Từ Bửu Sơn Kỳ Hương Đến Tứ Ân Hiếu Nghĩa & Phật Giáo Hoà Hảo Tập 1, Tập 2 & Tập 3
TỪ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
ĐẾN TỨ ÂN HIẾU NGHĨA &
PHẬT GIÁO HOÀ HẢO
TẬP 1, 2 & 3
Từ Bửu Sơn Kỳ Hương Đến Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hòa Hảo - 1
Từ Bửu Sơn Kỳ Hương Đến Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hòa Hảo - 2
Từ Bửu Sơn Kỳ Hương Đến Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hòa Hảo - 3
MỤC LỤC TỔNG QUÁT
_________________________________________
TỪ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG ĐẾN TỨ ÂN HIẾU NGHĨA & PHẬT GIÁO HOÀ HẢO (TẬP I)
1. Đức Phật Thầy Tây An & Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (P-1)
2. Đức Phật Thầy Tây An & Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (P-2)
3. Phật Thầy Tây An & Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (P-3)
4. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (P-4)
5. Đức Quản Cơ Trần Văn Thành (P-1)
6. Đức Quản Cơ Trần Văn Thành (P-2) Hào Khí Của Cuộc Khởi Nghĩa
7. Đức Quản Cơ Trần Văn Thành (P-3) Từ Một Tín Đồ Thuần Thành Bửu Sơn Kỳ Hương Trở Thành Anh Hùng Chống Pháp (P-1)
8. Đức Quản Cơ Trần Văn Thành (P-4) Từ Một Tín Đồ Thuần Thành Bửu Sơn Kỳ Hương Trở Thành Anh Hùng Chống Pháp (P-2)
TỪ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG ĐẾN TỨ ÂN HIẾU NGHĨA & PHẬT GIÁO HOÀ HẢO (TẬP II)
9. Những Vị Đệ Tử Nổi Tiếng Của Đức Phật Thầy Tây An (P-1)
I. Tăng Chủ Bùi Thiền Sư (?-?)
10. Những Vị Đệ Tử Nổi Tiếng Của Đức Phật Thầy Tây An (P-2)
Ông Đình Tây (1826-1914)
11. Những Vị Sau Thời Đức Phật Thầy Tây An
I. Đức Phật Trùm (?-1875)
12 Những Vị Sau Thời Đức Phật Thầy Tây An (P-2)
Sư Vãi Bán Khoai
13 Tứ Ân Hiếu Nghĩa & Bổn Sư Ngô Tự Lợi (P-1)
Cuộc Trường Kỳ Kháng Chiến Của Bổn Sư Ngô Tự Lợi Từ 1867 Đến 1890 (P-1)
14.Tứ Ân Hiếu Nghĩa & Bổn Sư Ngô Tự Lợi (P-2)
Cuộc Trường Kỳ Kháng Chiến Của Bổn Sư Ngô Tự Lợi Từ 1867 Đến 1890 (P-2)
15. Tứ Ân Hiếu Nghĩa & Bổn Sư Ngô Tự Lợi (P-3)
TỪ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG ĐẾN TỨ ÂN HIẾU NGHĨA & PHẬT GIÁO HOÀ HẢO (TẬP III)
16. Hệ Phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa
17. Chùa Tam Bửu: Tổ Đình Của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Đạo Của Trung Với Nước-Hiếu Với Các Bậc Sinh Thành Rất Gần Gủi Với Người Miền Tây
18. Đức Huỳnh Phú Sổ Và Phật Giáo Hoà Hảo (P-1)
I. Thân Thế Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ (1920-1947)
19. Đức Huỳnh Giáo Chủ Và Phật Giáo Hoà Hảo (P-2) Đức Thầy Vắng Bóng
20. Đức Huỳnh Phú Sổ Và Phật Giáo Hoà Hảo (P-3)
Phật Giáo Hoà Hảo Trên Vùng Đất Phương Nam
ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN
Căn cứ theo bia mộ của đức Phật Thầy Tây An tại chùa Tây An Cổ Tự trên Núi Sam, xã Vĩnh Tế, Châu Đốc, đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1) tên thật là Đoàn Văn Huyên (1807-1856), sinh vào tháng 10 năm Đinh Mão (2), 1807, tại làng Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, Sa Đéc, xưa thuộc huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh; nay là xã Mỹ Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay chúng ta không có nhiều tư liệu về gia đình của ngài (3), chỉ biết ngài sinh ra trong một gia đình nông dân, cha mất sớm, được mẹ nuôi dưỡng đến trưởng thành, nhưng không có tư liệu gì về tên họ thật của mẹ ngài. Tuy nhiên, trên bàn thờ Tổ Đường ở Chùa Mộ Bà, nơi thờ mẹ của đức Phật Thầy tại vùng Rạch Cái Nai, Long Xuyên lại thấy thờ hai họ Hoàng và họ Lê. Theo các bô lão trong vùng Chùa Mộ Bà thì mẹ của đức Phật Thầy họ Lê, nhưng không biết tên gì.
Theo truyền thuyết, sau khi cha mất, hai mẹ con đức Phật Thầy bị các bác và các chú đuổi đi vì muốn tranh đoạt điền thổ hương hỏa, nên hai mẹ con phải bỏ làng ra đi, sống rày đây mai đó, quanh quẩn tại các vùng cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Chính vì vậy mà ngay từ lúc còn nhỏ, ngài đã thấy được sự cùng khổ của dân chúng lại thêm sự hà hiếp bóc lột của đám quan lại phong kiến, nên khi lớn lên, ngài đã đi khắp các miền sông nước của vùng đất phương Nam để ra tay cứu độ dân lành. Ngài du phương biền biệt (4), rày đây mai đó, vì vậy mà ngài bị quân lính triều đình nghi ngờ là gian đạo sĩ, vì họ không biết ngài tu với thầy nào, hoặc với dòng truyền thừa nào của Phật giáo.
Đến năm Kỷ Dậu, 1849, ngài quá giang ghe thương hồ trở về bản quán. Thân quyến lúc đó chỉ còn hai người anh chú bác là ông Đoàn Văn Điểu và Đoàn Văn Thuyên. Tuy nhiên, hai người này không nhận ra ông vì đã bao năm trời cách biệt. Sau khi nhận ra ngài thì hai vị khuyên ngài nên ở lại bản quán để lập nghiệp. Nhưng ngài bảo rằng ngài phải đi đây đó để giúp người. Thế rồi ngài lại giã từ người thân và tiếp tục cất bước lên đường. Cũng trong năm này, nhiều nơi trong vùng Cù Lao Ông Chưởng và các vùng lân cận đang bị dịch tả hoành hành, hễ ai mắc bệnh là chết, không phương cách gì cứu được. Sau khi từ giã người thân ra đi, ngài đã dạo khắp vùng Tòng Sơn, tạm trú sau hè các đình làng, giả dạng làm một người bất bình thường, nói năng có vẻ quàng xiên, hư hư, thực thực, hành động cũng khác thường hơn thiên hạ... cốt để gây sự chú ý trong dân chúng. Vì thế mà dân chúng trong vùng thường gọi ngài là “Ông Đạo Khùng.” Một hôm, thôn Tòng Sơn có người lâm bệnh, mọi người đều hoang mang lo sợ. Người thì chạy đi kiếm thuốc, kẻ thì lập bàn hương án van vái, cầu Trời khẩn Phật. Trong khi đó thì ban hội tề hương chức trong làng bàn tính chuyện giết gà giết heo để làm lễ tống ôn, tống gió hy vọng có thể cứu giúp được phần nào. Nhân cơ hội này, ngài đã đứng ra khuyên mọi người rằng “Bệnh thì nên dùng thuốc mà trị, chứ tống ôn tống gió làm gì. Hễ tống đi ắt phải có người nhận. Vậy thì ai nhận đây?” Tuy nhiên, những lời khuyên bảo của ngài lúc bấy giờ không được ai nghe theo, mà còn khiến cho các viên chức trong ban hội tề tức giận ra lệnh trục xuất ngài ra khỏi làng. Thế là ngài phải ra đi trong cơn nguy khốn của dân chúng trong bản làng.
Đến tháng 9 năm 1849 thì bệnh dịch đã phát triển nhanh và hoành hành cả một vùng rộng lớn. Tòng Sơn đã có quá nhiều người chết. Vì thế mà ban chức hội tề trong làng đề nghị ông Đoàn Văn Điểu cùng đi đến Trà Bư để thỉnh ngài trở về Tòng Sơn trị bệnh cho dân làng, nhưng lúc này thì ngài không bỏ về được vì dân Trà Bư cũng đang bị bệnh rất nhiều. Ngài khuyên các ông này nên trở về sau hè đình làng nơi ngài đã từng trú ngụ, tìm cho được cái mo cau đựng đồ dùng của ngài, lấy những thuốc mà ngài đã cố tình để lại khi bị ban hội tề làng trục xuất khi trước, để trị cho dân làng. Ngài còn căn dặn là phải bảo người bệnh trước khi uống những thuốc này phải thành tâm van vái Trời Phật. Khi những người này trở về Tòng Sơn, tìm được cái mo cau, trong đó có thuốc, một tấm vải trần điều, một quyển sấm giảng, và một cây cờ ngũ sắc. Ngay sau đó, thuốc được phân phát cho những người bệnh, tấm trần điều và cờ ngũ sắc được treo ngay trước sân đình. Các viên chức trong làng thay phiên nhau đọc quyển sấm giảng cho dân chúng trong làng đến nghe. Sau khi thuốc đã phát hết mà bệnh vẫn còn, người ta bèn chặt luôn cây cờ ngũ sắc đốt ra làm thuốc. Thế mà nạn dịch ở Tòng Sơn lần hồi thuyên giảm và dứt hẳn ít lâu sau đó. Từ đó tiếng tăm của ngài vang dội khắp nơi. Nơi nơi bắt đầu thỉnh ngài đến để vừa trị bệnh, vừa thuyết giảng giáo lý Tứ Ân của Bửu Sơn Kỳ Hương (5) cho dân chúng.
- Từ khóa :
- Bửu Sơn Kỳ Hương
- ,
- Tứ Ân Hiếu Nghĩa
- ,
- Phật Giáo Hoà Hảo