Tâm tình ngườì phật tử:
XÂY CHÙA TO NÊN VUI HAY BUỒN?!
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Thời gian gần đây dư luận xã hội đang rộ lên chuyện nước ta đang xây một ngôi chùa lớn nhất thế giới. Sau ngôi chùa Bái Đính được xem là lớn nhất Đông Nam Á, giờ thì tới lượt chùa Tam Chúc sẽ là ngôi chùa to nhất thế giới với diện tích 51000ha và sẽ là nơi tổ chức sự kiện đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2019.
Một người phật tử bình thường như tôi rất lấy làm vui mừng vì tôn giáo mình đang theo có được những công trình thờ phượng hoành tráng tầm cỡ thế giới như thế. Tôi nghĩ rằng không phải chỉ mình tôi vui mà rất nhiều phật tử cũng vui như thế. Thử hỏi không tự hào sao được khi mà một tôn giáo mình đang theo, một tôn giáo được xem là đồng hành cùng dân tộc mấy ngàn năm mà cho đến nay mới có được những ngôi chùa to tầm cỡ thế giới như thế!
Thế nhưng, niềm vui không trọn vẹn vì càng ngày dư luận càng rộ lên những ý kiến trái chiều về việc xây chùa to như chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc…. Đã có nhiều bài viết cho rằng nhà nước đã ưu ái (hay nói trắng ra là thiên vị) cho Phật giáo khi cho xây những ngôi chùa trên những diện tích đất công rộng hàng ngàn hecta như thế. Bên cạnh những bài viết ca ngợi công trình tôn giáo hoành tráng xứng tầm với một tôn giáo lớn như Phật giáo, cũng có nhiều bài viết chỉ ra đây là một loại hình kinh doanh tôn giáo với lợi nhuận rất cao, rất an toàn, ít rủi ro như kinh doanh các loại hình kinh tế khác. Cũng đã có nhiều bài báo đả kích, thâm chí quy chụp cho Phật giáo là kinh doanh dựa trên đức tin của quần chúng, là làm giàu cho một số sư sãi v.v…Ôi thôi người ta đau nhau phân tích, lý luận, khen, chê, ủng hộ, đã kích, quy chụp, xuyên tạc…đủ thứ như ma trận khiến cho những người phật tử bình thường như tôi càng thêm hoang mang không biết hư thực như thế nào! Thế nên, là một người Phật tử khi được nghe xây chùa to, tượng lớn thì nên vui hay buồn đây!
Phật giáo du nhập vào nước ta hơn hai ngàn năm và đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử và đã trở thành một phần của nền văn hóa Việt. Hầu hết các làng miền Bắc và Bắc Trung bộ làng nào cũng có một ngôi chùa, hình ảnh ngôi chùa làng cổ kính rêu phong nằm ẩn mình dưới tán cây đa đã trở nên quá đỗi thân thương với tất cả người dân quê. Giáo lý của đạo Phật cũng ăn sâu vào tâm thức của người Việt, cho dù họ có là tín đồ đạo Phật hay không nhưng trong tâm mỗi người Việt đều rất tin luật nhân quả-nghiệp báo. Theo tôi chính nhờ niềm tin này mà người dân Việt bao đời sống lương thiện làm lành tránh ác, từ đó suốt bao đời nay nước ta có một xã hội sống chan hòa tình thương và rất yên bình, chứ chưa hẳn là họ không làm điều ác là sợ bị pháp luật trừng trị, vì nếu không có niềm tin sâu vào nhân quả-nghiệp báo thì họ sẵn sàng làm điều ác khi lách được pháp luật rồi!
Tiền nhân của chúng ta suốt bao chiều dài lịch sử khi xây chùa không chú trọng chùa to, tượng lớn mà chú tâm cũng cố đức tin cho phật tử bằng xiển dương giáo lý của đức Phật nhằm xây dựng một xã hội thái bình theo tinh thần Phật giáo. Thế nên những triều đại huy hoàng nhất của nước ta như Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn mặc dù Phật giáo rất được các vị vua ủng hộ, hoặc thậm chí chính những ngôi chùa được vua trực tiếp xây dựng cũng chỉ là những ngôi chùa quy mô rất khiêm tốn. Chúng ta thử dạo quanh một vòng các chùa miền Bắc và cố đô Huế sẽ thấy đúng như thế, kiến trúc các ngôi chùa cổ không bao giờ phô diễn sự lộng lẫy, bề thế hay cao to hoành tráng mà luôn mang dáng vẻ uy nghi trầm mặc, thường thì nép mình dưới những tàng cây cổ thụ hoặc nằm khuất nẻo cuối thôn, hay tọa lạc chốn thâm sơn cùng cốc, ẩn mình trong chốn núi rừng hoang dã. Mặc dù chùa không to, tượng không lớn nhưng ngôi chùa thực sự là:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”
Như nhà thơ Huyền Không (cố Hòa thượng Mãn Giác) đã nói.
Thế nhưng những năm gần đây những ngôi chùa đồ sộ đã mọc lên trên khắp nước, nhất là tại miền Bắc và đa phần được xây dựng trên phần đất được mang tên những ngôi chùa cổ là những di tích văn hóa Phật giáo.
Nhìn một cách chủ quan ta có cảm giác Phật giáo đang được nhà nước ưu ái cho xây những ngôi chùa to, tượng lớn trên những diện tích rộng bao la như thế. Nhưng qua những gì mắt thấy tai nghe và công luận đã phản ảnh thì ta thấy hình như hình tượng Đức Phật, Phật giáo và đức tin đang bị lợi dụng để cho các nhà kinh doanh và những người núp bóng trục lợi. Chỉ lấy thí dụ chùa Bái Đính có quy mô lớn nhất Đông Nam Á và có những kỷ lục châu Á và thế giới, có một thời là niềm tự hào của Phật tử cả nước, là một ngôi chùa mà chính bản thân tôi cũng ao ước được đặt chân đến một lần để chiêm bái. Nhưng qua thời gian ta thấy ở đó đã phơi bày hình thức kinh doanh đủ kiểu, thậm chí người ta ví các khoản tiền thu người hành hương tại chùa là như ma trận vì đã vẽ ra muôn hình vạn trạng để thu tiền. khách thập phương muốn đến được nơi lễ Phật cũng đã mất hết một số tiền không nhỏ, chưa nói đến vô số hòm công đức cũng như rất nhiều hình thức khác để moi tiền người có tín tâm (ví như mua một viên ngói với giá 50.000 đồng chẳng hạn…), doanh nghiệp bán vé vào cửa nhưng ghi trên vé là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam!
Chùa là một nơi chốn tôn nghiêm được xây dựng lên để thờ Phật và là nơi chiêm bái, hành lễ và tu học của người Phật tử. Đạo Phật là đạo từ bi nên cửa chùa luôn rộng mở cho thập phương bá tánh vào chiêm bái. Ngôi chùa dù to hay nhỏ mà có ánh sáng phật pháp chiếu rọi thì sẽ lan tỏa nguồn sống đạo hạnh cho những người có tín tâm và như thế sẽ giúp cho họ chuyển hóa tâm thức, bỏ ác làm lành, bỏ mê sang ngộ, được như thế thì ý nghĩa và công năng của ngôi chùa mới trọn vẹn.
Chùa to, tượng lớn mang tầm cỡ thế giới, hoặc là công trình thế kỷ nếu được dùng để phụng sự cho đức tin vào giáo lý đạo Phật một cách có chánh tín, là nơi để hàng Tăng, Ni và phật tử tu tập nhằm chuyển hóa tâm thức, thực hành lời Phật dạy đoạn trừ điều ác, phát triển điều lành, sống đúng với chánh pháp, thiết thực thăng tiến đạo hạnh cho bản thân và góp phần xây dựng một xã hội an bình, thì đó là niềm hoan hỷ vô biên và cũng là hoài bảo của người Phật tử. Còn ngược lại nếu xây chùa to, tượng lớn nhưng không có ánh sáng Phật pháp chiếu rọi mà chỉ là nơi núp bóng tâm linh để kinh doanh, trục lợi hoặc dẫn dụ bá tánh chìm đắm trong mê tín, biến chùa thành nơi cầu bái, biến Phật thành vị thần linh để cầu tài, cầu phước, cầu lộc… thì đó là thảm họa của Phật giáo nước nhà.
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Bài đọc thêm:
Việt Nam: Xây chùa ‘hoành tráng’ là tốt hay xấu? (Ben Ngô | BBC & TT. Thích Nhật Từ)
Ma Trận Dịch Vụ Khi Đến Chùa Bái Đính, Không Có Tiền Đừng Mong Lễ Phật (Vũ Phương)
Đại gia xây chùa, thiên tài kinh doanh siêu lợi nhuận | Trần Phương
Có nên xây chùa đồ sộ? (Đào Văn Bình)
Xây chùa và xây đạo tràng (Nguyên Giác)
- Từ khóa :
- Xây Chùa
- ,
- nên vui hay buồn?