GẶP GỠ NHỮNG ĐẠO SƯ TÂM LINH
Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892), vị tiền nhiệm của Khyentse Rinpoche, đã trải qua mười ba năm du hành không mỏi mệt khắp Tây Tạng để thọ nhận hàng ngàn truyền thống và dòng truyền thừa khác nhau của thực hành Phật Giáo, trong đó nhiều truyền thống đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Ngài du hành thật khiêm tốn bằng đôi chân với một cái túi trên lưng – người ta nói rằng ngài đi mòn ba dôi giày. Khi đã cùng thâu thập những giáo lý quan trọng này, Khyentse và Đạo Sư vĩ đại khác là Jamgong Kongtrul đã cần cù biên tập, sắp xếp, và xuất bản chúng trong năm tuyển tập vĩ đại. Sau đó các ngài bắt đầu trao truyền cho các đệ tử sự giảng dạy khẩu truyền và những nghi lễ quán đảnh kèm theo những bản văn này, truyền thống sống động mà nếu không có chúng thì một mình những pho sách sẽ chỉ lưu giữ được một giá trị tượng trưng cho những thế hệ tương lai.[3]1 Như thế nhờ bảo tồn rất nhiều những giáo lý quý báu, Khyentse Wangpo đã trở thành người khởi xướng một cuộc phục hưng Phật Giáo đích thực trong khắp xứ Tây Tạng – một cuộc vận động từ đó nhiều Đạo Sư Tây Tạng đương thời vẫn còn rút ra nguồn cảm hứng. Năm bốn mươi tuổi, ngài nhập thất suốt phần đời còn lại, không bao giờ xuất hiện ngoài ẩn thất cho tới khi thị tịch vào tuổi bảy mươi ba.
Ở phía đông bắc của Derge là Shechen, một trong sáu tu viện chính của phái Nyingmapa. Chính ở nơi đó mà đệ tử thân thiết của Khyentse Wangpo là ngài Shechen Gyaltsap Rinpoche (1871-1926) đã chính thức công nhận và tôn phong Dilgo Khyentse Rinpoche trẻ tuổi là một trong năm hoá thân của vị đại Lạt Ma phi thường này. Khi ấy cậu bé mười hai tuổi. Khyentse Rinpoche thuật lại về những năm tháng vàng son sống với những vị Thầy của ngài:
“Sau khi tôi trở thành một sa di năm lên mười, một đại học giả được gọi là Khenpo Shenpa tới Denkhok trên đường đi Kyerbu, nơi ngài đang xây dựng một học viện. Ngài cảm nhận rằng tôi là một hoá thân của vị Thầy của ngài là Onpo Tenga, vị này cũng là vị Thầy gốc (bổn sư) của cha tôi. Ngài nói tôi nên tới học viện của ngài, ỏ đó ngài sẽ dạy tôi. Vì thế tôi tới Kyerbu và nhận những giáo lý chi tiết từ ngài về Bồ Tát Hạnh và về triết học Madhyamika (Trung đạo). Trong buổi sáng tôi nhận những giáo lý từ ngài và học một mình. Vào buổi chiều tôi sẽ trả lời những câu hỏi của ngài về các vấn đề ngài đã dạy sáng hôm đó và nhắc lại một vài trang trong các bản văn tôi định học thuộc lòng. Một vài buổi chiều ngài dẫn tôi ra ngoài cửa chơi đùa. Có một lần ngài chỉ cho tôi cách ném những viên sỏi nhỏ ở một tảng đá trước mặt túp lều của ngài, làm cho những con chuột đồng lăng xăng quanh đó chạy nhốn nháo; ngài rất giỏi trong việc đó. Ngài muốn giúp tôi tiêu khiển để không buồn chán trong việc học tập.
“Một thời gian ngắn sau đó Khenpo Shenga tới Động Ánh sáng Cầu vồng ở Derge, ở đó ngài sống như Milarepa trong ẩn thất nghiêm nhặt. Tôi đi theo và ở đó với ngài trong năm tháng, nhận thêm giáo lý, kể cả Lời dạy của vị Thầy Toàn hảo của tôi của Patrul Rinpoche. Một hôm ngài bảo tôi: ‘Hãy nhìn vào bản tánh của tâm, và nói cho ta nghe nó ra sao.’ Không xa những căn lều của chúng tôi, dưới chân một vách đá có một bãi cỏ đẹp. Tôi ngồi đó thiền định, và trong tôi xuất hiện bản tánh của tâm thì trống không và trong trẻo. Tôi trình điều này cho Khenpo Shenga, và cả ngài lẫn đại ẩn sĩ Kunga Palden đều vui lòng; các ngài giải thích điều đó là bằng chứng tôi đã từng thực hành trong những đời trước. Nhưng tôi cho rằng chắc hẳn tôi có được câu trả lời này một cách khái niệm nhờ việc nghiên cứu Madhyamika của tôi, và nghi ngờ việc tôi đã kinh nghiệm trực tiếp bản tánh tối hậu của tâm.
“Một thời gian sau khi tôi trở về nhà, anh cả của tôi là Shedrup bảo tôi rằng việc nghiên cứu thì hoàn toàn rất tốt nhưng hiểu biết lý thuyết không thôi thì không đủ. Anh khuyên tôi phải tìm kiếm một vị thầy chứng ngộ cao. Theo cái nhìn của anh thì vị Thầy thành tựu nhất còn sống khi ấy là ngài Shechen Gyaltsap Rinpoche. Người anh khác của tôi là Sangye Nyenpa Rinpoche vừa chấm dứt một cuộc nhập thất ba năm và cũng muốn gặp Gyaltsap Rinpoche. Vì thế ba người chúng tôi cùng với cha tôi và mười người khác lên đường tới Shechen.
“Khi chúng tôi tới nơi, vị thị giả của Gyaltsap Rinpoche đón chào chúng tôi bằng hai chiếc khăn lễ, một cho tôi và một cho Nyenpa Rinpoche. Ông ta truyền đạt ước muốn của Gyaltsap Rinpoche là hai người chúng tôi chờ một ngày lành để gặp ngài, bởi chúng tôi đã từng gặp ngài lần đầu tiên tại Shechen. Tuy nhiên Shedrup đã có mặt ở đó trước và có thể viếng thăm ngài bất kỳ khi nào anh muốn.
“Chúng tôi chờ đợi trong ba ngày trước khi nhận lời dạy; và với tôi, những ngày chờ đợi để gặp vị Thầy của tôi lần đầu tiên dường như rất dài. Sau cùng chúng tôi được đưa lên khu nhập thất của ngài. Gyaltsap Rinpoche mặc một áo vét tông màu vàng lót lông thú, thay vì những y tu sĩ. Cuối mái tóc của ngài xoăn lại, mọc dài đủ để phủ đôi vai, bởi ngài hiếm khi rời ẩn thất. Chúng tôi được mời ngồi và phục vụ cơm nghệ ngọt. Gyaltsap Rinpoche muốn biết mọi sự về những vị Thầy mà Nyenpa Rinpoche đã gặp và giáo lý ông đã thọ nhận. Nyenpa Rinpoche trả lời những câu hỏi của ngài khoảng ba giờ đồng hồ.
“Ẩn thất của Gyaltsap Rinpoche được xây ở trên một cái mỏm trên sườn núi ở phía trên Tu viện Sechen khoảng bốn mươi lăm phút đi bộ. Con đường đi tới địa điểm đẹp đẽ này rất dốc, và trơn trợt trong suốt mùa mưa. Từ cửa sổ bạn có thể nhìn thấy tu viện và con sông ở tận đáy thung lũng, hoàn toàn bị những ngọn núi hầu như phủ tuyết quanh năm vây kín. Ngay dưới ẩn thất là một cái nền giữa những bụi cây bách xù, rất lý tưởng cho việc ngồi thiền định tĩnh lặng trong những ngày nắng ấm. Thấp hơn nữa là một cái động nhỏ được gọi là Động Đại Lạc Chói lọi, tại đó Gyaltsap Rinpoche đã trải qua vài tháng nhập thất. Phía trên ẩn thất có thêm những hang động; trong một cái động, những hình ảnh thiêng liêng dường như thành hình một cách tự nhiên ở mặt tảng đá. Khoảng nửa đường xuống tu viện là trung tâm nhập thất chính của Shechen, nơi hầu như mỗi lần có hai mươi tu sĩ thực hành nhập thất truyền thống ba năm, ba tháng, và ba ngày.
“Hiển nhiên Gyaltsap Rinpoche là một trong những Lạt Ma uyên thâm và thành tựu nhất trong thời đại của ngài. Có lần ngài bắt đầu một cuộc nhập thất ba năm, nhưng chỉ sau ba tháng ngài xuất hiện trước sự ngạc nhiên của mọi người và nói rằng ngài đã hoàn tất chương trình dự kiến. Sáng hôm sau, thị giả của ngài để ý thấy một dấu chân của ngài xuất hiện trên ngưỡng cửa bằng đá của ẩn thất. Sau này những đệ tử đã di chuyển hòn đá đó và cất dấu trong cuộc Cách mạng Văn hóa; ngày nay nó vẫn có thể được nhìn thấy ở Tu viện Shechen.
“Tu viện thường chứa hơn hai ngàn tu sĩ. Tu viện trưởng là Shechen Rabjam Rinpoche, một vị khác trong những vị Thầy chính của tôi, và chính ngài là người giảng dạy các tu sĩ và ban cho họ những lễ quán đảnh. Ngài cũng thăm viếng những tu viện khác để giảng dạy, du hành khắp nơi xa tới tận miền Trung Tây Tạng.
Cũng có mặt tại Shechen là vị Lạt Ma vĩ đại thứ ba, ngài Shechen Kongtrul Rinpoche. Ngài sống bên kia bờ dòng thác núi cách ẩn thất của Gyaltsap Rinpoche – một địa điểm thú vị có những bãi cỏ phủ hoa vàng vào mùa hè và những rừng thông rậm rạp nơi người ta tìm thấy những cây nấm thơm ngon. Sechen Kongtrul là một thiền giả vĩ đại và giống như Shechen Gyaltsap, ngài không tham dự vào việc hành chính của tu viện, là việc được Shechen Rabjam chăm sóc.
“Một hôm chúng tôi được gọi tới ẩn thất của Gyaltsap Rinpoche. Khi tới nơi ngài bảo chúng tôi là những giáo lý của ngài bắt đầu vào ngày hôm đó, và lễ quán đảnh trước tiên là về thực hành Vajrasattva (Kim Cang Tát Đoả) theo truyền thống Mingdroling. Suốt những tháng tiếp theo, ngài ban cho chúng tôi tất cả những giáo lý quan trọng nhất của Kinh điển Nyingma, sự truyền dạy Những Tác phẩm Toàn thiện của Mipham Rinpoche và Tâm Yếu Bốn-Phần của đạo sư Nyingma vĩ đại Longchen Rabjam. Sau những khoá giáo lý tôi thường tới thăm Shechen Gyaltsap Rinpoche. Ngài quý trẻ con và dường như thích đùa bỡn và chơi đùa với tôi. Ngài luôn luôn dịu dàng và chu đáo, và trọn đời ngài hầu như ngài không giận dữ. Trong khoá giảng dạy dài ngày, ngài lưu tâm tới việc chơi đùa với các Lạt Ma trẻ và kể cho họ nghe những câu chuyện.
“Trong khi ngài ban quán đảnh, tôi thường bị tràn ngập bởi sự chói lọi và tráng lệ của nét mặt và đôi mắt ngài khi, với một điệu bộ chỉ về phía tôi, ngài khai thị bản tánh của tâm. Tôi cảm thấy rằng chỉ trừ khi lòng sùng mộ yếu ớt của tôi khiến tôi nhìn vị Thầy như một con người tầm thường, còn thì sự kiện này hoàn toàn không khác gì việc chính Guru Padmasambhava vĩ đại ban các quán đảnh cho hai mươi lăm đệ tử. Niềm tin của tôi tăng trưởng càng lúc càng mạnh mẽ, và khi ngài nhìn và chỉ vào tôi một lần nữa và hỏi: ‘Bản tánh của tâm là gì?,’ tôi đã nghĩ với lòng sùng mộ to lớn: ‘Đây đích thực là một yogi vĩ đại có thể nhìn thấy bản tánh tuyệt đối của thực tại!’ và bản thân tôi bắt đầu hiểu được cách thiền định.
“Trong lần viếng thăm Shechen sau đó, tôi thọ giới sa di từ Gyaltsap Rinpoche. Trước kia Khenpo Shenga đã ban cho tôi những giới nguyện này, nhưng tôi nói với Gyaltsap Rinpoche rằng tôi thích nhận chúng từ ngài một lần nữa. Ngài trả lời là theo đúng luật thì được nhận những giới nguyện hai lần, giống như một cái tháp có thể được tô điểm bằng vài lớp vàng.
“Khi Dzongszr Khyentse Chokyi Lodro lần đầu tiên nói với Gyaltsap Rinpoche về tôi, ngài nói: ‘Tôi đã gặp cậu bé này trước đây và tôi cảm nhận mãnh liệt rằng đó là một hoá thân của Jamyang Khyentse Wangpo. Xin chăm sóc cậu bé, và tôi cũng sẽ làm bất kỳ điều gì có thể để phụng sự cậu ấy. Đặc biệt là tôi xin ngài truyền dạy cho cậu Kho tàng những Giáo huấn.’ Đây là sự truyền dạy mà Gyaltsap Rinpoche quyết định ban cho vào lần tới. Ngài nói đây là giáo lý chỉ dành cho những hành giả nghiêm túc, và trong khi ban chúng ngài sẽ chỉ lưu ý tới những người được ngài chọn lựa là sẵn sàng nhận các lễ quán đảnh. Ngài lập một danh sách khoảng hai mươi người trong chúng tôi, và treo một dấu hiệu gần cửa để đánh dấu ranh giới của ẩn thất. Kho tàng bao gồm những giáo lý từ tất cả tám trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng. Khi Gyaltsap giảng, giọng ngài không mạnh lắm, nhưng rõ ràng và tôi có thể hiểu mọi điều ngài nói. Khi đã về già tôi vẫn còn nhớ rõ giọng nói ấy. Tôi thực sự coi ngài là bổn sư của tôi, bởi chính ngài đã khai thị cho tôi bản tánh của tâm.
“Khyentse Chokyi Lodro có một bản sao của những quyển sách và tôi được bảo theo dõi bản văn cùng với ngài. Có thời gian Gyaltsap Rinpoche bị bệnh, và trong thời kỳ đó Khyentse Chokyi Lodro truyền dạy bằng cách đọc một vài giáo lý khác. Gyaltsap hồi phục trong phòng ngài, từ nơi đó, nhờ một cửa sổ giao tiếp với một phòng thờ nhỏ mà chúng tôi tụ họp, ngài có thể tham dự buổi giảng dạy. Tôi ngồi cạnh cửa sổ của ngài và khi nghe bài đọc, tôi được yêu cầu sửa chữa bản sao chép bản văn của ngài. Thật kỳ điệu khi có cơ hội được nhìn thấy ngài suốt ngày và làm việc với ngài về những pho sách này. Thỉnh thoảng, Khyentse Chokyi Lodro bảo tôi viết vài bài thơ. Mặc dù còn rất trẻ, tôi làm thơ khá hay; Gyaltsap Rinpoche rất hài lòng và bảo rằng tôi sẽ trở thành một nhà văn tuyệt vời.
“Giáo lý kéo dài cả thảy ba tháng. Vào cuối khoá chúng tôi cử hành những buổ lễ tạ ơn trong hai ngày - kể cả một tiệc cúng dường lớn với chính Gyaltsap Rinpoche là Đạo Sư hát tụng, một cơ hội độc nhất vô nhị.
“Sau khi kết thúc những giáo lý này, Gyaltsap tôn phong tôi là hoá thân về tâm của Jamyang Khyentse Rinpoche. Khyentse Wangpo có năm hoá thân, là những vị tương ứng với các hoá thân về thân, ngữ, tâm, các phẩm tính, và hoạt động. Khyentse Chokyi Lodro là hoá thân hoạt động của ngài.
“Buổi sáng ngày lễ tôn phong tôi leo lên con đường dẫn tới ẩn thất. Ở bên trong, một ngai tòa rộng lớn đã được thiết lập. Shechen Kongtrul, khi ấy còn rất trẻ, đang cầm hương trầm, và Shechen Gyaltsap mặc bộ y phục đẹp nhất của ngài. Các ngài bảo tôi ngồi trên ngai. Chỉ có một ít người hiện diện trong phòng. Họ tụng những bài kệ mô tả những phẩm tính linh thiêng của thời gian và địa điểm của một sự truyền dạy, một vị Thầy, về những điều ngài giảng dạy, và về những người nhận giáo lý của ngài. Gyaltsap Rinpoche cử hành buổi lễ và chuẩn bị cho tôi những phẩm vật quý báu tượng trưng cho thân, ngữ, tâm, các phẩm tính và hoạt động của chư Phật. Như biểu tượng của thân, ngài ban cho tôi những hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là sở hữu của Mipham Rinpoche và Jamyang Khyentse Wangpo. Như biểu tượng của tâm, ngài ban cho tôi vajra (chày kim cương) và chuông mà Mipham Rinpoche đã sử dụng suốt đời ngài. Như biểu tượng của các phẩm tính, ngài ban cho tôi những vật phẩm cần thiết cho việc ban các lễ quán đảnh. Cuối cùng, như biểu tượng của sự hoạt động, ngài ban cho tôi ấn của Mipham Rinpoche. Sau đó ngài trao cho tôi một văn kiện viết tay, trong đó viết: ‘Hôm nay tôi nhận con trai của gia đình Dilgo và xác nhận cậu là tái sanh của Jamyang Khyentse Wangpo. Tôi đặt tên cho cậu là Gyurme Thekchog Tenpai Gyaltsen, Cờ Chiến Thắng Bất Biến của Tối Thượng Thừa. Tôi phó thác cho cậu những giáo lý của các Đạo Sư vĩ đại trong quá khứ. Giờ đây, nếu tôi chết tôi sẽ không hối tiếc.’
“Vì thế những cơ hội này và những dịp khác trải qua một thời gian khoảng năm năm là những thời gian tôi sống với Gyaltsap Rinpoche tại Shechen. Trong thời gian ở đó, tôi không sống ngay ở tu viện mà tại trung tâm nhập thất trên đồi.
“Sau đó tôi trở về nhà. Tôi ở trong thất khoảng một năm trong một hang động được gọi là Boyam Samphutri. Suốt mùa đông, tôi không ra khỏi ẩn thất, tôi mời Khenpo Thubga uyên bác tới và ban cho tôi những giáo lý chi tiết Tantra Tinh tuý Bí mật. Ngài tới đó cả thảy ba lần, và tôi học thuộc lòng bản văn gốc lẫn bình giảng ba trăm trang của Longchenpa.
“Một thời gian sau, tôi tới Kyangma Ritro, nơi Khenpo Thubga đã sống. Ở đó không có tu viện hay những toà nhà khác, chỉ có những căn lều. Chính ở nơi đó, năm mười lăm tuổi, từ một lá thư của cha tôi, tôi được biết Gyaltsap Rinpoche đã mất. Trong một lát tâm tôi trở nên trống rỗng. Sau đó, bất thình lình, ký ức về vị Thầy phát khởi mạnh mẽ trong tâm tôi tới nỗi tôi bị xáo trộn và oà khóc. Ngày hôm đó tôi có cảm tưởng như thể trái tim tôi bị giật tung ra khỏi lồng ngựx. Tôi trở về Denkhok và bắt đầu một thời kỳ nhập thất kéo dài mười ba năm trong những núi non.”
Một miếng pha lê nhận vào mọi màu sắc của miếng vải mà nó được đặt lên đó, dù là trắng, vàng, đỏ, hay đen. Cũng thế, những người mà bạn sống qua một thời gian với họ, dù ảnh hưởng của họ là xấu hay tốt, cũng sẽ có một tác động to lớn đối với đường hướng của cuộc đời hay sự thực hành của bạn.
Việc bạn sống một thời gian với những thiện tri thức đích thực sẽ làm tâm hồn bạn tràn đầy lòng thương yêu đối với tất cả chúng sinh và giúp cho bạn thấy rõ sự tham luyến và sân hận tiêu cực ra sao. Việc sống với những vị ấy, và noi theo mẫu mực của họ, sẽ làm bạn thấm đẫm một cách tự nhiên những phẩm tính tốt đẹp của họ, giống như mọi loài chim muông bay quanh một ngọn núi vàng sẽ được đầm mình trong ánh sáng vàng chói lọi của nó.
Để giải thoát chính mình ra khỏi samsara, vòng luân hồi sinh tử khắc nghiệt, và đạt được sự Toàn Giác, bạn phải nương tựa một vị Thầy đích thực. Một vị Thầy như thế luôn luôn suy nghĩ, nói năng, và hành động hoàn toàn phù hợp với Pháp. Ngài chỉ cho bạn điều cần phải làm để tiến bộ trên con đường, và những chướng ngại cần phải tránh. Một thiện tri thức đích thực thì như cánh buồm cho phép con thuyền nhanh chóng vượt đại dương.
Nếu bạn tin tưởng điều ngài nói, bạn sẽ tìm thấy con đường ra khỏi sinh tử một cách dễ dàng; đó là lý do khiến vị Thầy được coi là vô cùng quý báu. Sự Giác ngộ không phải là cái gì có thể được thành tựu chỉ bằng cách theo đuổi những ý tưởng của riêng bạn; mỗi giai đoạn riêng biệt của việc thực hành của bạn, dù được đặt nền trên các Kinh điển hay tantra, đều đòi hỏi một sự giảng dạy từ một vị Thầy có phẩm tính.
Chúng ta được dạy rằng tất cả chư Phật trong quá khứ, chư Phật trong hiện tại và chư Phật trong tương lai đều đã thành tựu hay sẽ thành tựu Phật Quả bằng cách đi theo một vị Thầy.
Giáo lý của Đức Phật thật bao la, sự truyền dạy của giáo lý ấy thì không kể xiết, và những loại chủ đề mà nó bao gồm thì vô tận. Nếu không theo những giáo huấn cốt tủy của một vị Thầy thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được cách đúc kết tất cả những giáo lý ấy thành những điều cốt yếu nhất và đưa chúng vào thực hành.
Mặc dù vị Thầy xuất hiện với chúng ta trong thân tướng con người, và dường như hành xử trong cách thế một con người bình thường, nhưng thực ra tâm ngài không khác biệt tâm Đức Phật. Sự khác biệt duy nhất giữa vị Thầy và Đức Phật nằm ở chỗ lòng tốt của vị Thầy đối với bạn, là điều trong thực tế vượt trội lòng tốt của tất cả chư Phật trong quá khứ – bởi lẽ mặc dù chư Phật đã hoàn toàn giác ngộ, bạn không thể gặp được các Ngài bằng xương bằng thịt mà cũng không được nghe giáo lý của các Ngài. Trái lại, vị Thầy tâm linh của bạn đã xuất hiện trong thế giới này, ngay trong thời đại của bạn. Bạn có thể gặp ngài và nhận từ ngài những giáo huấn sẽ đưa bạn ra khỏi vũng lầy sinh tử để đi tới Giác ngộ.
Khyentse Rinpoche