- Viết về kinh Pháp Cú Hán Tạng
- Bài tựa Kinh Pháp Cú
- Kinh Quán Chiếu Vô Thường
- Kinh Học Hỏi và Thực Tập
- Kinh Mở Rộng Tầm Hiểu Biết
- Kinh Bồi Đắp Niềm Tin
- Kinh Nghiêm Trì Giới Luật
- Kinh Thực Tập Quán Niệm
- Kinh Nuôi Lớn Tình Thương
- Kinh Thực Tập Ái Ngữ
- Kinh Đối Chiếu
- Kinh Tinh Chuyên
- Kinh Điều Phục Tâm Ý
- Kinh Hoa Hương
- Kinh Người Ngu Muội
- Kinh Bậc Minh Triết
- Kinh Vị La Hán
- Kinh Vượt Thắng
- Kinh Quả Báo
- Kinh Bất Hại
- Kinh Tuổi Già
- Kinh Thương Thân
- Kinh Thoát Tục
- Kinh Phật Bảo
- Kinh An Lạc
- Kinh Luyến Ái
- Kinh Chế Ngự Phẫn Nộ
- Kinh Thanh Lọc Tâm Ý
- Kinh Phụng Trì
- Kinh Con Đường
- Kinh Tuyết Trên Đỉnh Núi
- Kinh Địa Ngục
- Kinh Điều Phục Chính Mình
- Kinh Chiếc Lưới Ái Ân
- Kinh Lợi Dưỡng
- Kinh Người Xuất Sĩ
- Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại
- Kinh Thoát Vòng Sinh Tử
- Kinh Đời Sống Đạo Lý
- Kinh Vị Phạm Chí
- Kinh Điềm Lành Lớn Nhất
Thích Nhất Hạnh Việt dịch
Thể kệ: Nguyên Định (chữ đậm)
Tâm diệt pháp cũng diệt, sinh diệt như mưa và như mưa đá, lưu chuyển không tự biết.
生死品法句經第三十七
Kinh Thoát Vòng Sinh Tử
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng
Phẩm thứ 37
Phẩm này có 18 bài kệ. Kinh này nói về luân hồi sinh tử và cách vượt thoát luân hồi sinh tử. Có những bài kệ cho ta cảm tưởng là thân và tâm là hai thực thể riêng biệt và thần thức thì thường tại trong khi hình hài thì tạm bợ. Cái thấy ấy có thể làm người ta đi lạc vào thường kiến. Nhưng bài kệ thứ 7 nhắc ta rằng cả hai cái thấy đoạn diệt và thường tại đều là những tà kiến và cái thấy luân hồi sinh tử trong ánh sáng của vô thường và vô ngã mới đích thực là chánh kiến. Thức lấy căn làm tên gọi, như nhãn thức, thân thức, ý thức… Đó là lời nhắc nhở của bài kệ thứ 10, cho ta nhớ cả thân và tâm đều nương vào nhau mà biểu hiện. Bài kệ 11 đi sâu hơn: tâm và đối tượng của tâm vừa khởi lên thì diệt ngay. Tâm diệt pháp cũng diệt, sinh diệt như mưa và mưa đá, lưu chuyển không tự biết. Đó là một bài kệ rất sâu sắc. Trong khi ấy thì bài kệ thứ 12 lại đi về hướng nhận thức nhị nguyên; cho thân và tâm là hai cái có thể tách rời nhau: đây là kinh chưa liễu nghĩa, nhưng cũng có sứ mạng của nó: thần thức đi về năm nẻo, bỏ thân này rồi lại thọ thân khác. Bài thứ 13 và 14 đưa ra những hình ảnh bỏ nhà cũ đi về nhà mới và bình vỡ chim bay đi.
Bài kệ 1
Mạng như quả đãi thục 命 如 菓 待 熟
Thường khủng hội linh lạc 常 恐 會 零 落
Dĩ sanh giai hữu khổ 已 生 皆 有 苦
Thục năng trí bất tử 孰 能 致 不 死
Mạng sống con người như trái cây đợi chín có thể rụng bất cứ lúc nào: có sinh ra thì phải có diệt. Có ai sống hoài được đâu.
Mạng sống con người
Như trái đợi chín
Thường sợ rơi rụng
Có sinh có diệt
Ai sống hoài đâu.
Bài kệ 2
Tòng sơ lạc ân ái 從 初 樂 恩 愛
Khả dâm nhập phao ảnh 可 婬 入 泡 影
Thọ hình mạng như điện 受 形 命 如 電
Trú dạ lưu nan chỉ 晝 夜 流 難 止
Ban đầu vì có ân ái nên mới có luân hồi. Thân hình và mạng sống được tiếp nhận, trôi chảy ngày đêm như một dòng điện, không thể nào dừng lại được.
Ban đầu ân ái
Mới có luân hồi
Thân hình sinh ra
Mạng sống trôi chảy
Như một dòng điện
Không dừng lại được.
Bài kệ 3
Thị thân vi tử vật 是 身 為 死 物
Tinh thần vô hình pháp 精 神 無 形 法
Giả lệnh tử phục sanh 假 令 死 復 生
Tội phước bất bại vong 罪 福 不 敗 亡
Thân thể mà không có tâm thức thì không có sự sống, trong khi đó tinh thần là cái vô hình tướng, cho nên chết rồi lại phải sinh trở lại, tội và phước không bao giờ mất đi.
Thân thể tâm thức
Làm nên sự sống
Tinh thần vô hình
Chết rồi lại sinh
Tội phước không mất.
Bài kệ 4
Chung thủy phi nhất thế 終 始 非 一 世
Tùng si ái cửu trường 從 癡 愛 久 長
Tự thử thọ khổ lạc 自 此 受 苦 樂
Thân tử thần bất tang 身 死 神 不 喪
Sự sống đâu phải chỉ được giới hạn trong một đời người. Vì có si mê và ái thủ cho nên cứ phải luân hồi lâu dài để hưởng phúc lạc hay chịu khổ đau. Thân xác tuy tiêu hoại nhưng thần thức không mất.
Sự sống đâu phải
Chỉ được giới hạn
Trong một đời người
Si mê ái thủ
Luân hồi lâu dài
Để hưởng phúc lạc
Hay chịu khổ đau;
Thân xác tiêu hoại
Thần thức không mất.
Bài kệ 5
Thân tứ đại vi sắc 身 四 大 為 色
Thức tứ uẩn viết danh 識 四 陰 曰 名
Kỳ tình thập bát chủng 其 情 十 八 種
Sở duyên khởi thập nhị 所 緣 起 十 二
Thân tứ đại này là sắc. Bốn uẩn kia kể cả thức uẩn thuộc về danh. Vọng tình sinh từ mười tám giới, nối tiếp do mười hai nhân duyên.
Sắc: thân tứ đại
Danh: bốn uẩn kia
Vọng tình sinh ra
Từ mười tám giới
Mười hai nhân duyên.
Bài kệ 6
Thần chỉ phàm cửu xứ 神 止 凡 九 處
Sanh tử bất đoạn điệt 生 死 不 斷 滅
Thế gian ngu bất văn 世 間 愚 不 聞
Tế ám vô thiên nhãn 蔽 闇 無 天 眼
Thần thức đi qua sinh tử trong chín cõi cư trú, không dừng nghỉ. Người trần tục không có con mắt tuệ không thấy, không nghe được sự thật này. Con mắt của họ bị che ám.
Thần thức sinh tử
Chín cõi cư trú
Không chịu dừng nghỉ
Người trần thiếu tuệ
Không thấy không nghe
Con mắt bị che.
Bài kệ 7
Tự đồ dĩ tam cấu 自 塗 以 三 垢
Vô mục ý vọng kiến 無 目 意 妄 見
Vị tử như sanh thời 謂 死 如 生 時
Hoặc vị tử đoạn diệt 或 謂 死 斷 滅
Tự làm ô nhiễm bởi ba loại trần cấu (tam cái), vì không có con mắt tuệ nên tâm ý họ chứa đầy những cái thấy sai lạc, cho nên họ bị vướng vào hoặc cái thấy đoạn diệt hoặc cái thấy thường tại.
Tự làm ô nhiễm
Ba loại trần cấu
Thiếu con mắt tuệ
Cái thấy sai lạc
Vướng thấy đoạn diệt
Hoặc thấy thường tại.
Bài kệ 8
Thức thần tạo tam giới 識 神 造 三 界
Thiện bất thiện ngũ xứ 善 不 善 五 處
Uẩn hành nhi mặc đáo 陰 行 而 默 到
Sở vãng như hưởng ưng 所 往 如 響 應
Chính thần thức tạo ra ba cõi và năm đường, bao gồm cả những gì thiện và ác. Năm ấm và các hành cứ lặng lẽ mà biểu hiện, qua lại như âm theo hưởng, như bóng theo hình.
Thần thức tạo ba cõi
Năm đường gồm thiện ác
Năm ấm và các hành
Lặng lẽ mà biểu hiện
Qua lại như âm hưởng
Như bóng đeo theo hình.
Bài kệ 9
Dục sắc bất sắc hữu 欲 色 不 色 有
Nhất thiết nhân túc hành 一 切 因 宿 行
Như chủng tùy bổn tượng 如 種 隨 本 像
Tự nhiên báo như ý 自 然 報 如 意
Sinh vào ba cõi dục, sắc và vô sắc là do nhân nghiệp sẵn có từ kiếp trước, hạt nào thành cây ấy, quả báo đến một cách tự nhiên.
Sinh vào ba cõi
Dục, sắc, vô sắc
Do nhân nghiệp sẵn
Có từ kiếp trước
Hạt nào cây ấy
Quả báo tự nhiên.
Bài kệ 10
Thần dĩ thân vi danh 神 以 身 為 名
Như hỏa tùy hình tự 如 火 隨 形 字
Trước chúc vi chúc hỏa 著 燭 為 燭 火
Tùy thán thảo phẩn tân 隨 炭 草 糞 薪
Thức lấy căn làm tên gọi, cũng như lửa lấy tên nhiên liệu làm tên mình, như lửa nến, lửa than, lửa rơm, lửa củi hoặc lửa phân.
Thức lấy căn làm tên
Như lửa lấy nhiên liệu
Làm tên gọi của mình
Như lửa nến, lửa than
Lửa rơm hay lửa củi.
Bài kệ 11
Tâm pháp khởi tắc khởi 心 法 起 則 起
Pháp diệt nhi tắc diệt 法 滅 而 則 滅
Hưng suy như vũ bạc 興 衰 如 雨 雹
Chuyển chuyển bất tự thức 轉 轉 不 自 識
Tâm và đối tượng của tâm vừa khởi lên thì diệt ngay, tâm diệt pháp cũng diệt, sinh diệt như mưa và mưa đá, lưu chuyển không tự biết.
Tâm và đối tượng
Vừa khởi, diệt ngay
Tâm diệt pháp diệt
Sinh diệt như mưa
Biến thành mưa đá
Lưu chuyển không hay.
Bài kệ 12
Thức thần tẩu ngũ đạo 識 神 走 五 道
Vô nhất xứ bất cánh 無 一 處 不 更
Xả thân phục thọ thân 捨 身 復 受 身
Như luân chuyển trước địa 如 輪 轉 著 地
Thần thức đi về năm nẻo qua lại khắp mọi nơi, bỏ thân này rồi lại thọ thân khác nhanh như xe lăn trên mặt đất.
Thần thức qua lại
Năm nẻo khắp nơi
Bỏ thân này rồi
Lại thọ thân khác
Nhanh như chiếc xe
Lăn trên mặt đất.
Bài kệ 13
Như nhân nhất thân cư 如 人 一 身 居
Khứ kỳ cố thất trung 去 其 故 室 中
Thần dĩ hình vi lư 神 以 形 為 廬
Hình hoại thần bất vong 形 壞 神 不 亡
Như người ở trong nhà, bỏ nhà cũ đi vào nhà mới, thần thức lấy thân làm nhà, khi thân xác tiêu hoại thần thức vẫn tiếp tục.
Như người trong nhà
Rời bỏ nhà cũ
Đi vào nhà mới
Thần thức ở thân
Thân xác tiêu hoại
Thần thức tiếp tục.
Bài kệ 14
Tinh thần cư hình khu 精 神 居 形 軀
Do tước tạng khí trung 猶 雀 藏 器 中
Khí phá tước phi khứ 器 破 雀 飛 去
Thân hoại thần thệ sanh 身 壞 神 逝 生
Thần thức cư trú trong hình hài như con chim ẩn náu trong ruột bình. Bình vỡ chim bay đi. Thân hoại thần thức đi đầu thai.
Thần thức cư trú
Trong hình hài người
Như chim ẩn náu
Trong ruột chiếc bình;
Bình vỡ chim bay
Xác thân tiêu hoại
Thần thức đầu thai.
Bài kệ 15
Tánh si tịnh thường tưởng 性 癡 淨 常 想
Lạc thân tưởng nghi tưởng 樂 身 想 疑 想
Hiềm vọng phi thượng yếu 嫌 望 非 上 要
Phật thuyết thị bất minh 佛 說 是 不 明
Si mê nên cứ tưởng bất tịnh là tịnh, vô thường là thường, khổ là lạc. Đó là những tri giác sai lầm, do đó mà có những cái ưa cái ghét không chính xác. Bụt bảo cái đó là vô minh.
Bất tịnh tưởng tịnh
Vô thường tưởng thường
Khổ tưởng an lạc
Tri giác sai lầm
Ưa ghét sai lệch
Đó là vô minh.
Bài kệ 16
Nhất bản nhị triển chuyển 一 本 二 展 轉
Tam cấu ngũ di quảng 三 垢 五 彌 廣
Chư hải thập tam sự 諸 海 十 三 事
Uyên tiêu việt độ hoan 淵 銷 越 度 歡
Từ cái một căn bản mà chuyển thành cái hai (nhị chuyển), rồi tới cái tam cấu và cái ngả đi rộng lớn.
(Từ căn bản trí đi đến sự thành tựu của nhị trí, hành giả vượt được vực sâu của tam cấu, năm thủ uẩn và mười hai cơn lũ lụt, đạt tới niềm vui siêu việt).
Từ một thành hai
Vượt qua tam cấu
Năm nhóm thủ uẩn
Mười hai cơn lũ
Đạt vui siêu việt.
Bài kệ 17
Tam sự đoạn tuyệt thời 三 事 斷 絕 時
Tri thân vô sở trực 知 身 無 所 直
Mạng khí uân noãn thức 命 氣 熅 煖 識
Xả thân nhi chuyển thệ 捨 身 而 轉 逝
Ba yếu tố hơi thở, hơi nóng và thức không còn thì biết thân hình này không thể tồn tại nữa. Đây là lúc bỏ thân để đi qua.
Hơi thở, hơi nóng
Thần thức không còn,
Biết rằng thân hình
Không thể tồn tại
Bỏ thân đổi đời.
Bài kệ 18
Đương kỳ tử ngọa địa 當 其 死 臥 地
Do thảo vô sở tri 猶 草 無 所 知
Quán kỳ trạng như thị 觀 其 狀 如 是
Đãn huyễn nhi ngu tham 但 幻 而 愚 貪
Hình hài đã nằm chết ở trên đất, như cỏ khô, người ta không hay biết gì nữa. Quán được như thế thì thấy tất cả đều như huyễn. Chỉ có kẻ không có trí tuệ mới tham tiếc thân này.
Hình hài nằm chết
Trên đất cỏ khô
Không hay biết gì;
Quán được như thế
Tất cả như huyễn
Chỉ có kẻ ngu
Tham tiếc thân này.