THÁNG 10 NĂM 2024
TẠP CHÍ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ PHẬT TỬ VIỆT NAM
TẠI CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
Zeitschrift der Vietnamesen und buddhistischen Vietnamesen
in der Bundesrepublik Deutschland
CHỦ TRƯƠNG (HERAUSGEBER):
Congr. d. Verein Vietn. Buddh. Kirche e. V.
Karlsruher Str.6 - 30519 Hannover - Deutschland
CHỦ NHIỆM SÁNG LẬP: Hòa Thượng Thích Như Điển
CHỦ BÚT: Nguyên Đạo Văn Công Tuấn
QUẢN LÝ TÒA SOẠN Thị Tâm Ngô Văn Phát
Thư Tòa Soạn
Mùa Vu Lan, mùa hiếu hạnh của người con Phật bắt đầu từ đầu tháng 7 âm lịch mỗi năm và kéo dài cho đến cuối tháng 7 nhân lễ vía của Bồ Tát Địa Tạng Vương cũng chưa hết lễ bái, cầu nguyện. Có nơi còn kéo dài đến cả rằm tháng 8, Tết Trung Thu nữa. Tất cả cũng chỉ vì việc đền ơn đáp nghĩa hai đấng sinh thành và Ông Bà, Cha Mẹ, Tổ Tiên của chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp. Vì không có họ, chúng ta sẽ không có được sự hiện hữu bằng thân xác trên cõi đời này.
Khi trì tụng Kinh Vu Lan chúng ta thường thấy câu: Thường cầu nguyện Thung, Huyên an hảo. Cùng bảy đời Phụ Mẫu siêu thăng… Chữ Thung và chữ Huyên này là tượng trưng cho hai loài hoa để tưởng nhớ về Cha và Mẹ kể từ ngàn xưa cho đến nay. Nhưng rất ít người hiểu sâu xa về ý nghĩa này. Chữ Thung 樁 viết bằng Hán tự gồm bộ mộc bên trái ghép với chữ Xuân bên phải. Người xưa gọi là hoa Thung (tiếng Nhật gọi là Tsubaki no Hana). Hoa này nở vào mùa Xuân, cây thẳng đứng, lá dày và hoa thường ra màu hồng hồng; không đỏ mà cũng không tím. Người ta hay gọi là Thung Đường; tức là biểu trưng cho sức mạnh của người Cha thể hiện nơi mùa Xuân trong năm. Tự điển Thiều Chửu thì chỉ định nghĩa là: Đánh đập; một âm là tràng: cái cọc. Nghĩa là cốt cán, chính đáng. Tượng trưng cho người Cha; nên có nơi gọi là Thung Đường 樁 堂. Còn chữ Huyên 萱có nghĩa là: cây cỏ Huyên; một tên khác gọi là vọng ưu, lại gọi là Nghi nam, hoa lá đều ăn được cả. Kinh Thi có câu: Yên đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bối (sao được cỏ huyên, nói cây này ở sau nhà phía bắc; tức là hoa này vậy). Nhà phía bắc là chỗ đàn bà ở, vì thế nên gọi Mẹ là Huyên Đường 萱堂.
Như vậy ngày xưa khi nhắc đến hai bậc sinh thành thường hay nhắc đến hai loài hoa này; nên trong Kinh Vu Lan mới đề cập đến Thung Huyên là vậy.
Người Nhật thì có hoa Cẩm Chướng để biểu trưng cho tình mẹ trong ngày Haha no hi. Năm 1962 khi cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân còn du học tại Nhật, cố Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đã ghé thăm Ngài Thiên Ân, thấy tục lệ cài hoa cẩm chướng rất đẹp; nên sau khi về lại Hoa Kỳ, cố Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đã sáng tác tác phẩm Bông Hồng Cài Áo và sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc. Đây là một trong 150 tác phẩm của cố Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh sáng tác, không dày so với quyển cuối cùng nhan đề là Tri Kỷ của Bụt; nhưng tiếng vang thì khắp thế giới, cả người Việt lẫn người ngoại quốc khi mùa Vu Lan báo hiếu về được thể hiện qua bài Bông Hồng Cài Áo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đây là sự thành công của Ngài Nhất Hạnh đã để lại cho đời tác phẩm và bài ca bất hủ này về Mẹ.
Trong những ngày tới chúng ta còn có một sự kiện quan trọng khác, đó là Lễ Tiểu Tường của Cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Ngài không chỉ là một nhà lãnh đạo của GHPGVNTN trong nhiều chức vụ qua nhiều giai đoạn lịch sử, Ngài còn được biết đến là một nhà văn nổi tiếng, một học giả, một giáo sư đại học, một đại dịch giả, một nhà ngôn ngữ học, tôn giáo học, một nhà thơ, nhà văn, một người am hiểu âm nhạc Tây phương và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau v.v… Như vậy quả thật không biết chúng ta nên tôn xưng Hòa Thượng Tuệ Sỹ là gì để xứng đáng với những di sản cao quý mà Ngài đã để lại cho chúng ta.
Vào ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, tức 23.11.2023, Phật Giáo Việt Nam chúng ta đã mất đi một Thạch Trụ Thiền Gia, Văn học Phật Giáo Việt Nam mất đi một thiên tài. Tuy nhiên sự nghiệp của Ngài, những tác phẩm và dịch phẩm của Ngài vẫn còn đó. Nếu ai quan tâm thì xin hãy chú tâm lật vào những trang Kinh, trang sách sẽ gặp được Ngài ngay. Từ ý nghĩa đó, chúng tôi chọn chủ đề cho số Báo Viên Giác 263 này là: Di Sản Tuệ Sỹ, Dấu Ấn Không Phai để tưởng nhớ về Ngài, nhân dịp Lễ Tiểu Tường vào tháng 11 năm 2024.
Bộ Đại Tạng Kinh hoàn toàn bằng Việt Ngữ do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bắt đầu thành lập Hội Đồng Phiên Dịch từ năm 1973 và trong thời gian mấy năm gần đây Hòa Thượng Tuệ Sỹ đã chủ trương sẽ tạo thành ba tạng Thanh Văn, Bồ Tát và Mật Tạng; nhưng mới chỉ hình thành được 24 tập đầu của Thanh Văn Tạng và 5 bộ Tổng Mục. Đợt thứ hai sắp xuất bản cuối năm 2024 gồm 9 tập. Tất cả đều có tính cách hàn lâm, học thuật khi chúng ta so sánh với bộ Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương và đã cho xuất bản tất cả Kinh, Luật, Luận gồm 187 tập. Còn 15 tập sau cùng, cho đến tập 202 nay mai sẽ hoàn thành. Tất cả mọi sự cố gắng nào trong việc phiên dịch Đại Tạng Kinh ra Việt ngữ cũng đáng được tán thán. Bởi lẽ các nước Phật Giáo Tây Tạng, Nhật Bản, Đại Hàn… đều đã có tạng riêng của mình từ lâu. Riêng Phật Giáo Việt Nam chúng ta mới ở trong giai đoạn bắt đầu và sẽ đi đến chỗ hoàn thiện trong nhiều năm tới nữa. Do vậy kinh mong chư tôn Trưởng Lão, chư Thiện Hữu tri thức xin gia tâm trợ duyên bằng nhiều hình thức khác nhau để ba tạng Kinh điển bằng Việt ngữ sớm thành tựu như nguyện ước của chư vị Trưởng Lão tiền bối. Nếu chúng ta, thế hệ hậu bối thực hiện được việc này, chính là sự báo Phật ân đức không nhỏ vậy.
Bây giờ nhìn đâu cũng thấy thế giới bất an. Chiến tranh xảy ra khắp nơi trên quả địa cầu này, rồi động đất, thiên tai bão lụt, khí hậu biến đổi v.v… khiến nhân loại chúng ta dần dần đi vào ngõ cụt. Nếu chúng ta không lưu tâm tự bảo vệ chính mình bằng lòng tin nơi chư Phật và chư vị Bồ Tát, thì chúng ta vẫn mãi bị sanh tử chi phối. Ngài Honen (Pháp Nhiên) mới bảo rằng: ”Nhà Sanh Tử, do sự nghi ngờ mà chúng ta phải qua lại nơi đây nhiều lần. Thành Niết Bàn, do lòng tin mà dễ vào được”. Do vậy chúng ta nên có lòng tin chơn chánh để được chư Phật, chư vị Bồ Tát gia hộ cho trong hiện kiếp cũng như những đời sống về sau trên quả địa cầu này. Cầu Phật gia hộ cho niềm tin của chúng ta luôn kiên cố.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Ban Biên Tập Báo Viên Giác
- Từ khóa :
- Viên Giác Số 263