Nguyễn Thị Ngọc Trâm
Việt Nam có 54 dân tộc với khoảng gần 90 triệu dân. Tùy theo vùng miền, tùy theo các dân tộc anh em có rất nhiều phong tục, tập quán khác nhau. Mỗi năm cả nước có khoảng gần 200 lễ hội diễn ra quang năm, hầu hết song hành với nhiều tập tục cúng lễ liên quan đến giết mổ động vật, rượu chè ăn uống lãng phí, tập trung nhiều nhất vào thời điểm tháng giêng.
Từ trong lịch sử, tầng lớp phong kiến đã tiếp thu văn hóa ẩm thực ngoại bang đã ảnh hưởng không nhỏ tới nếp văn hóa ăn uống của người Việt đã trở thành những tập tục nói trên mà một số người coi đó là văn hóa ăn uống bản địa (?). Do vậy, cái câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi” đã truyền khẩu từ hàng ngàn năm sau trong nhân gian.
Trong những năm gần đây do sự phát triển của công nghiệp hóa nên cái câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi” đã dần mai một. Ngược lại, tháng giêng lại chính là tháng các ngành nghề gấp rút sản xuất để bù vào thời gian nghỉ tết, cho nên “Tháng giêng là tháng ăn chơi” đã không còn phù hợp với người đương thời nữa.
Thế nhưng trong bối cảnh tục lệ cúng lễ nói trên, may mắn thay tại một số địa phương như ở làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên hoặc làng Đào Xá, xã Phong Khê, TP Bắc Ninh… lại nổi bật lên những nét đẹp về văn hóa ăn chay mang tính truyền thống đã được duy trì từ nhiều đời nay tại địa phương.
Điều đáng quan tâm nữa là mấy năm gần đây ở TP Hồ Chí Minh có một nét sống mới là ăn chay nguyên một tháng giêng. Người lao động đến công xưởng ngày đầu trong năm mới, việc làm trước tiên là báo cho nhà bếp là ăn chay như ở Công ty Thuốc lá Sài Gòn. Có ngày số người báo xuất chay với nhà bếp có tới 70%. Ngày tết của gia đình các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Bạch Tuyết, NSƯT điện ảnh Minh Đức, ca sĩ Bảo Yến, ca sĩ Cẩm Vân, ca sĩ Phương Thanh, ca sĩ Đông Quân, NSƯT Thoại Mỹ. Nhạc sĩ đình Nghĩ, nhiếp ảnh MPK “Phước khùng”, phóng viên Đỗ Quyên ở Đà Lạt v v… đều ăn chay. Nếu ngày tết đi biểu diễn xa nhà cũng chỉ mua thức ăn chay. Nhà hàng Vân Cảnh bán buffet chay suốt cả tháng giêng, quán chay Pháp Lạc ở 83 đường Trần Phú, F 4, Q. 5, TP Hồ Chí Minh không nghỉ tết phục vụ những người ăn chay không có điều kiện nấu nướng để họ dành nhiều thời gian đi lễ chùa và đi làm từ thiện. Chưa kể số đông Phật tử ăn chay mồng một tết vì giữ sạch giới, trong đó rất nhiều người ăn chay suốt cả tháng giêng.
Đây không phải là ngẫu nhiên mà do hiện tượng biến đổi khí hậu trong những năm gần đây ngày càng diễn biến phức tạp. Các tấm băng ở hai cực tan dần khiến mực nước biển dâng cao, lượng mưa thay đổi bất thường, lưu lượng nước trong các sông ngòi khi thì quá cao trong mùa mưa và khi thì quá thấp trong mùa khô. Sóng thần, động đất diễn ra liên tục trong một thời gian ngắn ở một số nước trên thế giới. Lũ lụt, hạn hán cũng diễn ra nhiều nơi Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và kinh tế xã hội từ thế hệ này đến thế hệ sau.
Đó thực sự là những thảm cảnh tác động đến những người có lương tri trên thế giới và người Việt Nam chúng ta. Thực trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính làm cho mỗi cá nhân thay đổi thói quen ăn uống khoái khẩu mà ý thức rằng muốn làm một việc gì đó chung tay với nhân loại bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của loài người trong đó có hàng tỷ mái ấm của mỗi gia đình.
Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống những doanh gia và người lao động nâng lên theo nên không thể thiếu cảnh cuộc chay đua ăn tết rềnh ràng, rượu chè lãng phí của những người còn nặng về hưởng thụ vật chất thì song hành với họ là những người cũng có điều kiện kinh tế khá giả, có địa vị, có chức sắc trong xã hội lại lựa chọn cỗ chay với tấm lòng thanh tịnh để thờ tổ tiên, ông bà và liên tục dùng thực phẩm chay trong tháng giêng.
Hầu hết những người ăn chay trong tháng giêng nhận biết rằng, động vật là loài có máu cũng có sự sống như con người nên không thể giết sự sống ấy. Lựa chọn đầu năm ăn chay là góp tiếng nói chung cùng nhân loại bảo vệ hành tinh xanh và để giữ được thân tâm được an lạc những ngày đầu năm mới.
Ăn chay là một hành động thiết thực nhất, dễ thực hiện nhất ở bất cứ nơi nào, trong công sở, trong gia đình hoặc ngoài hàng quán, không cần phải xin phép ai, tốt cho sức khỏe, tiết kiệm, thân – tâm an lạc. Đó là tư duy nhân đạo, đó là giá trị sống của những người khôn ngoan nhất của thời đại.
Tháng giêng là tháng ăn chay – tuy chưa phải là câu truyền miệng trong nhân gian, nhưng đã phát triển thành một nét văn hóa ăn tết rất riêng của những người yêu chuộng môi trường xanh. Vì thế ở Việt Nam trong những năm qua, tháng giêng ăn chay là nét ăn uống có trí tuệ đã ngày càng đi vào nếp sống của những cư dân ăn chay. Và sau này sẽ trở thành truyền thống, trở thành một nét đẹp trong văn hóa ăn uống ngày tết của Việt Nam, bắt nguồn từ ý thức ăn chay cứu lấy trái đất.
Nguyễn Thị Ngọc Trâm
(Phật Tử Việt Nam)