TÂM CỦA BẠN
LÀ
TÔN GIÁO
CỦA BẠN
Khi tôi trình bày
về tâm, tôi không chỉ nói về cái tâm của tôi, về cuộc hành trình của riêng tôi,
mà thực ra tôi đang diễn tả cái tâm của mỗi người chúng ta và của tất cả mọi
chúng sinh trong vũ trụ.
Cách thức
chúng ta sống, cách thức chúng ta suy nghĩ - hầu như tất cả đều dành cho những
thú vui vật chất. Chúng ta qúa coi trọng thế giới cảm giác và thế giới vật chất
để rồi tự hiến mình cho bất cứ cái gì có thể làm cho chúng ta sung sướng, nổi
danh và có địa vị. Tất cả những sự kiện này đều khởi phát ra từ tâm của chúng
ta. Chúng ta đã qúa bận tâm về những thứ bên ngoài mà không bao giờ chịu nhìn
vào bên trong tâm hồn của chúng ta, chúng ta chẳng bao giờ thèm hỏi: “Tại sao
tâm tôi lại hấp dẫn như thế này?”
Cho tới khi
nào chúng ta còn sống thì tâm của chúng ta không thể tách rời khỏi chúng ta.
Như chúng ta đã biết, chúng ta luôn luôn thay đổi, hôm nay thế này mai thế
khác. Sự kiện đó không hoàn toàn do thể xác của chúng ta thay đổi mà phần lớn
là do tâm - tâm làm việc một cách rất tự nhiên, rất tự động mà chúng ta không
thể hiểu nổi. Vì thế, chúng ta cần khám nghiệm tâm của chúng ta, chính tâm của
chúng ta chứ không phải cái thân xác của chúng ta. Sự thật là, chính cái tâm
của chúng ta đã luôn luôn hướng dẫn chúng ta phải làm gì. Chúng ta phải hiểu
được tâm lý riêng của chính mình, danh từ tôn giáo gọi là nội tâm, nội tính,
tính bản nhiên... Chẳng sao cả, dù gọi bằng tên gì đi nữa, chúng ta hãy tìm
hiểu tâm của chúng ta xem sao.
Đừng bao
giờ nghĩ rằng việc khám nghiệm, việc tìm hiểu bản tính tự nhiên của tâm là công
việc của những người Đông Phương hay của một cuộc hành trình về phương Đông. Đó
là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Đây chính là việc của chúng ta, của tất cả
mọi người. Làm thế nào chúng ta có thể tách rời thân xác của chúng ta hay những
hình ảnh riêng tư của chúng ta ra khỏi tâm của chúng ta được? Chắc chắn là
không thể được. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta là một người độc lập, hoàn toàn tự
do muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì, muốn hưởng gì cũng được. Hãy quên cái ý
nghĩ đó đi, chúng ta chẳng tự do chút nào cả ! Tôi không muốn nói rằng chúng ta
đang bị kiểm soát bởi một người nào. Đây chính là bởi một cái tâm không được
kiểm soát, một cái tâm không tỉnh thức, một cái tâm bám víu của chính chúng ta,
nó đang áp chế, nó đang đè ép chúng ta. Nếu chúng ta khám phá ra chúng ta đang
bị nó áp bức như thế nào thì cái tâm không tỉnh thức của chúng ta sẽ tự tan
biến ngay. Hiểu được tâm của chính mình thì giải quyết mọi vấn đề sẽ dễ dàng
hơn.
Ngày hôm
nay nhìn thế giới thật là tuyệt vời, ngày hôm sau nó qúa tệ. Tại sao chúng ta
nói được như vậy? Nói một cách khoa học, tự căn bản thế giới không thể
thay đổi như vậy được. Chính tâm chúng ta là nguyên nhân của những hình ảnh
này. Đây không phải là những giáo lý tôn giáo, sự thay đổi tâm tính không phải
do những giáo điều. Tôi hoàn toàn không đề cập đến tôn giáo; tôi đang nói về những
cách thức chúng ta hướng dẫn đời sống thường ngày của chúng ta, những sự kiện
làm chúng ta thay đổi lúc lên lúc xuống. Người khác hay hoàn cảnh sống chung
quanh không phải là những lý do căn bản của sự thay đổi. Đó chính là tâm của
chúng ta. Tôi hy vọng rằng qúy vị hiểu được điều tôi đang trình bày.
Tương tự như vậy, một người nghĩ rằng thế giới này qúa đẹp, con người thật tuyệt hảo và nhân hậu; trong khi đó người khác lạïi cho rằng con người và tất cả mọi sự trên trái đất này thật qúa tồi tệ. Ai đúng đây? Làm thế nào chúng ta có thể giải thích một cách khoa học, một cách ngay thẳng vấn đề này? Thật ra đây chính là những phóng tưởng, những vọng tưởng của tâm mỗi một cá nhân về thế giới cảm quan của chính họ. Chúng ta nghĩ, “ Hôm nay như thế này, ngày mai như thế kia; ông này như thế này, bà kia như thế kia.” Nhưng đâu là sự tuyệt đối nhất, bà kia có đẹp mãi mãi không, ông kia có thực sự tốt lành trẻ đẹp tới mãn đời không? Tất cả đều không thực sự hiện hữu - tất cả đều là sản phẩm của tâm thức mà ra
Đừng cho rằng, đừng
tưởng rằng tất cả các sản phẩm vật chất đều có thể làm thỏa mãn những ước muốn
của chúng ta hay chúng sẽ tạo cho chúng ta có một đời sống hoàn hảo, điều này
không thể có được. Làm sao chúng ta có thể hoàn toàn thỏa mãn được mặc dầu đang
có tràn đầy đồ vật ở chung quanh chúng ta? Làm sao có thể ngủ được trong khi có
cả ngàn người khác nhau đang thỏa mãn chúng ta? Điều này không bao giờ
xẩy ra, không bao giờ có được. Sự thỏa mãn tuyệt đối chỉ đến từ tâm của chúng
ta !
Nếu chúng
ta không hiểu vấn đề tâm lý của chính chúng ta thì chúng ta sẽ bỏ quên tất cả
những sự kiện đang xẩy ra trong đó cho tới một lúc nào đó chúng sẽ vỡ tung ra
và chúng ta sẽ trở nên điên dại vì chúng. Con người trở nên cáu kỉnh, giận dữ
chỉ vì họ thiếu sự hiểu biết tận bên trong tâm hồn họ, thiếu sự tìm hiểu, thiếu
sự khám xét nội tâm của họ. Họ không thể giải thích cho chính họ, họ không biết
làm cách nào để nói chuyện với chính họ. Vì thế, họ chỉ bận tâm, lo lắng cho
những đối tượng ở bên ngoài, trong khi đó ở bên trong, tâm hồn họ đang xuống dốc
một cách thê thảm để chờ ngày đổ vỡ. Họ đã bỏ rơi thế giới nội tâm nên nội tâm
của họ hoàn toàn đi liên kết với vô minh, với mù quáng thay vì thức tỉnh và tự
phân tích vấn đề trong sự bình tĩnh, an vui. Hãy tự khám nghiệm những thái độ
tinh thần của chúng ta. Hãy trở nên một nhà tâm lý học cho chính
mình.
Nếu chúng
ta có đủ thông minh, chúng ta sẽ tự biết rằng chính những đối tượng vật chất
không đủ mang lại cho chúng ta sự an vui, sự thỏa mãn nên chúng ta cũng chẳng
cần phải tham dự vào những cuộc hội thảo khích động, những cuộc hành trình tôn
giáo để mà khám nghiệm nội tâm của chúng ta. Nhưng có một số người lại nghĩ như
vậy, họ tin rằng việc khám xét nội tâm là việc của tôn giáo, của một cái gì có
vẻ linh thiêng. Chúng ta thực sự không cần phải theo một tôn giáo này, triết lý
kia mới có thể phân tích được nội tâm của mình, để rồi phải khép mình vào khuôn
khổ của họ. Nếu thực sự chúng ta muốn an vui, hạnh phúc, chúng ta hãy thành
thật truy xét cái lối sống hiện tại của chúng ta, cái đang hướng dẫn cuộc đời
của chúng ta. Đạo ở tại tâm, đạo từ tâm mà ra, tâm của chúng ta chính là đạo của
chúng ta !
Khi chúng
ta khảo sát tâm, chúng ta không nên thúc đẩy, không nên dồn nén hay hợp lý hóa
nó. Hãy thoải mái, hãy thư dãn. Đừng nóng nảy, bồn chồn khi sự việc xảy ra. Chỉ
nên tỉnh thức theo dõi chúng xem chúng từ đâu đến, gốc gác nó ở chỗ nào, căn
bản nó là gì. Hãy tự giới thiệu vấn đề với chính mình: “Đây là vấn đề, tại sao
nó trở thành vấn đề, cái tâm nào của tôi làm nó trở thành vấn đề, cái tâm nào
cảm thấy đây là vấn đề?” Một khi chúng ta tự truy xét như vậy, vấn đề sẽ
tan biến một cách rất tự nhiên. Qúa đơn giản, phải không qúy vị? Chúng ta chẳng
cần phải tin tưởng vào cái gì. Đừng tin vào bất cứ cái gì ! Tất cả đều như vậy,
chúng ta không cần phải nói, “ tôi không tin tôi có một cái tâm.” Chúng
ta không thể loại bỏ tâm của chúng ta. Chúng ta có thể tuyên bố, “ Tôi loại bỏ
những sự kiện của Đông phương.” -- Tôi đồng ý. Nhưng qúy vị có thể loại bỏ được
chính qúy vị không? Qúy vị có thể bỏ cái đầu, cái mũi của qúy vị đi
không? Chúng ta không thể bỏ cái tâm của chúng ta đi được. Chính vì thế,
hãy tự đối xử khôn ngoan với chính mình và hãy cố gắng khám phá ra cho được
nguồn gốc của sự thỏa mãn đang nằm ở đâu?
Khi chúng
ta còn nhỏ, chúng ta yêu thích bánh kẹo, chúng ta nghĩ, “ Khi lớn lên, tôi sẽ
ăn bánh kẹo bao nhiêu cũng được, sẽ ăn cho thỏa thích, cho đã đời; rồi chúng ta
tự cảm thấy hạnh phúc.” Bây giờ, chúng ta muốn mua bao nhiêu kẹo bánh cũng
được, tùy ý chọn lựa, nhưng chúng ta lại buồn chán, cuộc đời chúng ta vẫn tẻ
lạt. Chúng ta liền đi đến một quyết định, vì những cái hiện có không làm tôi
vui nên tôi sẽ mua xe, mua nhà, mua vô tuyến truyền hình, kiếm một người chồng,
một cô vợ... rồi chúng ta tự cảm thấy yêu đời, hạnh phúc. Bây giờ chúng ta có
tất cả những thứ đó, nhưng rồi cái xe cho chúng ta những vấn đề, cái nhà đem
lại cho chúng ta những lo âu, người chồng, người vợ cho chúng ta những phiền
phức, con cái cho chúng ta những bực mình... Chúng ta liền than vãn, “Chẳng
thỏa mãn chút nào cả! Chẳng vui gì cả! Chẳng thấy hạnh phúc đâu!”
Vậy, cái gì mới là sự
thỏa mãn? Đây là một việc làm quan trọng: hãy duyệt xét lại tất cả cái quá
trình tâm lý này, hãy suy xét, hãy ôn lại cuộc đời từ lúc còn ấu thơ đến hiện
tại. Đây là phương thức phân tích của thiền định: “ Lúc đó, khi còn nhỏ, tâm
tôi như thế này, bây giờ tâm tôi như thế này, nó đã thay đổi theo chiều này,
chiều kia.” Tâm chúng ta đã thay đổi không biết bao nhiêu lần, nhưng chúng ta
có thấu hiểu được cái gì mới thực sự đem lại hạnh phúc cho chúng ta không? Theo
sự hiểu biết của tôi thì chúng ta đã hoàn toàn thất bại, chúng ta đã mất hết.
Chúng ta biết rõ đường đi trong thành phố chúng ta đang ở, chúng ta biết đường
về nhà, chúng ta biết mua bánh kẹo ở đâu, nhưng thực ra chúng ta vẫn lạc mất
tất cả, chúng ta đã không tìm ra được mục đích, cái cứu cánh của cuộc đời chúng
ta. Hãy thành tâm mà suy nghĩ đi! Có phải vậy không, thưa quý vị?
Đức Phật
dậy rằng tất cả những gì mà chúng ta cần phải biết là chúng ta là ai? Chúng ta
hiện hữu như thế nào? Chúng ta không cần phải tin vào bất cứ gì. Chỉ cần tìm
hiểu tâm của chúng ta: nó làm việc như thế nào? Những điều tham muốn và bám víu
phát khởi lên như thế nào? Vô minh xuất hiện làm sao? Tình cảm đến từ
đâu?...vân vân... Chỉ cần thông suốt bản tính tự nhiên của những vấn đề đó là chúng
ta sẽ an vui hạnh phúc ngay. Từ đó, cuộc đời của chúng ta sẽ thay đổi toàn
diện; tất cả sẽ được chuyển hóa một cách tuyệt vời. Cái gì trước kia nhìn thấy
tồi tàn tăm tối thì bây giờ thấy tuyệt hảo, hạnh phúc. Nếu tôi nói, tất cả
chúng ta đều đã sống vì bánh kẹo, qúy vị nghĩ rằng tôi bị điên. “Không!
Không!” Cái tâm tự đề cao của chúng ta có thể thốt lên như vậy. Nhưng hãy
chân thành nhìn sâu vào mục đích sống của chúng ta. Tại sao chúng ta lại đến
đây nghe giảng? Để được tốt lành? Để trở thành nổi tiếng? Để tích tụ thêm tài
sản? Để lôi cuốn người khác?... Tôi không bới móc ai, chúng ta hãy tự kiểm
soát, chúng ta sẽ nhìn ra ngay. Qua những giây phút nghiền ngẫm suy tư như vậy,
chúng ta sẽ khám phá ra được một sự thực là chúng ta đã dành cả một đời để kiếm
tìm hạnh phúc qua miếng chocolate hoặc ly ice-cream (vật chất) mà hoàn toàn bỏ
quên sự kiện chúng ta đã may mắn được sinh ra làm người. Con chim và con chó
cũng hành động giống y như vậy. Phải chăng mục đích cuộc đời của con người cao
hơn con chó, con
gà?
Tôi không
quyết định cuộc đời cho qúy vị, nhưng chúng ta nên suy ngẫm vấn đề này. Tốt
hơn, chúng ta nên có một cuộc sống toàn diện hơn là chỉ chạy theo một chiều
hoặc qúa bừa bãi. Một cuộc sống bừa bãi, lộn xộn chẳng những không có lợi cho
chính mình mà chẳng giúp ích được cho người khác, điều này chẳng khôn ngoan
chút nào. Thực ra chúng ta sống cho cái gì? -- bánh kẹo? thịt? Có lẽ
chúng ta sẽ nói, “ Dĩ nhiên tôi không sống để ăn. Tôi là người hiểu biết, có
học.” Nhưng học thức cũng do tâm mà ra. Ngoài tâm ra, cái gì là học thức, giáo
dục? cái gì là triết học? Triết học là sản phẩm của tâm thức của một số người nào
đó, rồi kết hợp lại thành một ý thức hệ. Không có tâm sẽ chẳng có triết học,
triết thuyết, cũng chẳng có những vấn đề về vũ trụ. Tất cả đều là sản phẩm của
tâm !
Làm thế nào
chúng ta biết được tâm? Chỉ cần theo dõi, quan sát cách nó nhận thức, cách nó
diễn tả một sự kiện mà nó đang đối diện. Hãy quan sát cái cảm giác nào -thoải mái
hay không thoải mái - đang dấy lên, đang chuyển động. Rồi, theo dõi, “ Khi nào
tôi nhận ra được vấn đề này, cảm giác này đến, cảm xúc kia xuất hiện; tôi phân
biệt được chúng, tại sao?” Đó là cách nhận biết tâm của chúng ta. Tất cả chỉ là
như vậy. Thật là đơn giản.
Một khi
chúng ta đã nhận ra được tâm, chúng ta sẽ không còn đổ lỗi cho người khác về
những vấn đề mà chúng ta đang vướng phải. Chúng ta sẽ nhận ra rằng những lỗi
lầm của chúng ta là do cái tâm bệnh hoạn, cái tâm sai quấy của chúng ta. Mỗi
khi chúng ta bận bịu với những sự việc bên ngoài, với những đối tượng đầy vật
chất, chúng ta thường đỗ lỗi cho những sự việc đó hay cho người nào đó đã đem
lại rắc rối hay thất bại cho chúng ta. Quy chiếu những lỗi lầm cho những hiện
tượng ở bên ngoài sẽ đem lại, sẽ để lại những sầu khổ cho tâm hồn. Khi bắt đầu
nhận thức được những quan niệm sai lầm là chúng ta bắt đầu bước chân vào con
đường nhận thức được bản tính chân thật của tâm và sẽ chấm dứt được những đau
khổ trong cuộc đời.
Những điều
nhận xét này có mới mẻ với chúng ta không? Không, nó chẳng mới chút nào. Trong
bất cứ trường hợp nào, trước khi làm việc gì, chúng ta vẫn thường tìm hiểu nó
rồi mới đi tới quyết định. Tất cả chúng ta đều đã làm như vậy. Tôi không
đề nghị một vấn đề nào mới mẻ cả. Chỉ có một điều khác biệt là chúng ta đã
không thực sự quyết tâm làm đầy đủ, trọn vẹn. Hãy suy nghĩ sâu xa thêm nữa đi.
Điều này không có nghĩa là hãy chỉ ngồi một mình trong một góc nào đó để chăm
chú vào hơi thở - chúng ta có thể kiểm soát tâm ở bất cứ nơi nào, ở bất cứ thời
điểm nào, trong lúc đang nói chuyện hay trong lúc đang làm việc với người
khác...vân vân... Qúy vị có nghĩ rằng việc khám nghiệm tâm chỉ dành cho những
người đang trên đường đi về Phương Đông hay không? Đừng nghĩ như vậy.
Nhận thức
về bản tính tự nhiên của tâm thì khác với sự nhận thức về xương thịt của thân
xác. Tâm của chúng ta giống như cái gương, nó phản chiếu tất cả những gì ở
trước nó, không phân biệt cũng không phân tích, sự vật như thế nào phản chiếu y
như vậy. Nếu chúng ta có sự hiểu-biết-của-trí-huệ, chúng ta có thể kiểm soát
được sự phản chiếu mà chúng ta đã cho phép đối tượng đi vào chiếc gương của tâm
chúng ta. Nếu chúng ta hoàn toàn bỏ qua những gì xẩy ra ở trong tâm, nó sẽ phản
chiếu tất cả những rác rưởi mà nó gặp - những sự kiện làm cho tâm lý chúng ta
bệnh hoạn. Trí-Huệ-Nhận-Biết của chúng ta sẽ phân tích đâu là sự phản chiếu lợi
ích và đâu là sự phản chiếu có hại cho tâm lý. Thực ra, một khi chúng ta nhận
thức được bản tính thật của chủ thể và đối tượng thì tất cả mọi vấn đề sẽ trong
sáng ngay.
Có nhiều
người nghĩ rằng họ đang theo một tôn giáo, nhưng thử hỏi tôn giáo là gì? Nếu
chúng ta không tìm hiểu bản tính chân thật của chúng ta thì chúng ta sẽ không
có được trí tuệ, chẳng hiểu mình là ai, như vậy họ theo tôn giáo là thế nào? để
làm gì? Đó chỉ là tôn giáo miệng -- “Tôi là Phật tử, là Công giáo, là Do Thái
giáo...vân vân...”-- sẽ chẳng giúp ích được gì, chẳng nghĩa lý gì. Nó chẳng giúp
gì được chúng ta cũng chẳng giúp ích gì cho người khác. Muốn thực sự giúp người
khác, chúng ta cần phải có trí tuệ.
Điều rắc rối nhất của con người, vấn đề quan trọng nhất của loài người là những vấn đề thuộc về tâm lý chứ không phải vật chất. Từ khi sinh ra đến lúc chết, con người liên tục chịu ảnh hưởng của tâm khổ đau của chính họ. Rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhìn ra được trong tâm của mình như thề nào khi sự vật đến một cách bình thản, một cách tốt đẹp, nhưng khi sự kiện đến một cách đột ngột không tốt, không vừa lòng - tai nạn hay một kinh nghiệm buồn đau - là ngay lập tức chúng ta kêu lên: “ Lạy Chúa, (lạy Phật, lạy Trời) xin cứu con.” Đấy, họ tự nhận họ có đạo, thật là nực cười! Dù hạnh phúc hay đau khổ, người chân thành thực hành đạo vẫn luôn luôn bình thản và thức tỉnh trong Chúa, (Phật, Trời) và trong chính bản thể của họ. Chúng ta không nên quá lý tưởng hay quá lơ là đối với tôn giáo, vì khi chúng ta sung sướng được vây quanh đầy bánh kẹo hay khoái lạc, chúng ta sẽ quên đi chính mình và chỉ quay lại với Thượng đế khi gặp những chuyện rắc rối, khổ đau.
Không cần biết có bao
nhiêu thứ tôn giáo ở trên cõi đời này, những sự diễn tả của họ về Chúa, về
Phật..vân vân.... đều chỉ là môi miệng và do tâm của họ mà ra (khẩu và ý); chỉ
bằng hai thứ này mà thôi, chỉ qua hai cửa ngõ này mà thôi. Vì thế, lời nói
không quan trọng. Tất cả những gì chúng ta nhận biết về sự vật, về hiện tượng -
tốt xấu, triết lý, chủ thuyết...vân vân...- đều phát ra từ tâm. Tâm thật sự là
quan trọng. Do đó, nó cần được hướng dẫn. Một chiếc phản lực cơ bay tốt cần
phải có người phi công giỏi. Người phi công của tâm chúng ta cần có trí tuệ để
hiểu được tính bản nhiên của nó. Trong chiều hướng đó, chúng ta có thể hướng
dẫn tâm lực của chúng ta để đem lại an lạc cho cuộc sống thay vì để nó chạy lung
tung như một con voi điên, làm hại cho chính bản thân mình và cho những người
khác.
Tôi không
cần phải nói thêm nữa. Tôi nghĩ rằng quý vị đã hiểu tôi muốn nói gì. Bây giờ
chúng ta có thể đàm luận với nhau thì sẽ ích lợi hơn. Quý vị hãy đặt câu hỏi, tôi
sẽ cố gắng trả lời. Nên nhớ rằng quý vị không cần phải đồng ý với những gì tôi
trình bày. Quý vị cần phải hiểu thái độ của tôi và tâm của tôi. Nếu qúy vị
không bằng lòng những điều tôi trình bày, xin hãy đả kích nó. Tôi thích những
người tranh luận với tôi. Tôi hoàn toàn không độc tài: “ anh phải thế này, bà
phải thế kia.” Tôi không có quyền dạy bất cứ ai phải làm gì. Tôi chỉ xin đề
nghị và để quý vị tự suy nghĩ lấy. Nếu được như vậy là tôi hài lòng rồi. Bây
giờ xin cho tôi biết những gì quý vị không bằng lòng về những điều tôi vừa
trình bày.
Hỏi: Ngài nhận biết tâm của ngài như thế nào? Làm sao ngài kiểm soát nó?
Lạt ma: Phương thức đơn giản để nhận biết và kiểm soát tâm của chúng ta là kiểm chứng và kiểm điểm xem chúng ta nhận thức sự vật như thế nào, chúng ta diễn dịch những kinh nghiệm như thế nào. Tại sao chị có qúa nhiều cảm xúc khác nhau về người bạn trai của chị, mặc dầu chỉ trong một ngày. Vào buổi sáng chị thấy yêu anh ta, vào buổi trưa lại cảm thấy bực mình, tại sao vậy? Có phải anh ta thay đổi không? Không, anh ta vẫn như vậy. Thế thì tại sao chị lại có những cảm xúc khác biệt về anh ấy? Đó là đường lối chúng ta kiểm soát tâm.
Hỏi: Nếu
chúng ta không tin rằng tâm chúng ta có thể quyết định được một việc gì, chúng
ta có nên để cho một yếu tố bên ngoài tham dự vào không? Như chúng ta tự
nhủ, “ nếu điều này, việc kia xẩy ra, tôi sẽ đi chỗ này; nếu sự việc khác
xẩy ra, tôi sẽ đi chỗ đó.”
Lạt ma: Trước khi chúng ta làm bất cứ công việc gì, chúng ta nên tự hỏi tại sao chúng
ta làm việc này, mục đích gì, lý do chúng ta tham dự vào công việc này là gì?
Nếu con đường trước mặt có vẻ sẽ xẩy ra vấn đề, dĩ nhiên chúng ta không đi con
đường đó nữa, nếu nhận thấy an toàn, chúng ta sẽ đi. Trước tiên, hãy nhận xét.
Không nên làm bất cứ công việc gì mà không biết và không hiểu cái gì sẽ xẩy ra
cho mình.
Hỏi: Lạt ma
là ai?
Lạt ma: Câu hỏi rất hay. Theo quan điểm của người Tây Tạng, lạt ma là một người có
trình độ học thức rất cao về thế giới nội tâm, chẳng những họ thông hiểu tâm
hiện tại mà còn thấu triệt cả tâm quá khứ và tương lai. Nói một cách tâm
lý học, một lạt ma có thể biết họ đến từ đâu và sẽ đi về đâu, đồng thời họ có
sức mạnh kiểm soát được chính họ và có khả năng khuyên bảo người khác trên con
đường tâm linh. Người Tây Tạng gọi những người như vậy là lạt ma.
Hỏi: Chức vị
và chức vụ nào ở Tây Phương có thể so sánh với các vị lạt ma?
Lạt ma: Tôi không biết có chức vụ nào ở Tây Phương có thể so sánh hay không. Chúng ta
có thể hiểu đây là một sự kết hợp công việc giữa một vị linh mục, một nhà tâm
lý học và một bác sĩ. Nhưng như tôi vừa trình bày, lạt ma là người đã thực
chứng được chính tâm của họ và của người khác nên họ có thể giúp những người
khác giải quyết được những vấn đề tâm linh. Tôi hoàn toàn không chỉ trích ai,
nhưng tôi nghi ngờ những kinh nghiệm tâm linh, những kinh nghiệm về thế giới
cảm xúc - như một số người khác - của những nhà tâm lý học Tây Phương. Đôi khi
họ khuyên bảo những điều không có gía trị, kém hiểu biết, giải thích qúa nông
cạn cho những vấn đề mà một người đã trải qua, như “ Khi chúng ta còn nhỏ mẹ
chúng ta đã làm như vậy, ba chúng ta đã làm như thế...” Tôi không đồng ý như
vậy, điều đó không phải sự thật. Chúng ta không thể đổ lỗi cho cha mẹ chúng ta
về những vấn đề của chúng ta trong hiện tại. Dĩ nhiên, môi trường sinh sống có
tạo ra những khó khăn, nhưng nguyên nhân chính vẫn luôn luôn là tâm của chúng
ta; cốt tủy của tất cả mọi vấn đề không bao giờ đến từ bên ngoài, luôn luôn từ
tâm của chúng ta. Tôi không biết, nhưng có lẽ bác sĩ Tây Phương sợ không giám
nói lên sự thật, không giám trình bày vấn đề như nó là. Tôi cũng đã gặp rất
nhiều linh mục, mục sư, có những vị là bạn của tôi, họ có khuynh hướng không muốn
trực tiếp đối diện qúa nhiều đến những vấn đề hiện tại đang xẩy ra tại chỗ.
Thay vì chú ý đến những vấn đề thực tiễn luôn luôn thay đổi, những vấn đề bấp
bênh trong cuộc sống hàng ngày, họ lại chỉ chú trọng đến những vấn đề qúa tôn
giáo như Thượng Đế, đức tin...vân vân.... Con người ngày nay thích những gì là
thực tế, khoa học nên họ đã từ chối những gì mà các vị linh mục, đạo sĩ giảng
dạy.
Hỏi: Thiền
định giúp chúng ta trong sự quyết định như thế nào?
Lạt ma: Thiền định mang lại những kết qủa tốt vì đó là phương pháp chẳng những đòi hỏi
chúng ta phải tin tưởng vào một điều gì mà chúng ta còn phải chân thành tự mình
thực tập trong đời sống thường ngày nữa. Hãy tự kiểm soát, hãy tự theo dõi
chính cái tâm của mình. Nếu có người nào la mắng, chửi rủa chúng ta, chạm đến
tự ái của chúng ta, thay vì phản kháng lại, chúng ta hãy bình tĩnh kiểm soát,
theo dõi xem cái gì đang dấy lên, đang bốc lên, đang diễn ra ở trong tâm của
chúng ta. Hãy theo dõi những âm thanh từ miệng của người kia đang chuyền đến
tai của chúng ta rồi làm tim của chúng ta đau nhói như thế nào. Nếu thực sự
chúng ta theo dõi đúng như vậy, sự kiện này sẽ làm chúng ta bật cười. Chúng ta
sẽ thấy thật là ngớ ngẩn khi tức bực một chuyện vớ vẩn như vậy. Rồi vấn đề sẽ
tan biến đi trong tích tắc, nhanh như một cái búng tay ! Thực hành theo phương
thức này, chúng ta sẽ tự khám phá ra vấn đề bằng những kinh nghiệm của
chính mình, chúng ta sẽ hiểu thiền định giúp ích như thế nào, nó thực sự đem
lại sự thỏa mãn trong mọi vấn đề như thế nào. Thiền định không chỉ là lời nói,
đó chính là trí tuệ !
Hỏi: Thưa Lạt ma, xin ngài cho biết về nghiệp.
Lạt ma: Được: chúng ta là sự kết tụ của nghiệp. Điều này thật là đơn giản. Thực ra, danh từ nghiệp (karma) đến từ Aán độ, giải thích một cách ngắn gọn, đây là luật nhân và qủa. Luật này có ý nghĩa gì? Có một điều gì đó xẩy ra trong tâm chúng ta ngày hôm qua, để ngày hôm nay chúng ta kinh nghiệm được hậu qủa. Hay là, trong hoàn cảnh sống của chúng ta: cha mẹ chúng ta như vậy, chúng ta có một đời sống như vậy, thì chúng ta sẽ nhận lãnh những kết qủa như vậy. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, trong từng giây phút, trong từng công việc làm, trong từng hành động.....là những chuỗi dài vô tận liên tục không ngừng nghỉ của những nguyên nhân và hậu qủa, của những hành động và phản ứng... đó là nghiệp. Cho tới khi nào chúng ta còn ở trong cái thân xác này, còn đối đãi với thế giới cảm quan, còn phân biệt cái này tốt, cái kia xấu là tâm chúng ta còn tạo ra nghiệp còn tạo ra nhân và qủa. Nghiệp không chỉ là những lý thuyết triết học, nó chính là khoa học, khoa học Phật giáo. Nghiệp giải thích đời sống phát triển, tiến hóa như thế nào; phân biệt sắc tướng và cảm thọ như thế nào, mầu sắc và sự khích động như thế nào...vân vân...; toàn thể cuộc đời của chúng ta, chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu, chúng ta sẽ đi về đâu.....vân vân ... đều có liên hệ với tâm của chúng ta. Nghiệp qủa là khoa học của Phật giáo để giải thích sự tiến hóa, sự chuyển hóa. Như vậy, mặc dầu nghiệp (karma) là chữ phát xuất từ Aán độ nhưng thực ra chúng ta là nghiệp, chúng ta là kết tụ của nghiệp, toàn thể cuộc đời của chúng ta bị kiểm soát bởi nghiệp, chúng ta sinh sống trong trường lực (energy field) của nghiệp qủa. Năng lực của chúng ta, sinh lực của chúng ta giao thoa với các nguồn năng lực khác, với các nguồn năng lực khác nữa, khác nữa....vô cùng vô tận... đó là cách thế toàn thể cuộc sống của chúng ta phô bày ra, hiển lộ ra, diễn đạt ra, hiện hành ra. Từ thể chất đến tinh thần, tất cả đều là nghiệp. Do đó, nghiệp không phải là cái gì mà chúng ta phải tin vào. Bởi vì dù tin hay không tin có nghiệp, đặc tính tự nhiên của cả thân và tâm của chúng ta là cứ lòng vòng trong sự hiện hữu tự nhiên của sáu cõi luân hồi.
Trong vũ trụ vật chất, một khi tất cả mọi thứ hợp lại với nhau - đất, nước, lửa và gío - là tự nhiên có sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau. Không cần phải tin, sự tự nhiên luôn luôn tự nhiên như vậy. Thế giới nội tại của chúng ta cũng y như vậy, mỗi khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài là tự nhiên chúng có phản ứng. Ví dụ, năm ngoái chúng ta ăn một thỏi chocolate và cảm thấy rất ngon miệng, rồi từ đó chúng ta không có nữa, bây giờ chúng ta thèm nó: “ Trời, tôi thèm một miếng chocolate quá !” chúng ta nhớ đến kinh nghiệm khi thưởng thức miếng chocolate trước kia, chính sự “nhớ đến” này làm chúng ta thèm và muốn có thêm. Chính sự phản ứng vào kinh nghiệm trong quá khứ là nghiệp; kinh nghiệm là nhân, thèm muốn là quả. Thật là đơn giản dễ hiểu, phải không qúy vị?
Hỏi: Mục
đích của ngài trong cuộc sống là gì?
Lạt ma: Quý vị thắc mắc về mục đích cuộc đời của tôi phải không? Đây là vấn đề mà chính
tôi cần phải tự tìm hiểu, nhưng nếu quý vị bắt buộc tôi phải trả lời thì tôi sẽ
nói như thế này, cả cuộc đời của tôi xin được mang lại sự lợi ích càng nhiều
càng tốt cho người khác, đồng thời cũng tự mang lại ơn ích cho chính mình. Tôi
không thể nói tôi đã thành công trong vấn đề này nhưng đó là mục đích của đời
tôi.
Hỏi: Tâm có khác linh hồn hay không? Khi ngài nói giải quyết vấn đề của tâm, có phải ngài muốn đề cập đến tâm có vấn đề chứ không phải linh hồn?
Lạt ma: Một cách triết lý, linh hồn có thể diễn tả dưới rất nhiều khía cạnh. Trong Thiên Chúa giáo hay Aán độ giáo, linh hồn khác với tâm và được coi như thường hằng bất tử và có tự tính. Theo ý kiến của tôi thì không phải như vậy. Theo Phật giáo, linh hồn, tâm hay chúng ta gọi bằng bất cứ tên gì, nó luôn luôn thay đổi, vô thường. Tôi thực sự không phân biệt linh hồn và tâm, nhưng bên trong mỗi người chúng ta, chúng ta không thể tìm thấy bất cứ cái gì tồn tại mãi mãi và tự hữu (tự nó mà có). Khi đối diện với những vấn đề tinh thần, đừng nghĩ rằng tâm luôn luôn, hoàn toàn xấu; một cái tâm không được kiểm soát, không tỉnh thức là nguyên nhân của mọi vấn đề. Nếu chúng ta phát triển trí tuệ và từ đó nhận định được bản tính tự nhiên của một cái tâm không được kiểm soát thì nó sẽ tự nhiên biến mất. Nhưng cho tới khi nào chúng ta chưa nhận diện được nó thì chúng ta vẫn còn bị nó chi phối.
Hỏi: Tôi
được nghe rất nhiều người Tây phương đã học hỏi được những triết lý thâm sâu
huyền diệu của Phật giáo Tây Tạng nhưng họ khó có thể đem ra thực hành trong
cuộc sống. Lý thuyết thì quá tốt mà không thực hành được. Thưa ngài, cái gì nó
ngăn cản sự thực hành?
Lạt ma: Cám ơn anh, một câu hỏi quá hay. Phật giáo Tây tạng dạy chúng ta cách vượt qua
cái tâm bất mãn của chúng ta, nhưng để thực hiện được điều này, chúng ta cần
phải có sự quyết tâm, cần có một ý chí. Để đưa phương pháp của chúng tôi vào
kinh nghiệm của riêng anh, anh nên đi từ từ, từng bước một. Anh không thể nhảy
một bước đến ngay mức cuối cùng. Nó cần thời gian và chúng tôi tiên đoán rằng
anh sẽ gặp thất bại trước. Hãy đi từ từ một cách thoải mái thì sự thực hành sẽ
dễ dàng hơn theo thời gian
Hỏi: Thưa
ngài chân tính của tâm là gì và làm sao để nhận biết nó?
Lạt ma: Tâm của chúng ta có hai khía cạnh (hai trạng thái), tương đối và tuyệt đối. Tâm
nhận và phản ứng hay hành động theo thế giới cảm quan, đó là tương đối. Chúng
tôi còn gọi đó là tâm nhị nguyên, đó là lý do tôi thường diễn tả nó là “ cái
này-cái kia” nhận thức, bản tính tự nhiên của nó là năng động. Tuy nhiên, nhờ sự
chuyển hóa của tâm nhị nguyên mà chúng ta có thể thống nhất được những quan
điểm của chúng ta. Tại thời điểm đó chúng ta mới nhận ra được bản tính chân
thật tuyệt đối của tâm chúng ta, nó ở phía bên kia của tâm nhị nguyên. Vì phải
tiếp xúc với thế giới cảm quan bình thường của chúng ta, hàng ngày trong đời
sống trần tục, nên hai vấn đề đối chọi, tâm nhị nguyên, luôn luôn xẩy ra. Sự
xuất hiện của hai sự kiện luôn luôn tạo ra vấn đề. Giống như trẻ con --chỉ một
đứa thì không sao, ok; hai đứa với nhau là tự nhiên có lộn xộn. Cũng giống như
vậy, năm giác quan của chúng ta tiếp xúc, tiếp nhận, diễn dịch về thế giới chung
quanh và cung cấp những tin tức nhị nguyên cho tâm chúng ta, tâm chúng ta chụp
lấy những nhận biết đó, vì thế, một cách rất tự nhiên, những xung đột và xáo
trộn liền xẩy ra. Sự kiện này hoàn toàn đi ngược lại sự vắng lặng và an tịnh tự
nhiên của thế giới bên trong. Do đó, khi đạt tới, khi chứng nghiệm được cảnh
giới yên tịnh này, chúng ta sẽ kinh nghiệm được thế nào là sự bình an tuyệt
đối. Đây chỉ là một cách giải thích vắn tắt điều anh hỏi, có thể anh sẽ không
hoàn toàn thỏa mãn, vì đây là một đề tài lớn rất khó hiểu. Những gì tôi vừa
giải thích chỉ là sự giới thiệu đến một lãnh vực vô cùng thâm sâu. Tuy nhiên,
nếu anh có một chút hiểu biết về vấn đề này thì câu trả lời của tôi có thể làm
anh vừa lòng.
Hỏi: Khi
ngài tìm hiểu, kiểm soát tâm của ngài, nó có luôn luôn cho ngài biết sự thật
không?
Lạt ma: Không, không cần phải như vậy. Đôi khi cái tâm thức sai lầm của chúng ta trả
lời. Chúng ta không nên nghe theo chúng. Thay vì như vậy, anh hãy nói với chính
anh, “Tôi không thỏa mãn với những gì mà tâm nói; tôi muốn một câu trả
lời tốt hơn.” Chúng ta hãy luôn luôn liên tục tìm hiểu sâu xa hơn cho tới
khi nào trí tuệ của chúng ta trả lời, trí tuệ của chúng ta lên tiếng. Tốt hơn, hãy
hỏi, hãy luôn luôn hỏi; vì không hỏi sẽ không có câu trả lời. Nhưng chúng ta
không nên hỏi một cách quá xúc động, quá nóng nảy, “Ồ, cái gì đó, cái gì
đó? Tôi phải biết, tôi phải tìm cho ra, tôi phải...” Nếu chúng ta có câu hỏi,
nên từ từ viết xuống, nên suy nghĩ cho thấu đáo. Một lúc nào đó câu trả lời đúng
sẽ xuất hiện, nó cần thời gian. Nếu chúng ta không có câu trả lời ngày hôm nay,
hãy giữ lấy câu hỏi. Một khi câu hỏi trở nên mãnh liệt, câu trả lời sẽ đến, có
khi nó đến trong giấc mơ. Tại sao chúng ta có được câu trả lời? Bởi vì bản tính
tự nhiên của chúng ta là trí tuệ. Đừng nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn vô minh.
Bản tính tự nhiên của con người có cả hai thái cực âm và dương, tốt và xấu, trí
tuệ và ngu tối.
Hỏi: Ngài
định nghĩa một vị thầy (guru) như thế nào?
Lạt ma: Thầy là một người thực sự có thể chỉ cho chúng ta biết tâm bản nhiên của chúng
ta và là một người thấu triệt toàn diện những khúc mắc tâm linh của chúng ta.
Người nào không thấu hiểu tâm của mình cũng không thể biết được tâm của người
khác và vì thế không thể là một vị thầy. Họ không có khả năng giải quyết những
vấn đề của người khác. Chúng ta nên vô cùng thận trọng mỗi khi chọn cho mình
một vị thầy tâm linh; có rất nhiều ông thầy giả hiệu ở chung quanh chúng ta.
Đôi khi những người Tây phương vì qúa tin tưởng, qúa sùng bái, nên một người tới
nói “Tôi là một lạt ma, tôi là một hành gỉa, tôi có thể cho anh sự hiểu biết,”
rồi anh bạn trẻ Tây phương nghĩ, “ Chắc vị thầy này có thể chỉ cho mình, mình
sẽ đi theo ngài.” Nhưng rồi sự kiện này sẽ mang lại cho anh ta rất nhiều phiền
nhiễu. Tôi đã được nghe có rất nhiều người bị những lang băm lường gạt. Người
Tây phương có khuynh hướng dễ dàng tin hơn người Đông phương, người Đông phương
thận trọng vấn đề này hơn. Hãy coi chừng, đừng quá vội vàng.
Hỏi: Phải
chăng sự khiêm tốn luôn luôn đi đôi với trí tuệ?
Lạt ma: Đúng. Càng khiêm tốn càng tốt. Nếu chúng ta luôn luôn hành xử với tấm lòng
khiêm tốn, hòa nhã và hiểu biết thì cuộc đời chúng ta sẽ tuyệt vời biết bao.
Chúng ta sẽ luôn luôn kính trọng mọi người.
Hỏi: Có sự
ngoại lệ trong vấn đề này không, thưa ngài? Vì tôi đã được đọc trên một
tấm bích chương của một vị lãnh đạo tinh thần, “ Mọi người phải qùy dưới chân ta.”
Tình trạng đó có phải là khôn ngoan không?
Lạt ma: Ồ, điều này thật khó nói. Trong trường hợp này chúng ta phải rất thận trọng.
Tâm chúng ta rất kỳ lạ. Có khi chúng ta coi thường những sự kiện gía trị, có
khi chúng ta lại chấp nhận những sự kiện phải nên tránh. Hãy tránh những trường
hợp cực đoan, chúng ta nên theo con đường trung đạo, hãy kiểm soát mọi sự kiện
bằng trí tuệ. Điều này thực sự quan trọng.
Hỏi: Tại sao
có sự khác biệt giữa người Tây phương và người Đông phương như ngài mới đề cập
đến?
Lạt ma: Không có vấn đề gì hoàn toàn khác biệt. Có thể người Tây phương hơi phức tạp
một chút trong sự hiểu biết, nhưng căn bản chúng ta đều là con người; hầu như ai
trong chúng ta cũng đều muốn hưởng hạnh phúc và khoái lạc. Có thể vì trình độ
hiểu biết khác nhau của mỗi người đem đến sự khác biệt về cá tính. Sự liên hệ thầy
trò của người Á Đông khác với người Tây phương có thể vì họ có nhiều kinh
nghiệm trong vấn đề này hơn.
Hỏi: Có phải sự thành công trong việc phát triển trí tuệ ở Tây phương khó khăn hơn ở Đông phương vì ở Tây phương chúng tôi bị qúa nhiều trở ngại, tâm của chúng tôi qúa bận bịu với qúa khứ, tương lai và hình như chúng tôi bị qúa nhiều đè nén, áp chế? Phải chăng chúng tôi nên hoàn toàn tự từ bỏ? hay chúng tôi phải làm một cái gì?
Lạt ma: Tôi không nói rằng sự thành công trong vấn đề phát triển trí tuệ ở phương Tây khó hơn ở phương Đông. Thực ra, vấn đề phát triển trí tuệ, vấn đề tìm hiểu tính bản nhiên là vấn đề hoàn toàn cá nhân, của từng người. Chúng ta không thể nói rằng ở Đông phương sẽ dễ hơn ở Tây phương. Cũng như chúng ta không thể nhất quyết rằng muốn phát triển trí tuệ chúng ta phải đoạn tuyệt với đời sống vật chất Tây phương. Anh không phải từ bỏ cái gì cả. Thay vì để ý đến vấn đề phải từ bỏ, anh hãy cố gắng phát triển những quan điểm, như “ Tôi cần cái này, nhưng không phải tôi cần tất cả mọi thứ.” Những trở ngại thực sự đến với chúng ta khi lòng tham và sự bám víu bắt đầu ngự trị trong tâm chúng ta và khi chúng ta đặt hết tin tưởng vào người khác và vào sự sở hữu vật chất. Những sự vật ở bên ngòai tự nó không phải là những trở ngại; trở ngại nằm ngay tại tâm chúng ta, nó nói với chúng ta, “Tôi không thể thiếu cái này được, đời tôi không thể không có nó.” Chúng ta có thể có một đời sống xa hoa, đầy đủ tiện nghi, nhưng đừng lệ thuộc, đừng bám víu vào những vật sở hữu đó. Sự hạnh phúc, sự thụ hưởng những tiện nghi sẽ thực sự vĩ đại hơn, thoải mái hơn nếu chúng ta thụ hưởng mà không bị vương vấn, không bị bận tâm vì chúng. Nếu chúng ta điều khiển được chúng, đời sống của chúng ta thật hoàn toàn. Ở Tây phương quý vị có cơ hôïi có được những tiện nghi này, nhưng ở Đông phương chúng tôi thực sự phải tranh đấu để có được những tiện nghi tối thiểu. Để kết luận, càng bám víu vào những vật sở hữu càng tự đem lại nhiều rắc rối, đau khổ. Hãy cố gắng phát triển một tâm buông xả, một tâm tự do trong khi sở hữu những tài sản.
Tôi hy vọng rằng tôi đã trả lời đầy đủ cho qúy vị. Cám ơn qúy vị rất nhiều.
(Lama Yeshe thuyết giảng tại Trường Đại Học Melbourne, Uùc châu, ngày 25-3-1975)