133. Kinh Đại Ca-chiên-diên Nhất Dạ Hiền Giả (Mahàkaccànabhaddekaratta Sutta)

18/05/201012:00 SA(Xem: 27608)
133. Kinh Đại Ca-chiên-diên Nhất Dạ Hiền Giả (Mahàkaccànabhaddekaratta Sutta)
Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TRUNG BỘ

Majjhima Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

133. Kinh Đại Ca-chiên-diên Nhất dạ hiền giả
(Mahàkaccànabhaddekaratta sutta)


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), tại Tinh xá Tapoda. 

Lúc bấy giờ, Tôn giả Samiddhi, thức dậy vừa lúc bình minh đi đến Tapoda để tắm rửa tay chân. Tắm rửa tay chân ở Tapoda xong, sau khi lên khỏi (nước), vị ấy đứng mặc một y để tay chân cho khô. Rồi sau khi đêm vừa mãn, một Thiên thần, chói sáng với dung sắc thù thắng cả vùng Tapoda, đi đến Tôn giả Samiddhi, sau khi đến, liền đứng một bên. Đứng một bên, Thiên Thần ấy thưa Tôn giả Samiddhi: 

-- Này Tỷ-kheo, Ngài có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

-- Này Hiền giả, tôi không có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Nhưng này Hiền giả, Hiền giảthọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

-- Này Tỷ-kheo, tôi cũng không có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Nhưng này Tỷ-kheo, Ngài có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

-- Này Hiền giả, tôi không có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả. Nhưng này Hiền giả, Hiền giảthọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả không? 

-- Này Tỷ-kheo, tôi không có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Tỷ-kheo, hãy học tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Tỷ-kheo, hãy học cho thuần thục tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Tỷ-kheo hãy thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Vì rằng, này Tỷ-kheo, tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giảliên hệ đến mục đíchcăn bản của Phạm hạnh.

Thiên thần ấy nói như vậy. Sau khi nói vậy, vị ấy biến mất ở đấy. Rồi Tôn giả Samiddhi sau khi đêm ấy đã mãn, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Samiddhi bạch Thế Tôn

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con thức dậy vừa lúc bình mình đi đến Tapoda để tắm rửa tay chân. Tắm rửa tay chân ở Tapoda xong, sau khi lên khỏi (nước), con đứng mặc một y để tay chân cho khô. Rồi bạch Thế Tôn, sau khi đêm vừa mãn một Thiên thần, chói sáng với dung sắc thù thắng cả vùng Tapoda, ... và là căn bản Phạm hạnh". Thiên thần ấy nói như vậy. Sau khi nói như vậy, vị ấy biến mất ở đấy. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết giảng cho tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả!

-- Vậy này Tỷ-kheo, hãy nghe và suy nghiệm kỹ Ta sẽ nói.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Samiddhi vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau : 

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận, 
Tương lai lại chưa đến, 
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển, 
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm 
Ai biết chết ngày mai? 
Không ai điều đình được 
Với đại quân thần chết, 
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền, 
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậyđi vào tinh xá,

Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, liền suy nghĩ: "Này chư Hiền, Thế Tôn sau khi thuyết giảng phần tổng thuyết một cách vắn tắt cho chúng ta không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậyđi vào tịnh xá

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận, 
Tương lai lại chưa đến, 
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển, 
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm 
Ai biết chết ngày mai? 
Không ai điều đình được 
Với đại quân thần chết, 
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền, 
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Nay không biết ai có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi".

Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ như sau: "Tôn giả Mahakaccana (Đại Ca-chiên-diên) này đã được Thế Tôn tán thán và được các đồng Phạm hạnhtrí kính trọng; Tôn giả Mahakaccana có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đến Tôn giả Mahakaccana, sau khi đến chúng ta hãy hỏi Tôn giả Mahakaccana về ý nghĩa này".

Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Tôn giả Mahakaccana, sau khi đến nói lên với Tôn giả Mahakaccana những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy thưa với Tôn giả Mahakaccana : 

-- Thưa Hiền giả Kaccana, Thế Tôn sau khi đọc tổng thuyết này, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậyđi vào tinh xá

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận, 
Tương lai lại chưa đến, 
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển, 
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm 
Ai biết chết ngày mai? 
Không ai điều đình được 
Với đại quân thần chết, 
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền, 
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Nay không biết ai có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi. Rồi này Hiền giả Kaccana, chúng tôi suy nghĩ như sau: "Tôn giả Mahakaccana này đã được Thế Tôn tán thán ... chúng ta hãy hỏi Tôn giả Mahakaccana về ý nghĩa này". Tôn giả Mahakaccana hãy giải thích cho.

-- Này chư Hiền, ví như một người cần thiết lõi cây, tìm cầu lõi cây, đang đi tìm cầu lõi cây, đứng trước một cây lớn có lõi cây. Người ấy bỏ rễ, bỏ thân cây, nghĩ rằng lõi cây cần phải tìm trong các nhánh cây, lá cây. Cũng vậy, là việc làm của chư Tôn giả... Chư Tôn giả đứng trước mặt Thế Tôn, chư Tôn giả lại vượt qua Thế Tôn, và nghĩ rằng cần phải hỏi tôi về ý nghĩa này. Nhưng này chư Hiền, Thế Tôn biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, bậc có mắt, bậc Trí giả, bậc Pháp giả, bậc Phạm thiên, bậc Thuyết giả, bậc Tuyên thuyết giả, bậc dẫn đến mục đích, bậc đem cho bất tử, bậc Pháp chủ, bậc Như Lai. Nay đã đến thời chư Hiền hãy đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích cho chư Hiền như thế nào, chư Hiền hãy như vậy thọ trì.

-- Thưa Hiền giả Kaccana, chắc chắn Thế Tôn biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, bậc có mắt, bậc Trí giả, bậc Pháp giả, bậc Phạm thiên, bậc Thuyết giả, bậc Tuyên thuyết giả, bậc dẫn đến mục đích, bậc đem cho bất tử, bậc Pháp chủ, bậc Như Lai.. Nay đã đến thời chúng tôi đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích cho chúng tôi như thế nào, chúng tôi sẽ như vậy thọ trì. Nhưng Tôn giả Mahakaccana được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng Phạm hạnh kính trọng. Tôn giả Mahakaccana có thể giải thích một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi. Mong Tôn giả Mahakaccana giải thích cho nếu Tôn giả không cảm thấy phiền phức.

-- Vậy chư hiền, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, tôi sẽ nói. 

-- Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahakaccana. Tôn giả Mahakaccana nói như sau : 

-- Này Hiền giả, phần tổng thuyết Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào trong tinh xá

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận, 
Tương lai lại chưa đến, 
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển, 
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm 
Ai biết chết ngày mai? 
Không ai điều đình được 
Với đại quân thần chết, 
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền, 
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Về phần tổng thuyết này chỉ được Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi, này chư Hiền, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau :

Này chư Hiền, thế nào là truy tìm quá khứ? "Mắt của tôi trong thời quá khứ là như vậy, các sắc pháp là như vậy", và thức ở đây bị ái và dục trói chặt. Vì thức bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Vì hân hoan trong ấy, vị ấy truy tìm quá khứ. "Tai của tôi trong quá khứ là như vậy, các tiếng là như vậy"... "Mũi của tôi trong quá khứ là như vậy, các hương là như vậy"... "Lưỡi của tôi trong quá khứ là như vậy, các vị là như vậy"... "Thân của tôi trong quá khứ là như vậy, các xúc là như vậy"... "Ý của tôi trong quá khứ là như vậy, các pháp là như vậy", và thức ở đây, bị dục và ái trói chặt. Vì rằng thức bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Vì hân hoan trong ấy, vị ấy truy tìm quá khứ.

Và này chư Hiền, thế nào là không truy tìm quá khứ? "Mắt của tôi trong thời quá khứ là như vậy, các sắc pháp là như vậy", và thức ở đây không bị dục và ái trói chặt. Vì thức không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Vì không hân hoan trong ấy, vị ấy không truy tìm quá khứ. "Tai của tôi trong quá khứ là như vậy, các tiếng là như vậy",... "Mũi của tôi trong quá khứ là như vậy, các hương là như vậy",... "Lưỡi của tôi trong quá khứ là như vậy, các vị là như vậy",... "Thân của tôi trong quá khứ là như vậy, các xúc là như vậy", ... "Ý của tôi trong quá khứ là như vậy. các pháp là như vậy", và thức ở đây không bị dục và ái trói chặt. Vì thức không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Vì không hân hoan trong ấy, vị ấy không truy tìm quá khứ. Như vậy, này chư Hiền, là không truy tìm quá khứ.

Và này chư Hiền, thế nào là ước vọng tương lai? "Mong rằng mắt của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các sắc pháp là như vậy", và vị ấy hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Vì duyên hướng tâm như vậy, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy ước vọng tương lai. "Mong rằng tai của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các tiếng là như vậy",... "Mong rằng mũi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các hương là như vậy",... "Mong rằng lưỡi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các vị là như vậy",... "Mong rằng thân của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các xúc là như vậy",... "Mong rằng ý của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các pháp là như vậy", và vị ấy hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Vì duyên hướng tâm như vậy, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy ước vọng tương lai. Như vậy, này chư Hiềnước vọng tương lai.

Và này chư Hiền, thế nào là không ước vọng tương lai? "Mong rằng mắt của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các sắc pháp là như vậy", vị ấy không hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Do duyên không hướng tâm, vị ấy không hân hoan trong ấy, vị ấy không có ước vọng tương lai. "Mong rằng tai của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các tiếng là như vậy",... "Mong rằng mũi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các hương là như vậy", ... "Mong rằng lưỡi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các vị là như vậy",... "Mong rằng thân của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các xúc là như vậy", ... "Mong rằng ý của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các pháp là như vậy", vị ấy không hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Do duyên không hướng tâm, vị ấy không hân hoan trong ấy. Do không hân hoan trong ấy, vị ấy không có ước vọng tương lai. Như vậy, này chư Hiền, là không ước vọng tương lai.

Và này chư Hiền, thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Này chư Hiền, nếu mắt và các sắc pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Này chư Hiền, nếu tai và các tiếng... nếu mũi và các hương ... nếu lưỡi và các vị... nếu thân và các xúc... Này chư Hiền nếu ý và các pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Như vậy, này chư Hiền, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Và này chư Hiền, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Này chư Hiền, nếu mắt và các sắc pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Do không hân hoan trong ấy, vị ấy không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Này chư Hiền, nếu tai và các tiếng... Này chư Hiền, nếu mũi và các hương... Này chư Hiền, nếu lưỡi và các vị... Này chư Hiền, nếu thân và các xúc... Này chư Hiền, nếu ý và các pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Do không hân hoan trong ấy, vị ấy không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Như vậy, này chư Hiền là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Này chư Hiền, phần tổng thuyết Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào trong tinh xá

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận, 
Tương lai lại chưa đến, 
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển, 
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm 
Ai biết chết ngày mai? 
Không ai điều đình được 
Với đại quân thần chết, 
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền, 
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Phần tổng thuyết này, này chư Hiền, được Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi; này chư Hiền, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Và nếu chư Tôn giả muốn, hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích các Tôn giả như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Mahakaccana giảng, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sau khi đọc phần tổng thuyết một cách vắn tắt cho chúng con, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, và đi vào tinh xá

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận, 
Tương lai lại chưa đến, 
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển, 
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm 
Ai biết chết ngày mai? 
Không ai điều đình được 
Với đại quân thần chết, 
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền, 
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, chúng con suy nghĩ như sau : "Thế Tôn sau khi đọc phần tổng thuyết một cách vắn tắt cho chúng con, không giải nghĩa một cách rộng rãi, và đã đi vào tinh xá :
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận, 
Tương lai lại chưa đến, 
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển, 
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm 
Ai biết chết ngày mai? 
Không ai điều đình được 
Với đại quân thần chết, 
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền, 
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Nay không biết ai có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi".

Rồi bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau : "Tôn giả Mahakaccana (Đại Ca chiên diên) này... chúng ta hãy hỏi Tôn giả Mahakaccana về ý nghĩa này. "Rồi bạch Thế Tôn, chúng con đi đến Tôn giả Mahakaccana, sau khi đến chúng con hỏi Tôn giả Mahakaccana về ý nghĩa này. Ý nghĩa của những (chữ) ấy đã được Tôn giả Mahakaccana giải thích cho chúng con với những phương pháp này, các những câu này, với những chữ này.

-- Này các Tỷ-kheo, Mahakaccana là bậc Hiền trí. Này các Tỷ-kheo, Mahakaccana là bậc Đại trí tuệ. Này các Tỷ-kheo nếu các Ông hỏi Ta về ý nghĩa này, Ta cũng giải thích cho các Ông như vậy, như Mahakaccana đã giải thích. Thật sự ý nghĩa ấy là vậy, và các Ông hãy thọ trì như vậy.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/07/2016(Xem: 110161)
21/01/2015(Xem: 6277)
07/09/2011(Xem: 99829)
07/09/2011(Xem: 53687)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.