THÍCH NHẬT TỪ
CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015Vượt Qua Nổi Buồn Trong Tình Yêu Và Cuộc Sống
Bản thân con đã trải qua hai mối tình, hiện tại con đang yêu một người, năm nay con 27 tuổi còn người yêu của con 39 tuổi. Con và anh ấy quen nhau đã hơn một năm rồi và dự định năm sau sẽ kết hôn. Con nhận thấy trong tình yêu lúc nào cũng có buồn và vui, người mình yêu lúc nào cũng có khuyết điểm, không có ai là hoàn hảo. Khi vui con lo sợ sẽ đến lúc buồn, khi buồn con cố gắng suy nghĩ tích cực rằng sẽ có lúc vui, nhưng thật sự cảm xúc buồn rất khó vượt qua. Con mong Thầy giảng giải cho con hiểu và chỉ dẫn cho con khi đối diện với những buồn vui trong tình yêu nói riêng và những buồn vui trong cuộc sống nói chung để tâm hồn mình được an lạc, thảnh thơi, không vướng mắc. Con thấy ý chí của mình không được kiên cường, con rất hay suy nghĩ tiêu cực, mất niềm tin, không lạc quan trong cuộc sống. Mong Thầy giúp con vượt qua khó khăn này. Con xin chân thành cảm ơn Thầy!
Trịnh Lan Anh, Hải Phòng
Thầy Thích Nhật Từ trả lời
Để đối diện và vượt qua những “buồn vui trong tình yêu” và “buồn vui trong cuộc sống”, chị cần thấu hiểu nguyên nhân dẫn đến nỗi buồn trong hai tình huống nêu trên là gì, đồng thời, huấn luyện thói quen làm chủ cảm xúc, nhờ đó, thoát khỏi sự vướng mắc, sống có ý nghĩa và giá trị hơn.
Truy nguyên nỗi buồn trong tình yêu
Như chị đã nhận thức “trong tình yêu lúc nào cũng có buồn và vui”, cần hiểu rõ không có nỗi buồn nào là vô cớ, cũng như không có niềm vui nào là không có nguyên do. Trong câu chuyện của chị, chị và người yêu đã kết bạn hơn một năm, theo đó, nỗi buồn cứ đeo mang, lúc rười rượi, khi mãnh liệt. Đối với nhiều người, đặc biệt là người kẹt vào cảm xúc, nỗi buồn rất khó vượt qua. Để vượt qua nỗi buồn, chị nên tìm hiểu, làm quen với cá tính của người mình yêu theo hướng như sau:
a) Điều gì của người yêu làm mình buồn?
Rất có thể cá tính và lối sống của người chị yêu khác rất xa hoặc khác hoàn toàn với cá tính và lối sống của chị đã làm cho chị và người chị yêu thường va chạm, bất hòa, cãi vã, tranh luận hơn thua. Thay đổi cá tính và lối sống của người mình thương không phải dễ, trong nhiều tình huống việc đó được xem là bất khả thi. Nếu cá tính và lối sống khác biệt của người chị yêu thuộc dạng “bản tính khó dời”, thì tốt nhất chị nên tập làm quen với sự khác biệt đó.
Đừng nỗ lực thách đố, đừng xem sự khác biệt đó là không thể chịu đựng nổi, đừng đào sâu sự khác biệt,… chị sẽ dễ dàng sống chung hài hòa với sự khác biệt. Lúc ấy, sự khác biệt của người yêu không làm chị bị sốc. Nhận thức này giúp chị xem sự khác biệt là yếu tố bổ sung, thay vì là mối đe dọa.
Cần lưu ý, khác biệt về lối sống ở đây được hiểu là tính cách của hai người khác nhau, tính cách và lối sống của người yêu chị không phải là xấu, không phạm pháp, không trái ngược đạo đức, chỉ đơn thuần là khác biệt.
b) Người chị thương có nhiều khuyết điểm
Khi đặt kỳ vọng quá cao, tiêu chí quá nhiều ở người chị thương, chị sẽ phải đối diện với sự thất vọng vì người chị đang thương có thể rất khác với mẫu ý trung nhân lý tưởng mà chị đang tìm kiếm.
Khi tìm hiểu, tiếp xúc và giao du với người yêu chị có thể phát hiện ra những thói hư, tật xấu, khuyết điểm của người ấy. Chị có thể bị hoang mang, căng thẳng, lo lắng, thất vọng và buồn chán… Nếu các thói hư, tật xấu và khuyết điểm của người chị thương quá nhiều, quá thường xuyên và không có khuynh hướng cải thiện, thương người ấy mà không làm chị buồn mới là lạ.
Nếu sau khi nỗ lực góp ý, can gián người chị yêu một cách chân thành mà không có kết quả thì chị nên hiểu rõ rằng chị không thể thay đổi người đó khi chị và anh ấy chính thức trở thành vợ chồng của nhau. Trong tình huống xấu nhất ngoài ý muốn này, quên đi người chị yêu được xem là sự lựa chọn tối ưu dù điều đó không dễ dàng.
c) Buồn vì thấy tương lai tình yêu mờ mịt
Nếu người chị yêu không thuộc hai tình huống nêu trên, anh ấy có thể hiền, chân thành nhưng không có chí tiến thủ, không có kiến thức lập nghiệp hoặc chỉ dựa dẫm vào cha mẹ hay tính tình vẫn còn non trẻ, không thể tạo dựng sự nghiệp cho mình,… thì sự khéo léo của chị trong việc khích lệ tinh thần, gợi mở ý tưởng, trao tặng lời khuyên đúng tình huống, hoàn cảnh, sự kiện có thể giúp anh ấy được lên dây cót tinh thần.
Yêu trên nền tảng hiểu và cảm thông sẽ giúp chị không rơi vào trạng thái thất vọng, buồn chán. Hoàn toàn không có vấn đề gì nếu người chị yêu nhờ góp ý của chị, nhận ra yếu kém của bản thân, từng bước khắc phục, thay đổi lề thói làm việc, nhờ đó, có thể tiến bộ hơn, thành công hơn và hạnh phúc hơn. Vấn đề chỉ trở nên nghiêm trọng khi và chỉ khi người chị yêu tự ái, bảo thủ, cố chấp, bỏ ngoài tai các góp ý chân thành của chị, đồng thời không bận tâm đến tấm lòng và động cơ cao quý của chị. Đối diện với sự bất lực, nỗi buồn cứ dâng trào, đang khi niềm vui không có cơ hội xuất hiện thì rất khó giữ được hạnh phúc. Nói cách khác, chị đang thương người không thích hợp với lối sống và nhân cách của chị.
Chọn lựa người không có chí tiến thủ, không có nỗ lực vượt qua khó khăn, không cam kết tiến bộ bản thân… sẽ không thể giúp chị sống hạnh phúc. Thiết nghĩ, trong tình huống này, chị cần biết chị nên làm gì với cuộc tình không có tương lai hạnh phúc.
Có thể còn có nhiều nguyên nhân khác nữa liên hệ đến người chị yêu và thái độ ứng xử của chị với người ấy. Sự chia sẻ này khó có thể đặt ra mọi tình huống. Chỉ cần nhìn sâu và thẩm thấu vào bản chất của vấn đề chị sẽ truy tìm được nguyên nhân của nỗi buồn đối với người chị yêu và nỗ lực khắc phục nó một cách có phương pháp. Trước sau gì chị cũng chuyển hóa được nỗi buồn.
Truy nguyên nỗi buồn trong cuộc sống
Nỗi buồn trong cuộc sống có nhiều nguyên do. Sau đây là vài tình huống mà việc nắm vững nó có khả năng giúp vượt qua nỗi buồn.
a) Nỗi buồn là một phần của cuộc sống
Khi tình yêu có màu sắc buồn, tình yêu không thể có gam màu hạnh phúc. Khi tình yêu gặp nhiều thử thách, nỗi buồn trong cuộc sống ngày càng gia tăng. Không kết thúc được nỗi buồn trong sự việc A, có thể dẫn đến sự lây lan nỗi buồn trong tình huống B, C, D. Nói cách khác, nỗi buồn không bao giờ là một sự đơn lẻ. Nỗi buồn hoạt động một cách có mắt xích. Khi phân tích ta nhận ra có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến nỗi buồn. Chìm vào nỗi buồn, tinh thần của ta sẽ không được an vui, cuộc sống không được thành thơi, cảm xúc luôn bị vướng kẹt.
Nếu nỗi buồn trong cuộc sống là hệ quả của một nguyên nhân buồn trước đó thì để kết thúc nỗi buồn này ta cần khắc phục nguyên nhân mắt xích của nó trước đó. Truy tìm ra nguyên nhân đầu tiên, nỗi buồn cuộc sống sẽ được trị liệu, khắc phục và vượt qua. Nói cách khác, không có sự ngẫu nhiên, vô cớ của nỗi buồn. Nỗi buồn nào cũng có nguyên do. Chỉ cần đối diện với nỗi buồn, tìm hiểu nguồn cơn, ngăn chặn tình trạng tương tự, giải quyết và khắc phục hậu quả thì nỗi buồn lớn đến cỡ nào cũng đến hồi kết thúc.
b) Buồn cuộc sống do suy nghĩ tiêu cực
Người thiếu bản lĩnh, không có thái độ chịu đựng, không nắm vững các tình huống rủi ro có khả năng xảy ra, khi đối diện trước tình huống, sự kiện, con người không như ý, nỗi buồn luôn đeo bám theo ta.
Sự rèn luyện ý chí kiên cường giúp ta có khả năng chịu đựng các nghịch cảnh, vượt qua các chướng ngại vật. Ý chí quật cường vừa là đạo diễn, vừa là người thầy giúp ta đạt đến thành công. Để có ý chí kiên cường chị cần chặn đứng lối suy nghĩ tiêu cực và vẫy tay chào sự bi quan. Càng suy nghĩ tiêu cực chị càng đánh mất niềm tin vào chính mình, niềm tin vào cuộc sống và tha nhân…
Mất niềm tin với chính mình là vong thân. Mất niềm tin với người thì không thể thâm giao. Mất niềm tin vào cuộc sống ta không thể thành công. Khi mất niềm tin là tâm lý tiêu cực, nếu không vượt qua sẽ dẫn đến trầm cảm và tuyệt vọng. Khi không còn niềm tin, ta khó giữ được tâm lạc quan trong nỗ lực thay đổi vận mệnh, hướng đến an vui.
Cần thấy rõ người sống hạnh phúc không thể không có ý chí kiên cường, tư duy tích cực, niềm tin vững chãi, lạc quan yêu đời, tương thân tương ái, phấn đấu kiên trì, hướng đến mục đích và đạt được an vui.
Buồn vui như cơn gió thoảng
a) Thường xuyên nhận thức “nỗi buồn như gió thoảng mây bay”, thì tâm trạng buồn không thể tiếp tục ngự trị và kéo dài. Nhận thức phương diện tích cực của vô thường giúp ta thấy rõ rằng nhờ sự đổi thay của mọi sự vật và hiện tương mà ta có thể có cơ hội làm cái gì đó tích cực hơn, có giá trị hơn và bền bỉ hơn.
Hiện tượng “gió thoảng” nên “mây bay” cho ta thấy không có gì là vĩnh hằng trên đời, dù đó là tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau. Trong cuộc sống tương quan và tương liên, “gió thoảng mây bay” không nhất thiết là sự đơn lẻ. Nỗi buồn đến rồi đi, hiện hữu rồi mất hút. Không làm chủ cảm giác thì nỗi đau quá khứ thỉnh thoảng tạo thành ám ảnh tâm lý như vết hằn tiêu cực ở tâm. Mặc dù không phải dễ để vượt qua nỗi ám ảnh nhưng không có gì là không thể.
Đừng tạo cơ hội cho nỗi buồn ngự trị trong tâm, làm nhiễu loạn cuộc sống của chúng ta. Hãy nhìn sâu để thấy rõ nỗi buồn như làn điện chớp, như chùm bọt tan, như trăng dưới nước, như vật trong gương, như trò ảo thuật. Sự quán chiếu này giúp ta không tiếp tục níu kéo nỗi buồn, nhờ đó nỗi buồn sớm được khắc phục và vượt qua.
b) Không cường điệu hóa vấn đề, không cảm xúc hóa sự việc, không thần tượng hóa con người, không kỳ vọng hóa cuộc sống… là thái độ ứng xử khôn ngoan, nhờ đó, trong khổ đau, tuyệt vọng, ta vẫn đủ sức nhen nhúm ánh sáng trí tuệ vượt qua bất hạnh và phiền não. Nói cách khác, làm chủ dòng cảm xúc, nhất là các cảm xúc tiêu cực giúp ta sống tràn ngập niềm vui.
c) Đối lập với nỗi buồn, về bản chất, niềm vui làm ta hưng phấn, yêu đời,... Cũng như nỗi buồn, niềm vui cũng vô thường. Trong lúc trải nghiệm những niềm vui hợp pháp, thuận đạo đức, phù hợp với nhân cách cao thượng, ta nên quyết tâm tiếp tục giữ phong độ tích cực để niềm vui đồng hành với cuộc sống ta càng lâu càng tốt.
Cần hiểu rõ, khi đánh mất sự kiên định của bản thân, niềm vui chóng vánh sẽ có thể trở thành mặt trái của bất hạnh. Theo đó, người không nắm vững quy luật này dễ mủi lòng bởi những người thiếu hiểu biết, bởi những lời thiếu hợp tác, bởi các hành động thiếu tương quan.
“Không ngủ quên trên chiến thắng” sẽ giúp ta làm chủ được niềm vui. Không vướng vào cạm bẫy, a dua, ta có thể dừng khi niềm vui trở nên quá trớn. Niềm vui giác quan là niềm vui có điều kiện, vốn khác hẳn với niềm vui nội tại, mà người sở hữu nó sống với nó một cách thư thái, nhẹ nhàng, thong dong. Thực tập chánh niệm, trải nghiệm thiền định giúp ta chế tác nhiều niềm vui, nụ cười và sự hân hoan.
Khi nắm bắt được niềm vui tích cực, hãy sống trọn vẹn với nó. Không vọng cầu các niềm vui mang tính điều kiện ở ngoài ta. Niềm vui thoát khỏi tính điều kiện mới đích thực là niềm vui bền vững. Trải nghiệm thường xuyên với các niềm vui có giá trị, nội dung của tâm được thay thế tích cực, ta có khả năng đẩy lùi và chiến thắng các nỗi buồn. Do đó, người làm chủ cảm xúc, thái độ và hành vi mới là người có năng lực làm ra hạnh phúc cho bản thân và truyền trao hạnh phúc cho tha nhân.
Rất mong chị giữ tâm hồn thảnh thơi, buông bỏ mọi chấp mắc, nhìn đời với thái độ lạc quan để sớm vượt qua nỗi buồn, lo lắng, sợ hãi, căng thẳng đối với người yêu và cuộc sống, nhờ đó, sẽ có thể sống hạnh phúc và bình an.
MỤC LỤC
CHÌA KHOÁ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH