Thư Viện Hoa Sen

Đôi Điều Về Chữ Nhẫn - Đăng Lan

31/03/201212:00 SA(Xem: 31420)
Đôi Điều Về Chữ Nhẫn - Đăng Lan
Đôi điều về chữ nhẫn 
Đăng Lan

blankChữ “Nhẫn” đứng đầu trên muôn hạnh, là đạo đức cần thiết của con người. Nhất là người tu đạo.

Cách đây ngót hai ngàn năm, sách Gia huấn của Liễu Tần người đời Đường đã dạy chúng ta: “Tu dưỡng mình thì phải lấy sự nhẫn làm chính, lấy hiếu làm nền tảng, lấy sự kính cẩn làm cội gốc, lấy sự lo sợ làm lẽ thường và lấy cần kiệm làm khuôn phép. Phàm cư xử với người nhà thì trước hết phải lấy sự hòa thuận và nhẫn nhịn. Phàm giao du với người ngoài thì luôn phải biết giữ sự giản dị và cung kính. Phàm làm việc ghi chép thì bút phải luôn tay như thể không làm kịp việc. Phàm là danh lợi thì chỉ coi như việc thoáng qua. Làm quan thì phải thanh liêm, có thế mới mong nói chuyện gia giáo được. Xưa nay, những danh gia vọng tộc hưởng phước ngắn dài, vận mệnh dày dặn hay bạc bẽo chẳng cần dùng mu rùa để bói, cũng chẳng cần xem tướng số ở đâu, chỉ cần tự xét lòng mình, tự coi là cách tu dưỡng của mình mà thôi. Những nhà có đại phúc, không ai là không do đức nhẫn, đức trung hiếucần kiệm của cha ông gầy dựng nên. Những nhà tự chuốc lấy đại họa, không nhà nào là không do con cháu vô đạo, kiêu sa và chấp nhất gây ra”. Đạo sư Shantidira đã nói:

Mọi hạnh phúc trên đời

Đến từ lòng vị tha

Và tất cả khổ nạn

Đến từ lòng vị kỷ

Thật vậy, bạn muốn tương lai bạn ra sao thì phần lớn nó sẽ ra như vậy. Có người cho rằng cuộc đời tốt, xấu là do số mệnh “Bôn ba không qua thời vận”. Chúng ta không hoàn toàn phủ nhận điều này. Song, số mệnh của con người ra sao thì không biết, nhưng đã có không ít những con người nhờ lòng kiên nhẫn, ý chí vượt khó đã có tác dụng chi phối cuộc sống. Đất nước cũng như gia đình nào cũng vậy, phồn vinh giàu có đều do những người tài ba mẫn cán tạo dựng. Số mệnh cả một dân tộc cũng vậy đều do những bộ óc siêu việt đổi đời. Bởi vì, ở đời chỉ có người tài mới dùng được những người tài, chỉ có những người kiên nhẫn thành tâm mới có được tất cả.

Hiện nay chúng ta, tuy sinh ra giữa thời đại văn minh hiện đại nhưng vẫn còn đầy dẫy những khó khăn, phức tạp. Do đó mà tuổi trẻ, một số dễ dàng mất niềm tin vào cuộc sống từ những hiện tượng xã hội, từ những thoái hóa của lương tâm con người. Thế là có một số nhảy từ nền nếp gia phong sang một thái cực khác, mà hầu hết các giá trị coi là đảo lộn. Người ta gọi đó là những “con thiêu thân”. Nó đã đưa không ít cuộc đời đến chỗ cùng đường trong sự lười biếng trụy lạc. Từ đó dẫn đến bại hoại gia đìnhsuy đồi dân tộc.

Nếu có dịp đi qua một số nơi triển lãm tranh thư pháp, chí ít bạn sẽ thấy một bức chữ “nhẫn” thật to người ta treo ở đó. Chữ nhẫn còn, nghĩa là chân lý xưa vẫn duy trì trong xã hội. Nó không những không ràng buộc sự tiến lên của con người, mà còn là cái thắng để hãm đà tuột dốc của đạo đức xã hội.

Nhẫn là nhẫn nhịn, còn có nghĩa là chịu đựng, là nhẫn nại bền gan bền chí trước mọi nghịch cảnh. Giáo lý nhà Phật đã chỉ ra pháp môn tu rất hay, đó là “Nhẫn nhục Ba la mật”. Pháp ấy giảng rằng: Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” (một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn muôn ức cửa nghiệp chướng đều mở ra). Thật vậy, lắm người vì một phút không dằn được cơn tức giận, mà đánh đập vợ con đến tàn tật, đốt phá của cải quý báu của ông cha để lại, rồi phải ân hận suốt đời. Lắm lúc, vì không làm chủ được tánh nóng nảy mà tình cốt nhục phải chia ly, nghĩa vợ chồng phải phân rẽ, bạn chí thân trở thành kẻ oán thù...

Người học đạo cũng vậy, nếu gặp nghịch cảnh không nhẫn nhịn được, thối chí nản lòng, đôi khi phải bị đọa đày. Như ông Độc Giác Tiên Nhân, vì một niệm sân hận không nhẫn được, mà phải bị mất cả năm pháp thần thông. Ông Uất Đầu Lam Phất, vì sân hận mà phải đọa làm loài phi ly trùng (chồn bay). Nên sách có nói: “Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” (nghĩa là một đóm lửa sân, có thể đốt tan muôn mẫu rừng công đức).

Nếu trong cuộc sống hàng ngày, không thể thực hiện những điều tốt, thì xin bạn cũng đừng bao giờ làm quen với cái xấu. Từ lời nói đến việc làm, nếu không có cơ hội làm vui lòng kẻ khác thì chí ít bạn cũng đừng làm điều gì tổn hại đến họ. Đối với cái sai của người cho dù lỗi lớn đến đâu, xin bạn trước hãy suy xét lấy mình, vì có thể, bạn chính là nguyên nhân gây ra cái xấu của họ. Cho nên ở mọi hoàn cảnh bạn hãy mở cửa lòng từ để tha thứ cho mọi người, nhất là khi bạn đứng ở vai trò là kẻ trên. Nếu không, bạn cứ chuyên tâm báo oán thì làm sao có thể gia ân cho trăm họ? Đức nhỏ mà ở ngôi cao không khỏi tai họa đó, thưa bạn! Xưa nay, hầu hết sự giày vò lương tâm, cuộc sống đầy tai nạn bất trắc đều phần nhiều là không hành thiện “gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy”. Người luôn nghĩ đến điều thiện, người ấy có thể rất cơ hàn, không có vị trí cao trong xã hội nhưng chắc chắn là có tâm hồn thanh thản. Điều đó chính là chân hạnh phúc rồi phải không bạn? Nó sẽ giúp bạn một cuộc sống đầy ý nghĩa hơn. Còn đối với những kẻ sĩ có chút danh vọng ở đời lại là những người, mà khi chết đi, đền thờ khói hương nghi ngút chính là cách tưởng nhớ đầy vẻ tôn nghiêm của hậu thế đối với những bậc giàu công đức. Người bất diệt là người luôn sống nhẫn nhục, hết lòngmọi người. Họ chỉ tồn tạimột đời nhưng sống đến muôn đời là vậy.

Cổ nhân ta ngày xưa, ông Bạch Liêu sinh ra trong một gia đình rất nghèo. Mới lên bảy tám tuổi, Bạch Liêu đã phải đi ở chăn trâu cho người để kiếm cái ăn qua ngày. Tuy bần hàn lam lũ nhưng Bạch Liêu lại rất hiếu học. Không có điều kiện để có thể tới trường, ông học lỏm qua con chủ nhà. Đời truyền rằng, để được người con của chủ nhà cho mượn sách, Bạch Liêu phải làm lụng thêm không biết bao nhiêu là việc. Đêm nào cũng vậy, phải đến tận khuya rồi Bạch Liêu mới được nghỉ và... bắt đầu học. Không có đèn để xem sách, ông lấy chân nhang viết xuống nền đất, đợi sáng ra kiểm tra lại xem đúng sai thế nào. Cứ thế, vất vả và nhịn nhục, Bạch Liêu bền chí học mãi. Dân đương thời thấy ông giỏi quá, liền truyền cho nhau rằng Bạch Liêu có đôi mắt thần, ban đêm không đèn vẫn có thể đọc được sách, ban ngày nhìn chữ có thể thấu qua đến ba trang giấy, và hễ ông nhìn ai là người đó sẽ bị thôi miên, bảo gì làm nấy, không sao cưỡng lại nổi.

Theo các thư tịch cổ thì vào khoa Bính Dần (1266), vinh quang tột bậc đã đến với Bạch Liêu. Khoa ấy, vua Trần Thánh Tông (1258-1287) lấy Trần Cố (người làng Phạm Triền, huyện Thanh Miện, nay là thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Dương) đỗ Kinh Trạng Nguyên, còn Bạch Liêu thì đỗ Trại Trạng Nguyên.

Trước khi đỗ đạt, nhờ có tiếng học giỏi, cho nên Bạch Liêu được Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải (1241-1294) nuôi trong phủ đệ của mình, coi là gia khách. Sau khi Bạch Liêu đỗ đạt, vua Trần Thánh Tông muốn ban chức tước cho ông, nhưng ông từ chối, chỉ xin được mãi mãi làm một gia khách bình thường của Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải mà thôi. Dân gian kể rằng, có kẻ háo sự, tìm đến gặp ông và hỏi:

 - Đã dốc chí đèn sách một thời lại chiếm được bảng khôi nguyên, tại sao không chịu ra làm quan để hưởng vinh hoa phú quý cho bõ những ngày hàn vi đi chăn trâu thuở nào?

Bạch Liêu điềm tĩnh đáp:

- Triều đình thêm một người làm quan là dân gian thêm một người đi ở. Đức lớn của các bậc thánh hiền còn ngời ngợi trong sách vở, ta đọc sách mà lòng những sợ, không dám lạm nhận áo mũ cân đai. Vả chăng, ai mà chẳng thích được sống theo sở nguyện tao nhã của mình? Ta may mắn mà được như thế này, còn rũ bỏ để bước vào hoạn lộ làm gì nữa?

Mới hay, không có lòng kiên nhẫn, ý chí vượt khó, sẽ chẳng có tài năng nào cả. Chớ bảo nơi hang sâu cùng cốc là không có người tài, bởi chí tiến thủ đâu phải chỉ có mặt ở chốn phồn hoa? Nó ở ngay trong mỗi chúng ta. Xã hội ai cũng muốn vươn lên, cũng muốn nổi danh, khác chăng thì chỉ là nổi danh như thế nào mà thôi. Nếu bạn cho tôi biết cách bạn muốn nổi danh, tôi sẽ nói ngay rằng bạn thuộc hạng người nào. Qua gương trạng nguyên Bạch Liêu bạn đã thấy được khí tiết của người xưa rồi phải không? Thật là đáng khâm phục và cũng lạ, kẻ tìm đủ mọi cách để tìm kiếm lợi danh thì chẳng được, người chỉ để tâm luyện tài tích đức, hững hờ với lợi danh thì lợi danh lại đến. Nếu ai cũng đều được như Bạch Liêu thì chẳng phải lo đất nước không thanh bìnhxã hội thiếu mất những người hiền!

Vậy thì thưa bạn, xin bạn hãy bền gan bền chí làm việc kể cả khi thất chí nhất. Bạn không nên lùi bước trong mọi hoàn cảnh dù không thể tiến lên, có thế bạn mới có cơ may sống vui và tồn tại được. Mà sống không phải chỉ để sống một cách vô dụng vô ích, khi nghĩ làm việc để cầm chừng. Hăng say làm việc và nhẫn nhịn là hai yếu tố tối quan trọng nhất trong cuộc sống. Đạo đức luôn đi đôi với sự lao động, có tác dụng đổi đời, và đổi chính bạn. Không thể có đạo đức trong những con người lười biếng. Bạn biết không, nuôi dưỡng và tiếp tay cho những sợi dây leo đó đeo bám xã hội cũng là hành ác đấy, bạn ạ!

Tất nhiên, không phải lúc nào ta cũng tìm ra được trong cuộc sống những lời giải đáp có sẵn, những mô hình đã trở thành mẫu mực. Bạn muốn leo lên ngọn núi cao phải bắt đầu từ dưới chân núi. Cổ nhân đã dạy “Muốn có cả một thành trì, trước hết phải biết cần mẫn xây từng viên gạch nhỏ, muốn có trí tuệ lớn, trước phải biết miệt mài lượm lặt từng hiểu biết đơn giản đầu tiên”. Kẻ sĩ chân chính của đông tây kim cổ, do đức “nhẫn” đã để lại cho đời những di sản phong phú khác nhau. Như Lão Tử, di sản đáng quý mà ông để lại chính là sự nhẫn nại vượt khó nuôi chí đọc sách mà phát minh tâm địa. Có phải ngẫu nhiên mà “Đạo Đức Kinh” của ông mãi được hậu thế lưu truyền đâu?

Mặt khác, về mặt xử thế cũng vậy, người xưa đã cho chúng ta một triết lý: “Chấp nhận”. Ý tưởng ấy hơi giống triết lý của Lão, Trang phát nguồn từ Kinh Dịch cho rằng trong trời đất hễ nói “Âm” là nói “Dương”, nói “Tịnh” là nói “Động”, nói “Yên” là nói “Loạn”. Vì ý thức mâu thuẫn căn bản ấy từ của trời đất đến các xã hội nên Khổng Tử khuyên: “Thông minh duệ trí thủ chi dĩ ngu, Dũng lực chấn thế thủ chi dĩ khiếp”. Làm ngược lại là chuốc vạ vào thân. Người ta nói “Nhẫn” hay đi đôi với nhục “Nhẫn nhục”, lẽ tất nhiên nhẫn là phải chịu nhục, Hán Cao Tổ mà không nhờ Trương Lương bấm chân dạy cho chữ “Nhẫn” để dùng Hàn Tín thì đại sự coi như bất thành.

Cho nên, nhẫn là kềm chế vọng tâm, dứt trừ tham, sân, si, ngã mạn. Lại nhẫn là mềm mại (nhu nhược) như “Thiệt nhu thường tồn, xỉ cang tất chiết” (Lưỡi mềm thường còn, răng cứng ắt gãy). Nhưng không phải nhẫn nhục là hèn hạ, thất bại bởi “Nhu thắng cương, nhược thắng cường”. Đừng lo đương đầu với biển nổi lôi đình mà hãy cho ghe tàu vào vịnh núp. Sức mạnh của “nhu” bao giờ cũng tác dụng hơn “cương”. Lùi một bước để tiến lên ba bước. Bạn đừng bao giờ thắc mắc “không làm gì mà bị nhiều người ghét. Có đấy bạn. Ánh sáng tài to, đức lớn của bạn tấn công bóng tối bất tài, thiểu đức của nhiều người. Mà như vậy đã đủ bạn bị bôi lọ rồi, không cần phải hành ác và hại đến ai!”. Cho nên, thượng sách vẫn là “Bá hạnh nhẫn chi vi thượng” (Trăm hạnh, nhẫn là hơn hết). Và cao hơn, bạn sẽ nhẫn đến mức không còn biết mình đang nhẫn nữa.

Vì vậy, nói như René Crouard “Hầu hết những bộ óc làm nên nghiệp cả xưa nay đều tối thiểu chịu khó đi một số “ngõ hẹp” của đời sống đại khái như tự chế, nỗ lực, hy sinhtriền miên làm việc”. Với sự kiên nhẫn như vậy, là những người hiền, khi trút bỏ xác phàm cũng có nghĩa là họ bắt đầu sống vĩnh cửu trong ký ức bất diệt của nhiều thế hệ sau đó. Thưa bạn!

 

Tạo bài viết
01/01/2016(Xem: 10158)
13/08/2013(Xem: 24873)
07/11/2013(Xem: 28597)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: