Ông đã thành lập một chính phủ lưu vong tại thị trấn Dharamsala, nằm trên vùng đồi ở phía bắc Ấn Độ, và được coi là nguồn quyền lực thay thế đối với những người phản đối sự kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh đối với Tây Tạng.

Sinh nhật quan trọng lần thứ 90 của ông vào ngày 6/7 sẽ diễn ra sau Hội nghị Tôn giáo Tây Tạng lần thứ 15 kéo dài ba ngày, bắt đầu từ sáng 2/7. Các hoạt động kỷ niệm đã bắt đầu từ ngày 30/6, tức ngày sinh của ông, theo lịch âm Tây Tạng.

Hơn 7.000 khách mời, bao gồm một số bộ trưởng Ấn Độ, sẽ tham dự lễ kỷ niệm. Nam diễn viên Hollywood Richard Gere, một tín đồ trung thành lâu năm, cũng có mặt.

blankNguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Diễn viên Hollywood Richard Gere (bìa phải) là một tín đồ lâu năm của Đạt Lai Lạt Ma

Trong quá khứ, vị lãnh đạo tinh thần từng được trao giải Nobel Hòa Bình đã nhiều lần phân vân về việc có nên duy trì thể chế Đạt Lai Lạt Ma đã tồn tại hơn 600 năm hay không. Vài năm trước, ông nói rằng người kế nhiệm của mình có thể là một bé gái, hoặc có thể sẽ không có người kế nhiệm nào cả.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông cũng nói rằng nếu cộng đồng người Tây Tạng lưu vong tiếp tục ủng hộ vị trí này, điều mà trên thực tế đang diễn ra, thì thể chế đó sẽ tiếp tụcvăn phòng của ông sẽ chọn ra người kế nhiệm.

Ông luôn nhấn mạnh rằng người kế nhiệm của mình sẽ được sinh ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, điều khiến Bắc Kinh tức giận.

Mặc dù Đạt Lai Lạt Ma luôn ủng hộ "con đường trung đạo" để giải quyết vấn đề Tây Tạng - quyền tự trị thực sự trong phạm vi Trung Quốc - Bắc Kinh vẫn coi ông là một phần tử ly khai. Trung Quốc cho rằng điều kiện sống của người dân Tây Tạng đã được cải thiện đáng kể dưới sự cai trị của họ.

Youdon Aukatsang, một nghị sĩ trong Quốc hội lưu vong của Tây Tạng, cho biết vị Đạt Lai Lạt Ma hiện tại "là một lực lượng gắn kết và thống nhất phong trào Tây Tạng" và một số người Tây Tạng cho rằng cần sớm công nhận người kế nhiệm của ông vì lo ngại điều đó có thể ảnh hưởng đến cộng đồngphong trào trong tương lai.

"Thể chế Đạt Lai Lạt Ma rất quan trọng đối với cuộc đấu tranh của người Tây Tạng. Đây cũng là biểu tượng của bản sắc Tây Tạng và là ngọn hải đăng của nơi trú ẩn tinh thần của chúng tôi. Điều đó sẽ tiếp tục. Tôi nghĩ sẽ có một khoảng trống, nhưng chúng tôi phải tiếp tục, chúng tôi không có lựa chọn nào khác", bà nói.

"Chúng tôi có những khoảng trống rất lớn cần phải lấp đầy nhưng chúng tôi phải lấp đầy chúng, đúng không? Tôi nghĩ nhiều người sẽ phải đảm nhận vai trò đó, một người sẽ không đủ".

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết Trung Quốc cũng dự kiến sẽ chỉ định vị Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp của riêng họ.

"Trung Quốc sẽ lập luận rằng chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh mới có thẩm quyền tìm ra sự tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma", Dibyesh Anand, giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Westminster, nói với BBC.

"Sau vài tháng hoặc vài năm, họ sẽ cho người của mình xác định một cậu bé và tuyên bố đó là Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, rồi áp đặt điều đó. Dĩ nhiên, phần lớn người Tây Tạng sẽ chối bỏ và phần lớn mọi người trên thế giới sẽ chế giễu chuyện đó. Nhưng đừng quên rằng Trung Quốc có rất nhiều nguồn lực và sẽ tìm cách áp đặt ý muốn của họ."

Bà Aukatsang cho biết "mặc dù nhiều năm qua Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát khối óc và trái tim của người Tây Tạng bên trong Tây Tạng", nhưng Bắc Kinh đã "hoàn toàn thất bại".

Một vị Đạt Lai Lạt Ma do Trung Quốc lựa chọn, bà nói, "sẽ không được công nhận, không chỉ người Tây Tạng mà cả thế giới sẽ không công nhậnTrung Quốc không có tính chính danh để tìm ra Đạt Lai Lạt Ma tương lai".

"Chúng tôi lo ngại nhưng chúng tôi biết rằng bất kể mối lo ngại của chúng tôi là gì, Trung Quốc sẽ đưa ra một Đạt Lai Lạt Ma của riêng họ, chúng tôi sẽ gọi đó là vị Đạt Lai Lạt MaTrung Quốc công nhận. Tôi không lo rằng người đó sẽ có bất kỳ uy tín nào trong thế giới Tây Tạng hay thế giới Phật giáo".

Các tín đồ Phật giáo Tây Tạng tin rằng các vị Lạt Ma cao cấp của họ sẽ được tái sinh, và một Đạt Lai Lạt Ma mới sẽ được các chức sắc Phật giáo lựa chọn nếu họ tin rằng người đó mang linh hồn của vị tiền nhiệm.

Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện tại sinh ngày 6/7/1935 tại một ngôi làng nhỏ của Tây Tạng, trong một gia đình nông dân và có tên khai sinh là Lhamo Dhondub.

Khi ông lên hai tuổi, một nhóm nhà sư cấp cao đã công nhận ông là hiện thân tái sinh của 13 vị Đạt Lai Lạt Ma trước đó.

Theo tiểu sử chính thức của ông, bằng chứng quyết định được đưa ra khi các nhà sư đưa cho cậu bé hai tuổi khi ấy một số đồ vật từng thuộc về người tiền nhiệm.

Cậu bé mới biết đi đã chỉ chính xác các vật phẩm thuộc về vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 và nói rằng: "Cái này là của tôi. Của tôi".

Ông trở thành Đạt Lai Lạt Ma khi chưa tròn 4 tuổi, được giáo dục tại một tu viện Tây Tạng và có bằng tiến sĩ về triết học Phật giáo.

Nhưng vào năm 1950, khi ông 15 tuổi, quân đội của chính quyền Cộng sản mới thành lập của Mao Trạch Đông đã tiến vào Tây Tạng. Một năm sau, Trung Quốc soạn ra một bản thỏa thuận gồm 17 điểm nhằm hợp pháp hóa việc sáp nhập Tây Tạng vào Trung Quốc.

Một cuộc nổi dậy của người Tây Tạng vào năm 1959, nhằm chấm dứt sự cai trị của Trung Quốc đã bị đàn áp, hàng ngàn người biểu tình bị giết.

Đạt Lai Lạt Ma đã vượt biên sang Ấn Độ bằng đường bộ, cùng với 10.000 tín đồ rồi định cư tại Dharamsala, điều hành một chính phủ lưu vong từ đó. Năm 2011, ông từ bỏ vai trò chính trị của mình nhưng vẫn là nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo Tây Tạng.

Một số người đã chạy trốn cùng ông vẫn nuôi hi vọng về việc trở về Tây Tạng.

"Tôi tin là tôi sẽ trở về Tây Tạng. Nếu không phải tôi, thì thế hệ sau của tôi chắc chắn sẽ trở về", Lobsang Choedon, 84 tuổi, người đã tham dự lễ kỷ niệm hôm 30/6 cho biết.

Con gái và các cháu của bà Choedon đều được sinh ra - và đã sống cả cuộc đời - ở Ấn Độ. Tuy nhiên, người cháu trai 15 tuổi của bà, Ngawang Lhundup, vẫn cảm thấy một sự gắn bó sâu sắc với quê hương tổ tiên.

Cậu đã nghe những câu chuyện về Tây Tạng từ khi còn nhỏ và nói rằng cậu sẽ cân nhắc đến việc đến thăm Tây Tạng mặc dù nơi này đang nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc.

"Nhưng nếu nơi này không còn bị Trung Quốc chiếm, tôi sẽ rất vui mừng được quay trở lại Tây Tạng."