DODRUPCHEN ĐỆ TAM
JIGME TENPE NYIMA
(1865-1926)
Dodrupchen Rinpoche đệ tam, Jigme Tenpe Nyima ra đời tối thứ Ba, ngày mười tám tháng hai năm Mộc Sửu thuộc Rabjung thứ mười bốn (1865) trong bộ tộc Chakong, thị tộc Nup, thuộc dòng Achak Dru. Ngài sinh tại Chkri Öbar, một ngọn đồi thiêng trong Thung lũng Mar thượng xứ Golok, nơi thân mẫu của ngài, bà Sönamtso, đã sống. Thân phụ ngài là Dudjom Lingpa (1835-1903), một bậc lão thông lừng danh và một đại tertön, khi đó đang sống tại Dröphuk, một ẩn thất trong một hẻm núi nhỏ cách Chakri khoảng một dặm. Thân phụ ngài đặt tên cho ngài là Sönam Tendzin.
Dodrupchen có bảy người em trai, tất cả đều là những tülku nổi tiếng. Khyentse Tülku Dzamling Wangyal (1868-1907), một tülku của Do Khyentse, được tôn phong tại các tu viện Dodrupchen và Nizok nhưng vẫn ở với cha của ngài. Tülku Tri-me Özer (còn gọi là Pema Drodül Sang-ngak Lingpa, 1881-1924) trở thành một đại học giả và tertön, phối ngẫu của ngài là nữ Đạo sư nổi tiếng Dewe Dorje ở Lhasa, thường được gọi là Sera Khandro. Tülku của Cheyö Rigdzin Chenmo mất sớm. Tülku Pema Dorje, một tülku của Satsa Lama, mất tại Tu viện Dodrupchen và chăm sóc Dodrupchen và tu viện. Tülku Lhatop (1885-?) là một tülku của Tu viện Shichen (gShi Ch’en). Tülku Namkha Jigme (1888-?) được xác nhận là một tülku của Paltrül Rinpoche và sống ở Dzachukha. Tülku Dorje Dradül (1892-1959?) ở tại Dartsang Ritrö trong hẻm núi Li của Thung lũng Do, trụ xứ của Düdjom Lingpa trong phần cuối của đời ngài.
Dodrupchen được Dzogchen Rinpoche đệ tứ Mingyur Namkhe Dorje (1793-?) xác nhận. Trong tiên tri của vị Thầy này có một dòng chữ nhận dạng Dodrupchen đệ tam là “sự tô điểm của hộp sắt tuyệt hảo,” một ám chỉ Chakong, hay bộ tộc “hộp sắt”.
Năm 1810 ngài được tôn phong tại Tu viện Yarlung Pemakö trong Thung lũng Ser. Trong nhiều năm ngài trải qua những mùa hè tại Yarlung Pemakö và mùa đông tại Tu viện Dodrupchen, nơi cũng được gọi là Tsangchen Gön, hay tu viện ở cánh đồng Tsangchen. Sau này, Tu viện Dodrupchen trở thành trụ xứ chính của ngài. Lúc ban đầu, Tülku Tri-me, một người em nhỏ hơn ngài sáu tuổi, đến ở với ngài. Sau vài năm Tülku Tri-me không muốn sống trong một cấu trúc tu viện nữa và trở về nhà. Sau đó một người em khác, Tülku Pema Dorje, đến ở với Dodrupchen. Sau này, Tülku Pema Dorje trở thành nhà quản lý của tu viện và người sùng mộ chăm sóc những chương trình của Dodrupchen cho tới khi ông mất. Tülku Pema Dorje nói: “[Dodrupchen] Rinpoche hầu như không trực tiếp nói gì về những điều phải làm, nhưng nghe ngài gợi ý, tôi sẽ cố gắng đáp ứng những nguyện ước của ngài.”
Dodrupchen đi tới Tu viện Dzogchen và học với Khenpo Pema Dorje. Vào lúc đầu ngài khó có thể hiểu được ý nghĩa của những bản văn triết học. Ngài thường khóc cho tới khi ngủ thiếp đi, và vào buổi sáng ngài nhận thấy đầu ngài bị dính vào gối do nước mắt của ngài. Một buổi sáng ngài nói với Thầy phụ đạo: “Đêm qua trong một giấc mơ con thấy ba vị Lạt ma trong y phục ẩn sĩ trong một ngôi chùa. Người đứng giữa cầm một quyển sách trong tay. Con hỏi ông ta: ‘Ngài là ai? Sách gì vậy?’ Lạt ma trả lời: ‘Ta là Do Khyentse Yeshe Dorje. Quyển sách này là để giúp cho những người không học được bài của họ.’ Con yêu cầu ngài ban cho con quyển sách. Ngài cho sách, và con cảm thấy hết sức sung sướng. Vì thế con tin rằng nếu con học ngày hôm nay, con sẽ học được.” Về sau, sự hiểu biết sâu rộng của ngài bỗng nhiên bộc phát, và ngài thấu suốt ý nghĩa của các bản văn không chút khó khăn,
Năm sau, ngài đi tới Đạo sư vĩ đại Paltrül Rinpoche (1808-1887) trong Thung lũng Dzachukha. Ngài nhận nhiều giáo lý từ Paltrül. Ngay lần đầu tiên nghe các bản văn, ngài có thể nắm bắt được ý nghĩa của chúng mà không cần một Thầy phụ đạo (sKyor dPon) để xem lại bài học với ngài. Dodrupchen mới lên tám khi Paltrül Rinpoche gởi các sứ giả khắp Thung lũng Dzachukha mời mọi người tới nghe ngài, để ngài ban giáo lý hàng năm về Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh). Trước một hội chúng đông đảo các tu sĩ và cư sĩ tại tu viện Dzagya, đích thân Paltrül dâng mạn đà la nghi lễ và khẩn cầu giáo lý. Dodrupchen trình bày những bài thuyết trình, và mọi người ngạc nhiên vì sự hiểu biết và xác tín của ngài. Lúc đầu, giọng nói nhỏ của Dodrupchen không tới được những người ngồi quá xa, nhưng từ từ giọng ngài trở nên mạnh hơn và tất cả mọi người đều có thể nghe thấy. Paltrül diễn tả niềm vui của ngài trong một lá thư gởi cho Khyentse Wangpo, thư nói:
“Liên quan tới Giáo Pháp của sự uyên bác, tülku của Dodrupchen đã ban những giảng dạy về Bodhicharyāvatāra năm lên tám tuổi. Đối với Pháp của sự chứng ngộ, Nyakla Pema Düdül [1816-1872] vừa đạt được thân cầu vồng. Vì thế Giáo pháp của Đức Phật không bị suy tàn.”
Paltrül rất tử tế và tôn kính Dodrupchen, và Paltrül để ngài ngồi trên gối của mình trong khi giảng dạy. Một buổi sáng sớm Paltrül nghe nói rằng Dodrupchen đang khóc. Sau đó ngài được thuật lại là Dodrupchen đã ngủ gà ngủ gật trong buổi cầu nguyện vào lúc bình minh và vị Thầy phụ đạo đã phát vào mông ngài một cái. Paltrül khó chịu về điều vị Thầy phụ đạo làm đến nỗi ngài nói với Dodrupchen: “Khi ngài mất, đừng đi tới Zangdol Palri, vì nếu ngài tới đó, Guru Rinpoche sẽ lại gởi ngài trở về, bởi Guru Rinpoche luôn luôn lo lắng về người Tây Tạng. Ngài đi tới Dewachen [cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà], và đừng trở về với những người này.” Paltrül không thích vị Thầy phụ đạo, bởi ông quá khắc nghiệt với Dodrupchen bé nhỏ. Khi Dodrupchen tới viếng thăm Paltrül lần sau, ngài có Thầy phụ đạo Akhu Lodrö, một tu sĩ có mái tóc xám, dịu dàng và tôn kính. Paltrül rất vui với vị Thầy này, ngài nói: “Ồ, ông ta giống như một Thầy phụ đạo của một Lạt ma quan trọng.” Bất kỳ khi nào Akhu Lodrö phải kỷ luật Dodrupchen, trước tiên ông lễ lạy ngài ba lần. Vì thế, ngay cả nhiều năm sau này, khi Akhu Lodrö lễ lạy để nhận các giáo lý từ ngài, Dodrupchen nói: “Ta vẫn lo lắng khi nhìn Akhu Lodrö lễ lạy ta.”
Từ nhiều vị Thầy, chủ yếu là Khenpo Pema Dorje, Paltrül Rinpoche, Khyentse Wangpo (1820-1892), Dzogchen Rinpoche đệ tứ (1793-?), Mura Tülku Pema Dechen Zangpo, Zhechen Thutop Namgyal (1787-?), Gyarong Namtrül Kunzang Thekchok Dorje, Ju Mipham Namgyal (1846-1912), Gyawa Do-ngak Gyatso, Kongtrül Yonten Gyatso (1813-1899), và Tertön Sögyal (1856-1926), Dodrupchen nhận các giáo lý về Vinaya (Luật), Madhyamaka (Trung Đạo), Nyāya (Phái Chính lý), Prajnāpāramitā (Bát Nhã Ba La Mật), Abhidharma (A tỳ đàm, A tỳ đạt ma), và những Mật điển Cổ và Tân. Ngài nhận những trao truyền toàn bộ giáo lý Nyingma, với sự đặc biệt nhấn mạnh về Yabzhi và Longchen Nyingthig từ Khyentse Wangpo, Khenpo Pema Dorje, và Dzogchen Rinpoche đệ tứ. Ngài trở thành một Đạo sư vĩ đại và vị hộ trì nhiều sự trao truyền trực tiếp.
Ngài nhận những linh kiến của nhiều Đạo sư và những bậc linh thánh và đạt được nhiều thành tựu. Nhưng ít ai biết được những chứng ngộ sâu xa của ngài bởi hầu như ngài không phơi bày điều gì. Khi ngài đề cập tới bất kỳ linh kiến nào, ngài luôn luôn mô tả chúng như những giấc mơ. Điều đó có thể đúng bởi đối với một bậc chứng ngộ, những giấc mơ là sự quang minh huyễn hóa và chói lọi của tâm trí tuệ của riêng ta, và cũng thế, mọi linh kiến thanh tịnh là những hiển lộ của sự quang minh huyễn hóa và chói lọi đó.
Khi ngài mười lăm tuổi, bởi những nguy hiểm chính trị bắt mọi người phải sống trong sự bất an và vô cùng sợ hãi. Rokza Lama Palge yêu cầu Dodrupchen kiểm tra những dấu hiệu của giấc mơ của ngài. Ngài làm như thế trong ba đêm. Vào đêm đầu tiên, ngài nhìn thấy một con chim khủng khiếp trong một cái lồng. Những con chim khác đang nỗ lực chống lại con chim bị giam giữ, nhưng tất cả chúng đều suy sụp khi chúng đến trước nó. Sau đó có người nói với Dodrupchen: “Nếu nhiều con thiên nga vàng vây quanh nó và nhảy qua nó, nó sẽ ngất đi và ngã xuống.” Vào đêm thứ hai ngài ở trong một khu rừng rậm. Có người nói: “Ở bìa rừng, một con cọp nguy hiểm đang sẵn sàng nhảy lên và ăn thịt tất cả. Nhưng hiện tại chỉ có cái đầu của nó ngước lên để nhìn quanh, trong khi thân nó vẫn còn nằm trên mặt đất. Nếu những tāntrika (hành giả Mật thừa) mạnh mẽ ném các torma, nó sẽ chúi đầu xuống mặt đất.” Vào đêm thứ ba, ngài được ban cho một thông điệp từ Khyentse Wangpo giảng nghĩa mối nguy hiểm tột bực cho Phật giáo và sự an bình của Tây Tạng. Thông điệp này sẽ được đưa ra sau này, trong cuộc đời của Dodrupchen đệ tứ Thubten Thrinle Palzang. Ngài nói: “Những giấc mơ cho thấy hiện nay nếu tất cả những người sùng đạo cùng chung sức cử hành các nghi lễ ngăn chặn các thế lực tiêu cực thì sẽ tránh được những hiểm nguy. Nếu không, chẳng bao lâu nữa, sự an bình và trí tuệ của Phật giáo sẽ bị suy giảm.” Sau đó ngài nhấn mạnh rằng điều tối quan trọng là mỗi một và mọi người – tăng, ni hay các cư sĩ – trong các nhóm hay cá nhân, phải đọc OM MANI PADME HūM, thần chú của Đức Phật của lòng Bi mẫn và Guru Rinpoche, càng nhiều càng tốt trong khả năng của họ, với lòng bi mẫn và sùng mộ. Đó sẽ là phương cách tốt nhất để ngăn ngừa những nguy hiểm như thế. Một số đại Lạt ma của miền đó đã nỗ lực tuân theo lời khuyên của ngài, nhưng nhiều người nói: “Rinpoche bảo chúng ta đọc OM MANI PADME HūM. Điều đó có nghĩa là chúng ta không làm gì khác ngoài việc tụng thần chú và chuẩn bị cho cái chết,” và họ không thực hành nhiều. Trong số những người thất học hay ít học có những người thường nghĩ rằng thiền định về lòng bi mẫn và tụng các thần chú an bình là những chuẩn bị cho cái chết hay để đạt được giác ngộ, trong khi để ngăn chặn những hiểm nguy to lớn thì phải sử dụng bùa chú. Nhưng sự thực là bất kỳ hình thức thực hành Phật giáo nào cũng phải được dựa trên lòng bi mẫn và phụng sự tất cả.
Năm hai mươi mốt tuổi (1875), Dodrupchen biên soạn tác phẩm uyên áo đầu tiên của ngài, Lekshe Gaton, một bình giảng về Guhyagarbha-māyājāla-tantra (Mật điển Bí mật tập hội), một Kinh văn Mật thừa quan trọng nhất của phái Nyingma. Các học giả kinh ngạc bởi sự uyên bác ở độ tuổi còn trẻ như thế của ngài. Tuy nhiên, nhiều năm sau, ngài khám phá ra rằng bình giảng của ngài bị ảnh hưởng bởi quan điểm của truyền thống Sarma[1] của Tây Tạng, và ngài viết một bình giảng thứ hai về cùng vấn đề.
Khi ngài ba mươi tuổi, Thầy phụ đạo Akhu Lodrö của ngài hỏi là bản thân Thầy sẽ sống bao lâu. Đêm hôm đó trong một giấc mơ, Dodrupchen mở một quyển sách và có hai dòng chữ: “Thầy giáo yogī của ngài sẽ sống trong năm năm. Thầy sẽ không sống lâu hơn thời gian đó. Điều đó sẽ không thay đổi.” Năm năm sau, vị thầy già dễ thương của ngài mất.
Năm hai mươi hai tuổi, Dodrupchen ở với Ju Mipham Mamgyal trong một thời gian dài tại Tu viện Dzongsar, nơi Khyentse Wangpo đã sống. Trước khi Dodrupchen khởi hành đi Tu viện Dodrupchen và Mipham đi Karmo Taktsang, Dodrupchen tới gặp Mipham để từ giã. Mipham đi tới cửa phòng để tiễn Dodrupchen và tặng ngài một cuộn giấy. Sau này Dodrupchen tìm thấy trong cuộn giấy một giáo huấn gồm ba mươi bảy câu kệ (Me Ri) về những vấn đề triết học trọng yếu. Cuối những câu kệ, Mipham nói: “Xin đừng cho người khác xem.” Vì thế ngài không thể làm như thế. Trong cuộn giấy đó có hai dòng tiên tri cho Dodrupchen:
Nếu ngọn lửa không bị gió thổi tắt,
Năm ba mươi lăm tuổi, những chướng ngại sẽ được dọn sạch và ông sẽ giữ vững truyền thống dòng truyền của riêng ông.
Về điều này, Dodrupchen nghĩ: Ta đang cố gắng duy trì truyền thống Nyingma của riêng ta và đặc biệt là dòng Nyingthig, và như thế điều gì mới mẻ có thể xảy ra? Nhưng vào năm ba mươi lăm tuổi, chẳng có lý do đặc biệt nào, Dodrupchen muốn đọc Kagye Deshe Düchen. Khi đọc quyển sách đó, không hiểu sao ngài nhận ra rằng sự hiểu biết trước đây của ngài về những quan điểm Nyingma (như ngài đã trình bày nó trong bình giảng đầu tiên của ngài về Guhyagarbha-māyājāla-tantra) bị ảnh hưởng bởi những quan điểm Sarma, và một sự hiểu biết mới về những quan điểm Nyingma và một sự xác tín mạnh mẽ ở những quan điểm đó đã thức giấc trong ngài. Sau đó trong năm năm ngài nghiên cứu rất nhiều tác phẩm Nyingma, và từ năm bốn mươi tuổi sự xác tín của ngài nơi quan điểm tối thượng hoàn toàn được khẳng định trong phạm vi của những quan điểm độc nhất vô nhị của Nyingma như được giải thích bởi Longchen Rabjam và Jigme Lingpa. Đó là những gì Ju Mipham muốn nói qua hai dòng tiên tri của ngài.
Tuktsa Tülku của Dephu, một tu viện Sakya ở Amdo, nói với Ju Mipham rằng ông muốn học các giáo lý Nyingma nhưng không chắc có học với Dodrupchen hay không, bởi quan điểm của Dodrupchen có thể bị ảnh hưởng bởi quan điểm Sarma. Mipham cam đoan với Tuktsa: “Lúc đầu quan điểm Nyingma của Dodrupchen chịu ảnh hưởng của quan điển Sarma, nhưng hiện nay quan điểm Nyingma của ngài chắc chắn là quan điểm Nyingma thuần túy. Ông nên đi và học với ngài.” Và Tuktsa đã làm như thế.
Tại Tu viện Dodrupchen, Dodrupchen xây dựng lại ngôi chùa chính và một bảo tháp khổng lồ. Với sự hỗ trợ của các đại khenpo khác, ngài ban những giáo lý trong một số năm mà không ngừng nghỉ, kể cả việc đích thân thuyết giảng về Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh) một trăm lần, như ngài đã hứa với Paltrül. Sau này, ngài chỉ vào một ngai tòa bằng gỗ nhỏ nhưng tuyệt đẹp (mà tôi đã thấy) và nói với mọi người: “Từ chiếc ghế gỗ này ta đã ban những giáo lý về Guhyagarbha-tantra hơn bốn mươi lần.” Kết quả là Tu viện Dodrupchen trở thành một trung tâm nổi tiếng cho việc nghiên cứu và thực hành toàn bộ hiển giáo và Mật giáo của đạo Phật.
Một hôm trong khi ngài đang ban những giáo lý, một trận bão mạnh bất thần quét qua khu vực. Khi cơn bão chạm vào Dodrupchen, ngài cảm thấy không được khỏe, và sau đó ngài ngã bệnh và không đi được. Kết quả của việc đó là ngài di chuyển tới ẩn thất của ngài và sống ẩn cư trong phần còn lại của đời ngài. Ẩn thất được gọi là Gephel Ritrö, Ẩn thất Nuôi dưỡng Đức hạnh, mà trong những tác phẩm của ngài, thỉnh thoảng ngài nói tới là Khu Rừng của Nhiều Con Chim. Ẩn thất này ở phía dưới đỉnh của một ngọn núi chọc trời cách Tu viện Dodrupchen khoảng hai dặm, ở giữa một bãi cỏ được bao bọc bằng những cây thông và cây bách xù cao lớn. Ngài sống trong một tòa nhà ba tầng to lớn chứa đầy pháp khí và nhiều quyển sách quý hiếm, khiến cho toàn thể căn nhà giống như một thư viện, ngôi chùa, viện bảo tàng và nhà ở hợp lại. Ngài miêu tả ẩn thất:
Nó vươn lên như đỉnh một ngọn núi cao,
Đầy những người trẻ trung, cây cối,
Trong lòng nó là phụ nữ, những con chim dễ thương,
Đang hát những điệu du dương của chúng.
Trong đó có một ngôi chùa, nơi trái quả đức hạnh được hoàn thành.
Những bức tường mịn màng có màu của vầng trăng.
Cây cỏ thanh xuân của khu rừng đang viếng thăm để tô điểm ẩn thất,
Như thể chúng khẽ cúi mình tôn kính.
Có một vài học giả-tu sĩ ở đó trông nom ngài và ẩn thất. Mặc dù ngài đau yếu, ngài không bao giờ nghỉ ngơi ngoại trừ những giờ ngủ, và ngài thường xuyên tham gia vào việc sáng tác, nghiên cứu hay thiền định.
Năm 1904, ngài được khẩn cầu có những giấc mơ về việc em ngài là Tülku Pema Dorje có nên gánh vác việc hành chánh của tu viện Dodrupchen hay không. Đêm hôm đó ngài mơ thấy một dòng chữ trong một quyển sách nói rằng: “Cho tới khi chết ông ta sẽ cổ vũ cho Giáo Pháp.” Em ngài đã trông coi việc hành chánh cho tới khi ông ta mất.
Khi ngài bốn mươi mốt tuổi (1905), một nửa nhóm bộ tộc Lagya, là những thường dân hay cư sĩ của Tu viện Dodrupchen, bị vị thủ lãnh Washül Kadö trục xuất khỏi Thung lũng Ser. Tu viện Dodrupchen bị buộc phải tính đến việc di chuyển tới một vùng khác. Nhưng sau đó Pema Bum, một trong ba khu vực bộ tộc chính yếu của Golok, đã cúng dường Thung lũng Tri cho Dodrupchen để làm nơi trú ẩn cho các cư sĩ của ngài. Cuối cùng bộ tộc Lagya định cư ở Tri, và Tu viện Dodrupchen vẫn ở chỗ cũ.
Khi Dodrupchen sống ẩn cư trong ẩn thất, ngoài các thị giả của ngài, bốn vị đại khenpo, và một vài tülku của Tu viện Dodrupchen, rất ít người được diện kiến ngài. Trong số ít ỏi vị khách được nhận các giáo lý có Tertön Sögyal, Rigdzin Chenpo của tu viện Dorje Trak, Kathok Situ, Khyentse Chökyi Lodrö, Garwa Tertön Long-yang (mất năm 1910), Tarthang Choktrül, Tülku Tsultrim Zangpo, và Sera Rintreng.
Tertön Sögyal (Lerab Lingpa, 1856-1926) là một vị khách thường xuyên, và ngài và Dodrupchen đã trao đổi các giáo lý. Năm 1916, khi Dodrupchen biên soạn bình giảng thứ hai của ngài về Guhyagarbha-māyājāla-tantra (Mật điển Bí mật tập hội), được gọi là Dzokyi Demik, Tertön Sögyal chép lại những gì Dodrupchen đã đọc cho ngài. Terkyi Namshe của Dodrupchen, luận văn về việc khám phá terma, là một tác phẩm ban đầu khác của ngài, được đặt nền chắc chắn trên những giảng nghĩa sáng tỏ mà ngài nhận từ Tertön Sögyal.
Tertön Sögyal mang lại bốn chữ biểu tượng [brDa Yig] mà ngài đã khám phá nhưng cho tới nay không thể giải mã được. Ngài và Dodrupchen cùng giải mã chúng. Theo những nguyên lý terma, nếu một giáo lý được Guru Rinpoche phó chúc và cất giấu trong nhiều đệ tử, thì không chỉ tertön được chỉ định mà cả những người khác cũng được cho phép giải mã những chữ biểu tượng.
Năm năm mươi chín tuổi (1914), Tertön Sögyal di chuyển tới Golok và ở gần Dodrupchen trong phần còn lại của đời ngài. Trước hết ngài bắt đầu xây một gompa trong cánh đồng Khemar trong Thung lũng Do thượng giữa nhóm bộ tộc Wang-röl, nhưng trước khi hoàn thành ngài để lại nó cho những người khác hoàn tất. Sau đó ngài và gia đình ngài được đặc biệt cho phép sống trong Tu viện Dodrupchen. Nhưng sau một thời gian, ngài quyết định di chuyển tới Dzongdün trong Thung lũng Ser, cách Tu viện Dodrupchen khoảng một ngày đi ngựa, và ngài ở lại đó trong phần cuối đời ngài.
Có lần khi Tertön Sögyal bị bệnh nặng tại Dzongdün, ngài bảo các thị giả đưa ngài tới Dodrupchen. Trên đường đi, khi đoàn của ngài tới Dilsham Kathok trong Thung lũng Thang-yag, ngài bảo các thị giả lễ lạy một cái cây trong cánh đồng, là nơi Dodrupchen đệ nhị sinh ra. Khi họ tới Sông Do, thật là kỳ diệu, ngài đã có thể cưỡi ngựa, và sau khi nhìn thấy Dodrupchen thì mọi bệnh tật của Tertön Sögyal biến mất.
Năm Mộc ngưu (1925), Tertön Sögyal tới gặp Dodrupchen. Lúc kết thúc buổi gặp gỡ, các ngài trao đổi khăn, là điều các ngài chưa bao giờ làm khi họ chia tay trong những lần trước. Sau đó các ngài nói với nhau: “Tôi sẽ gặp ngài trong Cõi tịnh độ.” Qua năm sau, trong năm Hỏa Dần (1926), cả hai vị đều mất.
Rigdzin Chenmo, vị lãnh đạo Tu viện Dorje Trak, xin được gặp Dodrupchen. Theo truyền thống, bởi Rigdzin Chenmo là một trong hai Lạt ma quan trọng nhất của phái Nyingma, Dodrupchen vui lòng gặp ngài. Khi tới nơi, Rigdzin Chenmo thậm chí không ngồi trên tấm nệm mà ngồi trên sàn nhà trên một tấm thảm nhỏ trước mặt Dodrupchen. Sau đó các ngài cùng dùng bữa trưa với một buổi gồm những câu hỏi-và-trả lời dài trong sự bí mật. Sau này Rigdzin Chenmo đánh giá đó là một buổi gặp gỡ lợi lạc nhất với một Lạt ma.
Kathok Situ Chökyi Gyatso (1880-1925) tới gặp Dodrupchen với nhiều câu hỏi về triết học và thiền định. Kathok Situ cũng đưa ra cho Dodrupchen một lời tuyên bố nổi tiếng: “Hiện nay tại Tu viện Dzogchen, Gyakong Khenpo [Zhenphen Chökyi Nangwa] giảng dạy những bản văn [gZhung] theo những bình giảng của Ấn Độ, nói rằng: ‘Chỉ có những bình giảng của Ấn Độ là xác thực.’ Tại Tu viện Dodrupchen của ngài, các khenpo đang giảng Kinh điển theo những bình giảng của phái Geluk và các Mật điển theo truyền thống Nyingma. Vì thế Tu viện Kathok là tổ chức duy nhất giảng dạy những truyền thống Nyingma thuần túy.” Dodrupchen hỏi: “Đối với Abhisamayālamkāra (Hiện Quán Trang nghiêm), ông đang dùng bình giảng nào tại Kathok?” Kathok Situ trả lời: “Bình giảng của Gorampa” (là một Đạo sư nổi tiếng phái Sakya).
Năm 1920, Khyentse Chökyi Lodrö của Tu viện Dzongsar (1893-1959) tới ẩn thất của Dodrupchen trong một chuyến thăm viếng vài tháng để nhận những giáo lý và sự trao truyền. Một hôm, như thường lệ, Khyentse đi một mình tới phòng thờ của Dodrupchen để nhận quán đảnh Rigdzin Düpa. Dodrupchen đang ngồi trên một chiếc ghế cao. Khyentse được yêu cầu ngồi trên một tấm nệm cạnh cửa sổ. Một tu sĩ là người phụ lễ (chöpön) đặt tất cả những phẩm vật quán đảnh lên bàn thờ và ra khỏi phòng. Dodrupchen vẫn tụng các thần chú. Chẳng bao lâu cái bình trên bàn thờ phát ra những tia sáng trắng, tràn ngập toàn thể gian phòng. Sau đó ánh sáng đỏ trùm lên toàn thể căn phòng, và điều đó làm cho Khyentse khó nhìn thấy Dodrupchen. Khi ánh sáng mờ dần, ngài nhìn thấy một người đàn bà tuyệt đẹp với những đồ trang sức ở đó, làm “đạo sư hành động” với những cử chỉ nhảy múa. Khyentse, khi đó là một tu sĩ, nghĩ rằng: “Ở một thời điểm quan trọng như thế này, có một tu sĩ thực hiện vai trò của đạo sư hành động thì tốt hơn.” Khi lễ quán đảnh kết thúc, người đàn bà biến mất. Dodrupchen bảo Khyentse: “Tülku Tsang! Ta có một thành tựu siêu việt để trao cho ông, nhưng do bởi những ý niệm của ông nên điều đó không thể xảy ra hôm nay. Nhưng ông sẽ nhận được nó sau này. Người đàn bà là Dorje Yudrönma [một trong những nữ Hộ Pháp chính yếu của dòng Longchen Nyingthig’.” Trong lễ quán đảnh Rigdzin Düpa, Dodrupchen ban cho ngài tên Pema Yeshe Dorje, là tên mà các học giả cho rằng là một biểu thị cho thấy Chökyi Lodrö cũng là tülku của Do Khyentse Yeshe Dorje. Vào lúc trao truyền Ladrup Thigle Gyachen, Khyentse thấy Rinpoche là Longchen Rabjam. Khyentse Chökyi Lodrö viết về việc ngài viếng thăm Dodrupchen bằng những vần thơ.
Tôi tới trại của Dodrupchen ở phương Bắc và
Gặp Tenpe Nyima toàn trí.
Tôi nhận những quán đảnh Rigdzin Düpa và Ladrup Thigle Gyachen,
Các giáo lý về Longchen Nyingthig và
Đề cương của Guhyagarbha.
Ngài thường xuyên ban cho tôi những giáo huấn và lời chỉ dạy.
Ngài cho phép tôi truyền bá
Những tác phẩm của ngài mà không cần sự khẩu truyền [Lung].
Với thiện tâm to lớn, ngài ban cho tôi mọi sự chăm sóc.
Tarthang Choktrül Chökyi Dawa (1894-1959) là một đệ tử của Khenpo Könchok Drönme, và trước nhiều lần yêu cầu của Khenpo ngài đã sắp xếp để được diện kiến Dodrupchen. Tarthang Choktrül tới gặp Rinpoche và ngồi trên tấm nệm; các ngài cùng dùng bữa trưa, và ngài ra đi mà không đặt một câu hỏi nào về những vấn đề Giáo pháp quan trọng. Sau này, những người khác hỏi Tarthang Choktrül: “Vì sao ngài không hỏi Rinpoche về những vấn đề thiền định hay trí thức quan trọng?” Ngài trả lời: “Tôi chỉ tới gặp Rinpoche và nhận một gia hộ – không phải để đặt những câu hỏi!”
Tülku Tsültrim Zangpo của Tu viện Shukchung, một đại học giả và bậc lão thông, là một vị hộ trì giáo lý các giáo lý terma của Tertön Sögyal, như bản thân Dodrupchen. Ngoài ra, ngài đã sao chép nhiều bản văn cho Dodrupchen. Nhờ những bản văn mà ngài có thể gặp Dodrupchen nhiều lần.
Sera Rintreng, một học giả sáng chói, là một trong những người được gặp Dodrupchen bằng cách trở thành thị giả của ngài. Ngài trải qua ba năm làm người nấu bếp cho Dodrupchen. Một hôm, ban cho ngài một xâu chuỗi hột màu vàng, Dodrupchen bảo ngài: “Do bởi sức khỏe của ta, ta không thể ban cho ông bất kỳ giáo lý văn bản nào. Ông phải đi về phương đông. Ông sẽ trở thành một đại học giả của Giáo Pháp.” Phù hợp với điều được dạy, Rintreng đi tới ẩn thất Ditsa ở Amdo và tu học với Alak Zhamar và trở thành một đại học giả.
Nhiều người tìm cách khác để gặp Dodrupchen. Mỗi năm Dodrupchen ban những quán đảnh và một giải thích vắn tắt Sādhana Ba Gốc của Longchen Nyingthig cho các tu sĩ gia nhập trường thiền định một năm của tu viện. Những trường chỉ nhận tám tu sĩ, và hầu hết các tu sĩ đó học lại cũng chương trình đó trong nhiều năm để gặp Dodrupchen. Nhưng đôi khi, nếu một tu sĩ đã hứa tự mình thực hiện một khóa nhập thất một năm nghiêm nhặt, người ấy có thể được nhận lễ quán đảnh do Dodrupchen ban. Trong số những tu sĩ đó là vị Thầy Chöchok của tôi thuộc gia đình Kyala, là người sau này được gọi là Kyala Khenpo của Tu viện Dodrupchen, và Lobzang Dorje (còn gọi là Lo-de) thuộc gia đình Akong, người về sau trở nên nổi tiếng là Akong Khenpo của Tu viện Tarthang.
Kyala Khenpo (chúng ta sẽ nói về ngài trong chương 34) nhận những quán đảnh trong ba năm liên tiếp, hóa ra đó là những quán đảnh của ba năm cuối cùng của Dodrupchen.
Từ thời thơ ấu Akong Khenpo có một thôi thúc to lớn được gặp Dodrupchen. Có lần khi ngài đang lớn, ngài tới Tu viện Dodrupchen để tìm cách gặp Dodrupchen. Khenpo là người sao chép bản thảo tài giỏi, vì thế trước tiên ngài sao chép tám quyển sách cho Dodrupchen bằng cách gởi những bản thảo đi tới đi lui qua các thị giả. Ngài từ chối không nhận tiền thù lao trong việc sao chép, nhưng để đổi lại, ngài khẩn cầu được phép thực hiện chương trình nhập thất một năm để có thể gặp Dodrupchen. Đây là điều ngài được phép làm. Cuối cùng, khi Khenpo nhìn thấy Dodrupchen, ngài không bao giờ cảm nhận ngay cả trong một giây rằng Dodrupchen là một con người, mà là một vị Phật. Với sự nhất tâm và sùng mộ tuyệt đối, ngài đã nhận những quán đảnh dài cùng với nhiều giáo lý khác. Nhưng sau một lát, khoảng một phần nhỏ của một giây, tâm ngài bị xao lãng bởi điều gì khác và thình lình Dodrupchen hét to PHAT!, một chữ bí mật. Khenpo cảm thấy mình hầu như chết ngất. Bị choáng váng, Khenpo ngước nhìn Dodrupchen, vị Thầy này đang chăm chú nhìn ngài với đôi mắt mở lớn. Vào cuối buổi lễ, Dodrupchen nói: “Trong lễ quán đảnh, nếu một Đạo sư chứng ngộ và một đệ tử sùng mộ gặp nhau, đệ tử có thể được đưa vào sự chứng ngộ. Tu sĩ trẻ Akong, con đã nhận một sự khai tâm như thế. Bây giờ con phải thiền định về nó với sự tinh tấn.” Sau này Khenpo nói rằng đó là cách ngài nhận ra chân tánh không qua việc học tập.
Nhiều người thường xuyên thăm viếng ẩn thất để tìm kiếm những lời giải đáp cho các câu hỏi của họ về các vấn đề triết học hay tu tập thiền định, thường tìm cách đưa ra câu hỏi thông qua những người trung gian. Một trong những người đến gặp Dodrupchen với những câu hỏi là Tülku Tri-me, là người em lão thông và học giả của Dodrupchen. Dodrupchen từ chối không tiếp ngài, nói rằng: “Thật không hay nếu tiếp em tôi mà không tiếp những người khác.” Tuy nhiên, Tülku Tri-me hài lòng bởi những minh giải cần thiết mà ngài lãnh hội qua Rayop Rang-rik, thị giả sáng chói của Dodrupchen.
Trong Tu viện Dodrupchen có rất nhiều đại học giả, trong số họ có bốn đại khenpo mà hình tướng của họ đã được tiên tri trong Tiên tri Bí mật của Lama Gongdü. Tên của các ngài là Sershul Khenpo Ngawang Künga, Garwa Khenpo Jigme Ösal (?-1926), Amye Khenpo Tamchö Özer (?-1927), và Lushül Khenpo Könchok Drönme (1859-1936). Hầu hết tất cả những học giả vào thời đó ở các tỉnh Golok và Serta của Tây Tạng và ngoài ra ở nhiều tu viện Nyingma khác của Kham, Gyarong, và Amdo là các đệ tử của Tu viện Dodrupchen.
Mặc dù Dodrupchen trở thành một học giả nổi tiếng và một nơi nương tựa bất diệt cho rất nhiều người, tu viện của ngài vẫn đơn sơ và nhỏ bé, bởi ngài không thúc ép sự thịnh vượng vật chất, là điều có thể làm con người sao lãng Pháp chân thực. Ngài là một ẩn sĩ ẩn mật, vì thế rất khó hiểu được bề sâu của những chứng ngộ hay cái thấy sâu xa của ngài. Giống như một đứa trẻ, ngài không kiêu ngạo và rất dễ gần, nhưng tâm ngài sâu xa và ngài nói sự thật. Bởi cách sống của ngài đơn giản, dồi dào phẩm hạnh, sự uyên thâm thâm trầm, và giới luật mà ngài trì giữ trong suốt cuộc đời, bất kỳ khi nào những người trí thức và có quyền hành tới trước ngài, họ hoàn toàn trở nên khiêm tốn, yên lặng, và được điều phục trong sự hiện diện của ngài.
Vào lúc hoàn thành việc xây dựng một đại bảo tháp tại Gogen Thang trong Thung lũng Ser, ngài cử hành lễ hiến cúng trong ẩn thất của ngài. Những hạt mà ngài ném trong nghi lễ tức thì rơi trên bảo tháp ở cách xa ẩn thất của ngài một ngày rưỡi đường du hành bằng ngựa.
Mặc dù Dodrupchen không bao giờ thọ cụ túc giới và vẫn giữ giới luật của một sa di (shramanera), ngài trì giữ những giới luật sa di hết sức nghiêm cẩn, chẳng hạn như không ăn sau buổi trưa. Ngài đã chỉ thị cho bốn vị khenpo, các tu viện trưởng của Tu viện Dodrupchen, hướng dẫn tu viện trong những giới luật tu viện nghiêm cẩn nhất, và nó đã trở thành một tổ chức tu viện mẫu mực trong miền Golok và xa hơn nữa.
Dodrupchen cũng giữ gìn ẩn thất của ngài như một trụ xứ tu viện. Có lần Tertön Sögyal hỏi ngài: “Phối ngẫu của tôi rất ao ước được diện kiến ngài. Bà ấy có thể tới gặp ngài được không?” Dodrupchen suy nghĩ một lát và nói: “Ta đồng ý nếu có người đỡ ta tới ngưỡng cửa để gặp bà ấy. Bởi cho tới nay chưa từng có người đàn bà nào vượt qua ngưỡng cửa của ta.” Vì thế, một hôm, người ta giúp Dodrupchen xuống gác đi tới cửa, và ngài ban giáo lý cho phối ngẫu của Tertön Sögyal. Người ta tin rằng một trong những lý do vì sao ngài quá nghiệm nhặt về giới luật tu viện của ngài là vì nguyện ước mà Dodrupchen đệ nhị đã lập ra vào lúc mất, như đã đề cập ở trên.
Mặc dù Dodrupchen không khỏe mạnh, ngài vẫn kiên trì đọc sách và nghiên cứu. Có lần anh ngài, Tülku Pema Dorje, hỏi ngài với vẻ lo âu: “Rinpoche, khi nào ngài chấm dứt những việc nghiên cứu?” Ngài tạm ngừng và nói: “Khi tôi đạt được Phật quả.” Pema Dorje phàn nàn: “Ồ, điều đó thì quá xa!”
Dodrupchen biên soạn năm quyển sách gồm những luận văn uyên áo về hiển giáo (Kinh điển) và mật giáo (Mật điển). Trong số những tác phẩm này, bản văn Changchup Sempe Zung (Những Ký ức của chư vị Bồ Tát) được các học giả hết sức tán thán là một tác phẩm độc đáo chưa từng có. Bản văn này được viết rất sớm, nhưng ngài kết thúc vào năm Thủy Tuất (1922). Tác phẩm Dzökyi Demik (Một Đề cương của Guhyagarbha-māyājāla-tantra) trở thành một trong những bản văn quan trọng nhất của phái Nyingma về những nghiên cứu Guhyagarbha-tantra, là bản văn gốc của Mahāyoga và cũng của các Mật điển Nyingma nói chung. Ngoài ra, trong số những tác phẩm quan trọng khác của ngài có Terkyi Namshe, một mô tả chi tiết về việc khám phá những giáo lý huyền bí ẩn dấu, và Kyiduk Lamkhyer, một bài pháp ngắn nhưng sâu xa về việc chuyển hóa hạnh phúc và đau khổ thành việc tu tập của Phật giáo.
Khi Jampal Rölpe Lodrö, thường được gọi là Amdo Geshe, một đại học giả phái Geluk và cũng là một vị Thầy của Khyentse Chökyi Lodrö, đọc bản văn Những Ký ức của chư vị Bồ Tát của Dodrupchen, ngài nói: “Bản văn này không do một tâm trí con người viết ra. Nó chỉ có thể được viết bởi một bậc đã nhận được những gia hộ của Đức Văn Thù, Bổn Tôn Trí tuệ.” Amdo Geshe dâng một bản sao của bản văn này cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba, ngài nói: “Ngày nay, một tác giả của thể loại này thật hiếm có trong xứ này.” Amdo Geshe ở lại với Khenpo Tamchö tại tu viện Dodrupchen suốt một mùa đông, nhưng không gặp được Dodrupchen. Tuy nhiên khi Amdo Geshe đọc bình giảng về Guhyagarbha-māyājāla-tantra của Dodrupchen, ngài đã phản đối những quan điểm độc nhất vô nhị của phái Nyingma được đưa ra trong đó, và ngài muốn được tranh luận với Dodrupchen. Nghe câu chuyện này, Sera Ringtreng, một học giả của những bản văn Nyingma và Geluk, đã nói: “Tôi biết Amdo Geshe. Ngài là một đại học giả và một Lạt ma kỳ diệu. Nhưng xét cho cùng, ngài là một con người. Tôi biết Rinpoche. Chúng ta không biết một vị Phật ra sao, ngoại trừ việc nói: ‘Một vị Phật là một đấng hết sức đặc biệt.’ Rinpoche không phải là một con người. Ngài là một bậc hết sức đặc biệt. Tự tôi chứng kiến điều đó.” Rồi ngài nói thêm: “Nếu Amdo Geshe muốn, tôi sẽ thảo luận với ngài. Ngài đang tự mâu thuẫn. Ngài đã tán thán tác phẩm đầu tiên của Rinpoche là một tác phẩm của một người nhận được những gia hộ của Đức Văn Thù. Nếu đúng như thế, hẳn phải có những gia hộ của Đức Văn Thù cho tác phẩm kế tiếp của Rinpoche!” Tuy nhiên, các ngài không bao giờ có cơ hội để tranh luận.
Trong những cuộc phỏng vấn riêng và những bài diễn văn công khai, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn hiện tại cũng tán thán những tác phẩm của Dodrupchen đệ tam là những tác phẩm uyên áo vĩ đại nhất về quan điểm Nyingma, và ngài khuyên nên đọc chúng để học tập những quan điểm độc nhất vô nhị của Nyingma. Ngài đã nói rằng dòng truyền của sự hiểu biết của riêng ngài (hay chứng ngộ) về Dzopa Chenpo và Nyingma đến với ngài trước tiên từ Dodrupchen đệ tam nhờ đọc các tác phẩm của Dodrupchen.
Trong bốn khenpo của Tu viện Dodrupchen, Garwa Khenpo là người gần gũi với ngài nhất. Một hôm sau một chuyến viếng thăm ẩn thất, Khenpo trở về tu viện muộn một cách khác thường. Một đệ tử của ngài hỏi lý do vì sao ngài về muộn, và ngài trả lời: “Chúng ta nói về một số điều vui và một số điều buồn.” Đệ tử hỏi: “Chúng ra sao?” Khenpo nói; “Rinpoche muốn chết trước, và ta thuyết phục ngài để ta chết trước.” Khi hỏi: “Ngài quyết định ra sao?” ngài trả lời: “Ta muốn chết sớm hơn một chút.” Sau đó khoảng một năm Khenpo mất, và sau ít tháng thì Dodrupchen cũng mất.
Vài tháng trước khi Dodrupchen mất, ngài ban những quán đảnh hàng năm cuối cùng cho những người nhập thất. Theo Kyala Khenpo, là một trong những người nhận quán đảnh, sức khỏe của Rinpoche có vẻ không thay đổi. Tuy nhiên, trong hai năm trước đó, vào cuối lễ quán đảnh, không nói những lời nguyện ước hay cầu nguyện kiết tường nào, ngài luôn luôn làm một cử chỉ cho thấy buổi lễ đã chấm dứt, và sau đó mọi người ra về. Nhưng lần này, lúc kết thúc lễ quán đảnh, Garwa Khenpo từ cánh cửa kế cận bước vào khi ngài đang chờ ở đó để kết thúc buổi lễ, mặc dù các đệ tử không biết điều đó. Khi đó Dodrupchen nói: “Có câu nói ‘Đừng khiêm tốn trong việc lập nguyện,’ vì thế chúng ta nên nói một lời ước nguyện trang trọng.” Được Khenpo hướng dẫn, Dodrupchen và các đệ tử cùng nói nhiều lời ước nguyện dài, kế đó là một bài cầu nguyện kiết tường dài của chính Dodrupchen. Kyala Khenpo nói với tôi là ngài đã nghĩ: “Ồ! Đây là một dấu hiệu cho thấy Rinpoche sẽ không còn ban quán đảnh nữa,” và chắc chắn đó là sự trao truyền quán đảnh cuối cùng của ngài. Garwa Khenpo và Dodrupchen đã hoạch định trước tất cả những điều này.
Rồi một hôm, trong khi Dodrupchen đang biên soạn một bình giảng về Me-ngak Tatreng (Tràng Hoa những Giáo huấn về Cái Thấy) của Guru Rinpoche, ngài bảo thị giả bọc bản thảo lại và trả nó lại kệ sách, và nói: “Giờ đây là lúc kết thúc tác phẩm của ta. Trong tương lai một người nói ông ta là tülku của ta sẽ tới và hoàn tất bản văn này.” (Tuy nhiên, cho tới nay không có ai biên soạn một bình giảng mới.) Sau đó ngài bắt đầu có vẻ đau yếu, và một buổi tối, ngài đột ngột qua đời ở tuổi sáu mươi hai, vào năm Hỏa Dần (1926). Có những dấu hiệu thông thường khi những Đạo sư vĩ đại thị tịch, trong đó có hiện tượng mặt đất chấn động, những tia sáng cầu vồng, và khí hậu ấm áp. Sau bốn mươi chín ngày nhục thân của ngài được hỏa thiêu, và di cốt được lưu giữ trong bảo tháp vàng hai tầng tại Tu viện Dodrupchen.
[1] Sarma có nghĩa là Tân Tantra hay những môn đồ của giáo lý Tân Mật thừa. Nyingma theo Cựu Tantra, và tất cả những trường phái khác của Tây Tạng là những môn đồ của Tân Tantra.