại đòi lấy sợi tóc của mỹ nhân, cũng chính cái người đã cùng thề nguyền với chàng, có Phật Nhiên Đăng làm chứng, sẽ giúp đỡ người trên con đường tìm ánh đạo vàng đã năm trăm kiếp. Giờ đây kiếp cuối cùng, chỉ còn là câu hỏi của thời gian. Bao giờ? 

 

Dĩ nhiên nàng Da Du Đà La không dễ dàng gì để người yêu dấu của mình ra đi một cách tự nhiên. Nàng đau khổ lắm! Mỗi cử chỉ, hành động gì hơi khác thường của chồng, nàng đều cảm nhận được, cái ngày ấy sắp đến rồi đây! Mất chàng là mất tất cả! 

Trong những giấc chiêm bao, nàng thường thấy ác mộng, chẳng phải là điềm lành chỉ toàn cuộc chia ly đến toát mồ hôi hột. Nàng vẫn là người mà! Vẫn đầy đủ các giác quan với hỷ, nộ, ái, ố, thất tình lục dục. Làm sao nàng có thể chịu cảnh người chồng yêu quý của mình sẽ rũ áo ra đi vào một giờ hoàng đạo nào đó? 

Chẳng thà không biết thì thôi, nàng sẽ sống một cách vô tưhạnh phúc bên chồng cho đến giây phút định mệnh ấy! Nhưng đằng này, tâm đã vướng nặng, nàng sống trong trạng thái căng thẳng đến cùng cực.

Nhiều đêm tỉnh giấc, nàng thổn thức khóc với chồng kể lại những giấc mơ chia lìa, liên tục xuất hiện trong giấc ngủ mộng mị của mình.

Thái tử phải dỗ dành khuyên nhủ, mong nàng hãy chịu hy sinh hạnh phúc cá nhân, để chàng ra đi tìm đường cứu khổ cho tất cả chúng sinh, trong đó có cả chàng và nàng. Chàng đi rồi chàng sẽ về, chứ có đi luôn đâu mà nàng lo sợ. 

Lời khuyên chí tình, chí nghĩa ấy chỉ làm công chúa khô tan dòng lệ lúc bấy giờ, chứ không xóa bỏ hết nỗi đau canh cánh bên lòng của nàng.

 

Thái tử vẫn luôn luôn thì thầm bên tai nàng:

-  Ta biết nàng đang bị cái ái biệt ly làm đau khổ, nhưng hãy tin ta! Hãy để ta đi tìm chân lý chữa được bệnh khổ cho nàng. 

Công chúa trộm nghĩ, chính chuyện chàng đòi ra đi nên mới làm em khổ. Thôi, chàng cứ việc đi cứu chúng sinh đi, em chẳng cần chàng cứu nữa đâu?

 

Cuộc sống vợ chồng của họ bên ngoài thật là hạnh phúc, ai thấy cũng ngưỡng mộ trầm trồ, nhưng có biết đâu bên trong lại đầy những trăn trở, thao thức ngút ngàn. Cái người bị dằn vặt nhiều nhất vẫn là Thái tử kính yêu của chúng ta, mỗi lần chứng kiến một cảnh tượng khổ đau trong bốn chữ: sinh, lão, bệnh, tử của muôn loài. Chàng lại quyết tâm cho lý tưởng đã nung nấu từ lâu. Nhất là thấy cảnh người vợ trẻ vật vã u sầu chỉ vì ý tưởng người thân của mình sắp rũ áo ra đi. Mới nghĩ thôi nhé! Nếu đi thật rồi không biết sẽ sống ra sao? 

Từ đó chàng nhất quyết phải đi tìm ánh đạo vàng, càng sớm càng tốt không thể chần chờ. Nhưng là người con hiếu hạnh, chàng phải làm tròn trách nhiệm và bổn phận với gia đình cùng tổ quốc, để lại đứa con trai để nối dõi tông đường, giữ gìn ngôi báu.

 

Đêm hôm ấy là một đêm trăng tròn, ánh trăng đã lên cao trên đỉnh núi. Thái tử nghĩ rằng đây là giờ đã điểm! Chàng bước nhẹ vào phòng, nhìn vợ con đang say giấc điệp trên giường, một cái nhìn giã biệt trước khi dấn thân vào cuộc hành trình đầy sương gió. Lòng chàng đau như cắt khi nghĩ đến người vợ trẻ với con thơ, rồi đây sẽ ra sao khi vắng bóng mình?

Chàng gục đầu trên giường một hồi lâu để trấn áp cơn xúc động, rồi đứng bật dậy thật nhanh để cương quyết ra đi. Chàng đã làm như thế đến ba lần, ba lần chào tạm biệt, trong khi công chúa vẫn ôm con ngủ an lành, không hề biết đến cơn sóng lòng như bão táp của Thái tử đang xảy đến gần bên. 

Rồi cuối cùng chàng cũng ra đi với con ngựa Kiền Trắc và anh chàng đánh xe Xa Nặc, bỏ lại sau lưng cung vàng điện ngọc cùng vợ quý con khôn.

 

Thái tử phóng như bay trên lưng con ngựa Kiền Trắc, phía sau là Xa Nặc, đi trong đêm tối, vượt qua biết bao là cánh rừng, đồng bằng, để cuối cùng dừng chân trước một dòng sông, rồi thốt câu "Con đường mòn đến đây là dứt nẻo".

 

Văng vẳng đâu đây tiếng hát của các em sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử tại một ngôi Chùa nào đó bài Dòng A-Nô-Ma:

 

"Dòng A-Nô-Ma, sóng nhấp nhô bờ dâu xanh.
Nhìn làn nước biếc, Thích Ca ngài lòng vững bền.
Thôi con hãy về, để ta vui ánh vàng.
Ta quyết tìm đạo sáng cứu chúng sinh.
A-Nô-Ma vẫn còn nhớ theo gương sáng ngời.
Chúng ta giờ đây nguyện theo Đức từ bi".

Thôi thế cũng xong nguyện ước của Thái tử, nhưng còn nửa phần đời của chàng ở lại ra sao? Một nửa mảnh không phải là ít, mà nửa mảnh này đã theo chân chàng đến năm trăm kiếp. Rất may trong luật đi đầu thai, ai cũng phải uống bát cháo lú để quên tất cả mới có thể lập lại cuộc đời trong kiếp lai sinh. Do đó công chúa cũng không là ngoại lệ, nàng chỉ biết khi gặp Thái tử lần đầu đã đem dạ mến yêu. Nhất định phải lấy cho bằng được làm chồng, nếu không sẽ ở vậy suốt đời. Người đời cho rằng đó là duyên nợ ba sinh, kết nhau đến ba kiếp.

Nhưng trường hợp này quá đặc biệt, phải đợi đến khi Thái tử đi tu chứng đến quả vị Túc Mệnh Minh, trí tuệ phi phàm, mới thấu rõ được tất cả các kiếp của mình trong quá khứ, mới kể cho nàng rõ. Nhưng thôi, đấy là chuyện của tương lai. Giờ đây chúng ta hãy nghe tiếng than của người vợ trẻ trên tay ẵm con thơ mới vài ngày tuổi như thế nào? 

 

Đã từ lâu công chúa đã có linh cảm, sẽ đến một ngày người chồng của nàng sẽ rũ áo ra đi, sẽ hy sinh tất cả để đi tìm ánh đạo vàng cứu độ chúng sinh. Đến lúc hạ sanh được hoàng nam, nàng những tưởng tin vui và bổn phận sẽ khiến chàng chần chờ thêm một thời gian nữa, sẽ cùng nàng lo cho con đến khi cứng cáp. Nhưng sự thể hôm nay khiến nàng nằm yên như chết lặng cả toàn thân!

Nàng phải giả vờ ngủ say cho chàng đủ can đảm dứt áo ra đi. Nàng đã khóc nhưng nước mắt phải nuốt ngược vào trong kẻo chàng thấy rồi mềm lòng, rồi nhụt chí. Chẳng phải vũ khí đáng ngại của người phụ nữ là nước mắt hay sao? 

Lúc chàng gục đầu trên giường đau đớn, nàng muốn ngồi nhổm dậy chạy vội đến ôm chàng khóc lóc cho vơi hết nỗi đoạn trường. Nhưng lý trí của nàng đã kiềm hãm lại, không, trăm lần không, vạn lần không, nàng không thể cản bước chân chàng. Phải gát bỏ tình riêng cho lợi ích tình chung, bao nhiêu sinh linh đang lầm than chờ đợi bước chân chàng. 

Cứ thế cả hai tâm hồn đang giao động cực kỳ, nhưng bên ngoài vẫn yên lặng như tờ. Chỉ nghe tiếng thở đều đặn của cậu bé La Hầu La, đang nằm ngủ yên trong vòng tay mẹ. 

 

Lúc Thái tử thật sự ra đi, công chúa mới dám cho hai dòng lệ nóng lăn dài trên đôi má trắng hồng. 

Cuộc đời vẫn không ngừng trôi. Công chúa phải tự mình vực dậy sau cái đêm hôm ấy! Nàng phải trả lời vua cha và mẫu hậu như thế nào về tội ngủ say đến độ, chồng đi mà không biết tìm cách cản lại. Nhất là vua Tịnh Phạn, nổi tiếng nóng nảy, ngài mà lên cơn thịnh nộ thì sợ khiếp lên được! 

Nhưng giờ đây công chúa đã mang áo giáp trí tuệ mượn của Phật Nhiên Đăng, người đã thọ ký cho họ thành vợ chồng đến năm trăm kiếp. Nàng đã giữ vẹn lời thề, giúp đỡ chàng trong kiếp cuối cùng để thực hiện nguyện ước tối thượng thừa ấy!

Ngoài tiền tuyến chàng xông pha sương gió chống bọn Ma Vương, thắng trận giặc lòng. Nơi hậu cung nàng dạy dỗ con thơ và hiếu thuận với gia đình chồng. Ngoài ra nàng còn gửi người đi truy tìm dấu vết của chàng, biết chàng ăn mặc đơn giản sống đời khổ hạnh, nàng cũng từ chối mọi lối sống cao sang, chỉ đắp y vải thô và ăn ngày một bữa cho đồng cảm với chàng. 

Thiên hạ bảo họ có thần giao cách cảm với nhau. Không những thế họ còn đọc được tư tưởng của nhau, những ưu tư trong cuộc sống...

 Cho đến một ngày chàng giác ngộ thành một đấng chánh đẳng chánh giác với mười danh hiệu rạng ngời. Lúc ấy Ngài mới trở về độ cho nàng. 

Ngày Đức Thế Tôn trở về thành Ca Tỳ La Vệ để thăm vua cha và độ cho mẹ con nàng, không có xe hoa, võng lọng linh đình. Chỉ có một đoàn khất sĩ cầm bình bát đi đứng khoan thai và ung dung tiến vào cổng thành. Người đi trước đầu cạo tóc, quấn y bằng vải thô, tay cầm bình bát đi đến từng nhà để khất thực. Nhưng khuôn mặt tỏa ra một ánh sáng thật kỳ diệu vừa từ bi vừa trí tuệ đến rạng ngời. 

Công chúa Da Du Đà La nghe tin đã ra cổng phía Nam đợi sẵn, vừa thấy Ngài, nàng kêu lên ba tiếng: "Ôi! Thái tử". Rồi phủ phục khóc dưới chân Ngài.

Một vị đệ tử liền lên tiếng nhắc nhở, không nên để phụ nữ chạm đến thân thể thanh tịnh của một vị Phật. 

Người liền kể câu chuyện tiền kiếp, một kiếp xa xưa đã mấy ngàn năm, ta là một gã lái buôn sống với vợ ở đối diện một hòn đảo có nhiều ngọc quý. Nhà nghèo túng ta phải đi làm xa, vợ ta khóc lóc ngăn cản vì sợ ta gặp hiểm nguy. Nhưng không thể thấy vợ nghèo túng, ta đành dứt tình vượt biển ra khơi. Sau thời gian làm việc khó khăn, ta mò được một viên ngọc quý, nên quyết định trở về. Đến nhà thấy cảnh dân gian đói kém, vợ nằm bất tỉnh vì sắp chết đói. Ta đem ngọc đi đổi một nắm gạo, vợ ta thoát chết nhờ nắm gạo ấy, nàng ứa lệ:

-   Ôi quả thật, tình chàng đối với em vô bờ bến! 

 

Khi tình thương đã vượt ra ngoài sự ràng buộc của dục vọng, không có gì làm vẩn đục được. 

 

Nhưng theo tài liệu khác, cuộc gặp gỡ giữa công chúaĐức Thế Tôn xảy ra hoàn toàn trái ngược với các diễn biến trên. Nàng không chạy ra Cửa Nam đón rồi ôm chân Ngài khóc như các nhi nữ thường tình khác, mà cố thủ trong cung, tự nhủ lòng: "Nếu ta còn chút đức hạnh thì Ngài sẽ tự tìm đến ta". Nàng chỉ đứng trên lầu theo dõi bước đi của các vị Sa Môn và chỉ cho cậu bé La Hầu La biết:

-    Người đi đầu tiên kia là cha của con. Hãy xuống xin cha chia cho gia tài! 

Và cậu bé làm thật, được cha cho đi theo tăng đoàn

Công chúa rất muốn được xuất gia tu theo đạo giải thoát, không chỉ dừng ở vai trò người cư sĩ. Vả lại nàng đâu còn người thân bên cạnh để ràng buộc, nàng quá được tự do! Nhưng thân phận người phụ nữ xứ Ấn Độ, ai cho phép nàng đi tu?

Mãi đến khi Di Mẫu Kiều Đàm Di dẫn theo phái đoàn các phi tần cung nữ gồm năm trăm người, trong đó có nàng. Đi bộ với chân đất mấy ngày trời tới tịnh xá Trúc Lâm xin Đức Phật cho xuất gia, nhưng vẫn bị từ chối. Cảm thương tấm lòng cầu đạo của phái đoàn, ngài thị giả A Nan đã dùng tài ăn nói ba lần thuyết phục được Đức Thế Tôn thâu nhận người nữ vào hàng Ni Chúng, nhưng phải lãnh thọ Bát kỉnh pháp.

Đoạn kết của câu truyện tình năm trăm kiếp rất ư là có hậu, con trai của họ trong kiếp cuối cùngLa Hầu La trở thành một trong số mười vị Đại đệ tử của Đức Phật, chứng quả vị A La Hán trong thời hiện tiền và sẽ thành Phật trong các đời về sau.

 

Hai hình ảnh cùng sự kiện gây ấn tượng nhiều nhất rút ra từ suốt năm trăm kiếp ấy là:

.  Trong kiếp thứ nhất, lúc chàng trai Thiện Huệ nhận được năm cành sen của cô gái định mệnh trao tặng. Chàng đã tung lên trời để cúng dường Cổ Phật Phổ Quang, năm cành sen ấy lơ lửng trên không trung biến thành năm tòa sen uy nghi sáng ngời. Hình ảnh ấy ngầm cho thấy, chàng Thiện Huệ cứ việc tu hành tinh tấn, bên cạnh chàng lúc nào cũng có đóa sen hương sắc an ủi, nâng đỡhy sinh cho chàng chóng thành nguyện ước.

.   Trong kiếp cuối cùng, hình ảnh đẹp nhất vẫn là cảnh Đức Phật thọ ký cho Ni Sư Da Du Đà La thành Phật trong Cõi Thiện Quốc với hiệu là Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai như trong Kinh Pháp Hoa ở Phẩm Trì.

 

 

Hoa Lan - Thiện Giới.

Tháng 4 - 2020.

 

 

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/07/2015(Xem: 12799)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.