Nên sống nhanh hay sống chậm

22/04/20185:00 CH(Xem: 23706)
Nên sống nhanh hay sống chậm

NÊN SỐNG NHANH HAY SỐNG CHẬM
Nguyễn Hữu Đức

nen_song_nhanh_hay_song_chamCó người biết cuộc sống ở Trung Quốc đã cho biết, trong quá khứ, lời chào phổ biếnTrung Quốc là “Bạn đã ăn chưa?”, thì nay nhiều người Trung Quốc trong thời đại kinh tế thị trường hiện đại chào phổ biến bằng câu hỏi “Bạn bận lắm à?”. Và không bất ngờ, câu trả lời được mong đợi là “Vâng, cảm ơn bạn, tôi rất bận”.

Xã hội thời nay phát triển một cách chóng mặt. Thời gian được xem là tiền bạc nên được rút ngắn tối đa: trồng trọt, sản xuất nông nghiệp thì rút ngắn thời gian thu hoạch để một năm có thể xen gối thâm canh thêm mấy vụ nữa; máy móc công nghiệp cũng được cải tạo với công suất nhanh nhất; Internet được nâng cấp với tốc độ lan truyền ngày càng nhanh hơn, và ngay cả ăn cũng có thức ăn nhanh (fast food)… Cho nên, ta dễ có cảm tưởng cho rằng những người luôn bận rộn là những người quan trọng, người tài năng, thậm chí là người thông minh. Nếu bạn bận rộn, bạn sẽ được người khác ngưỡng mộ, thậm chí là ghen tị. Và thế là cuộc sống buộc con người phải đi theo guồng quay thật nhanh đó, ai làm khác bị coi là tụt hậu.

.Bên cạnh đó, giữa guồng quay vô tận của thời gian, áp lực của cuộc sống hối hả, của công việc cần làm nhanh khiến người ta bắt đầu thấy chóng mặt, ngột ngạt… Rõ ràng, những bức bách của cuộc sống hiện đại khiến nhiều người vội vàng bị căng thẳng, dẫn đến bệnh trầm cảm hoặc triệu chứng hoảng loạn. Mặt trái xã hội sống hối hả không chỉ biểu hiện ở tình trạng ngày càng có nhiều người bị trầm cảm, u uất, rối loạn tâm lý, mà còn ảnh hưởng đến lớp trẻ với khuynh hướng “sống thử”, “sống vội”, “sống sơ sài” diễn ra như một định hướng chung.

Tác hại của sống nhanh

Về phương diện sức khỏe, sống nhanh rất dễ tạo “stress” gặm nhấm thể chấttinh thần con người. Stress là những áp lực về mặt tâm lý và những biến động trong gia đình, trong xã hội tác động lên con người gây mất cân bằng. Đáp ứng của con người bị stress là cảm thấy có “sự căng thẳng” và sự mất cân bằng thể hiện trong cơ thể là những biến đổi sinh học, sinh lý nhằm đối phó lại các áp lực, các biến động vừa nêu. Như khi bị stress, có sự tăng tiết hormon ở tuyến thượng thận (tuyến nằm úp trên hai quả thận) là glucocorticoid và adrenalin, có sự tăng tiết các hormon ở hệ thần kinh như hormon tăng trưởng (somatostatin), prolactin, các endorphin (còn gọi là morphin nội sinh, đây được xem là “ma túy” do chính cơ thể tiết ra) làm rối loạn đủ thứ.

Ta cần lưu ý, stress không phải luôn luôn là xấu. Với liều lượng vừa phải, chính stress giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác, tập trung cao độ để đối phó lại tình huống không thuận lợi. Chính nhờ stress mà ta có những phản ứng cần thiết để đối đầu với các tác nhân xâm phạm đó, ta sẽ có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng đó và thường là thành công trong việc vượt qua stress.

Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lặp lại và ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, cơ thể ta sẽ bị rối loạn về mặt thể chấttâm thần.

Stress không kiểm soát có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch là tăng huyết áp, bệnh mập phì, bệnh tiểu đường type 2, bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng… Theo Mayo Clinic, stress có thể tác động vào cơ thể của bạn, vào suy nghĩ của bạn, vào cảm thọ của bạn, và vào cả thái độ của bạn.

Đó là lý do có một ngày được chọn là Ngày Ý Thức Về Căng Thẳng (Stress Awareness Day) do Hiệp hội Quốc tế Chống Stress (International Stress Management Association) đề xuất cho toàn thế giới. Ngày Ý Thức Căng Thẳng theo truyền thống là Thứ Tư đầu tiên trong tháng 11 hàng năm. Do vậy, ngày này tuần tự trong các năm là ngày 1 tháng 11/2017, sẽ là ngày 7 tháng 11/2018 v.v… Cũng là ngày để các bác sĩ nhắc nhở mọi người cảnh giác về các sát thủ tàng hình đang len lén bước theo các cảm xúc căng thẳng khó trị trong cuộc sống hối hả hiện nay.

Hãy sống chậm đúng nghĩa

Sống hối hả gây hại như trên nên nhiều quốc gia ra sức khuyến khích sống chậm. Một phần nhân loại tiến bộ đã coi nguyên tắc sống chậm như một phép dưỡng sinh tinh thần. Nhưng sống chậm như thế nào cho đúng, sống chậm như thế nào cho đủ và thấm thía thật sâu ý nghĩa của sống chậm thì thật là không phải dễ.

Trước hết, cần lưu ý không ít người đã ngộ nhận về sống chậm. Họ mạo danh sống chậm để biện minh cho thái độ kỳ quặc hoặc hành vi thiếu trách nhiệm. Một công chức sống chậm có quyền ngồi rung đùi uống cà-phê trong giờ hành chính chăng? Một nhà kinh doanh sống chậm có quyền trễ hẹn giao dịch với khách hàng chăng? Tất cả chỉ là ngụy biện, nếu sự sống chậm của ai đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cộng đồng! Như vậy, nên sống chậm sao cho vừa lợi mình vừa lợi người.

Có một nhà văn đã viết thế này: “… Tôi sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê xứ nghèo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình đời, tình người lấp lánh bên tôi…”. Nhà văn đã thầm nhủ với mọi người, hãy sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống sâu hơn.

Có người thì tâm tình: “Điều kinh khủng nhất của con người là sống mà không kịp nghĩ. Một khi có ý thức sống chậm, chúng ta sẽ biết cách vừa sống vừa nghĩ. Phải vào lúc tâm hồn trong trẻo nhất, chúng ta mới có được những suy nghĩ thiết thực nhất. Nghĩ cho mình, nghĩ cho người khác, nghĩ cho quê hương và nghĩ cho đất nước ngày mai!”.

Có người nghĩ sống chậm để tỏ lòng biết ơn: “Sống chậm là đặc biệt lưu tâm đến việc mình đang làm với tất cả lòng biết ơn sâu sắc. Yêu thương nhiều hơn chỉ giản đơn là sống chậm lại một chút, nhìn ngắm đường phố xung quanh và những gương mặt thân quen. Yêu thương thiên nhiên, môi trường để không làm huỷ hoại môi trường. Yêu thương bầu trời xanh là thêm yêu những cánh chim hoà bình”.

Cũng tùy vào hoàn cảnh, ai đó sẽ nhận thấy cần sống chậm lại một chút, dành nhiều thời gian thư giãn, chiêm nghiệmtìm kiếm thêm yêu thương, thêm chia sẻ… Học thiền, tập yoga, tĩnh tâm bằng hơi thở… là những giải pháp “sống chậm” của nhiều người thời nay. Hãy hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng từng giây phút hạnh phúc trong hiện tại, sống chậm dường như kéo ta bước chậm lại, đưa con người trở về với bề sâu, bề xa, những góc khuất trong tâm hồn, chầm chậm lắng nghe và suy ngẫm.

Sống chậm không phải lãng phí thời gian mà là trân trọng thời gian, quý trọng nhưng không lệ thuộc vào ký ức, những kỉ niệm, vì đã có “món quà” hiện tại. Đừng để tương lai hay quá khứ ảnh hưởng đến tâm trí bạn. Hãy giữ tâm tỉnh thức với hiện tại; chớ luyến tiếc hay bực dọc gì về quá khứ; chớ mơ tưởng quá lạc quan hay bi quan về tương lai.

Hãy nhớ rằng mình đang hiện diện trong hiện tại và điều duy nhất mình có thể làm là khiến cho hiện tại trở nên có ý nghĩa, không lãng phí nó. Sống chậm là thế đó.

Nguyễn Hữu Đức | Văn Hóa Phật Giáo 15-4-2018

Thư Viện Hoa Sen

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/02/2012(Xem: 63504)
08/12/2014(Xem: 25378)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.