Thư Viện Hoa Sen

Dodrupchen Đệ Tứ Rigdzin Tenpe Gyaltsen (1927-1961)

03/11/201012:00 SA(Xem: 8334)
Dodrupchen Đệ Tứ Rigdzin Tenpe Gyaltsen (1927-1961)

DODRUPCHEN ĐỆ TỨ
RIGDZIN TENPE GYALTSEN
(1927-1961)

KYABJE Rigdzin Tenpe Gyaltsen, Dodrupchen Rinpoche đệ tứ, là một hiện thân của trí tuệ vĩ đại và năng lực huyền diệu. Trong số nhiều danh hiệu của ngài có Rigdzin Jalü Dorje, Natsok Rangtröl, Düdül Pawo Dorje, và Jigtral Düdül Namkhe Dorje.

Rinpoche sinh năm Hỏa Mẹo thuộc Rabjung thứ mười sáu (1927) trong Thung lũng Mar Thượng ở miền Đông Tây Tạng. Thân phụ của ngài là Gyurme Dorje thuộc Wangda, một trong tám nhóm bộ tộc của Pema Bum, là một trong ba phân khu của bộ tộc Golok. Thân mẫu ngài là Melo thuộc nhóm bộ tộc Ling. Ngài có các dấu hiệu là những chữ HA RI NI và SA nơi trái tim, là một dấu hiệu từ một terma tiên tri, trong đó nói:

Hiển lộ của Đức Liên Hoa Sanh tên là Pawo

Sẽ điều phục chúng sinh với giới luật bí truyền của ngài.

Nơi trái tim ngài, HA RI NI và SA xuất hiện thật rõ ràng.

Bất kỳ ai được nối kết với ngài sẽ thoát khỏi những tái sinh thấp kém.

Năm lên bốn tuổi ngài được xác nhận là tülku của Dodrupchen đệ tam bởi nhiều Lạt ma trong đó có Amdo Geshe Jampal Rölpe Lodrö, một Đạo sư vĩ đại phái Geluk, và Tülku Dorje Dradül (1891-1959?). Tülku Dorje Dradül là một đại tertön, con út của Düdjom Lingpa và em út của Dodrupchen đệ tam. Tuy nhiên về sau này chính Rinpoche xác nhận rằng ngài là tülku của Do Khyentse, và ngài cũng phô diễn năng lực huyền bí giống như Do Khyentse.

Khi Rinpoche bốn tuổi, với buổi lễ vĩ đại, ngài được tôn phong tại Tu viện Dodrupchen đồng thời với Thupten Thrinle Palzang Rinpoche, tülku khác của Dodrupchen đệ tam. Sau đó, hai vị Rinpoche cùng có những bài tập đọc, và các ngài sống với nhau cho tới cuối tuổi thiếu niên.

Năm lên bảy, hai vị Rinpoche học các bản Kinh điển với Lushül Khenpo Könchok Drönme (Könme) cho tới khi Khenpo mất năm 1936. Sau đó các ngài học với Chökor Khenpo Kang-nam, Kyala Khenpo Chöchok, và những học giả khác của Tu viện Dodrupchen trong nhiều năm.

Năm mười một tuổi, trong nhiều tháng hai vị Rinpoche đi tới Thung lũng Dzachukha để nhận những trao truyền Nyingthig YabzhiLongchen Nyingthig từ Gekong Khenpo Künzang Palden (Künpal) vĩ đại.

Trong thời thơ ấu, Rinpoche không phô diễn bất kỳ điều thần diệu nào, nhưng khi ngài lớn lên và Thupten Thrinle Palzang Rinpoche đã ngừng phô diễn các điều huyền diệu thì ngài bắt đầu hiển lộ năng lực của riêng ngài.

Năm mười chín tuổi, cả hai Rinpoche đi tới miền Trung Tây Tạng trong một chuyến hành hương kéo dài hàng năm. Rinpoche thực hiện một khóa nhập thất ngắn hạn tại Kang-ri Thökar, nơi Longchen Rabjam đã sống. Ở nhiều nơi ngài có những linh kiến và nhìn thấy những terma được khám phá, nhưng ngài quyết định phớt lờ đi bởi ngài bị những tu sĩ nghiêm chỉnh vây quanh.

Sera Yangtrül (1926-1989/90), một tertön nổi tiếng của Thung lũng Ser, thành viên của đoàn lữ hành trong nhóm hành hương của Dodrupchen, nói:

Trên đường từ miền Trung Tây Tạng trở về, một hôm Rinpoche và tôi đi tới bờ một con sông. Rinpoche bảo tôi: “Hãy đào cát lên. Ta sẽ tìm thấy cái gì đó.” Sau khi đào được một ít, tôi phát hiện một bánh xe cầu nguyện. Rinpoche nói: “Đào nữa; sẽ có cái gì khác nữa.” Tôi đào nữa và khám phá một pho tượng mạ vàng. Rinpoche nói: “Ta cần pho tượng này. Ông lấy bánh xe cầu nguyện.” Nghĩ rằng: “Ta muốn có pho tượng, nhưng ngài không đưa nó cho ta. Ta làm gì với bánh xe cầu nguyện này?” tôi nói: “Con không cần bánh xe cầu nguyện.” Rinpoche nói: “Vậy thì vất nó đi.” Tôi ném nó, và trước khi rơi xuống mặt đất, nó hoàn toàn biến mất. Khi nhắc tới bánh xe cầu nguyện và pho tượng mạ vàng, tôi hỏi: “Rinpoche, những cái đó là gì?” Ngài nói: “Ồ hẳn là một vài du khách đã bỏ quên chúng ở đây.” Đó là lỗi lầm của việc tôi còn quá trẻ. Đó là một cuộc khám phá terma, nhưng khi đó tôi không nhận ra điều ấy.

Yangtrül kể một câu chuyện khác.

 Một lần nữa trên đường về, Rinpoche và tôi đi dạo trong một hẻm núi. Trước tiên ngài muốn chúng tôi làm những cái móc bằng những nhánh con của một bụi gai. Sau khi làm xong, khi nhìn vào một ngọn đồi đá cao, dốc, và phẳng mặt, ngài nói: “Trong tảng đá đó có terma. Chúng ta sẽ tới xem chứ?” Khi chúng tôi đến đó, ngài đặt những cái móc vào tảng đá như thể ở trong bùn và khi sử dụng chúng, ngài leo lên, và tôi đi theo ngài. Rồi chúng tôi tới một cái hang khổng lồ. Ở trong hang chúng tôi tụng Lời Cầu nguyện Bảy DòngLời Cầu nguyện Thành tựu Tự nhiên những Ước nguyện của Guru Rinpoche. Vào lúc đó, một mảnh tường của cái hang mở ra như một cửa sổ. Trong một cái lỗ như cửa sổ chúng tôi nhìn thấy nhiều pho tượng và những “hộp nhỏ.” Cũng có một hòn đá có hình dạng một cánh tay. Rinpoche nói: “Hãy kéo hòn đá đó. Phần terma của ông ở đó.” Khi tôi cố gắng kéo hòn đá, nó mở ra như một cái nắp, trong đó có nhiều pho tượng và những chiếc hộp nhỏ có những con rắn bao quanh. Rinpoche nói: “Nhặt chúng lên, đừng nghi ngờ gì hết.” Tôi thò tay vào và lấy ra một pho tượng và ba cái hộp. Sau khi nhìn chúng, ngài nói: “Bây giờ để chúng trở lại.” Tôi nói: “Con sẽ lấy một bức tượng.” Rinpoche cảnh báo: “Không! Chưa tới lúc để lấy ra, và những vị bảo hộ sẽ không để chúng ta lấy.” Khi tôi đưa những terma vào, cánh cửa trong tảng đá đóng lại một cách tự nhiên và niêm kín lại như trước. Nó hoàn toàn như một trò ảo thuật. Sau đó tôi leo xuống trước, và ngài xuống sau, gỡ những chiếc móc ra khỏi tảng đá. Tôi bảo ngài: “Rinpoche, cứ để những cái móc ở đó, chúng ta sẽ cần tới khi quay trở lại.” Ngài nói: “Không! Nếu người ta nhìn thấy chúng, họ sẽ cười chúng ta và nói: ‘Hai tên khùng đã ở đây.’” Khi ngài gỡ xong những cái móc, ngay cả một dấu vết của việc ngài đã ghim những cái móc vào tảng đá cũng không còn. Giờ đây tôi hiểu rằng đó là một sự phô diễn đáng kinh ngạc.

Vào một thời điểm nào đó sau khi trở về từ miền Trung Tây Tạng, Rinpoche lập trụ xứ chính của ngài tại Gephel Ritrö, Ẩn thất Gieo trồng Đức hạnh, nơi Dodrupchen đệ tam đã ở hầu hết nửa sau của đời ngài. Ẩn thất này ở phía dưới đỉnh của một ngọn núi chọc trời trong một cánh đồng như tấm gương phủ cỏ xanh tô điểm những bông hoa dại. Cánh đồng được bao quanh bởi những cây thông và bách xù xanh tươi cao lớn như những bức tường. Phía trên bức tường cây, quý vị có thể nhìn thấy ở xa, những rặng núi vươn cao như những con sóng ở bờ bên kia của Thung lũng Do. Một vài ngọn núi được khoác lên bộ y phục là những tàng cây, một vài ngọn được bao phủ bởi những tảng đá xám, hơi đỏ, hoặc hơi có màu xanh lục, và những ngọn khác đôi khi đội những chiếc mũ tuyết. Những ngọn núi tạo cho ta ảo giác là chúng tạo thành một bức tường đằng sau những bức tường làm bằng những tàng cây cao hay đúng hơn, chúng đang bảo vệ quý vị cả ngày lẫn đêm.

Rinpoche đã nghiên cứu nhiều bản văn, nhưng phạm vi nghiên cứu của ngài không rộng. Tuy nhiên, cũng như Jigme Lingpa, ngài là một học giả tự bản chất. Ngài cao và mảnh khảnh nếu so với những Lạt ma khác ở Golok, với đôi mắt mở lớn, sáng, đầy năng lực. Ngài là một diễn giả phi thường về Giáo Phápluận đàmtính chất xã hội. Ngài là một họa sĩ tài ba, một đạo sư về việc hát tụng, và thiện xảo trong việc làm torma và các mạn đà la. Mặc dù sống đơn giản, ngài rất có phẩm cách, và ngay cả khi ngài nói chuyện phiếm thì nó cũng là giáo lý. Ngay cả khi ngài hành động không thể đoán trước được, ngài luôn luôn là một người đáng tin cậy nhất, và thậm chí khi ngài sống và chết trong nhà tù, nhờ sự hiện diện của ngài, ngài đã mang ánh sáng của Giáo Pháp đến cho cuộc đời của nhiều người đồng cảnh ngộ.

Từ năm ngài khoảng hai mươi tuổi, ngoại trừ lúc ngài ban những quán đảnh hay giáo lý, hay đang du hành ngoài tu viện, ngài không ngồi trên ngai tòa hay chủ tọa những buổi lễ như Đạokim cương. Ngài thích ngồi trên một tấm nệm và làm một Thầy phụ trách việc hát tụng hay Thầy cử hành nghi lễ, hoặc đôi khi chơi sáo lễ, là những chức vụ thấp. 

Trong rừng tại ẩn thất có một Pháp tòa cao bằng đá mà có lần Dodrupchen đệ tam đã từng giảng dạy. Trong một thời gian dài, từ Pháp tòa này Rinpoche cũng giảng dạy Dzopa Chenpo (Đại Viên mãn) cho Tülku Jigme Phüntsok (Jiklo) và khoảng hai mươi đệ tử được tuyển chọn. Trong khoảng thời gian này ngài khám phá những giáo lý Dzopa Chenpo và thực hành pháp Chö như terma.

Chẳng bao lâu Rinpoche lâm trọng bệnh. Ngài được cho là bị ảnh hưởng bởi việc bị ngộ độc trong chuyến đi miền Trung Tây Tạng vài năm trước đó. Gương mặt, lưỡi và nước tiểu của ngài sậm màu hay hơi xanh. Nhiều chiếc răng của ngài bị gãy, kể cả hai răng cửa. Nhiều Lạt ma, trong đó có Khenpo Kang-nam và Kyala Khenpo, đã tụ họp tại ẩn thất và trong nhiều ngày đã chuẩn bị rinchen rilbu, một cách chữa trị đặc biệt hay thuốc tịnh hóa. Vào ngày mà người ta cho là ngài dùng thuốc, thuốc đã biến mất và cái tách trống không. Người ta hiểu điều này như một điềm xấu và bắt đầu tiêu tan hy vọng. Nhưng bởi ta luôn luôn không thể đoán trước được điều gì về Rinpoche, tất cả những dấu hiệu bệnh tật của ngài từ từ biến mất mà không có cách giải thích hợp lý nào. Sau này, trong một chuyến du hành tới Amdo, ngài có những cái răng vàng thay cho hai răng cửa. Đối với nhiều thanh niên thì răng vàng là thời trang, nhưng đối với ngài thì nó để giữ gìn những chiếc răng gãy của ngài.

Một hôm ngài bảo đệ tử chuẩn bị đất sét để làm tượng của Longchen Rabjam và Jigme Lingpa. Khi đất sét đã sẵn sàng, ngài bảo họ: “Các ông làm tượng của Longchen Rabjam. Ta sẽ làm tượng của Jigme Lingpa” Ngày hôm sau ngài xây một Pháp tòa và phần dưới pho tượng của Jigme Lingpa, cao khoảng hai phút (khoảng 0,6m). Khi ngài làm tới phần eo, ngài ngừng làm tượng nhiều ngày. Các đệ tử cứ khẩn cầu ngài hoàn tất pho tượng bởi nếu không đất sét sẽ khô đi và ngài không thể làm việc trên đó. Ngài vẫn nói: “Khi nào các ông làm xong tượng của Longchen Rabjam thì ta sẽ hoàn tất pho tượng của ta.” Khi các đệ tử thông báo họ đã hoàn thành pho tượng, ngài bảo họ: “Hãy chuẩn bị lễ hiến cúng vào ngày mai. Khi đó ta sẽ hoàn thành pho tượng của ta.” Ngày hôm sau họ nhìn thấy phần trên của pho tượng Jigme Lingpa đã tự hoàn thành và rất đẹp. Khó mà biết được nó làm bằng đất sét hay bằng đá. Ở trái tim của pho tượng, họ có thể nhìn thấy rõ ràng một hình nhỏ của những vị phối ngẫu Samantabhadra (Phổ Hiền) trong một chiếc nhẫn năm màu. Khenpo Kang-nam nhìn thấy những hình ảnh giống như tám mươi bốn đại thành tựu giả trên những bộ phận khác nhau của thân pho tượng. Những người khác nhìn thấy những hình ảnh khác nhau: một số người nhìn thấy Guru Rinpoche với các phối ngẫu, trong khi những người khác thấy tám vidyadhara (trì minh vương), và v.v.. Sau này, pho tượng này được tặng cho Tülku Jigme Phüntsok, và trong những ngày lễ ngài đã chứng kiến nhiều điều huyền diệu và nghe thấy âm nhạc ở nơi pho tượng này được giữ gìn. Bản thân tôi đã nhìn thấy pho tượng với một hình ảnh rõ ràng của các phối ngẫu Phổ Hiền và những nhân vật không thể nhận ra trên đó.

Rinpoche không hài lòng về vị trí của cái bếp trong tu viện, bởi khói từ nhà bếp ảnh hưởng tới gian thờ và thư viện. Một hôm ngài đi tới cái bếp, xoay một vòng bằng bàn chân trên chiếc lò khổng lồ làm bằng đá và nói: “Cái bếp không ở đây trong thời của Dodrupchen đệ tam!” và ngài đi nơi khác. Sáng hôm sau, khi người nấu bếp vào bếp, mọi hòn đá của chiếc lò đã biến mất. Nghi rằng có người nào đó đã di chuyển chúng, mọi người nhìn vào rừng chung quanh ẩn thất trong nhiều giờ nhưng không có dấu hiệu gì là có người ở đó, và họ kết luận là Rinpoche đã phô diễn một trong những biểu hiện của ngài. Bản thân tôi đã nhìn thấy nơi chiếc lò bị biến mất chỉ vài ngày sau khi nó thực sự ra đi.

Trong thời gian ngài ở lại ẩn thất, Rinpoche bảo trợ buổi lễ một trăm ngàn cúng dường tsok (Tshogs ‘Bum) hàng năm, kéo dài mười ngày với khoảng ba mươi hay bốn mươi tu sĩ được tuyển chọn. Trong những buổi lễ này, từ những chiếc bánh cúng tsok, một dòng cam lồ trong hình dạng của một chất lỏng trắng ngon lành chảy nhỏ giọt và làm đầy một cái bình nhỏ. Tôi đã tham dự một trong những buổi lễ này khi tôi bảy hay tám tuổi. 

Nếu Rinpoche muốn, bất kỳ ngài tập trung vào đâu, chẳng hạn như một cái bình, một bức tranh, hay một cái bàn, vật đó sẽ được một vị Hộ Pháp nhập vào và sẽ di chuyển. Thường thì ngài dùng một chiếc bàn vuông có bốn chân. Trên bàn có một cái hộp vuông đựng đầy những biểu đồ huyền bí, những viên đá hay kim loại quý giá hay khá quý, và những hạt khô. Những chiếc khăn lụa nhiều màu sắc khác nhau phủ quanh cái bàn và buông chùng xuống. Trên đỉnh có một nửa chày kim cương như cái chóp trang trí (top ornament). Khi tới lúc, hai người đứng đối mặt nhau đọc một lời cầu nguyện đặc biệt, nắm chặt chân bàn và nhấc lên. Chiếc bàn lắc lư qua phải rồi sang trái, kéo hai người đó mạnh tới nỗi chỉ sau vài phút, ngay cả những thanh niên cũng mệt đứt hơi. Họ thực hiện điều này để biểu lộ sự hiện diện của các vị Hộ Pháp, để tiên tri những gì nên được thực hiện bằng cách để cho chiếc bàn đụng vào những câu hỏi được viết ra trên những mẩu giấy, để nhận ra một tên trộm, và v.v.. Khi lời cầu nguyện khác được tụng, chiếc bàn sẽ quay trở lại bàn thờ. Tôi được thuật lại rằng trong khi chiếc bàn ở trên không trung, quý vị không thể buông nó được bởi quý vị không thể mở bàn tay ra. Tôi không bao giờ cố nắm lấy chiếc bàn bởi tôi quá sợ sức mạnh của nó.

Tại Rekong, có một truyền thống làm cho một Hộ Pháp đi vào một cái bàn và nhận những biểu thị tiên tri. Việc chuẩn bị cái bàn mất nhiều ngày thiền địnhcầu nguyện. Nhưng Rinpoche làm điều đó xảy ra chỉ bằng một cử chỉ hay bằng sự tập trung. Cũng thế, đối với những người khác thì có thể gây ra sự hiện diện của một tinh linh xấu, nhưng chúng tôi tin rằng đối với Rinpoche thì những vị đó là các Hộ Pháp, những môn đồ và người dẫn dắt của Pháp.

Với rất ít thị giả, Rinpoche đi tới Amdo. Ngài ban các giáo lý và những trao truyền tại nhiều tu viện, biểu lộ một số điều huyền diệu, và ban nhiều tiên tri. Tại Tu viện Köde ở Rekong, trong một lễ trường thọ, Rinpoche yêu cầu Alak Zhiwatso, một tülku (hóa thân) con trai của Chöying Topben Dorje, cầm đuôi của một mũi tên làm bằng tre khô, và ngài kéo mũi tên. Mũi tên được kéo dài ra đến khoảng hai phút (khoảng 60cm).

Một hôm ngài viếng thăm một ẩn sĩ già trong một hang động, vị này là đệ tử của Dodrupchen đời trước. Vị ẩn sĩ nói: “Rinpoche, hôm nay ngài phải phô diễn một điều huyền diệu. Cho tới khi ngài làm điều đó, tôi sẽ không để cho ngài đi.” Ông ta ngồi trên cửa hang, chặn lối ra ngoài. Rinpoche bảo vị ẩn sĩ: “Nếu ông để tôi đi, tôi hứa là sẽ phô diễn một điều huyền diệu.” Theo lời bảo đảm đó, vị ẩn sĩ để cho ngài đi. Khi Rinpoche ra ngoài hang, ngài nói: “Tôi lừa được ông rồi,” và phóng ngựa đi. Vị ẩn sĩ thất vọng không chỉ vì Rinpoche không phô diễn điều huyền diệu nào, nhưng bởi ngài đã thất hứa. Sau đó ông nhìn thấy một dấu vết bàn chân của Rinpoche thật rõ ràng trên tảng đá ở cửa hang. Hết sức vui mừng, vị ẩn sĩ đi theo nhóm của Rinpoche và khẩn cầu Rinpoche cho ông chiếc giày đã in dấu vết. Cả tảng đá và chiếc giày đều được cất giữ thật trân trọng trong một ngôi chùa tại Rekong. Ở Thung lũng Me (rMe) Rinpoche làm một cái nút bằng một chiếc que sắt. Ngài đè bẹp một quả cầu bằng pha lê như thể nó làm bằng bột nhão và để lại dấu vết bàn tay trái của ngài lên đó. Ngài chữa lành cho những người bị bệnh hay được cho là bị những tinh linh ám nhập. 

Tại tu viện Tarthang ở Golok, khi ngài gặp Choktrül Rinpoche, ngài không mang theo một chiếc khăn để trao đổi theo hình thức chào hỏi thông thường. Nhưng trước mắt nhiều người, ngài làm một cử chỉ nắm một vật gì đó trong không trung và đưa ra một chiếc khăn lụa trắng để dâng cúng.

Khi Rinpoche du hành tới những nơi xa xôi, ngài biểu lộ những điều huyền diệu đáng kinh ngạc. Nhưng sau đó ngài buộc các thị giả phải hứa không thuật lại câu chuyện khi họ trở về tu viện, vì các khenpo và Lạt ma lớn tuổi khó chịu. Có hai lý do vì sao các khenpo giữ vững lập trường kỳ lạ này, đúng có và sai cũng có. Trước hết, có một niềm tin là nếu một Lạt ma công khai hiển lộ năng lực huyền bí của mình, nhiều người chứng kiếnthể không chấp nhận một sự phô diễn như thế, và vì thế họ có thể có một phản ứng tiêu cực. Như vậy, điều đó sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực còn mạnh mẽ hơn những nguyên nhân khác, bởi nó được nối kết với năng lực huyền bí. Phản ứng tiêu cực bao gồm việc thu ngắn thọ mạng của Lạt ma. Kế đó, bởi các khenpo là những vị hướng dẫn giới luật tu viện, họ nghĩ rằng nếu một Lạt ma quan trọng của tu viện phô diễn năng lực siêu nhiên, các học viên trẻ tuổi sẽ bị ảnh hưởng bởi những tính cách dữ dộixao lãng việc học tập nghiêm túc và những giới nguyện tu viện khiêm tốn, là cách thức thích hợp đối với những người bình thường. Mặc dù một người giác ngộ sẽ hiểu biết nhiều hơn một tâm trí thông tuệ nhưng đó là một trong những thái độtính cách truyền thống.

Rinpoche đã viếng thăm những tu viện nhánh của Dodrupchen trong Thung lũng Dzika. Tại Tu viện Sanglung, trong khi ban quán đảnh trường thọ cho Lama Lhünpo, ngài kéo một mũi tên trường thọ làm bằng một nhánh cây khô và kéo nó dài ra tới khoảng một phút rưỡi (khoảng 45 cm). Trong nhiều năm mũi tên vẫn phát triển cho tới khi nó bị hủy hoại.

Sau đó ngài viếng thăm các tu viện nhánh của Dodrupchen tại Gyarong. Ở ngôi chùa của Do Khyentse tại địa điểm hành hương Kaulong trong lãnh địa Trokyap, Rinpoche lắc một thức uống trước hình tượng của Do Khyentse, và bức hình đã hấp thu thức uống đó. Rinpoche viếng thăm ngôi chùa có ảnh tượng Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) tự-xuất hiện ở Trokyap. Không lâu sau khi Rinpoche rời đi, Tri Kongthang, một Lạt ma quan trọng phái Geluk, người vẫn sống ở Tu viện Labtrang ở Amdo, viếng thăm ngôi chùa. Tri Kongthang nói với hình tượng như một lời cầu nguyện: “Ngài là Avalokiteshvara. Dodrupchen là Vajrapāni (Kim Cương Thủ). Tôi được cho là Manjusjrī (Văn Thù). Ba Loại Phật/Bồ Tát đã tụ hội ở nơi đây. Xin phô diễn một dấu hiệu huyền diệu.” Vào lúc đó, trước mắt của những người có mặt ở đó, từ miệng của hình tượng một dòng cam lồ có màu hơi xanh lục chảy xuống. Tôi đã nhìn thấy chất nước hơi xanh lục này trong một cái chai tại ngôi chùa, chỉ vài tháng sau khi sự kiện xảy ra.

Rinpoche trở về tu viện. Buổi lễ một trăm ngàn cúng dường tsok hàng năm tại ẩn thất biến thành một tsechu hàng năm, hay buổi lễ ngày mồng mười tổ chức công khai, tại tu viện chính. Hàng trăm tu sĩ đã cử hành buổi đại lễ này trong một tuần. Cuối tuần các tu sĩ trẻ cử hành những giai đoạn khác nhau của các nghi lễthiền định trong hình thức của một vũ điệu huyền bí trong bốn ngày. Hiện nay đối với những người Tây phương một cuộc biểu diễn như thế được gọi một cách đơn giản là một vũ điệu Lama. Rinpoche đã chuẩn bị những y phục bằng gấm thêu và bằng lụa tuyệt đẹp và những mặt nạ khéo làm cho những người trình diễn. Lúc đầu người ta nghĩ rằng khi làm cho buổi lễ đơn giản và riêng tư tại ẩn thất trở thành một buổi lễ lớn hơn và công khai tại tu viện, họ sẽ mất đi những điều huyền diệu, chẳng hạn những dòng cam lồ. Nhưng chẳng bao lâu người ta chứng kiến những loại huyền diệu khác. Có một lần, bánh pút-đinh làm bằng gạo được nấu cho vài trăm tu sĩ không vơi cạn đi, ngay cả sau khi được dọn cho hàng trăm cư sĩ tới xem những cuộc biểu diễn. Một cánh đồng nhỏ đủ để chứa một trăm diễn viên trình diễn ở trong đó và cho khoảng mười ngàn người tới thực hành và xem biểu diễn. Trong đám rước Hộ Pháp, khoảng hai mươi chiếc bàn và nhiều cây thương với những lá cờ Hộ Pháp bị ám nhập và di chuyển lung tung đây đó.

Sau đó, cùng với một bữa tiệc tổ chức công phu, Rinpoche du hành tới Mewa, Kubum, Sining, Rekong, Lanchow, và cuối cùng tới Tu viện Labtrang ở Amdo. Tại Labtrang, ngài được tu viện cho phép để cho các thị giả của ngài tập trình diễn vở kịch Vua Songtsen Gampo. Tu viện không bao giờ dạy những người khác, nhưng lúc Jamyang Zhepa đệ ngũ (1916-1946) mất, ngài bảo các thị giả: “Một ngày nào đó sẽ có người từ phương nam tới và nói: ‘Tôi là người truyền bá những cuộc trình diễn kịch.’ Khi người ấy tới, các ông phải dạy ông ta.” Vì thế, các thị giả của vị Thầy này đã nhớ lại những lời của Jamyang Zhepa quá cố, tổ chức mọi việc tập luyện cho các đệ tử của Rinpoche. Rinpoche trở về tu viện với những bộ quần áo lộng lẫy, đồ hóa trang, và những nhạc cụ dành cho vở kịch. Bản thân Rinpoche đã biên soạn hai cuộc biểu diễn bổ túc, cuộc đời của Trime Künden và của Drowa Zangmo. Nhờ những bộ quần áo đẹp đẽ và việc tập luyện hoàn hảo, những buổi trình diễn là một điều kỳ diệu trong miền Golok, nơi mà trước đó mọi người chưa bao giờ được chứng kiến những sự kiện như thế. Tất cả các diễn viên đều là tu sĩ, đóng những vai trò của cả người nam lẫn người nữ có hóa trang. (Ngày nay, truyền thống diễn kịch của Rinpoche được hồi sinh ở nhiều nơi trong các thung lũng Do, Mar, và Ser.)

Các khenpo có những sự phản đối, cho rằng những cuộc trình diễn kịch là một sự xao lãng việc học tập, thiền địnhgiới luật nghiêm túc, nhưng bản thân các ngài thích thú những cuộc trình diễn này đến nỗi vị khenpo thâm niên nhất, Khenpo Kang-nam, thậm chí đã yêu cầu một cuộc trình diễn đặc biệt cho bản thân ngài.

Năm ngài hai mươi lăm tuổi (1951), cùng với nhiều tu sĩ, Rinpoche du hành tới Tarsedo (Kanding). Trên đường đi, một đêm họ cắm trại trong thung lũng bên cạnh thung lũng nơi có ẩn thất của Yukhok Chatralwa. Khi Chatralwa nghe điều này, ngài chỉ thị cho mười đệ tử trẻ của ngài: “Một đoàn hành hương lớn đang cắm trại trong thung lũng kế bên. Ngày mai các con phải chặn họ lại không cho họ tới đây.”

Ngày hôm sau, các đệ tử của Chatralwa bị du vào một tình thế khó xử. Làm thế nào họ có thể ngăn cản Dodrupchen tới đây? Nhưng cũng làm thế nào họ có thể không ngăn cản Rinpoche bởi đó là yêu cầu của Lạt ma? Vì thế họ đi và chờ bên đường núi, lo lắng không biết phải làm gì. 

Sáng sớm ngày hôm sau, Rinpoche bảo các thị giả của ngài: “Hôm nay ta sẽ dẫn đường.” Thay vì đi thẳng theo đường núi, họ đi ngược lên thung lũng và quay trở xuống thung lũng có ẩn thất và thình lình thâm nhập vào ẩn thất. Các tu sĩ của ẩn thất không còn chọn lựa nào khác và đành phải đón tiếp ngài. Nhưng Chatralwa bảo các đệ tử: “Ở đây chúng ta không có của cải vật chất để cúng dường ngài, là những gì ngài có thể đến để lấy, bởi chúng ta là một nhóm hành khất. Ta không có giáo lý để tặng ngài, và dẫu sao thì ngài có thể không cần tới chúng, bởi bản thân ta chẳng biết gì hết. Tốt hơn là ngài nên lập tức rời khỏi cái chốn xơ xác này vì sự lợi ích của những con ngựa, lừa và các thị giả của ngài.” Mắt đẫm lệ, Rinpoche đã yêu cầu các đệ tử của Lạt ma thay mặt ngài nói với Lạt ma: “Bởi thiếu duyên nghiệp, bây giờ tôi không thể nhìn thấy ngài trong đời này. Nhưng tôi cầu nguyện rằng trong đời sau tôi sẽ có thể gặp ngài và nhận những giáo lý như cam lồ của ngài.”

Khi Lạt ma nghe thông điệp, ngài mỉm cười và nói: “Ta lo rằng ta không thể nhìn thấy tülku của Dodrupchen trong đời này, bởi ta đã quá già. Ta đang đùa bởi quá phấn khích.” Rinpoche đi vào, và việc đầu tiên ngài làm là ban một quán đảnh trường thọ cho Lạt ma, bởi Lạt ma đang bệnh. Sau đó trong vài ngày các ngài trao đổi cho nhau những vấn đề quan trọng của tantra và giáo lý Dzopa Chenpo. Sau này Rinpoche viết một bài thơ năm trang tán thán sự chứng ngộ của Chatralwa.

Kế đó Rinpoche viếng thăm Minyak Garthar, Rashel Gön, Trakhar Gön và nhiều nơi khác và ban những quán đảnhgiáo lý. Ở một nơi ngài dâng một tách đầy nước cho một hình tượng, và hình tượng đã hấp thu chất nước đó. Tại các buổi lễ, những phẩm vật nghi lễ bay vào không gian.

Một buổi tối khi tới giờ cắm trại thì trời mưa lớn. Cho tới khi các thị giả của ngài có thể dựng xong những chiếc lều, Rinpoche tìm chỗ trú mưa dưới một tảng đá, ở đó thậm chí ngài không thể ngồi thẳng lưng. Khi Tsamzang và những người khác đến tìm Rinpoche, ngài ngồi dậy. Không biết rõ sự thật, Tsamzang hỏi: “Rinpoche, ngài tìm được một cái động lớn hơn?” Ngài nói: “Không, nhưng sau một lát ta mệt tới nỗi phải ngồi gập đầu lại.” Rồi họ nhận thấytoàn bộ thân trên của Rinpoche đã ăn sâu vào tảng đá, như thể ở trong bùn. Họ có thể nhìn thấy vết tích của bộ y, cái đầu, và ngay cả từng sợi tóc của ngài trong tảng đá. Theo Sönam Nyima, vết tích này vẫn còn ở đó.

Ở Tartsedo, Rinpoche ở lại Dorje Trak và các trụ xứ của Do Khyentse và ban những trao truyền và giáo lý cho vua xứ Chakla và hàng ngàn người khác. Người ta nói rằng ngài đã khám phá một số terma đất, nhưng tôi không có thêm thông tin. Khi ngài viếng thăm Rikhuk Kushok, một trong những Lạt ma quan trọng của Tartsedo, Rinpoche đè lên một miếng kính và để lại dấu vết bàn tay ngài. Tondrup, cháu của Rikhuk Kushok, nói với tôi rằng ông ta nhìn thấy điều đó tại trụ xứ của chú ông. Từ Tartsedo, Rinpoche viếng thăm Chengdu và Chongqing, và ngài trở về Tu viện Dodrupchen năm 1952.

Chẳng bao lâu, ngài thành lập Rigne Lobdra, Học viện Khoa học. Rinpoche đã bảo trợ năm mươi học viên để nghiên cứu văn phạm, chữ viết, thi ca, nghi lễ, kịch, bài hát, các mạn đà la, torma, hội họa, y học, và thuật chiêm tinh. Ngài đưa nhiều thầy thuốc và nhà chiêm tinh nổi tiếng từ những nơi khác tới để dạy các học viên. Ngài mở một dưỡng đường từ thiện cùng với việc phát thuốc miễn phí.

Rinpoche bắt đầu sống ở mọi nơi, không duy trì trụ xứ cố định nào cho bản thân ngài. Đôi khi người ta tìm thấy ngài sống trong một góc của một điện thờ với một tấm nệm và một ít pháp khí, với những tấm màn bao quanh. Ngài không bao giờ tự giam mình trong chỗ ẩn náu riêng của một gian phòng. Ngài luôn luôn có mặt, không có ngay cả một cánh cửa để khóa, để mọi người đi vào gặp ngài, nghe ngài nói, và để ban tặng mọi sự giúp đỡ mà ngài có thể cung cấp. Ngài dâng hiến đời mình cho việc chăm sóc tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo và những tu sĩ trẻ nhiệt tâm. Trong nhiều năm cho tới khi tôi rời tu viện vào năm 1957, ngày này sang ngày khác, trước khi bình minh cho tới khi tối mịt, đích thân ngài hướng dẫn mọi người, hầu hết là những người nghèo, trong những việc cầu nguyện, nghi lễ, thiền định và học tập. Ngài chia sẻ với họ gian phòng, thực phẩm và quần áo của riêng ngài. Ngài tiếp đãi họ bằng cách kể những câu chuyện kỳ lạ, dạy dỗ họ bằng những thiện xảo khác nhau, và khai sáng họ bằng cách ban những Giáo Pháp. Ngài nhận mọi vật quý báu hay của cải mà người ta cúng dường cho ngài nhưng đôi khi dường như ngài quá hăm hở rũ sạch chúng. Vài lần trong một năm, chính tay ngài phân phát không chỉ những vật bình thường mà cả châu ngọc, lụa, bạc, và quần áo cho những người nghèo túng. Đã nhiều lần ngài dốc túi tất cả ngân quỹ của ngài cho các dự án về Pháp hay ban tặng nó cho mọi người, và ngài không giữ bất kỳ điều gì ngay cả đối với một bữa ăn riêng. 

Các tu sĩ lớn tuổi đề nghị với Rinpoche là ngài nên theo truyền thống hơn nữa. Ngài nên sống ở một nơi trang trọng thích hợp với một vị Dodrupchen. Ngài nên chọn các tu sĩ lớn tuổi làm thị giả. Ngài nên tiết kiệm ngân quỹ và những vật quý giá cho tương lai vô hạn của tu viện. Nhưng Rinpoche trấn an họ bằng cách nói: “Nếu tôi có thể giúp đỡ đời sống của mọi người, đặc biệt là những người thực sự khó khăn bằng mọi cách thức có thể làm được thì điều đó sẽ là niềm vui to lớn nhất trong đời tôi. Chúng ta nên sung sướng nếu ta có thể sử dụng mọi điều chúng ta được hiến tặng để làm lợi lạc mọi người. Chẳng bao lâu nữa sẽ tới ngày mà ta sẽ không có ‘quyền’ thưởng thức ngay cả một tách trà.” Bản thân tôi đã nhiều lần nghe Rinpoche nói những lời này.

Rinpoche đi gặp Tülku Künzang Nyima (mất năm 1858/1959), một người cháu và tülku về ngữ của Düdjom Lingpa (1835-1903). Theo sự thúc giục của Rinpoche, Tülku Künzang Nyima đã khám phá một loạt các giáo lý terma Khandro Gongpa Düpa, và các ngài đã cùng cử hành các buổi lễ.

Năm 1957, vài tháng sau khi chúng tôi đi Lhasa, Rinpoche du hành tới Amdo. Ngài ban các giáo lý và trao truyền ở nhiều nơi. Ngài viếng thăm Tu viện Labtrang và thực hiện những lễ cúng dường phức tạp. Sau đó ngài viếng thăm Sining (Tây Ninh). Tại bảo tháp bằng vàng của Je Tsongkhapa tại Tu viện Kubum, nơi Đức Tsongkhapa ra đời, ngài đã cử hành một lễ cúng dường kéo dài bảy ngày, thỉnh mời hai mươi lăm vị geshe tham dự. Mỗi ngày ngài thực hiện những lời cầu nguyện thiết tha cho sự phát triển của Pháp, sự an bình, và hạnh phúc của tất cả những bà mẹ chúng sinh.

Theo Khenpo Ngawang Sherap quá cố và những người khác, Rinpoche nói với các thị giả của ngài: “Nếu có ai muốn đào thoát thì đây là cơ hội cuối cùng để đi Lhasa.” Vào lúc này các thị giả của ngài thúc dục ngài ra đi, và có lúc ngài đã nhượng bộ áp lực của họ. Thậm chí các thị giả đã sắp xếp để đoàn của ngài đi Lhasa. Sau đó tại một trong những ngày cầu nguyện tại Kubum, với nỗi đau buồn vô hạn, Rinpoche nói với Tsültrim Gyatso, một trong những thị giả chính của ngài: “Ta nhìn thấy một ngôi chùa vàng có ba tầng, và nó hoàn toàn biến mất sau một ngọn núi. Giờ đây mạng mạch của Giáo Pháphạnh phúc và sự an bình của mọi người đã chấm dứt. Ta sẽ không đi. Ta không thể bỏ các tu sĩ và dân chúng của ta. Ta sẽ trở về tu việncố gắng ban những sự trao truyền và giáo lý thanh tịnh của Nyingthig YabzhiLongchen Nyingthig một lần nữa, một lần cuối cùng.” Sau đó, viếng thăm nhiều tu viện Nyingma và ban các giáo lý trên đường, ngài trở về tu viện.

Năm 1958, nhiều Lạt ma quan trọng ở những nơi khác nhau tụ hội một cách tự nhiên tại Tu viện Dodrupchen mà không có chút sắp xếp nào. Trước tiên Rinpoche ban những giáo lý về ngöndro. Sau đó, với sự sắp xếp kỹ lưỡng, ngài và hàng trăm tu sĩ cử hành một buổi lễ Ngensong Jongwa kéo dài bảy ngày về những Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ. Tiếp theo là những quán đảnh Longchen Nyingthig, mỗi quán đảnh có kèm theo những giảng giải chi tiết. Sau đó ngài ban các giáo lý về Yeshe Lama cũng như Khandrö Kegyang. Sau đó ngài bắt đầu ban những quán đảnh Nyingthig Yabzhi. Đối với mỗi quán đảnh (ngoại trừ những quán đảnh tịnh bình), ngài phân chia người thọ nhận thành tùng nhóm, mỗi nhóm không quá năm người, y theo truyền thống. Mỗi quán đảnh có kèm theo những giáo huấn và sau đó thiền định về những giáo huấn đó trong nhiều ngày, để có đủ tư cách tham dự quán đảnh kế tiếp. Trong khi các quán đảnh đang tiếp diễn, ngài nói với các thị giả: “Cuối những trao truyền này, chúng ta sẽ cử hành một lễ cúng dường tsok trọng thể. Mọi vật chất mà ta sở hữu nên được dùng cho việc đó.” Khi lễ quán đảnh kết thúc, mọi người cùng cử hành một lễ tsog thật công phu. Chẳng bao lâu sau đó, quân đội thình lình tấn công tu viện. Bởi mọi người khẩn cầu ngài, Rinpoche cùng nhiều Lạt ma trốn thoát vào rừng để ẩn náu. Toàn bộ Tu viện bị lục soát. Một vài tu sĩ bị giết và những tu sĩ khác bị bắt.

Sau khi trải qua nhiều tuần ở trong rừng, Rinpoche đã đầu hàng nhà cầm quyền ở Namda trong Thung lũng Dzika. Mặc dù qua những sứ thần, ngài được nhà cầm quyền bảo đảm là sẽ không bị bắt, nhưng ngài đã bị bắt giữ lập tức. Sau đó, như một tù nhân, ngài được đưa tới sở chỉ huy của Quận Padma (Baima) và bị giữ ở đó một thời gian.

Năm 1959, ngài bị đưa tới một trong những trại tù đồ sộ ô nhục nhất trong vùng đất khô cằn nhất của Qinghai (Thanh Hải), cách xa quê hương của ngài khoảng năm trăm dặm, để thụ án tù chung thân. Trong nhiều năm, họ hàng và các đệ tử của ngài không biết ngài ở đâu. Ngài là một trong những tù nhân phải lao động nặng nhọc. Do bởi hệ thống ngục tù và cũng bởi nạn đói dữ dội, các tù nhân thường phải sống bằng cháo loãng trong năm 1960 và 1961. Tuy nhiên, đó là một nhà tù của trung ương, và nếu quý vị không nói hay làm điều gì chống lại luật lệ và làm công việc nặng nhọc của quý vị thì đó là một nơi để chết từ từ bởi sự đói khát và lao động nặng nhọc, nhưng không có quá nhiều người chết vì bị tra tấn đánh đập như trong các nhà tù địa phương. Trong nhà tù này ngài là người duy nhất của Tu viện Dodrupchen, nhưng có một số đệ tử của ngài ở những miền khác, vì thế sau này tôi được nghe kể về cuộc đời của ngài qua vài người sống sót và được thả ra.

Tôi nghe kể rằng trong nhà tù của quận lẫn nhà tù quốc gia, cho dù ngài bị ngược đãi, bệnh tật, và đói khát, không hiểu vì sao dường như ngài có vẻ sạch sẽ và vui vẻ hơn những người khác và luôn luôn đắm chìm trong sự thiền định. Dường như chẳng bao giờ ngài quan tâm tới bản thân, nhưng đau buồn vì những gì người khác phải trải qua. Trong nhà tù quốc gia, đôi khi ngài bí mật chia sẻ lượng thực phẩm ít ỏi của ngài cho những người yếu sức hơn ngài. Sau khi ngài bị bệnh, ngài không phải đi làm việc, và phần cháo của ngài được mang tới giường ngài. Với sự hoan hỉ lớn lao, ngài sử dụng nó như một lễ cúng dường tsok và sau đó thụ hưởng món cháo.

Năm 1961, ngài phải chịu một ca mổ, và trong ca mổ người ta đã dùng máu của một đồ tể theo đạo Hồi. Sau này, khi nghe được nghe nói về việc truyền máu, ngài không muốn sống nữa. Ngài không nghe những tiếng thì thầm van xin và những giọt nước mắt che dấu của các đệ tử. Với Dzakhen Lama, một trong những đệ tử đau buồn, ngài nói: “Ta không bị ép buộc phải sống trong nhà tù này vì nghiệp quá khứ của ta. [Ta ở đây vì một mục đích.] Ta không khó khăn gì khi đi tới bất kỳ cõi tịnh độ nào, nếu ta chọn lựa. Đừng lo lắng cho ta!” Ngay khi ngài mất, nhục thân của ngài được chôn cất. Drubwang Rinpoche, một đệ tử của ngài, đã nhìn thấy nơi người ta chôn cất ngài. Năm 1979, Tu viện Dodrupchen đã tìm lại được nhục thân của ngài với sự trợ giúp của Drubwang Rinpoche và một người Trung quốc đã làm công việc chôn cất.

Thỉnh thoảng, Rinpoche có cơ hội thì thầm những giáo lý, những linh kiến, và các sự kiện trong những đời trước của ngài cho các đệ tử là Gyalse Padlo Rinpoche, Drubwang Rinpoche, Dzakhen Lama Rigdzin, và những người khác. Ngài cũng biên soạn giáo lý trong hình thức những bài thơ nhỏ như món quà tạm biệt khi một đệ tử được phóng thích.

Trong lần phóng thích Tülku Thrinle Künkhyab (cũng được gọi là Nangchen Gyalse Achen, ?-1990), Rinpoche viết lời chỉ dạy sau đây và đưa nó cho Tülku để bí mật mang ra khỏi nhà tù:

Tại luân xa đại lạc trên đỉnh đầu con,

Ôi Lạt ma, hiện thân của Đức Phật trong ba thời,

Con khẩn cầu lòng bi mẫn của ngài, còn nhanh hơn tia chớp

Ngài không cách xa, mà ở trong tim con.

Giác tánh chói lọi của tâm sùng mộ

Thoát khỏi những điểm quy chiếu là sự hiện diện của Lạt ma.

Sự hiện diện của giác tánh nơi bản thân thì thật kỳ diệu!

[Đối tượng:] Giờ đây, trong phạm vi của không gian bao la mở trống,

Với phẩm tính không bám chấp, xin an trụ tốt lành.

[Chủ thể:] Bất kỳ điều kiện nào của những tư tưởng tranh đấu phát sinh,

Giống như những bông tuyết trên một tảng đá được đun nóng,

Hãy để chúng tan biến vào Pháp giới của sự mở trống vĩ đại của nền tảng.

Khi ấy những [tư tưởng] như thế sẽ không có [năng lực] để làm hại hay chữa lành. Thật là vui thú!

[Hành động:] Trong việc phân biệt các sự việc là tốt và xấu, đức hạnh và vô hạnh,

Giống như vẽ những đường vạch trong không gian,

Hãy nhận ra sự tự-thuần tịnh của chúng, bằng cách nhìn thấy chúng chuyển động nhưng trong mờ,

Vì tự nguyên thủy chúng không bị trói buộc bởi những tính chất hy vọngsợ hãi.

[Kết quả:] “Giác tánh hồi tưởng” là sự tự-giải thoát khi tiếp xúc [hay sự chứng ngộ].

Ba cõigiác tánh siêu việt, sự giải thoát-tại-nền tảng.

Mọi sự xuất hiện là sự phô diễn của năng lực Pháp thân.

Cả sinh tử lẫn Niết bàn chỉ là giác tánh nội tại.

Jigtral Düdül Namkhe Dorje biên soạn bài kệ này theo lời khẩn cầu của Tülku Rinpoche Thrinle Kunkhyab, khi Tülku được phóng thích khỏi nhà tù.

Ngay sau khi Rinpoche mất, lúc bình minh ngày mồng mười tháng bảy năm Kim Sửu (1961), đệ tử của ngài là Dzakhen Rigdzin than khóc với lòng sùng mộ và thương tiếc. Vào lúc đó, Rinpoche xuất hiện trước ông (trên không trung) trong y phục heruka. Liếc nhìn bầu trời, Rinpoche ban cho ông di chúc:

Ồ Nam tử, hãy lắng tai nghe ta.

Ta là đấng vô úy của hàng trăm bậc lão thông,

Ta là tổ tiên, nền tảng phổ quát của sinh tửNiết bàn.

Hôm nay, sự chia tay của chúng talỗi lầm của những hiện tượng duyên hợp.

Con khóc than về việc đó có lợi ích gì?

Cái chết chỉ là một giới hạn quy ước, như âm thanh của ngọn gió.

Xin đừng cảm thấy buồn đau mà hãy vui sướng.

Khi tứ đại của thân ta tan rã,

Nhận thức phóng chiếu bên ngoài của ta trở về bên trong,

Thành sự rộng lớn của nền tảng, “thân tịnh bình với sáu phẩm tính siêu việt.”

Nhận thức không bị ngăn che [hay trong trẻo] của ta, những sự xuất hiện của nền tảng,

Tan hòa vào trí tuệ vi tế bẩm sinh không lầm lẫn,

Pháp giới tối thượng của tâm của đấng thủ hộ Guhyapati,

Giống như mặt trăng trong bầu trời có trăng thượng tuần,

Ở đó những đức hạnh không thể diễn tả,

Chẳng hạn như mạng lưới viên mãn tự nhiên của các cõi Phật,

Thực phẩm của sự thiền định và những vật trang sức tự-xuất hiện, đã hiện diện.

Mặc dù Lạt ma bên ngoài, thân tướng vật lý của ta,

Sự hiển lộ về thân được tan hòa vào pháp giới của sự quang minh chói lọi,

Lạt ma bên trong, ý nghĩa tuyệt đối của ta,

Ồ nam tử, sẽ an trụ trong nền tảng phổ quát của tâm con.

Ta, cha của con, vị hộ trì trí tuệ Jalü Dorje,

Không bao giờ xa lìa con ngay cả trong chốc lát.

Tâm con thoát khỏi những điểm quy chiếu, [sự hợp nhất] của quang minhtánh Không, là ta.

Nếu con duy trì khuôn mặt của sự tự thân này, những thành tựu sẽ xuất hiện:

Những yếu tố (đại) vật lý ngoài và trong của con sẽ trở nên thuần tịnh.

Các mạn đà la của ba vị trí sẽ được viên mãn trong thân thể của riêng con.

Những hình tướng (thân), ngữ [và tư tưởng] của con sẽ trở thành thân, ngữ, và tâm của Lạt ma.

Đây là bậc thủ hộ hành động của mọi Bổn Tôn phẫn nộ vinh quang,

Bổn Tôn Vajrakīla vinh quang vĩ đại nhất:

Phurba của sự giác ngộ được viên mãn trong thai tạng của vị phối ngẫu,

Phurba của ba hiện hữu giải thoát sinh tử.

Phurba của bản tánh tối thượng được thành tựu tự nhiên.

Với đường rãnh của phurba trí tuệ vi tế

Những chuyển động của khí/năng lực/ và tâm [được giải thoát] thành avadhūti (kinh mạch trung ương),

Và những kinh mạch trái tim của việc được nhận thức và người nhận thức bị tiệt trừ.

Phurba của việc thoát khỏi những tạo tác được hoàn thiện ở nền tảng.

Sự thành tựu phurba này là tâm yếu của của một ngàn đấng vinh quang [chư Phật]. 

Mạng lưới sinh tửNiết bàn được hoàn thiện trong thân ngài.

Những điều này được xuất hiện tự thân và hợp nhất thành chính chúng.

Từ mỗi lỗ chân lông của thân ta

Ta biểu thị hàng trăm triệu hiển lộ.

Đặc biệt là sự hiển lộ về tâm của ta sẽ xuất hiện ở Ga-ge.

Sự hiển lộ về thân sẽ xuất hiện ở Puwo.

Chẳng bao lâu [một từ bị quên mất ở đây] xuất hiện trong thung lũng quê hương ta.

Những hiển lộ của ta và những truyền thống Mật thừa

Sẽ xuất hiện như ánh trăng so với ánh sáng mặt trời.

Con sẽ có may mắn được phục vụ họ.

Cuộn giấy vàng vinh quang này, từ chiếc hộp quý báu,

Phần giáo lý của con, được cất dấu trong tâm con.

Trong tương lai, hãy giải mã nó và mang lợi lạc đến cho chúng sinh.

Đừng quên những di chúc ta đã ban cho con trong quá khứ.

Giờ đây, trong chốc lát, ta sẽ đi tới Cõi Tịnh độ Vô Song.

Trong khi thực hiện một sadhāna Hayagrīva, từ ba mạn đà la thiêng liêng [trán, miệng, và tim], ngài đã ban bốn quán đảnh [trong hình thức những tia sáng] cho Dzakhen Rigdzin, và sau đó, nhảy múa, ngài lơ lửng trên không trung.

Rinpoche là một người đặc biệt đã dâng hiến mọi sự cho việc chăm sóc người khác, và đặc biệt là người nghèo khổ. Bản thân ngài cố gắng sống như một người bình thường, Hầu như ngài không quan tâm tới nhu cầu của riêng ngài.

Rinpoche biên soạn nhiều giáo lý về Dzopa Chenpo, nhiều bài thơ và những lời chỉ dạy, nhưng hầu hết đã bị thất lạc. Ngài đã khám phá một giáo khóa viên mãn về việc tu tập thực hành Chö như giáo lý terma. Hiện vẫn còn sót lại vài phần của giáo lý này.

Ở Golok và Amdo có khoảng sáu Lạt ma trẻ đã phô diễn những năng lực huyền diệu và không chính thức được xác nhận là những tülku của ngài. Tuy nhiên, Tülku Jigme Long-yang,[1] sinh trong nhóm bộ tộc Puchung Risarma trong Thung lũng Do đã được Tu viện Dodrupchen thừa nhận là tülku của Rinpoche và đang sống tại tu viện.



[1] Ngài là một trong hai tülku duy nhất trong toàn bộ miền Golok mà những vị có thẩm quyền đã xác nhận năm 1993. Người còn lại tülku của Shanza (tülku của thân mẫu ngài Je Tsongkhapa) tại Arik Ragya Gön, một tu viện Gelukpa.

 

Tạo bài viết
08/08/2010(Xem: 110392)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.