KINH GIÀ-LAM
伽藍經 (Già lam kinh), Trung A-hàm, MA 16
Tuệ Sỹ dịch và chú
(Tương đương với Kinh Kalama, AN 3:65)
Một thời Đức Phật trú tại Già-lam viên [1], cùng đại chúng Tỳ-kheo, đến Ki-xá Tử [2], trụ trong vườn Thi-nhiếp-hòa [3], phía Bắc thôn Ki-xá Tử.
Bấy giờ những người Già-lam ở Ki-xá Tử nghe đồn Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng họThích, đã từ bỏ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, đang trú tại Già-lam viên, và cùng đại chúng Tỳ-kheo đến Ki-xá Tử này, trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa ở phía Bắc thôn Ki-xá Tử. Vị Sa-môn Cù-đàm ấy có tiếng tăm lớn, truyền khắp mười phương rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, ThếGian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ởtrong thế gian này giữa Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảngđầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ’. Nếu gặp được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để tôn trọng, lễ bái cúng dường, thừa sự, thì sẽ được nhiều thiện lợi. Chúng ta hãy cùng nhauđến gặp Sa-môn Cù-đàm để lễ bái, cúng đường”.
Những người Già-lam ở Ki-xá Tử, nghe như vậy rồi, mỗi người cùng với quyến thuộc của mình kéo nhau ra khỏi Ki-xá Tử, đi về phía Bắc, tới rừng Thi-nhiếp-hòa. Họ muốn gặp Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường.
Đi đến chỗ Phật ngụ, những người Già-lam ấy hoặc có người lễ bái cúi đầu dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chào hỏi Đức Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chắp tay hướng đến Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người từ đàng xa thấy Đức Phật rồi im lặng ngồi xuống.
Lúc đó, những người Già-lam đều ngồi yên. Đức Phật thuyết pháp cho họ, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích, Ngài ngồi im lặng.
Bấy giờ những người Già-lam sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khai thị, giáo giới, khiến cho hoan hỷ, được lợi ích, họ đều từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo trịch vai bên hữu, chắp tay đến hướng Đức Phật, rồi bạch Đức Thế Tôn rằng:
“Thưa Cù-đàm, có một vị Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Già-lam chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của người khác. Thưa Cù-đàm, lại có một vị Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Già-lam cũng chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của kẻ khác. Thưa Cù-đàm, chúng tôi nghe vậy liền sanh nghi hoặc: Những vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy, vị nào thật? Vị nào hư?” [4]
Đức Thế Tôn nói rằng:
“Này các người Già-lam, các người chớ sanh nghi hoặc.[5] Vì sao vậy? Vì nhân có nghi hoặc liền sanh ra do dự. [6] Này các người Già-lam, các người tự mình không có tịnh trí để biết có đời sau hay không có đời sau. Này các người Già-lam, các người cũng không có tịnh trí để biết điều đã làm có tội hay không có tội. Này các người Già-lam, nên biết các nghiệp có ba cái là nguyên nhân, là sự tập khởi, là căn bản là duyên của nó [7]. Những gì là ba? Này các người Già-lam, tham là nhân, là tập, là bản, là duyên của các nghiệp. Này các người Già-lam, nhuế và si là nhân, là tập, là bản, là duyên của các nghiệp.
“Này các người Già-lam, người có tham bị tham che lấp, [8] tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có nhuế bị nhuế che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có si bị si che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc giết hại, dứt bỏ sự giết hại, dẹp bỏ dao gậy; có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến côn trùng. Vị ấyđối với sự sát sanh, tâm đã trừ sạch. “Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; vui vẻ trong việc nhận của được cho, thường ưa sự bố thí, vui vẻ không keo kiệt, không mong người kia đền trả. Vị ấy đối với việc lấy của không cho, tâm đã trừ sạch.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc phi phạm hạnh, đoạn trừ việc phi phạm hạnh; siêng tu phạm hạnh, siêng tu diệu hành, thanh tịnh, không uế, ly dục, đoạn dâm. Vị ấy đối với việc việc phi phạm hạnh, tâm đã trừ sạch.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói dối, đoạn trừ sự nói dối; nói lời chân thật, ưa thích sự chân thật, an trụ nơi chân thật không di động, tất cả những điều vị ấy nói đều đáng tin, không lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với việc nói dối, tâm đã trừ sạch.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa sự nói hai lưỡi, đoạn trừ việc nói hai lưỡi, không phá hoại kẻ khác, không nghe nơi người này nói lại người kia muốn phá hoại người này, không nghe nơi người kia nói lại với người này muốn phá hoại người kia; những người xa lìa nhau thì muốn kết hợp lại, thấy người kết hợp lại thì vui vẻ, không kết bè đảng, không khen việc kết bè đảng. Vị ấy đối với việc việc nói hai lưỡi, tâm đã trừ sạch.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói thô ác, đoạn trừ việc nói thô ác. Nếu có những lời mà từ khí thô bạo, âm thanh hung dữ trái tai, mọi người không vui, mọi người không ưa, làm cho người khác khổ não, làm cho họ không được an ổn, vị ấyđoạn trừ những lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã dịu dàng, xuôi tai, đi sâu vào lòng người, đáng thích, đáng yêu, làm cho người kia an lạc, âm thânh vừa đủ rõ ràng, không làm cho người kia sợ sệt, làm cho người kia được an ổn, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy đối với việc nói lời thô ác, tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa lời nói phù phiếm, đoạn trừ lời nói phù phiếm; nói đúng lúc, đúng sự thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói về tịch tĩnh,ưa nói về tịch tĩnh, hợp việc, hợp thời, thích nghi, khéo dạy dỗ, khéo quở rầy. Vị ấy đối với việc nói phù phiếm, tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tham lam, đoạn trừ tham lam, không ôm lòng não hại, thấy của cải và các nhu cầu sinh sống của người khác không móng lòng tham lam, muốn cho được trở về mình. Vị ấy đối với việc tham lam tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng. Vị ấy đối với sân nhuế tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, thực hành chánh kiến, không điên đảo; thấy như vậy, nói như vậy:
‘Có sự bố thí, có sự trai phước, và cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác. Có đời này và đời sau. Có cha, có mẹ, trên đời có những bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo vượt qua, khéo hướng đến, trong đời này và đời sau mà tự tri tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trụ. Vị ấy đối với việc tà kiến, tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi khẩu và ý. Xa lìa nhuế, xa lìa não hại, trừ bỏ thùy miên, không trạo cử, cống cao, đoạn trừ nghi, vượt qua mạn, chánh niệm, chánh trí, không có ngu si; tâm vị ấy tương ứng với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, trong hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng, hạ, cùng khắp tất cả, tâm tương ứng với từ, không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, rất rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cảthế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm bi, hỷ; tâm tương ứng với xả, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, này các người Già- lam, Đa văn Thánh đệ tửtâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn [9]. Những gì là bốn?
“‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. [10] Khi ta đã được nghiệp tương ứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanhđến thiện xứ, cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.
“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác.” [11] Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bịngười khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.
“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, [12] ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.
“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, nhưng ta không phạm đời, dù kẻ sợ hay kẻ không sợ, [13] luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cả thế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.
“Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn”. Những người Già-lam bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, Đa văn Thánh đệ tử tâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn. Những gì là bốn?
“‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. Khi ta đã được nghiệp tươngứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.
“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác. Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bị người khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, thưa Cù- đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.
“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, thưa Cù-đàm,Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.
“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, ta không phạm đời sợ hay không sợ, luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cảthế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.
“Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn.
“Thưa Cù-đàm, chúng con đã biết. Bạch Thiện Thệ, chúng con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, chúng con trọn đời tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Duy nguyện Thế Tôn chấp nhận cho chúng con làm Ưu-bà- tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến lúc mạng chung”.
Phật thuyết như vậy. Tất cả những người Già-lam và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Ghi chú:
* Tương đương với Kinh Kalama, AN 3:65
[1] Già-lam viên 伽藍園. Pāli, A. i. 189: tại thị trấn của những người Kālāma tên là Kesaputta, ở Kosala.
[2] Ki-xá tử 羈舍子; Pāli: Kesaputta, xem cht. trên.
[3] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸攝惒林. Pāli: Siṃsapā.
[4] Pl.: ahudeva kaṇkhā, ahudeva vicikicchā, “(chúng tôi) hoài nghi và phân vân!”
[5] Hán: mạc sanh nghi hoặc 莫生疑惑. Cf. Pāli, A. i. 188: alañhi vo, kālāmā, kaṅkhituṃ alam vicikicchium. Bất biến từ alaṃ ở đây thường hiểu theo nghĩa khẳng định: “Thích hợp thay cho các ngươi, những người Kālāmā, để mà hoài nghi!” Nghĩa là, hoài nghi là đúng. Nhưng bản Hán hiểu theo nghĩa tiêu cực, trong câu cấm chỉ: “Thôi đủ rồi để mà nghi hoặc!” Nghĩa là, chớ có hoài nghi! Đoạn trả lời của Phật tiếp theo trong bản Pāli là đoạn kinh nổi tiếng, rất nổi tiếng, về sự không chấp nhận giáo điều, cho nên, ở đây Phật chấp nhận thái độ hoài nghi đối với những giáo thuyết mà mình được nghe.
[6] Pl.: kaṅkhanīyeva… vicchikicchā uppannā.
[7] Hán: tập nhân bản hữu 因習本有; tức nhân, tập, duyên, sanh: bốn hành tướng của những cái làm nguyên nhân. Pāli, thành cú: esva hetu etaṃ nidānaṃ esa samudayo esa paccayo, đó là nhân, là (bản) duyên, là tập (khởi), là duyên (sinh).
[8] Pl. ibid.: luddho purisapuggalo lobhena abhibhūto, người xan tham bị tham lam khống chế.
[9] Hán: an ổn trú xứ 安穩住處: tô tức xứ. Pāli: assāsa, sự nghỉ ngơi (lấy lại hơi thở quân bình), sự bình an.
[10] Pl.: sace kho pana atthi paraloka, giả sử có thế giới khác (đời sau).
[11] Pl.: sace kho pana natthi paraloko, natthi sukatadukatānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipāko, giả sử không có thế giới khác, không có quả dị thục của những nghiêp thiện hay bất thiện.
[12] Pl. : sace kho pana karoto karīyati pāpaṃ, na kho panāhaṃ kassaci pāpaṃ cetemi, “giả sử có làm điều gì ác, nhưng ta không có ý ác đối với bất cứ ai.”
[13] Hán: bố dữ bất bố 怖與不怖, chỉ người run sợ tức kẻ yếu, và người vững vàng tức kẻ mạnh. Pāli: yvāhaṃ na kiñci vyābādhemi tasaṃ vā thāvaraṃ vā, ta không làm hại cái gì cả, dù đông vật hay bất động vật
Bài đọc thêm:
Kinh Kalama Anh - Việt
Kinh Trung A Hàm
Bài đọc thêm:
Kinh Kalama Anh - Việt
Kinh Trung A Hàm
- Từ khóa :
- Kinh Già-lam