- Mục Lục
- Lời Mở Đầu
- 1. Ý Thức Về Cái Chết
- 2. Tự Giải Thoát Khỏi Sự Sợ Hãi
- 3. Chuẩn Bị Cho Cái Chết
- 4. Vượt Qua Những Chướng Ngại Cản Trở
- 5. Tạo Những Điều Kiện Thuận Lợi Vào Giờ Phút Lâm Chung
- 6. Thiền Định Trong Khi Chết
- 7. Cấu Trúc Bên Trong
- 8. Ánh Sáng Trong Suốt Của Cái Chết
- 9. Phản Ứng Trong Giai Đọan Chuyển Tiếp
- 10. Hướng Về Sự Tái Sinh Tích Cực
- 11. Suy Tư Hằng Ngày Về Bài Thơ
- 12. Phụ Lục
- Sách Tham Khảo & Chú Thích
CHỦ ĐỘNG CÁI CHẾT
ĐỂ TÁI SINH TRONG MỘT KIẾP SỐNG TỐT ĐẸP HƠN
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Hoang Phong dịch
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG TP. Hồ Chí Minh 2010
10
HƯỚNG VỀ SỰ TÁI SINH
TÍCH CỰC
« Bất kể rằng ta giàu có đến đâu, / Khi ta bước sang kiếp khác / Ta cũng chỉ có một mình, không vợ, không con, / Không quần áo mặc, không bạn bè, / Giống như một người đem hiến dâng cho kẻ thù trong sa mạc, / Nếu như ta không còn giữ được chính cái tên của ta, / Thì xá gì đâu những thứ khác? » Phật
Tiết 17
Chúng tôi xin được tái
sinh trong một thân xác cao đẹp
của một người tu tập
Tan-tra biết sử dụng không gian,
trong thân xác của một
nhà sư, hoặc của một người thế tục nhưng thấu triệt được ba cách tu tập
Chúng tôi cũng xin đạt
cho được con đường Đạo hạnh đưa đến hai giai đoạn là sự sáng tạo và thực hiện
Để nhanh chóng đạt được
các Hiện Thân của Phật: Thân chính Giác
Thân Đại Hạnh, và Thân
Biến Hóa
Từ trạng thái chuyển tiếp bước vào kiếp sống sau là một quá trình gồm có nhiều sự thu hút và ghét bỏ xảy ra. Sinh vật nở ra từ trứng bên ngoài cơ thể cho đến con người sinh ra từ bụng mẹ đều trông thấy cha mẹ mình trong quá trình làm tình, hoặc là hình bóng của họ, và phát sinh sự thèm khát đối với cha hay mẹ khác phái với mình và xô bỏ người mang cùng một phái tính. Khi một trong hai người sắp ôm chặt lấy người kia, tức người mà họ thèm khát, và bất thần họ nhìn thấy cơ quan sinh dục của người này, họ vụt nổi giận. Sự thu hút và xô bỏ xảy ra là như thế, và thời điểm đó đánh dấu sự chấm dứt của giai đoạn trung gian.
Cũng cần phải nói rõ đây là trường hợp thông thường xảy ra khi giai đoạn trung gian chấm dứt, vì ngày nay có những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm, ngược lại với một số kinh điển ghi chép – chẳng hạn như trường hợp cha mẹ phải ăn ngủ với nhau trong trạng thái kích thích tình dục cao độ. Ngày nay tinh trùng của cha có thể tồn trữ trong phòng thí nghiệm và sau đó đưa vào tử cung của người mẹ không cần có sự kích thích tính dục. Quá trình như thế trái ngược với một số kinh điển nhưng lại là sự thực, chúng ta phải chấp nhận[49] . Tuy là những người tin tưởng vào truyền thống của Tu viện Đại học Nalanda từ những thời kỳ cổ xưa trên đất Ấn, nhưng chúng ta phải chấp nhận và không chối cải được sự kiện thụ thai như thế. Điều này cho thấy những giải thích trước đây của chúng ta không đầy đủ. Ngay trong kinh sách Phật giáo, ta cũng thấy có một câu chuyện như sau: có một cặp vợ chồng nhưng về sau trở thành độc thân – một người đi tu và trở thành một nhà sư, người kia cũng đi tu và trở thành ni cô. Một hôm, người đàn ông vì ảnh hưởng của kỷ niệm xưa, đi tìm người vợ ngày trước của mình. Khi chạm vào người của bà vợ cũ, tinh trùng liền phóng ra dính vào quần áo của người vợ. Sau đó, chịu ảnh hưởng những kỷ niệm cũ, bà này cho vài giọt tinh trùng vào âm đạo. Đúng ngày đúng tháng, thì sinh ra một đứa bé. Như thế, ngay cả kinh sách Phật giáo xưa cũng đã nói ngược lại giáo điều cho rằng sự thụ thai chỉ có thể xảy ra khi hai người ôm nhau làm tình.
Giống như thế, có chuyện kể rằng trong dòng họ của Phật Thích ca có một người đàn ông tên là Bạn-Mặt-Trời, vì tinh trùng của cha người này rơi trên một chiếc lá, hơi nóng của mặt trời làm biến đổi rồi tạo ra hai đứa bé. Hai câu chuyện trên đây, ngày xưa chỉ là chuyện thần thoại, ngày nay khoa học cho thấy là sự thực[50] . Mặc dù thông thường sự thụ tinh đòi hỏi một số điều kiện nào đó, nhưng không bắt buộc phải xảy ra đúng như thế. Giai đoạn chuyển tiếp cũng vậy, không bắt buộc phải có sự thu hút bởi người cha hay người mẹ thuộc phái tính khác như một sự thèm khát thiếu thỏa mãn, mà sau cùng chỉ cần nhìn thấy cơ quan sinh dục là đủ.
Vào lúc chấm dứt giai đoạn trung gian, người tái sinh trải qua một cách nhanh chóng tám trạng thái theo thứ tự như sau:
1. Ảo ảnh
2. Khói
3. Đom đóm
4. Lửa của một ngọn nến
5. Bầu-trời-tâm-thần màu
trắng rực rỡ
6. Bầu-trời-tâm-thần màu
đỏ cam rực rỡ
7. Bầu-trời-tâm-thần màu
đen đậm
8. Ánh sáng trong suốt
Vào lúc thụ thai, sinh linh trong thể dạng ánh sáng tinh khiết trải qua bảy trạng thái khác theo thứ tự đảo ngược như sau:
7. Bầu-trời-tâm-thần màu
đen đậm
6. Bầu-trời-tâm-thần màu
đỏ cam rực rỡ
5. Bầu-trời-tâm-thần màu
trắng rực rỡ
4. Lửa của một ngọn nến
3. Đom đóm
2. Khói
1. Ảo ảnh
Có nhiều cách giải thích về trường hợp một sinh linh thâm nhập vào tử cung. Vài kinh điển cho rằng sự thâm nhập bắt đầu từ nơi miệng của nam phái, xuyên qua cơ thể, xuống dương vật, đến tử cung của người đàn bà. Vài kinh điển khác nói rằng sinh linh đi thẳng vào tử cung qua đường âm đạo. Một người đạo hạnh sẽ có cảm giác bước vào một căn nhà trong quang cảnh niềm nở, và nghe những âm thanh êm ái. Ngược lại, một người kém đạo hạnh có cảm giác đi vào một vùng đầm lầy hay rừng sâu, đồng thời nghe vang lên những tiếng gào thét rổn rảng.
Khí lực thật tinh tế và tâm thức của sinh linh nhập vào phần vật chất (trứng và tinh trùng) của cha và mẹ. Trong bào thai, kích thước lúc đó cỡ như một hạt cải lớn, kinh mạch trung tâm phối hợp với kinh mạch bên phải và bên trái, mỗi kinh mạch quấn xung quanh bào thai ba vòng. Đồng thời phần năng lực của khí hướng lên trên và phần năng lực của khí hướng xuống dưới tuần tự di chuyển theo những hướng đã quy định, và tiếp theo cả ba đường kinh mạch cũng kéo dài ra. Thân thể của bào thai tuần tự phát triển và thoát ra khỏi tử cung, tùy theo trường hợp của từng chủng loại.
Đến đây cũng có thể là trường hợp ta đang được tái sinh trong một thân xác đặc biệt, tạo ra một kiếp sống thuận lợi cho việc tu học như đã trình bày trong các tiết trước đây trong bài thơ Ban-thiền Lạt-ma, để đi trọn Con đường Tan-tra dẫn đến sự Giác ngộ tối thượng. Nhưng ta cũng có thể sinh ra trong những nơi lạ lùng, trong khung cảnh của những sinh linh gọi là những « kẻ sử dụng bầu trời », họ đều tu tập Tan-tra, hoặc cũng có thể sinh vào những nơi bình thường hơn, trong những nơi có các vị thầy hướng dẫn và các điều kiện thích hợp giúp ta trong việc tu tập. Nhờ vào các cách tái sinh thuận lợi như vừa kể trên, ta nên phát nguyện cố gắng thực thi những hành vi tinh khiết và noi theo ba cách tu tập – đạo đức, thiền định, và trí tuệ, vì đó là nguồn gốc của sự thăng tiến tinh thần. Cách tu tập căn bản ấy sẽ giúp ta hoàn tất hai giai đoạn trong Tối thượng Du-già Tan-tra:
- Thần linh Du-già Tan-tra, kết hợp sự thiền định về Tánh không và tám dấu hiệu của cái chết.
- Thần linh Du-già Tan-tra và sự thiền định về Tánh không, sự thu hồi năng lực của khí vào kinh mạch trung tâm, và sự thâm nhập vào các tầng lớp sâu kín nhất của tâm thức.
Nhờ vào các giai đoạn trên đây, ta sẽ hoàn tất những bước cuối cùng đưa đến Phật tính, tức trạng thái tâm linh hoàn toàn hiến dâng cho kẻ khác. Lời nguyện cuối cùng trong bài thơ Ban-thiền Lạt-ma là ước vọng sẽ đạt được một cuộc sống như thế trong kiếp tái sinh. Ta nên nhớ rằng mục tiêu tối hậu của việc tu tập Phật giáo là giúp đỡ kẻ khác, và muốn cho sự giúp đỡ hữu hiệu ta phải đạt được tâm thức và thân xác thật tinh khiết. Mục đích tạo cho ta khả năng có thể giúp đỡ thật nhiều sinh linh có giác cảm bằng hàng triệu phương cách khác nhau.
Trong khi tu tập, đừng để con đường Đạo Pháp tách xa ra bên ngoài, nhưng phải luôn luôn hướng thẳng tâm linh vào con đường Đạo Pháp. Nếu không, dù ta có cố gắng đến đâu, ta cũng sẽ mệt mỏi và chán nản sau một thời gian nào đó. Không nên đọc cho lấy có những câu trong bài thơ Ban-thiền Lạt-ma: Ước nguyện được giải thoát khỏi những hiểm nguy trong Giai đoạn Trung gian, kẻ Can trường tự giải thoát khỏi sự Sợ hãi, nhưng phải suy tư về ý nghĩa những câu đó, đem ra thực hành mỗi ngày bằng cách hướng vào sự thiền định sâu xa về Tánh không. Đó là lời khuyên của tôi.
TÓM LƯỢC NHỮNG LỜI KHUYÊN
1. Trong quá trình
tái sinh, hãy cố gắng đạt được một thân xác tương lai trong một hoàn cảnh thuận
lợi để đi cho trọn con đường tu tập Đạo Pháp.
2. Mục đích là đạt
được sự Giác ngộ tối thượng để có thể phục vụ kẻ khác.