Thư Viện Hoa Sen

Chương 13 Cúng Dường Pháp

29/05/201012:00 SA(Xem: 21121)
Chương 13 Cúng Dường Pháp

KINH DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT
Đường Huyền Trang dịch - bản dịch Việt: TUỆ SỸ 
Nhà xuất bản Phương Đông 2008

 

Chương 13
CÚNG DƯỜNG PHÁP

Lúc ấy Đế Thích ở trong hội chúng, thưa với Phật: 

«Bạch Thế Tôn, con đã từng nghe hàng trăm ngàn kinh Pháp do Thế Tôn và Văn-thù-sư-lợi thuyết giảng, nhưng thật chưa từng được nghe kinh điển quyết định thật tướng, bất khả tư nghì thần thông tự tại như vậy.[1] Theo con hiểu ý nghĩa mà Phật nói, nếu chúng sinh nào được nghe kinh Pháp này mà tin hiểu, thọ trì, đọc, tụng, chắc chắn sẽ chứng đắc Pháp[2] ấy không nghi; huống nữa theo Pháp đó mà tu. Người đó ắt sẽ đóng kín các ác đạo, mở ra các cửa lành, sẽ được sự hộ niệm của chư Phật, hàng phục ngoại đạo,[3] đánh bại ác ma, vun trồng bồ-đề,[4] thiết đặt đạo tràng, đi theo bước chân Phật. Bạch Thế Tôn, con và các quyến thuộc nguyện sẽ cúng dường, phụng dưỡng người nào thọ trì, đọc tụngnhư thuyết tu hành. Bất cứ nơi nào, thành thị hay thôn quê, núi rừng hay hoang mạc, chỗ nào có kinh này, con và các quyến thuộc cũng nguyện đến đó để xin nghe và lãnh thọ pháp. Nếu có ai chưa tin kinh này con sẽ giúp họ phát lòng tin; ai đã có lòng tin con sẽ hộ vệ.”

Phật bảo

“Lành thay, Thiên đế, lành thay; như điều ông nói, Ta tán trợ tùy hỷ. Kinh Pháp này quảng diễn A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề[5] bất khả tư nghị của chư Phật quá khứ, vị lai, và hiện tại.

“Cho nên, Thiên đế, nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào thọ trì, đọc tụngcúng dường kinh này, đó là cúng dường chư Phật quá khứ, vị lai, và hiện tại

“Này Thiên đế, giả như trong đại thiên thế giới có đầy Như Lai nhiều như mía, tre, lau sậy, lúa, mè; mà nếu thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào trải qua trọn kiếp hay gần một kiếp[6] để cung kính, tôn trọng, tán thán, và cúng dường chư Phật này, cho đến khi chư Phật đã diệt độ, lại xây bảo tháp bảy tầng rộng lớn bằng bốn thiên hạ,[7] cao đến cõi Phạm thiên để phụng thờ toàn thân xá lợi Phật, với đầy đủ biểu tượng trang nghiêm;[8] với tất cả hoa, hương, chuỗi ngọc, cờ phướn, âm nhạc vi diệu bậc nhất, trải qua một kiếp hay gần một kiếp cúng dường, này Thiên đế, người đó có được nhiều phước đức không?”

“Bạch Thế Tôn, thật nhiều, đến mức đếm trong cả trăm ngàn kiếp cũng chưa kể hết phước đức ấy.”

Phật dạy: 

“Này Thiên đế, ông nên biết, nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào, khi được nghe kinh giải thoát bất khả tư nghị này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng và theo đó tu hành, thì phước đức còn nhiều hơn những người kia. Vì sao? Vì bồ-đề của chư Phật phát sinh từ kinh Pháp này Mà tướng của bồ-đề thì chẳng thể định lượng, do nhân duyên ấy phước đức đó cũng chẳng thể định lượng.”

Phật nói tiếp: “Trước đây vô lượng kiếpđức Phật hiệu Dược Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Thế giới của Ngài có tên Đại trang nghiêm, kiếp tên là Trang nghiêm. Phật thọ hai mươi tiểu kiếp. Thanh-văn tăng có ba mươi sáu na-do-tha. Bồ tát tăng có mười hai na-do-tha. 

“Thiên đế, bấy giờ có vị Chuyển luân Thánh Vương tên Bảo Cái, có đủ bảy báu, cai quản bốn thiên hạ. Vua có một ngàn con trai đoan chính, anh dũng, hàng phục mọi oán địch.

“Thuở ấy Thánh Vương Bảo Cáiquyến thuộc đã tôn kính cúng dường đức Như Lai Dược Vương, bố thí các tiện nghi an lạc, cho đến hết năm kiếp. Sau đó vua căn dặn một nghìn người con: ‘Các con nên bằng thâm tâm tôn kính cúng dường Phật như ta đã làm.’ Một nghìn người con phụng mạng vua cha, cúng dường đức Dược Vương Như Lai cho đến hết năm kiếp nữa, bố thí tất cả phương tiện an lạc. Sau đó một trong những người con này là Nguyệt Cái, lúc ngồi một mình, đã tự nghĩ: ‘Còn có sự cúng dường nào cao quý hơn sự cúng dường chúng ta đã làm không?’ Thần lực của Phật đã khiến một thiên thần trên không đáp: ‘Này thiện nam tử, cúng dường Pháp cao hơn hết thảy mọi sự cúng dường.’ Nguyệt Cái liền hỏi: ‘Cúng dường Pháp là thế nào?’ Thiên thần đáp: ‘Hãy đến hỏi đức Dược Vương Như Lai, sẽ được giải thích đầy đủ.’

“Nguyệt Cái lập tức đến Dược Vương Như Lai, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên, hỏi Phật: ‘Bạch Thế Tôn, con nghe nói cúng dường Pháp là cao quý nhất trong các cách cúng dường; vậy thế nào là cúng dường Pháp?’

“Phật đáp: ‘Này thiện nam tử, cúng dường Pháp là, đối với kinh điển sâu xa do chư Phật thuyết giảng, khó tin và khó tiếp nhận đối với hết thảy thế gian, vi diệu khó thấy, thanh tịnh vô nhiễm, không thể lấy tư duy phân biệt mà hiểu được; nó là bảo vật trong kho Pháp tạng của Bồ tát, in bằng dấu ấn đà-la-ni;[9] dẫn đến bất thối chuyển,[10] thành tựu sáu độ, khéo phân biệt nghĩa, thuận với Pháp bồ-đề, là kinh tối thượng; giúp người vào đại từ đại bi, xa lìa các ma sựtà kiến, thuận với Pháp nhân duyên,[11] vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ mạng,[12] không, vô tướng, vô tác, vô khởi; hay dẫn chúng sinh đến ngồi nơi Đạo tràngchuyển Pháp luân; được các Trời, Rồng, Càn-thát-bà, đồng ca ngợi; hay đưa chúng sinh vào kho tàng Chánh Pháp của chư Phật,[13] thâu đạt hết thảy trí tuệ của Thánh Hiền, chỉ dạy con đường sở hành của chúng Bồ tát; y trên nghĩa thật tướng của các pháp mà thuyết minh nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngãtịch diệt;[14] có thể cứu người hủy phạm giới cấm; khiến cho chúng ma, ngoại đạo và người tham trước[15] sinh sợ hãi; được chư Phật và Thánh Hiền ngợi ca; vì quét sạch nỗi khổ sinh tử, chỉ niềm vui niết bàn mà chư Phật trong mười phương, ba đời từng thuyết giảng.

“Nếu nghe xong kinh này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, vì chúng sinh diệu dụng phương tiện để giảng giải cho họ tỏ tường, vì thủ hộ Pháp,[16] như vậy gọi là cúng dường Pháp.

“Lại nữa, theo các Pháp đã được thuyết giảngtu hành, tùy thuận mười hai nhân duyên,[17] xa lìa tà kiến, thành tựu vô sanh nhẫn, khẳng quyết tính vô ngãvô hữu của chúng sinh mà đối với nhân duyên, quả báo, thì không trái, không tranh cãi, lìa các ngã sở; y nghĩa lý chứ không y ngữ ngôn, y trí chứ không y thức, y kinh liễu nghĩa chứ không y kinh không liễu nghĩa; y Pháp chứ không y người thuyết Pháp;[18] tùy thuận theo Pháp tướng, không chỗ sở nhập, không chỗ sở quy,[19] vô minh rốt ráo diệt, cho nên các hành cũng rốt ráo diệt, cho đến sanh rốt ráo diệt cho nên già-chết cũng rốt ráo diệt. Quán sát như thế, mười hai nhân duyên không có tướng tận cũng chẳng có tướng khởi. Đó là pháp cúng dường tối thượng.”

Đoạn Phật bảo Thiên đế

“Sau khi nghe Pháp này từ đức Dược Vương Như Lai, Vương tử Nguyệt Cái đắc nhu thuận nhẫn,[20] liền cởi tấm bảo y và các bảo vật trang sức trên người, dâng cúng Phật

“Bạch Thế Tôn, sau khi Ngài diệt độ, con sẽ cúng dường Pháp để giữ gìn bảo vệ Chánh Pháp. Nguyện oai thần của Phật giúp con đứng vững, hàng phục chúng ma, tu Bồ tát hạnh.”

“Phật Dược Vương biết rõ nhưng điều tâm niệm trong thâm tâm ấy nên đã thọ ký cho Vương tử: 

“Sau này, cho đến tận cùng, ngươi sẽ là người bảo vệ giữ gìn thành trì Chánh Pháp.

“Này Thiên đế, bấy giờ Nguyệt Cái được thấy sự thanh tịnh của pháp, nghe Phật thọ ký, bèn với tín tâmxuất gia, tu tập thiện pháp, tinh tấn, không lâu đã đắc năm thần thông lực, thành tựu Bồ tát đạo, đạt được đà-la-ni, biện tài không đoạn tuyệt. Sau khi Phật Dược Vương nhập diệt, Bồ tát ấy bằng các năng lực thần thông, tổng trì, biện tài đã chứng đắc, trải trong mười kiếp tròn đầy, phân bố pháp luânDược Vương Như lai đã chuyển. Tỳ-kheo Nguyệt Cái, bằng sự thủ hộ Chánh pháp, ân cần tinh tấn, liền ngay nơi bản thân ấy mà giáo hoá khiến trăm vạn ức người không thối chuyển đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chuyển hóa mười bốn na-do-tha người phát thâm tâm cầu quả vị Thanh-văn và Bích-chi-phật, cùng vô lượng chúng sinh được tái sanh thiên giới.

“Này Thiên đế, vua Nguyệt Cái thuở há là ai khác chăng? Hiện Ngài đã thành Phật, hiệu là Bảo Diệm Như Lai, và một ngàn người con của Ngài là một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp này, mà vị đầu tiên là Phật Ca-la-cưu-tôn-đà[21] và vị cuối cùng là Phật Lâu-chí.[22] Tỳ-kheo Nguyệt Cái lúc ấy nay chính là Ta. 

“Như vậy, Thiên đế, nên biết điều cốt yếu này: bằng Pháp mà cúng dường, là tối thượng, tối tôn, bậc nhất không thể so sánh trong các sự cúng dường. Cho nên, này Thiên đế, hãy bằng Pháp mà cúng dường chư Phật.” 

 

[1] VCX: bất khả tư nghị thần biến giải thoát pháp môn 不可思議自在神變解脫法門.

[2] VCX: “Nhất định người đó là pháp khí.”

[3] VCX: “hàng phục các tà luận của ngoại đạo.”

[4] La-thập nói, “Trong bản Phận, sau chữ bồ-đề có chữ đạo 道. Đạo, tức con đường dẫn đến Bồ đề.”

[5] La-thập nói, “Sau từ Bồ đề, có từ pháp 法 .”

[6] DMC: nhất kiếp giảm . VCX: nhất kiếp dư, hơn một kiếp 一劫餘

[7] VCX: “bốn châu thế giới.”

[8] VCX: biểu trụ luân bàn 表柱輪盤.

[9] Đà-la-ni ấn 陀羅尼印. VCX: tổng trì kinh vương Phật ấn sở ấn 總持經王佛印所印. La-thập: “Tổng trì có vô lượng. Thật tướng là một trong đó. Nếu kinh nói thật twong; thật tướng ấy tức là ấn (dấu ấn).” Khuy cơ (T38n1782_p1110c10): “Vô tướng chân như, gọi là Phật ấn.”

[10] VCX: phân biệt khai thị pháp luân bất thối (avivartika-dharmacakra).

[11] VCX: phân biệt xiển dương thậm thâm duyên khởi

[12] VCX: “Biện giải bên trong không ngã, bên ngoài không hữu tình, trung gian của hai không thọ mạng, không kẻ dưỡng dục, rốt ráo không bổ-đặc-già-la.”

[13] VCX: “Dẫn đạo chúng sinh cúng dường Đại pháp. Giúp chúng sinh viên mãn sự tế tự dối vơi Đại pháp.” Đại pháp từ tự 大法祠祀 (Skt. mahā-dharmayajña); Khuy Cơ (T38n1782_p1111a08): từ tự, tức pháp thí hội.”

[14] Ban Huyền Trang, theo Khuy Cơ, câu này tách thành hai đoạn riêng biệt. Đoạn đầu, gồm ba phần: Hiền Thánh nhiếp thọ, khai phát diệu hành, pháp nghĩa quy y. Đoạn sau, thuyết minh 4 ôn-đà-nam (dharmoddānam) của pháp. Khuy Cơ (T38n1782_p1111a16): “Pháp ôn-đà-nam, là lược tập của giáo pháp. Có bốn lược tập của pháp: các hành vô thương; hữu lậu thảy khổ; các pháp vô ngã; niết-bàn tịch tĩnh.

[15] VCX: “hết thảy ngoại đạo, tà luận, ác kiến chấp trước.” Rồi thêm một đoạn nhảy sót trong bản La thập; “Khai phát thế lực tăng thượng của thiện pháp của hết thảy hữu tình; trấn áp tất cả binh đội ác ma.”

[16] VCX: nhiếp thọ Chánh pháp, Skt. dharma-saṅgraha.

[17] VCX: tùy thuận duyên khởi.

[18] Tứ y 四依. Bốn y chỉ , Skt. catvāri pratisaraṇāni, 1. artha-pratisaraṇena bhavitavyam na vyañjana-pratisaraṇena, y nghĩa chứ không y văn ; 2. dharma-pratisaraṇena bhavitavyam na pudgala-pratisaraṇena, y pháp không y người ; 3. jñāna-pratisaraṇena bhavitavyam na vijñāna-pratisaraṇena, y trí không y thức ; 4. nītārthasūtra-pratisaraṇena bhavitavyam na neyārthasūtra-pratisaraṇena, y kinh thấu triệt chân lý, không y kinh điển không thấu triệt chân lý

[19] VCX: “Nhập vô tàng, diệt A-lại-da.” Khuy Cơ (T38n1782_p1111c05): “Ngộ nhập chân như vốn không bị nhiếp tàng; diệt A-lại-da.”

[20] Nhu thuận nhẫn 柔順忍; La thập nói: “Chưa có khả năng thâm nhập thật tướng của các pháp; nhưng bằng trí nhu nhuyễn và tín nhu nhuyễn mà tùy thuận, không trái nghịch; do đó nói là nhu thuận nhẫn.” VCX: thuận pháp nhẫn 順法忍. Khuy Cơ (T38n1782_p1111c20), theo kinh Nhân vương, có 5 bậc nhẫn: 1. phục nhẫn, trước thập địa; 2. tín nghẫn, sơ đến tam địa; 3. thuận nhẫn, các địa thứ tư, năm, sáu; 4. vô sinh nhẫn, các địa bảy, tám, chín; 5. tịch diệt nhẫn, thập địa, Phật địa.

[21] Ca-la-cưu-tôn-đà 迦羅鳩孫馱. VCX: Ca-lạc-ca-tôn-đà 迦洛迦孫馱. Skt. Krakucchanda.

[22] Lâu-chí 樓至. VCX: Lô-chí 盧至. Skt. Ruci.

Tạo bài viết
13/05/2010(Xem: 173663)
18/07/2012(Xem: 104932)
20/05/2010(Xem: 56249)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: