“Hóa giải nạn dịch virus Corona”: vẫn có người tin!

29/01/202011:01 SA(Xem: 8798)
“Hóa giải nạn dịch virus Corona”: vẫn có người tin!
“HÓA GIẢI NẠN DỊCH VIRUS CORONA”:
VẪN CÓ NGƯỜI TIN!

Diễm Thi | RFA


thap huong“Niềm tin phải có căn cứ”

Hôm Chủ Nhật, ngày 26 tháng 1, tức Mồng Hai Tết Canh Tý, facebook được cho là thuộc quyền quản lý của sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh đăng tin về khóa tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch virus corona. Chương trình kêu gọi Phật tử tinh tấn tu tập 49 ngày để hồi hướng cho nạn dịch sớm được tiêu trừ với thông tin chi tiết là phúc báu tu tập này sẽ được hồi hướng cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhân viên y tế và tất cả những ai đang nỗ lực trong công cuộc phòng ngừa, khống chế và dập tắt dịch Virus Corona tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Phúc báu tu tập này cũng được hồi hướng cho tất cả những bệnh nhân đang điều trị có thêm năng lượng trợ duyên tích cực cho việc điều trị bệnh và hồi hướng cho tất cả những bệnh nhân quá vãng sớm được sinh về cảnh giới an lành.

Ngay tối hôm đó, trên trang web chuabavang.com.vn và trang facebook "Thích Trúc Thái Minh" cùng lúc phát trực tiếp chương trình "Tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch virus corona". Buổi thuyết giảng của trụ trì chùa Ba Vàng có hàng trăm người theo dõi, trong đó có đông thanh niên trẻ và các sư thầy.

Một phật tửpháp danh Hạnh Ngộ từ Tây Ninh cho biết Cô không tin kêu gọi của trụ trì chùa Ba Vàng, nơi từng bị báo chí trong nước lật tẩy hồi năm ngoái về cái gọi là ‘trục vong oan gia trái chủ’:

“Em không tin. Cái đó là mê tín dị đoan, là một cách kiếm tiền của sư thầy thôi. Chùa Ba Vàng từng có vụ ‘oan gia trái chủ’ bị báo chí đăng hồi năm ngoái ai mà tin nữa!?”

Một phật tử khác ở Sài Gòn có pháp danh Diệu Tâm cũng đưa ý kiến về việc khả năng sư thầy có thể hóa giải nạn dịch do virus Corona gây ra:

Làm gì có chuyện đó. Y học mới giải quyết được thôi chứ thầy chùa nào mà làm được! Đó là dịch bệnh thì phải y học can thiệp. Niềm tin phải có căn cứ như ở hiền gặp lành, làm việc tốt thì gặp điều tốt, chứ bây giờ bệnh dịch đến lại kéo nhau đi gặp ông thầy giải bệnh thì tôi không tin.”

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Uông Bí cho báo chí trong nước biết, việc sư thầy Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đưa thông tin hóa giải dịch cúm Corona chưa được thành phố cho phép.

Trong khi đó phía chùa Ba Vàng giải thích rằng ‘mọi việc xảy ra trong cuộc sống đều có nguyên nhân, xuất phát từ việc làm của mỗi con người nên chùa tổ chức khóa lễ để hóa giải, cầu nguyện nạn dịch sớm được kiểm soát và không lây lan sang Việt Nam'.

Ngôi chùa này từng tổ chức những buổi lễ oan gia trái chủ, trục vong, gọi hồn với số người tham dự rất đông và số tiền thu được lên đến trăm triệu gây chú ý trên mạng xã hội cũng như báo chí chính thống vào dịp Tết năm ngoái.

Lúc bấy giờ Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói với RFA:

“Qua hiện tượng chùa Ba Vàng và một số chùa khác thì tôi thấy là đạo Phật của Việt Nam đang đến hồi mạt pháp và làm rối loạn tâm linh, rối loạn lòng người và báo hiệu một chương rất đen tối của lịch sử Phật Giáo Việt Nam.”

Mê tín dị đoan ngày càng nhiều

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, số người theo Phật giáoViệt Nam là 4,6 triệu người, chiếm khoảng 4,8% dân số cả nước. Số theo tín ngưỡng dân gian hoặc không tôn giáo chiếm hơn 73%.

thap nhang
Một phụ nữ thắp hương trong chùa ngày Tết. Ảnh minh họa. RFA

Nghi thức văn hóa tâm linh của người Việt thường là giỗ chạp, cúng bái các ngày tết, mồng một, ngày rằm. Văn hóa tâm linh cho rằng ‘Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì sẽ gặp quả báo”. Văn hóa tâm linh hướng con người sống khoan dung, hướng thiện.

Trái lại, mê tín dị đoan cho rằng người ta sống như thế nào không quan trọng, chỉ cần cầu khẩn với mâm cao, cỗ đầy, tiền cúng nhiều thì người ta có thể cầu gì được nấy. Làm điều ác có thể hóa giải bằng lễ “dâng sao giải hạn”, không sợ quả báo...

Thực tế này được ghi nhận tại những lễ hội với từng đoàn người sì sụp khấn vái cầu may ở những đền chùa, miếu mạo khắp nơi trên cả nước.

Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng một khi xã hội không an toàn thì người ta tìm chỗ bấu víu khác. Bà nói:

“Ở Việt Nam bây giờ người ta cầu khấn, cúng bái không hẳn chỉ do tín ngưỡng, mà họ muốn cầu cho một sự an toàn nào đó. Nếu một xã hội không bảo đảm an sinh, cuộc sống nhiều bấp bênh thì mức độ người dân phải cầu, cúng, bấu víu vào một cái gì đó để có chút niềm tin sẽ càng tăng. Còn nếu một xã hội an toàn hơn thì mức độ cầu cúng của người dân chắc sẽ giảm xuống.”

Cũng cùng suy nghĩ, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng chưa bao giờ các vấn đề về băng hoại giá trị truyền thống rạn nứt như bây giờ, lòng tin của con người trong cuộc sống hiện tại không còn nữa cho nên người dân không tìm được sự an ủi, niềm tin nơi trần thế thì họ phải tìm kiếm trong tôn giáo.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang từng nhận định:

“Đạo đức xã hội xuống cấp, người dân đã mất hết niềm tin vào ban lãnh đạo đất nước, trong khi nhu cầu cuộc sống luôn phải có chỗ để gửi gấm niềm tin thì họ phải đặt niềm tin chỗ khác. Đó cũng là nhu cầu tự nhiên thôi.”

RFA tiếp xúc với một số người tự nhận là Phật tử cũng thừa nhận họ tin rằng bệnh tật có thể được hóa giải bằng tâm linh miễn họ có niềm tin thật sự và không cần sự can thiệp của y khoa. Họ cho rằng đây là một môn khoa học huyền bí nên họ không giải thích được mà họ tin vào những gì sư thầy thuyết giảng.

Trong cuốn ‘Believing in Magic: The Psychology of Superstition’, tác giả Stuart Vyse viết rằng, “gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát. Con người luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong các hoàn cảnh bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi và làm con người cảm thấy tốt hơn”.

Bài đọc thêm:
Cầu Nguyện Và Tụng Kinh




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
22/11/2021(Xem: 2300)
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tuyên bố rằng một cậu bé Mông Cổ sinh ra ở Mỹ là tái sinh của nhà lãnh đạo tinh thần quan trọng thứ ba trong Phật giáo Tây Tạng. Cậu bé tám tuổi được chụp ảnh với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại một buổi lễ diễn ra ở Dharamshala thuộc tiểu bang Himachal Pradesh của Ấn Độ.
Sinh hoạt trong lãnh vực truyền thông tại Quận Cam bao lâu nay, tôi chưa bao giờ tham dự một buổi ra mắt kinh sách Phật Giáo mang ý nghĩa trọng đại đối với cộng đồng Phật Giáo Việt Nam như buổi ra mắt bộ Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam tại Nhà Hàng Brodard Chateau, Thành phố Garden Grove, Quận Cam, California, Hoa Kỳ, vào chiều Chủ Nhật, ngày 19 tháng 3 năm 2023.
Được tin không vui, Ni sư Thích Nữ Hạnh Đoan đang lâm trọng bệnh ở giây phút cuối đời. Ni sư đã có công dịch thuật nhiều sách Phật học, đặc biệt là bộ sách 7 tập Báo Ứng Hiện Đời khuyên người tin sâu nhân quả hướng về Phật Pháp và ước nguyện cuối đời là muốn độ hết chúng sinh thoát khổ. Thư Viện Hoa Sen đã chuyển tải thông điệp của Ni sư qua việc phổ biến các sách của Ni sư và nay xin được long trọng bố cáo đến toàn thể quý độc giả bài viết cuối cùng của Ni Sư. Ước mong quý độc giả đồng cùng với các thành viên ban biên tập Thư Viện Ha Sen dành chút giây hướng về Ni sư và cầu nguyện cho Ni sư thân tâm được an lạc khi chưa thuận thế vô thường và khi thuận thế vô thường thanh thản về cõi Tây Phương Cực Lạc tiếp tục tu hành rồi trở lại cõi Ta Bà cứu độ chúng sinh.