Phẩm 5 Kim Cang Thân

06/06/201012:00 SA(Xem: 16985)
Phẩm 5  Kim Cang Thân

ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông

 

PHẨM THỨ NĂM

KIM CANG THÂN

 Đức Phật bảo: "Này Ca Diếp Bồ tát ! Thân Như Lai là thân thường trụ, thân bất hoại, thân kim cang, chẳng phải thân tạp thực. Thân Như Lai đích thực phải là PHÁP THÂN".

 Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Bạch Thế Tôn ! Những thân của Phật nói con đều chẳng thấy. Con chỉ thấy thân vô thường bại hoại, thân vi trần, tạp thực thôi. Vì rằng Như Lai sắp nhập Niết bàn".

 Phật dạy: Này Ca Diếp ! Chớ cho rằng thân Như Lai vô thường bại hoại như thân phàm phu.

 Ca Diếp ! Ông nên biết ! Thân Như Lai vô lượng vô số kiếp hằng hữu, luôn luôn hiện hữu, không có trong các cụm từ: tiêu tan bại hoại, mục nát, diệt vong. Vì thân Như Lai không có tướng đến, tướng đi, tướng ngồi, tướng nằm, tướng co, tướng duỗi....Thế cho nên, thân Như Lai không phải là thân tạp thực. Như Lai chẳng phải thân mà là thân. Thân Như Lai chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, không có lúc thêm lên, chẳng có lúc bớt xuống, không có lúc ra, chẳng có lúc vào. Thân Như Lai không phải hữu vi, chẳng phải vô vi, chẳng phải nghiệp quả, không rời nghiệp quả. Chẳng phải ngũ uẩn, không rời ngũ uẩn, chẳng phải thất đại, cũng không ngoài thất đại.Chẳng phải tâm vương, chẳng phải tâm sở, không ngoài tâm vương, tâm sở. Thân Như Lai bình đẳng hiện hữu mọi chốn mọi nơi mà cũng không trụ ở một chốn nơi nào. Vì thân Như Lai không phải là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Như Lai không phải nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, cũng không phải không nhãn, không nhĩ, không tỷ, không thiệt, không thân, không ý. Thân Như Lai không phải nhãn thức, cho đến không phải ý thức, nhưng cũng không xa lìa sáu thức ấy. Thân Như Lai vô sở trụ mà trụ tất cả chỗ, không tướng mạo mà đủ tất cả đức tướng trang nghiêm.

 Như Lai cứu độ cho tất cả chúng sinh được giải thoát mà không cứu độ một chúng sinh nào. Như Lai thương tất cả chúng sinh mà không thương một chúng sinh nào. Thân Như Lai thành tựu vô lượng vô biên công đức vi diệu như vậy. Thân của Như Lai không ai biết, không ai chẳng biết, vì thân Như Lai không phải không gian, không rời ngoài không gian, không phải thời gian cũng không ngoài thời gian. Thân của Như LaiPHÁP THÂN, là BIẾN NHẤT THIẾT XỨ. Thế cho nên nói Như Lai nhập Niết bàn, kỳ thực Như Lai chẳng nhập Niết bàn.

 PHÁP THÂN NHƯ LAI thành tựu công đức vi diệu thậm thâm vô thượng...

 _ Này Ca Diếp ! Chỉ có Như Lai mới biết. Chẳng phải hàng Thanh Văn, Duyên Giác biết được.

 _ Này Ca Diếp ! Chơn thân của Như Laicông đức như vậy, làm gì có các bịnh hoạn khổ đau, mong manh tạm bợ chẳng bền chắc như đồ gốm chưa hầm ! Như Lai thị hiện có các sự khổ là vì muốn điều phục các chúng sinh.

 Nay ông phải biết thân Như Laithân Kim Cang. Ông phải chuyên tâm tu tập suy nghĩ nghĩa ấy, chớ nghĩ như Lai là thân tạp thực. Ông cũng nên vì mọi người mà giảng nói: Rằng thân Như Lai là "Pháp thân".

 Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Như Lai thành tựu công đức như vậy, thì làm gì có chịu sự vô thường bại hoại, tử biệt sinh ly như hạng phàm phu !". Từ nay, con phải thường suy nghĩ thân của Như LaiPháp thân thường trụ, là giải thoát thân. Con sẽ nói rộng nghĩa ấy cho nhiều người khác cùng nghe biết.

 _ Kính bạch Thế Tôn ! Con chưa rõ vì nguyên nhân gì mà Pháp thân của Như Laithân Kim Cang bất hoại ?

 Phật dạy: "Này Ca Diếp ! Vì vô lượng kiếp tu nhân hộ trì chánh pháp mà được thành tựu thân Kim Cang thường trụ bất hoại này.

 Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: "Nếu có Tỳ kheo tùy ở chỗ nào, nuôi thân vừa đủ, đọc tụng kinh điển, tư duy tọa thiền, thường giảng nói về: phước đức của sự tu hạnh trì giới, bố thí....ít muốn, biết đủ....

 Dầu hay thuyết pháp như vậy mà không thể tuyên thuyết pháp Đại thừa, không có đồ chúng Đại thừa, không hàng phục được kẻ tà kiến. Tỳ kheo này không đem lại lợi ích cho mình và cũng chẳng đem lại lợi ích cho chúng sinh. Phải biết Tỳ kheo này dầu có giữ gìn phạm hạnh, trông có vẻ thanh tịnhthực chất hạng người này chẳng nếm được hương vị giải thoát giác ngộ của Đại thừa.

 Nếu có Tỳ kheo nuôi thân vừa đủ, giữ gìn cấm giới đã thọ, có thể giảng rộng giáo lý Đại thừa trong chín bộ kinh, để lợi ích an lạc các hạng chúng sinh, rằng: Trong kinh Niết bàn, đức Phật bảo các Tỳ kheo chẳng được chứa nuôi tôi tớ, trâu bò, dê lợn. Phải răn trị vị Tỳ kheo nào chứa nuôi những vật bất tịnh ấy. Như Lai ở trong các kinh đã từng dạy Tỳ kheo nuôi chứa những vật phi pháp, các quốc vương cứ theo luật pháptrừng trị bình đẳng như mọi công dân trong xã hội.

 Thầy Tỳ kheo tuyên thuyết những lời như trên đây, có thể bị những kẻ phá giới nghe được, oán giận, thậm chí hãm hại giết chết vị pháp sư này. Dầu bị giết chết nhưng vị pháp sư này được xem là bực trì giới lợi mình lợi người. Do duyên cớ ấy nên Như Lai cho phép vua quan, cư sĩ hộ trì người thuyết pháp. Nếu ai muốn được hộ trì chánh pháp phải nên tu học như vậy. 

 Này Ca Diếp ! Đời quá khứ vô lượng vô biên kiếp, nơi thành Câu Thi Na có Phật ra đời hiệu Hoan Hỉ Tăng Ích Như Lai, đủ mười đức hiệu. Lúc ấy, cõi nước rộng lớn tốt đẹp giàu có, nhân dân an lạc đầy đủ ấm no. Phật Hoan Hỉ Tăng Ích trụ thế rất lâu. Cơ duyên đã mãn, Phật nhập Niết Bàn nơi rừng Ta La. Sau khi Phật Hoan Hỉ Tăng Ích nhập Niết Bàn, chánh pháp còn ở đời vô lượng ức năm, lúc còn lại bốn mươi năm cuối cùng, có một Tỳ kheo trì giới hiệu là Giác Đức có đông đồ chúng. Tỳ kheo Giác Đức hay tuyên thuyết chín bộ kinh. Rằng ở trong các kinh Như Lai dạy các Tỳ kheo không được chứa nuôi tôi tớ, trâu bò, heo dê...những vật phi pháp. Các Tỳ kheo phá giới nghe được đem lòng oán ghét và hãm hại Giác Đức. Quốc vương Hữu Đức nghe được việc ấy, vì hộ pháp, nhà vua liền đến đấu chiến với bọn phá giới. Nhờ đó mà pháp sư Giác Đức khỏi nạn. Nhà vua bị thương nặng. Pháp sư Giác Đức liền khen vua rằng: "Lành thay ! Nay vua là người hộ pháp, đời nay, đời sau, thân vua sẽ là vô lượng pháp khí". Vua nghe lời ấy lòng rất vui mừng. Vì vết thương trầm trọng, nhà vua băng hà và thọ sanh vào thế giới của đức Phật A Súc, làm vị đệ tử thứ nhứt. Những người theo vua chiến đấu hoặc tùy hỉ đều được không thối chuyển tâm Bồ đề. Sau khi chết họ cũng được sanh về nước của Phật A Súc. Pháp sư Giác Đức khi báo mãn, thọ chung cũng sanh về cõi ấy làm đệ tử thứ hai trong chúng Thanh văn.

 Này Ca Diếp ! Quốc vương trước kia là tiền thân của ta đây, Pháp sư Giác Đứctiền thân của Phật Ca Diếp.

 Nếu lúc chánh pháp sắp diệt phải nên hộ trì như vậy. Người hộ pháp được vô lượng quả báo, vì thế nên nay Như Lai được nhiều tướng tốt để tự trang nghiêm, thành tựu "pháp thân Kim Cang bất hoại".

 Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Bạch Thế Tôn ! Thân chơn thường của Như Lai cũng như khắc chạm vào đá".

 Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Vì nhơn duyên như vậy nên Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di phải siêng năng hộ trì chánh pháp, hộ pháp được quả báo rộng lớn vô lượng.

 Này Ca Diếp ! Vì những cớ ấy nên hàng Ưu Bà Tắc v.v...phải cầm binh khí ủng hộ vị Tỳ kheo trì pháp như nhà vua hộ trì pháp sư Giác Đức. Thế cho nên Như Lai dạy: Vì chánh pháp Đại thừa, người sư sĩ không cần thọ trì ngũ giới bằng tâm kiến thủ tầm thường ! Nếu trụ tâm kiến thủ để thọ trì ngũ giới thì không phải là người tu học Đại thừa, làm giảm sút cái nhân TRƯỜNG THỌ, KIM CANG BẤT HOẠI.

 Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Nếu chư Tỳ kheo làm bạn với hàng Ưu Bà Tắc cầm binh khí như vậy là hợp với lời Phật dạy hay không hợp ? Làm như vậy trì giới hay phạm giới ?"

 Phật nói: "Ông chớ nói những người ấy là phạm giới. Sau khi ta nhập Niết bàn, đời trược ác, cõi nước nhiễu loạn, trộm cướp dấy lên, nhân dân đói khổ. Có người vì khổ nên phát tâm xuất gia, người như vậy đáng được gọi là người cư sĩ trọc. Hạng trọc ấy, thấy Tỳ kheo thanh tịnh giữ gìn giới hạnh, đầy đủ oai nghi, hộ trì chánh pháp, họ bèn xua đuổi hoặc âm mưu giết hại.

 Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Nếu như vậy, Tỳ kheo trì giới hộ trì chánh pháp làm thế nào đi vào tụ lạc, thành ấp giáo hóa mọi người ?"

 Phật nói: "Vì vậy nên Như Lai cho phép Tỳ kheo trì giới cùng làm bạn với hàng cư sĩ cầm khí giới. Trong trường hợp trên đây, các quốc vương, đại thần, trưởng giả, Ưu Bà Tắchộ pháp mà cầm binh khí. Như Lai gọi họ là người trì giới. Dầu cầm binh khí nhưng chẳng nên giết chết người. Được như vậy gọi là người trì giới bậc nhất.

 Người giảng rộng kinh điển Đại thừa phải là người xa rời lợi dưỡng, không tham muốn công danh, không đam mê sự nghiệp, không đua đòi vật chất, không cầu phú quý vinh hoa, không thân cận vua quan, không lân la đàn việt. Người giảng rộng Đại thừa phải là người đầy đủ oai nghi, điều phục những kẻ bất chánh hủy phạm giới luật. Hạng người như vậy, đáng được gọi là bậc thầy trì giới hộ pháp, là chơn thiện tri thức của chúng sanh.

 Này Ca Diếp ! Nếu có Tỳ kheocầu lợithuyết pháp cho người, đồ chúng quyến thuộc của Tỳ kheo này cũng bắt chước thầy mà cầu lợi, Tỳ kheo này được xem là người phá hoại chúng Tăng

 Này Ca Diếp ! Tăng chúng có ba hạng: Một là phạm giới tạp Tăng. Hai là ngu si Tăng. Ba là thanh tịnh Tăng. 

Hạng phạm giới tạp Tăng thì dễ dàng bại hoại rồi tự diệt vong.

Hạng thanh tịnh Tăng trì giới, lợi danh không làm hư đốn họ được.

Hạng ngu si Tăng dù có thiểu dục tri túc, thậm chí khổ hạnh, cũng không hưởng được hương vị an lạc giải thoát của Đại thừa.

 Thế nào là phạm giới tạp Tăng ? Thầy Tỳ kheo dầu giữ gìn giới cấm, vì cầu lợi cùng với người phạm giới ở chung, gây dựng sự nghiệp chung, đây gọi là người phạm giới cũng gọi là tạp Tăng.

 Thế nào là ngu si Tăng ? Giả sửTỳ kheo trụ nơi A Lan Nhã nhưng tâm trí đần độn. Dầu có tu hạnh thiểu dục tri túc, nhưng đến ngày thuyết giới, ngày tự tứ không biết thế nào đúng pháp, thế nào phi pháp. Đây gọi là hạng ngu si Tăng.

 Thế nào là thanh tịnh Tăng ? Các thầy Tỳ kheo Tăng không bị các ma làm nhiễu loạn, có thể điều phục hai bộ chúng trên làm cho an trụ trong chánh pháp. Đây là bậc đại sĩ Hộ pháp.

 Người khéo trì luật vì muốn điều phục lợi ích chúng sinh, rõ biết hành tướng hoặc khinh hoặc trọng của giới luật mà không câu chấp nhỏ nhen. 

 Thế nào là điều phục lợi ích chúng sinh ? Nếu là Bồ tátgiáo hóa chúng sinh có thể vào xóm làng mà chẳng cần thời hay phi thời. Thậm chí có thể đến nhà góa phụ, dâm nữ sống chung mà không bị nhiễm ô phạm hạnh. Đây gọi là hạng đại sĩ điều phục lợi ích chúng sinh. Hàng Thanh văn chủng tánh, thì không nên làm việc có tính mạo hiểm này.

 Này Ca Diếp ! Phật pháp mầu nhiệm vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai cũng chẳng thể nghĩ bàn.

 Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Đúng như lời Phật dạy, Phật pháp mầu nhiệm vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế, nay con biết rõ: Như Laithường trụ, chẳng biến đổi, chẳng hư hoại. Nay con khéo học và cũng sẽ giảng rộng cho nhiều người về nghĩa ấy".

 Phật khen Ca Diếp: "Lành thay ! Lành thay ! Thân Như Laithân Kim Cang bất hoại. Bồ tát phải khéo học như vậy, thấy như vậy là thấy chơn chánh. Biết như vậy là biết chơn chánh. Nếu có thể thấy biết như vậy là thấy được thân Kim Cang bất hoại của Phật! 

TRỰC CHỈ

"Vân hà đắc TRƯỜNG THỌ
KIM CANG BẤT HOẠI THÂN"

 Ý hỏi rằng:

Phải làm gì để được THÂN TRƯỜNG THỌ ?
Phải làm gì để có THÂN KIM CANG BẤT HOẠI ?

 Học phẩm TRƯỜNG THỌ thứ tư, người đệ tử Phật sáng mắt ra và nhận thức rõ về giá trị của danh từ TRƯỜNG THỌ, qua lời Như Lai Thế Tôn dạy cho Bồ tát Ca Diếp.

 Bồ tát Ca Diếp còn muốn tìm hiểu nguyên nhân nào hun đúc thành tựu cái quả THÂN KIM CANG BẤT HOẠI ?

"Vân hà đắc TRƯỜNG THỌ
KIM CANG BẤT HOẠI THÂN ?"

 Người Đại thừa, chủng tánh Đại thừa đọc hai câu đó, cảm nghe vừa sung sướng, vừa ngậm ngùi, nao nao, man mát trong lòng, vừa khởi niệm tri ân Bồ tát Ca Diếp, tri ân đức Phật tận đáy lòng thâm sâu vô lượng.

 Không có hai câu hỏi đó, người Đệ tử Phật không có cơ hội hiểu rõ PHÁP THÂN PHẬT. Người Đệ tử Phật, thông thường chỉ thấy Phật, nghe Phật và biết Phật qua ỨNG THÂN duyên khởi, qua thân tướng của Thái tử Tất Đạt Đa, Thích Ca Mâu Ni Phật.

 Đến như hạng người chứng quả Thanh văn, La Hán, thậm chí các Bồ tát Đăng địa mà sự hiểu biết của các vị về PHÁP THÂN PHẬT vẫn lờ mờ. Lờ mờ cho đến lúc trở thành "Kim Cang đạo hậu" mới thôi.

"Nhược dĩ sắc kiến ngã
âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai"

 Bài kệ cô khởi Phật dạy ở kinh Kim Cang ấy, cho biết rằng: Là đệ tử Phật mà chưa học hiểu PHÁP THÂN PHẬT, dù người đó có tu hành cần khổ thế nào cũng chỉ là người tà đạo. Người đó không phải đệ tử Phật, vì chưa hề quen biết Như Lai, Phật bao giờ.

Học về TRƯỜNG THỌ, là học PHÁP THÂN PHẬT hằng hữu, hiện hữu, tồn tại về mặt THỜI GIAN và học chân lý hun đúc tạo thành cái quả TRƯỜNG THỌ , bất sanh, bất diệt... ấy.

Học KIM CANG BẤT HOẠI THÂN là học rộng về NHƯ LAI PHÁP THÂN: hằng hữu, hiện hữu, tồn tại về mặt KHÔNG GIAN. Rằng thân Như Lai vượt ngoài các từ ngữ: tiêu tan, bại hoại, hư nát, diệt vong...Rằng thân Như Lai không có sinh, diệt, đến, đi, còn, mất. Không có đi, đứng, nằm, ngồi...Rằng thân Như Lai bình đẳng hiện hữu mọi chốn, mọi nơiNhư Lai không trụ một chốn nơi nào...

Rằng thân Như Lai không phải núi sông, đất liền, trời mây, trăng nước, cỏ cây, hoa lá. Thân Như Lai không phải động vật, thực vật, khoáng vật. Nhưng thân Như Lai không rời ngoài núi sông, đất liền, trời mây, trăng nước, cỏ cây, hoa lá. Thân Như Lai cũng không tách rời ngoài động vật, thực vật và khoáng vật trong vũ trụ vô biên vô cùng vô cực. Thân Như Lai là TẤT CẢ PHÁP. Vì thế, cho nên gọi là PHÁP THÂN (Ly nhật thiết tướng, tức nhất thiết pháp).

Học KIM CANG BẤT HOẠI THÂN tức là học về PHÁP THÂN PHẬT thường trụ bên mặt không gian vậy. 

Hộ trì chánh pháp ĐẠI THỪA là NHÂN, mà KIM CANG BẤT HOẠI là QUẢ.

 Không tư duy, không quán chiếu, không tu tập, không thực hành, không sống trong chánh pháp ĐẠI THỪA thì không hiểu biết chân lý: THẤT ĐẠI DUYÊN SINH, THANH TỊNH BẢN NHIÊN của hiện tượng vạn pháp.

Tánh GIÁC chân KHÔNG, tánh KHÔNG chân GIÁC, thanh tịnh bản nhiên, châu biến pháp giới.....

Tánh SẮC chân KHÔNG, tánh KHÔNG chân SẮC, thanh tịnh bản nhiên, châu biến pháp giới.....

Tánh THỦY chân KHÔNG, tánh KHÔNG chân THỦY, thanh tịnh bản nhiên, châu biến pháp giới.....

Tánh HỎA chân KHÔNG, tánh KHÔNG chân HỎA, thanh tịnh bản nhiên, châu biến pháp giới.....

Tánh PHONG chân KHÔNG, tánh KHÔNG chân PHONG, thanh tịnh bản nhiên, châu biến pháp giới.....

Tánh KIẾN giác minh, kiến tinh MINH GIÁC, thanh tịnh bản nhiên, châu biến pháp giới.....

Tánh THỨC chân KHÔNG, tánh KHÔNG chân THỨC, thanh tịnh bản nhiên, châu biến pháp giới.....

 GIỚI, ĐỊNH, TUỆ tam vô lậu học, Đại thừa hay Tiểu thừa đều xem trọng như nhau. Nhưng giới luật để THỌ để TRÌ thì quan niệmmục đích của hai bộ không đồng.

TRÌ GIỚITiểu thừa chú trọng: "Nhiếp lục nghi".

TRÌ GIỚIĐại thừa, ngoài "Nhiếp lục nghi" đặc biệt mở rộng thêm hai con đường phóng khoáng cho ý nghĩ và hành động:

TU THIỆN PHÁP cũng gọi là TRÌ GIỚI (cho TÂM)

NHIÊU ÍCH HỮU TÌNH cũng gọi là TRÌ GIỚI (cho HÀNH)

 Người Đại thừa trì giới có thể, có lúc rầy la, quở trách...thậm chí có vẻ thô bạo.

 Người Đại thừa trì giớihộ trì chánh pháp, có thể không cần thọ giới. Do vậy Phật dạy:

 Người Đại thừa nặng lòng hộ trì chánh pháp Đại thừa có thể cầm binh khí bảo vệ chánh pháp mà chưa GẤP thọ trì năm giới của một Ưu bà tắc...Đức Phật kể lại câu chuyện Tỳ kheo Giác Đức, vua Hữu Đức và vệ sĩ của vua sau khi mệnh chung, sanh về cõi nước của đức Phật A Súc để chứng minh điều đó.

 * Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀNĐại thừa liễu nghĩa kinh. Giáo nghĩa của kinh luận thậm thâm vi diệu; nhưng không phải thậm thâm vi diệu với mọi chủng tánh, với mọi hạng người, kể cả trong những người đã tự nhận mình là đệ tử của đức Thế Tôn.

 Đệ tử tại gia của Phật cũng có nhiều căn cơ, nhiều chủng tánh. Đệ tử xuất gia của Phật cũng có nhiều căn cơ, nhiều chủng tánh như vậy. Có người có khả năng tuyên dương chánh pháp Đại thừa, cũng có người xuyên tạc chánh pháp Đại thừa nhằm để củng cố công danh sự nghiệp huyễn chất thế gian.

 * Xiển dương Đại thừa không phải nhằm phê phán chê bai xem nhẹ Tiểu thừa. Nên biết ! Không có tầng nhà trệt, không thể có lầu một, lầu hai…

 * Gọi là người Đại thừa phải có đầy đủ chất liệu Tiểu thừa. Phải học Tiểu thừa rồi mới trở nên Đại thừa .

 * Muốn nhận thức đánh giá THỪA, người trí nhìn trên KẾT QUẢ của sự học đạo, hành đạochứng đạo...mà nhận biết đối tượng đang thuộc THỪA nào, sống trong THỪA nào, thọ dụng được hương vị an lạc của THỪA nào.

 THỪA không giống như một thứ nhãn...."nước tương", hay một thứ nhãn "chao" không cầu chứng, ai muốn in, muốn dán lọ nào cũng được ! Là Phật tử, chúng ta hãy thận trọng những lúc đề cập đến THỪA

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.