Quyển Thứ Hai Mươi Mốt

29/04/201012:00 SA(Xem: 15127)
Quyển Thứ Hai Mươi Mốt
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập - Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
 Viện Phật Học Phổ Hiền Xuất Bản PL. 2530 DL 1986 (Trọn bộ 3 tập)
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn hành P.L 2539 DL. 1995 (Trọn bộ 3 tập)


 QUYỂN THỨ HAI MƯƠI MỐT

 PHẨM MA SẦU
 THỨ SÁU MƯƠI HAI


 Khi đó Thích Đề Hoàn Nhơn thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật này rất sâu khó thấy, không có nhớ tưởng, phân biệt, vì là rốt ráo ly vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Chúng sanh nào nghe Bát nhã ba la mật này mà có thể thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm, gần gũi, thực hành đúng như lời, nhẫn đến lúc được Vô Thượng Bồ Đề chẳng xen tạp tâm và tâm sở khác, phải biết là chẳng từ nơi công đức nhỏ”.

 Đức Phật dạy: “Đúng như vậy. Này Kiều Thi Ca! Người nghe Bát nhã ba la mật này nhẫn đến chẳng xen tạp các tâm, tâm sở khác, chẳng phải từ nơi công đức nhỏ mà được như vậy.

 Này Kiều Thi Ca! Theo ý ngươi thế nào? Nếu chúng sanh trong Diêm Phù Đề thành tựu thập thiện đạo, thành tựu tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định. Lại có thiện nam, thiện nữ thọ trì Bát nhã ba la mật, đọc tụng, gần gũi, chánh ức niệm, thực hành đúng như lời. Thiện nam, thiện nữ này hơn hẳn chúng sanh kia trăm ngàn muôn ức lần, nhẫn đến toán số ví dụ đều chẳng bằng được”.

 Bấy giờ có một Tỳ Kheo nói với Thích Đề Hoàn Nhơn: “Thiện nam, thiện nữ hành Bát nhã ba la mật đó, công đức hơn Ngài”.

 Thích Đề Hoàn Nhơn nói: “Thiện nam, thiện nữ đó chỉ một phen phát tâm còn hơn tôi, huống là nghe Bát nhã ba la mật này, thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm, thực hành đúng như lời.

 Thiện nam, thiện nữ đó chẳng phải chỉ hơn tôi, mà cũng hơn tất cả chư Thiên, Nhơn, A tu lathế gian. Chẳng phải chỉ hơn tất cả chư Thiên, Nhơn, A tu lathế gian, mà cũng hơn các bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La HánBích Chi Phật. Chẳng phải chỉ hơn các bậc Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật, mà cũng hơn chư Bồ Tát hành năm ba la mật xa lìa Bát nhã ba la mật, cũng hơn Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật mà không có sức phương tiện.

 Thiện nam, thiện nữ đó hành Bát nhã ba la mật đúng như lời, thì chẳng dứt giống Phật, thường thấy Phật, sớm gần đạo tràng.

 Đại Bồ Tát thực hành như vậy là vì muốn cứu vớt chúng sanh khỏi bị chìm đắm trong biển rộng.

 Đại Bồ Tát học như vậy là vì chẳng học những môn học của Thanh Văn, của Bích Chi Phật.

 Đại Bồ Tát học như vậy, bốn Thiên Vương đến chỗ Bồ Tát thưa rằng: Ngài nên siêng học gấp. Lúc ngồi đạo tràng thành Vô Thượng Bồ Đề, như chư Phật quá khứ thọ bốn cái bát, chúng tôi sẽ mang đến dưng lên Ngài. Và chư Thiên khác nhẫn đến Đại Tự Tại Thiên cũng sẽ cúng dường. Chư Phật mười phương cũng thường hộ niệm đại Bồ Tát này.

 Tất cả sự nạn ách khốn khổ thế gian, Bồ Tát này đều khỏi cả, cũng không có bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh thế gian.

 Vì hành Bát nhã ba la mật đại Bồ Tát này được công đức trong thời hiện tại như vậy”.

 Ngài A Nan nghĩ rằng: Thiên Đế Thích tự lực mình nói như vậy, hay là do thần lực của Phật?

 Biết tâm niệm của Ngài A Nan, Thích Đề Hoàn Nhơn nói: “Lời nói của tôi vừa rồi đều là thần lực của đức Phật cả”.

 Đức Phật bảo Ngài A Nan: “Đúng như lời Thích Đề Hoàn Nhơn nói, đều là oai thần của Phật.

 Này A Nan! Lúc Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật sâu xa này, các ác ma trong cõi Đại Thiên đều hồ nghi: Bồ Tát này sẽ được Vô Thượng Bồ Đề, hay sẽ giữa đường chứng thiệt tế, sa vào bực Thanh Văn, Bích Chi Phật.

 Lại này A Nan! Lúc Đại Bồ Tát nếu chẳng rời lìa Bát nhã ba la mật thì ác ma rất sầu khổ như tên nhọn xoi tim. Ác ma lại phóng gió lửa lớn nổi lên bốn phía, muốn làm cho Bồ Tát khiếp sợ biếng trễ, nhẫn đến sanh một niệm loạn tâm ở trong nhứt thiết chủng trí”.

 - Bạch đức Thế tôn! Chư Bồ Tát đều bị ác ma làm nhiễu loạn, hay có người chẳng bị làm nhiễu loạn?
 - Này A Nan! Có người bị nhiễu loạn, có người chẳng bị nhiễu loạn.
 - Bạch đức Thế Tôn! Những Bồ Tát nào bị ác ma làm nhiễu loạn?
 - Này A Nan! Có Bồ Tát ở đới trước nghe Bát nhã ba la mật mà lòng không tin, không hiểu. Bồ Tát này bị ma nhiễu loạn.

 Lại này A Nan! Lúc nghe Bát nhã ba la mật, Bồ Tát có ý nghi ngờ: Bát nhã ba la mật là thiệt có hay là thiệt không? Bồ Tát này bị ma nhiễu loạn.

 Lại này A Nan! Có Bồ Tát xa lìa thiện tri thức, chẳng nghe Bát nhã ba la mật. Vì chẳng nghe nên chẳng thấy, chẳng hỏi nên hành Bát nhã ba la mật thế nào? Nên tu Bát nhã ba la mật thế nào? Bồ Tát này ác ma nhiễu loạn được.

 Lại này A Nan! Nếu Bồ Tát xa lìa Bát nhã ba la mật để thọ những pháp khác. Bồ Tát này bị ác ma nhiễu loạn. Ác ma nghĩ rằng: Bọn này sẽ có bạn có đảng, sẽ thỏa mãn nguyện vọng của ta. Bồ Tát này tự mình sa vào hai bậc, cũng làm cho người khác sa vào hai bậc.

 Lại này A Nan! Lúc nghe nói Bát nhã ba la mật, nếu đại Bồ Tát bảo người khác rằng: Bát nhã ba la mật sâu xa này, chính tôi còn chẳng thấu đáo được, các người nghe học làm gì. Bồ Tát này ác ma nhiễu loạn được.

 Lại này A Nan! Nếu Bồ Tát khinh khi Bồ Tát khác rằng: Tôi hành Bát nhã ba la mật, hành viễn ly không, Ngài không có công đức đó. Bấy giờ ác ma rất vui mừng hớn hở: Nếu có Bồ Tát tự thị danh tánh bè đảng đông mà khinh khi chư Bồ Tát tốt khác, Bồ Tát này không thiệt có công đức bất thối chuyển. Vì không có thiệt nên sanh các phiền não, chỉ ham hư danh mà khinh tiện người khác không ở trong pháp của mình được. Ác ma nghĩ rằng: Nay cảnh giới cung diện của ta sẽ không trống, sẽ thêm đông ba ác đạo.

 Bấy giờ ác ma giúp oai lực cho Bồ Tát đó làm cho người khác tin lời nói của Bồ Tát đó.

 Vì tin lời nói nên thọ lãnh tu học theo kinh của Bồ Tát đó. Lúc tu học theo kinh của Bồ Tát đó. Lúc tu học theo kinh đó thêm nhiều các kết sử. Vì tâm của các người này điên đảo nên thân khẩu ý ba nghiệp gây tội mà đều thọ ác báo, do đó thêm nhiều ba ác đạo mà cung điện quyến thuộc ma càng đông. Vì thấy lợi như vậy nên ác ma vui mừng hớn hở.

 Này A Nan! Nếu người hành Bồ Tát đạo tranh đấu với người cầu Thanh Văn, ác ma thấy vậy nghĩ rằng đó là xa rời nhứt thiết chủng trí.

 Nếu Bồ Tát tranh đấu giận giữ mắng, nhiếc ác ma rất mừng rằng cả hai đều xa rời nhứt thiết chủng trí.

 Này A nan! Nếu Bồ Tát chưa được thọ kýác tâm tranh đấu mắng nhiếc đối với Bồ Tát đã được thọ ký, tùy khởi niệm nhiều ít, sẽ phải trãi qua số kiếp bao nhiêu đó, nếu chẳng bỏ nhứt thiết chủng trí, rồi sau mới được bổ nhậm bao nhiêu số kiếp đại trang nghiêm.

 - Bạch đức Thế Tôn! Ác tâm đó trải qua bao nhiêu kiếp số như vậy, giữa chừng có được xuất trừ chăng?

 - Này A Nan! Dầu ta có nói người cầu Bồ Tát đạo và người cầu Thanh Văn được xuất tội, nhưng với người cầu Bồ Tát đạogiận dữ tranh đấu mắng nhiếc ôm hờn chẳng ăn năn, chẳng bỏ lỗi, ta chẳng nói có xuất tội. Quyết sẽ lại thọ bao nhiêu kiếp số đó. Nếu chẳng bỏ nhứt thiết chủng trí vậy sau mới đại trang nghiêm.

 Nếu Bồ Tát đó tự cải hối rằng: Tôi có lỗi lớn, tôi sẽ chịu khuất dưới tất cả chúng sanh, đời này và đời sau tôi đều làm cho họ được hòa giải. Tôi sẽ chịu sự đạp đi của tất cả chúng sanh như cầu, như đò, như kẻ điếc câm. Sao tôi lại mắng nhiếc người, tôi chẳng nên phá hoại tâm Vô Thượng Bồ Đề, tôi phải độ tất cả chúng sinh khổ não này, sao tôi lại giận dữ đối với họ.

 - Bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát cùng ở chung với Bồ Tát thời phải thế nào?

 - Này A Nan! Cùng ở chung, Bồ Tát phải xem nhau như Phật. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát phải quan niệm rằng: Bồ Tát này là bạn cùng ngồi một thuyền với tôi, cùng tôi đồng học sáu ba la mật đến nhứt thiết chủng trí.

 Nếu Bồ Tát đó tạp hạnh, rời tâm nhứt thiết chủng trí thì tôi không nên học theo như vậy.

 Bồ Tát học như vậy thì gọi là bạn đồng học
 
 

 PHẨM ĐẲNG HỌC
 THỨ SÁU MƯƠI BA

 Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Những gì là đẳng pháp của đại Bồ TátBồ Tát phải học?”.

 - Này Tu Bồ Đề! Nội không đến vô pháp hữu pháp không là đẳng pháp của Bồ Tát.

 Sắc và sắc tướng không, thọ, tưởng, hành, thức và thọ, tưởng, hành, thức tướng không, nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề tướng không là đẳng pháp của Bồ Tát.

 Đây gọi là đẳng pháp của đại Bồ Tát. An trụ trong đẳng pháp này mà đại Bồ Tát được Vô Thượng Bồ Đề.

 - Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát vì sắc tận, vì sắc ly, vì sắc diệt, vì sắc bất sanh nên học, đó là học nhứt thiết chủng trí? Nhẫn đến vì tứ niệm xứ đến pháp bất cộng: tận, ly, diệt và bất sanh nên học nhứt thiết chủng trí?

 - Này Tu Bồ Đề? Theo ý ngươi thế nào? Sắc như, nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề như, Phật như. Các như đó có tận, có diệt, đoạn chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.
 - Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát học như đó là học nhứt thiết chủng trí, chẳng tác chứng, chẳng diệt, chẳng đoạn như vậy, học như thế ấy là đại Bồ Tát học nhứt thiết chủng trí.

 Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát học như vậy là học sáu ba la mật, là học tứ niệm xứ đến học pháp bất cộng. Nếu học tứ niệm xứ đến pháp bất cộng, đó là học nhứt thiết chủng trí.

 Này Tu Bồ Đề! Học như vậy là cùng tận mé bờ của các môn học. Ma và Thiên ma chẳng phá hoại được. Học như vậy thì chẳng đến bậc bất thối chuyển. Học như vậy là học đạo sở hành của Phật. học như vậy là được pháp ủng hộ, là học đại từ đại bi, là học tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh.

 Này Tu Bồ Đề! Học như vậy là học ba lần chuyển mười hai hành pháp luân. Học như vậy là học độ chúng sanh. Học như vậy là học chẳng dứt giống Phật. Học như vậy là học mở cửa cam lồ. Học như vậy là học muốn hiển thị tánh vô vi.

 Này Tu Bồ Đề! Người hạ liệt chẳng thể học được như vậy. Người học như vậy là vì muốn cứu vớt chúng sanh chìm đắm trong sanh tử.

 Người học như vậy trọn chẳng sa vào Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, trọn chẳng sanh ở biên địa, trọn chẳng sanh vào nhà Chiên Đà La, trọn chẳng mang tật điếc đuôi, câm ngọng, què thọt, các căn đầy đú, quyến thuộc thành tựu, trọn chẳng cô độc, nghèo cùng.

 Người học như vậy trọn chẳng sát sanh, nhẫn đến trọn chẳng tà kiến.

 Người học như vậy chẳng sanh sống tà mạng, chẳng gần người ác, người phá giới.

 Người học như vậy, do sức phương tiện nên chẳng sanh cõi Trời Trường Thọ. Những gì là sức phương tiện? Như trong Bát nhã ba la mật đã nói: Đại Bồ Tát do sức phương tiện mà nhập tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định mà chẳng theo thiền tâm định để thọ sanh.

 Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát học như vậy, ở trọng tất cả Pháp được thanh tịnh, đó là thanh tịnh tâm Thanh Văn, tâm Bích Chi Phật vậy.

 - Bạch đức Thế Tôn! Tất cả pháp bổn tanh thanh tịnh sao đức Phật dạy rằng Bồ Tát ở trong tất cả pháp được thanh tịnh?

 - Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Tất cả pháp bổn tánh thanh tịnh. Ở trong các Pháp đó, nếu đại Bồ Tát tâm thông đạt, chẳng mê mờ, đó chính là Bát nhã ba la mật.

 Các pháp như vậy, tất cả phàm phu chẳng biết, chẳng thấy.

 Vì những chúng sanh đó mà đại Bồ Tát hành Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, hành tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí.

 Này Tu Bồ Đề! Học như vậy, Bồ Tát ở trong tất cả pháp được mười trí lực, bốn vô sở úy. Học như vậy để biết tâm xu hướng của tất cả chúng sanh.

 Ví như ở quả đất, một ít chỗ sản xuất vàng bạc, châu báu.

 Cũng vậy trong chúng sanh có số ít người học được Bát nhã ba la mật, còn phần nhiều sa vào Thanh Văn, Bích Chi Phật.

 Ví như trong loài người, ít người tạo nghiệp Chuyển Luân Thánh Vương, còn người tạo nghiệp Tiểu Vương thì đông.

 Cũng vậy, một số ít chúng sanh hành Bát nhã ba la mật cầu nhứt thiết chủng trí, phần đông học đạo Thanh Văn, đạo Bích Chi Phật.

 Này Tu Bồ Đề! Trong hàng chư Bồ Tát phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề, ít có người hành trúng như lời, mà phần nhiều sa vào bực Thanh Văn, bực Bích Chi Phật. Nhiều Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật không có sức phương tiện, số ít người trụ bực bất thối chuyển.

 Này Tu Bồ Đề! Vì thế nên đại Bồ Tát muốn trụ bực bất thối chuyển, muốn trụ trong số bất thối chuyển, phải học Bát nhã ba la mật sâu xa này.

 Lại này Tu Bồ Đề! Lúc học Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng sinh lòng tham lam, căm giận, ngu si, giải đãi, tán loạn, phá giới, chẳng sanh tâm lầm lỗi khác, chẳng sanh tâm nắm lấy sắc tướng, chẳng sanh tâm nắm lấy tướng tứ niệm xứ đến Vô Thượng Bồ Đề.

 Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật này thì không có pháp để được.

 Vì không có pháp để được nên chẳng sanh tâm nắm lấy tướng.

 Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật sâu xa như vậy thì tổng nhiếp tất cả ba la mật, làm cho các ba la mật được tăng trưởng, các ba la mật đều tùy tùng. Vì Bát nhã ba la mật sâu xa này là chỗ vào của tất cả ba la mật.

 Ví như trong ngã kiến nhiếp hết sáu mươi hai kiến.

 Cũng vậy, Bát nhã ba la mật này nhiếp hết các ba la mật.

 Ví như người chết, vì mạng căn diệt nên các căn khác cũng đều diệt theo.

 Cũng vậy, lúc đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật sâu xa này thì các ba la mật đều tùy tùng!

 Này Tu Bồ Đề! Muốn cho các ba la mật được thành tựu rốt ráo, đại Bồ Tát phải học Bát nhã ba la mật sâu xa này.

 Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật sâu xa này thì lên trên tất cả chúng sanh.
 Này Tu Bồ Đề! Trong cõi Đại Thiên, chúng sanh có nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế tôn! Chúng sanh trong Diêm Phù Đề còn rất nhiều huống là trong cõi Đại Thiên.

 - Này Tu Bồ Đề! Nếu tất cả chúng sanh trong cõi Đại Thiên đồng thời được thân người đều chứng Vô Thượng Bồ Đề, có vị Bồ Tát đem y phục, đồ uống ăn, đồ nằm, thuốc men cúng dường bao nhiêu Phật như vậy, do nhơn duyên cúng dường đó được phước nhiều chăng?

 - Bạch đức Thế tôn! rất nhiều, rất nhiều.

 - Này Tu Bồ Đề! Phước ấy không nhiều bằng thiện nam, thiện nữ học Bát nhã ba la mật, chánh ức niệm, thực hành đúng như lời.

 Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mậtthế lực làm cho đại Bồ Tát được Vô Thượng Bồ Đề.

 Thế nên, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát muốn lên trên tất cả chúng sanh thì phải học Bát nhã ba la mật. Muốn làm chỗ cứu hộ cho chúng sanh khôn được cứu hộ, muốn làm chỗ về nương cho chúng sanh không chỗ về nương, muốn làm cho con đường rốt ráo cho chúng sanh không có đường rốt ráo, muốn làm mắt sáng cho chúng sanh mù, muốn được công đức Phật, muốn làm Phật tự tại du hí, muốn làm Phật sư tử hống, muốn dộng chuông Phật, đánh trống Phật, thổi ốc Phật, lên tòa Phật cao thuyết Pháp, muốn dứt nghi cho tất cả chúng sanh thì phải học Bát nhã ba la mật sâu xa.

 Này Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật sâu xa thì không công đức lành nào mà chẳng được.

 - Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát đó chừng có được công đức Thanh Văn, Bích Chi Phật chăng?

 - Này Tu Bồ Đề! Đều có thể được cả, nhưng chẳng an trụ trong đó, dùng trí quán xong liền thẳng qua nhập vào trong ngôi vị Bồ Tát.

 Đại Bồ Tát học như vậy thì gần nhứt thiết chủng trí, mau được Vô Thượng Bồ Đề.

 Đại Bồ Tát học như vậy thì làm phước điền cho tất cả Thiên, Nhơn, A Tu Lathế gian.

 Học như vậy, đại Bồ Tát lên trên bực Thanh Văn, Bích Chi Phật, mau gần nhứt thiết chủng trí.

 Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật sâu xa như vậy, phải biết là bực bất thối chuyển Bồ Tát, mau gần nhứt thiết chủng trí, xa rời Thanh Văn, Bích Chi Phật, gần Vô Thượng Bồ Đề.
 
 Này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, nếu đại Bồ Tát này nghĩ rằng: Đây là Bát nhã ba la mật, tôi do Bát nhã ba la mật này mà được nhứt thiết chủng trí. Nếu Bồ Tátý nghĩ như trên thì chẳng gọi là hành Bát nhã ba la mật.

 Nếu Bồ Tát lúc hành Bát nhã ba la mật mà không có ý nghĩ: Đây là Bát nhã ba la mật, đây là người có Bát nhã ba la mật, đây là pháp Bát nhã ba la mật, đây là người hành Bát nhã ba la mật được Vô Thượng Bồ Đề. Nếu Bồ Tát chẳng có ý nghĩ như trên thì gọi là hành Bát nhã ba la mật.

 Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát nghĩ rằng không có Bát nhã ba la mật ấy, không có người có Bát nhã ba la mật ấy, không có hành Bát nhã ba la mật được Vô Thượng Bồ Đề. Tại sao? Vì tất cả pháp như, pháp tánh, thiệt tế thường trụ vậy. Hành như vậy, đó là đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật”.
 
 

 PHẨM TÙY HỈ
 THỨ SÁU MƯƠI BỐN

 Khi đó, Thích Đề Hoàn Nhơn nghĩ rằng: Lúc đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, Thiền ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mật, Thí ba la mật, nhẫn đến mười tám pháp bất cộng, thì lên trên tất cả chúng sanh, huống là lúc được Vô Thượng Bồ Đề.

 Các chúng sanh nghe nhứt thiết chủng trí này, nếu người nào tin hiểu thì được lợi lành trong hàng người, được hơn thế trong hàng có thọ mạng, huống là phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Chúng sanh này hay phát được tâm Vô Thượng Bồ Đề, các chúng sanh khác đều phải mong muốn.

 Thích Đề Hoàn Nhơn đem bông mạn đà la cõi trời rải trên đức Phật mà tuyên lời rằng: “Do phước đức này, nếu có ai phát tâm Vô Thượng Bồ Đề thì làm cho người ấy đầy đủ Phật pháp, đầy đủ nhứt thiết trí, đầy đủ pháp tự nhiên, nếu ai cầu Thanh Văn thì làm cho họ đầy đủ pháp Thanh Văn.

 Bạch đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, tôi trọn chẳng sanh một niệm muốn họ thối chuyển, tôi cũng chẳng sanh một niệm khiến họ thối chuyển, sa vào bực Thanh Văn, Bích Chi Phật.

 Bạch đức Thế Tôn! Tôi nguyện cho chư Bồ Tát thêm tinh tấn nơi Vô Thượng Bồ Đề hơn, thấy chúng sanh ở trong sanh tử bị nhiều khổ não nên muốn lợi ích an vui cho tất cả thế gian, Thiên, Nhơn, A tu la, do tâm đó mà nguyện rằng: Tôi cũng tự độ cũng sẽ độ người chưa được độ, tôi đã tự giải thoát cũng sẽ giải thoát người chưa giải thoát, tôi đã an ổn cũng sẽ an người chưa được an, tôi đã diệt độ cũng sẽ khiến người chưa được diệt độ được diệt độ.

 Bạch đức Thế Tôn! Đối với Bồ Tát mới phát tâm, thiện nam, thiện nữ có tâm tùy hỷ công đức thì được bao nhiêu phước? Với Bồ Tát phát tâm lâu, có tâm tùy hỷ công đức thì được bao nhiêu phước? Với nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát, có tâm tùy hỷ công đức thì được bao nhiêu phước?”

 Đức Phật phán dạy: “Này Kiều Thi Ca! Cõi nước Tứ Thiên Hạ có thể cân biết được cân lượng, không thể cân lường được phước đức tùy hỷ này. Cõi nước Đại Thiên có thể cân biết được cân lượng, không thể cân lường được phước tùy hỷ này.


 Lại này Kiều Thi Ca! Cõi nước Đại Thiên, nước biển đầy trong đó, lấy một sợi tóc chẻ ra làm trăm phần, đem một phần tóc đó chấm lấy nước biển có thể biết được số giọt, không thể đếm biết được phước tùy hỷ này”.

 Thích Đề Hoàn Nhơn thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu chúng sanh nào tâm chẳng tùy hỷ Vô Thượng Bồ Đề thì đều là quyến thuộc của ma. Các người tâm chẳng tùy hỷ là từ trong ma sanh ra. Tại sao? Vì những người phát tâm tùy hỷ đều vì phá cảnh giới ma mà thọ sanh. Thế nên muốn ái kính Tam Bảo thì phải có tâm tùy hỷ, rồi hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, do vì chẳng một tướng, chẳng hai tướng”.

 Đức Phật phán dạy: “Đúng như vậy. Này Kiều Thi Ca! Với chư Bồ Tát, nếu người có tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy thì thường gặp chư Phật. Người đó trọn chẳng thấy sắc ác, trọn chẳng nghe tiếng ác, trọn chẳng ngửi mùi ác, trọn chẳng ăn vị ác, trọn chẳng chạm vật ác, trọn chẳng theo niệm ác, trọn chẳng xa rời chư Phật. Người đó sẽ sanh từ một cõi Phật đến một cõi Phật, luôn gần bên Phật và gieo trồng căn lành.

 Tại sao vậy? Vì người đó ở vơ lượng vô số thiện căn của chư Bồ Tát mới phát tâm, của chư Bồ Tát đệ nhị địa đến cửa đệ thập địa nhứt sanh bổ xứ chư đại Bồ Táttùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, do nhơn duyên căn lành này mà người đó mau gần Vô Thượng Bồ Đề.

 Chư Bồ Tát này được Vô Thượng Bồ Đề rồi độ thoát vô lượng vô biên vô số chúng sanh.
 Này Kiều Thi Ca! Vì thế nên thiện nam, thiện nữ ở nơi thiện căn của Bồ Tát mới phát tâm phải tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề, chẳng phải tâm cũng chẳng phải rời tâm”.

 Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Tâm ấy như huyễn, làm sao có thể được Vô Thượng Bồ Đề?”.

 - Này Tu Bồ Đề! Ngươi có thấy tâm như huyễn đó chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không, tôi chẳng thấy huyễn, cũng chẳng thấy tâm như huyễn.

 - Này Tu Bồ Đề! Nếu không huyễn, cũng không tâm như huyễn, ngươi có thấy tâm đó chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không.

 - Này Tu Bồ Đề! Rời huyễn và rời tâm như huyễn, ngươi thấy có pháp nào được Vô Thượng Bồ Đề chăng?

 - Bạch đức Thế Tôn! Không. Tôi chẳng thấy rời huyễn và rời tâm như huyễn lại có pháp được Vô Thượng Bồ Đề.

 Bạch đức Thế Tôn! Tôi chẳng thấy lại có những pháp nào có thể nói được là có là không, vì pháp tướng đó rất ráo ly, nên chẳng sa vào có, chẳng sa vào không.

 Nếu pháp rốt ráo ly thì chẳng thể được Vô Thượng Bồ Đề.

 Pháp vô sở hữu cũng chẳng thể được Vô Thượng Bồ Đề. Tại sao? Vì tất cả pháp vô sở hữu, trong đó không có ai cấu, không có ai tịnh vậy.

 Thế nên Bát nhã ba la mật rốt ráo ly, Thiền ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mậtThí ba la mật đều rốt ráo ly, nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề cũng rốt ráo ly.

 Nếu pháp đã rốt ráo ly thì chẳng nên tu, chẳng nên hoại. Hành Bát nhã ba la mật cũng không có pháp có thể được được, vì rốt ráo ly vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Nếu Bát nhã ba la mật rốt ráo ly, sao lại nhơn nơi Bát nhã ba la mật để Vô Thượng Bồ Đề. Vô Thượng Bồ Đề cũng rốt ráo ly. Trong hai thứ rốt ráo ly đó làm sao có thể có cái bị được”.

 Đức Phật phán dạy: “Lành thay! Lành thay! Bát nhã ba la mật rốt ráo ly, Thiền, Tấn, Nhẫn, Giới và Thí ba la mật đều rốt ráo ly, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí rốt ráo ly.

 Này Tu Bồ Đề! Nếu Bát nhã ba la mật rốt ráo ly, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí rốt ráo ly. Vì thế nên có thể được Vô Thượng Bồ Đề.

 Này Tu Bồ Đề! Nếu chẳng phải rốt ráo ly thì chẳng gọi là Thiền, Tấn, Nhẫn, Giới, Thí ba la mật, nhẫn đến chẳng gọi là nhứt thiết chủng trí.

 Này Tu Bồ Đề! Nếu là Bát nhã ba la mật thì rốt ráo ly, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí rốt ráo ly. Vì thế nên chẳng phải chẳng nhơn nơi Bát nhã ba la mật mà được Vô Thượng Bồ Đề. Cũng chẳng do ly mà được ly. Nhưng Vô Thượng Bồ Đề chẳng phải nhơn nơi Bát nhã ba la mật”.

 - Bạch đức Thế Tôn! Nghĩa sở hành của đại Bồ Tát thật là rất sâu.

 - Đúng như vậy. Này Tu Bồ Đề! Nghĩa sở hành của đại Bồ Tát rất sâu.

 Này Tu Bồ Đề! Chư đại Bồ Tát có thể làm những sự khó làm: đó là hành nghĩa sâu mà chẳng chứng bực Thanh Văn, Bích Chi Phật.

 - Bạch đức Thế Tô! Như tôi nghe nghĩa của đức Phật dạy thì sở hành của đại Bồ Tát chẳng lấy làm khó. Tại sao? Vì đại Bồ Tát chẳng được nghĩa sâu đó để tác chứng, cũng chẳng được Bát nhã ba la mật để tác chứng, cũng không người tác chứng.

 Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp chẳng thể được, những nghĩa gì có thể tác chứng, những gì là Bát nhã ba la mật tác chứng, những gì là người tác chứng, tác chứng rồi được Vô Thượng Bồ Đề?

 Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát nghe pháp đó mà tâm chẳng kinh sợ mê mờ thì gọi là hành Bát nhã ba la mật.

 Đại Bồ Tát lúc hành Bát nhã ba la mật chẳng thấy mình hành Bát nhã ba la mật, chẳng thấy là Bát nhã ba la mật, cũng chẳng thấy mình sẽ được Vô Thượng Bồ Đề.

 Tại sao vậy? Vì lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng nghĩ rằng: Thanh Văn, Bích Chi Phật cách xa tôi, nhứt thiết chủng trí cách tôi gần.

 Bạch đức Thế Tôn! Như hư không kia chẳng nghĩ rằng có pháp cách xa nó hay gần nó, vì hư không vô phân biệt.

 Cũng vậy, đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật chẳng nghĩ rằng: bục Thanh Văn, Bích Chi Phật cách tôi xa, nhứt thiết chủng trí cách tôi gần. Vì trong Bát nhã ba la mật vô phân biệt.

 Bạch đức Thế Tôn! Như người huyễn chẳng nghĩ huyễn sư cách tôi gần, khán giả cách tôi xa. Vì người huyễn vô phân biệt.

 Cũng vậy, đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật chẳng nghĩ là gần là xa, vì vô phân biệt vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Như tượng trong gương chẳng nghĩ rằng hình vật sở nhơn gần tôi, thứ khác thì xa tôi. Vì tượng vô phân biệt.

 Cũng vậy, đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật chẳng nghĩ là gần, là xa, vì vô phân biệt vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Như đức Phật không thương, không ghét. Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật cũng không thương, không ghét. Vì trong Bát nhã ba la mật không thương, không ghét.

 Bạch đức Thế Tôn! Như đức Phật, tất cả phân biệt, tưởng niệm đã dứt mất. Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật tất cả phân biệt, tưởng niệm cũng dứt mất. Vì rốt ráo không vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Như đức Phật hiện ra hóa nhơn. Hóa nhơn đó chẳng nghĩ rằng: bực Thanh Văn, Bích Chi Phật cách xa tôi, Vô Thượng Bồ Đề cách tôi gần, vì hóa nhơn đó vô phân biệt vậy.

 Cũng vậy, đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật chẳng nghĩ rằng Thanh Văn, Bích Chi Phật cách tôi xa, Vô Thượng Bồ Đề cách tôi gần.

 Bạch đức Thế Tôn! Như người vì có chỗ làm nên biến hóa, sự việc biến hóa đó vô phân biệt.

 Bát nhã ba la mật cũng vậy, vì có việc phải làm mà tu. Việc ấy thành tựuBát nhã ba la mật cũng không phân biệt.

 Bạch đức Thế Tôn! Như người thợ, vì có sự nghiệp phải làm nên thầy trò tạo ra người gỗ hoặc voi, ngựa, trâu, dê gỗ. Các hình gỗ đó cũng làm được việc mà vô phân biệt.

 Bát nhã ba la mật cũng vậy, vì có sự việc phải làm nên nói sự việc ấy thành tựu, nhưng Bát nhã ba la mật vô phân biệt”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Chỉ có Bát nhã ba la mật vô phân biệt thôi, còn năm ba la mật kia có vô phân biệt chăng?”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Năm ba la mật kia cũng đều vô phân biệt”.

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Sắc vô phân biệt, thọ, tưởng, hành, thức vô phân biệt, thập nhị nhập, thập bát giới vô phân biệt, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ đến bát thánh đạo, không, vô tướng, vô tác, mười trí lực, bốn vô úy, bốn vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp bất cộng, Vô Thượng Bồ Đề, Vô vi tánh cũng đều vô phân biệt.

 Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Nếu tất cả pháp, từ sắc đến Vô vi tánh đều vô phân biệt thì làm sao phân biệt có sáu đạo sanh tử: đó là Địa ngục, là Ngạ quỉ, là Súc sanh, là Thiên, là Nhơn, là A tu la? Làm sao phân biệtTu Đà Hoàn, là Tư Đà Hàm, là A Na Hàm, là A La Hán, là Bích Chi Phật, là chư Phật?”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Vì nhơn duyên chúng sanh điên đảo tạo nghiệp nơi thân, khẩu, ý, theo nghiệp trước mà thọ thân sáu đạo: thân Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A tu la, Nhơn, Thiên.

 Như lời Ngài nói, làm sao phân biệtTu Đà Hoàn nhẫn đến chư Phật?

 Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Tu đà Hoàn tức là vô phân biệt mà có. Quả Tu Đà Hoàn cũng là vô phân biệt mà có. Nhẫn đến Phật và quả Phật cũng là vô phân biệt mà có.

 Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Chư Phật quá khứ cũng là vô phân việt, do dứt phân biệt mà có.

 Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Vì thế nên phải biết tất cả pháp khôngphân biệt, vì tướng bất hoại, các pháp như, pháp tánh, thiệt tế vậy.

 Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Thế nên đại Bồ Tát phải hành Bát nhã ba la mật vô phân biệt. Hành Bát nhã ba la mật vô phân biệt rồi thì được Vô Thượng Bồ Đề vô phân biệt”.
 
 

 PHẨM HƯ KHÔNG
 THỨ SÁU MƯƠI LĂM

 Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Thưa Ngà Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mậthành pháp chơn thiệt hay là hành pháp không chơn thiệt?”

 Ngài Tu Bồ Đề nói: “Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mậthành pháp không chơn thiệt. Tại sao? Vì Bát nhã ba la mật này không chơn thiệt, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí không chơn thiệt vậy.

 Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật không chơn thiệt chẳng thể được, huống là chơn thiệt. Nhẫn đến hành nhứt thiết chủng trí pháp không chơn thiệt chẳng thể được, huống là pháp chơn thiệt”.

 Lúc đó chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc nghĩ rằng: Có thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, hành đúng như nghĩa Bát nhã ba la mật đã nói, nơi đẳng pháp chẳng chứng thiệt tế, chẳng sa vào bực Thanh Văn, Bích Chi Phật, người như vậy đáng được đảnh lễ.

 Ngài Tu Bồ Đề nói với chư thiên tử: “Chư đại Bồ Tát ở nơi đẳng pháp chẳng chứng bực Thanh Văn, Bích Chi Phật chẳng lấy làm khó.

 Chư đại Bồ Tát đại trang nghiêm, tôi sẽ độ vô lượng vô biên vô số chúng sanh. Biết chúng sanh rốt ráo chẳng thể được mà độ chúng sanh, đây mới là khó.

 Chư Thiên Tử! Đại Bồ Tát phát tâm Vô Thượng Bồ Đề nguyện rằng: Tôi sẽ độ tất cả chúng sanh.

 Chúng sanh thiệt chẳng thể được, người này muốn độ chúng sanh như muốn độ hư không.

 Tại sao? Vì hư không là ly, phải biết chúng sanh cũng là ly. Vì hư không là không, phải biết chúng sanh cũng là không. Vì hư không chẳng kiên cố, phải biết chúng sanh cũng không kiên cố. Vì hư không hư dối, phải biết chúng sanh cũng hư dối.

 Chư Thiên Tử! Thế nên biết chỗ làm của Đại Bồ Tát là khó. Vì lợi ích chúng sanh không có được mà đại trang nghiêm. Bồ Tát này vì chúng sanh mà kiết thệ nguyên, là muốn cùng tranh đấu với hư không.

 Bồ Tát này kiết thệ nguyện rồi cũng chẳng thấy có chúng sanh mà vì chúng sanh kiết thệ nguyện.

 Tại sao? Vì chúng sanh là ly, phải biết thệ nguyện cũng ly. Vì chúng sanh hư dối, phải biết thệ nguyện cũng hư dối.

 Nếu đại Bồ Tát nghe pháp như vậy mà lòng chẳng sợ, chẳng mê, phải biết đó là đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật.

 Tại sao? Vì sắc ly tức là chúng sanh ly; thọ, tưởng, hành, thức ly tức là chúng sanh ly. Sắc ly tức là sáu ba la mật ly; thọ, tưởng, hành, thức ly tức là sáu ba la mật ly, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí ly tức là sáu ba la mật ly.

 Nếu nghe tất cả pháp ly tướng như vậy mà lòng chẳng kinh sợ, mê mờ, phải biết đó là đại Bồ Tát ở trong Bát nhã ba la mật lòng không mê mờ?”.

 Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Duyên cớ gì mà đại Bồ Tát ở trong Bát nhã ba la mật lòng không mê mờ?”.

 Bạch đức Thế Tôn! Do nhơn duyên như vậy nên đại Bồ Tát ở trong Bát nhã ba la mật lòng chẳng mê mờ. Nơi Bồ Tát này: chẳng có người mê mờ, chẳng có sự mê mờ, chẳng có chỗ mê mờ, vì tất cả pháp này đều chẳng có thể được vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát nghe pháp như vậy mà lòng chẳng sợ sệt, chẳng mê mờ, phải biết là Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật. Tại sao? Vì người, sự và chỗ đều chẳng thể có được vậy.

 Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật như vậy, chư Thiên, Thích Đề Hoàn Nhơn, Phạm Vương, Thiên và chư Thiên chủ thế giới đều nên đảnh lễ”.

 Đức Phật phán dạy: “Chẳng như chư Thiên Tử ấy nên đảnh lễ, mà chư thiên cõi trên nữa như Quang Âm Thiên, Biến Tịnh Thiên, Quảng Quả Thiên, Tịnh Cư Thiên, đều nên đảnh lễ Bồ Tát đó.

 Này Tu Bồ Đề! Hiện tại nay chư Phật ở mười phương cũng hộ niệm đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật đó. Phải biết Bồ Tát đó như là Phật.

 Này Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh trong hằng sa thế giới đều làm ma. Mỗi một ma này lại biến hóa làm hằng sa ma. Tất cả số ma đó chẳng lưu nạn được đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật.

 Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thành tựu hai pháp sau đây thời ma chẳng phá hoại được: một là quán tất cả pháp không, hai là chẳng rời bỏ tất cả chúng sanh. Bồ Tát thành tựu hai pháp này thì ma chẳng phá hoại được.

 Lại có hai pháp mà đại Bồ Tát thành tựu thì ma chẳng phà hoại được: một là việc làm đúng như lời nói, hai là được chư Phật hộ niệm.

 Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành như vậy, chư Thiên đều đến chỗ Bồ Tát để thân cận, thăm hỏi, khuyến dụ, an ủi rằng: Không lâu Ngài sẽ được Vô Thượng Bồ Đề, Ngài thường phải hành những hạnh không, vô tướng, vô tác. Tại sao? Vì Ngài hành những hạnh đó thì Ngài hộ cho chúng sanh không được hộ, Ngài y chỉ chó chúng sanh không chỗ y chỉ, Ngài cứu chúng sanh không được cứu, Ngài làm con đường rốt ráo cho chúng sanh không đường rốt ráo, Ngài làm chỗ về cho chúng sanh không nơi về, làm cồn đảo cho chúng sanh không cồn đảo, làm ánh sáng cho kẻ tối, làm mắt sáng cho kẻ mù.

 Tại sao? Vì đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật thì hiện tại vô thượng vô số chư Phật mười phương ở trong đại chúng thuyết pháp, đều khen ngợi tuyên dương danh tánh của đại Bồ Tát rằng: Đại Bồ Tát tên hiệu đó thành tựu công đức Bát nhã ba la mật.

 Này Tu Bồ Đề! Như lúc ta thuyết pháp, ta khen ngợi Bửu Tướng Bồ Tát, Thi Khí Bồ Tát.

 Lại có chư đại Bồ Tát ở tại nước của đức Phật A Súc hành Bát nhã ba la mật, tịnh tu phạm hạnh, ta cũng khen ngợi danh tánh của Bồ Tát đó.

 Này Tu Bồ Đề! Cũng như phương Đông hiện tại chư Phật thuyết pháp. Trong đó có đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, tịnh tu phạm hạnh, ta cũng hoan hỷ ngợi khen Bồ Tát đó. Chín phương kia cũng vậy.

 Lại có Bồ Tát từ khi mới phát tâm muốn đầy đủ Phật đạo nhẫn đến được nhứt thiết chủng trí, lúc chư Phật thuyết pháp cũng hoan hỷ khen ngợi Bồ Tát đó. Tại sao? Vì chỗ làm của chư đại Bồ Tát rất khó, là những công hạnh chẳng dứt mất giống Phật”.

 Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Những Bồ Tát nào, lúc chư Phật thuyết pháp tự khen ngợi tuyên dương?”.

 - Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát bất thối chuyển, lúc chư Phật thuyết pháp tự khen ngợi tuyên dương.
 - Bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát bất thối chuyển nào được Phật ngợi khen?

 - Này Tu Bồ Đề! Như đức Phật A Súc lúc làm Bồ Tát thật hành học tập, chư Bồ Tát cũng học như vậy. Chư Bồ Tát bất thối chuyển này được chư Phật lúc thuyết pháp hoan hỷ ngợi khen.

 Lại này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật tin hiểu tất cả pháp vô sanh mà chưa được vô sanh pháp nhẫn, tin hiểu tất cả pháp không mà chưa được vô sanh pháp nhẫn, tin hiểu tất cả pháp hư dối chẳng thiệt, không chỗ có, chẳng bền chắc mà chưa được vô sanh pháp nhẫn.

 Này Tu Bồ Đề! Chư đại Bồ Tát như vậy, lúc chư Phật thuyết pháp hoan hỷ khen ngợi, tuyên dương danh tánh.

 Này Tu Bồ Đề! Nếu chư đại Bồ Tát nào được chư Phật lúc thuyết pháp hoan hỷ tự ngợi khen thì diệt dứt được bực Thanh Văn, Bích Chi Phật, sẽ được thọ ký Vô Thượng Bồ Đề.

 Này Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát nào được chư Phật thuyết pháp hoan hỷ tự ngợi khen thì sẽ được an trụ bực bất thối chuyển. An trụ bực đó rồi sẽ được nhứt thiết chủng trí.

 Lại này Tu Bồ Đề! Lúc nghe Bát nhã ba la mật sâu xa này, đại Bồ Tát tâm sáng lẹ chẳng nghi ngờ mà nghĩ rằng: sự đó đúng như đức Phật đã nói.

 Đại Bồ Tát đó cũng ở nơi đức Phật A Súc và chư Bồ Tát được nghe rộng Bát nhã ba la mật này cũng tin hiểu. Tin hiểu rồi hành đúng như Phật đã nói sẽ được trụ bực bất thối chuyển.

 Này Tu Bồ Đề! Chỉ nghe Bát nhã ba la mật được lợi ích lớn, huống là tin hiểu rồi trụ đúng lời, hành đúng như lời. Trụ và hành đúng như lời rồi an trụ trong nhứt thiết chủng trí.

 - Bạch đức Thế Tôn! Nếu như đức Phật nói chư đại Bồ Tát trụ đúng như lời, hành đúng như lời, an trụ trong nhứt thiết chủng trí. Đại Bồ Tát không pháp để được thế nào an trụ trong nhứt thiết chủng trí?
 
 - Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát trụ trong pháp như đó là an trụ nhứt thiết chủng trí.

 - Bạch đức Thế Tôn! Trừ như ra, không còn pháp nào để được thì ai trụ trong như, trụ trong như rồi sẽ được Vô Thượng Bồ Đề? Ai trụ trong như để thuyết pháp? Như ấy còn chẳng thể được, huống là trụ trong như được Vô Thượng Bồ Đề. Không bao giờ có ai trụ trong như để thuyết pháp.

 - Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Trừ như ra không còn pháp nào để được, ai trụ trong như. Trụ trong như rồi sẽ được Vô Thượng Bồ Đề. Ai trụ trong như để thuyết pháp. Như ấy còn chẳng thể được, huống là ai trụ trong như được Vô Thượng Bồ Đề. Ai trụ trong như để thuyết pháp.

 Tại sao vậy? Như ấy: không có sanh, không có diệt, không có trụ, không có dị. Nếu pháp không có sanh, diệt, trụ, dị thì trong đó ai sẽ trụ như. Ai sẽ trụ như mà thuyết pháp. Không bao giờ có sự đó”.

 Thích Đề Hoàn Nhơn thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Chỗ làm của chư đại Bồ Tát rất là khó: ở trong Bát nhã ba la mật sâu xa muốn được Vô Thượng Bồ Đề.

 Tại sao vậy? Vì không có ai trụ trong như, cũng không ai sẽ được Vô Thượng Bồ Đề, cũng không ai thuyết pháp. Đại Bồ Tát ở nơi đây lòng chẳng kinh sợ, nghi ngờ”.

 Ngài Tu Bồ Đề nói với Thiên Đế Thích: “Ngài nói chỗ làm của Đại Bồ Tát rất là khó: ở trong pháp rất khó đó mà tâm chẳng kinh sợ, nghi ngờ.

 Thưa Ngài Kiều Thi Ca! Trong các pháp không, ai kinh sợ? Ai nghi ngờ?”.
 Thiên Đế Thích nói: “Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Chỗ Ngài nói chỉ là pháp không, chẳng có chướng ngại. Như ngước bắn giữa hư không, mũi tên bay đi không chướng ngại. Ngài Tu Bồ Đề thuyết pháp vô ngại cũng như vậy”.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/07/2012(Xem: 103221)
20/05/2010(Xem: 55350)
06/09/2013(Xem: 15998)
14/05/2010(Xem: 61745)
10/10/2014(Xem: 43611)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.