Từ Pháp Hội Vườn Xoài Đến Buddha Bar

02/05/20201:00 SA(Xem: 8444)
Từ Pháp Hội Vườn Xoài Đến Buddha Bar
TỪ PHÁP HỘI VƯỜN XOÀI* ĐẾN BUDDHA BAR &..
Uyên Nguyên

Buddha Bar, Thảo Điền, Việt Nam (Ảnh Internet)Quả tình mà nói, chuỗi hệ thống Buddha Bar, một cách chung chung, là không gian tuyệt vời! Mỗi nơi hình tượng Phật Giáo mang một vẻ độc đáo riêng. Hình dung nếu đây là một nhà hàng thuần chay, thuần tính tôn giáo, tất nhiên vì là phật tử chúng ta luôn ao ước như vậy. Nhưng tiếc là trên thực tế lại không được như ý mình. Mà cái gì không theo ý mình thì dễ rơi vào tâm lý “cầu bất đắc khổ”.

Buddha Bar, vốn là một thương hiệu có nguồn gốc từ Pháp[1], phát triển thành một hệ thống và có mặt ở nhiều quốc gia. Để ý thì chúng ta thấy thương hiệu này tồn tại ở những quốc giatôn giáo chính thống không phải là Phật giáo. Điều đó có thể thấy được từ phản ứng chống đối rất mãnh liệt và dứt khoát của tín đồ Phật giáo ở Jakatar, Indonesia,[2] ngay từ những năm đầu thập niên 2000, khác hẳn với những quốc gia khác trên thế giới có Buddha Bar hoạt động mà vẫn tồn tại đến bây giờ. Song, nói thế cũng chưa chính xác, bởi ngay cả ở Nga, thương hiệu Buddha Bar trong chuỗi thương hiệu toàn cầu từng bị văn phòng công tố Krasnoyarsk, Russia phạt vạ.[3] Rồi nó cũng từng gặp rắc rối lớn ở Tribeca, New York, Hoa Kỳ[4]. Riêng ngay tại đất Phật, Ấn Độ thì sao?

Đây sẽ là điểm mấu chốt để chúng ta nhìn sâu vấn đề. Từ những trải nghiệm đã có như ở Jakatar, Indonesia, là điển hình, nhóm sở hữu hệ thống thương hiệu đã biết uyển chuyển, lùi lại “nhằm tránh làm tổn thương đến bất kỳ cảm xúc nào” (We do not want to hurt any feelings, so we backed off), theo như lời vị phó giám đốc của tập đoàn George V Eatertainment, Franck Fortet, khi trả lời báo The Economic Times, 2016. Kết quả tại Ấn Độ, cũng cùng hệ thống Buddha Bar như các quốc gia khác, nhưng Buddha Bar ở Delhi, Ấn Độ đã được thay tên là B-Bar.[5]

Như vậy, vấn đề “Buddha Bar” đang gây tranh cãi không chỉ mới đây[6] và riêng ở Việt Nam, khi mà qua sự kiện phát hiện ổ dịch bịnh Covid19 đã tạo thêm một làn sóng phụ. Phụ mà chính, chính mà phụ. Đó là cho dù Buddha Bar, Thảo Điền tại Việt Nam không dính dấp trong hệ thống của Buddha Bar có gốc gác từ Pháp, và hoạt động kinh doanh bên trong có vẽ khác xa, nhưng hiển nhiên thương hiệu “Buddha” cũng vấp phải những phản ứng tương tự như Jakatar, Indonesia, hay có thể sẽ là hơn thế nữa mà ở đây không cần phải phân tích sâu sa nguyên nhân của nó, vì có lẽ ai đang quan tâm cũng đủ kiến thứcý thức. Vấn đề còn lại là mọi giới chức liên hệ, sẽ xử lý như thế nào và riêng cộng đồng tín ngưỡng Phật giáo, chúng ta ứng xử như thế nào trên nền tảng giáo lý của những người tỉnh giác. Tất nhiên là không bạo động ngay cả khi chúng ta đang dùng ngôn ngữ để bày tỏ thái độ bất bình.
Tôi nhớ ở Tokyo, Nhật Bản, có vị sư trẻ là Yoshinobu Fujioka[7], muốn thay đổi không khí hoằng pháp, với ý nghĩ táo bạo ông đã cho mở một quán bar như là cách không chỉ “quanh quẩn sau cổng chùa” và “đem đạo vào đời.”

Hầu hết những thanh niên đến đây, mang theo nỗi lòng trắc ẩn của họ về đời sống để cần có lời khuyên nhủ, và đối với những khách hàng như vậy điều họ mong muốn nhận được lời khuyên ngay thẳng giúp tinh thần của họ được nâng lên, quán bar Phật giáo là một nơi luôn có một đôi tai thông cảm – cả đêm dài.

Ngày nay ở nhiều nhà hàng ẩm thực Thái Lan, chúng ta vẫn thấy các tượng ảnh Phật được trang hoàng mà vẫn giữ vẽ tôn nghiêm cho thực khách và ngược lại. Như vậy thì không thể nói rằng đó là hành vi báng bổ. Nhưng cũng cần hiểu rằng ở Thái Lan, theo luật định thì việc “xuất khẩu Phật”, những sản phẩm tranh tượng chẳng hạn là điều cấm kỵ, và cấm đoán hoàn toàn, ngoại trừ các trường hợp giới hạn khác khi xuất khẩu đều phải tuân thủ các quy địnhthủ tục hành chánh ở đây. Điều này một phần nhằm bảo vệ các cổ vật tôn giáo cổ xưa của Thái Lan và hình ảnh Phật cổ khỏi bị đánh cắp và bán bất hợp pháp cũng như giúp duy trì sự tôn trọng đúng đắn đối với lịch sửvăn hóa Thái Lan.[8] Cũng tương tự luật cấm khắt khe đối với hành vi được cho là xúc phạm văn hóa tín ngưỡng quốc gia có thể nói là ở Miến Điện. Vì mới đây thôi, 2019, những đợt sóng chống đối, vận động tẩy chay lại bùng phát khi khách sạn Waldorf Astoria Hotels & Resorts, thuộc hệ thống khách sạn danh tiếng cũng như lâu đời là Hilton, thiết trí một pho tượng Phật ngay tại quầy tiếp tân của phòng tắm hơi.

Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào, ở một nơi người ta không thể chấp nhận “Phật đi đôi với rượu và thức ăn mặn”, nhưng rõ ràng ở một nơi khác thì vẫn có thể. Và thực tế trên thế giới hiện nay, hình thức kinh doanh thương hiệu Buddha hoặc những gì tương tự như thế có rất nhiều, như nhà hàng Buddkan ở New York, Philadelphia và Atlanta, Hoa Kỳ. Thậm chí có một thương hiệu khác vừa nghe có vẻ báng bổ như Bull and Buddha, đến nỗi trên tờ Bangkok Post, nhà báo Patcharawalai Sanyanusin đã lên tiếng trong bài báo tựa “Show some respect for our Lord Buddha!” Nhưng ở một góc cạnh khác, thương hiệu cho ta liên tưởng đến bài học “Phật dạy chăn trâu”(?). Những hình thái kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà chưa cần nói đến lãnh vực khác đi liền ý tưởng và hình tưởng Phật Giáo nói chung và Đức Phật nói riêng như vậy ngày nay không chỉ thu nhỏ trong phạm trù thuần văn hóa kinh điển truyền thống Phật giáo mà trộn lẫn với nhiều yếu tố phong thổ, tín ngưỡng, văn hóa khác không chỉ vùng Đông Nam Á mà lan rộng ở Tây Phương, biểu tượng Phật được sử dụng đại trà có lẽ do nhận thức phổ quát “Phật giáo không phải là một tôn giáo mà là một triết lý, nghệ thuật sống”. Nhưng rồi phải công nhận rằng, tất cả các nền văn minh lâu đời nào cũng trải qua những thử thách, để qua đó chứng minh giá trị tồn tại, biến dạng hay là hủy diệt.

“It’s hardly surprising that people are trying to sell things attached to the concept of Buddhism,” says Singhamanas, who was ordained into the Triratna Buddhist order in 2012 and now works at the London Buddhist Centre. “It’s the idea that something can give you peace, ease, energy – something mysterious, something holy but not religious.” – Buddha branding is everywhere – but what do Buddhists think?, Morwenna Ferrier, The Guardian, Sun 8 Jan 2017 10.00 EST.

Buddha Bar, Thảo Điền, Việt Nam (Ảnh Internet)Một cách cụ thể, “Buddha Bar, Thảo Điền – Việt Nam” là một địa điểm kinh doanh dễ nhận diệntùy thuận hóa giải, nhưng trên thực tế ở đất nước này còn có rất nhiều thương hiệu núp bóng cửa Từ Bi để trục lợi, mà món lợi đó có khi thu về cho những tay lái buôn quốc tế sẵn sàng gom trọn đất nước này bằng các dự án lấn chiếm từng phần, từng ngày cho đến khi vắt nó kiệt quệ.

Sự kiệt quệ của một dân tộc như vậy không phải là mặt bằng đất đai hoặc chỉ số mất còn bao nhiêu dự án kinh doanh tầm cỡ hay thương hiệu lớn nhỏ v.v… mà là nền tảng văn hóa, trong đó thông qua văn hóa kinh doanh. Nói một cách khác, một lúc mà có những kẻ bất chấp làm ăn trục lợi mà không còn biết gì nữa thì ở một tầm vĩ mô khác, việc mãi quốc cầu vinh là có thể, và có thật.

Duy, nhờ vào quá trình tu tập bản thân, dù ở nơi nào, Phật tử tất sẽ không khó khăn gì để nhận thấy đâu là hình thái thanh tịnh của quốc độ Phật.
Mặc Cốc, 26 tháng Ba, 2020

Uyên Nguyên

Hình ảnh

Xin để mũi tên con chuột vào tấm hình để biết vị trí Buddha Bar ở đâu trên thế giới mà trong bài có đề cập tới


Tao Asian Bistro, Las Vegas, USA  Seerose Resort & Spa, Meisterschwanden, Switzerland  Khách sạn Hilton Evian-les-Bains (Bar & Spa)   Buddha Bar, Thảo Điền, Việt Nam (Ảnh Internet)

Buddha Bar ở Monte Carlo, Pháp Quốc  Buddha Bar ở Dubai (Ảnh Love that design)  Buddha Bar ở Delhi, Ấn Độ

Xin để mũi tên của con chuột vào tấm hình để biết vị trí Buddha Bar ở đâu trên thế giới




______________________________________
* Thắng Man Giảng Luận, Tuệ Sỹ dịch và giải – Chương I: Pháp Hội Vườn Xoài
[1] Buddha Bar – https://en.wikipedia.org/wiki/Buddha_Bar
[2] Buddha Bar chain urged to close Jakarta branch for religious reasons – https://www.theguardian.com/world/2009/mar/12/buddha-bar-indonesia-protests
[3] Buddha Bar in Krasnoyarsk fined for offending believers’ feelings – https://www.rbth.com/politics_and_society/2016/11/24/buddha-bar-in-krasnoyarsk-fined-for-offending-believers-feelings_650493
[4] Buddha Bar blocked: Residents rally against luxury club, restaurant chain opening in Tribeca – https://www.thevillager.com/2016/04/buddha-bar-blocked-residents-rally-against-luxury-club-restaurant-chain-opening-in-tribeca/
[5] Buddha-Bar creates new brand for India -B-Bar – https://economictimes.indiatimes.com/industry/services/hotels-/-restaurants/buddha-bar-creates-new-brand-for-india-b-bar/articleshow/14486450.cms?prtpage=1
[6] Buddha branding is everywhere – but what do Buddhists think? – https://www.theguardian.com/lifeandstyle/shortcuts/2017/jan/08/buddha-branding-buddhists-religion-philosophy-year-anxious
[7] Monk-run Tokyo bar proffers drinks even as it teaches Buddhism – https://www.japantimes.co.jp/life/2017/04/22/food/monk-run-tokyo-bar-proffers-drinks-even-teaches-buddhism/#.Xnx4rupKiUl
[8] Exporting Buddha – https://www.bangkokpost.com/thailand/special-reports/357587/exporting-buddha

________________________________________



________________________________________

XEM THÊM:

Cần lê án quán ăn chơi Buddha Bar  (Thầy Thích Chân Tính):


Vì sao phải lên án và tẩy chay Buddha Bar  (Thầy Thích Nhật Từ)


 








Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/01/2024(Xem: 3261)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.