- Phẩm Thứ 1: Phẩm Bảy Pháp
- Phẩm Thứ 2: Phẩm Nghiệp Tương Ưng
- Phẩm Thứ 3: Phẩm Xá-lê Tử Tương Ưng
- Phẩm Thứ 4: Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp
- Phẩm Thứ 5: Phẩm Tập Tương Ưng
- Phẩm Thứ 6: Phẩm Vương Tương Ưng
- Phẩm Thứ 7: Phẩm Trường Thọ Vương
- Phẩm Thứ 8: Phẩm Uế
- Phẩm Thứ 9: Phẩm Nhân
- Phẩm Thứ 10: Phẩm Lâm
- Phẩm Thứ 11: Phẩm Đại (Phần Đầu)
- Phẩm Thứ 12: Phẩm Phạm Chí (Phần Đầu)
- Phẩm Thứ 12: Phẩm Phạm Chí (Phần Sau)
- Phẩm Thứ 13: Phẩm Căn Bổn Phân Biệt
- Phẩm Thứ 14: Phẩm Tâm
- Phẩm Thứ 15: Phẩm Song
- Phẩm Thứ 16: Phẩm Đại (Phần Sau)
- Phẩm Thứ 17: Phẩm Bô-đa-lợi
- Phẩm Thứ 18: Phẩm Lệ
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, hôm nay tôi sẽ nói năm pháp trừ não[2] cho các vị, hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ”.
Các vị Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:
“Những gì là năm? Này chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh[3]. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ[4].
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.
“Này chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào?[5] Này chư Hiền, cũng như Tỳ-kheo A-luyện-nhã[6] thọ trì y áo phấn tảo[7], thấy vải xấu vất trong đống rác, dơ dáy hoặc vì bị đại tiện; hoặc tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm dơ. Thấy rồi, tay trái cầm lên; tay phải căng rộng ra; nếu chẳng phải bị đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm dơ, lại không có rách lủng, liền xếp cất lấy. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh, chớ nghĩ thân hành không thanh tịnh của người kia, chỉ nghĩ đến khẩu hành thanh tịnh của người kia. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như vậy.
“Này chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên trừ bỏ như thế nào? Này chư Hiền, cũng như cách thôn xóm không xa, có hồ nước rất sâu, rêu cỏ che lấp; nếu có người đi đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, bị gió nóng bức bách. Người ấy đến hồ rồi, cởi áo để trên bờ, liền nhảy xuống hồ, hai tay khoát rêu ra, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc một người khẩu không tịnh hạnh, nhưng thân tịnh hạnh. Đừng nghĩ về khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.
“Này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này chư Hiền, như trên con đường ngã tư có nước trong dấu chân trâu. Nếu có người đi đến, vì quá nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người ấy nghĩ thế này: ‘Mặc dù nước trong lổ chân trâu ở ngã tư đường này ít, nếu ta dùng tay hoặc lá cây múc lấy, thì sẽ quậy thành đục ngầu, không thể trừ bỏ sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, cho ta. Ta hãy nên quỳ xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước’. Người ấy liền quỳ dài xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước. Người ấy liền trừ được sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh, chớ nên nghĩ đến thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, chỉ nên nghĩ đến tâm có chút thanh tịnh của người ấy. Này chư Hiền, nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.
“Này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này chư Hiền, cũng như có người đi xa trên con đường dài; nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè; thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước lại chưa đến. Nếu có người đi đến, đứng bên cạnh, thấy người bộ hành này đi xa trên con đường dài, nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè, thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước thì chưa đến. Người kia nếu được người chăm sóc, từ giữa cánh đồng xa xôi dắt đến thôn ấp, cho uống thang thuốc hay, bồi dưỡng bằng đồ ngon mỹ diệu, được chăm sóc kỹ lưỡng; như vậy người ấy chắc chắn được lành bớt. Đó là người kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với người bệnh này. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, nên nghĩ thế này: ‘Vị này thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, đừng để cho vị này do bởi thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, mà khi thân hoại mạng chung thẳêng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu vị này gặp thiện tri thức, sẽ bỏ thân hành không thanh tịnh để tu thân hành thanh tịnh; trừ bỏ khẩu và ý hành không thanh tịnh để tu khẩu và ý hành thanh tịnh. Do vậy, vị này sẽ do thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh, nên khi thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ, cho đến sanh thiên giới’. Đó là vị kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với vị này. Nếu người có trí mà sanh lòng hờn giận, nên đoạn trừ như vậy.
Này chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này chư Hiền, cũng như ngoài thôn xóm không xa, có hồ nước tốt, đã trong lại ngọt, đáy sâu bằng phẳng, đầy đặn, cỏ biếc ngập bờ, bốn phía có cây cỏ. Nếu có người đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người kia đến bờ rồi, cởi áo để trên bờ, nhảy xuống hồ, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ sự nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh, hãy thường nên nghĩ đến thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh của người đó. Nếu người có trí thấy mà sanh hờn giận, nên trừ bỏ như vậy.
“Này chư Hiền năm pháp trừ não mà tôi vừa nói, chính do vậy mà được nói”.
Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích
[1]Thí dụ về nước. Tương đương Pāli: A. V.162. Āghātavinaya (kềm chế sự hờn giận).
[2] Ngũ trừ não pháp五除惱法. Pāli: pañca āghātapaṭivinayā, năm yếu tố kềm chế sự hờn giận.
[3] Hán: thân hành bất tịnh khẩu hành tịnh身行不淨口行淨. Pāli: aprisuḍhakāyasamācāro hoti parisuddhavacīsamācāro, có hành vi của thân không trong sạch nhưng hành vi của miệng trong sạch.
[4] Pāli: evārupe... puggale āghāto paṭivinetabbo, sự hờn giận cần được kềm chế đối với người như vậy.
[5] Nghĩa là, làm cách nào để không khởi tâm hơn giận đối với con người như vậy.
[6] A-luyện-nhã Tỳ-kheo 阿練若毗丘. Pāli: araññaka-bhikkhu, Tỳ-kheo sống trong rừng vắng; không sống trong các tinh xá.
[7] Hán: trì phấn tảo y持糞掃衣. Pāli: paṃsakulika, người tu theo hạnh chỉ mặc y phục từ vải đã bị liệng bỏ như là rác.