CHƯƠNG II
NHỮNG ĐIỀU SƠ KHỞI
NHỮNG ĐIỀU SƠ KHỞI
Thứ bảy 1/12/1984
Sau khi nghỉ ngơi cho phép chúng ta lắng dịu tâm thức, chúng ta sắp tiếp tục học hỏi và thiền định.
Như chúng ta đã thấy hôm qua, thái độ là chính yếu. Thời gian là đáng quý, những năng lực là rất đáng quý. Nguyện rằng thời gian và những năng lực chúng ta tiêu dùng cho lúc này khi đang ở cùng nhau sẽ làm lợi lạc cho sự tiến bộ của chúng ta cũng như cho tất cả chúng sanh ! Chúng ta bắt đầu ngày hôm nay của chúng ta bằng lời nguyện ấy.
Theo lời dạy của đức Phật, và đặc biệt những lời dạy có nguồn gốc từ triết học và siêu hình học, thì tất cả chúng ta đều có bản chất giác ngộ. Trong tiếng San-skrit điều ấy gọi là tathagata garbha (Như Lai tạng), bản tánh giác ngộ. Tathagata là đi vào con đường toàn thiện và garbha là tinh túy, bản tính.
Chúng ta tất cả đều có nơi mình trạng thái toàn thiện, trạng thái của ánh sáng tự tâm. Tuy nhiên, các hành động sai khác của chúng ta – điều mà chúng ta gọi là nghiệp – đều có những hậu quả của chúng. Các hậu quả sai khác này – đặc biệt là các tình thức và hành động tiêu cực của quá khứ – che mờ cái tri giác của chúng ta về trạng thái thanh tịnh vốn sẵn của tâm thức.
Theo siêu hình học, chúng ta xếp các tình thức tiêu cực thành ba, năm hay sáu phạm trù lớn.
1) Sự thù hận hay hung bạo, sự giận dữ (sân).
2) Sự bám níu ích kỷ (tham).
3) Vô minh (si).
Từ ba tình thức tiêu cực ấy :
4) Khi chúng ta tự cho rằng mình hơn người khác, bèn nảy sinh kiêu mạn, bởi vì chúng ta bị bám dính vào danh dự, tri thức và địa vị xã hội.
5) Và khi, trong một môi trường cạnh tranh ráo riết, chúng ta không thể tự duy trì ngang mức với các người khác, chúng ta thấy mình bị lôi kéo vào tiến trình của đố kỵ, tỵ hiềm.
6) Ngay cả khi chúng ta có nhiều hơn người khác, chúng ta không thể chia xẻ với họ vì sự bám níu ích kỷ, vì vô minh hay kiêu mạn, đó là tình cảm keo kiệt, bủn xỉn.
Thật vậy, có ba tình thức tiêu cực chánh, ba cái kia là những nhánh phát sanh, nhưng người ta có thể nói đến ba, năm hay sáu mối tình thức làm rối loạn.
Biết rằng mỗi hành động sản sanh ra phản lực riêng của nó, hậu quả của những tình thức tiêu cực là sự gây tạo những hiện tượng hay kinh nghiệm khác nhau, những ảo tưởng khác nhau, tùy theo sức mạnh của tình thức chúng ta.
Mọi sinh vật đều có một nghiệp tổng quát chung, nhưng đồng thời chúng cũng có một nghiệp riêng với những nhận thức cá nhân. Lấy một ví dụ rất đơn giản, là đại dương : một số trong chúng ta, dầu họ không có khả năng đến bờ biển, chỉ cảm thấy hơi gió biển, chỉ thấy một con chim biển trên trời, sẽ cảm thấy nảy sinh một tình cảm hưng phấn ; vài người cảm thấy một sự lo âu thực sự khi chỉ nhìn những đợt sóng mà không hề nghĩ đến chuyện phóng mình vào nước. Thế nên cùng một đối tượng được cảm nhận mà các cảm xúc thì rất khác biệt.
Tại sao ? Vì kết quả của những hành động khác nhau trong quá khứ quy định kinh nghiệm chúng ta trong hiện tại.
Như chúng ta đã nói, chúng ta có một nghiệp chung cho tất cả : mọi người đều đồng ý khi trông thấy đại dương rằng đó là nước. Tuy nhiên mỗi chúng sanh cảm nhận nước theo các cảm nhận khác nhau. Điều này áp dụng cho tất cả mọi thứ. Một số người say sưa khi nghĩ đến chuyện đi về đồng quê ; người khác lại hoan hỷ nghĩ đến chuyện sống trong một thành phố lớn – thế là vì họ bị qui định bởi các kinh nghiệm quá khứ.
Về ba tình thức tiêu cực chính (sân, tham, si), đó là ba mối xúc động khác nhau rất rõ ràng. Nếu chúng ta đi vào chi tiết bằng cách dựa vào triết học, có 21.000 xúc cảm tiêu cực đặc biệt liên quan đến tham ; 21.000 xúc cảm tiêu cực đặc biệt liên quan đến sân hận, và 21.000 xúc cảm tiêu cực đặc biệt liên quan đến vô minh. Lại có 21.000 thứ mà sự liên quan không thật rõ ràng. Vậy là có tất cả 84.000 xúc cảm tiêu cực về mặt tâm lý.
Để vượt qua chúng, Phật Thích Ca đã cho những chỉ dạy về ba chủ đề quan trọng. Đối trị với tham, ngài đã ban cho giới luật, gồm 21.000 thứ. Để chế phục sân, ngài đã ban cho kinh và đối với những tình thức vi tế liên quan đến vô minh, ngài đã cho luận. Để có thể điều phục 21.000 xúc cảm tiêu cực mà sự liên quan không rõ ràng, ngài đã ban cho 21.000 sự chỉ dạy khác biệt. Như thế, để trị liệu 84.000 phiền não tiêu cực, có 84.000 chỉ dạy ở những cấp độ khác nhau.
Mặc dầu chúng ta có thể đi vào chi tiết hơn, về bản chất, chúng ta có thể xếp con người theo ba cấp độ : người có khả năng tâm thức rất phát triển, người có khả năng tâm thức trung bình và người có khả năng tâm thức kém.
– Đối với những ai không có hùng lực để giải thoát cho người khác và chỉ tìm kiếm sự giải thoát khỏi các phiền não riêng cho mình, Đức Phật dạy giáo pháp Tiểu thừa.
– Với người tìm kiếm sự giải thoát không chỉ cho riêng mình mà còn vì lòng thương tưởng người khác, giống như một người mẹ không nghĩ đến hạnh phúc cá nhân mà nghĩ đến hạnh phúc của các người khác, có giáo pháp Đại thừa. Thừa trong nghĩa này có nghĩa sự thực hành tu học hay cỗ xe.
– Với người có một khả năng tâm thức rất rộng lớn, muốn sự giải thoát cho tất cả một cách rất nhanh chóng, có giáo pháp Kim Cương thừa.
Ba thừa gồm tinh yếu của 84.000 sự chỉ dạy của đức Phật.
Kim Cương thừa gồm các giáo pháp được biết dưới tên là tantra. Vài người trong số chúng ta có thể đã quen biết với danh từ rất thường dùng ở Ấn Độ này. Ở đây tan là một dòng ; tra là cái giải thoát. Dòng gì ? Dòng nước ư ? Không. Dòng tâm thức. Cái giải thoát dòng các tình thức tiêu cực của chúng ta một cách rất nhanh chóng. Tóm tắt có ba tantra ngoại và ba tantra nội, theo các mức độ khả năng tâm thức khác nhau.
Các tantra ngoại lại được xếp thành ba hay bốn phạm trù, các tantra nội thì thành ba.
Các giáo huấn được nhập vào Xứ Tuyết bởi các nhà đại hiền triết : Padmasambhava, Shantarakshita, Vimalamitra và các vị khác. Các vị được mời đến vào những thời kỳ khác nhau do các vua Tây Tạng. Các bản dịch những chỉ dạy này thay đổi đôi chút, chuyển biến theo thời kỳ chúng được dịch ra, nhưng tất cả liên hệ chặt chẽ đến lời chỉ dạy của đức Phật, từ ngài mà các bản văn ấy có ra. Không có sự sai khác nào.
Các Tantra ngoại gồm :
– Kriya tantra.
– Uppa tantra.
– Yoga tantra.
Các Tantra nội gồm :
– Maha Yoga tantra.
– Anu Yoga tantra.
– Ati Yoga tantra.
Như thế, có nhiều mức độ chỉ dạy khác nhau.
Ở đây, chúng ta sắp làm việc ở phần liên quan đặc biệt đến các giáo huấn về Bardo. Vị đại đạo sư Padma-sambhava đã tập hợp tất cả các giáo huấn dưới một hình thức rất giản dị, căn cứ trên toàn bộ các giáo huấn của đấng Toàn Giác, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để cho chúng sanh có thể sử dụng một cách thực tiễn. Ngài đã tập hợp tất cả chúng trong sáu mức độ của Bardo.
Padmasambhava có khả năng biết tương lai cũng như quá khứ. Chúng ta có những tiên đoán mà ngài đã viết ra vào thời ngài đến Tây Tạng, thế kỷ thứ VII, diễn tả cái sẽ xảy ra cho đến thời đại chúng ta và sau nữa. Ý thức về sự suy thoái tương lai khả năng tâm thức của con người để có thể giữ gìn các giáo huấn này, ngài đã ghi lại chúng dưới dạng “các kho tàng” (terma), để chúng có thể được lại khám phá vào lúc thích hợp bởi các người “khám phá kho tàng” gọi là các Terton, nghĩa là các hậu thân của các đệ tử của ngài đã từng nhận các giáo huấn ấy vào thời xưa kia. Vậy thì, giáo huấn mà chúng ta sắp học đây đã được khám phá bởi một đại sư, ngài Karma Lingpa, ngài vào thế kỷ thứ XII, thình lình có thể phát giác tất cả sự chỉ dạy mà ngài đã nhận được từ Padmasambhava vào thế kỷ thứ VII.
Nhiều đoạn của giáo huấn nguyên bản này đã được dịch ra trong nhiều thứ tiếng, Anh văn, Pháp văn. Khi thử so sánh chúng với nguyên bản Tây Tạng, chúng ta nhận thấy rằng vẫn còn vài sự hiểu sai và không chính xác, tuy nhiên các bản dịch đã chuyên chở được các ý niệm tổng quát. Chúng ta sắp đưa ra ở đây giáo huấn theo cách mà các bạn có thể đối chiếu với các bản dịch đã có sẵn, mà người ta thường gọi là “Sách Tây Tạng về Người Chết”, đó là theo cách đặt tên của một phần bộ Karling Shitro, một bản văn quan trọng gồm toàn bộ sáu Bardo.
Bây giờ, trước khi đi vào nghiên cứu và tu hành về sáu bardo, cái tạo thành sự thực hành chính yếu, có một sự thực hành sơ khởi để tháo gỡ dòng tâm thức khỏi các dơ nhiểm, các ngăn che ám chướng mà chúng ta phải thực hành để chế ngự chúng. Như thế có hai phần chính :
THựC HÀNH SƠ KHởI :
1) Để sửa soạn cho công việc tu hành, chúng ta quy y và trau dồi một tâm Thức tỉnh (Bồ đề tâm) vốn có sẵn nơi ta. Phát sanh tâm ấy là phương tiện đầu tiên để tháo mở những che ám.
Khi chúng ta nói đến “quy y”, ở mức độ tương đối, điều đó có nghĩa là một chỗ nương dựa ở bên ngoài chúng ta, nhưng ở mức độ tuyệt đối, chỗ nương dựa chính là niềm tự do nội tại. Ví dụ khi người ta ở cạnh biển hay sông lớn, để thoát khỏi mối nguy bị chết đuối, người ta nương dựa vào một người dạy chúng ta biết bơi. Thế rồi, một khi người ta đã biết bơi, người ta tự lập, người ta tìm thấy sự tự do giải thoát ngay trong mình và người ta không dựa vào thầy dạy bơi nữa. Cũng thế, ban đầu chúng ta ở cấp bậc tương đối nương dựa vào yếu tính của các bậc giác ngộ ; tìm ra trạng thái giác ngộ nơi chính mình là sự nương dựa tối hậu. Và rồi, không tự thỏa mãn với sự nương dựa cho chính mình, chúng ta sanh khởi trạng thái thức tỉnh, tâm Bồ đề, cho sự giác ngộ, cho sự giải thoát của tất cả chúng sanh. Đây là giai đoạn đầu tiên.
2) Để tịnh hóa các chướng ngại ngăn che ở mức thân và tâm, có một sự tu hành dùng sự định tâm vào ánh sáng hoặc vào hình tượng của các bậc giác ngộ và sự trì tụng các thần chú mantra khác nhau. Có nhiều thứ, nhưng đặc biệt là thần chú một trăm âm làm trong sạch các chướng ngại che mờ dòng tâm thức. Chúng ta có thể nghĩ “tại sao một thần chú có một trăm âm ?” Luôn luôn có một sự tương quan giữa trạng thái bên trong của tâm thức hay các năng lực với cấp độ vật lý thể xác. Thế nên có những âm khác nhau ảnh hưởng lên những cấp độ khác nhau – mức độ tâm thức cũng như mức độ các năng lực.
3) Giai đoạn thứ ba cốt ở tích trữ năng lực và các thiện nghiệp. Để có được điều này, có pháp dâng cúng mạn đà la. Chúng ta thực hành dâng cúng ở cấp độ vật lý cũng như ở mức độ tâm thức.
4) Giai đoạn thứ tư là tu hành Guru Yoga. Guru Yoga là một phương tiện để đánh thức trạng thái ánh sáng thanh tịnh (tịnh quang) của tâm thức nơi chúng ta nhờ vào sự hộ trì ban phước của các bậc giác ngộ trong quá khứ. Danh từ Guru có nhiều nghĩa, nhưng ở đây Guru nghĩa là tối thượng. Loại yoga này đưa chúng ta vào, hợp nhất chúng ta với vị thầy tối thượng ở trong tâm mỗi người, với thực tại tự tâm.
Như thế chúng ta có bốn cấp độ, bốn giai đoạn của thực hành sơ khởi :
1) Chúng ta có thể tự hỏi “nhưng đâu là mục đích của các thứ ấy ?” Như đã nói, các tình thức tiêu cực có thể chia làm năm loại. Mỗi một thứ tu hành trên sẽ điều trị một trong năm loại phiền não này. Ví dụ như sân thì dễ thấy, trái lại kiêu mạn và đố kỵ thì rất vi tế, và chúng ta không muốn phục tòng chúng : vậy thì trước tiên chúng ta làm việc trên chuyện đó : quy y được đặt ra cho sự việc ấy và để đem lại cho chúng ta lòng tin. Chúng ta phải không mất niềm tin, chúng ta phải biểu lộ một niềm tin không lay chuyển vào ánh sáng chân thật nơi chúng ta, một niềm tin vắng mặt mọi tự phụ.
Phiền não vi tế thứ hai là đố kỵ : vậy thì chúng ta hãy thử thực hành tâm thức tỉnh – gồm bốn cái vô lượng : từ, bi, hỷ, xả – để phát triển một thái độ rất bao la với mọi người.
– Khi nói đến Từ, tình thương và lòng tốt, tiếng sanskrit là maitreya, nghĩa là mong muốn rằng mọi chúng sanh được hạnh phúc bởi chính nguyên nhân là hạnh phúc.
– Bi tiếng sanskrit là maha karuna, đó là mong muốn, từ tận đáy lòng, rằng mọi chúng sanh được thoát khỏi đau khổ và nguyên nhân của đau khổ.
– Hỷ tiếng sanskrit là ananda, đó là vui mừng với hạnh phúc của người khác thay vì ghen ghét.
– Cuối cùng Xả tiếng sanskrit là upetcha, đó là phát triển một tâm thái tình thương và lòng tốt đích thực với mong muốn rằng “cầu cho tất cả chúng sanh được giải thoát.” Mong cầu điều đó mà không một chút phân biệt đối với bất kỳ ai, đó là tâm xả.
Về tình thương và lòng tốt, vài người khó cảm thấy nó không chỉ đối với người khác mà cả với chính mình. Thế nên những cấp bậc khác nhau trong chỉ dạy là cần thiết. Trước tiên, thật quan trọng để hiểu biết trọn vẹn rằng cuộc đời hiện tại này là quý giá, và khi chúng ta phải đương đầu với các khó khăn thuộc về tâm lý và thể xác, phải cẩn trọng vận dụng lòng tốt từ ái này. Tiếp theo đó, chúng ta có thể trải rộng nó ra cho người gần gũi, rồi cho tất cả, không chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng mình mà còn đến sự đau khổ của người khác.
Thông thường chúng ta quên tìm kiếm nguyên nhân của khổ đau và nguyên nhân của hạnh phúc. Nguyên nhân của hạnh phúc là tâm Bồ đề. Về phần nguyên nhân nỗi khổ của chúng ta, về mọi vấn đề mà chúng ta gặp trong cuộc đời mà chúng ta tìm cách quy trách nhiệm cho bạn bè, xã hội, đoàn thể..., nguyên nhân thực sự chính là các xúc cảm tiêu cực, các phiền não của chúng ta.
Ví dụ trong đời sống có những khổ đau đến với chúng ta từ óc cạnh tranh. Điều ấy làm cho chúng ta mệt mỏi, nó ngăn cản chúng ta không thể dàn xếp các tình huống trong đó chúng ta đang sống. Lòng ham muốn của chúng ta thì không giới hạn. Điều ấy kéo chúng ta vào một cơn lốc của ghen tuông và tranh đoạt. Phải kiếm cho ra sự tự do, niềm hòa bình nội tâm nó sẽ lôi kéo theo sự tự do và hòa bình của người khác. Bởi thế, tìm kiếm sự tự do cho tất cả mọi người khác với bốn tâm vô lượng là một đối trị mạnh mẽ với lòng ghen ghét.
2) Mục đích của sự định tâm vào một thực thể giác ngộ như Vajrasattva và trì tụng một thần chú như thần chú một trăm âm là để điều trị sân giận. Sự thực hành giải tỏa các căng thẳng dẫn đến giận dữ, hận thù, do từ những hành động quá khứ. Khi chúng ta nóng nảy, tức giận mà không biểu lộ ra được, nếu điều này lập lại nhiều lần sẽ gây ra những phong tỏa kết đọng mà thần chú một trăm âm sẽ giải tan. Sự thực hành Vajrasattva này dùng âm thanh để giải tỏa, tháo gỡ cho những năng lực bị kết bế ở cấp độ vi tế ; nó dùng ánh sáng để phát triển năng lực ở cấp độ tâm thức và sự quán tưởng Phật trong hình tướng của Vajrasattva để giải tỏa các năng lực ở cấp độ thân xác vật lý.
3) Sự tu hành tiếp theo tác động đối với tham ái, chấp thủ. Dâng cúng Mạn Đà La một cách tinh thần là một dâng cúng tượng trưng biểu lộ trong hình thức tượng trưng toàn bộ vũ trụ, và nó chỉ cho chúng ta thấy sự tương đồng giữa vũ trụ vật lý bên ngoài và vũ trụ bên trong và vi tế của chúng ta. Để làm điều này chúng ta dâng cúng nhiều loại hạt, cây thuốc và đá quý. Điều đó cho phép chúng ta thải bỏ tất cả những gì gây ra bệnh tật, nạn đói, chiến tranh ở trong thế giới bên ngoài. Nếu tìm hiểu sâu hơn, cây thuốc được dùng để dập tắt mọi thứ bệnh tật gây ra bởi vô minh ; đá quý để giải thoát thế giới khỏi các cuộc chiến tranh đều do bởi tính hung hãn, bạo động, và các hạt để giải tỏa những nạn đói do bởi lòng ích kỷ.
Sự thực hành mạn đà la là đặc biệt dùng để phát triển một sự khai mở lớn rộng, một sự hào phóng lớn lao, để giải thoát chúng ta một cách tự nhiên khỏi tham chấp ích kỷ, luôn luôn tự quy vào chính mình.
Đây là một học hỏi cùng cực sâu xa và hiệu quả, nó thực sự mở tâm thức chúng ta. Người ta kể câu chuyện một con ếch sống trong một cái giếng và một con ếch sống bên bờ biển. Con ếch sống dưới đáy giếng tin rằng tất cả vũ trụ là cái giếng này và một ngày nọ nó gặp con ếch sống bên bờ biển, ban đầu nó không tin điều con ếch kia kể cho nghe. Sau đó, khi đã thấy biển cả, nó hoàn toàn bị đảo lộn. Cũng thế, khi tu học về mạn đà la, chúng ta mở ra với thế giới bên ngoài, với các dãy ngân hà tương ứng với những mức độ bên trong và vi tế của chúng ta, điều ấy thay đổi hoàn toàn mối tương quan của chúng ta, điều ấy giải thoát chúng ta khỏi những giới hạn và mở tâm thức của chúng ta. Nó cũng giống như nghiên cứu về thiên văn học, nhưng tu học về mạn đà la thì rất mực quý giá và ích lợi.
4) Sự tu hành Guru Yoga tác động đối với vô minh, dẫn chúng ta vào bản chất trí huệ của tâm Bồ đề bên trong chúng ta.
Tất cả các giai đoạn chuẩn bị này cho sự tu học chính yếu đều có mục đích trị liệu với các phiền não khác nhau, như là những đối trị.
Trước khi đi vào sự tu hành chính yếu, chúng ta hãy ngưng vài phút.
Để áp dụng điều chúng ta đã đề cập một cách ngắn gọn và để điêu luyện dòng tâm thức của chúng ta, có bốn giai đoạn của thiền định. Thứ tự của chúng có thể thay đổi. Ở đây, hợp theo chủ đề chính, chúng ta bắt đầu với :
1) Bản chất đau khổ của các cõi trong sanh tử luân hồi. Các thế giới trong vũ trụ thì vô số. Tuy thế, như chúng ta đã thấy, chúng ta có thể xếp các phiền não thành sáu loại, và vì có sáu loại phiền não này nên cũng có sáu cách khác nhau để nhận thức vũ trụ, sáu hình thái khác nhau của vọng tưởng chúng tạo ra sáu cõi sống : người ta nói đến ba cõi trên và ba cõi dưới. Ba cõi dưới là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Ba cõi trên là chư thiên, atula (bán thiên) và con người.
Trong những cõi sống khác nhau này, chúng sanh có những thấy biết sai khác do các hành động quá khứ, bởi vì mọi nguyên nhân đều mang mầm mống một hậu quả, mọi hành động đều dẫn đến một phản hồi. Vậy thì có các phản hồi khác nhau, những thấy biết khác nhau trong các cõi ấy, chúng tùy thuộc vào phiền não ngự trị nơi cõi ấy : Luôn luôn có điều không ưng ý hay khó khăn phải đối phó. Ví dụ trong địa ngục, có những đau khổ khó hình dung và thường trực, đặc biệt là do lạnh hay nóng ; trong cõi ngạ quỹ chúng sanh chịu đựng đói khát ; trong thế giới thú vật, có sự sợ hãi lo âu, bị ăn thịt hay bị bắt làm nô lệ. Trong cõi thiên và a tu la, sự đau khổ ít hơn, nhưng cũng có những đau khổ rõ ràng : với chư thiên là khi lúc chết và với a tu la là đau khổ vì cạnh tranh và chiến đấu không ngừng nghỉ.
Trong cõi người, chúng ta cũng có nhiều loại khổ đau. Người ta có thể đặc biệt kể đến sanh, già, bệnh, chết. Cũng có những thứ khác : khi thiếu thốn điều gì, chúng ta khổ ; khi có những sở hữu, chúng ta khổ sở vì sợ bị chiếm đoạt hay khi đã mất, chúng ta đau khổ ; khi có bạn bè, người thân, chúng ta sợ phải lìa xa và khi sống trong chỗ không an toàn, chúng lo sợ phải gặp kẻ thù hay những người không thích. Chúng ta luôn luôn phải đối mặt với những tình huống khó khăn, ít nhiều không thích thú. Tất cả đó là kết quả của những tình thức tiêu cực từ quá khứ. Đó cũng là kết quả của sự thiếu kiểm soát các phiền não và của sự thiếu hiểu biết về bản tánh nội tại, về tự do nội tại, về sự an bình tự tâm.
Vậy thì trong tất cả những cõi ấy, chỉ có nỗi khổ bao la.
Các bạn có thể nhủ thầm “nhưng ở đây người ta chỉ nói đến khổ đau và thất vọng, tại sao không nói đến cái gì dễ chịu, an lành hơn, làm an ủi hơn ?”
Mặc dầu hạnh phúc bao gồm tất cả các điều ấy, chúng ta chỉ đạt đến hạnh phúc một cách tự nhiên nếu chúng ta gỡ thoát được khỏi tất cả những gì quấy rối và đe dọa chúng ta. Ví như chúng ta đang vượt qua một bụi gai và chúng ta thấy mình bị dính đầy gai, thì khi có thể rút hết gai ra, chúng ta cảm thấy thế nào ? Chắc chắn không khó khăn, chúng ta cảm nghiệm một cảm giác thoải mái. Cũng thế, điểm thứ nhất là ý thức được bản chất của khổ đau ; điểm thứ hai là nhổ bật nguyên nhân của khổ đau. Điểm thứ ba là đạt đến sự chấm dứt hay giải thoát. Làm sao để đạt đến ? Bằng cách áp dụng “Con đường”, đó là điểm thứ tư.
Vậy thì, tinh yếu của giáo lý là sự chỉ dạy về Bốn chân lý cao cả, được đức Phật đưa ra. Bốn thánh đế này là :
– Ý thức về sự khổ.
– Tìm ra con đường cho phép thoát khỏi nguyên nhân của khổ.
– Thoát khỏi nguyên nhân của khổ, đạt đến sự chấm dứt.
– Sự ngừng dứt nghĩa là giải thoát khỏi khổ, nhờ vào con đường.
2) Cái gì là nguyên nhân của khổ ? Đó là mọi hành động tiêu cực mà chúng ta đã làm. Tận nguồn gốc của các hành động là các tình thức tiêu cực khác nhau như chúng ta đã thấy ở trước.
Tất cả mọi kinh nghiệm này, mọi khổ đau này mà chúng ta đang trải qua, chỉ là kết quả của hành động chúng ta. Thế nên, để biết nguyên nhân của đau khổ, để tránh các hành động xấu, để thử phát triển các hành động tốt và để có thể tự thoát khỏi hết các khổ, điều quan trọng là suy nghĩ về định luật “hành động và sự phản hồi của hành động”, định luật nhân quả, được biết dưới tên là nghiệp báo. Điều này là điểm quan trọng thứ hai.
3) Tiếp theo, chúng ta có đời người. Đời người so sánh với các hình thái đời sống khác thì quý giá biết bao ! Đặc biệt khi chúng ta được hưởng cái mà chúng ta gọi là tự do và các điều kiện thuận lợi, hiểu được rằng đời sống này quý giá biết bao nhiêu là điều rất quan trọng. Chắc hẳn, có những người không có tám sự tự do và mười điều kiện thuận lợi, nhưng nếu chúng ta có đủ các tính chất ấy, chúng ta có thể xem cuộc đời làm người này thật sự rất, rất quý giá.
4) Trước khi đề cập đến chủ đề chính, sự chuẩn bị tiếp theo là suy nghĩ về vô thường. Vô thường, nghĩa là thay đổi luôn luôn, trong mọi lúc, nơi vũ trụ bên ngoài cũng như ở vũ trụ bên trong : ở mức độ thân xác cũng như ở mức độ tâm thái và vân vân. Tất cả là sự biến dịch một cách vĩnh viễn. Ý thức đến định luật vô thường làm cho chúng ta tự do, ngăn không cho chúng ta thường trực bị tra tấn bởi các thay đổi mọi loại.
Sự suy nghĩ về vô thường và sự phát triển một cẩn trọng lớn lao trong thực hành cho chúng ta biết sử dụng mỗi một giây phút quý giá, sự suy nghĩ đến sự kiện cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, tạo nên một trong những yếu tố quý giá nhất trong công cuộc tu hành của chúng ta, tạo nên sự chuẩn bị cho học hỏi và thực hành chính yếu là các giai đoạn của Bardo.
Như chúng ta thấy trong giáo lý, đời người đáng quý này là kết quả của những hành động tốt trong quá khứ, nó giống như một con tàu có thể đưa chúng ta vượt qua bờ bên kia của đại dương đau khổ. Thật quan trọng biết sử dụng nó bây giờ, bởi vì, do sự vô thường của nó, chúng ta cũng không biết chúng ta có thể sử dụng con tàu này bao lâu.
Giờ đây, trên nền tảng các sự chuẩn bị này, chúng ta hãy đề cập đến chủ đề chính mà chúng ta đã gợi ra ngắn gọn chiều hôm qua, chủ đề về sáu Bardo.