MÊNH MANG GIỮA ĐẠO - GIỮA ĐỜI
GIÁC MINH LUẬT
và cúng dường cho Phật pháp,
cho chúng sanh một người con trai/con gái vậy.
Mấy bữa nay tự nhiên trong lòng Quang cảm thấy có cái gì đó hơi thay đổi mà chính Quang cũng không thể diễn tả bằng lời. Chuyện là Quang vừa mới đi đám tang của cậu em họ về, em họ của Quang tên là Tiến, Tiến thì chỉ mới có 20 tuổi thôi nhỏ hơn Quang một tuổi mà đã sớm qua đời rồi.
Tiến trốn gia đình đi chơi xa với mấy đứa bạn cùng lớp, nhưng chuyện không may xảy ra với Tiến khi chiếc xe khách của Tiến bị tai nạn giao thông, cả đám người trên xe ai cũng được cứu sống nhưng chỉ riêng Tiến là trút hơi thở sau cùng khi đưa vào đến Bệnh viện để cấp cứu.
Quang cũng buồn lắm, buồn vì sự ra đi đột ngột của đứa em họ mà mình vốn thương yêu và gần gũi nhất. Nhưng Quang cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc lủi thủi khóc và đứng bên cạnh an ủi mẹ Tiến những lúc kêu gào than khóc trong nước mắt và tang thương bên thân xác của đứa con trai mà mình vốn đặt niềm tin và kỳ vọng vào nó nhất.
“Nhưng đời mà – biết bao giờ con người ta mới thôi khổ đau và tuyệt vọng khi mọi thứ rồi cũng phải từ biệt mà ra đi, kể cả người thân, tình yêu, và những gì mình đang sở hữu – vui chăng – hạnh phúc chăng trên những điều đó thì cũng chỉ là tạm thời trước quy luật tuần hoàn của tạo hóa”.
Những ý nghĩ đó tự nhiên lại xuất hiện trong đầu của Quang, Quang cũng không hiểu vì sao, nhưng nó lại ám ảnh Quang đến lạ kỳ, rồi Quang tự hỏi, phải chăng mình đã ngộ được cái gì đó về cuộc đời, về kiếp người hay về cái chết của đứa em họ mình rồi chăng. Rồi Quang chợt ngồi dậy pha một ấm trà nóng và bắt chân bán già ngồi yên tịnh một mình trong một không gian hoàn toàn tĩnh mịch vào lúc 3 giờ sáng. Một hành động mà trước giờ Quang chưa bao giờ làm trong đời.
Tự nhiên Quang ngồi yên nhắm mắt và hít thở đều, rồi trong đầu Quang lại xuất hiện lên những hình ảnh về cái chết của cậu em họ vào sáng nay và hình ảnh kêu gào than khóc của Dì.
Quang buồn lắm, trong con tim của Quang chợt đau nhói từng hồi, rồi Quang khóc, khóc cho cái chết của đứa em, rồi khóc cho chính cuộc đời mình nữa, vì Quang tự hiểu rằng một ngày nào đó Quang cũng phải ra đi như vậy, rồi Quang hay mẹ Quang cũng phải khóc thương để cùng tiễn đưa nhau như thế.
Rồi Quang lấy tay áo lau đi từng dòng nước mắt và uống vội một ngụm trà đang còn nóng, Quang đưa mắt nhìn sang mẹ, nhìn sâu vào khuôn mặt mẹ khi còn say ngủ, Quang cảm thấy thương mẹ nhiều lắm, thương ánh mắt và thương cả nụ cười trên đôi môi của mẹ, thương luôn vết sẹo dài trên trán của mẹ khi bị ba dùng cái chai ném trúng trong một lần say rượu, nghĩ thế Quang như muốn chạy đến ôm chầm lấy mẹ như thể không bao giờ buông tay ra vậy, vì Quang sợ một ngày nào đó mẹ sẽ ra đi mãi mãi, thì Quang sẽ không còn cơ hội để được ôm chặt mẹ vào lòng như thế nữa.
Quang yêu mẹ nhiều lắm, vì với Quang mẹ là tất cả và Quang cũng chính là tất cả đối với mẹ, vì có lần Quang nghe mẹ nói: mẹ có khổ đến bao nhiêu, có bị ba đánh đập chữi mắng bao nhiêu thì mẹ cũng sẽ ráng sống để lo cho con ăn học thành tài như người ta. Rồi mẹ nói tiếp: Hồi đó gia đình bên ngoại con nghèo nên không đủ điều kiện cho mẹ đi học, nên giờ mẹ mới dốt, mới khổ thế này, còn bây giờ dù mẹ có cực khổ cũng phải cho con ăn học nên người để sau này không còn phải cực, phải khổ như mẹ nữa, nói đến đây mẹ ôm chầm lấy Quang mà khóc. Nghe những lời mẹ nói như thế, từ đó Quang chăm học lắm, vì Quang sợ mẹ buồn, mẹ lo vì mình nữa, vì cuộc đời của mẹ đã khổ nhiều lắm rồi, Quang không muốn mẹ phải khổ thêm một lần nào nữa.
Nghĩ đến đó rồi Quang cũng chợt nằm xuống để ngủ thiếp đi.
Từ cái đêm hôm đó đến nay, Quang chợt nhận ra trong con tim và lý trí của mình dường như đang chuyển hóa và thay đổi dần cái gì đó, Quang không còn cảm thấy vui thích cái chuyện đi chơi với mấy đứa bạn sau giờ học, cái chuyện cười đùa nói tốt nói xấu đứa này đứa nọ cùng lớp, rồi la cà đây đó để đi chơi.
Mà Quang dành thời gian cho mẹ nhiều hơn, vì Quang đã dần ý thức được mình cần phải làm gì và điều gì mà mình không nên làm để mẹ được vui. Rồi cũng từ đó, sau những đêm dài trằn trọc suy nghĩ, Quang dường như cảm thấy mình cần phải làm cái gì đó khác hơn, vĩ đại hơn nữa để thay đổi cuộc đời mình và báo hiếu cho mẹ một cách trọn vẹn nhất.
Quang tự hỏi: “Phải chăng con đường xuất gia sẽ giúp mình thực hiện những điều đó” Nghĩ đến đây Quang chợt giật mình và không dám nghĩ tới nữa, vì Quang hiểu - mẹ mà biết Quang có ý nghĩ này thì chắc sẽ buồn và lo sợ lắm, vì rằng chỉ có mình Quang là người con gần gũi và thân cận với mẹ nhiều nhất sau khi hai chị lớn đi lấy chồng phương xa.
Nhưng sao ý nghĩa đó lại tiếp tục xuất hiện trong đầu Quang mỗi đêm nó như thúc giục Quang phải ra đi, phải đi tìm cái gì đó cao cả và thiêng liêng hơn cho cuộc đời mình, vì Quang sợ, sợ nhiều thứ lắm, sợ đời mình như hoa trôi trên sóng nước, như mây bay ngang trời, như bóng chim chiều mất dạng,…rồi chăng cuộc đời Quang cũng như thế, cũng mãi xoay vần như bao người khác, như cha Quang, như mẹ Quang hay như đứa em họ của Quang và những người khác trong cái vòng sanh - tử này.
Quang suy nghĩ thật nhiều, rồi Quang cũng tự mình cột trói trong cái mớ suy nghĩ đó mà không tìm được lối ra, Quang tức lắm, tức vì mình chẳng hiểu nỗi mình, chẳng làm được gì cho mình, cho mẹ mình nữa. Mà sao lại bơ vơ đứng giữa những điều mênh mang như thế, phải chăng đây là những suy nghĩ thường tình mang tính nhất thời của một cậu thanh niên mới lớn như Quang.
Nhưng Quang chợt hiểu, đây chắc không phải là ham muốn nhất thời, vì con tim và lý trí của Quang thật sự muốn Quang làm điều đó, muốn Quang phải đi tu, phải trở thành một người khác.
Nghĩ đến đây thì tự nhiên hai dòng nước mắt của Quang rơi ra, Quang không hiểu vì sao, vì chắc là Quang thương mẹ, Quang không muốn phải rời xa mẹ, và Quang biết là mẹ sẽ không bao giờ để cho Quang ra đi như thế.
Giờ đây, đứng giữa đôi bờ giữa tình thương và lý tưởng, Quang cảm thấy mình như bất lực nhưng đầy khát khao, bất lực vì hiện tại, nhưng lại khát khao một điều gì đó ở tương lai.
Quang buồn lắm, mà Quang cũng chẳng biết chia sẻ cùng ai ngoài những cơn sầu bên tách trà nóng đêm khuya.
Mấy hôm rồi, Quang bị cơn sốt cao, người của Quang nóng như lửa đốt và đầu thì đau nhứt, toàn thân thì ê ẩm, mẹ thì cứ chạy tới chạy lui lúc thì nằm lúc thì ngồi bên cạnh để canh thay nước và săn sóc cho Quang.
Nhìn cảnh mẹ lo lắng săn sóc cho Quang như vậy, Quang cũng buồn lắm, nhưng còn một nỗi buồn hơn là ước nguyện trong lòng mà Quang còn đang cất giấu không dám nói ra cho mẹ biết, càng nhìn mẹ lo lắng và thương Quang chừng nào, thì Quang lại càng khó nói nên lời, vì Quang không muốn mẹ sẽ lo buồn và suy nghĩ nhiều về mình.
Nhưng càng giấu giếm thì lòng của Quang càng bất an, càng sầu khổ và như thế thì mẹ của Quang càng lo lắng hơn nữa.
Đêm nay trong không gian yên tịnh, Quang đang nằm trên giường bệnh còn bên cạnh thì mẹ đang nằm gục đầu trên tay Quang mà ngủ, nhìn mẹ mà Quang như muốn nghẹn lời không biết phải làm sao giữa đạo và đời mà ngay chính Quang cũng không thể nào hình dung ra được.
Nhưng Quang phải nói, nói để Quang được nhẹ lòng, được có thêm người để hiểu hơn về nỗi lòng của mình mà đó chính là mẹ, người mà Quang thương yêu nhiều nhất.
Hít hơi thở thật sâu, Quang đưa tay đánh thức mẹ đang say ngủ, Quang nhỏ nhẹ nói:
- Mẹ ơi! Con xin nói cho mẹ nghe một điều mà con đã ấp ủ từ rất lâu từ sau cái ngày ra đi của em Tiến. Con xin mẹ hãy lắng nghe và hiểu cho con.
Vừa nghe Quang nói thế, mẹ cũng chợt tỉnh ngay để đợi lắng nghe lời tâm sự của con mình.
- Mẹ à! Con muốn được xuất gia, con muốn trở thành tu sĩ, con không muốn mình tiếp tục với cuộc sống như thế này nữa, con muốn được đi một con đường khác, con đường mà có thể giúp cho cuộc đời con thoát ra khỏi vòng đời vốn đầy khổ đau và mất mát. Con thương mẹ nhiều lắm, và con biết mẹ cũng đang rất kỳ vọng về con, về mọi thứ - nhưng mẹ ơi! Hãy cho con đi tu, con sẽ báo hiếu cho mẹ bằng cách khác, con sẽ trở thành một con người mới với hình tướng mới để đi vào cuộc đời này, con không muốn mình như Tiến, như mẹ và như cả ba nữa khi cả cuộc đời cứ mãi lẫn quẩn trong cái vòng khổ đau và duyên nợ.
- Mẹ thương con, thì hãy chấp nhận cho con ra đi, để con được làm tròn tâm nguyện của đời mình. Con thương mẹ nhiều lắm mẹ ơi! Con rất tự hào và hạnh phúc khi được làm con của mẹ, vì mẹ đã cực khổ nuôi dưỡng con đến ngày hôm nay.
Nhưng mẹ ơi! Con phải biết nói sao để mẹ hiểu được nỗi lòng này – rồi Quang nắm chặt lấy tay mẹ mà khóc.
Mẹ của Quang cũng khóc, bà nắm chặt tay con và từ từ lau đi dòng nước mắt trên khuôn mặt Quang, vì bà thương Quang lắm, rồi bà cũng chợt thấu hiểu những điều mà Quang nói ra là tận trái tim mình.
- Nhưng Quang ơi! Con có biết - con là thứ gì đó duy nhất của mẹ trên cuộc đời này, nếu không có con bên cạnh mẹ sẽ phải sống sao khi thiếu con. Mẹ thương con, mẹ hiểu con và luôn ủng hộ những quyết định của riêng con, nhưng con ơi! Nếu con đi rồi, thì chắc mẹ sẽ cô đơn và buồn tủi lắm con à – mẹ chỉ có mình con thôi! Quang ạ.
Nghe mẹ nói những lời đó, Quang chợt khóc thật to vì thương mẹ, nhưng rồi Quang cố gắng chồm dậy trong hơi thở hỗn hễn vì đau để ôm chầm lấy mẹ vào lòng mà khóc.
- Mẹ ơi! Con phải biết làm sao đây hả mẹ - giữa đạo và đời con phải biết làm sao đây.
Nhưng mấy ngày sau, bệnh tình của Quang cũng bình phục lại, Quang thì vẫn giữ mãi ước nguyện đó cho riêng mình, ước nguyện được xuất gia, được trở thành một nhà sư.
Còn mẹ Quang thì cảm thấy thương Quang nhiều hơn, vì mẹ cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi có được một người con đặc biệt như Quang, một đứa con hiếu thảo, ngoan hiền và có được một lý tưởng thật cao đẹp khác so với bao đứa bạn cùng trang lứa như Quang.
Nhưng bà cũng nhiều đêm ưu tư suy nghĩ, vì bà cũng thừa biết là nếu giữ Quang ở lại với mình, thì phải chăng bà là người ích kỷ, rồi cuộc đời, rồi tương lai của Quang sau này khi không thực hiện được ước nguyện lớn lao của nó, Quang có đau khổ, có phải gượng sống với cuộc sống mà con mình không hề mong muốn như: có vợ, có con và trăm điều lo toan ở đời. Rồi phải chăng như những gì Quang nói, Quang không muốn cuộc đời mình lập lại vết xe đổ như chính vòng xoay của cha, của mẹ hay của người em họ Quang vừa mới mất.
Nhưng nếu cho Quang đi tu, thì liệu rằng Quang có đi trọn con đường mà mình mong ước, hay chỉ là mong muốn nhất thời của tuổi trẻ để rồi phải trở lại đời khi không đủ sức để tiếp tục bước đi thì quả thật là điều không thể.
Rồi ở chùa có được như ở ngoài này đâu, mọi thứ phải tự lập, phải cực khổ và phải nhẫn nại với trăm phần trong cuộc sống thiền môn quy cũ.
Mẹ Quang đêm nào cũng trầm tư suy nghĩ những điều như thế, rồi bà cũng đã nhiều lần âm thầm khóc khi đứng trước quyết định khó khăn này.
Mấy hôm rồi, Quang kiếm đâu về được cuốn kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân, tối nào Quang cũng đọc tụng một mình trong phòng, mà Quang cũng vừa cố tình đọc to để mẹ nghe và đánh từng tiếng chuông thật nhẹ, thật ấm cúng hòa theo những lời kinh du dương của lời Phật dạy về tình mẫu tử thiêng liêng và phương pháp báo hiếu mẹ cha.
Khi nào mẹ Quang cũng cố gắng lắng tai nghe và thích thú lắm, bà cũng tự lấy ra đọc mỗi khi Quang đi học chưa về, và cũng tự đánh chuông, ngồi yên và lắng nghe từng âm vang một cách lắng tâm và sâu sắc. Bỗng nhiên, bà cảm thấy an lạc và hạnh phúc vô cùng, một cảm giác mà trước giờ bà chưa hề cảm nhận được, bà vui lắm, nên nhắm hai mắt lại, đánh thêm từng hồi chuông ngân nhẹ và thưởng thức nó.
Bất chợt, Quang học về mở cửa ra, nhìn thấy mẹ đang ngồi tĩnh tọa trước trước bàn thờ Phật Mini của Quang ngay góc phòng và nhắm tròn hai mắt lại để nghe chuông, Quang mừng lắm, vội từ từ bước đến gần mẹ và ngồi đối diện trước mặt, Quang cười thút thít nhìn sâu vào khuôn mặt mẹ và kề tai vào thủ thỉ nói:
- Mẹ ơi! Mẹ cho con đi tu nha – con hứa sẽ tu học thật tốt và thường xuyên về thăm mẹ.
Nghe đến đây bà giật mình mở mắt ra và nở một nụ cười thật tươi nói:
- Ừ, đi tu rồi thì ráng mà tu cho tốt, và thường về thăm tui á nha, chớ đừng như hai chị cả của cậu, lấy chồng rồi là biệt tăm biệt tích không thấy bóng, thấy hình đâu cả - rồi bà cười khi nhìn thấy niềm hạnh phúc của con mình đang trào dâng đầy phấn khởi.
Từ đó, Quang đã được vào chùa tập sự xuất gia, với pháp danh là: Minh Quang, rồi Quang được thọ giới Sa-di và sau vài năm Quang đã được thọ giới lớn để trở thành một thầy Tỳ-kheo đúng nghĩa, Quang vừa học giỏi, vừa dễ thương, hiền lành nên đi đến đâu cũng được Phật tử kính quý trước hình ảnh của một vị thầy khiêm cung đức hạnh và nói lời nhỏ nhẹ dễ thương.
Nên mỗi lần có dịp về thăm quê thăm mẹ, Minh Quang đều kể cho mẹ nghe về chuyện tu học ở chùa, chuyện được đi đây đó để giúp ích cho cuộc đời, cho xã hội và được đi khắp mọi nơi để thuyết giảng Phật pháp hướng dẫn đạo đức cho mọi người nên Quang được thầy khen và Phật tử thương yêu hết mực, đặc biệt lần trở về này Minh Quang còn khoe thêm với mẹ là sắp tới được thầy cử đi cho du học ở nước ngoài để tu học và bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm cho con đường hoằng pháp sau này - nghe đến đâu mẹ Quang cũng như nuốt từng lời từng câu trong niềm hạnh phúc đầy tự hào về đứa con trai út của mình, và dường như hình ảnh của Quang trước mắt mẹ nay cũng đã khác xưa, vì bây giờ Minh Quang đã là một vị thầy trẻ trong màu huỳnh y trang nghiêm đầy thánh thiện, mà cũng là một cậu thanh niên đầy vững chãi và đứng đắng hơn xưa.
Và cũng từ ngày Quang đi xuất gia đến nay, đi đâu người ta cũng gọi mẹ của Quang là: Đại Thí Chủ - tức là một người cao thượng đã hy sinh và cúng dường cho Phật pháp, cho chúng sanh một người con trai vậy.
GIÁC MINH LUẬT
Du học Tăng (San Diego - Hoa Kỳ).